- Bút ký - Tạp văn
- Xông pha cứu người nơi tâm dịch
Xông pha cứu người nơi tâm dịch
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
AN NGỌC
(Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
TP HCM đang là mùa mưa, những cơn mưa chiều ướt vai áo từng chiến binh đang thầm lặng từng phút, từng giờ cùng tổ quân y của mình đi chữa bệnh lưu động cho F0 tại nhà trong thời điểm TPHCM đang căng mình chiến đấu với Covid-19.
Ngày 21-8-2021, Thiếu tá, bác sĩ Đào Huy Hiếu, học viên năm 2 Bác sĩ Chuyên khoa 2 của Học viện Quân y, bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có mặt trong đội hình Học viện Quân y đi chống dịch tại TP HCM. Anh cũng như rất nhiều đồng đội khác của mình mang theo mệnh lệnh của người bác sĩ-chiến sĩ sẵn sàng xông vào tâm dịch và quyết tâm chiến thắng trở về.
Niềm vui lớn là cứu sống bệnh nhân
Bác sĩ Đào Huy Hiếu cấp cứu cho ca F0 tại nhà
Nhận nhiệm vụ tại phường 12, quận Tân Bình, địa bàn rộng và dân số đông, trên 39.000 dân, tổ quân y của bác sĩ Đào Huy Hiếu được sắp xếp ở tại một lớp học trong ngôi trường cấp 2 của địa phương. Hàng ngày, sáng sớm hay đêm muộn anh cùng tổ quân y lưu động đi từng ngõ hẻm hướng dẫn, cấp thuốc, điều trị cho F0 tại nhà. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình trong ngày làm việc, bác sĩ Đào Huy Hiếu nhắn gửi vài dòng cho người viết: “Niềm vui lớn nhất trong ngày của tổ là đã cấp cứu được bao nhiêu bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng”.
Ngay hôm nhận nhiệm vụ tại TP HCM, bác sĩ Đào Huy Hiếu nhớ như in ca cấp cứu một bệnh nhân F0 cao tuổi tại nhà. Đó là một cụ bà 86 tuổi với tình trạng nằm bất động và mặt đeo khẩu trang, người nhà thì chạy quanh anh và miệng liên tục nói: “Bác sĩ ơi! Cứu mẹ em với”. Anh kéo khẩu trang bệnh nhân xuống, quan sát thấy miệng trào ra bọt hồng, kéo áo lên thì thấy cơ thể gầy gò, các cơ gian sườn đang co rút vì khó thở, đặt ống nghe thấy 2 phổi rất nhiều ral ẩm. Tiến hành đo Spo2 84%, huyết áp 80/50. Qua khai thác nhanh gia đình anh được biết bà cụ có bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường mới phát hiện nhiễm Covid-19 đã 3 hôm.
Nhận định nhanh, anh chẩn đoán bà cụ có thể đang phù phổi cấp và tiên lượng rất nặng. Trước đó, gia đình đã gọi nhiều nơi nhưng bệnh viện chưa thể thu xếp được giường trong khi tính mạng bệnh nhân chỉ còn tính bằng phút. Bằng nỗ lực của cả tổ cấp cứu, cuối cùng bà cụ đã được cứu sống. Bác sĩ Hiếu dặn gia đình dùng các thuốc theo phác đồ, khi nào bệnh viện thu xếp được giường thì nhập viện điều trị. Hai hôm sau, bác sĩ Đào Huy Hiếu gọi lại thì được biết bà đã ổn hơn rất nhiều nên có thể điều trị tiếp ở nhà.
“Hãy cố thêm chút nữa để kiểm soát được dịch”
Bác sĩ Đào Huy Hiếu và tổ quân y thực hiện nhiệm tại phường 12, quận Tân Bình, TP HCM
Cứ như vậy, ngày ngày anh và tổ quân y của mình luôn trong tình trạng trực chiến 24/24h, bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân gọi là anh bật dậy làm việc. Làm việc với cường độ cao song mọi người trong tổ đều tự nói với nhau rằng, mệt chỉ là cảm giác, chỉ cần cố thêm chút nữa, chút nữa, dịch sớm kiểm soát, Nam-Bắc hát vang bài ca chiến thắng “giặc Covid-19” thì dường như mọi mệt mỏi tan biến hết. “Có một hôm, tôi nhận được một số thuốc tăng sức đề kháng của nhà hảo tâm gửi cho tổ quân y chúng tôi, tôi liền chuyển ngay cho các đồng nghiệp ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương, vì tôi biết ở nơi đó họ cần trước chúng tôi”, anh Hiếu kể.
“Cũng có lúc chúng tôi mệt mỏi một chút, thậm chí tôi cũng là một F0 khi vừa điều trị xong cho một gia đình F0 ở quận Tân Bình. Chúng tôi lao vào cuộc chiến với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết dù bao khó khăn, gian khổ”, bác sĩ Hiếu tâm sự. Ngày lại ngày nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ, nụ cười ẩn dưới khẩu trang nhưng họ đã truyền cho nhau sức mạnh tinh thần đặc biệt để đi qua những ngày tháng mà sau này họ gọi là áp lực kinh khủng… Khối lượng công việc bộn bề nhưng những con người ấy đã đồng lòng, cùng sát cánh vượt qua mọi khó khăn. Họ kiên trì bám trụ, miệt mài làm việc bởi từng khoảnh khắc giữ lại cho đời những phận người mãi là món quà trân quý nhất mà họ nhận được từ cuộc đời.
Bác sĩ Hiếu cũng như những bác sĩ quân y khác trong chuyến đi đã có những trải nghiệm đáng nhớ. Anh cũng nhận ra rằng những niềm đau và nỗi vui mà anh được thấy, được cảm nhận, đó là món quà ưu ái của nghề y đưa lại. Cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp này bởi sự sẻ chia luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống.
Trên con đường đầy ắp tình nhân ái đó đã có bao con người được giữ lại khi đứng giữa lằn ranh sinh - tử. Cũng có nghĩa biết bao gia đình được đoàn viên ở thời khắc tưởng như mãi mãi chia lìa. Đó thực sự là những giọt máu hồi sinh. Chỉ họ mới thấu hiểu những giọt máu lưu chuyển trong cơ thể mình, cho mình cơ hội để mỉm cười khi trở lại với đời thì sâu thẳm, giọt máu mang gương mặt trái tim ấy vẫn lên tiếng, rằng có gì lớn hơn sự sống và tình người...
Cả vợ và chồng cùng xông pha tuyến đầu
Bác sĩ Đào Huy Hiếu vừa chuẩn bị bình oxy, vừa tư vấn điện thoại điều trị F0 tại nhà
Thời điểm ấy, dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp trên toàn cầu và cả ở Việt Nam, với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh và khi mắc thì diễn biến bệnh cũng rất nhanh, ngay cả những người trẻ không có bệnh nền vẫn có thể tử vong. Nơi tuyến đầu chống dịch, anh Hiếu cũng như vợ của mình, chị cùng đoàn thiện nguyện cũng tham gia chống dịch tại TPCHM đối mặt với nhiều nguy cơ. Nơi quê nhà anh còn có hai con còn nhỏ, bố mẹ hai bên tuổi đã già, nhưng anh và chị cùng khắc phục những khó khăn trước mắt, cùng quyết tâm xông pha vào tâm dịch. Vì hơn hết anh chị luôn tin vào ngày mai chiến thắng. Đó là niềm tin vào sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam kiên cường, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, đặc biệt là trong trận chiến chống dịch Covid-19 này.
Những trang nhật ký chống dịch của bác sĩ Đào Huy Hiếu cùng tổ quân y của mình sẽ còn dày thêm. Họ sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, nhưng họ đã sống và cống hiến một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình mang hai màu áo, áo trắng–áo xanh, màu áo của “vùng xanh” tinh thần, màu áo của bình yên cho mọi nhà.
Một tháng, hai tháng hay còn lâu hơn thế, không ai biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc, anh Hiếu cùng nhiều cán bộ y tế nơi tuyến đầu mới bớt cực nhọc, khỏe mạnh về nhà và đoàn tụ với gia đình, ăn những bữa cơm nóng hổi và ngủ đủ giấc. Thế nên, vào lúc này, không gì quan trọng hơn những lời động viên, sự chia sẻ và thấu hiểu từ hậu phương cùng sự hợp tác của người dân, đoàn kết chống dịch để ngày chiến thắng Covid-19 thêm gần.
Lịch sử sẽ nhớ mãi những năm tháng này. Những người quệt mồ hôi đầm đìa, cưỡng lại bao mỏi mệt của đêm như ngày không ngủ trong phòng cấp cứu, gắng ghi lại những điều không thể thốt lên lời kia, hẳn rồi đây, khi tháng năm qua đi, họ vẫn mãi nhớ. Kỷ niệm dẫu có cay đắng, bức bối và đẫm lệ, rồi cũng sẽ bớt xót xa, bởi họ đã sống và dám sống, dám hy sinh. Có lẽ mọi tôn vinh, biểu dương, tụng ca rồi cũng phai dần, chỉ còn những dòng chữ mảnh dẻ như đinh đóng vào tim. Cuộc chiến ấy, bao người đã ra đi, nhưng trong tim họ, không hề có cái chết, bởi ít nhất những người bạc mệnh đã mang về thế giới bên kia lời vỗ về của người còn sống vẫn run rẩy đến giờ…
Yêu thương và sự hy sinh
Nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua ranh giới ấy”. Những người mang sứ mệnh cứu người như anh Hiếu mà tôi đã gặp, đã trò chuyện họ chưa bao giờ lùi bước, dẫu mỗi thời khắc đều đối mặt với hiểm nguy. Không ai nói ra nhưng họ đều hiểu mang trong mình sứ mệnh cao cả thì phải thực hiện nó một cách trọn vẹn nhất. Với những “thiên sứ” ấy, nếu hỏi điều gì trân quý nhất để làm nên tình yêu thương, có lẽ họ sẽ không e ngại mà nói ngay rằng, đó là sự hy sinh. Tình yêu thương qua bao tháng năm được nuôi dưỡng, bồi đắp từ những hi sinh thầm lặng ấy.