- Lý luận - Phê bình
- Cùng Nghiêm Khánh về Bàu Mây thương nhớ
Cùng Nghiêm Khánh về Bàu Mây thương nhớ
ĐỖ XUÂN THU
(Đọc “Bàu Mây thương nhớ” - Tập bút ký của tác giả Nghiêm Khánh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020)
Trong hành trình tham quan phương Nam vừa rồi, tôi được một số anh chị em văn nghệ sĩ các tỉnh đón tiếp rất chu đáo và nồng nhiệt. Đặc biệt là các anh các chị đã tặng tôi một số sách quý mà chính họ là tác giả. Trong số đó, anh Nghiêm Khánh, hội viên Hội VHNT Tây Ninh tặng tôi 2 cuốn: 1 tập thơ (Bóng đổ bên thềm) và 1 tập bút ký (Bàu Mây thương nhớ). Tôi đã cõng hai tập sách này của anh vượt hơn hai ngàn cây số về nhà. Sau khi nghỉ một ngày lấy lại sức, tôi bắt đầu mở sách ra đọc. Ưu tiên tập bút ký trước, vì thơ anh tôi đã có và đọc 2 tập (“Lá thu” và “Bóng thời gian”) rồi, giờ thêm “Bóng đổ bên thềm” nữa chắc cũng vẫn giọng thơ đó thôi, xem sau cũng được. Ưu tiên đọc tập ký này trước đã. Lạ là lần này anh lại rẽ sang văn xuôi, ra hẳn một tập bút ký. Thì thế mới phải đọc xem sao.
Ngay đầu sách, anh đã dành 2 trang “rào trước đón sau” rằng “Tập bút ký “Bàu Mây thương nhớ” này là những ghi chép và cảm nhận của tôi về vùng đất quê hương tôi được sinh ra và lớn lên, được sống, làm việc và gặp gỡ những người giản dị bình thường”. Đây cũng là “một góc kỷ niệm”, “tôi đã cố gắng góp nhặt từ thực tế cuộc sống, còn lại sử dụng ký ức cá nhân, chắc chắn còn những khiếm khuyết mong quý bạn đọc thông cảm góp ý…”. Thế cơ đấy. Rất thành thực và khiêm tốn. Thì đọc đã chứ sao giờ? Và tôi đã đọc cẩn thận hết 17 tác phẩm trong tập sách này của anh, lúc đọc chậm nhấn nhá, lúc đọc nhanh rồi đọc lại để hiểu rõ thêm. Đọc đến đâu thì hình ảnh mảnh đất con người Tây Ninh, đặc biệt là Hòa Thành và Trảng Bàng lại hiện lên đến đó.
Đã mấy lần tới Tây Ninh, được bạn bè văn nghệ sĩ đưa đi thăm thú giới thiệu một số nơi nên khi đọc “Bàu Mây thương nhớ” của tác giả Nghiêm Khánh tôi rất dễ hình dung ra những điều mà tác giả đã viết. Trảng Bàng là nơi anh sinh ra, Hòa Thành là nơi anh sinh sống và công tác nên nó đã hiện lên đậm nét trong mỗi tác phẩm của anh. Cả một số vùng khác của Tây Ninh nữa. Ký ức và hiện tại đan xen nhau. Con người và mảnh đất Tây Ninh hiện dần lên trên từng trang sách.
Bao trùm lên tập sách là cái tình của tác giả đối với Tây Ninh. Thống kê sơ bộ tôi thấy trong số 17 tác phẩm của tập sách có tới 7 tác phẩm về vùng đất (chợ Long Hoa, ấp Long Thới, xóm Bàu Mây, làng mai Bến Kéo, đồn biên phòng Phước Chỉ, xã Bình Thạnh, Tràm chim); 3 tác phẩm viết về mẹ (Mênh mông tình mẹ, Món quà quê của má, Nỗi ân hận dài), 3 tác phẩm viết về thầy - thầy giáo và thầy thuốc (Người thầy đáng kính, Nhà giáo ưu tú, Cô y tá); 3 tác phẩm viết về người lính và doanh nhân, 1 tác phẩm viết về nghiệp viết của mình. Đặc biệt hình ảnh người mẹ không chỉ có trong 3 tác phẩm riêng biệt trong tập sách mà còn ẩn chứa, nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm anh viết về quê hương nữa. Quê hương và mẹ, mẹ và quê hương quyện vào nhau, thấm trong hồn tác giả, chảy tràn ra trên trang sách.
Trước hết, về những vùng đất Nghiêm Khánh đã viết trong tập sách. Đó là chợ Long Hoa. Anh đã đưa độc giả về thăm chợ cũ Long Hoa những năm 60 của thế kỷ trước theo hồi ức của mình. Đó là “một khu đất trống hình chữ nhật, rộng độ khoảng hơn 2 ha”. Ở đó, cảnh mua bán thuở sơ khai rất đơn giản, “chưa có cây dù che mưa che nắng như ngày nay, mỗi người bán hàng sử dụng một tấm liếp đan bằng nan trúc, có khung hình chữ nhật bằng tầm vông độ trên dưới một mét vuông dựng nghiêng với mặt đất, ngược với mặt mặt trời để che nắng”. Rồi những lần chuyển chợ hay cảnh chiến tranh đạn pháo bắn ì ấm đâu đó vọng về. Khó khăn vậy nhưng chợ cũng đủ các mặt hàng. Không khí chợ đêm, quán ăn, các loại hàng hóa, nông sản khá tấp nập. Những chủ hàng chủ hiệu anh vẫn còn nhớ tên. Đặc biệt sau ngày giải phóng, chợ Long Hoa càng nhộn nhịp hơn. Chợ cũ đã thành một khu thương mại sầm uất. Nghiêm Khánh viết: “Giờ hình dung lại những gì đã qua, tôi cảm thấy nhơ nhớ thương thương lẫn tiếc nuối về tuổi thơ và thuở học trò của mình” “về vùng đất “thánh địa” theo cách gọi của nhiều người”.
Tiếp sau chợ Long Hoa, anh đưa độc giả tới thăm một loạt các vùng quê khác. Đó là Long Thới vào xuân, là vùng biên giới Phước Chỉ, là Bàu Mây thương nhớ. Tất cả đều đổi thay. Sự nghèo khó, gian nan, rừng già rậm rạp, trảng bàu rộng lớn với nhiều cây dây rừng hoang dại ở những nơi này giờ chỉ còn trong ký ức. Không khí đời sống mới, nông thôn mới tràn ngập khắp nơi. Truyền thống cách mạng quật cường của những vùng quê đó hiện lên thật hào hùng. Tinh thần “hội thề rừng Rong” lừng lẫy làm nên những chiến công hiển hách vẻ vang cho quê hương. Đó là niềm tự hào cho các thế hệ. “Tháng 4/2015, xã An Tịnh được công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Khu công nghiệp Trảng Bàng hình thành sớm nhất tỉnh. “Thế hệ con cháu của Bàu Mây ngày càng có cuộc sống khấm khá hơn nhiều”. “Đi trên bờ kênh rộng thênh thang, dài ngút ngàn, ngoằn ngoèo qua những cánh đồng liên ấp, liền xã chạy đến cuối chân trời, tôi thấy thấm tình Bàu Mây hơn”. Phải thế chăng mà ngòi bút tác giả tung tẩy lắm? “Cũng phải thôi vì đây là quê nội của cả hai mẹ con tôi”.
Cùng với mạch văn đó, tác giả đưa độc giả về “Thăm làng mai Bến Kéo” để “thấy cảnh rộn ràng thương lái đến lựa chọn mai để mang ra chợ mai rừng” trong những ngày giáp Tết, gặp những lão làng, nghệ nhân, những điển hình làm kinh tế trong nghề nuôi trồng mai rừng. “Người dân Bến Kéo ngày nay đã khá lên nhiều một phần cũng nhờ có khoản thu nhập phụ từ cây mai hằng năm”. Rồi Bình Thạnh nữa. Một Bình Thạnh “kinh tế ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đi lên”, thấy không khí thi ca trong câu lạc bộ Thơ mà người thầy giáo năm xưa, nay nghỉ hưu làm chủ nhiệm. Độc giả về đây cùng tác giả để được nghe bình thơ, ngâm thơ, nghe ca cổ, được đọc nội san “Nhánh sông Vàm” (mỗi quý một số), sản phẩm của 24 hội viên của câu lạc bộ. Cấp xã mà có nội san ra đều đặn, có câu lạc bộ thơ sinh hoạt thường kỳ như thế thật quý hiếm. Đời sống tinh thần phong phú mới đáng yêu làm sao.
Nghiêm Khánh có máu “phượt”, thích khám phá các nơi. Anh kể, ngày trước mẹ cho anh một chỉ vàng làm kỷ niệm, anh đã cất kỹ. Rồi một lần nghe bạn bè rủ rê, thấy đài báo nói về Đà Lạt hay quá, anh đã lén bán chỉ vàng đó để lấy tiền “phượt” lên Đà Lạt xem sao. Sau chuyến đó, anh về thú nhận với mẹ. Mẹ anh chẳng những không mắng mỏ, chỉ trách anh sao không nói thật để mẹ cho tiền đi. Vậy nên, đến giờ, U70 rồi anh vẫn “phượt” không ngưng nghỉ. Đi để khám phá, để tích lũy tư liệu, đi để tìm cảm hứng sáng tác. Sự xê dịch của người nghệ sĩ đã ngấm vào máu anh. Trong tập sách, anh có tác phẩm “Về lại Tràm chim” đọc rất cuốn hút. “Tôi đã được trải nghiệm cảm giác chòng chành khi ngồi tắc rang, lướt trên sóng nước, xuyên những cánh đồng lúa ma, rừng tràm… Tôi như được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, thỏa sức ngắm nhìn những cảnh vật nơi đây”, “nhìn trời nước mênh mông, nghe mùi hương tràm đang mùa trổ hoa người cứ như ngây dại, ngỡ mình đang bồng bềnh trên mấy tầng mây đỉnh núi Bà Đen thân thương”. Những cảnh, những tình anh tả, đọc xong tôi cũng muốn theo anh cùng khám phá.
Nghiêm Khánh mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ anh cũng như anh, mất cha từ sớm. Anh là người con duy nhất của mẹ nên mẹ đã dồn tất cả tình yêu thương dành cho anh, thân cò lặn lội nuôi anh khôn lớn. Tôi đã đọc bài thơ anh viết về ngày mẹ mất giữa mùa mưa Ngâu trong tập “Bóng thời gian” để rưng rưng cùng anh. Nay, trong tập bút ký này anh dành 3 tác phẩm viết về mẹ. Mẹ đẻ có “Nỗi ân hận dài” và “Món quê của má”, mẹ vợ có “Mênh mông tình mẹ”. Tác phẩm nào đọc lên cũng xúc động. “Góa chồng sớm, đứa con duy nhất còn nhỏ, mẹ tôi phải lặn lội đi buôn khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ để kiếm tiền nuôi con và phụ giúp gia đình với bà ngoại tôi”, “mẹ tôi tất bật lo sinh kế trong cảnh nghèo xơ xác”. Chuyện anh ngày nhỏ giả lên đồng để không cho mẹ “đi bước nữa” đọc rất ám ảnh. Nhiều đàn ông ve vãn mẹ, có lúc mẹ đã xiêu lòng. Thế nhưng, Nghiêm Khánh đã tìm mọi cách để ngăn cản, bỏ nhà đi nhiều lần để phản đối, kể cả “bắt chước người ta, giả vờ lên đồng làm quan Thánh Đế Quân để hù dọa mẹ”. Để rồi, cuối đời, khi đã U70 rồi tác giả mới ngộ ra rằng: “Hồi đó, nếu tôi đừng ích kỷ, đừng phản đối quyết liệt việc mẹ “đi bước nữa” thì biết đâu cuộc đời mẹ đã khác, không phải sống những tháng ngày cô đơn, quạnh quẽ lúc về già”.
Kỷ niệm về mẹ đẻ của anh có rất nhiều chi tiết rất ám ảnh. Chuyện anh mất xe đạp (chiếc xe mượn của dì Sáu trị giá “mua bán cả đời như mẹ chưa chắc đã sắm được nó”), chuyện các người đàn ông đến ve vãn mẹ, chuyện mẹ làm các món quê (củ cải trắng phơi muối, cá rô rán, canh chua lá giang, các món ăn từ cây điều). “Bây giờ lâu lâu thèm ăn lại các món ăn đó, tôi cũng mua các thứ về nấu nấu nướng nướng theo cách mẹ làm hồi xưa nhưng món tôi làm ra sao vẫn cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó khó gọi thành tên cụ thể. Phải chăng đó là do đã thiếu vắng đi khung cảnh đầm ấm của bữa cơm có mẹ ngày xưa?”. Hẳn là như vậy rồi. Không còn bàn tay hơi ấm của mẹ thì món quê làm sao mà ngon được? Tình mẹ thật lả mênh mông phải không anh?
Quê vợ anh ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Nghiêm Khánh cũng dành cho mẹ vợ những tình cảm thật kính trọng. Kỷ niệm những lần về quê vợ thăm mẹ và họ hàng nhà vợ in đậm trong từng câu chữ tác phẩm. Anh quan sát và nhận ra rằng mẹ vợ anh “không ăn hàng quán bao giờ”. Không kể con rể đã có con lớn con bé, mẹ vợ anh vẫn “buổi chiều ngồi hóng gió nam trước sân nhà, tôi lại được nghe mẹ hát ghẹo, hát ví dặm bằng giọng Nghệ An rất ngọt, rất thanh tao”. “Hát xong, mẹ quay sang kể chuyện ngày xưa, chuyện về cuộc đời của mẹ. Mỗi ngày một ít, lâu ngày xâu chuỗi lại tôi mới biết đời mẹ cơ cực vô cùng”. Mẹ cũng mồ côi cha, mồ côi mẹ từ khi mẹ mới được năm tuổi. Đúng là những cành đời khốn khó, mồ côi gặp nhau. Thì thế mới cảm thong, thương yêu nhau ngần ấy chứ.
Nghiêm Khánh không có dòng nào viết về cha. Kể cũng đúng thôi vì anh mồ côi cha từ nhỏ nên chưa biết, chưa thể hình dung ra vóc dáng của cha chứ nói gì đến tình cha như thế nào nữa. Bao nhiều tình yêu thương anh dành cả cho mẹ đẻ và mẹ vợ. Sau này là vợ, là con anh. Anh sống có tình có nghĩa, ơn sâu, nhớ dày. Chỉ là một cô y tá bình thường chăm sóc anh lúc anh còn nhỏ bị quai bị mà anh cất công để ý đi tìm đến tận bây giờ. Rồi các thầy giáo dạy anh nữa. Anh trân trọng những chiến sĩ biên phòng, những doanh nhân thời đổi mới. Những tác phẩm trong tập sách này viết về họ đã thấy rõ cái tình của anh như thế.
Gập tập sách lại, 17 tác phẩm với 17 khoảnh khắc Tây Ninh qua những cung bậc cảm xúc khác nhau cứ lãng đãng, bềnh bồng trong tôi. Hình ảnh những con người, vùng đất ấy cứ hiện lên chập chờn đầy ám ảnh. Trên hết cả là cái tình của Nghiêm Khánh dành cho nơi đây.
Là tập văn xuôi đầu tay, có lẽ tác giả cũng thử nghiệm mình nên phần nào cũng có những hạn chế nhất định. Anh chỉ chú tâm vào chuyển tải sự kiện, hồi ức chưa chú ý lắm đến văn phong. Vì thế, các tác phẩm vẫn nặng về tính báo chí trong khi đó kí văn học cũng rất cần sự trau chuốt của ngôn ngữ. Tuy không sử dụng triệt để những hình thức tu từ như thơ, nhưng ngôn ngữ của kí văn học phải góp phần làm lay động tâm hồn con người, đặc biệt là với thể tùy bút. Giá anh dụng công thả hồn, phóng bút hơn nữa, có nhiều đoạn tùy bút hơn nữa thì hiệu quả tác phẩm sẽ khá hơn.
Nhà văn kiêm nhà phê bình văn học Ilia Côchencô cũng có một phát biểu rất hay “Kí là thể loại nằm trong cuộc kéo co giữa văn học và báo chí”. Ở đây, Nghiêm Khánh vẫn nghiêng về sự kiện, nhân vật, viết theo công thức cũ mòn: tả cảnh một chút, tả tình một chút, địa lí, lịch sử, truyền thống một chút; rồi gặp gỡ nhân vật, trò chuyện, nêu khó khăn, thuận lợi, sự vượt lên, các thành tích, hướng phát triển… Cho nên, các tác phẩm trong tập này của anh còn mang nặng tính báo chí là thế. Thậm chí, có một số tác phẩm mới chỉ dừng lại ở một bài báo. Trong khi đó, ký văn học đòi hỏi cao hơn, đề ra yêu cầu cao hơn cả về chất suy nghĩ và tình cảm của chủ thể. Dù sao, đây cũng là bước thể nghiệm và cố gắng lớn của một tác giả thơ chuyển sang viết văn xuôi. Hy vọng những tập sách mới, Nghiêm Khánh sẽ thành công hơn nữa với thể loại này.
Xin chúc mừng và đón đợi những tác phẩm mới của anh.