TIN TỨC

Em đây, chị ơi!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-08-21 06:45:25
mail facebook google pos stwis
974 lượt xem

BÍCH NGÂN
 

1.
Ngày thứ 7 đợt giãn cách xã hội đầu tiên của thành phố, cái răng số 36 của Ng bị đau. Những cơn đau âm ỉ về đêm.

Cùng với cơn đau có lúc xoáy vào nướu, vào hàm, vào xương, vào tủy là một cơn đau khác, cũng lặng lẽ, song hành.Cơn đau làm Ng khó ngủ. Chị trở dậy nhiều lần. Uống viên thuốc giảm đau, ngậm nước muối pha loãng, súc miệng nước ấm, vài giọt tinh dầu Đinh hương cho vào tăm bông rồi ấn vào chỗ đau. Làm nhiều cách, Ng cũng chỉ cầm cự cơn đau. Ng biết, mình sẽ phải chịu đựng cơn đau dai dẳng này cho tới lúc cơ sở nha khoa được hoạt động trở lại, sau đợt đóng cửa theo yêu cầu phòng chống đại dịch Covid-19.

Cơn đau tuy không chạm vào thịt da xương tủy nhưng lại lấy đi nhiều sinh lực, khiến Ng phờ phạc. Chị có cảm giác mình đang hứng chịu những cú đấm vô hình. Thương tổn từ những cú đấm không thể chống đỡ khiến Ng đau ran cả vùng ngực. Trái tim nhiều lúc cồn lên, đập những nhịp đập bất thường.

Ng tắt martphone, tắt đèn ngủ, nằm trong bóng tối, vỗ về cơn đau, cố nhắm mắt.

Tiếng thở rì rì và luồng khí phả ra từ chiếc máy lạnh lại làm Ng liên tưởng đến hơi thở khó nhọc của nạn nhân virus Corona, những bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu, mũi miệng được nối với những cái ống nhựa của chiếc máy thở. Chị lại nghĩ đến những nạn nhân dần cạn ô xy nơi buồng phổi và không thể tiếp được nguồn dưỡng khí nhân tạo. Họ, đông như những binh đoàn bại trận, đang thoi thóp ở nhiều bệnh viện, nhiều nhà dưỡng lão, nhiều căn hộ bị cách ly trong những thành phố bị phong tỏa. Những thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa là điểm tìm đến của hàng triệu lượt du khách mỗi tuần, chỉ sau vài tuần, vắng lặng, im lìm, trơ khấc như những nghĩa trang khổng lồ. 

Chưa lúc nào cái chợp mắt đi vào giấc ngủ lại khó khăn với Ng đến vậy. Những ngọn nến đưa tiễn nạn nhân của Coronavirus ra đi trong cô độc ở Lombardy, ở Madrid, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Brussel, ở New York... chẳng khác vô số ngọn lửa ma trơi, lúc xanh, lúc tím, lập lòe, nhảy múa trước mắt Ng.

Ng thấy mình may mắn khi sống trong một quốc gia, cho tới đợt giãn cách đầu tiên này, chưa có người nào phải tử vong vì loại virus đang giết người hàng loạt. Tuy vậy, ngọn lửa ma trơi, cứ lập lòe, lập lòe. Không thể nào chợp được mắt, Ng với tay lấy martphone, ấn phím, mở.

Màn hình hiện ra tin nhắn từ Viber. Tim Ng giật thót khi đọc: “Em đây, chị ơi!”. M nhắn tiếp: “Dịch bệnh khắp nơi. Em giật mình thản thốt. Em nhớ mình còn có người chị. Cả hơn năm qua em không có tin gì cho chị. Em thấy mình thật tệ hại. Do em đánh vật với bệnh tật để lấy lại “cái tôi” bên ngoài mà em từng hãnh diện. Em ngốc quá chị ạ. Khi thế giới chết như rơm như rạ, chết không được trăn trối, không một người thân bên cạnh, em tỉnh ra, chỉ cần được sống là hạnh phúc…”. M viết dài. Viết như không ngưng nghỉ. Viết những bao bọc giấu kín bất chợt, bục vỡ…M viết như trước mặt cô, Coronavirus hiện hình là những cỗ xe tóc tang đang lừ lừ tiến đến. Viết trong sự hãi hùng. Viết trong cơn dư chấn. Viết, như trốn thoát. Và viết để trải lòng. Viết, để bù đắp cho tháng ngày M và Ng bặt tin nhau.

Sau những bộc bạch tuôn tràn, sau khoảnh khắc ngưng nghỉ, hít thở, lấy lại sức, M gởi tiếp cho Ng một video clip.

Mở video clip, Ng thấy hình ảnh M. Cô đang đi. M đi chậm, từng bước, đi một mình trên vỉa hè rộng trên một quãng đường nhiều bóng cây, lác đác ô tô xuôi ngược. M mặc áo đầm dài màu hồng, khoác áo len mỏng màu trắng. Dáng M hơi liêu xiêu, bước chân chưa thật thăng bằng nhưng thần thái đã ánh nét tươi vui. Miệng M mở nụ cười. Mắt M cũng cười. Có lẽ cười với người đang ghi hình ảnh mình.

Theo sau video clip, M gởi tiếp dòng chữ: “N ghi lại hình ảnh em đi trên con đường cách nhà em chỉ một quãng, lúc nước Mỹ chưa biết đến đại dịch coronavirus. Còn mấy tuần nay, em không dám bước ra khỏi nhà, tuy về kinh tế thì không phải lo, tiền trợ cấp từ Chính phủ chuyển vào tài khoản, mỗi tuần”.

2.

Với Ng, M vừa là đứa em, vừa là người bạn. M xinh xắn, mảnh mai. M biết chăm chút bản thân, không chỉ là dáng vẻ. Không kiêng khem. M biết giữ điều độ. Làm việc, nghỉ ngơi, đi bộ, tập yoga. M như nhành hoa thạch thảo. M có vẻ quyến rũ ẩn sau sự lặng lẽ khiêm nhường. Gần M, lúc nào Ng cũng cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng. Năng lượng ấy, dường như được M tích cóp mỗi ngày, từ sách vở, từ những chuyến đi, từ công việc đòi hỏi cập nhật kiến thức, từ những đánh đổi mất còn, và cả ảo mộng, khát khao.

M còn thích hát. Giọng tràn xúc cảm. Khi hát, M luôn hát bằng trái tim. Món quà M tặng Ng trước khi rời Sài Gòn sang Texas là những bài hát cô yêu thích, đóng thành tập khá dày, bìa màu xanh với dòng chữ “Những bài hát em yêu thích!” và lời đề tặng được viết nắn nót. Ng nhớ, khi trao tập bài hát, M nói: “Hát nha, chị! Hát luôn có cảm giác mình được bay lên!”.

Ng với M có cùng những sở thích và nhiều chuyến du ngoạn, nhiều kỷ niệm, nhiều sẻ chia. Chị và M có những cuộc vừa cải vã, vừa tranh luận, vừa thú vị, vừa ồn ào khi cùng đọc một quyển sách, một bộ phim, một vở kịch mà cả hai cùng yêu thích hay cùng đặt chân đến một vùng đất mới. Cũng có lúc vừa tiếc nuối vừa xao xuyến, cả hai kể cho nhau nghe những được, mất và cả những ao ước thầm kín riêng tư. Cũng có nhiều lúc, cả hai ngồi bên nhau, lặng lẽ bên ly cà phê nơi góc phố quen thuộc, vừa nhìn dòng người xuôi ngược, vừa gắng gỏi nhìn người, nhìn đời và nhìn vào chính mình. Thường mỗi khi chia tay M, trên đường về nhà, Ng hay ghé vào quầy bán hoa, chọn mua một bó thạch thảo tím vừa ra hoa vừa hé nụ.

Rồi Ng và M xa nhau. M đưa đứa con trai duy nhất của mình sang Mỹ học. Ít tháng sau, M quyết định ở lại bên đó cùng con. Vốn có chuyên môn và thạo tiếng Anh, M xin được việc làm. Và làm đến đến 2 Jobs, mỗi ngày.

Mỗi ngày M lái xe mấy trăm cây số đi, về. Ngày nào về nhà M cũng chỉ kịp ăn uống qua loa rồi lăn ra ngủ, hôm sau tiếp tục đi làm. Nhiều lần Ng nhận được điện thoại lúc M đang lái xe trên đường về nhà: “Chị ơi, hơn 12 giờ đêm rồi… Em sợ mình ngủ gục nên gọi cho chị…”; “ Chị nói gì với em đi! Nói gì cũng được. Em mở nhạc thật to mà mắt cứ díp lại”; “Chị ơi, nghe em hát đây”. M hát giữa khuya, hát một mình, nghe như tiếng khóc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa/Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...”…

M gắng sức mỗi ngày, vượt qua khó khăn mỗi ngày, vươn lên mỗi ngày. Và M hòa nhập được cuộc sống ở nơi mà tốc độ, kỹ năng làm việc và nghị lực đều đòi hỏi cao. 

Sau hơn 5 năm, M trở thành công dân Mỹ. Con trai cũng học sắp xong đại học. M về Sài Gòn thường hơn. Trong thời gian lưu lại Việt Nam, vài lần M điều trị viêm khớp vai, một lần phải giải phẫu, nối lại dây chằng ở bả vai. Dù M lặng lẽ chịu đau, Ng cũng đoán được, M gặp vấn đề về sức khỏe, nhiều lần phải lên bàn mổ, phần nào do M gắng sức liên tục, làm việc liên tục trong nhiều năm, lại chịu đựng những mùa đông giá buốt. 

Khi mọi việc đi vào ổn định bên Mỹ, M về lại Việt Nam sinh sống. M cùng chồng xây một ngôi nhà mới. Ngôi nhà màu trắng với giếng trời tràn ánh sáng. M trồng nhiều cây nhiều hoa. Cây hoa tươi tốt trên sân thượng, trên ban công. Một bồn cây xanh nơi giếng trời xuyên ánh nắng ở tầng trệt, cạnh đó là căn bếp, quầy rượu, bàn ăn. Chiếc đàn ghi ta thùng cũng được treo trên tường, trong phòng ăn. Nhiều lần Ng tới nhà M. Lần nào M hăm hở đưa Ng nhìn ngắm sự tươi mới như diễn ra mỗi ngày trong ngôi nhà. Lúc thì thêm vài chậu hồng ngoài ban công, lúc thì vài giò lan N đem về sau chuyến đi đâu đó, lúc thì M vừa tậu được cái ghế đọc sách có thể ngả người thoái mái…

M chỉn chu cả khi xếp đặt các thứ trong tủ lạnh, tủ bếp và bày biện thức ăn, bàn ăn. M vui tíu tít khi trổ tài nấu nướng và được đãi đằng.

Ngày ngày, M chí thú đi chợ, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, đọc sách và tham gia công việc thiện nguyện. Nhưng rồi, trong một chuyến đi du lịch cùng chồng, M bất ngờ bị tai biến.

Thời gian chữa trị M không muốn bè bạn đến thăm. M khóa điện thoại. N, chồng M nhắn cùng một tin nhắn cho những người thân quen của M: “Trong thời gian chữa trị, M không muốn gặp ai. Mong anh chị em thông cảm!”. M muốn giữ trong mắt, trong tình cảm và cả ký ức của người thân, của bè bạn, một M xinh tươi, duyên dáng. 

Một lần, không cưỡng được thứ cảm xúc bùng lên như lửa bỏng, Ng đến nhà M.

Cánh cửa cuốn nặng nề kéo xuống. Ng bấm chuông. Phải đợi một hồi lâu, mới nghe tiếng chân người. Rồi một giọng nói qua ô vuông nhỏ vừa được kéo ra: “Cô M đi bệnh viện”. “Bệnh viện nào?”. Ô vuông đóng lại.

Lúc quay xe trở ra, đi được một đoạn, Ng chợt nhận ra mấy tấm bia trắng trên những ngôi mộ cỏ úa lơ thơ cạnh lối đi. Hóa ra, khu nhà sang trọng trong đó có nhà M, được dựng lên trên khu đất mà trước đây có lẽ là xóm nhị tỳ. Một cơn lốc chợt ào tới. Bụi cuốn theo. Mắt Ng vừa xót, vừa cay. Rồi nước mắt chị lăn dài xuống má.

Hình ảnh cánh cửa cuốn im lìm nhà M rồi những ngôi mộ cũng im lìm trong cơn gió thốc của buổi trưa hè hôm đó cứ trở đi trở lại tâm trí Ng. Nhưng rõ nét nhất, lung linh nhất, vẫn là hình ảnh M xinh xắn với đôi tay khéo léo, khi bào, khi gọt, khi chặt, khi thái, khi xào, khi nấu. Và M, nhanh nhẹn khi nêm, khi nếm, khi di chuyển trong không gian gian bếp tràn ánh sáng với mùi món ăn, mùi cây trái, mùi hương hoa và nhớ cả những ca từ quen thuôc, giai điệu quen thuộc được ngân nga từ giọng hát quen thuộc của M.

3.

Ngày thứ 7 sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất, phòng răng Titan cách nhà Ng vài cây số, mở cửa. Ng đến phòng răng cùng chồng. Cũng như Ng, chồng Ng, lúc vợ đau yếu, bệnh tật, T luôn bên cạnh.

T ngồi ở ngoài chờ trong khi Ng vào phòng khám.

Trước khi lên ghế khám, Ng tháo khẩu trang. Gần 3 tháng, lần đầu tiên Ng không mang mảnh vải che miệng mũi trước người lạ. Người lạ, một nha sĩ có giọng nói ấm dù vẫn mang khẩu trang y tế màu trắng, giống hệt chiếc khẩu trang Ng vừa tháo ra và cho vào cái xắc tay.

Sau những thao tác thuần thục của nha sĩ thạo nghề và sau một hồi hợp tác và chịu đựng khi phải chịu tách môi, chặn lưỡi, banh má và mũi khoan kim loại với âm thanh rin rít cứ siết vào tai, vào óc, lúc thăm dò, lúc xoáy vào chân, vào tủy răng, vừa mỏi, vừa đau buốt; Ng được nha sĩ cho biết là chiếc răng số 36 vẫn còn có thể chữa được nếu sau khi trám kín lỗ sâu, khổ chủ phải lấp vào đó răng sứ. Một là, giữ vai trò che chắn, không để cho lũ sâu tiếp tục tấn công và đục khoét. Hai là, răng sứ còn đem lại thẩm mỹ. Nha sĩ nói tiếp qua lớp khẩu trang, là không phải chỉ lắp một chiếc răng sứ vào cái răng số 36 mà nên lắp luôn hai chiếc răng sứ cạnh hai bên tả hữu nó. Vị nha sĩ nhũn nhẵn giải thích: Ba chiếc răng sứ sẽ tạo thế mạnh liên hoàn và cũng tiện cho việc vệ sinh răng miệng. Rồi vị nha sĩ mời Ng ra chỗ phòng khách, nơi tiếp khách hàng, để xem vài hình ảnh và giá cả mà chọn loại răng giả lắp vào răng thật.

Ng nhìn ngắm săm soi hình ảnh những hàm răng trắng bóng với môi miệng rất xinh và bảng giá. Loại trung bình là răng sứ Titan, 2 triệu một chiếc. Nha sĩ gỡ khẩu trang khỏi miệng mũi. Hàm răng đều, cặp môi đầy đặn khép mở giải thích thêm, là răng bằng sứ Titan có gắn bên trong chút kim loại nhẹ. Vừa nghe hai tiếng “kim loại”, Ng chợt thấy da thịt mình nổi gai óc. Tai chị ong ong thứ âm thanh của mũi khoan kim loại siết vào hàm vào răng.

Nhìn mặt mũi băn khoăn của vợ, T nói: “Em nên chọn loại tốt!”. Ng ngần ngừ: “Loại không kim loại đắt gấp đôi. Em định để dành tiền mình đi du lịch sau mấy tháng tự nhốt ở nhà…”. T ngắt lời: “Răng lợi rất quan trọng. Phải khỏe cái đã…”

Chồng của M, có lẽ cũng như T, yêu thương vợ còn hơn bản thân mình. N bỏ công việc đang ăn nên làm ra, bỏ lại ngôi nhà được xây đúng với mơ ước của cả hai, để sang Texas, dìu vợ từng bước đi, chăm bẵm từng chút, lo cho vợ từng miếng ăn, giấc ngủ. M tuôn trào cảm xúc khi nói về chồng: “N giúp em hồi sinh. N làm em hiểu rõ hơn giá trị của sự hy sinh. Những hy sinh lặng lẽ âm thầm của N đã vực em dậy…”.

Trái với tính sôi nổi và hòa đồng của N, T lầm lỳ, ít nói, sống nội tâm. Ngay với Ng, T cũng kiệm lời. T không bày tỏ yêu thương bằng lời nhưng luôn dành cho vợ những gì mà anh có thể có được. Ng vài ba lần phải nhập viện, hai lần lên bàn mổ và nằm trong phòng hồi sức. Cả hai lần, khi mở mắt tỉnh lại, Ng thấy T bên cạnh, mặt mũi hốc hác như nhiều đêm liền anh không hề chợp mắt. Gương phờ phạc yêu thương  ấy xóa dần những ảo mộng phù phiếm nơi Ng.

Khi Ng vừa chọn loại răng sứ không kim loại, thì điện thoại có tín hiệu. M nhắn tin: “Em vừa tập luyện một tiếng đồng hồ, có N xoa bóp. Tay trái em còn yếu nhưng em vẫn nấu được món ngon cho chồng cho con. Em mong từng ngày được trở về Việt Nam và người mà em muốn gặp đầu tiên là chị. Em sẽ nấu món ngon đãi chị…”.

Ng muốn khoe với M là chị sẽ tậu những chiếc răng trắng như ngọc như ngà, ắt hẳn là đẹp hơn răng thật và cũng mong từng ngày để được gặp lại M, mong lại được ăn món ngon M nấu và lại được nghe M hát. Lẽ ra ấn vào phím chữ, Ng lại chọn biểu tượng trái tim.

Trái tim màu đỏ chưa kịp gởi thì M nhắn tiếp: “Chị ơi, mẹ của Th, người bạn giúp em rất nhiều khi chân ướt chân ráo sang đây. Bà ấy vừa mất vài phút trước, mất vì virus Corona”. M nhắn lời chia buồn kèm theo một bông hồng trắng. M nhắn tiếp: “Mẹ của Th vĩnh viễn ra đi mà em không thể có mặt để đưa tiễn, cũng cách nào để chia sẻ mất mát với Th, dù chỉ là một cái ôm…”.

Tranh minh họa của Trần Ngọc Quỳ.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng mõ trong ngõ cụt - Truyện ngắn Kim Uyên
Trước đây, vợ lão Nam thường tụng kinh gõ mõ hai lần trong tháng, vào sáng mồng một và ngày rằm. Đầu năm nay nhân ngày rằm tháng giêng mụ mời một thầy chùa về làm lễ lớn, sau ngày đó mụ Nhung chăm tụng kinh hơn. Việc này khiến mọi người trong khu ngõ cụt không hài lòng, đặc biệt là các nhà liền kề với nhà lão Nam vì tiếng gõ công cốc nổi lên lúc năm giờ sáng.
Xem thêm
Bài điếu văn của lão Tân - Truyện ngắn Kim Uyên
Lão Tân thấy nhà đám náo động thì đứng dậy thất thểu ra về. Vừa đi lão vừa suy nghĩ căng thẳng lắm, lão chưa biết viết thế nào để hoàn thành bài điếu văn về ông chủ tịch cho em trai đọc vào lúc di quan sáng mai.
Xem thêm
Chạm mặt voi rừng - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường. Trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm.
Xem thêm
Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Truyện hay về người mẹ Việt Nam
Xem thêm
Bắt cá trên cao nguyên - Truyện ngắn của Hồng Chiến
H’Lê làm lớp trưởng lớp 9A1, người dân tộc Êđê có nước da bánh mật, mặt trái xoan, tóc xoăn tự nhiên tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. H’Lê học cùng lớp nhưng hơn Thanh một tuổi, người rắn chắc, khỏe mạnh ra dáng một thiếu nữ. Còn Thanh sinh ra, lớn lên ở ngoại ô thành phố, quanh năm nghe tiếng gầm của sóng biển.
Xem thêm
Bản năng kép - Truyện ngắn Phùng Phương Quý
Ta nắm tay đấm vào đầu để nhớ lại. Đuổi ngay cái dự án khu công nghiệp ra khỏi bộ nhớ. Mười phần trăm là cái gì. Mười lăm phần trăm cũng chả là cái gì. Lại hai mươi à? Cút xéo ngay cái phần trăm hoa hồng của chúng mày. Tao đếch cần! Tao thích bia hơi, thích tăng gô...
Xem thêm
Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Xem thêm
Bóng chim tăm cá – Truyện ngắn Phùng Phương Qúy
Con đò cố lách qua đám lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện.
Xem thêm
Người viết sử | Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36 (ngày 2/9/2023)
Xem thêm
Mộ tổ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương tổ chức năm 1994.
Xem thêm
Chè chốt Truyện ngắn của Lê Na  
Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy. Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.
Xem thêm
Tình yêu cao thượng | Truyện ngắn của Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ
Xem thêm
Chờ đợi hóa thân | Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn
Tác phẩm đăng Nhà văn & cuộc sống số 14
Xem thêm
Tu hú gọi bầy | Truyện ngắn Lệ Hồng
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 86 (ngày 10/8/23)
Xem thêm
Tâm “điếu văn” – Truyện ngắn Phùng Chí Cường
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật của một đời người. Sinh thì có hạn nhưng tử thì bất kỳ không ai có thể định trước được. Có những người vừa mới cách đây không lâu vẫn còn cười phơ phớ, thế mà đùng cái lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Xem thêm
Thẻ nhà văn | Bích Ngân
Truyện đăng Tuổi Trẻ Cười
Xem thêm
Chó robot | Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện đăng Văn nghệ quân đội
Xem thêm
Gấu Ngựa - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng lại có lông màu bạch kim. Chúng sống thành từng đàn năm bảy chục con, mỗi sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng thích ăn lá cây khác với họ nhà khỉ chỉ thích ăn quả. Có lẽ bầy Voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’Chi đi một mình chúng nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, quăng mình từ cành này sang cành khác như người làm xiếc.
Xem thêm
Thị trấn biết cười – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Rừng nối đất. Cây nối gió. Mưa nối lạnh. Và cô đơn nối những con người chẳng biết cười gần với nhau.
Xem thêm
Cây mẫu đơn hoa đỏ – Truyện ngắn của Hồ Loan
Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:
Xem thêm