TIN TỨC
  • Truyện
  • Cây Rồng | Lại Văn Long

Cây Rồng | Lại Văn Long

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-05-03 09:03:05
mail facebook google pos stwis
1068 lượt xem

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

LẠI VĂN LONG

Sóng thần đã lấy đi mọi thứ rồi trả lại cho làng một “xác cây” lạ lùng chừng năm, sáu mươi tuổi, to hơn vòng ôm, dài vài sải tay, bị sóng biển tước hết lá, cùng bộ rễ lòa xòa được nước biển rửa sạch đất, đá. Lẽ ra cây đã bị đốt như mọi thứ trôi từ biển vào. Nhưng trưởng làng đã kể lại giấc mơ trước bão về một tượng thần 3 đầu 6 tay bằng vàng lấp lánh “lụy” từ biển vào bờ. Cả làng rợn tóc gáy khi nhìn rõ thân cây lạ có 3 nhánh lớn, mỗi nhánh đẻ ra 2 cành cân đối y hệt “tam vị nhất thể” đã báo mộng. Thế là họ hô hào khiêng cây đến trồng ngay con đường dẫn từ biển lên núi bên hông làng với hy vọng rất mong manh về sự hồi sinh. Thế mà cây đã đâm chồi nảy lộc, phát triển mạnh mẽ, dị thường. Hơn trăm năm sau, cây có gốc to vững chắc 14, 15 người ôm không xuể, cao hơn trăm mét và lá dài sắc cạnh như dao, kiếm kết tụ thành tàng lộng như cây dù khổng lồ!

Người ta gọi nó bằng đủ tên: “cây thần”, “cây lạ”, “cây lạc loài”, “cây 3 đầu 6 tay”, “cây nhọn” (vì cành chủ trồi lên giữa tán lá khổng lồ, trông từ xa như một mũi nhọn đâm lên không trung, hay ngọn bút trí tuệ muốn viết lên trời xanh những câu chữ phi phàm làm thay trời, đổi đất). Riêng thế hệ sinh ra thời kỳ quên tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga để học tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật... thích gọi cổ thụ này là “Cây Rồng”, bởi quá cao lớn, đồ sộ với bộ rễ khổng lồ trồi lên mặt đất như bầy rồng mạnh mẽ, cuồn cuộn bò khắp 4 phương 8 hướng. Vô vàn những “con rồng” hiếu chiến, xâm lược đó đã hăm hở tiến vào nghĩa địa nằm sát chân núi, cách gốc Rồng bốn, năm trăm mét. Đàn “Rồng con” chui xuống đất một hồi, bất ngờ trồi lên giữa các hàng mộ rồi phồng lên thành các tượng rễ đủ kích cỡ. Có “tượng” mới nhú như củ khoai, trái bí... Có tượng lớn tựa chum, vại... sau vài năm thì to như người thật. Xương tủy, máu huyết và linh hồn cả vạn người đã thành “vườn tượng” rễ cây đó. Từ xác thân của bọn hải phỉ Tàu ô quấy nhiễu mấy trăm năm trước thấm vào đất. Các con tàu đắm  của hải tặc Thái Lan, Mã Lai, Pôn Pốt... thập niên 70, 80 thế kỷ XX cũng thường trôi dạt vào đây cùng những tàu cá vượt biên gặp nạn... Tất cả đều được dân làng chài kính cẩn gọi là “lụy” và được chôn cất. Riêng những xác người Việt vượt biên được bà con cẩn thận tìm chứng minh thư, thẻ căn cước để lập mộ bia tên họ, quê quán đầy đủ. Hình ảnh thân thể các nạn nhân nữ rách nát dưới tay hải tặc làm những người khâm liệm khóc rưng rức. Mấy ông, bà từng tham gia bộ đội, du kích còn kể rằng: Xác Tây đen, Tây trắng, hay lính Mỹ, Phi Luật Tân, Đại Hàn, Úc... càn vào làng bị bắn chết cũng được chôn ở nghĩa địa đó cùng với người Việt cả hai phe trước khi được cất, bốc về cố hương. Thù hay bạn nằm xuống đều được các ngư phủ lam lũ công bằng chia cho vắt cơm, nhúm muối, 3 cây nhang tỏa khói linh thiêng. Các nhà sử học còn mang bản đồ, sách cổ về làng khoe phát hiện quan binh Nguyễn Ánh, tướng sĩ Tây Sơn và sau này là nghĩa binh Cần Vương đánh “Tây lang sa”... từng được chôn ở nghĩa địa này. Các nhà nghiên cứu lại được dân làng cung cấp sử liệu về những tàu biển chở người di cư “theo chúa vào Nam” hồi 1954. Giờ từng ngôi mộ xẹp lép, sắp bị xóa nhòa theo thời gian và sự bành trướng không giới hạn của bộ rễ Rồng siêu khủng!

Qua nhiều thời kỳ lịch sử, các mầm nhú của rễ Rồng trong nghĩa địa dần dần thành vô số tượng lớn nhỏ, nhấp nhô như đoàn quân chờ vùng lên chiến đấu. Trong các đêm mưa bão, sấm chớp vườn tượng rễ cây đó như ẩn hiện lên các mặt người đau thương, cuồng nộ, thất vọng hay mỉm cười đắc ý. Đó là “làng ma” huyền bí tồn tại song song cùng làng chài sôi động. Đó là nơi thỉnh thoảng phát ra tiếng kêu rú hãi hùng làm cả làng khiếp hãi mà không lý giải được!

Rễ cây Rồng hơn trăm năm tràn ngập 4 phương 8 hướng đã hút hết dinh dưỡng của đất lẫn linh khí của trời, nên cao to vĩ đại. Trên tán cây rậm rạp rộng cả mẫu đất có vô số chim chóc, rắn rít, sóc, chuột, dơi, quạ, sâu bọ... trú ngụ. Bình minh, chim với gà rừng hót gáy vui vẻ. Hoàng hôn thì các loại mòng biển, hải âu, yến... bay vượt sóng vào nghỉ ngơi. Tán lá khổng lồ của cây Rồng thành hệ sinh thái đặc biệt của cả vùng. Chất thải động vật và lá rụng tưới đều đặn xuống gốc Rồng làm cây tươi tốt, trường tồn... Cả làng quý cây Rồng như tổ phụ. Bao thế hệ trai gái hẹn hò dưới gốc cây; lễ mừng chiến thắng quân xâm lược Pháp, Mỹ; lễ giao quân đi đánh “giặc đồng chí” biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam... lễ tuyên dương học sinh giỏi; lễ trao áo gấm cho các cụ ông, cụ bà trăm tuổi; lễ cầu ngư, tịch điền hay công bố hương ước của làng v.v... đều làm sân khấu dưới gốc Rồng. Các khẩu hiệu diệt dốt, diệt đói, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, hay “Đổi mới, hội nhập, phát triển...” đều từng được treo đỏ rực trên các nhánh Rồng cùng các xác diều của trẻ con lẫn diều người lớn. Trong các hốc, bộng của những khối rễ xù xì, to lớn nổi quanh gốc Rồng là chi chít bàn thờ, tiểu miếu nghi ngút khói hương từ đời này sang đời khác. Ngoài chức năng là hệ sinh thái tự nhiên, cây Rồng còn là “bảo tàng” lưu giữ ký ức của cá nhân, cộng đồng và là thế giới tâm linh của nhiều gia đình, dòng họ.

Cây Rồng là lịch sử, linh hồn của làng nên bà con làm mọi cách để bảo vệ. Đơn tập thể có mấy ngàn chữ ký được gửi lên tỉnh với Trung ương xin phong Cây Rồng là cây “di sản”. Một đại lễ hội đón rước “sắc phong” dự kiến sẽ tổ chức rầm rộ, tưng bừng suốt 3 ngày, thu hút mấy chục vạn du khách trong, ngoài nước đã được kỳ công chuẩn bị. Thế nhưng, bất ngờ đã ập tới!

Một sớm mai như mọi sớm mai, người làng kinh hoàng phát hiện “ngọn bút” bén nhọn vươn lên giữa tán cây tròn khổng lồ bỗng vàng úa. Cả làng bỏ hết việc làm ăn, học hành để tụ tập dưới gốc cây bàn tán xôn xao. Từ người già đến trẻ con đều mang khuôn mặt lo lắng, căng thẳng trước những bình luận về “điềm gở” này...

Qua hôm sau, màu vàng úa lan tỏa dần xuống các tầng lá thấp hơn. Ngàn vạn chiếc lá dài như dao, kiếm rụng quanh gốc Rồng cứ như sau trận chiến kinh hoàng, cả quân đoàn vất vũ khí, giải giáp chào đón hòa bình! Bình minh ngày thứ tư, thứ năm tiếng chim hót lanh lảnh hay tiếng gà rừng gáy te te sắp trở thành hoài niệm. Lúc hoàng hôn còn rất ít hải âu, mòng biển, bói cá... trở về. Vài bóng chim lẻ loi trên những cành thưa lá giữa chiều thẳm im lìm như báo hiệu điều lạ sắp đến.

Khi cây đang thay đổi sắc diện giữa sự quan tâm đặc biệt của dân làng thì có công văn từ tỉnh về. Đó không phải là sắc phong cây di sản của “triều đình”, mà là thông báo còn rúng động hơn. Một liên doanh giữa Mỹ - Nhật - Hàn sẽ biến làng chài nằm kẹt giữa biển với dãy núi hùng vĩ dài dặc này thành thương cảng lớn nhất Đông Nam Á. Xung quanh cảng biển sẽ là khu công nghiệp, đô thị thương mại dịch vụ, khu vui chơi, sòng bạc, khách sạn 5 sao... do một số nước châu Âu đầu tư.

*

Cụ Bao Lam là vị trưởng làng ra lệnh không đốt mà hồi sinh “cây lạ” này từ hơn thế kỷ trước, có con trai là Bao Thu nay gần cả trăm tuổi nhưng vẫn minh mẫn, tráng kiện, được thế tập chức trưởng làng của cha. Xã hội Việt hiện đại chê bai chế độ phong kiến nên tập ấm tước vị chỉ còn là đặc lợi cho các “chức tộc” quyền uy (Đến cuộc “cách mạng” chống tham nhũng đầu thế kỷ XXI thì một số “tộc trưởng” ngành, địa phương tham lam, gia đình trị bị trừng phạt nặng nề trong sự hả hê của dân chúng). Nhưng dưới bóng cây Rồng chất chứa xương máu, đau thương này, chức trưởng làng bé nhỏ, vô vụ lợi không đáng để cải tổ; Tiếp tục cha truyền con nối trong sự tán dương của một ngôi làng đang lưỡng lự giữa hội nhập quốc tế và chế độ công xã sơ khai.

Một tháng trước thời cây Rồng suy giảm nghiêm trọng sức sống tưởng chừng bất diệt, cụ Bao Thu nằm mơ thấy vị thần “Ba đầu sáu tay” lại hiện về, nước mắt ràn rụa:

- Xưa, thương những người nghèo nên ta mới ban cho cây thần. Nay, các người xây lăng miếu thờ ta mà toàn làm trái ý ta! - Nói xong ngài “Tam vị nhất thể” giận dỗi quay lưng, biến mất...

Cây Rồng héo úa được giải thích như chuyện cổ tích! Dân làng tin lời cụ Bao Thu nên cố gắng tìm hiểu điều gì làm thần linh nổi giận và chuẩn bị tế lễ chuộc lỗi. Nhưng những nhà đầu tư từ các xứ xa xôi mang theo rất nhiều ngoại tệ và văn hóa khác biệt chỉ mỉm cười rồi đưa về cái máy trông gọn nhẹ như khẩu súng phóng lựu M79. Họ chĩa vào cây (đã được trang trí lộng lẫy chờ lễ hội đón sắc phong là “cây di sản”), bắn ra từng luồng sáng và tiếng máy xè xè suốt từ rễ, gốc, đến ngọn. Dân làng thắc mắc thì mấy ông tây, bà đầm đó giải thích:

- Đây là máy siêu âm cây xanh. Cây cổ thụ này bề ngoài vẫn to lớn, khỏe mạnh nhưng... chắc là không thể cứu được nữa!

Sứ giả của các nước tư bản vừa nói bằng tiếng Việt rất rõ, vừa rút thẻ nhớ trong “súng” ra cắm vào laptop. Cả làng được chứng kiến những hình ảnh mục rỗng từ bên trong thân, gốc, rễ, cành của đại thụ Rồng. Một số gào lên:

- Các ông đã dùng cây súng kỳ lạ đó hại cây thần của chúng tôi?

Vị sứ giả cao lớn, kiếng trắng, tóc vàng, mắt xanh, da trắng cười khẩy:

- Ruột cây bị thoái hóa từ ba, bốn chục năm trước rồi. Chúng tôi đem khoa học hiện đại đến giúp bà con nhìn ra sự thật thôi. Quyết định thế nào là do làng mình!

Làng chia làm hai phe sau câu nói của sứ giả. Số đông theo ông Bao Thu, vẫn hy vọng cứu được cây Rồng nên không cho thực hiện dự án. Thiểu số còn lại, là người trẻ du học nước ngoài về hoặc tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng trong nước, là con cháu các đại gia hoặc quan chức, thì muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngôi làng “tựa sơn hướng thủy” đã quá cũ kỹ và đầy dấu tích chiến tranh này. Họ có ưu thế vượt trội so với lớp con nhà nghèo hoặc lý lịch xấu cùng lứa. Họ được hưởng thành quả cách mạng nhiều hơn các giai cấp khác, dĩ nhiên phải ưu tú hơn! Chỉ lớp “quý tộc” trẻ đang say máu làm giàu này mới dám nghĩ phải... “lật gốc cây Rồng” để tận dụng hết tiềm năng và mở rộng đường ra biển. Lớp người lớn tuổi muốn dựa vào thế hệ trẻ để quê hương hưng vượng, nhưng lại sợ mất cây Rồng đã được thần thánh hóa thành “tổ phụ” của làng. Hai bên cùng nêu lý lẽ, viện dẫn thực tế và lịch sử...

Mấy ông tây, bà đầm kiên nhẫn chờ cơ hội đem kinh tế thị trường phi định hướng vào thay bạo lực xâm lược thời thực dân. Đồng tiền và công nghệ tư bản luôn êm đềm và thiện chí hơn tàu chiến và đại bác của thế hệ lính viễn chinh vào đất này cùng cây thánh giá thế kỷ XVIII, XIX. Nhưng bản chất kiếm tiền thì không thay đổi vì mục đích cuối cùng vẫn là giá trị thặng dư!

Điều đó càng làm cổ tích về cổ thụ Rồng mang tính dự báo!

Một đêm sau cuộc trang luận giữa hai thế hệ về cây Rồng, trời bỗng giông bão dữ dội. Sóng thần cao hàng chục thước tràn vào làng. May mà khí tượng thủy văn báo trước nên chính quyền sơ tán dân từ chiều, trú ngụ trong các dãy nhà phòng, chống thiên tai được xây dựng kiên cố ở sườn núi đá. Hôm sau bão tạnh, họ trở về. Chưa kịp đau xót cho tài sản mất mát hư hỏng thì cả làng rú lên thảng thốt khi cây Rồng đã biến mất. Giang sơn mênh mông của tán lá và rễ Rồng bây giờ là bãi trống lổn nhổn đất đá, rễ cây, lá rụng... Bầu trời như cao rộng, thoáng đãng hơn khi không còn tàng lộng chất chứa nhiều huyền thoại và lớp lá dày đặc chặn hết ánh sáng cùng một phần mưa móc xuống mặt đất. Nhưng cây cao, rễ dài bị siêu bão và sóng thần đầu bạc bốc, nhổ nên cổ thụ khổng lồ để lại vô số hầm hố dài ngoằn ngoèo trên khắp mặt đất ngổn ngang tàn tích của sóng, bão. Rễ lớn bị rị lên theo cây, nhưng rễ nhỏ, rễ con, rễ cháu, rễ chắt... bị đứt gãy phải ở lại. “Vườn tượng” là rễ cuối nên vẫn còn nguyên, lố nhố những “mặt người” nham nhở, giả dối. Nếu không có một điều phản tự nhiên nào đó xảy ra, “sân khấu tượng gỗ” này sẽ sớm mục rã, lụi tàn dưới mưa nắng...

Cả cộng đồng đang còn bỡ ngỡ, bàng hoàng với sự thay đổi lớn lao này thì ông chủ tịch xã ngập ngừng cho biết:

- Đã có quyết định phong cây Rồng là... cây di sản!

Hàng ngàn đôi mắt cùng nhìn vào ông chủ tịch, ông thả từng lời hụt hẫng:

- Nhưng cây bị sóng thần cuốn trôi ra biển rồi!

Có bà cụ khóc thét lên:

- Vậy là linh hồn của tổ tiên tôi không còn nơi trú ngụ...

Đại diện thế hệ đầu giương cờ đỏ chống ngoại xâm không duy tâm mà biện chứng duy lý, như lời đáng mừng của vị lão tướng:

- Thời chiến tranh từ biển vào làng hay từ núi ra biển, chúng tôi đều đi theo ngọn cây vút nhọn lờ mờ trong đêm tối. Nay “ngọn hải đăng” hùng vĩ đó đã thay đổi theo quy luật vận động, phát triển của tạo hóa, không ai cưỡng lại được! Chúng ta bất ngờ nhưng không hối tiếc hay sợ hãi! Làng mình mất một biểu tượng, nhưng sẽ thông thoáng và nhiều lựa chọn hơn để làm ăn với năm châu bốn biển, tiến kịp bạn bè...

Đám trẻ trí thức nhìn nhau mỉm cười, bật ngón tay cái “kiểu Mỹ” thay lời cảm ơn nhà lãnh đạo tài ba từng đánh thắng tất cả các lực lượng xâm lược vào làng và càng già càng minh mẫn, càng đầy tính dân tộc, càng nâng cao uy tín với dân và bản lĩnh đối ngoại!

Nhóm du khách lớn tuổi từ hải ngoại về thì bàng hoàng, sửng sốt trước câu nói ấy. Gần nửa thế kỷ trước họ đã vượt biên từ bờ biển này, đã nhìn thấy bóng dáng đồ sộ, lừng lững trong đêm tối của cây Rồng và tưởng tượng trong vùng lá hình dao, kiếm dày kịt ở trên cao trăm mét, những ánh đèn pha sẽ bất ngờ phựt lên sáng rực cùng những tiếng súng, tiếng hô, tiếng quát... Họ run rẩy cầu nguyện. Bây giờ “chứng nhân lịch sử” đó đã “về trời”, những người con tha hương thấy đất mẹ gần gũi, thân thương hơn. Họ đồng loạt quỳ xuống cào nắm cát trộn phù sa nóng hổi từ những hố hầm bộ rễ cây Rồng bứt đi, để lại. Ai cũng rưng rưng trong giây phút từ biệt quá khứ chia cắt, ám ảnh, đoạn trường...

Xin nói thêm, Rồng là quy luật tư duy của nhiều nền văn hóa trong nhiều không gian, thời gian khác nhau. Ở phương Đông, Rồng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng hoặc quyền lực và ảo vọng “con trời” của vua chúa. Ở phương Tây, Rồng là thế lực hắc ám đe dọa con người. Những dũng sĩ giết được Rồng để cứu dân tộc, đất nước mình, được tôn vinh là anh hùng. Hiểu “Rồng” theo “Đông” hay “Tây” là tùy cảm xúc và phông văn hóa của mỗi người. Không có cách hiểu nào là độc tôn, cũng không có cách hiểu nào là sai nếu nhìn “Rồng” bằng trí tưởng tượng từ thiên nhiên hoang sơ thời tiền sử. Lúc đó Rồng chưa có “chân mạng đế vương” phương Đông; cũng chưa là “vũ khí phun lửa” của lũ phù thủy phương Tây. Rồng nguyên thủy chỉ là... ước mơ!

Mùa thu 2022

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm