- Lý luận - Phê bình
- Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
TUẤN TRẦN
(Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn)
Khi gấp tập "Năm ngón chưa đặt tên" tôi thấy đầm đầy mật ngôn của kẻ đói, người khát... “cạn ngày”. Đó là hành trình của "ngôn cùng lý tận" để bảo vệ, bênh vực cái hiền thiện và oán ghét thói đời bạc nhược, ươn hèn. Là giọt lệ xót đau “Rồi khép hờ nhau tiếng ngày qua”. Những bóng chữ loang lổ nỗ lực chiếu sáng trong mùng đêm huyễn ẩn tối tăm. “Một ngày trôi qua/ Con chim cất tiếng hót rồi bay đi/ Sao ta sợ sự thật như thế”. Thứ văn chương vô mệnh tấm tức trên trang giấy: "Gặm, khoét khôn lường", ngụp sâu tiếng việt. Sự hóa thân của "em" trong nhiều dạng/ thể để tự sự về “nạn đói tình người”. Mỗi lần chủ thể trữ tình gọi người thương là mịt mù bụi phủ, đậm dày tình tháng năm và những trải nghiệm ăn gió mòn sương, kiếp người lưu đày đến rộng khổ khiếp nhược. “Như đôi chân thủy tinh nhún nhảy/ Trên cạm bẫy cuộc đời". Kẻ mộng du đi dưới trời đêm đầy hư ảnh "hồn xé thành trăm mảnh" hỏi người có "mang về nhánh trên tay". Những con chữ quờ quạng uống hơi đêm tìm nhau hoảng loạn trong "sương khói hững hờ, hạc vỗ cánh bay". Nhà thơ đi tìm tiếng hình loài người trong bể đời trũng sâu đã vội vã giá đông để sắp đặt "dấu chấm hết": “Đêm xôn xao gãy lên ngàn cung nhớ/ Em tiếc đêm nên đã khóc bao ngày/ Ta lang thang giữa sao trời độ lượng/ Những lá vàng lòa lấp lá cỏ may”.
Những góp nhặt vụn vỡ nhân sinh để hồi phục tàn tích đời nhiều những cuộc tìm chính mình. Có khi đi đến nửa kia bán cầu rồi lại về với cội nguồn sinh dưỡng. Tiếng kêu của những chữ sống sót, ủ trong muôn tiếng sáo diều. Bởi "tiếng sáo diều xưa trong lòng tôi xây tổ". Nhà thơ luôn đau xót nỗi suy tàn, phân rã và ăn bắt trách nhiệm của mình cùng canh cánh nỗi quê hương. Nơi mặt đất lạnh tanh lòng người, “chân lý long đong”, hồn thơ đi tìm nguồn nước sông sâu diệu vợi hòng khỏa lấp cơn khát kết nối để làm đầy. Giấy nát, tự tàn, tiếng gọi “Thi nhân hỡi” như tái tê cõi lòng: “Thi nhân hỡi”/…Người quỳ nhiều giấy thơm tê buốt…/ Đây này hố chôn tập thể/ Người còn dưới đó ngủ mê”. Nhà thơ nói về thế giới thơ của mình, đã không còn những cõi thiêng liêng, chỉ còn điệu xảo trá vô luân, những kẻ đã mạo danh thi ca để đấu hót tin mừng. Một thời đại khi con chữ “ăn xổi ở thì”, cạn ráo nhân tính: “Mặt con chữ xỏ xiên/ Hoa vàng bay đau xót”…
Để rồi, thèm thuồng cõi an/ yên nơi bụng mẹ. Đó là thời khắc ngủ say thiêng liêng. Tác giả cần nhiều hơn im lặng để những "trái tim náu ẩn”, "đôi tai thôi rỉ máu" khi nghe tiếng đau đời sự thật bất nhẫn, phỉ nhân. Và để những mầm ủ trong vỏ cây khô cựa quậy, "ứa nhựa nơi em nở".
Tiếng thơ nỗ lực để "câm lặng", để tránh ánh nhìn trực cảm vào sự thật bất khiết nhưng tự thân lòng tiếng mở ra và phơi bày, lộ tẩy cái ác buộc hồn thi nhân phải đồng thời khổ luyện chịu đau: mỗi lần một mất mát đã từng của chiến tranh hiện về trong kí ức lại hoác miệng lần nữa hình riệt vết đau tưởng chừng đã lên da. "Tên đổ tể" kia đã làm "sông Đông" còn không "sự êm đềm"?. Không thể hòa giải, không thể tha thứ, không thể xoa dịu, không thể giãi bày. Chỉ còn có thể “bay”, "buông về mây trắng em ơi". Hồn thơ vô vọng trong cơn sốt thời đại, cái giá sự sống bằng máu và nước mắt. Có thể thấy cuộc hành trình đi tìm tín điều thiện lương thật mong manh trong không/ thời gian nghệ thuật. Điều đó tôn bồi cho tình nhân loại tha thiết trong tiếng lòng của con người luôn nhiều nỗi niềm thế sự, nhân sinh.
Hồn thi nhân "Tự vấn": Có phải thơ là ngôn ngữ của nước mắt. Chảy vô hồi đến cạn, hóa hơi, vẫn săn mặn vị muối. Cạo trên lớp giấy thiệp dấu máu hồng từng tràn chảy. Đó cũng là quan niệm nghệ thuật của nhà thơ Đinh Nho Tuấn: Đừng viết gì khi trống rỗng, phải đổ máu và nước mắt lan thấm về sự đời đổ nát rồi hãy cầm bút "vẽ đời" cho ra dáng hình thẩm mỹ đích thực. Họa những nét vẽ đậm dày tín hiệu nhân sinh và thời cuộc.
Tiếng thơ trong đêm làm “Hồn anh đỡ bơ vơ”. Thứ tiếng phô mạch giãi bày những sâu kín tâm tư. Trở thành tiếng hình tương tư, trắc ẩn, vun bồi những cơn mộng “hồi tưởng”, “Kí ức đắp bồi dính dấp thịt da”. Tiếng khởi sự cơn sốt “đối thoại” để làm người. Đối thoại với em, với anh, với quê hương, với những ngã đường, ngõ ngách, khiếp sống, với sự thật, để điều công bình được đối mặt cởi mở với những dối gạt nghịch thường mà cắt nghĩa sống động những điều “nhỏ nhoi” bắt đầu từ “em” “máu thịt và tình thương”
Hồn thơ Đinh Nho Tuấn cần cù đẽo gọt, gom lấy một vài khoảnh khắc tận hưởng thuần túy khi các giác quan nở rộ để đổi lấy sự kiên nhẫn khắc kỷ của các bài học ngôn ngữ. Để nhìn đời biết đớn đau đó mà nguôi dần trong tiếng gọi yêu thương: “Em” và “hoa” (nở) đã ngàn lần xuất hiện trong tập thơ như sự bền bỉ đấu tranh và chiến thắng cái ác của “thiên thần”. Nhà thơ không phải kẻ cố gắng sáng tác thơ mà là sự sống thiêng liêng cùng các từ, ngữ, những gạch nối, khoảng cách mở lối đùa chơi. Khi soi mình vào bể đời, ngắm nhìn nhân sinh, khi thấy những “bỏng rát thời cuộc” con chữ cũng trở nên “lửa táp cháy xương”. Tiếng thơ giăng co thiện/ ác, nỗ lực chen chúc, đấu tranh trong cơ thể chật chội, kêu đòi cuộc sống phải cho tôi khát khao được yêu, nói điều tự do…
Bao lo âu cho sự mênh mông chuyển dời, thế nhưng “Con không thể quay về trốn vào bụng mẹ”. Có những người là gió, gió phải được tự do. Con không là cây để “lạc địa sinh căn”, cắm rễ sâu vào trơ khốc lạnh lùng. Con đi trong linh hồn khắc khoải, những chữ “kết án bạo lực”, chối bỏ sự tham tàn, xa xỉ, thói đời điểu giả, điêu trá, cợt đùa…
Hành trình đặt tên cho năm ngón tay. Có thể, điểm ga cuối cùng không còn ngón nào nữa để đặt tên. Bởi năm ngón kia hay hoặc cả bàn tay đã bị mài nhẵn, trơ cùi… Ý chí sống được mài kiệt trong thơ, bàn tay lao động cần mẫn đã xác xơ cụt què… Để tiếng việt lên ngôi, để choàng ôm những số phận.
Cũng không hẳn là “gió” đi rồi chẳng muốn về. Đinh Nho Tuấn ý thức sâu sắc về quê hương, lòng ái quốc vô biên thông qua những tôn thờ cái đẹp, nhà thơ đã chấm phá những nét kì họa về Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Pleiku… Gắn thiết đời thơ cho mảnh đất và tình người quê mình. Cùng lòng oán giận kịch liệt chiến tranh, hơn ai hết Việt Nam hiểu “chiến tranh không phải trò đùa”. Nhưng lại không phải là “cây”, yên ắng bất động nhìn ngắm diện mạo nhân sinh rồi ngậm ngùi, cúi đầu đắng cay trước bão giông. Anh là “cây” những cây nhổ rễ, phiên bạt, cây tự chuyển lưu, ăn bắt vào đất lần tìm mạch sống, rồi lại hẹn hò với gió những kiếp sống bất tận, “vượt biên”, vượt cả không gian của tâm tưởng để huyền hòa vũ trụ…:
Khi hóa là đứa trẻ lạc lõng trong những cuộc tụ họp dưới mái nhà, mặt đất là giường chiếu, đầu sông cuối bãi đứa trẻ kia đói lòng khát sữa. Khi trong thơ tôi là giai cấp công nông từ quê lên phố kiếm từng cắt lẽ. Cái cười ngây ngô nơi khóe miệng để xua đi đời bần bạc vẫn không khua nỗi những tiếng nhạc mưa rơi vào lòng bao chất chứa nỗi niềm xa quê: “giọt giọt trùng triềng bạc lẻ long đong”. Bóng “lom khom làng quê, lom khom mẹ/ Thời gian vón lại dưa cà” vẫn cán qua nỗi nghèn nghẹn nơi tâm trí dẫu đã ăn thấm “ly rượu trong veo mồ hôi”.
Giữa biển đời nhiều lạc lõng, những vấp ngã, nỗi đau, sự bất an khi phải hòa nhập và khó khăn khi học cách chung sống. Tất cả trải nghiệm tứa máu nhân sinh đó đã giúp tác giả nhận ra và biết ơn sự hoang dã, góc vườn tuổi thơ, những con đường về quê mẹ, “nồi bánh chưng đêm ba mươi”. Để rồi hồn thơ tri âm tình bằng hữu, nâng chén tri ngộ. Hay trân trọng những “nhỏ nhoi”: Chú kiến, những con sâu, những ngọn cỏ, đóa hoa những con người trong sách, những cuốn nhật ký, những tâm sự “Cát”, đã cho lấy cơ hội ta tự “ru mình chậm lại” trong tiếng thì thầm bất tận của những âm thanh, để bốc hơi và nuôi dưỡng những cái cây bị bật gốc.
Lời thơ đã trò chuyện trên nhiều mặt trận tâm tưởng, trong thơ có tiếng hình thời đại, vượt không gian, địa hạt quê hương để chiêm ngắm người từ sông rộng, núi dài nhưng rồi lại trở về nghe thanh âm “sáo diều cõng môi ru của mẹ” hãy thôi đi nỗi “chân trời góc bể lang thang”…
Thế giới ồn ào, những câu chuyện lớn, những sự kiện bận rộn, chúng ta ngồi bên nhau, vắng vẻ, ánh nến nhấp nháy, một vài biểu cảm biệt lập: “Gió dìu lá khô/…tái sinh những điều giản dị”…mơ hồ, lạ lẫm, tóc rụng trong sự lãng quên của ký ức. Đinh Nho Tuấn đi từ nỗi đau và có cả những giăng mắc hận thù về thói đời tham tàn của kẻ thống trị. Hơn ai hết hồn thơ dám đối mặt với sự tuyệt vọng để tin tưởng rồi tìm kiếm chiều sâu và ý nghĩa của cuộc sống, cũng như nghệ thuật nơi “giọt nước mắt”: “Giọt nước qua sông dài bể rộng/ lọc tinh cầu nguồn mạch trong veo/ Giọt nước qua niềm vui, bất hạnh/ Về mắt em chợt bảy sắc màu”. Đó là cuộc lặn sâu vào thế giới cá nhân và bóng tối của ngôn ngữ thấy vi diệu những bình yên, “tha thiết những lần đi” rồi trở về vẹn nguyên bên “em” nhịp đập đời thường.
Ta thấy bầu trời và đại dương nơi đáy ly: “Ly rượu tháng tư cho hai người uống/ Một là tôi và một thằng trong tôi”. “Thằng trong tôi” hẳn là “thằng” nhà thơ đang “xin lỗi chính mình”: “Xin lỗi những bài thơ rách nát/ Những bài thơ máng cũ nằm lòng/ Những bài thơ xanh vàng tím đỏ/ Những bài thơ chỉ biết chảy theo dòng”. Trong thơ tác giả luôn đau một nỗi đau sáng tạo. Luôn “thắc mắc” về mối quan hệ sắp sẵn từ ngàn đời của văn chương và chính trị: Quan hệ sở hữu quyền lực. Tác giả liên tục đặt ra ẩn dụ về năng lực tự xóa bỏ “con đường vạch sẵn” vì theo tác giả đó là “kẻ thù của sáng tạo”. Chính vì thế nhà thơ mới yêu “ngang ngược”: Tôi yêu những bài thơ viết về sự thật/ Yêu ngọn lửa nhú lên không bị phũ phàng dập tắt”. Muốn là sói hoang nên “nghiện phá hủy chính mình”. Với Đinh Nho Tuấn nghệ thuật là ảnh mặt của sự thật, nhà thơ chọn cô đơn để lòng dũng cảm vượt qua những ranh giới hiện diện ở khắp mọi nơi.
“Khi còn năm ngón chưa đặt tên” theo cảm quan của tôi, đó là thi phẩm đã hữu hình hóa vẽ đẹp thẩm mỹ của hồn thơ Đinh Nho Tuấn. Cũng có thể, đó là “nhãn tự” của tập “Năm ngón chưa đặt tên”. “Mùa gió chướng” là bối cảnh nghịch thường của cuộc sống. “Em” và “anh” nhóm đốt “những hoàng hôn” để nỗi buồn trôi theo khói dĩ vãng. Hồn thơ tha thiết điều bình thường, trong ngọn lửa không phải hóa tro tàn mà “tái sinh điều giản dị”. Để rồi “Nâng tay em chân thật/ không để chạm vết thương đời”. Mong ước được gắn kết lấy bàn tay khi chưa đặt tên. Phải chăng, là bàn tay của buổi ban đầu khi chưa bám bụi mưu sinh. Tay trắng/ trắng tay, khi lòng tham, sự ích kỉ chưa kiếm tìm…