TIN TỨC

Dọc đường miền Trung – Bút ký Trần Ngọc Phượng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-10-06 16:41:03
mail facebook google pos stwis
444 lượt xem

Anh Nhân và chú Phụng mời mình du lịch miền Trung. Trong đoàn có mình, Huynh, Thứ, Tô Minh, là lính thời chống Mỹ. Còn anh Nhân, An, Phụng, Ngọc Hùng, Lương là những cựu chiến binh thời chiến tranh biên giới Tây Nam. Anh em đi xe ô tô từ thành phố Hồ Chí Minh theo đường Trường Sơn ra Nghệ An, rồi quay về theo đường số 1, thăm các khu di tích lịch sử và các thành phố ven biển. Từ Tân Cảnh, Ngọc Hồi, xe bon bon theo đường Trường Sơn mới mở, hai bên là những cánh rừng xanh ngắt, thỉnh thoảng bắt gặp các bản làng và những con đường mòn vào rừng, lên núi. Trong kháng chiến, chúng tôi phải vượt Trường Sơn hơn 4 tháng trời, không nhớ nổi phải qua bao đèo, bao suối, vượt qua bao thác ghềnh nguy hiểm, chịu bao nhiêu bom đạn để vào đến nơi tập kết ở Bà Rá, Phước Long. Lòng ai cũng rưng rưng theo những bài ca Trường Sơn mà cậu lái xe mở: “Ta vượt lên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”. Những đoàn quân nối tiếp nhau như dòng thác chảy, hành quân trong mưa bom bão đạn, trong đói ăn thiếu thốn cùng cực.

Nhà văn Trần Ngọc Phượng

("Lại hiện về thăm thẳm núi non kia/ Dưới lá là rừng là tăng là võng/ Là cơn sốt rét rừng vàng bủng/ Là muỗi vắt bom mìn, vực sâu đèo cao" - Thơ Nguyễn Duy)

Con đường đi bộ dài dằng dặc 4 tháng ấy, nay đi xe hơn một ngày chúng tôi đã đến Nghệ An.

Ngày tiếp theo, sau khi về thăm quê Bác, cả đoàn đến thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Mình vào Nam năm 1965, đi qua những cung đường khu 4 ác liệt, gặp biết bao cô TNXP trẻ măng bám trụ mở đường. Trong bom rơi pháo sáng không nhìn rõ mặt, chỉ nghe tiếng nói cười ríu rít của các em. Chúng mình chỉ đi qua một lần, còn các em phải bám trụ sống chết ngày đêm ở các trọng điểm, như ngọn đèn đứng gác, ngọn đèn không bao giờ được tắt. Mình cũng đã nhiều lần đến thăm mộ mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng lần này, mình thấy trên mộ các cô, ngoài hương hoa, nhiều bạn trẻ đặt thêm gương lược, dầu thơm. Các cô hy sinh khi còn quá trẻ. Hồi đó, những thứ này làm gì có. Mỗi tháng chỉ được cấp nửa cục xà phòng, đen cứng như đá.

“Mắt em nhìn trong veo đến vậy
Tuổi hai mươi trẻ mãi đến mai sau
Trên mộ em vẫn góc riêng con gái
Có dầu thơm, gương lược chải đầu”

Sau giải phóng trở về đời thường, tuổi xuân lỡ làng, mang theo bệnh sốt rét, chất độc da cam, có cô tự kiếm cho mình đứa con, rồi lại quây quần với nhau bên "Bến không chồng", có cô tìm về cửa Phật Nam mô Di Đà.

Đèo Ngang bây giờ đã có đường hầm, nhưng anh em chúng tôi vẫn muốn vượt đèo bằng con đường cũ để thưởng thức phong cảnh, ngâm nga câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà...”

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên ngọn núi Thọ, Mũi Rồng ở vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, cách Đèo Ngang khoảng 10 km, thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi an nghỉ của Người có thế núi hùng vĩ, có vùng biển bình yên thoáng đãng:

“Đèo Ngang mây bay lồng gió
Vũng Chùa sóng vỗ hiền hòa
Nằm giữa hai miền đất nước
Dang tay ôm dải sơn hà”

Hàng ngày trên đường vào Nam ra Bắc, nhiều đoàn người vào đây viếng Người, cầu mong Người linh thiêng phù hộ cho quốc thái dân an, truyền thêm sức mạnh cho toàn dân đập tan quân bành trướng xâm lược.

Đến thăm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và cuộc đấu tranh 21 năm (1954-1975) với biết bao nhiêu xương máu của chiến sĩ đồng bào đã đổ xuống để giành độc lập, thống nhất đất nước.

“Một cây cầu/ Ngăn giữa hai màu sơn/ Như nhát dao/ Cắt đôi khúc ruột/ Hai mươi mốt năm/ Chia lìa đất nước/ Chia cả vợ chồng/ Chia cả cha con/ Nắm đất Cà Mau/ Mẹ gửi ra đất Bắc/ Đường Trường Sơn/ Dằng dặc khúc quân hành/ Bao máu xương/ Thành sông, thành núi/ Để nối liền khúc ruột yêu thương”

Anh em chúng tôi xuống xe, đi bộ qua cầu dài 183m, chụp ảnh bắt tay nhau giữa cây cầu, nơi ngăn cách bởi hai màu sơn. Nơi đây đã được xây dựng thành cụm di tích lịch sử. Phía Bắc có nhà Liên hợp, hệ thống loa, và nổi bật là cột cờ Hiền Lương cao hơn 28m. Phía Nam có "Nhà trưng bày vĩ tuyến 17" và cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất", trong đó có tượng đài Bà Mẹ miền Nam và người con trai thể hiện niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam vào ngày chiến thắng, thống nhất đất nước. Đến đây để không quên một giai đoạn lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc.

Đến Nghĩa trang Trường Sơn vào chiều ảm đạm. Đây là nghĩa trang quốc gia rộng hơn 38ha, nằm trên 3 quả đồi thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị, quy tập hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ. Các anh nằm đây không theo đội hình đơn vị mà được sắp xếp theo tên tỉnh, tên thành. Từng khu vực có nhà tưởng niệm được thiết kế theo biểu tượng của quê hương. Tôi bỗng nhớ những năm tháng chiến tranh không thể nào quên được. Cả miền Bắc sục sôi phong trào thi đua "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Từng làng xã thi đua cam kết "Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong ngày giao quân, những người mẹ không cầm được nước mắt nhìn những đứa con của mình, mặt còn búng hơi sữa, háo hức lên đường nhập ngũ. Mẹ chạy theo nhét thêm vào ba lô của con nắm xôi, quả trứng luộc, hộp dầu, cố dặn dò thêm lần cuối. Có lẽ chỉ có trái tim người mẹ, người vợ mới linh cảm, thấm thía hết nỗi đau của chia ly, mất mát này.

Khi đang thắp nhang, chúng tôi bỗng nghe tiếng tắc kè kêu. Trong rừng, mỗi lần nghe như vậy, anh em lại nói đùa với nhau: “Sắp về, sắp về...”. Hai tiếng "Sắp về" thắp lên bao hy vọng, khát khao từ Mậu Thân 1968, từ Hiệp định Paris năm 1973 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh tưởng như sắp tới, nhưng rồi biết bao đồng đội mãi mãi không thể trở về.

“Đồng đội bao người không 'về tới' như anh/ Nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa/ Tất cả họ, suốt một thời máu lửa/ Đều ước ao thật giản dị: sắp về...” (Nguyễn Duy)

Chúng tôi đến đây trong những ngày mà Formosa vừa đầu độc biển ở Hà Tĩnh, tàu Hải Dương Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, khoan dò dầu khí trái phép trên lãnh hải của nước ta.

“Đất nước hòa bình/ Nhưng nào đã bình yên/ Giặc nội xâm, ngoại xâm tàn phá/ Anh nằm đây có phút nào/ Sóng biển động rung chuyển chỗ anh nằm/ Hương khói bay lồng lộng gió ngàn/ Đang bật dậy những linh hồn bất tử”

Đến thăm Thành Cổ Quảng Trị, vào nhà bảo tàng gặp bức ảnh "Nụ cười bên Thành cổ" của người bạn đồng hương, đồng môn, đồng ngũ, phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Anh là phóng viên duy nhất của cả hai phía có mặt trong Thành Cổ trong 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Bức ảnh người lính ôm khẩu B40, ngồi cười dưới chân thành đổ nát làm xúc động lòng người:

“Các anh cười dưới chân thành đổ nát/ Trận đánh sau ai mất ai còn/ Dù máu xương tan trong lòng đất/ Nụ cười còn mãi với nước non”

Khi khách tham quan hỏi, chị thuyết minh trả lời người lính ấy đã hy sinh rồi. Gần 30 năm sau, một người trong đoàn tham quan phát hiện anh ta là Lê Xuân Chinh, đi kinh tế mới, đang sống ở Mường Nhé, Điện Biên. Anh Đoàn Công Tính dò tìm nơi ở, mời anh về Hà Nội và đã lên TV trong chương trình Người Đương Thời của VTV1. Thì ra sau chiến tranh, anh ra quân, bị mất hết giấy tờ, đồ đạc ở bến xe. Về quê với hai bàn tay trắng, anh đưa gia đình đi kinh tế mới. Nhà nghèo không TV, không sách báo nên anh không biết đến bức ảnh nổi tiếng ấy. Anh Tính nhờ đơn vị cũ xác minh, may còn giấy tờ xác nhận anh ta bị thương. Nhờ đó anh được đi khám để xác định mức độ thương tật, hưởng chế độ thương binh. Công ty Mai Linh nhận anh vào làm bảo vệ mấy năm để có thêm thu nhập.

Miền Trung có Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bãi biển Đà Nẵng được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Vịnh Nha Trang được tôn vinh nằm trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền Trung những cảnh sắc tuyệt vời không đâu có được, nhưng cũng gieo rắc những thiên tai thảm khốc kinh hoàng. Năm nào miền Trung cũng có bão lũ dữ dội, nhất là vào tháng 11, 12... Lũ lụt ở đồng bằng, lũ quét, lở đất ở miền núi gây ra bao cảnh đau thương chết chóc. Chúng tôi về thăm một làng biển ở Quảng Nam... Những người dân phải bám biển ra khơi, đánh cá, thường xuyên phải đánh trả bọn cướp biển và chống chọi với bão giông. Sau những cơn bão tàn khốc, nhiều người ra đi không về, cả làng lại trắng khăn tang. Những thử thách ấy đã tôi luyện nên con người miền Trung can trường, dũng cảm và đầy lòng nhân ái:

“Người miền Trung kiên cường chịu đựng/ Những buồn vui cũng đến tột cùng/ Tiếng nói át gió mưa giông bão/ Sức người như nén bật dây cung”

Con tàu cao tốc chồm lên sóng đưa chúng tôi ra thăm Cù Lao Chàm. Biển động nhưng lại được mùa cá. Những đoàn tàu cập bến, mọi người phấn khởi. Niềm vui tràn ngập trên những khuôn mặt đen sạm nắng gió:

“Thuyền về tôm cá đầy khoang/ Nụ cười khỏa lấp nhọc nhằn hiểm nguy/ Một đời ngàn vạn chuyến đi/ Thương em bến đợi gom ghì bão giông”

Một chuyến đi gói gọn trong bảy ngày, được tham quan nhiều nơi, được lên rừng xuống biển, ra đảo, phát hiện ra nhiều điều thú vị, làm được nhiều bài thơ. Được ăn những món đặc sản: Cháo lươn Nghệ An, Bún bò Huế, Mì Quảng Đà Nẵng, Cao lầu Hội An, Bún cá nem nướng Nha Trang... Nhưng thời gian ít quá, chưa thấm tháp vào đâu. Vẫn còn muốn đi nữa để khám phá cảnh vật và con người miền Trung. Chiều nay ngồi lai rai mấy ly rượu trên bãi biển Nha Trang, nghe em ca những bài hát Lý miền Trung mà lòng bâng khuâng, nỗi buồn man mác:

“Mang câu hò điệu lý vác vai/ Anh đi qua bao đèo bao suối/ Những thành quách nguy nga/ Những lâu đài tàn lụi/ Lý chiều chiều/ Chín nhớ, mười thương/ Chẳng ngựa ô lục lạc dây cương/ Đón em về trong kiệu vàng khớp bạc/ Chỉ thương em/ Cả đời mỏi/ Đón chờ anh trong sóng dữ biển Đông/ Lý trầm buồn/ Man mác mênh mông/ Ta thương vượt bão giông đạp sóng/ Lý giao duyên theo suốt cuộc đời”

Mong cho khỏe mạnh. Hẹn những chuyến đi sau.

Trần Ngọc Phượng

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm