TIN TỨC

Cuộc thi “Truyện ngắn hay 2022” và những bất ngờ thú vị

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-04-18 17:35:19
mail facebook google pos stwis
686 lượt xem

TRẦM HƯƠNG
Trưởng ban giám khảo cuộc thi

Cuộc thi truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ TP.HCM năm 2022 khép lại với những bất ngờ thú vị. Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.166 truyện của các tác giả trên mọi miền đất nước, 320 truyện vào chung khảo. Với khối lượng tác phẩm lớn, đa dạng đề tài, vùng miền, lứa tuổi; Ban chung khảo đã làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị. Việc chọn ra những tác phẩm để trao giải quả là một quá trình khó khăn, thách thức, cả sự tiếc nuối và "đau đớn" với bi kịch lựa chọn. Gần trọn mùa xuân Quý Mão, Ban chung khảo với 5 thành viên đã ôm trọn, vui cùng, trăn trở với 320 truyện vào chung kết cuộc thi. 


Nhà văn Trầm Hương đọc bài tổng kết tại Lễ trao giải.

 Điều bất ngờ đầu tiên là cuộc thi không có giải nhất. Tuy nhiên, Ban giám khảo đã nhất trí với việc có thêm một giải khuyến khích và hai giải đặc biệt dành cho tác giả trẻ. Tác giả trẻ nhất được trao giải sinh năm 2007.

Đó là một trong những bất ngờ thú vị của cuộc thi.

Điều bất ngờ thứ hai: Người được trao giải nhì cuộc thi là một nhà văn ở tuổi U 70 mà cách đây hơn 30 năm, anh nhận được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn Thành phố Hồ Chí Minh rồi dường như lui vào vỏ bọc, ẩn thân với nghề pháp luật. Cuộc thi truyện ngắn sau 30 năm gián đoạn, lần này, "Ngôi nhà rường bản Trăng" giúp anh tái ngộ với độc giả. Đây là truyện được tranh cải nhiều nhất của ban giám khảo. Có thành viên đề nghị trao giải nhất. Tuy nhiên, sau nhiều tranh biện, ban giám khảo đồng thuận trao giải nhì (không có giải nhất) cho "Ngôi nhà rường bản Trăng" vì tình yêu cái đẹp trong tâm thức đôi vợ chồng học ở Nga về, quyết giữ lấy ngôi nhà rường bằng mọi giá. Họ đau đớn khi chuộc và dựng lại ngôi nhà rường: "Sau thời gian biến thành Bar, ngôi nhà rường có mùi rất lạ, Sâm tẩy kiểu gì cũng không hết. Sàn gỗ còn tệ hơn, rỗ chằng chịt bởi tàn thuốc. Nước cồn chảy thành vệt thâm xì, gớm ghiếc. "Kiệt tác của thời gian mà chúng đối xử như thế...". Sâm nói, rồi khóc". Truyện được viết bằng bút pháp sắc gọn, giàu hình ảnh, những gam màu trái ngược, tạo hiệu ứng về một nỗi đau tận cùng. Đau đớn hơn cái đẹp bị huỷ hoại là đạo đức suy đồi. Đứa con trai nghiện ma tuý không còn chút lương tri. "Cha mẹ mất đi, thằng Ngọc như được giải thoát. Những giây phút thăng hoa cùng đám bạn khiến nó ngây ngất"... Nó nhìn cánh hẩu, lắc đầu. "Em mày đẹp như tiên nữ...". Chúng thầm thì. Thằng Ngọc bừng tỉnh, mặt mũi lại tươi rói.

Một ngày, mấy đứa xấu xí xuất hiện trong ngôi nhà rường. "Bọn tao thích coi mày làm tình với tiên nữ!" – Chúng bảo Ngọc. "Đồ biến thái!" – Nguyệt chửi. Tiếng chửi của người thiếu nữ tuổi trăng tròn tan vào mây trắng. Sau biến cố đáng xấu hổ ấy, một người hàng xóm bảo tôi: "Vợ chồng Sâm - Cầm hiền lành sao lại đẻ ra thằng con trai tai ác thế chứ? Đời con Nguyệt khốn nạn rồi!". Đau đớn đến tận cùng nhưng Nguyệt - đứa con gái được cha truyền dẫn tình yêu ngôi nhà rường bản Trăng can đảm đứng lên, bước tiếp, vẫn hy vọng dù bị huỷ hoại đến tận cùng. Cô trở thành hoạ sĩ và phục sinh "Ngôi nhà rường bản Trăng" trong tác phẩm hội hoạ của mình, được mua với giá 20 ngàn đô la trong một triển lãm. Một câu chuyện dài, nhiều kịch tích, như một tiểu thuyết bị dồn nén trong một truyện ngắn không quá 3.500 chữ vừa là ưu thế lại bộc lộ những bất cập trong xử lý kết cấu đặc thù của truyện ngắn. Cao Chiến phải kết thúc câu chuyện khi còn bao điều chưa nói hết, ít nhiều gây cảm giác hụt hẫng và nuối tiếc cho ban giám khảo.

Người đoạt giải nhì thứ hai là một phụ nữ trẻ đến từ Đà Nẵng. Lệ Hằng xuất hiện chặng sau cuộc thi, mang đến cho độc giả luồng sinh khí mới về một vấn nạn nóng bỏng của đời sống đương đại, với câu hỏi nhói lòng "Triệu view giá bao nhiêu?". Càng nỗ lực về nguồn, về với thiên nhiên; độc giả càng ấn tượng với những truyện gần như giả tưởng, về tác động hai mặt trí tuệ nhân tạo lên đời sống con người, làm đổi thay nhận thức, thay đổi nhiều giá trị. Một câu hỏi nóng riết rằng máy móc có thay thế được con người. Con người sẽ về đâu khi có những robot quá thông minh. Con người hạnh phúc hay bất hạnh, bất an hơn khi công nghệ tiến bộ như vũ bảo, tác động sâu sắc vào đời sống con người. "Triệu view giá bao nhiêu" của Lệ Hằng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả rằng để thích nghi và hạnh phúc, con người cần phải làm chủ công nghệ và cân bằng cuộc sống. Lệ Hằng tìm được bút pháp phù hợp để chuyển tải một đề tài nóng bỏng, về thế giới mạng khốc liệt mà khi lao vào, nếu không làm chủ được bản thân sẽ bị "ma wiew" dẫn dắt. Với cái tôi trần thuật, tác giả đưa người đọc vào thế giới nội tâm của cư dân mạng, chợt giật mình thảng thốt khi nhận ra ít nhiều hình bóng mình trong đó. Nhiều truyện vào chung khảo về đề tại này được đón nhận nhưng Lệ Hằng thật sự thuyết phục ban giám khảo khi cảnh tỉnh về "cái thế giới mạng khốc liệt này": "Không phải cứ bóp cò giết nhau hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay mới là bạo lực. Chúng chỉ là điển hình bạo lực. Bạo lực nói rộng theo thằng chả là từ nơi góc khuất nhất của tâm hồn, con người có chiều hướng bị thu hút bởi những gì họ không dám làm, không dám nghĩ, không dám thể hiện nhương luôn mang ẩn ức. Nói chung, những người bạo lực thường không biết rằng mình bạo lực...". Và quả đúng vậy, đêm kỷ niệm ngày 12 năm bên nhau, mừng sự kiện vợ "hai vạch" báo tin vui nàng mang thai, người chồng vẫn đếm wiew và lao vào một sự kiện hy vọng hút được triệu wiew. Trớ trêu thay, tai nạn giao thông anh hút vào để quay video đưa lên mạng chính là nàng. Kết thúc truyện là tiếng khóc nghẹn sám hối không thể tiết ra nước mắt: "Tôi là Jackie, nhà sáng lập kênh Giựt Gân, một kênh youtube hút wiew như Oklahoma hút gió. Và đây là video cuối cùng của tôi". Đọc đến đoạn kết rồi thì ai cũng thấm thía triệu wiew giá bao nhiêu. Cái tôi trần thuật người trong cuộc đi vào ngóc ngách nội tâm và kết cấu truyện với yếu tố bất ngờ trong kết thúc tạo hiệu ứng cảm xúc khiến người đọc như đang được xem một bộ phim từ giấy.

Điều bất ngờ thứ ba: cuộc thi xuất hiện nhiều nhân tố mới, đến từ nhiều vùng miền, nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề... Nhiều tác giả từ Mỹ gởi truyện về dự thi, có cả cậu bé Abdumominov Abdulioh từ Uzbekistan mới 13 tuổi. Sự đông đảo, đa dạng này tạo nên trữ lượng tác phẩm dự thi giàu có, góp phần phản ánh bức tranh xã hội muôn màu, nhiều cung bậc, cảm xúc. Những truyện ngắn xuất hiện trong cuộc thi tự thân thuyết phục độc giả rằng văn học là chiếc đồng hồ nội tâm của xã hội. Tang thương covid vừa mới qua qua đi nhưng những mất mát, đau thương đại dịch vẫn là nỗi ám ảnh, hằn dấu lên cuộc sống hiện tại. Chọn "Buông..." của Nguyễn Phước Thảo để trao giải vì nỗi đau rất vi tế, chân thành sau mất mát, đổ vỡ. Đại dịch không phải là nguyên nhân chính của bi kịch gia đình. Đại dịch tiềm ẩn sâu trong tham vọng con người, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là bộc phát và biến ảo.   

Nhiều truyện ngắn hay đã viết về những cựu binh với bản lĩnh người lính, nỗi day dứt về đồng đội hy sinh, trách nhiệm người lính trước trận chiến đói nghèo và sự dũng cảm trước cái ác thời bình - một trận chiến không kém phần khốc liệt. Truyện viết về người lính hay bởi đó không là những bài viết phản ánh gương người tốt việc tốt mà lưỡi dao vi phẫu qua nghệ thuật ngôn từ, đi sâu vào tâm hồn, khám phá ra những vùng tối sáng, chạm đến những ngóc ngách sâu kín con người. "Lửa chiêu hồn" của Đào Thu Hà thuyết phúc ban giám khảo vì tình yêu biển đảo thiêng liêng, máu thịt. Những hình nhân bằng đất nào cũng chứa linh hồn, khi đất thấm máu và nước mắt. Cấu tứ "Lửa chiêu hồn" thoạt đầu ta nghĩ đây là một tản văn. Nhưng không, "Lửa chiêu hồn" có hình hài thật sự của một tứ truyện độc đáo. Đó là giọt nước mắt của vị phát sư già rơi xuống nơi đặt trái tim hình nhân, làm sống dậy bao ký ức. "Ông tạo tra hình hài xương thịty của con, nuôi con khôn lớn, trở thành đứa con trai làng biển vạm vỡ, dạn dày sóng gió. Rồi lại chính đôi bàn tay ông hai chục năm sau run run tạo hình hài thế nhân đặt vào mộ gió, chiêu hồn con trở về". Ông từng hy vọng không nặn thêm bất cứ hình nhân nào nữa nhưng cuối đời lại nặn hình nhân chiêu hồn con trai mình. "Tôi" là ký ức của người dân binh chia tay người vợ mới cưới vượt biển đi sửa sang cột mốc Hoàng Sa và sẵn sàng "đưa lưng mình chắn lưỡi dao chở che cột mốc". Ký ức ấy liên kết nhiều thế hệ giữ đảo đã ngã xuống nên tiếng ốc u ngày càng u trầm hơn. Nhưng "Lửa chiêu hồn" vẫn sáng bừng lên tiếng khóc trẻ thơ, tiếng khóc của hy vọng và tiếp nối của tái sinh luân hồi vẫn bện chặt sợi dây nối liền biển đảo.      

Một dung lượng lớn truyện ngắn gởi đến cuộc thi là đề tài viết về thân phận phụ nữ, nỗi đau đàn bà, sự bức phá và vượt thoát khỏi tù ngục chính sự ràng buộc, yếu đuối bản thân. Một số truyện dựng lên chân dung phụ nữ đầy bản lĩnh, dám đối mặt, bức phá để kiến tạo hạnh phúc. Không hẹn mà cả ba tác giả đoạt giải đều viết về nỗi đau đàn bà. Nỗi cô đơn phụ nữ sâu thăm thẳm. Hãy đọc "Trần nhà trên em" của Diệu Ái (giải khuyến khích); "Đánh ghen" của Bùi Khánh Nguyên", "Bảy ngã yêu thương" của Đào Phong Lan, "Cái gương" của Võ Đăng Khoa (giải ba) để cùng cảm nhận bi kịch phụ nữ được mặc định, trói buộc; chồng lấn trong một gia đình, một gia tộc với những thế hệ phụ nữ tiếp nối. Bằng nghệ thuật ngôn từ, "Niết bàn của nàng" của Lê Quang Trạng dẫn dắt người đọc vào thế giới thiền định. Một thế giới khi bước vào người thường không tránh được những xao động giữa đôi bờ hư thực, mộng và ảo nhưng nỗi đau đàn bà là điều có thật. Đường đến niết bàn của phụ nữ khó khăn, trắc trở, nhiều rào cản hơn đàn ông. Trong khi chồng cô nhẹ tênh sống với đam mê thị phụ nữ với thiên chức phụ nữ không cho phép họ đi tận chân trời mơ ước. Gia đình và sự nghiệp với họ là sự giằng xé. Ngay khi phát hiện ra chứng bệnh mất cảm giác, nàng cũng không dễ buông hết để đi chữa bệnh. Nàng thương thân rồi thương mẹ: "Nhớ mẹ và thương bà hơn khi hiểu cảm giác đứng trên một sợi dây mỏng một đầu là công việc dầu sôi lửa bỏng và một bên là sức khoẻ đang lúc bất bình thường. Diên Dĩ bàn với chồng, để qua đợt khó khăn này, em sẽ đi nước ngoài khám bệnh". Để tìm ra niết bàn ngay trong cuộc sống này, nàng phải trả giá bằng chính căn bệnh nan y và đễ chữa lành, một mình nàng không thể làm được. Nàng cần sự thấu hiểu, điều chỉnh từ hai phía.

Nông thôn ngày nay không còn bình yên nữa khi đất đai bị đầu cơ, cùng với quá trình đô thị hoá. Tình người, quan hệ xóm giềng, gia đình cũng đổi thay, biến tướng thành những lọc lừa, dối trá và đổ vỡ. Những truyện ngắn về đề tài ngỡ khô khan này lại vô cùng hấp dẫn, dẫn đến những cung bậc cảm xúc vi diệu, biến ảo khôn lường về sự khám phá con người. "Camera" của Trần Thái Hưng được chọn trao giải ba vì phát hiện tinh tế: tội ác được giấu sau góc khuất tâm hồn mà camera dẫu hiện đại đến đâu cũng khó soi tới, chỉ toà án lương tâm con người dẫu lẫn tránh vẫn phải buộc đối diện.

Ám ảnh cho người đọc lại chính là những tác giả trẻ. Còn rất trẻ mà các em đã rất vững chải, già dặn trong bút phát thể hiện, lớn hơn tuổi trong thể hiện cảm xúc, trách nhiệm với chính thế hệ mình khi góp vào tiếng kêu bi thương, gióng lên hồi chuông cảnh báo về xâm hại tình dục, bạo lực học đường. Ban tổ chức cuối cùng quyết định trao thêm hai giải đặc biệt cho "Nơi bức vách bị dỡ" của Dương Gia Hân, "Phía sau vết cắt" của Hoàng Yến. Nhà văn Đức Gherxen đã từng cho rằng: “Nhà văn là một nỗi đau khổ”. Vâng, với trải nghiệm cuộc đời và trang viết, những người cầm bút chúng ta càng thấu cảm rằng nhà văn không phải là người thầy thuốc. Nhà văn là nỗi khổ đau. Còn rất trẻ nhưng các em không miêu tả hiện tượng cuộc sống chỉ để miêu tả. Tại sao có người người thầy vô cảm đến tàn nhẫn: "Trong trường này cũng có nhiều bạn bị giống con, nhưng cũng là lỗi của các bạn thôi mà. Do các bạn có vấn đề nên mới bị bắt nạt"; ở cái tuổi tươi đẹp, thơ ngây, tại sao chết lại là lối thoát? Phía sau vết cắt đau đớn không chỉ đặt ra câu hỏi xoáy vào lương tri con người mà còn buộc tất cả những ai đang sống trong tâm thế xã hội có quá nhiều tội ác, bạo lực học đường hiển lộ và khuất tất trong nhiều vỏ bọc cùng trả lời câu hỏi đó. Nếu không có khả năng thấu hiểu và đồng cảm thì các em chắc sẽ không viết để gởi đi thông điệp cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực học đường làm nhức nhối xã hội. Nếu không yêu mình, yêu thương những người bạn là nạn nhân của xâm hại, bạo lực thì chắc chắn không có những trang văn chạm đến tim người đến thế. Thật cảm ơn những người viết trẻ đã làm nên điều bất ngờ, kỳ diệu, góp phần vào sự thành công cuộc thi truyện ngắn hay 2022 này.

Với kết cấu đặc thù "ngắn", nghệ thuật ngôn từ biến ảo, thể loại truyện ngắn như thanh kiếm bén tạo vết cắt ngọt, để "quả cam" hiện thực được phơi bày thông minh nhất. Hàng trăm truyện ngắn vào đến vòng chung khảo cuộc thi đều chứa đựng thông điệp gởi gắm, làm người đọc suy ngẫm, đau đớn, căm phẫn; được truyền lửa để nuôi dưỡng khát vọng đồng hành cùng người viết hành động, bức phá cho thế giới đẹp đẽ hơn. Cuộc thi truyện ngắn hay lần này thêm một lần chứng minh văn học là chiếc đồng hồ nội tâm của xã hội. Cuộc thi thành công nhờ có sự tham gia đông đảo của người cầm bút ở khắp miền đất nước, đặc biệt là sự xuất hiện ấn tượng của những tác giả mới với những cái tên rất lạ; sự đa dạng của đề tài, cả sự tìm tòi, bức phá nội dung và hình thức thể hiện. Một số truyện trong cuộc thi truyện ngắn hay có kết cấu độc đáo, xây dựng tính cách nhân vật đa dạng, cách kể chuyện có duyên, sinh động mang lại sự tươi mới cho người đọc từ con chữ.  Nhiều tác giả biết cách nén lại cảm xúc, nâng niu từng chi chiết để bật lên yếu tố bất ngờ phút cuối cùng; tinh tế trong miêu tả, nhiều màu sắc trong phong cách thể hiện.  

Đây là cuộc thi truyện ngắn hay nên tiêu chí "hay" đã được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Việc không tìm ra một truyện hay nhất, thật xuất xắc để trao giải nhất cho thấy sự cầu thị của ban giám khảo hay thật sự chưa có được một "khôi nguyên" thuyết phục?! Điều đó cũng nói lên sự khó khăn, giằng xé trong công việc chấm giải, khi nhiều truyện viết tốt nhưng không có độ khác biệt nhiều về nội dung và hình thức. Không phủ nhận có nhiều truyện ngắn mang chất thơ, tăng hiệu quả cảm xúc, đọng lại lòng người... Nhưng truyện ngắn có đặc thù riêng. Truyện tất nhiên là phải ngắn nên cuộc thi có quy định về số chữ, đành phải loại những truyện quá dài. Truyện ngắn không chỉ là kể lại một câu chuyện mà còn bật lên tứ truyện, để sau những con chữ không nhiều còn có thêm nhiều điều để lan toả, gởi gắm, nghĩ suy... Truyện ngắn là thể loại được ví như chiếc dao vi phẫu của ngôn từ, tạo một vết cắt thông minh để cắt quả cam cuộc đời sao cho hiển lộ đầy đủ mọi chi tiết từ vỏ, hạt, xơ, múi... Vì lẽ đó, nhiều truyện xúc động lại gây băn khoăn, tiếc nuối cho ban giám khảo, bởi lằn ranh truyện ngắn và truyện ký quá mong manh. Ban giám khảo cũng tự cảnh giác với nhiều truyện gần với tản văn dù mượt mà, quyến rũ và ma mị bởi nghệ thuật ngôn từ. Cuối cùng, cuộc thi đọng lại trên tay đọc giả 38 truyện ngắn hay, xin hãy mở ra và đón nhận. Nhà văn Bích Ngân và nhà văn Bùi Anh Tấn - đồng trưởng ban tổ chức cuộc thi vui mừng nhận xét: "Đây là một cuộc thi thành công, thậm chí là thành công hơn mong đợi của những người tổ chức cuộc thi, bởi, từ cuộc thi đã cho thấy khá rõ nội lực sáng tạo của người viết trẻ, nhất là những cây bút ở lứa tuổi 9X và đặc biệt sự xuất hiện một vài cây bút ở độ tuổi đang học cấp 3...". Vâng, văn chương luôn có những điều bất ngờ và chúng ta có quyền kỳ vọng vào người trẻ.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm