TIN TỨC

Phạm Phương Lan: Lời yêu vẫn đầy

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-28 12:06:10
mail facebook google pos stwis
1388 lượt xem

 

       Nhà thơ Bùi Phan Thảo

 Gặp ngoài đời, người ta thường thấy Phạm Phương Lan trong dáng vẻ tươi tắn, yêu kiều. Một người dẫn chương trình duyên dáng, sắc sảo. Một nhà thơ xinh đẹp, khả ái. Nhiều cách nói, nhiều người nói về Lan, đều quy về một người đàn bà đẹp, trời cho cả nhan sắc và tài thơ. Thân hơn một chút, hiểu thêm một chút, Phạm Phương Lan là một người thơ, yêu thơ. Trong thơ lời yêu vẫn đầy. Thơ như đồng hành, thơ đem hương hoa tặng Lan dọc đường đời.

Đọc thơ Phạm Phương Lan, lắm người đôi lúc phân vân: Kiêu hãnh đấy, nhan sắc đấy nên đa đoan đấy, vậy mà thơ pha lẫn yếu đuối, dịu dàng, không gian thơ bàng bạc nỗi buồn. Nhưng ngẫm lại, điều đó là tất yếu, những đa đoan đời gói hết vào thơ. Chính cuộc sống đem lại sắc màu cho thơ Phạm Phương Lan với khoảng trời thơ riêng Lan, nhất là khi được đọc “Mật ngữ em”, tập thơ mới nhất của Phạm Phương Lan, NXB Hội Nhà văn. Một tập thơ đầy đặn, ấp ủ nhiều năm của nhà thơ, đề tài khá đa dạng bên cạnh mạch chủ đề chính là tình yêu. Tập thơ cho thấy độ chín trong ngòi bút, từ tư duy thơ đến thi pháp; ngôn ngữ thơ uyển chuyển, lúc phóng khoáng, nồng nàn, khi dịu dàng, mềm mại. Ngôn từ đã có sức nặng, tạo những dấu ấn cho người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật đan xen sự chân thành, dễ dàng tạo sự thấu cảm giữa những tâm hồn đồng điệu.


Bìa tập thơ “Mật ngữ em” của Phạm Phương Lan.

Dĩ nhiên với người đẹp bao giờ cũng là thơ tình đi trước. Người hồng nhan, tình yêu thường buồn nhiều hơn vui, thơ Phạm Phương Lan, vì thế cũng đầy những hư hao, khắc khoải, những nồng nàn dấu yêu và mất mát, chia lìa.

Mở đầu tập thơ, Phạm Phương Lan cho ta thấy một tình yêu đang độ nồng nàn. Ngày mới đến thật xanh, điều gì khiến nàng lật tung cả những ngày, tóc, buổi sáng, em và tôi?

“Lật tung ngày hôm qua

em tìm một vần thơ mới

lật tung từng sợi tóc mây

năm ngón ngắn dài mỏng miết

lật tung buổi sáng hôm nay

ngực thơ nõn nà đồng vọng

lật tung

em và tôi

khát thèm

cuồng vọng” (Khấp khởi ngày xanh)

Câu trả lời đã rõ. Mũi tên của thần tình ái lao đi. Và người đó hiện ra. Và ngời ngời hạnh phúc. Và chất ngất nhớ nhung:

“Anh mỉm cười từ trong từng nếp nghĩ

từng nụ cười

dáng đứng của em

anh mát lành hệt như sương đêm

dịu dàng, mơn man như gió

thần tình yêu ơi

ta hận người

bắt ta nhớ anh” (Anh – Lời yêu sương đêm)

Không phải người đàn bà đẹp nào cũng truân chuyên, nhưng hiếm người đàn bà đẹp có tình yêu lặng sóng. Phạm Phương Lan trời cho nhan sắc thì cũng lấy đi nhiều sự bình yên trong cuộc đời. Và cũng công bằng, trả lại cho Phạm Phương Lan được làm thơ. Nên những bài thơ đó cũng quyến rũ, đa đoan, đường nét lúc phô bày khi ẩn giấu, thấp thoáng những triền mơ.

“Ừ sóng cứ lao xao

nỗi nhớ anh lõa thể

chỉ lòng em dâu bể

chiều ngưng trôi hoang tàn

nỗi nhớ anh cũng thể

tỏa hương chiều hoang mang” (Nỗi nhớ lõa thể)

Tựa đề bạo dạn, tâm ý phóng khoáng, lời thơ đẹp. Lõa thể đặt trong ngữ cảnh này như ta hình dung một bức chân dung tuyệt tác của các danh họa. Nhưng phơi bày ra bởi sóng tràn qua, sóng đánh cuốn đi những gì em muốn giấu, muốn cất giữ riêng anh trong nỗi nhớ. “Lòng em dâu bể, chiều ngưng trôi hoang tàn”, để rồi “tỏa hương chiều hoang mang”. Phải yêu đến thế nào mới có những dòng thơ viết như lên đồng, đẹp một cách hoang dại, cho người đọc cũng rối bời, hoang mang.

Thơ Phạm Phương Lan có rất nhiều nỗi nhớ. Trong chập chờn tỉnh mê, thương nhớ ngập tràn, có lời cất lên như một khẩn cầu. Đâu rồi người đẹp kiêu sa, hay đã quên mình đi để nhớ người trọn vẹn?

“Em có được buồn không

khi lòng tái tê nỗi nhớ

muốn gào thét một cái tên mà sao không thể

anh trôi như áng mây trời

chúng mình xa nhau vừa bằng tiếng nấc

nghẹn ngào rơi giữa thinh không”

Cũng tiếng nấc ấy, rơi giữa trời mà vang vọng:

“Xin đấng chúa trời cứu rỗi hiện sinh

cho em được quên đi tháng ngày trìu mến

cho phút giây trong nhau hòa quyện

chỉ còn là khoảng trống hư không” (Xin người đừng lặng câm)

Thơ Phạm Phương Lan không có những tuyên ngôn hay dài dòng đa sự. Thơ cũng như tình yêu, có lý lẽ riêng và có cả những ngập tràn phi lý. Nhưng có hề chi khi cứ dại khờ, yêu không toan tính. Có rất nhiều những tình yêu như phương trình vô nghiệm, bài toán không đáp số, khu rừng không lối ra mà vẫn đắm đuối đời người. Yêu là yêu, thế thôi. Thế thôi mà xa xót, đắng cả một đời.

“Người chở nụ cười về đâu

mây trời lập trình u ám

ta vũ vần không giới hạn

buồn rơi, vô nghiệm cuộc tình”

Biết là vô vọng mà vẫn mong chờ, khắc khoải:

“Người chở giùm ta màu nắng

về phía bảy sắc cầu vồng

người chở giùm ta màu xanh

về phía chân trời hy vọng” (Tình vô nghiệm)


Nhà thơ Phạm Phương Lan.

Những câu thơ đẹp và buồn. Khác với không ít người làm thơ thích trưng trổ nỗi buồn, như một trang sức, Phạm Phương Lan chọn cách đi bên nỗi buồn, đi cùng nỗi buồn. Trong thơ Lan, nỗi buồn lặn vào hay khúc xạ, trầm tích hoặc lấp lánh, đôi khi như chấm sáng nhỏ trong đêm, cánh chim cuối trời, người đọc vẫn nhận ra, đồng cảm, sẻ chia với nhà thơ. Cái buồn từ trong ra ngoài, từ ngoài thấm vào trong, buồn như một bản năng, thuộc tính, nhưng là cái buồn sâu lắng, dịu dàng. Soi mình trong nỗi buồn nên dường như câu thơ trong veo hơn.

“Chẳng cần buồn ngày hôm qua

đắng cay đừng nhớ

chỉ cần biết trong tôi

em là viên ngọc bích

nhiệm màu” (Nụ cười thênh thênh)

Phạm Phương Lan tự sự về mình một cách nhu mì, một lời thưa nhỏ nhẹ, một phác thảo chân dung. Không kiêu sa, khoảng cách vừa đủ, lửa trong mưa vừa ấm, nụ cười an nhiên:

“Không khái niệm mùa hoa, màu sắc cứ rong chơi

em thuộc về miền thiểu số

người đàn bà thơ ẩn trú trong em như cơn gió

du dương thổi suốt bốn mùa

em thắp đèn, nhóm lửa trong mưa

thổi bạt giá băng lòng ai bão nổi

gieo ngọn nguồn yêu thương, chờ bình yên ngày mới

khoe nụ cười từ trong trái tim đau” (Người đàn bà đa đoan)

Lúc này, người đàn bà thơ lên tiếng, sau những lời như giãi bày nhỏ nhẹ lại là thông điệp có phần mạnh mẽ, như thêm một lần xác tín nữ quyền. Những nhan sắc thanh tao, với trái tim đầy những vết cứa cuộc đời vẫn chất chứa yêu thương. Những người đàn bà làm thơ có quyền tự hào và tự tin bước qua những thác ghềnh:

“Vâng, chúng em

những người đàn bà rong chơi

đã hơn nửa đời cuốc cày trên cánh đồng chữ nghĩa

gia tài lận lưng mỗi đứa chỉ dăm ba cuốn sách dâng đời làm mật ngữ

thừa nửa mảnh đời không biết ghép vào đâu

những người đàn bà không biết lả lơi

chỉ quắt quay thương tiếng à ơi phận bạc

cùng nắm tay nhau vượt qua ghềnh thác

rắt réo dập vùi miệng thế gươm đao” (Phơi khô muộn phiền)

Xưa Quang Dũng với “Đôi bờ” từng viết “Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ nói cười như chuyện một đêm mơ”, thì nay trong đáy cốc của Phạm Phương Lan là vầng trăng tan:

“Ta ngỡ ngàng chẳng biết vì đâu

Trăng đã tan vùi đáy cốc

Rượu nhạt rồi mà môi em mím chặt” (Thừa ta cạnh đêm rằm)

Chiếc cốc ấy đã rơi, rượu đã không còn. Thêm một cuộc tình đổ vỡ, chia ly, không thể cứu vãn:

“Em đàn bà

đã bao lần vụn vỡ

nỗi đau này là vết rạn mà thôi

anh được gì khi tim em tan vỡ

được những gì ngoài nước mắt em khô?” (Tầm gai thay áo)

Nhưng không thể mãi than van, tiếc nuối. Dù có nghe dư vị chát đắng song qua những câu lục bát nhuần nhị này, đã dặn lòng phải bình tâm, dứt khoát ngẩng cao đầu mà bước:

“Từ ngày người bỏ vào thương

dăm ba nhỏn mặn, một lường chát chua

đảo điên dậu nát, màn thưa

thì coi như nợ đã vừa tính xong” (Thả gió đi rong)

Trong hành trình tiếp diễn của đời người, đôi khi lại dắt đưa về những miền ký ức. Buồn hay vui, hạnh phúc hay khổ đau thì cũng đã đong đầy, theo thời gian sẽ rêu phong, mờ dấu. Trong buổi chiều nào đó, gót hồng ngược miền gió, ngược vệt nắng, ngược bãi sông, để rồi:

“Ngược về ngày tháng bên nhau

trăm lần xác xao vụn vỡ

chòng chành vạt trời hương nhớ

ngược lòng huơ hoác sương mờ” (Ngược em)

Cứ thế, “Mật ngữ em” dắt đưa người đọc vào thế giới thơ Phạm Phương Lan để lắm khi thấy lòng ngổn ngang và “huơ hoác sương mờ”. Bên cạnh những tứ thơ táo bạo, lời thơ đắm say, những nỗi niềm đằm thắm, nhà thơ còn có những suy tư về đời một cách sâu sắc. Điển hình như bài thơ dưới đây về đại dịch Covid-19. Phải qua những thảm họa như đại hồng thủy hay những đại dịch, nhân loại mới nhận ra nhiều điều đã lãng quên hay xem nhẹ trong cuộc sống; những giá trị cũ và mới được nhận diện, con người sẽ phải thay đổi cách sống, nhìn về cuộc sống bằng đôi mắt khoan dung và lượng thứ hơn. Sau chiếc khẩu trang là những con người, kẻ xấu người tốt, ai rồi cũng phải lìa xa cuộc sống, ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Một dấu lặng Phạm Phương Lan để lại cho người đọc tự suy ngẫm và đồng cảm với nhà thơ.

“Trong cái hỗn mang thời bệnh dịch

tôi nhận ra mặt người qua chiếc khẩu trang

sau chiếc khẩu trang ai người lầm lũi

ai cách ly ai, ai hờn tủi trách đời

ai chữa trị cứu người chẳng kịp nghỉ ngơi

ai đắng cay vung tiền bỏ mạng

thời dịch bệnh, lòng ngay gian lột trần như ban sáng

dẫu chiếc khẩu trang che kín mặt người

ai cười, ai khóc, vinh nhục ai ơi

ai nào khác ai sau ba tấc đất” (Sau lớp khẩu trang)

Trong chừng mực nào đó, thơ cũng là cứu rỗi. Thơ đem lại sự cân bằng sau những chênh chao, bình yên sau đổ vỡ. Thơ như một nơi an trú đầy tin cậy, để tâm thế như nhiên. Và người đàn bà đa đoan như Phạm Phương Lan tự nhận vẫn cùng thơ đi bên nỗi buồn, vẫn là người đàn bà thơ kiêu hãnh. Sự tự tại của tâm hồn như một lời nhắc, bởi lời yêu chưa cạn.

“Vượt đau khổ úa nhàu

vẽ vào cao xanh bồng bềnh trắng muốt

chấm đôi mắt nhung huyền thảng thốt

bật tiếng khóc, cười, sướng, khổ nhân gian” (Người đàn bà đa đoan)

Và đâu đây ta nghe tiếng cười, đủ để vui trở lại, để tiếp tục cho đời những câu thơ đẹp:

“Cuộc đời bến đỗ nơi nao

hờn ghen chi phận má đào tơ duyên

phơi khô cho hết muộn phiền

nụ vui khanh khách đầy phiên chợ đời”.

TP HCM, thu 2021

B.P.T

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm