- Bút ký - Tạp văn
- Bác sĩ nha khoa thành chiến binh chống Covid-19
Bác sĩ nha khoa thành chiến binh chống Covid-19
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
HOÀI HƯƠNG
“Mình cũng mệt, có lúc muốn xụi lơ. Nhưng cứ nghĩ tới người dân đang cần được hỗ trợ, mình chậm chút nào là có thể gây nên những cái chết lạnh lẽo đau thương, nên phải gượng dậy mà đi cứu người”.
Năm 1985, tốt nghiệp hạng ưu khoa Nha, Trường Đại học Y- Dược TP Hồ Chí Minh, bác sĩ trẻ Nguyễn Vững được phân công về Bệnh viện Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ đây, bác sĩ Vững tham gia vào những chuỗi hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng của thành phố, của bệnh viện và “Câu lạc bộ bác sĩ tình nguyện Sài Gòn” của TP Hồ Chí Minh suốt gần 40 năm nay, đi khắp cả ba miền Nam- Trung- Bắc, cả miền rừng Tây Nguyên lần miền Tây Bắc xa xôi.
Bác sĩ Nguyễn Vững (phải) đang làm nhiệm vụ trong những ngày chống dịch Covid-19
Trong hai năm dịch Covid-19, đặc biệt trong cao điểm dịch từ tháng 5-9/2021 ở TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Vững thầm lặng cống hiến cả tâm- trí- tài lực, không quản gian khổ hy sinh, đã luôn ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch. Ông đã “chinh chiến” ở địa bàn quận Tân Bình và một số bệnh viện dã chiến, từ việc giúp sàng lọc các ca bệnh, tham gia việc cấp cứu bệnh nhân nhiễm F0, rồi tiêm vaccine, cung cấp thực phẩm… Bản thân ông cũng nhiễm Covid-19 và vượt qua.
Hơn 50 năm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng ông vẫn giữ đặc sệt cái giọng Quảng Trị của miền quê Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Ông rỉ rả kể cho tôi nghe chuyện trong một chiều mưa trắng trời phương Nam…
Từ 20 chiếc xe đạp cho nữ hộ sinh bản làng
Có lẽ ngay từ nhỏ, hàng ngày đối diện với những mất mát của chiến tranh, rồi bệnh tật vì nghèo khó của người dân, nên trong ông đã có tâm nguyện ráng học, rồi thi vào ngành Y đặng làm phúc cứu người. Ngay từ mùa hè năm thứ hai, anh sinh viên Nha khoa Nguyễn Vững đã xin theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đi đến các vùng sâu vùng xa từ miền Đông Nam Bộ đến miền Trung, Tây Nguyên, trong dự án “Nữ hộ sinh bản làng” của bà. Ông đã cùng các bạn sinh viên tham gia vào việc tuyên truyền chăm sóc sức khỏe ban đầu, dạy ăn chín uống sôi, bệnh thì đến trạm y tế, không cúng ma, sinh con thì ra nhà hộ sinh, không vào rừng đẻ con dưới suối rồi cắt rốn bằng tre nứa…
Trong dự án “Nữ hộ sinh bản làng”, có một phần kế hoạch cung cấp xe đạp, tạo điều kiện cho các nữ hộ sinh người dân tộc có thể thuận tiện đi đến các bản xa hay những gia đình có phụ nữ sắp sinh. Cậu sinh viên Nguyễn Vững, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, đã tình nguyện góp vào dự án 20 chiếc xe đạp, tính ra là cả một gia tài, theo thời điểm đó bằng 3 cây vàng. Có thể xem đây là công việc thiện nguyện đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Vững.
Ông kể: “Lúc đó, nghĩ trong nhà mình có thể góp được 10 cái, dù sẽ phải tiết kiệm trong chi tiêu nhiều hơn, gia đình có chút thiếu, còn 10 cái nữa, chắc vận động và xin thêm ở bạn bè, người quen… Cho tới giờ, tôi vẫn rất biết ơn doanh nhân xe đạp Martin 107, anh Lâm Xuân Thi, cũng là một nhà thơ, lúc ấy đã không ngần ngại và hào phóng tặng xe cho dự án. Tôi đã có thêm 10 chiếc của anh, cộng lại thành 20 chiếc xe đạp tặng các nữ hộ sinh bản làng”…
Bác sĩ Nguyễn Vững (ngồi hàng đầu, bên trái) trong chuyến đi thăm các trẻ mồ côi ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tác giả đứng phía sau, ngoài cùng bên trái ảnh
Chăm lo “góc con người” cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tôi được biết ông có một nickname do các đồng nghiệp đặt cho, khá hài hước: “Bác sĩ nhổ răng dạo”. Hỏi ông vì sao có cái nick này, ông cười rất hiền: “Bạn bè thương, vì biết tôi hay dành những ngày nghỉ, những ngày cuối tuần, mang “đồ nghề” đi tới các bản làng, giúp khám chữa răng miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, riết rồi thành tên”.
Trong 4 mùa hè đi cùng bác sĩ Phượng đến các vùng sâu vùng xa, cậu sinh viên Nha khoa Nguyễn Vững đã quan sát người dân ở các vùng này, hầu hết răng miệng đều có vấn đề, từ em nhỏ đến thanh niên, thiếu nữ, các ông bà già… Ngay lúc đó, trong đầu cậu sinh viên đã “neo” câu hỏi, tại sao họ lại không có được quyền chăm sóc răng, chăm sóc “một góc con người” như người dân ở các thành phố, tại sao họ lại phải chịu những thiệt thòi bởi không có một bác sĩ Nha khoa?
Thế rồi ưu tư với câu hỏi do chính mình đặt ra, khi tốt nghiệp, bác sĩ trẻ Nguyễn Vững đã tự thành lập một đội gồm các bác sĩ Nha và sinh viên tình nguyện, mỗi cuối tuần là “xách balô lên mà đi”, đến các vùng sâu vùng xa, đặc biệt là miền đất quê hương Quảng Trị của ông và “miền Đông gian lao mà anh dũng” như sóc Bom Bo (Bình Phước), Trị An (Đồng Nai), hay lên Kon Tum, Đăk Lăk…“nhổ răng dạo”.
Lấy đúng mô hình hoạt động từ thời sinh viên cùng bác sĩ Phượng, ông cùng bạn bè, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp, để tổ chức nhiều cuộc đi “nhổ răng dạo”, chăm sóc, chữa răng cho đồng bào, thậm chí còn có cả một phòng chế tạo răng giả di động, để có thể làm răng tại chỗ, trong ngày. Hỏi ông, tính đến nay là bao nhiêu chuyến đi, ông nói: “Gần 40 năm, tính từ năm 1985, không biết là bao nhiêu chuyến, khó đếm được”. Hỏi ông có kỷ niệm nào ấn tượng nhất trong lúc “nhổ răng dạo”, ông kể về cái răng gỗ độc đáo ở buôn dân tộc Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị. Một người đàn ông trung niên, có 3 chiếc răng gỗ suốt mười mấy năm nay, sau tai nạn bị gãy 3 cái răng, ca “thẩm mỹ răng” cấp tốc, đo đạc, đổ khuôn, rồi tạo hình… và chiều đó, người đàn ông Vân Kiều đã có mấy chiếc răng sứ đẹp nhất buôn. Ông nhảy nhót reo hò, cười khóc, ôm các bác sĩ: “Ôi, tôi sắp lấy được vợ rồi, tôi có răng rồi, tôi không còn là thằng răng gỗ.”. “Thật sự hạnh phúc, nhất là lâu lâu có một người ghé thăm, hỏi bác sĩ có nhớ không, rồi nhe răng cười”, ông nói.
Như một nhu cầu từ trái tim nhân hậu, giống như một thời gian biểu ít thay đổi, cứ mỗi tháng 2 lần ông cùng các đồng nghiệp trong “Câu lạc bộ bác sĩ tình nguyện Sài Gòn” lại lên đường tới các vùng sâu vùng xa khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo, không chỉ là khám chữa bệnh thông thường, mà việc chăm sóc răng miệng với bác sĩ Nha khoa Nguyễn Vững là một phần quan trọng trong các chuyến đi thiện nguyện đó.
Là chiến binh thầm lặng chống Covid-19
Sau Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2021, các ca nhiễm Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh mỗi ngày mỗi tăng cao, đến tháng 5-2021, số ca nhiễm có ngày lên hơn 10.000 người, các bệnh viện dã chiến tăng thêm lên đến con số 17, chưa kể các bệnh viện thu dung khác khắp thành phố, kể cả trưng dụng bệnh viện tư nhân. Lúc này bác sĩ Nguyễn Vững đóng cửa phòng Nha khoa của gia đình, nhưng ông không ngồi yên, dù chưa có lệnh “trưng dụng” các bác sĩ phòng mạch tư của Sở Y tế. Ông đã tham gia ngay vào đội quân tình nguyện tại địa phương nơi cư trú.
Ông đã được phân công phụ trách khám sàng lọc F và tiêm vaccine cho cư dân trên địa bàn phường 4 quận Tân Bình. Ông kể: “Không thể tính giờ hay tính ngày, chỉ tính là còn hay không còn người dân cần khám sàng lọc, cần tiêm vaccine. Có hôm, khi người cuối cùng vừa xong, nhìn đồng hồ treo tường 2 giờ sáng, nhưng tưởng được nghỉ, thì ngay lập tức có thông tin, ở tổ dân phố…, có ca F đang lên cơn khó thở, thế là, chẳng biết mệt, vội vác bình oxy, cùng vài tình nguyện viên chạy đến. Vâng! Chúng tôi trong ngành y, biết căn bệnh này, mấy chục phút đầu tiên là khoảnh khắc vàng, nếu không cấp cứu kịp, cho thở oxy, thì bệnh nhân sẽ trở nặng rất nhanh, khó mà qua khỏi. Và thế là lại đến sáng, lại tiếp tục chuẩn bị cho một ngày mới, khám sàng lọc, tiêm vaccine..”.
Tôi hỏi ông, cứ liên tục làm như thế, không biết mệt sao? Ông cười rất hiền nói: “May nhờ tôi có ý thức chăm sóc sức khỏe cho chính mình từ thời sinh viên, luôn rèn luyện thể thao, nên thể lực rất tốt. Cô thấy đó, 60 tuổi hơn, nhưng sức lực đâu thua thanh niên. Thời gian đó, nói thật, sức người chớ thần thánh gì mà không mệt, có lúc đuối, mắt mờ, chân tay muốn xụi lơ, nhưng cứ nghĩ tới người dân đang cần được hỗ trợ, cần sàng lọc F để tiêm vaccine phòng ngừa, mình chậm chút nào, là có thể gây nên những cái chết lạnh lẽo đau thương, nên như có được nguồn năng lượng tiếp sức”.
Tới khi xong việc tiêm vaccine, ông lại cùng các tình nguyện viên khác chăm lo việc cung cấp thực phẩm, thuốc men hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân ở khu vực cách ly trong các bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến trong quận. Chưa hết, ông còn đến những nhà cách ly F tại gia, giúp cung cấp lương thực thực phẩm. Cũng phải nói thêm, trong những tháng cao điểm từ tháng 5-9/2021, bác sĩ Nguyễn Vững không chỉ trực tiếp tham gia công việc “tuyến đầu”, trực diện chống Covid-19, mà còn cùng gia đình bỏ tiền ra mua lương thực thực phẩm giúp các gia đình gặp khó khăn với số tiền không hề nhỏ.
Hỏi ông lúc cao điểm, mỗi ngày tiếp xúc gần như “cọ xát”, “hít thở” trong vòng vây của Covid-19 đậm đặc, ông có sợ lây nhiễm? Ông nhìn tôi bằng ánh mắt nửa ngạc nhiên, nửa giễu cợt: “Cô hòi lạ, sợ thì tôi đóng cửa ở trong nhà cho lành, mắc gì làm tình nguyện viên. Nói vậy thôi, mình là bác sĩ, thấm lời thề Hyppocrates, tại sao lại run sợ trước dịch bệnh, tại sao lại bỏ mặc sinh mệnh đồng bào. Mình cũng phải biết bảo vệ mình để còn giúp người dân, nhưng nếu có lây nhiễm thì cũng là đương nhiên, sẵn sàng chấp nhận, kể cả rơi vào trường hợp xấu nhất. Vâng! Cũng có một số đồng nghiệp của tôi ở các bệnh viện dã chiến đã hy sinh”.
Có một chuyện buồn mà khi nghe kể lại tôi cũng rưng rưng, ngậm ngùi. Trong những ngày căng mình chống dịch, tham gia tuyến đầu không quản ngày đêm, mẹ của bác sĩ do tuổi già sức yếu, qua đời vào đầu tháng 8. Có thể hiểu ông buồn như thế nào khi mất mẹ, khi những ngày cuối cùng của mẹ, ông không được ở bên cận kề chăm sóc thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Vững bên những thùng hàng chuẩn bị một chuyến đi thiện nguyện
Hỏi tâm nguyện, ông khiêm cung: “Ở cái tuổi 60 hơn, tôi chỉ mong có sức khỏe để có sức mà đi và đến chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng sâu vùng xa nhiều hơn, góp chút sức cho cộng đồng. Đó vừa là tâm nguyện, vừa là hạnh phúc của tôi”.
Những tấm giấy khen của địa phương là sự ghi nhận xứng đáng những cống hiến thầm lặng của bác sĩ Nguyễn Vững trên tuyến đầu trực diện phòng chống dịch Covid-19.
Những chuyến đi thiện nguyện đầy tình thương
Không chỉ chăm sóc “một góc con người”, bác sĩ Nguyễn Vững còn đỡ đầu cả vật chất và quan tâm vấn đề sức khỏe cho nhiều ngôi chùa có nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật ở một số tỉnh thành lân cận TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... Ngoài việc tổ chức khám chữa bệnh cho trẻ em, ông còn vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp thiện nguyện giúp cho các chùa đó chăm sóc các em, cho đi học chữ ở trường lớp… Ông cho biết: “Đã mấy chục cái Tết Nguyên đán, năm nào tôi cũng tổ chức những chuyến xe “Mang Xuân đến các trẻ mồ côi”, đến các cơ sở chùa chiền nuôi dưỡng trẻ ở mấy tỉnh miền Đông Nam bộ, để trẻ có cái Tết ấm áp”.
Tôi đã theo bác sĩ Nguyễn Vững cùng các đồng nghiệp cộng sự, tham gia một chuyến đi thiện nguyện, tới trại trẻ mồ côi ở Tu viện Thiên Trang, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ngoài gạo, mì, đường sữa, thuốc men, ông còn mang theo “đồ nghề” chăm sóc “góc con người” cho các bé. Quan sát ông khám chữa răng, thấy ông pha trò liên tục, biến việc khám chữa răng trở thành một trò chơi thú vị, và các bé không đứa nào khóc nhè vì sợ mà còn hợp tác rất hữu hiệu để việc khám chữa nhẹ nhàng.