- Truyện
- Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Tác giả Ngô Thị Thu An
Gần đây tôi hay có cảm giác ngộp thở. Tôi đến bên cửa sổ, mở toang cả hai cánh cửa, hít lấy khí trời. Bên ngoài tối đen. Không phải mùa đông mà đang hè. Trời khá oi. Tôi đứng mãi. Rồi một cơn gió nhẹ cũng thoảng qua, nhẹ như hơi thở, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận là có gió. Tôi quay lại bàn, ngồi xuống, cầm hờ hửng một quyển sách. Đó là quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami.
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Chạy à? Tôi mở lại quyển sách, bất chợt muốn đọc nó, không phải trong sự mệt mỏi, ngừng trệ mà là trong sự tỉnh giác. Murakami, nhà văn người Nhật, một thời tôi từng tâm đắc với “Rừng Na Uy”, giờ muốn nói gì với người đọc qua “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”? Tôi lật từng trang sách. Biết bao thay đổi đã xảy ra với Murakami qua câu chuyện Murakami từ nhà văn đến Murakami vận động viên marathon qua các kỳ thi không mệt mỏi.
Chạy giúp thay đổi cuộc sống một cách tích cực sao? Chạy để vượt qua chính mình sao? Chẳng phải hơn 40 năm có mặt trên cõi đời này, chỉ trừ lúc ấu thơ chưa nhận thức được nhiều, tôi đã “chạy” miệt mài đó sao? Tôi đã chạy đua với thời gian, đua với việc học tập không ngừng để có những kết quả tốt nhất, đua với việc tìm kiếm một công việc, phải liên tục chạy đua để hoàn thành nhiệm vụ và để ngày càng thăng tiến? Chẳng phải tôi đã cật lực chạy để có được một gia đình no ấm, những đứa con ngoan, giỏi. Chẳng phải tôi đã chạy để đừng tụt hậu, để theo kịp sự thay đổi khủng khiếp của xã hội loài người, để cố hiểu cho được sự phức tạp ma trận của thế giới con người?…Để đến giờ đây, tôi chợt ngộ ra là mình sẽ chẳng bao giờ theo kịp và cũng chẳng bao giờ có thể hiểu đầy đủ thế giới ấy, xã hội ấy.
Tôi đã mất gì? Sức khỏe, những niềm vui riêng tư, sự bình an, thanh thản cần thiết, sự ấm áp, sẻ chia của một người tôi từng thương yêu hơn cả bản thân mình. Nếu cứ tiếp tục thế này thì những thứ đó có thể sẽ tiếp tục nhạt nhòa. Công việc của mỗi người đã cuốn chúng tôi đi ngày càng xa theo hai chiều ngược nhau. Chúng tôi vẫn hay tự biện hộ công việc là quan trọng hơn, sự đam mê nghề nghiệp là một ưu điểm, mở rộng giao lưu với bạn bè là một lợi thế, đặc biệt là với vô số bạn bè trên mạng xã hội…
Cho đến một ngày chúng tôi nhận ra mỗi người có những đam mê riêng, giữa hai người không còn có nhiều nhu cầu để chia sẻ. Và đến một ngày, để tôn trọng sự riêng tư của nhau, mỗi người phiêu linh trong phòng riêng của mình. Cách nhau vài bước chân, một cánh cửa, nhưng chúng tôi thường nói chuyện với nhau qua máy tính, điện thoại di động. Chúng tôi chat những điều cần giải quyết trong nhà, vài vấn đề liên quan đến con cái…
Chúng tôi dần lãnh cảm với nhau. Cái máy tính làm sao có thể cho ta những cảm xúc ngọt ngào như cái thời hai đứa cầm tay nhau tha thẩn đi dọc con sông quê ngoại, nghe gió sông thật ngọt, thật lành, nghe tình yêu cũng thật ngọt, thật lành. Cái máy tính đâu thể cho chúng tôi cái cảm xúc khi chỉ nhìn vào mắt nhau, nghe hơi thở của nhau là có thể cảm nhận được người kia muốn gì mà không cần gõ câu, chữ nào…
Hãy nhìn Murakami xem. Từ khi chạy, ông ấy đã đóng cửa quán rượu sớm, xa lánh ồn ào, không quá quan tâm chuyện thu nhập từ công việc kinh doanh, có nhiều thời gian với vợ hơn. Murakami đã tìm thấy những ý nghĩa mới của cuộc sống từ khi chạy. Murakami vốn là người không thích ồn ào. Khi chạy Murakami càng được lặng yên với chính mình. Ông viết khi chạy ông không nghĩ gì cả. Nhưng chính trong lúc lặng yên chạy ấy nhiều ý tưởng sáng tác đã phát sinh. Chính giữa những cuộc tập luyện và thi chạy ông đã có những tác phẩm gây sốt người đọc. Và điều quan trọng hơn, cũng với một ngày 24 giờ như trước đây, ông thấy mình sống tốt hơn, khỏe khoắn hơn, hạnh phúc hơn.
Vậy thì “chạy đâu đó đi” như lời khuyên của anh bạn. Hay chạy như Murakami đã viết. Hãy nghĩ một chút chuyện sẽ chạy đi đâu, chạy như thế nào, nhưng điều quan trọng nhất cần xác định là phải chạy. Chạy thật sự bằng đôi chân trên đất của mình, tự do, thong thả giữa thiên nhiên, chứ không phải cái “chạy” bị dồn ép như mấy mươi năm qua.
********
Yokohama những ngày cuối tháng sáu. Từng đợt gió biển mát rượi phả vào thành phố càng làm không khí trong lành của buổi sáng mùa hè thêm dễ chịu. Tôi đã từng đến đây gần 10 năm trước để tham dự một hội chợ hàng Việt Nam. Không khí hội chợ rất vui. Càng vui hơn khi tôi thấy có nhiều người Nhật xếp hàng mua phở ở quầy phở Việt Nam.
Tôi thích thành phố này từ hồi đó. Tôi thích con kênh đào dẫn nước từ biển vào sâu thành phố tạo một cảnh quan vừa cổ kính vừa hiện đại. Tôi thích sự sạch sẽ đến kinh ngạc ở thành phố này, khi mà đến từng miếng gạch lót vĩa hè cũng sạch bóng. Hồi đó, tôi hay tự hỏi bằng cách nào mà người dân Yokohama có thể giữ cho thành phố mình một sự sạch sẽ đáng nễ như vậy. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn cả chính là thái độ thân thiện của người dân nơi đây.
Trong cái chuỗi suy tưởng “chạy đi đâu đó” khi đọc “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Murakami, tôi đã nghĩ đến nước Nhật, quê hương của Murakami. Cụ thể hơn, tôi nghĩ mình sẽ quay lại Yokohama, nơi tôi từng yêu thích.
Giờ thì tôi đang ở đây, Yakohama, một thành phố cảng hiện đại và xinh đẹp. Lúc đầu, tôi có ý tưởng chạy dọc bờ biển. Sau đó, tôi nghĩ nên chạy dọc con kênh. Cuối cùng tôi quyết định chạy trên khu đồi cây xanh mướt. Cái sự chạy của tôi mới bắt đầu, vì vậy tôi không đặt nhiều tham vọng vào khoảng cách, cự ly hay tốc độ trên đường chạy. Tôi cần một khung cảnh để lắng lại, cần chạy trong tâm thế của một người kiệt sức đang học chạy để lấy lại quân bình. Tôi đã quyết định xin nghỉ việc một tháng không hưởng lương để đến đây. Một quyết định chưa từng xảy ra trong đời của một người thường được mọi người gọi là “tham công tiếc việc” như tôi.
Tôi khởi động rất kỹ và bắt đầu những bước chạy đầu tiên, cố giữ guồng chân cho đều, chú tâm đếm từng hơi thở khi chạy quanh khu đồi. Tôi cố giữ sự an tịnh cho đầu óc, chạy trong tĩnh lặng và đều đặn đếm nhịp thở. Năm phút, rồi mười phút, tôi bắt đầu cảm thấy hơi thở mình nặng hơn, bắp chân mỏi nhừ, người đầm đìa mồ hôi.
Tôi vẫn kiên trì, nhưng bắt đầu xuất hiện ý nghĩ: nghỉ thôi, mỏi rồi, mệt rồi… “Này cô bạn”. Một giọng nói vang lên sau lưng. “Đừng tự bằng lòng nghỉ ngơi sớm thế. Cứ tập trung vào bước chân, chạy chậm và đều”. Giọng nói chạy ngang qua. Tôi nhìn phía sau lưng giọng nói ấy. Một người đàn ông, dáng thanh thoát, những bước chạy càng thanh thoát hơn. Tôi chắc chắn là không quen người này. Nhưng giọng nói kia dường như có một sự thách thức, một mong muốn chỉ dẫn, một hàm chứa động viên để tôi tiếp tục chạy với một sự thôi thúc mới, một sức bền bỉ mới.
“Tập trung vào hơi thở”. Giọng nói lúc nãy vang lên. Ông ta lại vượt qua tôi với những bước chạy thong thả mà tôi không bao giờ theo nổi. “Cố thêm một đoạn nữa. Cô làm được mà”. Giọng nói lại vút qua. Rồi tôi cũng dừng lại, tạm hài lòng với buổi chạy đầu tiên. Tôi ngồi xuống một vệ cỏ, duỗi chân, tự tưởng thưởng mình bằng việc hít thở bầu không khí trong lành. Tôi chợt thấy những mệt mỏi, những bức bối, những nặng nề trước đây trong cuộc sống của tôi trở nên nhỏ nhoi hơn rất nhiều.
Tôi nhìn ngược lại quảng đường đã chạy. Người đàn ông nói sau lưng tôi lúc nãy đang khoan thai chạy tới. Tôi nhìn kỹ ông ta. Bỗng thấy gương mặt này rất quen. Tôi đã từng thấy ở đâu rồi? Ở đâu? Người đàn ông đang quay trở lại với những bước chạy đều đặn. Khi chạy tới gần tôi, ông ta nở một nụ cười thân thiện. “Nghỉ à? Hôm sau phải cố thêm một chút”. Giọng nói vút đi. Tôi lại ngồi trong tĩnh lặng…rồi bất chợt “á” lên với mình một tiếng. Không lẽ là…Murakami ?
Tôi ngồi chờ ông ta quay lại, để ít ra bày tỏ một điều gì đó. Sự ngạc nhiên? Sự hâm mộ? Vài câu hỏi để tỏ ra là mình đã có đọc tiểu thuyết của ông. Nhưng trong lúc tôi ngồi với những suy tưởng miên man của mình thì người đàn ông, có lẽ đã hoàn thành các vòng chạy, đang đi xuống phía bên kia khu đồi cây, ông qua đường rồi hòa vào dòng người.
Tôi đã biết Murakami luyện tập cật lực như thế nào. Ấn tượng nhất là cuộc chạy đáng nễ với cự ly 26,2 dặm giữa mùa hè nóng bức ở Athens (Hi Lạp) vào năm 1983. Murakami đã một mình chạy liên tục 26,2 dặm từ Athens đến làng Marathon với thời gian ba giờ năm mươi mốt phút. Murakami nói về lần chạy đó: “Không hẳn là một khoảng thời gian cừ nhưng ít ra tôi cũng đã có thể tự mình chạy trọn vẹn đường chạy, bạn đường duy nhất của tôi là giao thông kinh khủng, cái nóng không tưởng tượng nổi, và cơn khát kinh hồn của tôi” (*).
Murakami đã đúc kết cuộc chạy marathon 26,2 dặm ở Athens như sau: “Tôi cho là có một vài kiểu quá trình không cho phép bất kỳ sự thay đổi nào. Nếu ta phải là một phần của quá trình, tất cả những gì ta có thể làm là thay đổi - hay đúng hơn là làm biến dạng-chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy, và biến quá trình đó thành một phần của chính tính cách mình” (**)
Hôm sau, tôi dậy sớm hơn một chút, cảm thấy có một sự thôi thúc để chạy. Đường sá tinh tươm, không gian mát mẽ, trong lành. Gió đượm một chút hơi nước, vài đám mây vần vũ. Tôi khởi động. Và chạy. Được vài chục bước, tôi thấy người đàn ông hôm qua trước mặt. Cái dáng của ông loang loáng, xa dần, mất hút, rồi vòng lại, vượt qua tôi, đều đặn. Tôi nhìn người đàn ông rõ hơn, cười thầm mình vì đã từng nghĩ đó là Murakami.
********
Đã là buổi sáng của ngày thứ hai mươi bảy tôi chạy bộ. Tôi lại ngồi ở vệ cỏ của mình, gạt mồ hôi đang chảy ròng ròng, thấy khỏe khoắn hơn, lòng thanh thản hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa và đáng sống hơn. Phải chăng tôi “đang tự thay đổi- hay đúng hơn là làm biến dạng-chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy”?. Tôi bất giác mĩm cười.
Tôi cảm nhận có người dừng lại phía sau. Người đàn ông thân thiện ngồi xuống cạnh tôi. Không đợi ông hỏi, tôi tự nói đôi điều về bản thân, về việc vì sao tôi đến đây, vì sao tôi chạy. Người đàn ông ngồi yên lặng nghe, rồi chậm rãi nói “Tôi cũng là một người viết. Câu chuyện của cô làm tôi liên tưởng tới một người tôi mới tiếp xúc trong mấy ngày qua”.
“Anh ta cũng đến từ Việt Nam” –người đàn ông kể - “Sau vài lần nói chuyện với tôi, anh ta cũng muốn thử sức với chạy. Anh ta cũng có tâm trạng giống cô, đã để cuộc sống lùa mình đi trong “đường chạy” của nó. Đến một lúc giật mình nhìn lại, trong những ngày thật sự trống trãi vì cô vợ đã đi đâu đó, mà không nói đi đâu, và cho biết sẽ không liên lạc với anh trong thời gian này, anh bắt đầu suy gẫm lại cuộc sống của mình. Rồi đến một hôm, anh ta thấy cần phải đi đâu đó, để suy nghĩ về một số điều mà lâu rồi anh rất ngại suy nghĩ về nó.
Vì sao anh ta qua đây? Anh ta cũng không thể lý giải đầy đủ, có thể từ sự gợi mở của những quyển sách viết về nước Nhật, một đất nước đầy thử thách giới hạn của con người, mà anh đọc. Có thể từ những câu chuyện kể của cô vợ khi cô ấy sang đây công tác. Cũng có thể là nước Nhật bất chợt hiện lên trong đầu anh trong lúc anh đang tìm kiếm một nơi nào đó để đi, để không phải “ngồi đồng” hàng ngày, hàng giờ trước máy tính, và để không chỉ sống với máy tính.
Trong vài buổi tối tình cờ ngồi uống chung bàn với anh ta ở một quán rượu, chúng tôi đã trò chuyện với nhau. Anh ta đôi lần than phiền về cô vợ quá mải mê với công việc, với những thứ bên ngoài, quên cả sức khỏe, quên cả anh. Trong những ngày dài bị quên lãng đó, anh ta làm bạn với máy tính và ngày càng nghiện nó nặng. Thật ra, tôi thấy đó không phải là vấn đề lớn. Rồi xem, với xu hướng hiện nay, con người sẽ ngày càng sống với máy móc, công nghệ, ngày càng thu mình trong “hang ổ” của mình. Vấn đề quan trọng hơn là ứng xử của mỗi người theo cách mà họ muốn”.
Tôi chợt hỏi một câu như khẳng định, như trôi ra từ tiềm thức: anh ta dáng cao, hơi gầy, mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ. “Có lẽ vậy”. Đó là câu trả lời. “Tối nay ông có đi tới quán rượu đó không? Ông có thể cho tôi cùng đến đó hoặc chỉ cho tôi chỗ đó”, tôi chợt thấy mình đầy bối rối. “Cô muốn gặp anh ta à? Anh ta quay về Việt Nam rồi”.
Tôi còn ba ngày ở Yakohama như dự tính. Nhưng có một thôi thúc khác trong tôi. Người đàn ông Việt Nam đó là ai? Anh ta có thể là chồng tôi, cũng có thể là một người đàn ông xa lạ có hoàn cảnh tương tự.? Tôi không chắc lắm nhưng vẫn có một thôi thúc muốn quay về. Khi đến với nhau, chúng tôi đã hẹn sẽ “chạy thi” cùng nhau để cuộc sống của cả hai ngày càng thăng hoa hơn, bền chặt hơn. Nhưng rồi đường đua cuộc đời đã kéo chúng tôi “chạy” quá xa nhau, thậm chí lạc mất nhau.
Trong sự bồn chồn, tôi mở điện thoại. Nói gì? Hỏi thăm sức khỏe? Cho biết tôi sẽ về sớm hơn dự định? Hay hỏi có phải anh vừa từ Nhật về Việt Nam? Nhưng rồi tôi lại tắt điện thoại. Tôi muốn trở về một cách bất ngờ. Chúng tôi sẽ nhìn nhau bằng mắt, nghe nhau bằng tai, nói với nhau bằng thứ tiếng nói quen thuộc thân thương, thậm chí ôm nhau trong vòng tay ấm áp, và nói “em (anh) nhớ anh (em) quá, gần một tháng rồi còn gì?”.
Cũng có thể, biết đâu, khi tôi trở về, nhà cửa vẫn vắng tanh, tôi phải mở điện thoại hoặc bật máy tính lên và gọi/ chat “anh đang ở đâu”, thay vì mở cửa phòng anh để xem anh có “ngồi đồng” trong đó không. Nhưng tôi lại tự cười mình. Đơn giản là vì tôi chỉ có thể biết điều gì đang xảy ra với tôi chứ không thể biết được điều gì sẽ xảy ra với tôi sau thời khắc hiện tại này.
Và điều tôi cảm nhận được rõ nhất ở thời khắc hiện tại này là tôi đã thật sự chạy, đã “làm biến dạng chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy” theo chiều hướng tích cực hơn. Quan trọng hơn, tôi biết mình sẽ phải tiếp tục “chạy” như thế nào trên đường đua tìm đến hạnh phúc đích thực cho đời mình, dù cuộc đời có ra sao.
N.T.T.A
. Chú thích: (*),(**): các đoạn trích trong tác phẩm “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn người Nhật Haruki Murakami.