TIN TỨC
  • Truyện
  • Cái chết của một F0 | Hoàng Nghĩa

Cái chết của một F0 | Hoàng Nghĩa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
634 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HOÀNG NGHĨA

Tin ông Độ chết làm rúng động làng Giát Cầu một chiều đầu xuân. Theo lời mợ Lan - vợ ông thì đi chợ về đã thấy ông nằm ngay ngắn và lạnh ngắt trên giường. Nhưng với thằng Đốc, người làm thuê trong nhà thì ông Độ chết là do treo cổ. Ngay khi nghe tiếng hét thất thanh của mợ, nó chạy lên đã thấy ông treo lủng lẳng dưới mấy thanh xà nhà. Chính nó đã đỡ ông và dùng kéo cắt sợi dây vải quấn quanh cổ. Đương nhiên, tin này chỉ một số ít người nhà biết được.

Cái chết của ông Độ tạo nên một cuộc tranh cãi lớn đối với người làng. Người cho rằng ông chết vì nhiễm Covid, người bảo vì Covid làm ông nghĩ quẩn mà chết… Cùng ngày trong làng cũng có một người chết vì Covid. Nhưng người này không tiêm vắc-xin vì theo một tà đạo nào đó, còn ông Độ đã 3 mũi đầy đủ. Chết vì Covid hay vì Covid mà chết là một câu hỏi lớn? Còn đối với người nhà, ai cũng băn khoăn chuyện ông treo cổ bằng cách nào. Bởi, từ 2-3 năm nay, sau tai nạn ngã mái nhà gây dập tủy sống, ông chỉ nằm một chỗ.

Chiều đó, khi đang làm việc ở cơ quan thì vợ tôi gọi. Mở đầu là một tràng khóc không thành tiếng. Xen kẽ tôi chỉ nghe lõm bõm: “Cậu Độ mất…, tự tử. Bố về đi…”. (Bố là nàng gọi thay cho con trai). Tôi lập tức xin nghỉ tạm một buổi chiều. Trên đường lái xe về nhà, những hình ảnh về người cậu của vợ cứ ẩn hiện. Chúng tôi mới qua nhà thăm cậu dịp Tết, cách đây chưa lâu. Tôi cũng mường tượng ra sự đau khổ, dằn vặt của những người thân bên cạnh khi cậu chọn ra đi theo cách này. Hai năm trước, người chị gái của cậu cũng chọn cách gần như tương tự. Nhiều chục năm về trước, một người cậu khác cũng đột ngột ra đi khi còn rất trẻ, cũng ở dong đất ấy. Không biết cung điền trạch có bị phạm hay động long mạch gì chăng!? Bỗng dưng toàn thân tôi nổi hết da gà.

Ban đầu tôi đinh ninh về chỉ để trông thằng con trai 8 tuổi học online cho nàng về. Hai bố con ở lại. Theo như thông tin tôi nắm được thì cả làng Giát Cầu cơ bản đã phủ sóng F0, mẹ vợ cũng báo tin 2 vạch ít ngày trước. Nên việc dắt díu nhau về một cái đám tang như thế, tập xác định 99% lây nhiễm. Bao lâu nay cả nhà đã cất công gìn giữ. Đi xoa về xịt, nên tôi vẫn tránh dù quanh mình đã nhà nhà F0, người người F0. Điều đó làm tôi và nàng khá căng thẳng. Sau một hồi tranh luận, nàng kéo vali về trước. Kéo theo cả nỗi ấm ức và những tiếng sụt sùi. Tôi băn khoăn không biết là nàng khóc vì tôi hay vì người cậu mới mất!?

Nàng về một lúc, trong đầu tôi xuất hiện không ít lăn tăn. Dù sao cũng ở cùng thành phố, chỉ là nội thành và ngoại thành, cách nhau chưa đến 30 cây số nên không về không được. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nàng đã thuyết phục tôi như vậy. Ừ thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, cậu vợ cũng là cậu mình vậy. Ok! Tôi về!

*

Một đám tang tràn ngập F0. Ngay người nằm trong quan tài cũng là một cựu F0. (Mấy giờ trước thì vẫn là một F0 chính chuyên nhưng hiện đã sang thế giới khác nên một vài người gọi là cựu). Ví von một cách sinh động như lời bố vợ thì nếu có kính hiển vi để soi, sẽ thấy bầu không gian lửng lơ muôn vàn corona virus. Cả con ngõ hơn 90% các gia đình đã phơi nhiễm, ai sót lại trở thành của hiếm. Về cơ bản sắp hết người để nhiễm. Những người có thể tự vỗ ngực khẳng định “bất tử” với virus như tôi hoặc bố vợ gần như bị bao vây. Chỉ thiếu đường bị các F0 kì thị.

Mợ Lan và cái Nụ - con gái cậu mợ xăm xắn làm đủ thứ việc. Từ lo lót tang phục, điếu đóm, trà nước cho khách. Trên gương mặt vợ và con gái người quá cố, tôi không thấy sự buồn đau vật vã như mường tượng. Cái Nụ mời xuống nhà dưới ăn cỗ, nhưng tôi từ chối, bảo đã ăn rồi. Nhưng quả thực, tôi chưa ăn gì. Ngay đến chén nước cũng không dám uống. Bị vây giữa cả rừng F0 như vậy, nhịn cho lành.

Tôi cùng bố vợ ngồi ở một góc trò chuyện trong lúc đợi giờ nhập quan, làm lễ. Không dám mó tay vào bất cứ việc gì hay bắt chuyện ai. Qua lời bố vợ tôi được biết thời gian gần đây cậu có dấu hiệu trầm cảm. Nguyên nhân chính là phải nằm một chỗ quá dài ngày. Bạn cứ thử nằm một chỗ 2-3 năm rồi sẽ biết. Dù chạy chữa khắp nơi, đi hết bệnh viện này đến thầy thuốc nọ vẫn không thuyên giảm. Ở một vài đốt sống nào đó bị dập làm chèn dây thần kinh khiến người bệnh gặp phải những cơn đau không dứt. Và, việc thằng Lộc - đứa con trai duy nhất biệt tích bao năm nay khiến cậu càng thêm phần suy nghĩ. Một vài lần vợ chồng tôi ghé thăm, cậu vẫn bóng gió về cái chết theo kiểu nửa đùa nửa thật.

Thời gian gần đây, cậu hay cáu bẳn, khó chiều, hay giận dỗi. Một người bệnh đỏng đảnh như gái trẻ đang độ yêu đương. Nhà có mỗi 2 vợ chồng già nhưng hở cái là hục hặc nhau, nói bóng nói gió. Thường ngày, mẹ vợ tôi - tức chị gái cậu vẫn lại qua thăm hỏi, động viên và xoa bóp các khớp xương, chỗ đau nhức cho cậu. Nhưng khi nhiễm Covid, mẹ vợ phải cách ly tại nhà. Mợ Lan có chiều vụng, không khéo tỉ tê, chiều chuộng như bà chị gái. Nên, bóp mạnh - dỗi, bóp nhẹ - dỗi, không bóp - càng dỗi. Mấy ngày trước đó, mợ Lan cũng dương tính với cúm Tàu. Cậu có triệu chứng một vài ngày sau. Và cậu vẫn lầm bầm như tiết hầm mắng mợ là căn nguyên lây virus cho cậu. Sáng hôm cậu quyên sinh, 2 vợ chồng già lại tiếng to tiếng nhỏ. Mợ Lan vùng vằng cắp làn đi chợ, khi trở về thì cơ sự đã rồi.

Qua 3 lớp khẩu trang, tôi hỏi bố vợ về thằng Lộc. Tôi quả quyết rằng, nếu bố chết mà nó vẫn không về thì - nó không phải con người. Bố vợ tôi chỉ biết lắc đầu im lặng. Ngay cái Oanh, vợ nó cũng không biết tin tức gì. Nhiều người nghĩ, có khi nó quẫn bách mà chọn cách ra đi giống bố nó tự bao giờ rồi. Nhưng mợ Lan từng chia sẻ trước đó khi đi xem thầy rằng, mấy năm nay không có báo tang.

Nhân chuyện thằng Lộc, cũng xin được kể đôi dòng. Nó bằng tuổi tôi. Từ bé đã được bố mẹ nuông chiều. Lớn lên nghỉ học sớm, làm cho xưởng chăn ga gối đệm tại nhà. Cũng nói qua, Giát Cầu là làng nghề chăn ga gối đệm có tiếng và lâu đời của tỉnh Hà Tây cũ. Lộc cưới vợ cùng làng năm 19 tuổi. Làng này trai gái đều dựng vợ gả chồng sớm, không cần học hành gì nhiều. Cơ bản để có người làm và học hành rồi đâu bằng… làm chăn, nhồi gối. Mẹ vợ tôi từng bảo vậy. Nếu vợ tôi không lấy tôi có lẽ cũng đã lấy một anh làm chăn nào đó cùng làng rồi.

Lộc máu me cờ bạc có tiếng. Nó háo thắng và chơi đẹp. Không bao giờ dừng khi chiếu bạc còn đủ chân. Và chưa dừng khi chưa khô máu. “Còn thở là còn gỡ”, “Ngã ở đâu gấp đôi ở đấy” - châm ngôn của nó là vậy. Tôi nhớ có dịp Tết nào đó, khi ghé chơi nhà. Hôm đó nó thắng bạc. Rải đen kịt, kín đặc, xếp chồng lên mặt đệm chiếc giường mét 8 - 2 mét là những tờ tiền polime mệnh giá lớn. Hai vợ chồng ra sức đếm. Nó bảo xêm xêm 4 tỷ. Nhưng 3 hôm sau, tôi được biết số tiền đó đã lại được nướng sạch. Chính cái máu ấy đã khiến bố mẹ nó bán đi cả cơ số đất nhà và đất ruộng. Cũng vài bận bỏ đi vì trốn nợ, dăm bữa nửa tháng lại mò về, tóc tai xũ xượi, mặt mày hốc hác như thằng đói thuốc. Nhưng lần này nó tuyên bố 10 năm sau mới về khi bố mẹ không còn cục đất nào để bán nữa.

Lộc đi được vài năm thì mợ Lan ốm lên ốm xuống. Bố nó trượt chân ngã khi trèo mái nhà sửa bể nước, cũng không thấy mặt nó đâu. Vợ con bặt tin. Anh em bặt tiếng. Có người làng kể từng thấy Lộc râu ria xồm xoàm lén lút về thăm nhà, nhưng chỉ dám đứng đầu ngõ trông vào. Nhưng tin này cần được kiểm chứng. Lúc gửi xe vào đám, tôi nom thấy vài ba thanh niên chân tay vẽ rồng họa phượng thì thụp nhòm ngó. Tôi đoán rình tin Lộc. Nghe đâu món nợ của nó đã lên tới 7-8 tỷ, đa phần của xã hội đen.

Đúng 8 giờ tối là lễ nhập quan. Trong khi vài ba trưởng bối cao niên thay phục trang cho người quá cố, nhét đồ lề, tiền vàng vào quan tài thì một hai thanh niên khác dọn dẹp chăn màn, giường chiếu - nơi trước đây khổ chủ vẫn nằm. Cái Nụ và mợ Lan lục lọi, tìm kiếm tiền bạc hoặc di thư để lại (nếu có). Tôi nghĩ, người chết khó mà viết được bởi kể từ sau vụ tai nạn đã gây liệt tứ chi.

Đúng giờ, người chủ lễ hô hào con cháu đứng xếp hàng theo thứ bậc. Vì Lộc là trai trưởng lại vắng mặt nên con trai nó - 9 tuổi, quấn khăn xô trắng, áo tang trắng thùng thình cúi lạy theo chỉ dẫn. Tôi cùng vợ đứng ở một góc phía sau, nom nàng vẫn ra chiều giận dỗi. Tôi cũng cố né, không dám đứng quá gần nàng. Trong túi áo khoác ngoài, lăm lăm bình xịt khử khuẩn chực chờ sẵn như súng lên nòng. Tôi xịt vào tay, vào người liên tục. Thời đại dịch, chúng ta nghi kỵ ngay cả với những người hằng đêm vẫn đầu ấp tay kề.

Cứ sau mỗi đoạn điếu văn, vị chủ lễ lại hô “khóc”. Những tiếng “than ôi, hức hức” vang lên ở hàng đầu gia quyến. Tiếng khóc dừng lại khi người chủ lễ bảo “thôi”. Trình tự 3-4 lần như thế lặp lại. Vài lần tôi suýt vỗ tay theo bản năng của người chuyên dự hội thảo, họp báo.

Ở các dãy nhà ngang hay nhà dưới - nơi là xưởng chăn đệm của gia đình, chiếu bạc đã được trải sẵn chực chờ tang quyến nhập cuộc. Cái lệ ở làng này là vậy. Tang ma hiếu hỉ mà thiếu món đó có khi… mất đi phần náo nhiệt. Một nồi cháo gà to đùng cũng đã được bắc ở gốc mít để phục vụ con bạc khát nước ăn đêm.

Đang mùa dịch dã nên đám viếng có phần chóng vánh, người viếng không nhiều. Có thể họ đến vào những hôm sau. Tầm gần 11 giờ đêm, đám vãn dần. Tôi đứng ngáp ngắn ngáp dài xem các cụ đánh chắn. Tiền polime đủ mệnh giá trải đầy mặt chiếu. Bố vợ tôi ù liền mấy ván, tiền xếp chồng, phải lấy con Iphone 3 nút mới cáu cạnh đè lên. Ông bảo tôi về nhà ngủ trước. Mợ Lan chưa kịp thay tang phục, vừa tiễn khách vừa tranh thủ đặt cửa. Người bên nhà hàng cũng đã tập kết mâm bàn, bát đũa, cốc chén chuẩn bị cho mấy chục mâm cỗ ngày mai. Ở giữa nhà, cậu Độ nằm im lìm như đang ngủ. Chứng kiến mọi chuyện vần vũ xung quanh. Bên cạnh có cái Nụ, cái Oanh - vợ thằng Lộc và đứa con gái 13 tuổi ngồi trông. Đứa bé nửa thiếu nữ nửa con nít lướt điện thoại nhoay nhoáy, mắt dán vào màn hình, thi thoảng lại khúc khích thành tiếng. Tầm 12 giờ, tôi xuống bếp đưa vợ cục sạc điện thoại lúc chiều vội về - nàng quên. Đang tính ra về, nàng chỉ mâm cháo gà đã được múc vào từng bát tô ú ụ, nghi ngút khói. Lúc này cơn đói bốc lên nhưng tôi vẫn lắc đầu. Hóa ra nàng bảo tôi bê cho các chiếu bạc. Tôi đứng hình mất 5 giây. Đoạn vờ nghe điện thoại, bước qua sân ra khỏi cổng. Đêm xuân lành lạnh, lất phất mưa phùn. Thảng trong không khí có mùi hoa xoan, hoa gạo hay hoa bưởi đâu đó, và cả mùi khói nhang lẩn khuất nữa. Tôi quyết tìm một nhà nghỉ. Không dám về nhà bố mẹ vợ, chỉ cách đó mấy nhà. Lẽ đơn giản, mẹ vợ là một F0. Còn tôi thì đang “bất tử!”.

*

8 giờ sáng hôm sau, cỗ bàn đã bày la liệt từ ngõ đến nhà trên, nhà dưới. Đúng 10 giờ, đoàn rước đưa linh cữu người chết ra đầu làng. Cho lên chiếc xe trắng, đính vành hoa trắng băng đen của nhà tang lễ thành phố đi hỏa thiêu. (Nôm na như bố vợ tôi nói lúc ngất ngư bên mâm cỗ là “nướng”). Tôi chối vợ không đi theo đoàn, ở nhà phụ giúp anh em sửa soạn. Nhưng kỳ thực, tôi đâu biết làm gì. Lại chui tót vào một góc ngồi lướt điện thoại.

2 giờ chiều cùng ngày, đoàn rước đưa người chết giờ chỉ là tro cốt trong tiểu sành ra đồng. Lỗ huyệt đào nông giữa mênh mông chiêm trũng. Vì đang mùa xuân nên khá khô ráo và sạch sẽ. Trời chiều xiên xiên nắng. Xung quanh ngổn ngang mộ mới, mả cũ. Lúc hạ huyệt, mợ Lan gào khóc, quẫy đạp không thôi. Đòi theo cậu. Thằng con rể không cố giữ, có khi mợ nhào xuống thật. Cái Nụ khóc lả đi, phải có người dìu. Mấy đứa bé, trên mặt không thấy biểu lộ gì. Tôi lóc cóc chạy theo che ô cho vợ. Đám tang về cơ bản được hoàn thành êm đẹp sau khi nấm đất mới thành hình, đắp mấy vuông cỏ, thêm tấm bia mộ đá xanh khắc tên được đóng chắc chắn. Người chết đã có thể mỉm cười nơi chín suối. Chỉ lấn cấn một điều, thằng Lộc vẫn biệt tăm. Và gia cảnh hẩm hiu khi giờ đây, một mái nhà mà có đến 2 góa phụ ngày đêm thở dài nhìn nhau. Ngay khi về lại đám, tôi từ chối nhập mâm, dự cỗ. Xin phép lên nhà trước lo việc cơ quan và trông đứa con trai đang gửi nhờ hàng xóm.

Sáng sớm tinh mơ 3 ngày sau khi cậu Độ mất, mợ Lan xách giỏ hoa cúc bạch đem ra mộ trồng. Khí trời bảng lảng, nửa mưa mù, nửa sương muối. Thời tiết đặc trưng của Bắc bộ sau lập xuân. Đến đầu nghĩa trang, mợ Lan giật mình, đánh rơi cả giỏ cúc trắng. Ẩn trong màn sương sớm, ngay trước ngôi mộ mới đắp hiện dần lên hình hài ai đó như ghim xuống nền đất lạnh. Bất động. Và gục đầu. Ngay khi đứng sát phía sau, mợ vẫn không nhận ra. Người đang quỳ gối cũng không động tĩnh. Nước sương trên mớ râu tóc nhỏ xuống thành dòng, vây quanh 2 đầu gối từng vũng. Có lẽ người này đã ở đây từ tối trước. Quần áo rách bươm, bạc phếch màu thời gian. Thấy động, người đang quỳ khẽ nghiêng mặt, ngoái đầu. Ánh mắt lấm lét, rụt rè và có chiều sợ sệt xiên qua thân thể người phụ nữ đang toàn thân bất toại như tượng tạc. Mợ Lan khuỵu gối, ngã ngồi. Ôm chầm lấy thằng con trai bao năm biệt tích. Người nó nóng ran như lên cơn sốt. Xương mặt, hốc mắt, gò mà, tóc tai, râu ria dúi dụi vào má, vào cổ, vào ngực mợ. Bốn hàng nước mắt hòa lẫn vào nhau. Hai con tim nhiều thương tổn đập điên loạn. Không ai nói được lời nào. Chỉ có tiếng nấc và tiếng khóc nghèn nghẹt. Vèo qua, một con én nhỏ liệng xuống từ tít cao xa. Nó khẽ đậu trên tấm bia đá xanh, trong giây lát rồi giật mình đập cánh vút lên phía mặt trời đang vén quầng mây hồng hiển hiện. Tiếng chim chíp, véo veo còn rơi rớt lại. Ngày mới dần ló rạng. Nắng lan đến đâu, mù sương tan đến đấy. Cảnh ruộng đồng, cỏ cây xanh tốt hiện ra ngun ngút mắt người làng!

Phố Duy Tân - Cầu Giấy, một chiều cuối tháng 3/2022
Tưởng nhớ người cậu vừa qua đời.
Bài viết như nén hương lòng gửi tới cậu.
Mong linh hồn cậu mãi bình yên!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Xem thêm
Bóng chim tăm cá – Truyện ngắn Phùng Phương Qúy
Con đò cố lách qua đám lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện.
Xem thêm
Người viết sử | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36 (ngày 2/9/2023)
Xem thêm
Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.
Xem thêm
Chè chốt Truyện ngắn của Lê Na  
Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy. Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.
Xem thêm
Tình yêu cao thượng | Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
Xem thêm
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Tác phẩm đăng Nhà văn & cuộc sống số 14
Xem thêm
Tu hú gọi bầy | Truyện ngắn Lệ Hồng
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 86 (ngày 10/8/23)
Xem thêm
Tâm “điếu văn” – Truyện ngắn Phùng Chí Cường
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của một đời người. Sinh thì có hạn nhưng tử thì bất kỳ không ai có thể định trước được. Có những người vừa mới cách đây không lâu vẫn còn cười phơ phớ, thế mà đùng cái lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Xem thêm
Thẻ nhà văn | Bích Ngân
Truyện đăng Tuổi Trẻ Cười
Xem thêm
Chó robot | Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện đăng Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Xem thêm
Thị trấn biết cười – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Rừng nối đất. Cây nối gió. Mưa nối lạnh. Và cô đơn nối những con người chẳng biết cười gần với nhau.
Xem thêm
Cây mẫu đơn hoa đỏ – Truyện ngắn của Hồ Loan
Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:
Xem thêm