TIN TỨC
  • Truyện
  • Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền

Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-03-21 16:50:27
mail facebook google pos stwis
530 lượt xem

Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - 'một nửa' của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.

Suốt chặng đường từ nội thành về huyện, Mỳ luôn tưởng tượng ra bao nhiêu điều khiến cô thỉnh thoảng lại mủm mỉm một mình. Con đường từ huyện về làng Trà sao hôm nay ngoằn ngoèo, xa lắc xa lơ, đi mãi vẫn chưa đến nơi. Thực ra nó đâu có dài, chỉ khoảng 3 - 4 cây số gì đó mà sao ruột gan cô cứ như lửa đốt, tim đập thình thịch khiến nghẹn lại, có lúc nó chồm lên như con ngựa bất kham chỉ muốn lao thật nhanh về với những người mà Mỳ hằng yêu thương, kính trọng.

Đang miên man lẫn sốt ruột với những kỷ niệm xưa, bỗng tài xế bấm còi rồi dừng xịch trước căn nhà xinh xắn hơi cũ kỹ ven đường. Nghe tiếng còi xe, bà cụ khoảng ngoài 80 chầm chậm bước ra, một tay chống gậy, một tay huơ huơ trước mắt rồi nghiêng trái nghiêng phải như cố nhận xem những người đang vào là ai. Bu, đúng là bu rồi! Mỳ nghẹn ngào xúc động rơm rớm nước mắt khi nhận ra mẹ Nhân. Ngôi nhà mới được xây lại gần đây nên cô thấy khang khác. Mỳ vội vàng liếc thật nhanh xung quanh, cố tìm lại những dấu vết kỷ niệm xưa nhưng cuộc tìm kiếm quá khứ khá vô vọng. Gần như không còn gì, cả ngôi nhà, mảnh sân, cây xoan, đống rơm, giếng nước…, những ký ức khó phai trong lòng cô và cả Nhân nữa.

Kể từ lúc nhìn thấy bà cụ, Mỳ thoáng trách mình sao lâu quá mới về thăm bu. Cô quay sang đánh cái nhìn thật nhanh vào người đàn ông lặng lẽ đồng hành cùng cô, không phải chỉ trong chặng đường từ phố về làng, mà từ khi tình yêu của họ tan vỡ đến giờ. Người đó chính là Nhân. Mối tình đầu của cô. Mỳ không dám hét toáng lên: "Bu ơi, con đây! Con về thăm bu đây! Bu có nhận ra con không..." như mọi lần vì sợ người mẹ già phải mất công hồi tưởng mấy chục năm về trước để xem cái người vừa gọi mình là bu là ai.

Như hiểu lòng cô, Nhân trả tiền taxi xong vội vàng bước vào trước, ghé tai mẹ: "Bu ơi, cô Suýt của bu về thăm bu đây này". Nghe cái tên "Suýt" xa xưa ấy, ánh mắt mờ mờ trên khuôn mặt nhân từ, phúc hậu đầy vết nhăn nheo của người mẹ chợt khựng lại. Dường như bà đã nhớ ra người con gái có giọng nói lạ mà quen rồi. Bất giác bà đi nhanh hơn, lập cập về phía Mỳ. Vừa nắm bàn tay cô, bà liền quẳng chiếc gậy sang một bên rồi ôm chầm lấy cô như thể sợ lại mất đứa con dâu hụt thêm lần nữa. Quá xúc động, Mỳ vùi đầu vào vai bu khóc nức nở khiến cho Nhân không thể cầm lòng, quay mặt sang chỗ khác. Mẹ anh đang ứa những giọt nước mắt hiếm hoi trong cơ thể già nua để nhớ lại, để thương xót đứa con trai tội nghiệp của bà và Mỳ. Chính "nó" đây, đứa con dâu hụt mà mọi người trong nhà sau đó thỉnh thoảng đùa buồn gọi bằng cái tên "Suýt", suýt nữa thì... Hai bu con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Khi đã qua cơn xúc động, bà cụ cầm tay Mỳ mân mê một lúc rồi bảo: "Giá con về sớm hơn cách đây khoảng chục năm thì còn được gặp thầy. Hồi thầy con còn sống, thỉnh thoảng bu nhắc đến chuyện các con, thầy chả nói chả rằng, lẳng lặng nhìn ra ngõ như ngóng chờ. Bu biết thầy con rất buồn về chuyện các con. Thầy bu đến giờ cũng không hiểu vì sao các con tưởng như đã bén duyên vợ chồng lại mỗi đứa một đường…". Bà nói với cô mà như đang lẩm bẩm một mình. Mỳ thấy bà quay đi kéo vạt áo khẽ chấm chấm khóe mắt. Bất chợt bà bảo: "Vợ chồng, nó là cái duyên cái số con ạ". Mỳ hiểu bu muốn an ủi cả hai đứa trong cảnh này.

Mỳ nào biết lòng bà như có ngọn gió thuở xưa thổi lại. Ngày xa ấy, được tin Nhân sẽ đưa người yêu về chơi, bà xếp lại việc đồng áng, ra chợ mua mớ cá đồng thật ngon làm sạch cho tất tần tật vào cái niêu đất to kho nhừ với riềng với khế, cái món có lần Nhân nói với bà rằng cô rất thích, để chiêu đãi cô con dâu tương lai. Lại sẵn ruộng rau muống phía sau nhà, bà còn làm một rổ tướng bởi biết cô thích ăn rau xào tỏi. Bữa đó, cả nhà vui vẻ lắm. Bu và Nhân thi nhau chất cá lên bát cô, chuyện không dứt. Thầy cũng thỉnh thoảng góp chuyện. Mỳ từng nghe kể ông cụ thạo tiếng Pháp, viết chữ nho cực đẹp. Tính rất nghiêm nhưng cũng rất độ lượng nhân từ, không phải chỉ với con cháu trong gia đình, họ tộc mà còn cả với người trong làng trong xã. Vì vậy, ở làng Trà từ già đến trẻ ai cũng kính nể và quý trọng ông. Ông không "ồn ào" xen vào câu chuyện giữa mẹ con Nhân và Mỳ nhưng cô hiểu ông rất thương yêu và tin tưởng cậu con trai út của mình…

Cảnh cũ người xưa, có lúc cô như lạc hẳn vào ký ức, thế giới đã xa ngái. Ở chơi đến chiều, Mỳ xin phép về. Cô bịn rịn chia tay người mẹ mà cô từng coi như ruột thịt. Nhà cô ở nội thành, cách đây hơn hai chục cây số. Nhân cũng thưa mẹ, xin phép để anh đưa cô về tận nhà và sau đó lên Hà Nội trở vào nam. Anh không ở lại bởi thực ra hồi tháng trước anh đã nghỉ phép thăm quê, ở với bu cả tuần rồi. Cơ quan anh trong ấy, lần này anh ra công tác, tranh thủ thăm mẹ. Anh đánh bạo mời Mỳ cùng về làng Trà thăm chốn xưa. Anh cứ lo lo, chả biết người ta có đồng ý không, nhưng Mỳ vui vẻ nhận lời. Có điều, cùng về thăm bu nhưng Nhân mờ nhạt hẳn bởi cuộc gặp dường như chỉ dành cho bu và Mỳ. Tuy nhiên cô hiểu, cô biết rõ Nhân vui và hạnh phúc lắm. Giữa Nhân và cô hình như vẫn "chưa hề có cuộc chia ly".

Trên đường từ làng Trà về phố, Nhân cũng như Mỳ chẳng ai nói với nhau câu gì. Chỉ có tiếng thổi nhẹ của cái máy lạnh. Họ lặng im không phải vì không có gì để nói. Họ đang cố dồn nén những tình cảm yêu thương cả hai đã giấu kín trong lòng bấy lâu. Giữa họ là những kỷ niệm đẹp và trong sáng. Cho đến tận bây giờ, khi Mỳ không phải là "cái xương sườn" của Nhân nữa nhưng họ vẫn luôn gần gũi nhau trong từng ý nghĩ, mong cho nhau hạnh phúc. Tuy không nói nhưng trong bộ nhớ mỗi người đang khơi lại cuốn phim về cái hôm Mỳ thăm nhà Nhân cách đây gần 40 năm.

* * *

- Hai đứa đâu nhỉ, đun cho bu siêu nước.

- Dạ, vâng ạ!

Quái lạ, Mỳ nghĩ, ban ngày lúc nào bu cũng giành hết mọi việc kể cả đun nước cho thầy pha trà. Thế mà buổi tối cơm nước xong bu lại bảo hai đứa xuống bếp đun nước. Mà nhà trên và nhà bếp lại biệt lập, hơi cách xa nhau?

Mỳ và Nhân hớn hở lấy siêu ra bể nước mưa gần bếp. Mỳ cầm siêu còn Nhân thì khom lưng chui nửa người vào bể gần cạn cố múc mấy gáo. Đã lâu không mưa. Mỗi lần múc, Nhân lại phải rướn, thò chân vẫy vẫy. Gáo dừa va đáy bể xi măng cộc cộc. Công đoạn múc nước này vất vả lắm, Nhân cười bảo vậy.

Nhân bật que diêm rồi châm vào nắm rơm. Rơm khô cong bén lửa bùng cháy. Niềm đam mê khao khát giữa hai con tim đang yêu còn bốc dữ dội hơn. Sàn bếp trải đầy rơm thơm. Họ ôm chầm lấy nhau, hổn hển trao cho nhau những nụ hôn nóng bỏng, đắm đuối. Nỗi khát khao cứ cháy bùng, cháy bùng như nắm rơm Nhân vừa châm lửa. Nhân run rẩy. Run lắm. Nhân lắp bắp nói mãi chẳng thành lời cái câu ngắn ngủn "Anh yêu em". Mỳ chợt thấy mình bé bỏng, yếu mềm trong vòng tay yêu thương. Từng nụ hôn Nhân trao cho cô sao ngọt ngào và đắm say đến thế. Mỳ nhắm mắt. Toàn thân cô run rẩy, quằn quại. Cô đê mê tận hưởng từng chút từng chút sự đụng chạm của hai cơ thể nóng bỏng đang miết chặt vào nhau. Cô chờ đợi. Cô khát khao. Nỗi khát khao sự thăng hoa của tình yêu thiêu đốt từng tế bào, từng mạch máu trong cơ thể. Cô sẵn sàng dâng hiến thứ quý giá nhất cuộc đời người con gái cho người cô yêu thương. Cô chờ mãi, chờ mãi… Người cô nóng rực lên. Một luồng điện cực mạnh chạy suốt cơ thể cô. Cúc áo đứt phựt, áo nịt tuột xuống, tim cô đập như trâu lồng. Cô ghì chặt, cắn bờ vai Nhân khiến anh hoảng hốt và luống cuống. Cô đang ở đỉnh cao của niềm hưng phấn và khát khao. Cô cảm nhận trong cô đang có một mùa xuân ẩm ướt trỗi dậy. Chảy mãnh liệt. Người con trai cuồng nhiệt và vụng về. Vẫn chỉ là những nụ hôn. Nỗi khát khao trong cô bị rơi từ đỉnh dương xuống cực âm cuồng nhiệt. Mỳ thả tay khỏi cổ và vai Nhân rồi buông tiếng thở dài. Cô bất lực nằm sấp, hai tay che ngực, úp mặt vào đống rơm thút thít khóc. Cô chỉ muốn tiếng khóc của cô vỡ òa ra cuốn trôi đi những khó chịu đang chất chứa trong lòng nhưng cô sợ thầy bu ở nhà trên nghe thấy. Tiếng khóc cô vì thế bị nén lại lúc to lúc nhỏ, lúc ư ử yếu ớt nghe như đoạn băng của máy quay đĩa bị "vấp". Nhân hiểu lòng Mỳ. Hiểu cả những nỗi khát khao cháy bỏng của người con gái đang ở cái tuổi căng tròn như trái chín. Nhân yêu Mỳ. Rất yêu. Không phải Nhân không có những khát khao! Nhân rất muốn được thỏa sức ngụp lặn trong cô. Nhưng Nhân vơ vẩn sợ. Ngổn ngang nỗi sợ. Ngại thầy bu biết. Rồi còn những gần 3 năm nữa em mới tốt nghiệp đại học. Nếu lỡ... thì biết làm sao. Anh thủ thỉ, cô cứ lặng im nghe, cặp mắt vô hồn nhìn ra màn đêm nhấp nháy ẩn hiện những ngôi sao xa.

Đã hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy hai đứa mang siêu nước lên. Bỗng từ nhà trên:

- Các con ơi, nước sôi chưa? - bu gọi với xuống bếp.

Như bừng tỉnh, Mỳ và Nhân lồm cồm bò dậy từ đống rơm. Tóc cô rối bù, dính đầy những cọng rơm thơm thoang thoảng. Nhân thường bảo đấy là hương đồng. Anh vội vàng, cuống quýt đánh diêm châm lửa. Phải mấy cây diêm mới bén lại. Hai tay anh lúc này không hiểu sao cứ ríu vào nhau rất vụng về, tội nghiệp. Lần này, ngọn lửa dường như đã bớt đi cái hừng hực vốn có của nó. Nhân như một cái máy, dúi hết nắm rơm này đến nắm rơm kia vào đáy siêu. Cố đun để nước nhanh sôi hay vì cái gì đấy. Không gian chùng xuống. Im lặng. Cái im lặng từ góc bếp theo hai hướng trái chiều. Khuôn mặt Mỳ hơi cúi nghiêng, hai tay bứt bứt những cọng rơm vừa gỡ trên tóc. Mỳ sợ Nhân nhìn thấy hai má mình ửng đỏ, phần vì lửa nóng, phần vì xấu hổ khi bị từ chối. Lửa rơm cháy lép bép vài hạt thóc sót, nổ bung những hoa trắng nho nhỏ. Cô nhặt cắn chắt như hồi bé tí sơ tán về quê, cho trôi đi chút thời gian rối lòng còn lại.

Gắng mãi, Nhân như kẻ "biết tội" bùi ngùi trong cái giọng chẳng hiểu là tiếc nuối hay vẫn còn run rẩy, sợ hãi:

- Anh xin lỗi. Mỳ ơi, anh thành thật xin lỗi em!

- Sao anh phải xin lỗi? - Thất vọng, buồn bực xen chút bẽ bàng, Mỳ dấm dẳn trả lời.

- Vì anh rất yêu em, thương em. Anh không muốn em phải… - Nhân ngước mắt nhìn cô đầy âu yếm. Ánh mắt như muốn nói "hãy hiểu cho anh, em ơi". Dòng nước mắt lăn xuống bờ môi mặn chát. Không nói thêm một câu nào, Mỳ giật cái que cời trong tay anh rồi cố dập dập vào nắm rơm đang cháy đến khi ngọn lửa tắt hẳn. Nước trong siêu cũng đã sôi.

Với Mỳ, ngữ cảnh này đồng nghĩa với việc anh ấy không say mê mình như cô vẫn nghĩ. Ở cái tuổi mới lớn được vài năm, Mỳ chỉ nghĩ được đến thế.

Bước chân nặng nề, trễ nải, cả hai mang siêu nước lên "trình" bu. Không hiểu sao Nhân vội vàng lao ra giếng. Nghe tiếng dội nước ào ào, bu lẩm bẩm:

- Cái thằng, cơm xong vừa tắm, đun được siêu nước lại tắm.

* * *

Sau cái buổi tối định mệnh trớ trêu ấy, Mỳ lẳng lặng chia tay. Cô ra đi không một lời từ biệt. Không liên lạc với anh nữa. Anh viết thư, cô không đọc, vứt hết vào đáy va li. Không về lại làng Trà. Không một lời giải thích. Làm sao giải thích được một chuyện khó nói như thế.

Một tháng sau, Nhân tạm biệt thầy bu rồi khoác chiếc ba lô được ông anh trai đi bộ đội cho để vào Nam nhận việc. Ở đây, anh đã gặp Phương, em của người bạn cùng cơ quan, trở thành vợ anh 5 năm sau đó. Ngay cả lúc chia tay gia đình, Nhân định nói rằng: "Thầy bu ơi, hãy tha lỗi cho đứa con bất hiếu này vì con có thể xin đổi quyết định công tác. Thay vì vào Nam con có thể xin về gần nhà để có thời gian thỉnh thoảng thăm thầy bu. Nhưng con phải đi. Con đi không phải để quên Mỳ mà ngược lại con rất yêu thương và rất nhớ Mỳ", nhưng anh nghẹn ngào không thốt lên được.

Sau khi Nhân vào Nam khoảng hai tháng, một hôm Mỳ nhận được thư anh. Cô run người khi nhìn thấy nét chữ quen thuộc ấy. Thư dài lắm. Buồn lắm. Mỳ nhớ nhất câu "Xin khoảng tay cầm bên em gần gũi/ Làm hành trang tôi đi suốt cuộc đời".

Năm Nhân cưới vợ, cô cũng xây dựng gia đình, với một kỹ sư. Lý lịch sạch, anh được đi học nước ngoài, mấy năm trước tình cờ gặp cô trong một buổi liên hoan. Khi đã có chồng, Mỳ mới hiểu lý do vì sao tối hôm ấy người ta vội vàng nhào ra giếng khơi dội nước xối xả mặc dù vừa tắm xong. Cô nhớ lại, mỉm cười.

Đã nhiều đêm như vậy. Cô lặng lẽ nhìn ra cửa sổ. Bầu trời với muôn vàn ngôi sao xa nhấp nháy. Bất giác cô lẩm nhẩm câu thơ anh từng chép trong cuốn sổ bé xíu ngày xưa "Ơi ngôi sao biếc trên trời/ Sao long lanh thế vì người cần sao". Một thoáng buồn trong đôi mắt hướng về nơi xa xăm vô định. Cô buông tiếng thở dài. Giá như ngày ấy cũng "thoáng" như bây giờ thì hai đứa đâu đến nỗi mất nhau.

Gió đêm se lạnh bỗng dưng nổi cơn thổi mạnh ào qua khe cửa khiến mái tóc rối bung. Mỳ đưa tay khẽ vuốt. Chợt cô dừng lại. Cảm giác như có cọng rơm nhỏ bị cuốn bay lẫn vào trong tóc.

Bùi Thị Huyền/ Báo Thanh Niên

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm