TIN TỨC
  • Truyện
  • Cỏ úa | Truyện ngắn dự thi của Giàu Dương

Cỏ úa | Truyện ngắn dự thi của Giàu Dương

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
483 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

(Dành tặng D17NV01 - Trường Đại học Thủ Dầu Một)

 “Hai, ba, cười nghen!” - Câu nói của cô bạn sơ-vin áo hồng cài chiếc nơ trắng chúng tôi nhờ chụp giùm bức ảnh tập thể vang lên giữa sân trường đầy nắng. Hôm nay là ngày học cuối cùng, chúng tôi chờ ngày tốt nghiệp. Bao nhiêu câu bông đùa làm tôi cười tít mắt. Rồi trong đám đông, tôi làm lạc mất bạn.

Không biết Thảo chạy đi đâu trong đống chữ nghĩa ngổn ngang của tôi hôm kết thúc học kì. Khi tôi mải mê tả cô giảng viên hôm nay xinh xắn trong bộ váy màu xanh thiên thanh có hình hoa sen chỗ chít eo, tả những hoa nắng nhàn nhạt in trên song cửa sổ dãy học 3 tầng. Không biết Thảo ở đâu giữa những dòng tâm tình chúng tôi viết đầy ắp trong quyển sổ có bìa màu vàng nhạt dành tặng cho thầy cô. Không biết Thảo có góp giọng trong lúc chúng tôi nghiêng ngả theo điệu bài Dòng thời gian, ngân nga “bao nhiêu năm rồi... làm gì... và được gì?....

Bất giác, chúng tôi đưa mắt nhìn nhau thật lâu, như muốn tóm lấy từng giờ từng phút được cùng nhau nhìn về một hướng - những con chữ treo trên bảng. Chúng tôi thèm nghe biết mấy cái câu: “Ráng thêm 5 phút nữa thôi mấy đứa, sắp xong bài rồi”, mỗi khi đồng hồ điểm ca học sắp hết và chúng tôi thì chộn rộn cả lên. Tôi ngó sau vai cậu bạn, thấy từng vòng chò buông cành xoay tròn như nỗi chênh vênh vô hạn của chúng tôi - những cánh chim sắp rời khỏi tổ. Chò xoay đôi ba vòng là khép đời yên ổn, còn chúng tôi có xoay vòng nào đâu mà rời lạc những cú thiệt hết hồn.

Thảo từng chậc lưỡi xuýt xoa tấm ảnh nó chụp quả chò rơi giữa khoảng không được giàn sử quân tử ướp hồng, cánh chò nghiêng ngả, đẹp chơi vơi. Thảo hiền lành, ưa một đời sống bình yên. Nó từng nói học xong sẽ về quê, xin vào trường ở huyện dạy học, lương thấp một chút cũng được, miễn được ở gần ba mẹ nhiều bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Thảo là con út trong nhà, được yêu chiều từ nhỏ và nó cũng chưa bao giờ thôi tự hào về gia đình của mình. Cô bạn là người nhiều năng lượng, rất thân thiện và hăm hở trong các hoạt động tập thể. Thảo xung phong làm Bí thư lớp rồi từ lúc nào không hay, nó trở thành “đầu mối” gắn kết những người bạn xa lạ lại với nhau.

Thế là hai năm đầu đại học của chúng tôi trôi qua bằng những lần đi ăn cùng nhau chờ lịch học ca kế tiếp, là mấy lúc ngẫu hứng ngồi bàn chuyện tương lai, sinh con gái hay trai để làm sui gia cho tiện. Có lần cao hứng, tôi nói cái tên của Thảo thật đúng với cung cách, tâm hồn nhẹ nhàng của nó, mà đôi khi nghe cũng hơi buồn. Cỏ thì nên thơm, nên tươi, cỏ mùa thu thì vàng vọt quá chừng. Thảo chỉ cười: “Sợ đời sẽ buồn, nên tao luôn sống mỗi ngày thiệt vui vẻ”.

Nhớ lại ngày Thảo hí hửng khoe người yêu, tôi rất mừng vì cuối cùng nó cũng tìm được người đồng hành. Vì Thảo lúc nào cũng cười nói mà tâm sự trong lòng lại rất ít khi sẻ chia. Thảo yêu Tú, cậu bạn kém Thảo 2 tuổi, từng học chung trường thời cấp 3 ở Dầu Tiếng. Đó là một tình yêu đẹp (ít nhất trong mắt một đứa sinh viên năm 2 như tôi thì nó đẹp). Thảo yêu một cách bình dị và nhẹ nhàng. Niềm hạnh phúc với nó chỉ đơn giản là được cậu bạn đến thăm, được chuyện trò, ăn uống và nhận những món quà ngập ngụa thương yêu. Thảo ướp tình yêu của nó bằng màu hồng của tất cả ngây thơ, tất cả tin yêu và niềm sống.

Tiếc là không lâu, cái sắc màu hạnh phúc ấy dần tái ngắt, lịm đi sau những cuộc đổi dời. Từ ngày Tú vào đại học ở Sài Gòn, Thảo cảm nhận rõ mình bị gạt sang một bên, như thể rơi ra khỏi vòng tròn tình cảm của Tú. Hồ hởi tự lái xe máy giữa gió mưa sang thăm, gặp người yêu mà Thảo tưởng ai, lạ hoắc, nhìn người ngồi đó mà vẫn thấy nhung nhớ tơi bời. Dần dà, đối với những vui buồn, hờn giận của Thảo, cậu người yêu chỉ đáp gọn lỏn “Sao Thảo phiền quá”(!). Rồi sau bao nhiêu lần tan hợp, lòng Thảo cứ quắt queo dần, khô cong như đám rạ cuối mùa.

Thảo không mạnh mẽ như người ta vẫn nghĩ, nó cần được che chở biết bao nhiêu. Mà chúng mình thì còn quá trẻ, và mớ danh sách những việc ưu tiên phải làm cứ dày lên, đẩy những thương yêu (tưởng rằng luôn đợi sẵn) đến tận sau cùng. Chúng mình quá trẻ nên cứ tin rằng những tâm hồn sứt mẻ sẽ chóng lành. Chúng mình cũng còn quá trẻ để có thể kéo cán cân của trái tim và lý trí cho ngay ngắn. Rã rời bởi những cơn sóng cảm xúc khó lòng làm chủ, bữa nọ Thảo tựa đầu vào vai tôi, hỏi nên làm thế nào cho đặng. Tôi trả lời ngay, hễ thấy níu nhau mệt mỏi quá, thì buông bỏ cho nhẹ lòng. Thảo thở dài, líu ríu: “Sợ là... tao không sống nổi”.

Giật mình nghe tiếng lớp trưởng gọi: “Lớp chụp hình sao thiếu mất một người rồi, Thảo ở đâu sao tôi tìm mãi không thấy vậy nè?”. Đúng rồi, Thảo ở đâu trong đám bạn đang nhí nhố chỉnh tóc, sửa váy áo đứng trước máy ảnh? Cô bạn chúng tôi nhờ lúc nãy hơi cáu vì đứng lâu dưới nắng: “Rồi chờ tới chừng nào?”.

Tôi mới thấy Thảo đây, bước xuống bậc thang cuối cùng trước cửa lớp, nó còn ngoái lại nói với tôi: “Áo dài sửa sắp xong rồi, mai tao về quê lấy, chắc là xinh lắm” bằng cái giọng ngang phè không biết nó vui hay buồn. Nó hay rầu vì ăn hoài không tăng được kí lô nào, áo dài cứ hay mang đi cho người ta sửa lại, mấy bận nhập viện truyền nước biển cũng không ăn thua.

Tôi mới thấy Thảo đây, lần thực tập chung ở trường phổ thông, nó dạy bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử thiệt là hay. Mấy bé học sinh cứ ngẩn người nghe cái giọng miền Nam ngọt lịm mà cô Thảo giảng Mơ khách đường xa, khách đường xa....

Tôi mới thấy Thảo đây, lần gần nhất gặp Tú, hai đứa cãi vả đủ chuyện. Tú quay đi, phóng xe máy về lại Sài Gòn. Thảo chống nạnh đứng nhìn theo, mặt đờ ra, không khóc. Từ sau nhìn tới, tôi mường tượng nếu hai tay Thảo buông thõng xuống chứ không phải chống ở hông, chắc là Thảo sẽ gãy ngang, đổ gục xuống rồi vỡ ra từng mảnh.

Những kỷ niệm mềm nhũn như cọng bún ướt mưa, cuộc tình của Thảo cứ thế mà tan ra. Thảo dáo dác tìm người. Không thấy ai, Thảo tựa vào chính mình, cố đứng cho vững chãi. Sau bao nhiêu ấm lạnh của tình yêu, Thảo quên luôn chuyện ngoài Tú ra, vẫn còn rất nhiều người chịu lắng nghe mình.

Cả lớp cũng nhốn nháo tìm người, cô bạn áo hồng đã chán nản bỏ đi (trong bực bội), cái khoảnh sân trường để chụp ảnh tầm mười mấy mét vuông mà nay như khu đô thị mới quy hoạch, rộng lớn và vô định. Chúng tôi đứng đó, tức giận và bất lực. Thấy vậy, tôi cố vào vai một nhà tâm lý, gạn hỏi mấy đứa bạn thân của Thảo xem nó có dấu hiệu gì khác thường dạo gần đây không?

Con nhỏ ở cùng dãy trọ với nó ngồi xuống, vỗ đùi cái chát: “Hèn gì hôm qua tao thấy nó hớn hở chạy xe đi ra chợ, rồi về ghé qua chào hết mấy người hàng xóm, chắc nó có chuyện gì vui dữ lắm nên mới chạy tót về nhà hông thèm báo ai”. Còn thằng bạn cùng quê với Thảo ra vẻ trịnh trọng, bảo: “Hay là Thảo dẫn người yêu về ra mắt, hôm qua má tao gọi nói mới bán cho nhà nó quá trời bông, giao qua nhà thì thấy má Thảo giặt mùng mền, thím nói con Thảo nó gọi về biểu vậy”. Hơn nửa tiếng đồng hồ loay hoay trong đống ký ức chấp ghép, Hà My nói bữa chạng vạng ra bờ sông ngồi, ngắm đám lục bình trôi, ngó mấy cái ghe rẽ nước chạy vù, Thảo quay sang hỏi: “Có khoái làm chủ đời mình không, mày?”.

*

Hồng Hậu chém tôi bằng ánh nhìn bén lẹm tới xương: “Mày viết sao thì viết, chụp hình kỷ niệm ra trường thì phải đủ mặt mới vui được à nghen!”.

Mà tôi biết làm thế nào hơn, không lẽ viết phút Thảo mắc dây lên xà nhà, tôi kịp chạy ù qua tát nó một cái cho hoàn hồn rồi kéo vào lòng mà ôm, mà xiết: “Đâu, kể hết chuyện tao nghe”. Rồi tôi cố lục lọi coi, hôm Thảo kể ba nó đi khoe cả xóm lần thứ hai được con gái làm sinh nhật cho với lời lẽ tự hào và cảm động đến cỡ nào, để tôi đem xen vô đoạn giữa cái thư tuyệt mệnh nó viết bằng nét chữ tươm tất và xinh xắn. Hay tôi viết chiều hôm đó nó gọi mình qua trang điểm, ủi áo cho (như cái hồi chúng tôi thực tập xa rồi ở lại cùng nhau) để kịp khen nó: “Mày mặc như vầy đẹp nè, đi uống trà sữa đi”. Chứ không phải bộ đồ đó, khuôn mặt đó chúng tôi bàng hoàng thấy nó đứng bình thản, chân chạm sàn, hai mắt nhắm nghiền, người thì lạnh đi, tím ngắt. Ấy vậy nên tôi phải viết tiếp chuyện khác, để mọi người tạm quên đi, khoan hối tôi tìm cho ra Thảo.

Nhớ hôm giáp Tết, lớp tôi ngồi trên chiếc xe hơn 20 chỗ, đi giữa cái hanh khô của gió chướng thổi vù vù. Đường đất đỏ có những đoạn quanh co, tịch liêu không một mái nhà, chỉ trải ra thẳng tắp những vườn cao su sâu hoắm, bạt ngàn. Tôi không phải người miền Đông, nên đấy cũng là một trong những lần ít ỏi tôi được trông thấy những vườn cao su mà tôi hay gọi là rừng. Chúng vừa bí ẩn lại vừa đáng sợ. Tôi nhớ lúc còn bé, hễ không nghe lời sẽ bị mẹ dọa dẫn vào rừng sâu rồi bỏ tôi ở luôn trong ấy. Nên rừng cây với sự mát mẻ nhưng tăm tối của nó là một ký ức đầy sợ hãi với tôi.

Miên man trong những ý nghĩ, ai cũng lặng im, chỉ có những đợt xốc nẩy của con xe là rịn chúng tôi lại, để biết đường không xa, nhưng dài rộng quá. Cuối cùng thì cũng đến nơi sau hơn 2 giờ đồng hồ, xe dừng lại ở vệ đường. Tôi xuống xe rồi ói lấy ói để. Lại nhớ lần đi trước sang Sài Gòn dự ra mắt sách của cô giảng viên kiêm luôn nhà thơ, có Thảo ngồi kế bên, nó lẹ tay đưa tôi khăn giấy, còn vỗ về: “Tội nghiệp dữ hông!”.

Rồi cũng cái hôm đó, chúng tôi được nghe câu chuyện hay hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết kinh điển nào được học, bởi lẽ thường nó là chuyện giữa đời, rồi từng câu từng chữ cứ vậy mà cứa xát tận đáy lòng, chuyện là vầy:

Ba đặt lên bàn tờ giấy, bảo con viết ra tên 10 người mà con quý nhất trong đời. Con chăm chú viết tên 9 người, dành lại 1 chỗ trống cho người yêu con sau này. Năm đó con vừa tốt nghiệp phổ thông. Một năm sau, ba lại mang tờ giấy chi chít tên ông bà, ba mẹ, anh chị ấy ra, bảo con gạch tên hai người mà con có thể bỏ ra khỏi danh sách này (chỗ cuối cùng con vẫn chưa điền tên ai vào đấy). Ba không dám nhìn vào chỗ con gạch, vò mảnh giấy cho vào sọt rác. Lòng khấp khởi nghĩ con gái mình chưa yêu là chưa khổ. Rồi ba dặn đi dặn lại, đời này chỉ có những người con kể được phép bỏ con, dù đôi khi họ không hề muốn, duy chỉ có con là không có quyền rời bỏ họ. Thảo gật đầu, cô bé là một đứa con ngoan ngoãn.

Đó là lời ba Thảo kể với chúng tôi hôm đám tang Thảo, bằng cái giọng lạc đi vì đau đớn của một người đàn ông ngoài 40 tuổi, bất lực và điên dại. Ngẩng đầu lên sau cơn ói đến mật xanh, tôi chăm chú nhìn di ảnh Thảo, tấm hình thẻ mặc chiếc sơ mi sọc xanh Thảo mới chụp không lâu. Tôi nhìn đôi lông mày nó hay kẻ cẩn trọng bằng màu chì nâu sẫm, nhìn vầng trán cao và sáng, nhìn khuôn miệng chúng tôi vẫn hể hả cười đùa, lòng nấc nghẹn. Chẳng biết Thảo đã mất bao lâu để “chuẩn bị” cho cuộc ra đi của mình, chỉ biết rằng những kẻ ở lại trong bàng hoàng đã phải tự hỏi rất nhiều, rằng mình có trót bỏ rơi Thảo lúc nó cần mình không? Rằng đâu là lý do chính xác nhất cho lựa chọn này của nó?

Hẳn người đời cũng sẽ đắn đo tự hỏi: Sao mà con bé ngu ngốc quá? Đời này còn biết bao nhiêu đau đớn động trời, chút xây xát tuổi đôi mươi mà làm vậy thì có đáng không? Có khi là đáng ấy chứ. Giá mà ai cũng có thể hiểu, ở cái tuổi ngơ ngác đi tìm chính mình, ngông cuồng và khờ dại, người trẻ rất cần được cảm thông. Vì Thượng đế toàn năng đã trừng phạt loài người bằng việc cắt đi sợi dây hiểu thấu đồng loại, nên chúng mình cứ loay hoay tìm kiếm rồi thất vọng khôn nguôi với cái sự “hiểu” tưởng như rất bé nhỏ này.

Tôi đang hình dung ra cảnh Thảo bước những bước thong dong, qua người nhà vật vã trong cú sốc, qua bạn bè hụt hẫng lau không kịp nước mắt lã chã mà nó mong muốn đến tiễn đưa nó đầy đủ, qua cả người thương của nó, về với hư vô. Tú khởi động lại Facebook sau một thời gian chìm trong ký ức đớn đau với Thảo. Thật bất công và vô lý nếu Tú phải gánh hết tội lỗi cho kết cục đau lòng này, nên chẳng ai nhẫn tâm mang Tú ra đay nghiến. Đường đời rộng mở, Tú rất cần dũng khí để tiếp tục cuộc hành trình. Vốn dĩ tình yêu mang rất nhiều khuôn mặt, và lựa chọn đối diện với nó như thế nào là ở cách của những người yêu.

Nhưng lạ lùng một nỗi, chúng ta biết, nhưng chúng ta vẫn hay quên rằng phải thiệt lòng thiệt dạ yêu thương bản thân mình trước khi dốc lòng yêu một ai đó khác. Người ta còn trẻ, ngày đứng giữa vài chục người quen, đi qua hàng trăm người lạ, người ta đôi khi vẫn thấy như ngồi trên “độc mộc” giữa dòng. Tôi nghĩ ai cũng có bản năng chết ở ngõ ngách nào đó trong đầu, và để ngồi đây, viết những dòng này, tôi đã phải ngăn nó chồm dậy (dăm ba lần). Va vấp với những cuộc mưu sinh giữa đời, tôi cũng sẽ bị nhấn chìm trong lo toan được - mất, chẳng biết có đắn đo quá nhiều chuyện mình sẽ yêu ai (rồi người ta yêu mình thế nào). Thôi thì cứ vin vào cớ là mình còn trẻ, mình phải ích kỷ yêu mình một chút, thêm một chút nữa, thêm một chút nữa.

Tôi cầm về tấm hình tập thể, coi thật kĩ từng khuôn mặt, thấy yêu từng khóe mắt, từng nốt ruồi, từng méo xọ trên cơ thể 42 người bạn (còn lại) của mình. Chuyến xe hồng trần đã lỡ lên thì phải đi cho tới bến, để còn nghe hết Khúc thụy du.

... Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữa

Sẽ lấy được những gì

Về bên kia thế giới

Ngoài trống vắng mà thôi

Thụy ơi và tình ơi...

G.D

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm