- Lý luận - Phê bình
- Khi văn chương tấn công văn hóa bản địa…
Khi văn chương tấn công văn hóa bản địa…
Người viết sử - Truyện ngắn của Nguyễn Trường, lần đầu tiên đề cập đến hậu quả của tác phẩm văn học.
Truyện đăng trang 38, Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 3314+3315 ra ngày 02/9/2023. Để đi vào khảo sát truyện ngắn này, mời độc giả đọc toàn bộ nội dung truyện Ở ĐÂY.
Bỏ qua đoạn đầu truyện, tác giả hư cấu cô gái tuổi dậy thì, bị lý tưởng và tài hoa của người tù chính trị chinh phục con tim trong trắng thơ ngây. Cô là con gái một công chức làm việc cho Thực dân Pháp ở Côn Đảo. Người cha đã làm mọi cách để đưa người tù chính trị hoạt động trong tổ chức chống Thực dân Pháp có văn hay chữ tốt võ công thâm hậu về dạy con gái một của mình. Người tù đa tài này là nhà văn yêu nước Thành Ngọc. Mãi theo sự nghiệp cứu nước của mình, anh hy sinh tình cảm riêng, không nhận mối tình đầu trong trắng thơ ngây của cô học trò xinh đẹp nhất đảo.
Dùng con thuyền tình yêu chở văn chương là thủ pháp mà hầu hết các tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Trường sử dụng, tạo nên sự hấp dẫn của những câu chuyện không có chủ đề chính về yêu đương.
Chúng ta đi vào phần chính của truyện ngắn. Đó là lúc tác giả hư cấu cho giấc mơ nhà văn hiện thời (Nguyễn Trường) trò chuyện với nhà văn quá khứ (Thành Ngọc).
Thành Ngọc đánh giá cách sử dụng tư liệu của nhà Nguyễn Trường trong các tác phẩm: “dù có sắp xếp, có hư cấu nhưng không thay đổi bản chất sự việc đã xảy ra”.
Thành Ngọc muốn nhờ nhà văn Nguyễn Trường đính chính lại các tác phẩm mình viết “Núi chúa là gì; Sự tích bà cậu Côn Lôn”... “ở dạng nghiên cứu lịch sử, nhưng vì có máu văn chương nên hư cấu ít nhiều và để câu chuyện đi vào lòng độc giả, anh chọn góc nhìn duy tình để viết về lịch sử, là điều cấm kỵ…”. “Xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù bọn Pháp xâm lược”, Thành Ngọc hư cấu “Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo, vua đóng trên đỉnh núi cao, cho khắc bàn cờ trên hòn đá để đánh cờ giải khuây với bộ hạ”. Hư cấu bà Phi Yến (thứ phi) của Nguyễn Ánh can chồng không đưa con (Hoàng tử Hội An) theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Gia Long “nổi giận cho rằng Phi Yến thông đồng với Tây Sơn, bắt xử tử bà, may có đô đốc Ngọc Lân cầu xin, nhà vua mới bớt giận cho giam Phi Yến vào hang đá bên kia Sở Đầm. Nghe tin quân Tây Sơn đang kéo ra đảo, nhà vua hạ lệnh lên đường...”. “Dọc đường hoàng tử Hội An không thấy mẹ, kêu khóc. Nhà vua nóng giận, ném hoàng tử xuống biển. Chuyện còn có chi tiết con báo đen và con vượn trắng là hai con vật được mẹ con Phi Yến nuôi nên rất trung thành đã cứu bà Phi Yến ra khỏi hang đá và tìm xác hoàng tử chôn ở chân núi Cỏ Ống. Còn bà Phi Yến ở lại với dân làng Cỏ Ống, làm nhiều việc thiện giúp dân, khắp vùng ai cũng quý mến bà. Tên Biện Thi thấy bà có nhan sắc, nửa đêm lẻn đến định giở trò sàm sở. Bà tri hô, dân làng bắt tên Biện Thi xử trảm. Nhưng bà Phi Yến cũng cho rằng thân mình bị ô uế nên gheo mình xuống biển tự trầm. Bà Phi Yến trở thành tấm gương yêu nước. Còn Nguyễn Ánh bị người đời nguyền rủa vì “Cõng rắn cắn gà nhà”, là người cha ác độc, mất nhân tính. Để bài viết có tính thuyết phục, anh đã dùng hai câu ca dao cổ để gán ghép vào hoàn cảnh của mẹ con bà Phi Yến. Muốn thế bà Phi Yến còn có tên là Răm, Hoàng tử Hội An có tên là Cải mới hợp với câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Người dân đọc những chi tiết duy tình, họ tin các bài báo của Nhà văn Thành Ngọc và bỏ qua sự thật lịch sử vì nó khô khan và đi ngược lại với các bài báo đó.
Hậu quả xã hội là do nhà văn Thành Ngọc bẻ công sự thật lịch sử: “người đời sau lại dùng nó để toan tính thay đổi lịch sử”.
Về nghệ thuật “người ta dựa vào truyện của (Nhà văn Thành Ngọc) “dựng vở cải lương “Mẹ hiền con thảo”, lâm ly, lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả”.
Về địa lý, đã thay đổi tên các địa danh sai bản chất: “bài báo đã có tác dụng ghi địa danh ở Côn Đảo, nơi Nguyễn Ánh đánh cờ thành Núi Chúa (Nguyễn), dãy núi bên kia Sở Đầm gọi là Núi Bà (Phi Yến)”.
“Đến năm 1958, Trưởng ty Ngân khố Côn Sơn, đã cho dựng lên ngôi miếu trên nền miếu thờ “Thánh Mẫu Thiên Hậu” là vị thần biển trong tín ngưỡng dân gian”.
Bài báo đã thay đổi tín ngưỡng dân gian, làm sai lạc công năng đền đài. Miếu thờ “Thánh Mẫu Thiên Hậu thành “miếu thờ bà Phi Yến, và miếu thờ hoàng tử Hội An, ngày nay được hiểu như là sự thật”.
Quản lý Nhà nước vốn phải tuân theo khoa học và tôn trọng sự thật cũng bị nhầm lẫn: “An Sơn Miếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ký công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Rồi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đưa Lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 10 âm lịch địa phương tổ chức cúng tế rất linh đình...” Các nhà khoa học phản đối, phải rút lại quyết định; nhưng không thể nào thay đổi lòng tin của người dân. Tai họa là chính quyền địa phương mất uy tín vì người dân không tin rút lại quyết định là đúng và các nhà khoa học lại cho rằng cán bộ quản lý văn hóa thiếu kiến thức văn hóa; nghĩa là thua đơn, thiệt kép.
Một quả bom nhỏ bằng chất TNT nổ sẽ kích hoạt các nguyên tử uranium-235 bao quanh nó phản ứng dây chuyền tạo nên vụ nổ bom nguyên tử. Nhưng có một xác suất rất nhỏ gần bằng 0%, phản ứng dây chuyền tiếp tục để phá hủy toàn bộ trái đất.
Nếu xem tinh thần những người yêu nước là những nguyên tử uranium-235 tích tụ về Côn Đảo được nhà văn Thành Ngọc kích hoạt quả bom văn chương nổ, biến tinh thần yêu nước thành phản ứng dây chuyền, sức công phá của quả bom nguyên tử mang tên phản văn hóa, tuy rất chậm, lan tỏa trong 3 chiều không gian và theo thời gian tạo ra hậu quả về văn hóa: tiêu diệt gần hết sự thật, làm thay đổi một phần văn hóa bản địa. Nhà văn Nguyễn Trường đã sáng tạo ra mô hình này để kêu gọi lương tri và trách nhiệm công dân, trách nhiệm với văn hóa bản địa của các nhà văn, quyết không bóp méo lịch sử vì bất cứ lý do nào. Đó là chủ đề bao quát truyện ngắn.
Nhà văn Nguyễn Trường thăm An Sơn miếu, một trong những nguyên mẫu của truyện ngắn "Người viết sử".
*
Dân là người, ai cũng muốn nghe và dễ tin vào chuyện bạc vàng châu báu. Để có thêm sức mạnh thuyết phục, nhà văn Thành Ngọc đã hư cấu: “Chúa Nguyễn Ánh bèn tạm chôn một số vàng và ngọc ngà châu báu để lại trên đỉnh núi Chúa rồi tức tốc cùng đám tùy tùng đem cung quyến xuống mấy chiếc thuyền chạy ra đảo Phú Quốc”.
Chính đoạn văn trên mà hết chúa đảo này đến chúa đảo khác ra sức tra tấn tù nhân chính trị nhà văn Thành Ngọc với tất cả các hình thức dã man nhất của nhà tù Côn Đảo để tìm ra bí mật nơi chôn dấu vàng. Chứng cứ rõ ràng: Thành Ngọc đã viết về việc này, đương nhiên phải biết rõ nơi chôn cất vàng.
Xưa nay, các nhà văn nổi tiếng thường được bỏ đi những tác phẩm xoàng và những việc làm dại dột trong đời, chỉ để lại trong sự nghiệp một vài tác phẩm để vinh danh.
Nhà văn Nguyễn Trường chỉ ra không có luật miễn trừ đối với nhà văn về trách nhiệm tác phẩm của mình nếu gây ra hậu quả xã hội. Đây là chủ đề thứ hai cũng là phát hiện thứ hai có giá trị cống hiến cho lý luận văn học qua tác phẩm văn học.
*
Do quy luật văn hóa cuối cùng sẽ thắng phản văn hóa. Nhưng chiến thắng sau cùng đòi hỏi phải có độ lùi thời gian để thẩm định, gạn đục khơi trong. Trong ngắn hạn trước mắt, các tác phẩm văn chương phản văn hóa lan tỏa nhanh, có sức mạnh tức thời, được chào đón, tung hô thậm chí được trao thưởng. Sau vài năm hoặc vài chục năm, nó đột ngột biến mất như đại dịch do vius gây ra.
Nhà văn Thành Ngọc với các tác phẩm “Núi chúa là gì; Sự tích bà cậu Côn Lôn”... là văn chương phản văn hóa và nó đang ở thế thắng trong gần thế kỷ nay.
“Người viết sử” cùng với ý kiến của các nhà khoa học không chỉ có giá trị thẩm định mà nó bắt đầu cho quá trình đưa sự thật trở lại bằng quyết định sửa sai của chính quyền. Sẽ mất nhiều thời gian với sự đấu tranh bền bỉ của những nhà văn văn hóa và các nhà văn hóa, chiến thắng của văn hóa về vấn đề này mới xác lập như “hai câu đối ở hai bên tran thờ, chữ màu đen trên các ô hình tròn nền màu vàng đã cũ:
“THÁNH đức sánh THIÊN yên lành Hải quốc
MẪU nghi xứng HẬU ơn giúp Côn bang” vẫn còn.
Nguyễn Trường đã chỉ ra con đường phát triển khó khăn của văn hóa và chiến thắng cuối cùng với phản văn hóa là đương nhiên. Chính nhà văn đã góp phần đấu tranh với các tác phẩm văn chương phản văn hóa.
Nó cho thấy trách nhiệm văn hóa của nhà văn và trách nhiệm của giới khoa học văn hóa với việc thẩm định, chỉ ra được các tác phẩm văn học phản văn hóa để độc giả cảnh giác với loại vius có sức mạnh gây đại dịch văn hóa nhằm chữa trị khi nó chưa kịp lây lan.
Đó là chủ đề thứ 3 của truyện ngắn.
*
“Người viết sử” là truyện ngắn đa chủ đề, trong chủ đề lớn: sức mạnh của văn học phản văn hóa khi nó được cư dân bản địa đón nhận và trở thành một phần tín ngưỡng dân gian bản địa.
Truyện ngắn có 4 góc nhìn:
Hương, người con gái trong sáng đại diện cho góc nhìn duy tình của cư dân bản địa.
- Nhà văn Thành Ngọc, do bất chấp tất cả để đạt được mục đích cuối cùng mà nhà văn nhận thức là cao cả đã sản sinh ra góc nhìn phản văn hóa. Được cư dân bản địa tin chỉ vì mục đích cuối cùng của nhà văn là cao cả, hợp lòng dân.
- Nhà văn Nguyễn Trường, cùng các chuyên gia lịch sử và văn hóa, có góc nhìn văn hóa nên góp phần chống lại phản văn hóa.
Truyện vừa sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo, vừa sử dụng bút pháp sử dụng tối đa tư liệu lịch sử, nguyên mẫu có thật và các sự việc có thật theo phương cách hư cấu tối thiểu... Lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm dùng các thủ pháp đối nghịch, đan xen nhau nhuần nhuyễn và không triệt tiêu nhau, lại bổ sung cho nhau.
Do đó tôi tạm định nghĩa theo thuật ngữ tư duy: thủ pháp đa góc nhìn hay còn gọi là thủ pháp phản biện.
Với những gì đã phân tích ở trên, có thể kết lại: truyện ngắn đã cống hiến cho cả văn học và văn hóa bản địa Côn Đảo.
Sài Gòn mùa đông 2023
LTH