TIN TỨC
  • Truyện
  • Cõng nắng qua sông | Thu Trân

Cõng nắng qua sông | Thu Trân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-04 11:37:29
mail facebook google pos stwis
1240 lượt xem

THU TRÂN

Dễ chừng có đến hơn chục năm rồi, cố chưa soi gương. Từ ngày chồng cố mất, từ ngày cố đi đâu cũng bị người ta kêu là cụ, cụ cũng phải, tính đến bận soi gương lại lần này, cố đã chín mươi lăm tuổi rồi còn gì. Từ cái góc chiếu quen thuộc trong nhà, cố bò lại chiếc tủ gương cạnh đấy. Và soi. Chao ơi, con người già xấu tệ. Cố đã không nhận ra mình nữa. Tóc xác xơ bạc trắng, sợi còn sợi mất. Hai hốc mắt rộng ra, nhìn như quỷ ám. Đôi cánh môi lặn hẳn vào trong miệng bởi không còn cái răng nào. Da nhăn như đường cày mùa khô. Đặc biệt, cặp chân mày biến mất. Cố chớp chớp mắt mấy lần, gọi hớt hơ hớt hải:

- Hai ơi Hai à, sao nhìn tao ghê quá vầy nè, tối qua ngủ, mày có cạo mất chân mày của tao hôn?

Người con gái gần bảy mươi tuổi của cố lắc đầu:

- Của bà để cho bà, ai cạo làm gì, thây kệ, già nó vậy bà ơi.

- Không được, ngày mai mày phải kêu thợ xăm chân mày cho tao.

- Xăm làm gì, ma đĩ nó ám bà hả?

- Ma đâu mà ma, cái con ăn nói thạch thượng. Con người ta sinh ra phải có mắt môi mũi miệng. Không có chân mày, mai mốt tao chết xuống dưới, má tao, anh chị tao làm sao nhận ra tao.

“Mai mốt” và “xuống dưới” là hai cặp từ tương lai gần nhất của cố bây giờ. Tương lai thuộc về cái chết. Cái chết của người già. Sự ra đi hiển nhiên mà dân gian gọi là ngọc hoàng giũ sổ. Gặp ngày nắng đẹp, cô Hai mang hết quần áo của cố ra phơi, cố róng riết:

- Cái con, tao có bệnh gì hay lây đâu mà phải phơi phóng tùm lum vậy?

- Để mai mốt bà đi cho sạch sẽ bà ơi.

- Sạch cái gì, nằm dưới đất với dế với giun mà cần gì phải đem theo ánh mặt trời?

- Bà này nói năng thầy chạy, tui thua bà luôn.

Cô Hai đi chợ mua về một bộ chung uống trà giả cổ, cô ngồi săm soi:

- Má, bà thấy bộ chung này đẹp hông?

- Đẹp, mà bây mua chi vậy, nhà này đâu có ai uống trà?

- Mua để dành, mai mốt bà đem xuống dưới cho ba, tối qua tui nằm mơ thấy ổng, ổng nói thèm uống trà bằng chung cổ.

- Vẽ vời quá, ổng nói dóc mày thì có. Thì ra xuống dưới vẫn còn mê con đào hát. Nó tặng ổng bộ chung uống trà y chang vầy, hồi tao ghen quá, đập bể mẹ nó rồi.

- Má già rồi, còn xí quách đâu mà ghen chi, má?

- Không phải ghen, mà bây nói gì dính tới con đào hát đó là tao ghét, thấy hôn thấy hôn…

Cố đưa ngón tay trỏ cong vòng cứng đơ lên. Đây là tàn tích ngày cố ghen với cô đào hát, vợ chồng xô xát, chồng cố bẻ ngón tay cố thành tật luôn. Biết rồi sẽ có chuyện, cô Ba bấm hông cô Hai, im đi bà, không thì nghe vọng cổ suốt ngày, bà ở nhà lo cho bả, tui về à.

Đó là những câu chuyện ban ngày của cố và hai người con gái. Còn ban đêm, cô Hai bảo, cố toàn giao lưu với người cõi âm. Một giờ khuya, cố thức dậy đòi ăn. Ăn nhiều vô thiên lủng. Nửa giờ đồng hồ, cố làm chẵn hai cái bánh bao, một tô mì gói, ba trái chuối. Chẳng bù, ban ngày cố chỉ húp hai lần cháo trắng pha muối, mỗi lần chỉ vài muỗng cầm hơi. Cô Hai chống cằm nhìn mẹ ăn, hỏi:

- Bà ăn hay ai ăn vậy, má?

- Mày là con quỷ à, tao không ăn thì ai ăn, cái miệng của tao mà. Mà nè, đó đó, cái con mặt đen thủi đen thùi đó cứ ở truồng ngồi trước mặt tao, lấy cục đất chọi cho chết mẹ nó đi!

- Bà là má hay là con mặt đen thui đó vậy?

- Ừ, hàm răng nó trắng nhỡn, thấy ghê bây à.

Ăn xong, cố phăm phăm đi tiểu một mình. Chẳng bù ban ngày, chân cố yếu rớt, muốn đi đâu, cố phải để hai chân lên chân cô Hai, ngả lưng vào ngực cô, rồi cứ thế, cô ôm chặt hông cố, rê cố đi khắp nhà. Lần này đi tiểu xong, trở lại phòng ngủ, cố leo tót lên đầu giường cô Hai, rồi đi lắt léo từ đầu giường này sang đầu giường kia như đứa trẻ nghịch ngợm, miệng lép nhép:

- Bây làm gì mà rải cứt đái tùm lum vậy, mấy con này ở dơ hết biết à.

***

Khách nào tới thăm nhà, cố cũng thích kể chuyện cố đấu võ đài với chồng cố mới được ông cưới làm vợ. Thời còn trẻ, cách đây tròm trèm ba phần tư thế kỷ, hai người là môn sinh của một đám võ chuyên đi tỉ thí biểu diễn kiếm tiền. Khi nhà lồng chợ, lúc trước sân tòa bố, lúc giữa sân trường lu bu đám con nít… bất cứ nơi đâu, các môn sinh của đám võ cũng biểu diễn miệt mài say mê, thứ nhất ghiền nghề, thứ hai kiếm cơm cháo độ nhật qua ngày. Hôm nào họ diễn hay, cái thau nhôm giữa sàn kêu leng keng leng keng như tiếng chiêng thúc giục, càng leng keng tiền cắc càng nhiều, đám môn sinh càng no cơm ấm áo.

Ngày cố trốn chạy theo đám võ, không tiền không bạc, chỉ mỗi miếng thịt luộc khoảng một ký treo bên lưng quần. Đó là lúc cố đang phụ má bán hủ tiếu ngoài chợ, nghe đám võ về lao xao ngoài vàm sông Cái, cố quyết tâm thực hiện ý muốn từ lâu của mình, phải được sống chung và hàng ngày phải được nghe người môn sinh điển trai giỏi võ ấy đàn hát và cười. Nhân lúc má cố loay hoay nói chuyện với khách, cố với tay lên giàn thịt treo lủng lẳng trước quầy hàng, “thó” một miếng rồi đi luôn, trước khi bà má phát hiện mất cô con gái cưng. Năm đó cố tròn mười lăm tuổi.

Đám võ ôm bụng cười lăn khi cố khoe miếng thịt. Tui chỉ có cái này để theo đoàn thôi à. Thầy Ngà, người chủ của đám võ bảo, ừ, nó thích theo thì cho nó theo, mình đang thiếu chân rửa chén. Đám võ hơn ba mươi người, nam nhiều, nữ ít, cố được phân công cùng hai chị lớn hơn phục vụ ăn uống cả ngày, mệt như điên. Dẫu mệt nhưng lúc nào cố cũng nhớ dành phần ngon cho Điền. Cái chàng đẹp trai giỏi võ, đàn hát hay ấy tên là Điền. Điền đáp lại tấm thịnh tình của cô gái rửa chén bằng những đường quyền dạy thêm đêm đêm, bên cạnh những bài võ nhập môn cố được thầy Ngà dạy mỗi khi đoàn rảnh rỗi. Cố cực kỳ sáng dạ. Học xong đường quyền nào, cố trả bài lại cho thầy sắc lẽm đường quyền đó. Có lần Điền chủ quan đỡ đường tấn công hờ hững, cố hạ Điền té lăn. Thế là lại được dịp xức thuốc, xoa bóp nhau đêm đêm. Nằm lim dim, thầy Điền hỏi:

- Qua hỏi thiệt em nhe, con gái đẹp vầy, có cha mẹ nhà khá giả, sao không ở nhà đi học mà đi giang hồ theo tụi qua chi vậy?

Cố nhấn một cái đau điếng vô đùi trái ông thầy trẻ ngốc nghếch:

- Là tui, là tui… Ừ, ba má tui sinh tui con gái, nhưng tui thích làm con trai à, tui thích đi đây đi đó cho phỉ chí tang bồng hồ thỉ.

- Trời, nói nghe hay há, em được học tới lớp mấy rồi?

- Tui học tới lớp nhì thì nghỉ, ghét cha thầy mất vệ sinh mà nghỉ.

- Mất vệ sinh sao?

- Đứa nào không thuộc bài, chả kêu há miệng ra phun nước miếng vô.

Thầy Điền cắc cớ:

- Rồi nuốt hay nhả?

- Nhả gì, tui phun ra cái phẹt vô mặt chả rồi chạy ra khỏi lớp luôn chớ.

- Vậy là má cho nghỉ học luôn?

- Chưa, má tui cũng can trường lắm. Bả dắt tui tới méc ông thầy đốc tờ về chuyện ông giáo nhì làm bậy, thầy đốc tờ xin lỗi, kêu tui đi học lại, nhưng cứ bước vô lớp thấy cái mặt giáo nhì chờn chợn thế nào. Má tui cũng không vừa, bả đòn roi nạt nộ tui dữ lắm, tui vẫn không đi. Một bữa trời mưa, bả bắt tui mặc áo mưa đến lớp. Tui không mặc, ôm cặp chạy cái ào ra ngồi dựa vô bàn ông thiên trước nhà, hết mưa, bàn ông thiên đổ, tui bịnh. Bả nói, thôi số trời bắt mày bán hủ tiếu thì tao cho mày ra chợ bán hủ tiếu.

Thầy Điền ôm bụng cười ha ha:

- Qua chịu em rồi đó, em ngon lành lắm, theo gánh võ là đúng rồi.

Thầy đứng lên ôm cố, hôn vô má cố đánh chụt rồi bước đi:

- Tối nay xoa bóp vậy đủ rồi, cám ơn, chúc ngủ ngon.

Nhưng cố không ngủ được. Cái hôn đầu của người con trai mình thích gấp triệu triệu lần mật ngọt thơm tho. Chán đời một nỗi là, người con trai ấy chỉ coi cố như em gái. Thầy Điền mê cô đào hát Sam Xuân của gánh hát Phiêu Bồng. Sam Xuân vừa hát hay diễn giỏi, lại vừa sắc nước hương trời. Không đêm nào sân khấu sáng đèn, có Sam Xuân mà vắng mặt thầy Điền. Sợ mất Điền, cố đêm ngày suy nghĩ mông lung. Cố phải làm sao cho Điền tâm phục khẩu phục mà yêu cố.

Có đêm trăng sáng lung linh, gánh võ quây quần uống trà tán dóc. Nhấp một ngụm trà thơm tới hốc mũi, cố đằng hắng:

- Thầy Điền nghĩ sao mà đi coi hát hoài, một tuồng coi đến bốn năm lần, bộ hổng sợ tốn tiền sao ta?

Mọi người ngây ra nhìn cố như nhìn chị Hằng mới rớt từ cung trăng xuống. Thầy Ngà cười ha ha:

- Người ta bỏ tiền ra cũng có lý do của ngưởi chớ. Hay là cô muốn đi coi hát với thầy Điền?

- Tui hổng thích coi hát, tui muốn đấu võ à.

- Ngon! Bây giờ cô thích đấu với ai?

- Thầy Điền.

- Ngon nữa. Thầy Điền có nhận lời thách đấu không cà?

Đám đông lao xao:

- Nhưng phải cá gì chớ, đấu suông không vui.

- Ừ, cá đi cá đi!

Cố gật gù:

- Tui sẽ bao chầu cháo lòng cho cả gánh nếu tui thua thầy Điền. Còn thầy Điền, sao?

Thầy Điền cười cười chậm rãi:

- Em thách thì qua đấu thôi, em thích qua mất cái gì nếu mà em thắng qua?

Đám đông lại hò reo:

- Một chầu bánh xèo, một chầu bánh xèo!

Cố nghiêm mặt:

- Tui hổng thích ăn, tui thích thầy cưới tui làm vợ hà!

Trời đất! Đám đông im lặng một giây rồi vỡ òa:

- Được đó, được đó, con này nó cũng đẹp gái mà, nhận lời thách đấu đi thầy Điền.

Ừ, đấu thì đấu, Điền im im đứng dậy. Cố cũng đứng lên theo mà hai chân cố run bần bật. Tiếng hò reo cổ vũ làm cố sực tỉnh. Không được, chuyện cưới cố, phải bắt Điền đến thờ trước bàn thờ tổ. Ngộ nhỡ cố thắng, Điền nuốt lời hứa thì sao. Dân võ không bao giờ dám làm sằng bậy khi đã hứa điều gì trước tổ. Thật bất ngờ, Điền chấp nhận thề trước tổ luôn. Hiệp thứ nhất, Điền hạ cố nốc ao chỉ sau mấy giây đầu. Hiệp hai, cố vật vã đến bứt gân mới làm Điền té lăn cù. Hiệp ba quyết định, chỉ còn mấy giây cuối, mọi người chuẩn bị được ăn cháo lòng thì bất ngờ Điền la thất thanh rồi ngã quay lơ. Thế là cố được chồng. Đêm tân hôn, chồng không làm gì cố, mà chỉ gác tay lên trán thở dài:

- Tui sợ bà luôn, bà lừa tui.

- Lừa gì, tui yêu ông mà.

- Hiệp hai bà không chơi cái chiêu cọ cọ hai bầu vú vô mặt tui thì tui đâu có ngộp thở mà thua, ai dạy bà chiêu này vậy?

- Bài quyền chính thầy Ngà dạy, còn chiêu phụ này tự tui nghĩ ra.

- Còn hiệp ba, bà thiệt quá đáng, đờn bà con gái ai học cái đòn bóp của quý đờn ông, ai dạy bà chiêu này vậy?

- Cũng thầy Ngà chớ ai.

- Thiệt, tui sợ bà luôn, bà không phải đờn bà, bà là con quỷ, cưới thì cưới chớ tui hổng có yêu bà đâu, tui yêu là yêu cô đào Sam Xuân cà.

Thiệt vậy, dù mang tiếng có chồng, nhưng cố vẫn là con gái một thời gian dài. Cô đào Sam Xuân là cơn ác mộng triền miên của cố. Cố ghen điên cuồng, cho đến khi chồng cố mắc bệnh đờn ông một cách nặng nề thì cuộc tình ngoài hôn nhân ấy mới kết thúc. Cũng nhằm vào lúc cô đào Sam Xuân biệt tích luôn. Thời buổi khó khăn, chiến tranh khói lửa kéo dài, gánh võ tan rã, vợ chồng cố gánh gồng dắt díu nhau lên Sài Gòn làm lại cuộc đời với hai cô con gái còn nhỏ xíu.

***

Gần trăm tuổi, nhưng có đêm nằm mơ, cố thấy mình vẫn được yêu. Cái người yêu cố ấy không phải chồng cố. Mà là một thanh niên tao nhã, trán cao, mắt sáng, môi tươi. Còn cố vẫn là cố, bà già khô héo quắt queo, lưng cong tóc bạc da mồi. Cố kể chuyện này cho cô Hai. Cô cười ha ha:

- Yêu gì nữa bà ơi, mơ gì long đong vậy.

Còn cô Ba tâm lý hơn, vừa thấm khăn lau mặt cho cố vừa nói:

- Ông trời bù đắp cho má bằng tâm linh, tại hồi đó giờ má chưa được yêu mà.

- Ừ, con này nói nghe hay à, đâu mà nhảm nhí như con Hai. Ừ, ổng đâu có thương yêu gì tao, tao có bầu bây, tao đẻ đái bây toàn trong nước mắt.

Mà quả thiệt vậy, cuộc đời gắn với ông thầy võ điển trai kể ra cố phải khóc tới một ngàn thùng nước mắt. Lên Sài Gòn, bán buôn một thời gian có tiền, cố trút hết chữa bệnh cho Điền. Hết bệnh, đi làm kiếm tiền thì ít mà dan díu mèo mả gà đồng thì nhiều, nên chồng cố lại trở về bệnh cũ. Lần này thì quắt queo hơn, cạn kiệt hơn. Đi khám, bác sĩ biểu không còn sức lao động, cho nên cố phải nuôi chồng cố đến già đến chết. Đôi lần thao thức giữa đêm, cố chong mắt nhìn lên trần nhà, trên đó có hai con thằn lằn đuổi nhau, tụi nó chậc lưỡi thâu đêm. Giống hoàn cảnh của cố, nhưng chỉ có một mình cố chậc lưỡi. Con thằn lằn cái bị con thằn lằn đực rượt thì chạy. Còn cố đứng lại chịu đấm ăn xôi đủ đường. Cố muốn kết thúc cái tình yêu đường trường của cố bằng một cú nốc ao như cuộc tỉ thí trong đêm trăng sáng năm nào. Nhưng không được, cái người thường xuyên phản bội cố nằm đó, lắt lay chờ chết, người ác lắm cũng không biết kết thúc bằng cách nào, kể chi cố, giết một con kiến cũng thấy gớm tay mình. Vậy mà chồng cố cũng sống thêm được chục năm sau khi thầy thuốc tuyên bố vô phương cứu chữa. Đám tang chồng, cố không khóc. Đêm đêm cố mời môn sinh mấy gánh võ lang thang về tỉ thí trước quan tài cho vong hồn ông thầy võ vui. Vậy thôi chớ, còn muốn gì.

Nhưng mà cố vẫn ấm ức, càng già càng ấm ức. Cố không thích sống kiếp này mà phải trả nợ cho kiếp trước. Kiếp nào tính kiếp đó là đã mệt hả họng rồi, tính chi bao đồng vậy. Cô Ba bóp bóp chân cố mỗi khi cố than buồn:

- Thôi buồn chi, cũng phần số hết má à, mà cũng tại bà, ai biểu hồi đó bà âm mưu chiếm đoạt ổng chi, ổng đâu có yêu bà, cho nên bà phải gánh, sướng cái dưới cực cái trên bà ơi.

- Cái con ngựa, mày làm như mày hay lắm, có tránh được số phận hông con, thằng chồng mày giờ cũng có chịu làm ăn gì, cờ bạc thâu đêm, mày phải hầu nó chết mẹ. Tao thấy một thân một mình như con Hai nhà này vậy mà sướng.

- Sướng gì, mai mốt bà chết bả ở với ai, sô lô một mình làm con ma cô độc. Tui nói cũng tại ông già, ông ác quá cho nên giờ hai đứa con gái ổng phải gánh chịu…

Giọng cô Ba nghe như có nước mắt, cố giật mình đánh trống lãng:

- Thôi thôi, đừng đấm bóp nữa, má hết đau rồi, về lo cơm nước cho chồng con mày đi!

***

Nếu mà còn trẻ, nếu mà hồi đó học hành kha khá một chút, nếu mà ông thầy giáo nhì đừng chơi ác phun nước miếng vô họng học trò, thì giờ chắc cố viết được quyển tiểu thuyết cho cuộc đời mình. Cố sẽ kể hết những cảm nhận của cố về đời sống âm dương trong chặng cuối này. Cái xe đời của cố lao xuống dốc vùn vụt, rồi nó mắc bụi cỏ hay tảng đá nào đó mà ngắc ngứ ngắc ngứ đứng lại, những hồn ma vây quanh cố, hai người con gái thường xuyên thay nhau ngồi bên cố, âm cũng không ra âm, dương cũng không ra dương, ngày của cố dài miên man bất tận.

- Tao muốn chết, Hai ơi, tao muốn chết.

- Chết làm gì má, sống cho vui.

- Tối ngày tao thấy má với anh chị tao về rủ tao đi, tối hôm qua bả còn bắt tao dắt bả đi đái.

- Ụa, vậy bận bà quay vô đi thông thống trên đầu giường tui là bà ngoại đi đó hả?

- Đồ ngựa cái, nói tầm bậy hà, đó là con mặt đen ở truồng!

Cô Hai nghe óc ác nổi hết trên mình, cố cứ hư hư thực thực như vậy suốt ngày.

- Ma đâu mà ma, người ta tưởng tao sắp chết nên về đầy nhà đón tao đi, đừng nói tao khùng nha. Một trăm triệu đồng trong bao gối để dành tao mang xuống dưới chia cho ông bà cha mẹ tao, đừng có đứa nào đụng đến à nha, tao ghét tham lam lắm.

- Trăm đâu mà trăm, còn năm chục à má. Con Ba nó chỉa của má hồi đầu năm đó nhớ hôn.

- Bậy nà, chỉa đâu mà chỉa, nó có xin tao. Thôi con, tội nghiệp nó lấy phải thằng chồng không ra gì, nó khổ, nó mắc nợ ngập đầu, má cho nó để trả nợ đó con à, đừng tiếc nha Hai, máu chảy ruột mềm, bầu ơi thương lấy bí cùng Hai ơi.

Cô Hai im lặng thở dài. Cố hư thực ngay với chuyện cơm áo gạo tiền một cách rõ ràng như vậy nên không biết đâu mà lần. Năm chục triệu không cánh mà bay là có thật. Cô Ba nhận cô Ba lấy, cố nói cố cho. Rồi thỉnh thoảng cố lại mất chiếc nhẫn vàng đeo tay, cố nói cho cô Ba mượn. Cô Hai lại lắc đầu mở rương lấy nhẫn khác cho cố đeo. Một xâu nhẫn cố để dành phòng thân trước khi già giờ chỉ còn sợi chỉ đỏ tênh hênh. Cô Hai giận cô Ba hoài chuyện tiền vàng mập mờ như vậy nhưng chưa bao giờ dám kết thúc một cách rõ ràng. Thứ nhất, bao giờ hô mất, sau đó bình tâm lại, cố cũng nói cố cho cô Ba. Thứ hai, thiệt tình cô Hai cũng sợ thành con ma cô độc sau khi cố qua đời, nhà có hai chị em, giận cô Ba, làm cạn tàu ráo máng với cô Ba thì cô Hai biết sống với ai.

Có một điều hai chị em hay tâm đắc to nhỏ với nhau là nhà mình có ma hay không có ma. Cô Hai nói có thiệt, bằng chứng là cố khác hẳn vào ban đêm. Cô Ba nói theo xu hướng khoa học, dù gì thì cô cũng có bằng cử nhân khoa học về sinh học. Nói là chắc tại cố quá già nên não cố thường xuyên mất kiểm soát, đặc biệt vào ban đêm khi sóng từ trường ngắn lại, nó xẹt xẹt lung tung nên não cố gom hết hình ảnh đời cố từ nhỏ đến lớn lại mà cho cố thấy lung tung, chớ ma đâu mà ma. Đặc biệt với hình ảnh con mặt đen ở truồng, cô Ba nói với cô Hai là, trong lúc “trà dư tửu hậu” với cố lúc cố tỉnh táo nhất, cố có khai là hồi đó trong gánh võ có con bé mặt đen đi theo giặt đồ cho các võ sĩ. Cho nên bây giờ não cố tua lại, hình ảnh con mặt đen ở truồng xuất hiện là bình thường thôi. Thế là yên tâm. Nhưng mỗi chiều tắt nắng, cô Ba chuẩn bị ra về, cố ngồi trong nhìn ra cổng la lên chói lói: “Ê, cái con mặt đen kia, đứng dậy kéo quần lên đi, đứng chà bá ngang cổng hoài làm sao con tao nó về”. Cô Ba về, cô Hai bước ra khóa cửa mà cứ nghe da thịt nhờn nhợt, rợn rờn.

***

Một tháng trước ngày cố mất, bỗng dưng cố bị đau hông trên dữ dội, đau rên xiết, đau trào nước mắt. Hai cô đưa cố đi chụp hình, xét nghiệm đủ thứ. Bác sĩ nói cố bị ung thư xương sườn thời kỳ cuối, không chữa được. Về nhà, cố không buồn, cứ im im uống thuốc. Khi nào bớt đau, cố lại bò dậy chuyện trò cùng hai cô con gái. Cố nói chuyện đời chứ không nói chuyện bệnh hoạn, nói một cách tỉnh táo, dường như bọn ma quanh cố đã bị đám tế bào ung thư quật ngã.

Trong ngày lâm chung, cố đã có một buổi sáng thật rộn ràng. Cố đòi tắm, đòi thay quần áo mới, đòi ăn ngon. Cô Hai nháy mắt với cô Ba:

- Chuẩn bị nha, thấy lạ quá rồi.

Cô Ba cười cười lắc đầu:

- Lạ gì, lâu lâu nàng võ sĩ đến hẹn lại lên thôi mà. Bà hổng thấy sao, mấy lần bả đòi mặc quần áo mới rồi đó.

- Nhưng lần này lạ lắm, hồi tối bả thức suốt đêm nói chuyện với con mặt đen.

- Bà này, khéo tưởng tượng…

Cố tỉnh táo lạ lùng, lại thêm đòi chải tóc, xức dầu dừa thơm thơm láng mướt. Cuối giờ chiều, cố kêu cô Hai lấy cho quyển tập và cây bút. Khó khăn ngồi dậy, cố cầm cây bút run run:

- Má viết chuyện đời má cho hai đứa đọc nha.

Cô Ba tròn mắt ngạc nhiên:

- Trời, sức khỏe vầy sao má viết được, thôi muốn gì, đưa con viết cho.

- Mầy muốn mần thơ ký của tao hả?

Cô Ba đỡ giấy bút từ tay cố:

- Rồi, được rồi, má nói đi, con viết nè.

Cô Hai đỡ cố nằm xuống. Cố nhắm mắt, môi run run:

- Ừ, viết nha. Chuyện tao thí võ đài với ổng coi như bây biết rồi. Bi giờ viết chuyện tao đẻ hai đứa bây. Cưới tao làm vợ xong, ổng đi với con đào Sam Xuân tối ngày sáng đêm. Lâu lâu mới ngủ với má một lần. Lần nào ngủ với ổng cũng toàn nước mắt. Ổng dằn vặt má như dằn vặt một con đầu đường xó chợ ở đâu tự dưng đến vạch mùng nhà ổng chui vô vậy. Thây kệ, má nuốt nước mắt, mong có con để giữ chân ổng, dù sao mình cũng mang tiếng có chồng. Mà con Hai biết không, ở với ổng ba năm trời, cái bụng má vẫn không phình lên. Ái chà, khô họng quá, con Ba lấy cho má miếng nước… Ừ, tới đâu rồi. Ừ, tới chỗ má muốn có ngay một đứa con để giữ chân chồng. Má tâm sự chuyện này cho thầy Ngà nghe. Thầy Ngà nói vậy là ổng bị cô đào Sam Xuân làm cho mắc bệnh đờn ông rồi, làm sao mà sinh con được. Vậy là thầy Ngà giúp má…

Cô Hai hỏi sửng sốt:

- Giúp cái gì má?

Cố tỉnh bơ:

- Giúp đẻ mày chớ đẻ ai.

- Vậy con là con của ai?

- Con của thầy Ngà chớ ai, da mày trắng như trứng gà bóc hổng thấy hả. Nhưng cũng hên, cái mặt mày giống tao chớ hổng giống thầy Ngà.

Quơ quào được ít chữ cho vừa lòng cố, đến cao trào cô Hai là con thầy Ngà, cô Ba ngưng viết, run run đẩy quyển tập và cây bút sang một bên:

- Vậy chớ con… là con… con của ai, má?

Cố lại càng tỉnh bơ:

- Cũng con thầy Ngà luôn, thầy Điền làm sao còn sức mà cho má đẻ con. Chuyện đẻ con Ba là do thầy Ngà dụ. Thẩy nói, phải đẻ thêm một đứa cho tụi con có chị có em. Cũng may, hai chị em mày giống nhau như đúc nên thầy Điền không nghi ngờ gì.

Cô Hai xỉa xói:

- Chớ bộ thầy Điền tưởng ổng ngon lành mà đẻ được hai cô con gái à, má?

Cố lại nhắm mắt:

- Ai biết ổng, nhưng ngày ổng chết, hai đứa bây có để tang là trọn tình trọn nghĩa rồi.

Cô Ba chống cằm:

- Còn thầy Ngà biến mất luôn hả má, ổng có trách nhiệm gì với tụi con không?

- Má với ổng giao hẹn, sanh tụi con xong là ổng phải biến luôn, người ta còn có vợ con của người ta nữa mà. Cái xâu vàng mà con Ba rút rỉa dần là của ổng cho má nuôi tụi con đó. Mà nè con Hai à, đừng cay đắng với con Ba nữa nghen con, tiền vàng còn đó bây chia nhau mà sống, má chết rồi, tụi bây hổng có ai…

Cố sụt sịt khóc, hai người con gái cũng khóc theo. Lau nước mắt, cố nói tiếp:

- Nhưng thầy Ngà cũng ân tình lắm nha. Cái xương sườn mà bác sĩ nói ung thư bây giờ đó, nó hành má đau mấy chục năm trời là do bị thầy Điền tung cho một cước vào cuối hiệp ba trong cái đêm tỉ thí đó. Má than đau, thầy Ngà nói xương sườn má bị nứt. Nhưng không sao, thẩy cho thuốc rượu bóp sẽ lành, đó, cái hũ thuốc rượu với mấy thang thuốc nam má để trên gác bếp bao nhiêu năm nay là của thầy Ngà mua cho đó.

Cô Hai vừa khóc vừa nói:

- Vậy sao má hổng xài, mà để bây giờ cho nó thành ung thư?

- Xài gì, có hết đau đâu con, má để làm kỷ niệm. Sau đó mỗi lần trở trời là lồng ngực má thấy buốt lạnh và đau, má toàn uống thuốc tây không, bây không thấy sao?

- Kỷ niệm? Vậy là má cũng có yêu thầy Ngà, chớ đâu phải chuyện ổng giúp má đẻ đái không?

Cố thở hắt ra một hơi thật mạnh:

- Thì tụi con biết rồi, phận đàn bà như cánh hoa tầm gởi, chồng thương thì nhờ, không thương thì chịu. May có thằng đàn ông, nó cho mình con, nó quan tâm đến mình, thì cũng phải có một chút tình chút nghĩa chớ con…

Xong rồi cố kêu đói. Cô Hai xuống bếp hâm nóng cháo cho cố ăn. Trên nhà, cố ngoắc cô Ba cúi sát mặt mình thều thào:

- Nói vậy chớ con hổng phải con thầy Ngà nha, mày là con cái ông thầy bốc thuốc nam cho má uống chữa nứt xương đó. Thầy Ngà chỉ cho má hũ thuốc rượu thôi, còn thuốc nam tự má đi bốc, nhờ vậy mới gặp được cha mày đó. Nói hai đứa có cha chung cho con Hai nó thương mầy, má chết, tụi bây nương nhau mà sống. Chớ ai mặt mũi đâu mà xin thầy Ngà hai lần con…

Nắng cuối ngày rọi hanh hao vào song cửa, mặt cố trắng bệch ra, cố lờ đờ nhìn lên trần nhà, chỉ có con thằn lằn cái chổng đuôi buồn chậc lưỡi ngẩn ngơ. Cố còn kịp nghe cô Ba gào khóc:

- Chân tay má sao lạnh ngắt vầy Hai ơi…

Cố lại thấy mình tròng trành tròng trành như dạo bỏ nhà chèo thuyền theo con nước lớn, ra vàm sông Cái đầu quân cho gánh võ của thầy Ngà với miếng thịt luộc cột bên mình, đòng đưa đòng đưa…

T.T.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm