TIN TỨC

Dẫu có bao xa | Hồ Loan

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-29 07:53:17
mail facebook google pos stwis
1173 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HỒ LOAN

1.

Đám đông xúm xít vào một bà lão hàng rong đang ngã sóng soài bên thành cầu. Chiếc dép lào mòn vẹt rơi tuột xuống vệ đường. Mớ chổi tàu cau nằm lăn quay khỏi quang gánh. Đôi nải chuối tiêu gãy cuống chơ vơ. Vài lọn ngọn bí cằn cỗi cuối mùa và túm rau bồ ngót xanh sậm già khằn. Ai cũng động lòng thương cảm cho bà lão tội nghiệp. Chắc bà cũng hơn 80. Tầm tuổi bà, nếu may mắn còn mạnh giỏi người ta đã ngồi nhà hưởng thụ những thú vui cùng con cháu. Nhìn những dẻ xương được bao phủ bởi một lớp da nhăn nheo đủ biết bà khắc khổ nhường nào.

Bà ơi, bà có làm sao không, chúng con đưa bà đi viện nhé! Giọng của những người đi đường và cả người vô tình gây nên tai nạn cất lên. Bớ làng nước ơi chết tôi rồi, gãy chân tôi rồi! Đau quá đi, chết tôi rồi! Miệng bà la oai oái, hai tay đập vào đùi phèng phẹt. Bỏ qua cả những lời hỏi han, miệng bà cứ gào lên thống thiết. Người gây nên tai nạn tái mặt. Bà ơi, con đưa bà đi viện nghe bà! Vẫn là những tràng kêu gào át cả những lời mọi người hỏi han. Anh xe ôm vẫn giữ im lặng quan sát giờ mới lên tiếng, bà không sao đâu, mọi người đi cả đi, bà mà có làm sao thì đã không gào được vậy. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ, vội lục đục lên xe để không muộn giờ làm. Bà chưng hửng, các người tông vào tôi rồi bỏ tôi đây hả, luật pháp đâu, công lý đâu? Anh xe ôm từ tốn bảo với người gây ra tai nạn, anh đưa cho bà mấy trăm mua dầu rồi đi làm kẻo muộn. Còn bà, bà đứng dậy con coi. Sở dĩ anh ấy mạnh miệng thế là vì từ khi bà cụ ngã, anh ấy đã vừa hỏi thăm vừa nắn chân tay bà khắp lượt nhưng không thấy bà nhăn mặt phản ứng. Anh ấy tin bà chẳng làm sao.

Bà cuốn đồng 500 mới cáu vào mấy lần ni lông, nhét vào túi áo, xong lấy chiếc băng ghim lại cẩn thận, đoạn rên hừ hừ. Thôi nhà đâu con chở về, anh xe ôm tay thoăn thoắt dọn mấy mớ đồ tung tóe, mắt không rời khỏi bà. Nhìn quanh chẳng còn ai để ý, bà dợm đứng lên. Bỗng cô cháu gái của bà từ đâu trờ tới rồi dừng xe xoắn xuýt, ngoại có sao không ngoại ơi, con nói mãi mà ngoại không chịu nghe, ăn uống bao nhiêu đâu mà sao cứ phải tự làm khổ mình, khổ cả con cháu. Nói đoạn, cô túm bà lên xe chở về, còn mấy thứ lỉnh kỉnh kia cô nhờ anh xe ôm lai về hộ.


Chân dung bà già – tranh sơn dầu – PHÙNG QUỐC TRÍ.

2.

Quê thiệt á, hổng lẽ con bỏ đi luôn. Cô cháu gái kể cho mẹ mình về sự việc lúc sáng. Nghe xong, bà cau mặt, mẹ làm gì kì cục, không thấy xấu hổ hả? Xấu hổ gì chứ, nó tông người nó phải đền. Mệt mẹ quá đi, người ta lỡ đụng nhưng mình không sao là mừng rồi, làm bao nhiêu người lo lắng hết hồn. Kệ chứ, không la lên họ bỏ đi luôn thì sao? Vậy mẹ la lên rồi người ta có bỏ đi không? Quân bất nhân, thấy người già không thương. Bà lão cố nói. Không phải thấy người già không thương, mà người già như mẹ thật quá quắt. Trong khi mình còn không sao thì mừng không hết, lại lăn ra ăn vạ. Ai cũng như mẹ thì… Cô con gái lắc đầu ngán ngẩm. Bà lão lầm bầm thêm tí nữa, nó giàu có thế kia, có khi nó phải đền mình mấy triệu mới phải. Cô cháu ngoại nghe xong rụt vai, con đến bó tay với ngoại.

Bà lão ấy không ai khác là ngoại của con bạn thân chí cốt. Cứ mỗi lần gặp nhau tôi hỏi ngoại sao rồi là y như có nguyên tràng cho nó kể. Nó bảo ngoại người ta tóc bạc da mồi, móm mém nhai trầu và kể chuyện cổ tích. Còn ngoại tao, mày coi.

Bà ăn mặc rách rưới cũ nhàu như ăn mày, mua bao nhiêu bộ đồ cũng cất cả vào rương, bảo mặc đồ mới chi cho phí ra. Trời lạnh, bà phong phanh chiếc áo len vá víu đủ chỗ, hỏi sao phải khổ vậy ngoại ơi! Bà bảo rách rưới vậy cho người ta thương. Mỗi ngày bà cắp đôi quang gánh lang thang các ngõ phố Tam Kỳ. Bà bán những thứ quê kiểng mộc mạc. Ấy là đôi chổi cau bà nhặt tàu về tuốt sạch lá, phơi khô rồi bó thành chổi. Ấy là dăm nải chuối chín bói bà mua rẻ được từ mấy nhà vườn. Đôi khi là túm chè xanh, dăm bó rau bồ ngót mọc hoang bà hái được trên đường từ nhà ra chợ. Những ai bắt gặp hình ảnh của bà không khỏi động lòng. Manh áo phong phanh phủ hờ hững lên bộ xương tội nghiệp. Nhìn bà co ro tím tái trong những buổi chiều mưa thật xót xa. Nhiều người tốt bụng mang áo cho bà mặc, mua đồ cho bà ăn, rồi dúi vào tay bà dăm chục hay vài trăm. Những lúc ấy đừng nói bà vui như nào. Trông bà khúm núm đến tội nghiệp.

Bà ăn uống khắc khổ và gom nhặt từng đồng. Tiền bà cuộn tròn qua mấy lần thun, bỏ vào bọc ni lông rồi cất vào buồng. Căn buồng trống huơ khiến bà bị mất cắp bao lần, thế là bà mang ra nhét sau chái bếp, nơi đống củi khô bà vẫn để dành cho những ngày mưa.

Nhỏ bạn thân hay bực bội, ngoại ơi là ngoại, ngoại cất tiền làm gì mới được chứ! Chết có mang theo được đâu. Bây thì biết gì, không làm lấy gì mà ăn, không để dành lúc đau ốm lấy gì thuốc thang. Ngoại nhịn để nuôi bác sĩ hả, cô cháu gái gào lên. Kệ tao! Bây thì biết gì. Bà ngoại nó giở giọng cùn, mẹ nó cũng mệt mỏi với những luận điệu cối chày của ngoại.

Ba mẹ nó được ngoại cho miếng đất để cất nhà. Miếng đất nhỏ xíu, muốn đến được nhà nó phải vòng ra sau hè nhà ngoại. Người ta thắc mắc sao không cho phía trước, đường sá thông thoáng. Bà gạt phắt đi, cái thứ cháu ngoại ỉa đầu mả, cho làm gì phí ra. Mẹ nó chưng hửng ngậm ngùi. Ba nó cam phận, thôi kệ, mẹ cho chỗ nào ở chỗ nấy. Ăn nhiều, ở hết bao nhiêu.

Ngoại có hai người con, cậu hai và mẹ nó. Bà sống lệch, thương yêu lệch. Thứ gì cũng dành cho thằng cháu đích tôn. Mẹ nó từng ấm ức chuyện ngoại thương không công bằng. Nhưng cái mẹ nó không cam lòng, ấy là ngoại nhịn ăn nhịn mặt dành dụm bao nhiêu cậu Hai về lén trộm đi đánh bạc sạch. Mỗi lần mất tiền, ngoại lại tru tréo vật vã, lại lăm lăm vào nhà con gái mà chửi, lại nhè mặt cái thằng rể lành khô mà chửi. Ngoại chửi đồ giả nhân giả nghĩa, cái thứ bám theo váy vợ, cái thứ chui rúc sau hè nhà người ta, sống nhục! Ngoại ác khẩu, chửi chán chê thì hục hặc quảy đôi gánh trống không bước dậm dật. Mẹ tức tối định đấu khẩu với ngoại nhưng ba can lại. Nhìn mặt ba buồn thiu nhìn mông lung ra ngõ, nó chỉ muốn gào lên, con chịu hết nổi rồi, sao ba không nói chính cậu Hai về lấy, sao ba nhu nhược quá vậy? Thì ba nói mấy lần ngoại có tin ba đâu, cậu hai chối đây đẩy, cậu Hai nói gì ngoại cũng tin. Con nhìn mặt cậu Hai thì biết, nhìn ổng ai tin ổng trộm cắp chứ! Nhưng ba phải minh oan cho mình, con không chịu được cảnh này nữa, con bỏ đi cho ba mẹ coi. Sao mình phải chịu khổ vậy chứ!

Con Hạ ôm gối khóc tấm tức, dù gì nó cũng đã có người yêu, rồi sẽ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Bên nhà chồng nó sẽ nghĩ gì khi nó có một bà ngoại quá quắt, một ông ba hiền đến nhu nhược, một ông cậu suốt ngày cờ bạc với một bộ mặt tỉnh không.

Tau với mày ra phố ở trọ đi, nó đề nghị. Tôi rụt vai, lương mầm non mấy đồng mà xúi. Chứ tau không chịu nổi nữa. Dù gì cũng là ngoại mày, bà già rồi, sống được nhiêu nữa đâu. Thôi mày ơi, bả bất tử á, cả đời chẳng tốn một viên thuốc. Nói rồi nó ném con gấu bông vào bức vách, hai đứa kéo nhau ra bờ hồ ngồi.

3.

Mưa, gió, từng cơn quăng quật. Tấm bạt căng nơi hàng hiên vỗ phành phạch. Nghe đâu bão về, mẹ nó dặn ba ra cột lại tấm phên, che chắn cái ổ gà con mới xuống, chất lại chỗ củi khô cho gọn gàng.

Liếc qua nhà ngoại, căn nhà nhỏ tuênh toang. Chiếc bếp đầy tro, nước mưa nhỏ tong tong lên mấy chiếc nồi nằm chỏng chơ nơi góc bếp. Lũ gà co ro đúng tụm lại một góc, phân bện ra khắp nền đất loang lổ. Ba rướn người, một cú kiễng chân là đã ở bên lãnh địa nhà ngoại. Rút vội bó rơm bỏ vào chuồng cho con bò cái mới đẻ, nhìn nó xác xơ gầy nhom mà không khỏi động lòng. Ba lại chái củi, nước mưa xối ào ào qua mái rạ đã sắp mục, lom khom chất bằng hết chỗ củi lên cao, bất chợt một gùi ni lông lăn ra, ba chẳng để ý, nghĩ chuột tha rác làm ổ.

Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, kèm theo gió, gió gào rít điên cuồng. Gió tung hứng hết thảy những thứ chúng gặp trên đường đi. Mẹ đi ra đi vào, nhìn mớ chuối chín vàng vỏ mà lòng như lửa đốt, mưa gió như này thì bán cho ai. Ba nó buột miệng, ngoại đi chợ chừ chưa thấy về mẹ nó ơi! Mẹ rút vú khỏi miệng thằng út ráng, ủa ngoại chưa về hả? Chưa, tối mù rồi, thấy đường đâu mà về. Chắc bà đang ở chơi nhà ai đó, chứ bán mua gì tầm này nữa, bảy tám giờ tối. Ba dắt xe ra khỏi nhà, đi đâu giờ này trời, mẹ hỏi với theo, tui đi tìm coi bà ngoại nó ở đâu, có mắc mưa đâu thì chở về chứ tội. Mẹ nó không nói gì, mân mê bàn tay nhỏ xíu mềm mịn của thằng út đang lơ huơ trước mặt, thở một hơi dài thườn thượt.

Một hồi lâu ba về, đèo theo ngoại co ro trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng dính. Ngoại cười hỉ hả, bà Năm làm bánh xèo rủ ở lại ăn, lâu lâu được ăn của nhà giàu một bữa đã đời, bánh xèo mà bỏ cả thịt bò, cả nấm. Với ngoại mà nói, mấy thứ xa xỉ ấy, nói dại chứ nhỡ khi ốm đau ăn không được cơm mới mua một chút về nấu cháo.

Sau này mẹ đi đâu mưa bão thì lo mà về, già rồi, lỡ gió giật bay mất, biết đâu mà tìm. Đường lại tối, lỡ người ta không thấy mà đụng vào thì có khổ không. Nói bớ xàm bớ láp, đứa nào dại tông tau nó nuôi hết đời nó. Con lạy mẹ, mẹ nghĩ khác đi xíu được không, lúc nào cũng cái tư tưởng ăn vạ ăn vật.

4.

Trời hưng hửng, từng tia nắng nhạt rọi qua kẽ lá, ngoại lúi húi nhặt mấy quả đu đủ non rơi rụng sau hè, miệng xuýt xoa. Vườn ngập rác, ngoại lúi húi lấy chiếc chổi cau cùn quơ quýt, vừa quét, miệng vừa lầm bầm tiếc rẻ mất bữa chợ. Chợt chân ngoại giẫm phải cái gùi ni lông quen thuộc, ngoại vồ lấy, hai tay run lên như vừa nhặt được vàng. Ôi là trời, cái bọc tiền ngoại dành dụm mấy tháng trời, hôm kia tìm không thấy đâu, tưởng vợ chồng con gái lấy cắp chửi cho nó một trận, rồi nó đây đẩy chối, lại chửi cho thằng con trai một trận. Thằng nọ thề sống thề chết, vậy là quay ngược lại thằng rể, thằng này chứ không ai hết, mẹ nó vừa mới nhập viện, nó cứ chạy tới chạy lui, không nó thì còn ai.

Ngoại thần người mất hồi lâu, rồi tặc lưỡi nhét gùi tiền vào túi áo. Bên ni rào, đứng trong căn bếp nhìn ra, mẹ nhìn thấy hết. Lòng vừa mừng vừa buồn. Cái tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu trong đầu khiến ngoại cứ ruồng rẫy con gái. Mà con gái thì đã sao? Cũng may ba là người nhân nghĩa, không chấp nhặt mẹ vợ. Hỏi sao ba không cáu, ba cười hiền khô, ngoại già rồi, sống được mấy năm nữa đâu. Biết đâu sau ba già, ba cũng trái tính trái nết, lúc đó không lẽ tụi con bỏ ba sao? Nhưng ngoại đâu có sinh ba ra, ba đâu cần thiết phải chịu đựng ngoại vậy. Ba phải nói để ngoại hiểu ra chứ! Chừ ba đôi co đối chất mãi với ngoại thì được gì, cuối cùng người khổ phải là mẹ con không. Khó khăn lắm ba mẹ mới tới được với nhau, ba đã hứa với mẹ là sẽ theo mẹ đến hết đời.

Nó vung tay phản đối, đấy là luận điệu của kẻ hèn. Chát! Một cái tát như trời giáng. Ba nó run rẩy nhìn bàn tay đỏ tía của mình. Nó ôm mặt, nước mắt trào ra. Nó chạy ào vào phòng rồi nhấc máy gọi cho tôi.

Nhìn vẻ mặt đúc tượng của ba nó tôi không khỏi bần thần. Mà tôi cũng thắc mắc về cách ba nó cư xử với ngoại. Làm gì trên đời này lại có người con rể tốt với mẹ vợ đến thế!

Nó không nói gì, lẳng lặng ôm mớ đồ leo lên xe. Tôi cảm nhận được dòng nước mắt đang chảy trong khuôn mặt đúc tượng ấy.

Ngoại đi tìm nó lang thang khắp các con phố, chỗ nào có trường mầm non là ngoại ghé hỏi. Mà ngoại làm gì nhớ tên khai sinh của nó, ngoại cứ Mốc ơi, con đâu rồi Mốc (Mốc là tên ở nhà của nó) nên cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng. Đôi quang gánh nhấp nhô trong mảng chiều vụn vỡ.

Hôm nhìn thấy ngoại đứng xớ rớ ngoài cổng trường, nó còn giận, lại mải bận lo trả các con cho phụ huynh nên nó quên luôn.

Những hôm đã bán sạch đồ trong quang gánh ngoại vẫn cứ thất thểu ngoài phố. Mẹ nó xót, gọi nó về cho bà đỡ lo. Nó cáu, ngoại mà biết thương con, thương mẹ thì đã không đến nước này. Hôm ấy, giờ cao điểm, đường đông đúc, đôi quang gánh vướng víu bị chiếc xe máy lôi đi một đoạn khá dài. Ngoại ngã xuống vệ đường với chiếc bụng tót teo, mái tóc ngả màu sương bết vào nhau xa xót.

Cả đời ngoại chưa có được một phút giây sung sướng thong thả. Ngoại sống như đày đọa mình. Nhìn nó thất thần vật vã tôi không cầm được lòng. Tôi siết tay nó, ngoại sẽ không sao đâu, mày yên tâm nha, chả phải hôm bữa mày bảo ngoại bất tử á chi. Nó lau nước mắt nhìn tôi, có chắc là ngoại không sao? Tôi không nhìn nó, mắt bâng quơ ra hàng liễu phía sau khu hồi sức, nghe tim mình rung lên từng hồi thao thiết. Lòng thầm nghĩ, mỗi người đều chỉ có một cuộc đời để sống. Vui một ngày là sống tốt một ngày, buồn một ngày là qua đi một ngày. Phải sống sao cho trọn vẹn, đừng để đau lòng những người ta thương yêu. Cầu mong ngoại bình an trở về, dẫu đường có bao xa, nhé ngoại ơi!

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm