TIN TỨC

Ký ức đồng hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-22 06:02:23
mail facebook google pos stwis
1069 lượt xem

 CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

HOÀNG KIM HẬU

 

Chính trị viên trưởng đại đội: Hà Văn Lan
Quê quán:  Xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
  (Đại đội 7 tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 sư đoàn 10 quân đoàn 3 binh đoàn Tây Nguyên)

Tháng 5/1973 anh được bổ nhiệm về làm chính trị viên trưởng đại đội tôi: C7-D8-E66 thay anh Khải (Hà Nam) về trung đoàn nhận nhiệm mới.

Thoạt đầu tôi không có cảm tình với anh bởi vì bề ngoài nhìn tác phong của anh có phần lôi thôi luộm thuộm. Với cập mắt lác trên gương mặt khắc khổ, bộ quân phục vải Triều Tiên nhăn nhó quá rộng so với thân hình gầy gò của mình trông anh giống như quân vận tải hay lính công binh hơn là một chính trị viên đại đội.

Hồi đó hậu cứ chúng tôi rút từ Kà Leng về đóng quân dưới chân núi Cư Mom Ray, bên cạnh một con suối trong vắt có một vũng nước sâu rủ bóng dương sỉ mà chiều nào lính tráng cũng tồng ngồng nhảy ùm xuống tắm giặt. Ven suối là nhà anh nuôi gồm có: Trần Văn Hợp (Xuân Đài, Thanh Sơn, Phú Thọ) làm tiểu đội trưởng, Hoàng Văn Đường (Tam Đường, Lào Cai), Lý Sài Quẩy (Sa Pa, Lào Cai) và Nguyễn Văn Tình (Thanh Hóa).

Chếch phía trên bên trái là nhà của tổ văn phòng đại đội: Tạ Văn Sang - Quản lý (Đoan Hùng Hưng Hà, Thái Bình); Trần Xuân Thu - Văn thư (Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang); Nguyễn Văn Ninh (thành phố Hòa Bình) và tôi, hai y tá đại đội.

Cách 7 đến 8 mét phía sau tổ văn phòng là nhà đại đội bộ, đối diện là hội trường đại đội mái lợp bằng cỏ gianh. Các trung đội làm tản ra xung quanh cách nhau từ 15 đến 20 mét đề phòng máy bay địch oanh kích.

Về đến đại đội, anh Lan đi kiểm tra một vòng vị trí đóng quân của các B chiến đấu, đến trung đội hỏa lực khi ấy Nguyễn Văn Khoản (Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ) làm trung đội trưởng. Anh thân mật bắt tay hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh gia đình từng cán bộ chiến sỹ trong toàn đại đội. Tham quan bếp anh nuôi và tổ văn phòng, biết tôi ở Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) anh bảo: Tớ ở ngay bên kia Cổ Tiết, từ Lâm Thao qua bến phà Ghềnh chút xíu là đến. Đúng không!

Từ đấy anh có vẻ thân mật với tôi hơn. Ngoài những ngày bộ đội lên rẫy trồng ngô lúa tự túc một phần lương thực, đại đội tập trung huấn luyện các khoa mục chiến đấu nhất là chiến thuật hiệp đồng binh chủng. Anh Nông Văn Choóng (Cao Bằng) Đại đội trưởng và anh Nguyễn Văn Chung (Hòa Bình) Đại đội phó trực tiếp huấn luyện bộ đội. Nguyễn Văn Ninh y tá cùng bộ đội lên thao trường còn tôi ở nhà chăm sóc bệnh nhân sốt rét, ốm đau, giúp chính trị viên làm công tác tổng kết và trang trí hội trường. Có một lần, anh Lan bảo tôi: Tớ đã có vợ và hai con, đứa con gái lớn lên 3, thằng nhỏ mới sinh được mấy tháng tuổi thì mình lên đường vào Nam chiến đấu.

Hàng ngày phải có một trung đội trưởng làm công tác trực ban, báo cáo quân số, trang bị, vũ khí kỹ thuật về tiểu đoàn bộ. Hôm ấy đến lượt Khoản trực ban, anh Lan Bảo:

- Khoản ơi, thổi còi cho bộ đội xuống bếp lấy cơm đi!

Khoản bảo:

- Sáng cơm, chiều cơm có bằng mõ!

- Anh nói thế hả anh Khoản!

Khoản nhe hàm răng hàng năm nay không biết đến cái bàn chải là gì. LínhTây Nguyên nói đến đánh răng quả là xa xỉ phẩm:

- Hì hì! Túyt tuýt! Các B cho người xuống bếp lấy cơm đi!

Anh Lan quay lại bảo tôi:

- Thế đấy Hậu ạ. Thằng Khoản cứ bầy hầy như vậy đấy! Cùng đồng hương đồng khói với nhau, tao muốn kèm cặp để giới thiệu vào Đảng mà nó cứ thế!

Tháng 7/1973, Nguyễn Văn Thiệu trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris, chúng tung 4 trung đoàn 53-44-45 cùng các liên đoàn bảo an, biệt động có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ tối đa lấn chiếm vùng giải phóng Võ Định, Trí Đạo, Chư Dệt, Chư Thoi, Croong-Trung Nghĩa và Ngô Thanh - Tà Rộp phía tây nam thị xã Kon Tum.

Phía Ngô Thanh - Tà Rộp là hậu cứ của trung đoàn 95 chốt giữ từ năm 1972. Trung đoàn 66 chúng tôi được lệnh vượt sông Pô Cô cùng trung đoàn 95 giữ vùng giải phóng.

Đại đội tôi trước khi xuất kích có gần 60 người. Ban đầu đơn vị chủ động bám địch để đánh, hôm ấy đại đội trưởng Choóng dẫn trung đội 1 cùng trinh sát đi bám địch thì bị phục kích, 3 hy sinh 1 bị thương trong đó chiến sỹ Trung B40 vẫn còn sống địch ra chặt đầu mang đi đâu mất. Trận thứ hai có một đại đội địch hành quân từ nương lúa tiến vào vị trí của đại đội đóng quân. Đáng ra tổ chức tốt thì đã sơi gọn một đại đội địch. Thế nhưng, do lệnh chỉ huy của ông Nguyễn Huy Lợi (Hoàng Lộc, Hoàng Hóa, Thanh Hóa), phó chính trị viên tiểu đoàn lại bài bản như tiến đánh công sự vững chắc: Cối 82 bắn trước, bộ đội xung phong sau. Khi nghe tiếng nổ đầu nòng của khẩu cối, địch chạy tản ra xung quanh nương lúa nên chỉ đánh thiệt hại nặng đại đội này. Địch cay cú cho pháo bầy bắn suốt ngày đêm, máy bay oanh kích liên tục vào khu vực tác chiến. Chiều hôm ấy một quả bom rơi trúng hầm thùng của tiểu đoàn bộ, 6 người chui trong hầm chữ A hộc máu mồm, máu tai. Ông Lợi thoát chết.

Trận thứ 3 do B trưởng Nguyễn Bá Tẩm (Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình) dẫn trung đội 1 đi bám địch vào buổi chiều gần tối, gặp đại đội địch đang ăn cơm, hai bên đánh nhau dữ dội, địch chết gần chục tên, số còn lại bỏ ba lô, tăng võng chạy phá vào rừng. Phía chúng tôi anh Tẩm bị thương vào mông, Khoản vỡ đầu gối, hai người dìu nhau lạc đường gần nửa đêm mới về đến vị trí đóng quân. Số còn lại thì mạnh ai người nấy chạy bám theo trinh sát kẻo lạc đường. Về đến vị trí tập kết kiểm tra quân số thấy thiếu Tám và Hoạt. Đại đội chuẩn bị tổ chức cho trung đội 2 quay lại tìm thì pháo địch câu đến. Chúng căn ke tọa độ thế nào mà bắn pháo khoan, pháo phạt liên tục 30 phút vào đúng vị trí đóng quân của ta làm sập hầm anh nuôi. Tình hy sinh, Hợp bị thương cho về tuyến sau điều trị. Sáng hôm sau tôi cùng trung đội 2 đi tìm thương binh, đến nơi thấy Nguyễn Văn Tám (Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) viên đại liên xuyên qua trán, chết tại chỗ, Hoạt (Hà Tĩnh) bị thương vào bộ hạ giãy đạp một vạt lúa nương bê bết máu, không có người cấp cứu đến sáng thì chết. Trận thứ 4 do Tạ Ngọc Oanh (Hoài Đức, Hà Nội) Tham mưu phó trung đoàn dẫn chúng tôi lên giải vây cao điểm 518 do đại đội 19 đặc công trung đoàn chốt giữ. Đi dọc đường gặp một đại đội địch, anh Oanh gọi về trung đoàn xin thực hiện phương án 2: Đánh địch dã ngoại. Không kịp đào công sự, tôi cùng anh Lan, anh Oanh nằm sau bụi le to. Trinh sát về báo cáo khoảng cách giữa ta và địch, cối 82 dựng ngay trên bãi tráng bắn ứng dụng. Anh Oanh ra lệnh: Cho bắn 20 quả cấp tâp, chuyển làn chặn đầu địch cho bộ đội xung phong. Anh Lan đâu! Cho bộ đội lên đi! Trận này đại đội tôi không ai bị thương và được trung đoàn khen là: Diệt gọn một đại đội địch. Thế nhưng, khi lên tảo trừ trận địa chỉ thấy hơn chục xác chết, số địch chạy vào rừng bị cối 82 bắn chặn chết bao nhiêu thì không cụ thể. Chúng tôi thu máy thông tin 2W-PRC-25 nên chúng mất liên lạc hoàn toàn.

Sau trận đánh ấy đại đội liên tiếp nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, khi đi bám địch bị thương, lúc đi hành quân bị pháo, khi gùi đạn ra chốt, cáng thương binh về bị địch phục kích. Quân số cứ hao hụt dần. Đại đội trưởng Choóng bị thương đi viện, đại đội phó Chung cũng bị thương. Trung đoàn bổ nhiệm Nguyễn Văn Thấu (Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ, Thái Bình) lên làm đại phó. Đó là một anh chàng vừa bé lại vừa thấp với con mắt me rằng miệng rộng, hàm răng vàng xỉn, nếu cười lên chỉ thấy toàn răng là răng. Nghe đâu ông này kẹt sỷ lắm, cái thời 69-70 trung đoàn thiếu gạo thiếu muối nghiêm trọng, anh ta xin được ở đâu chút muối cứ bỏ túi áo ngực lấy từng hạt ăn mình. Thuốc rê thì cứ thì thụt từng điếu, chẳng cho ai cả ngoại trừ đồng hương đồng khói.

Trước khi xuất kích đại đội tôi có gần 60 cán bộ chiến sỹ, sau một tháng hành quân đánh nhau liên tục từ tướng đến quân còn lại không đủ 20 tay súng. Đại đội được lệnh chia nhỏ chốt chặn dọc đường ra cao điểm 518 không cho địch đánh vu hồi vào đội hình quân ta và sẵn sàng chi viện cho đại đội 19 đặc công giữ chốt.

Điểm cao 518 nằm cạnh con sông Pô Cô án ngữ các bến đò sang sông, bảo vệ con đường huyết mạch cáng thương binh về hậu cứ và vận chuyển súng đạn lương thực ra mặt trận.

Trên cao điểm suốt ngày không lúc nào vắng bom pháo của kẻ thù. Mặt đất đã trở thành tinh bột, không có gốc cây nào còn nguyên vẹn. Xung quanh cao điểm, cánh rừng bị bom phạt quang tinh hàng trăm mét như bãi phát nương, máy bay trinh sát L19 vè vè lượn lờ suốt ngày trên đầu. Rồi bom pháo lại dội trên đỉnh chốt.

Hôm ấy bom đánh trúng công sự của đại đội 19. nghe nói thương binh và liệt sỹ rất nhiều. Anh Lan nhận lệnh cho tổ văn phòng ra chốt lấy thương binh. Thấy chiến sự ác liệt như vậy Sang hoảng sợ đùn đẩy:

- Thôi! Bây giờ Hậu và Thu chuẩn bị cáng ra chốt lấy thương binh!

Thấy Sang thoái thác hèn nhát tôi bảo:

- Đêm qua thằng Thu đi gùi đạn ra chốt suốt đêm rồi, cho nó nghỉ! Tôi và anh đi!

- Nếu thế thì cả ba người!

Ra đến nơi chỉ thấy đất tơi xốp ra, hố bom, hố pháo loang lổ không nhận ra hầm hố nào cả, biết tìm ai mà hỏi thăm bây giờ. Nghe có tiếng động, một chiến sỹ lấm lem như từ âm phủ chui ra.

Tôi hỏi:

- Thương binh đâu?!

- Ở chỗ chiến hào bị sập ấy!

Anh ta nói gấp gáp rồi lại chui vào hầm. Chạy dọc theo chiến hào một đoạn, thấy một chiến sỹ nằm ngửa, mắt vẫn mở, đôi môi hở hé chiếc răng bịt vàng tôi nhận ra Nông Văn Hòa, người Cao Bằng, là anh nuôi đại đội. Một góc chiến hào bị bom đánh sập, phía dưới ổ bụng lầy nhầy một đống ruột gan lùng nhùng  đất và cát.

Leo lên mặt đất thì gặp một chiến sỹ đầu băng trắng xóa, áo quần tướp ra, hai bên đùi và bắp chân mảnh bom xé toác nham nhở máu đông khô cứng lại. Cứ tưởng anh ta chết rồi, bỗng người thương binh ấy ngóc đầu lên:

- Ai đấy? Cho em ngụm nước!

Chúng tôi vội vàng khiêng anh ta lên võng, vừa cáng ra khỏi chốt thì một đợt bom mới lại chùm lên cao điểm. Thật hú vía!

Không ngày nào là không có thương vong, người lính chúng tôi sẵn sàng đương đầu với hàng tấn bom đạn của kẻ thù, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vùng giải phóng. Sau một tháng, đại đội đặc công mất sức chiến đấu, hình như chỉ còn lại 6 chiến sỹ. Đêm hôm ấy C7 của tôi được lệnh ra giữ chốt thay cho đại đội 19.

Trinh sát dẫn đường, chúng tôi luồn rừng ra chốt. Sáng ra, anh Lan tổ chức cho bộ đội củng cố lại trận địa. Hầm hào ở đây nước dột tong tỏng, ngồi trong hầm mà vẫn phải quàng vải mưa. Mờ sáng đã súc miệng một trận pháo bầy, không ai việc gì. Khoảng 9 giờ, địch cho một tổ bộ binh đánh thẳng lên chốt, chúng tôi bắn hất chúng xuống chân đồi. 10 giờ, cối và pháo địch bắn chùm lên công sự, một quả cối 81 rơi trúng cửa hầm bên cạnh. Hai chiến sỹ mới hy sinh.

Buổi chiều, địch chia làm hai hướng đánh lên, chúng tôi đánh trả quyết liệt. Địch bắn phóng lựu vào gốc cây cụt, làm Trần Quốc Thăng (Phi trường Gia Lâm) - sau này về công tác tại Viện kiểm sát tối cao - Trung đội trưởng bị thương vào vành tai, vai và cổ. Chiến sỹ Nguyễn Danh Lắm (Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) bị 3 viên bi thấu phổi, máu phì bọt chảy đẫm lưng áo. Tôi xé tấm vải nilon, dùng băng chèn chặt lại chờ đến tối cho cáng về đội phẫu. Chưa qua một ngày chúng tôi đã mất 4 chiến sỹ.

Tối, trung đoàn lệnh cho anh Lan chia đại đội thành 4 tổ, mỗi tổ 3 người xuống đào hầm trong vạt rừng cộng sản sát với đội hình của địch.

Hai ngày sau không thấy địch lên. Chúng chỉ dùng pháo và cối tấn công. Ngày thứ 3, địch cho máy bay ném bom phá và bom Napan trùm lên cao điểm, lửa bám vào cành cây khô cháy rừng rực trên đỉnh chốt. Chúng tôi bình an vô sự cạnh nách địch.

Ngày thứ 4, địch dàn hàng ngang lên chiếm chốt. Chúng tập kết trong rừng cây lúp xúp cách hầm chúng tôi khoảng 10 mét gì đó, nghe chúng zô lên - zô đi, viên đạn cối loang xoang trong nòng rồi cùng phóng lựu nổ ình oàng trên cao điểm. Đại liên kéo hàng băng dài rít qua đầu. Tôi bảo anh Lan đừng có bắn mà lộ trận địa. Cứ dùng lựu đạn mà chọi. Tôi ra hiệu cho các hầm bên cạnh làm theo. Địch bắn thì chúng tôi tung lựu đạn, chúng nghỉ thì mình giải lao. Địch nghi ta có lực lượng áp sát, chập tối chúng hạ nòng đại liên quét sát sạt, tiện đứt những cây cối phía trước cửa hầm. Anh Lan cáu tiết bắn vào ổ đại liên ấy một quả B40. Tôi đang lom khom định thò đầu lên cửa hầm xem quả B40 nổ khoảng nào thì… ùng oắc. Một quầng lửa màu da cam chùm lên căn hầm, viên đạn chống tăng của địch bắn trả, hơi nổ hất tôi ngã nhào vào bên trong, đầu va vào kèo hầm tóe máu. Hai tai ù đặc, đang định thần xem mình bị vào đâu thì anh Lan kéo áo: Hậu! Tao bị thương!

Sờ lên đầu và xung quanh trán chỗ nào cũng nhầy nhụa máu. Trong hầm tối như mực không dám bật đèn soi. Tôi cứ quấn đại băng xung quanh đầu và trán cho anh.

Địch biết chúng tôi đã áp sát chân đồi, lặng lẽ rút quân.

Có tiếng người chạy phía sau, Nguyễn Xuân Lĩnh (Nghệ An) chiến sỹ thông tin tiểu đoàn nối đường dây liên lạc. Tiểu đoàn yêu cầu báo cáo lại trận đánh ban chiều, tôi bảo anh Lan bị thương nặng, tôi thay anh báo cáo tường tận trận đánh và đề nghị cho đơn vị khác ra thay chốt. Tiểu đoàn nhất trí.

Tang tảng sáng, tôi thay mặt anh Lan bàn giao điểm chốt cho đại đội 5 rồi dìu anh cùng 10 chiến sỹ đại đội 7  rút về vị trí tập kết.

Đúng 9 giờ sáng hôm sau, địch cho một tổ lên thăm dò. Đại đội 5 nổ súng đánh trả. Chúng rút quân ra xa, lập đài quan sát gọi pháo bắn đến. Có 4 hầm thì sập 3 chiếc, bộ đội thương vong bỏ cả cối 60 ly cùng điện đài tháo chạy. Mất chốt hoàn toàn!

Được tin mất chốt, Tham mưu trưởng trung đoàn Nguyễn Đình Kiệp (Nghi Thu, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau này được phong Anh hùng Lực lượng võ trang) dẫn một tiểu đội trinh sát lên đánh chiếm lại chốt. Sư đoàn đã khiển trách trung đoàn 66 chủ quan khinh địch, không được một mình chiếm chốt quá mạo hiểm như thế. Do ta không còn lực lượng tăng cường nên chúng tôi chuẩn bị phương án rút quân.

Địch đã vòng ra sau lưng, phục kích tiểu đội vận tải gùi súng đạn ra trận địa, thêm 6 người hy sinh. Không lấy được liệt sỹ nào ra cả. Tiểu đoàn bộ đứng trước nguy cơ bị chia cắt bao vây, đêm ấy chúng tôi được lệnh cắt rừng về tiểu đoàn bộ.

Đến tiểu đoàn, bộ phận quản lý, anh nuôi ở lại, không còn cán bộ thay thế, anh Lan đầu cuốn băng trắng cùng Thấu đại phó, tôi y tá và 7 chiến sỹ lên đồi tròn chốt chặn.

Điểm cao này có bình độ hình tròn (Tôi không nhớ tên cao điểm) nằm cách tiểu đoàn khoảng 15 phút đi bộ. Chiến sỹ thông tin tiểu đoàn giải vây đi sau bị địch phục kích bắn chết. Lên đến nơi anh Lan chỉ huy cho bộ đội cấu trúc trận địa, chiều không thấy anh nuôi đem cơm và thông tin nối dây. Nhiệm vụ của đại đội làm những gì, tình hình phía sau như thế nào mù tịt.

Ngày thứ 2. Nhịn. Bộ đội lấy gạo rang dự phòng ra ăn. May mà đang giữa mùa mưa, chúng tôi dùng tăng hứng nước mưa chống khát.

Ngày thứ 3 không tin tức gì, không thấy trinh sát hoặc truyền đạt vào liên lạc. Anh Lan gọi đại phó Thấu đến hội ý. Thấu không đến. Là đại đội phó phụ trách tác chiến, anh Lan bàn với Thấu đi bám địch, cắt rừng về tiểu đoàn xin mệnh lệnh. Thấu không nghe, ngồi im trong hầm. Anh bảo tôi cảnh giới và đi bám địch một mình. Về đến hầm anh bảo:

- Địch đào hầm rất gần mình, có lẽ ác là liệt lắm!

Anh mở bản đồ ra xem và bảo:

- Tiểu đoàn bộ nằm ở phía dưới con suối này. Có gì thì cứ bám theo suối mà về nhé!

Cả tôi và anh đã linh cảm thấy một sự mất mát rất lớn. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi năm ấy vừa tròn 20 tuổi, có 3 tuổi quân và đã tham gia nhiều trận đánh, qua nhiều chiến dịch. Còn lại anh em có người mới vào chiến trường được vài tháng, tuổi đời vừa mười bảy, mười tám quá non nớt đã phải nằm trong hoàn cảnh ác liệt như thế này. Tôi thấy thương họ quá.

Sáng thứ 4. Một toán địch nghênh ngang tiến vào điểm chốt, anh Lan vừa dưới hầm chui lên vội vàng nổ súng. Địch bỏ chạy vào rừng không chết thằng nào. Địa điểm đóng quân của chúng tôi bại lộ. Địch xiết chặt vòng vây, có khi chúng ăn cơm vứt vỏ hộp loong coong vào gốc cây rất ngạo mạn. Buổi chiều địch dùng cối 81 lắp ngòi khoan tấn công vào điểm chốt. Cối nổ thành vệt liền nhau từ vị trí lũ ngụy xuất hiện ban sáng đến hầm của tôi thì dừng lại. Một quả cối rơi trúng cửa hầm phía trước làm Trần Văn Toàn (Hoàng Liên Sơn) lính B40 chết tại chỗ, Nguyễn Văn Phòng (Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị thương vào đầu bỏ chạy về căn hầm phía sau. Hầm của đại đội bộ trở thành vị trí tiền tiêu trước hướng tấn công của địch.

Sáng hôm sau, anh Lan, tôi và Nguyễn Văn Bình (Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh) bò lên đưa Toàn về, khoét rộng thêm một hố pháo khoan, chôn Toàn theo tư thế nửa nằm nửa ngồi cạnh một gốc cây to giữa cao điểm. Gần 9 giờ sáng, địch tổ chức nhiều hướng tấn công, đạn phóng lựu nổ vung vãi, đại liên vàng chóe lia sát trên lưng chúng tôi, tiện đứt từng bụi cây, từng dây leo trước mặt.

Anh Lan nhổm người bò lên gốc cây lấy khẩu B40 của Toàn dựa ở đấy, chưa đến nơi đã thấy anh quay về mồm be bét máu:

- Hậu! Tao bị thương!

Viên đại liên bắn vỡ hai răng trước cửa, xuyên ra quai hàm bên phải máu tuôn ra từng dòng. Đứt động mạch cảnh. Tôi dùng cuộn gạc vê tròn như chiếc nút chai xoáy từ bên ngoài vào trong khoang miệng, lấy bông băng bịt chặt từ dưới cằm lên đỉnh đầu, tôi bảo:

- Anh phải về tiểu đoàn ngay, ở đây em không xử lý được đâu!

- Tao về còn chúng mày…!?

- Anh cứ về đi rồi em liệu!

Bộ đội hoảng sợ rúc hết dưới hầm, tôi bảo:

- Lên hết! Không ai ở dưới hầm cả! Không đánh cũng chết! Cố gắng cầm cự chờ anh Lan về xin lực lượng lên tăng cường!

Anh Lan đã tụt xuống lưng chừng dốc, nghĩ thế nào lại thấy anh quay lên vẫy vẫy ra hiệu cho bộ đội rút theo suối.

- Thôi rút! - Tôi ra lệnh.

 Thấu và một vài người nhảy xuống hầm khoác theo ba lô, tôi nổi cáu:

- Chắc đ…gì còn sống mà ba lô ba đồ! Cầm súng và đạn đi!

Tôi dẫn đầu đội hình, Thấu lò dò phía sau sẵn sàng khi gặp địch là bỏ chạy. Mất chốt từ 10 giờ, chúng tôi vòng vo vừa luồn rừng vừa tránh địch cho đến 3 giờ chiều mới về đến tiểu đoàn bộ.

- Anh Lan về chưa!?

- Về rồi! Đang cấp cứu trên hầm phẫu tiểu đoàn! Anh ấy bị nặng lắm, không nói được, chỉ viết lên bàn tay: C7 chết hết rồi! Các anh là đồ cõng con bỏ chợ!... Xong rồi ngất đi!

Cả đại đội còn lại 10 người lên chốt, sau 5 ngày bị bao vây có mỗi chính trị viên máu me đầy mặt thoát chết chạy về làm cả tiểu đoàn choáng váng. Thế là hết! Cả ông Hậu nữa, không còn ai!

Tôi chạy lên hầm quân y. Anh Lan mặt căng như quả bóng, Vết thương khâu chặt bên ngoài làm máu không ra được chèn vào phế quản và cơ mặt căng cứng nóng rừng rực, hơi thở vô cùng khó khăn. Tôi gọi anh chỉ thấy ngón chân động đậy. Chắc anh đã nhận ra chúng tôi thoát chết trở về. Chiều tối, quân y sỹ Nguyễn Kiến Đào (Sau này là bác sỹ Viện trưởng bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái) cho bộc lộ khí quản. Máu tích tụ như con đập vỡ ra, chảy tràn vào phổi. Anh hy sinh vào tối ngày 17/8/1973, thi hài được mai táng trong cánh rừng sau tiểu đoàn bộ phía tây nam thị xã Kon Tum. Ở đấy tiểu đoàn đã cho đào sẵn 10 phần mộ để dành cho chúng tôi nhưng may mắn không dùng thêm cho ai cả.

Anh Dương Đình Sơn (P. Trường Thi, TP. Thanh Hóa) tiểu đoàn trưởng cho gọi tôi đến hầm, anh ôm lấy tôi và bảo:

- Các em chạy về đến nhà là quý lắm rồi! Tiểu đoàn lệnh cho trinh sát mấy lần cắt rừng vào chốt liên lạc nhưng địch vây chặt quá không vào được! Thôi, mất ba lô đồ đoàn không quan trọng, còn người là còn tất cả, cho anh em nghỉ ngơi rồi chờ lệnh tiểu đoàn!

Quá nửa đêm cả tiểu đoàn được lệnh rút ra bờ sông, các đơn vị trong trung đoàn vừa đánh vừa rút. Nguyễn văn Thấu nhận án kỷ luật hạ cấp từ đại đội xuống hàng trung đội, chuyển về K thu dung chờ xét xử sau.

                                                          

*

                                                        

Năm 1977, tôi chuyển ra Bắc. Việc đầu tiên là phải tìm đến gia đình liệt sỹ Hà Văn Lan. Thời gian cùng tác chiến với anh quá ngắn tính ra chỉ được hơn 3 tháng, tôi cứ đinh ninh anh mang họ Nguyễn Văn Lan thuộc xã Cổ Tiết, huyện Tam Thanh (Hồi đó Tam Nông sát nhập với Thanh Thủy gọi huyện Tam Thanh) nhờ người tìm kiếm, tra cứu mà không thấy tên liệt sỹ. Sau giải phóng miền Nam, đất nước lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, kẻ địch cấm vận phá hoại làm cho đời sống xã hội nước ta vô cùng khó khăn. Tôi 3 năm theo học trung cấp kinh tế, lấy vợ nuôi con, một mình bươn chải nên gia đình cũng đầy gian nan vất vả. Hình ảnh người chính trị viên thân thiết dũng cảm lúc nào cũng thôi thúc tôi phải tìm đến vợ con anh để báo tin và thắp cho anh nén hương tưởng niệm.

Sau gần 20 năm. Một cú điện thoại của anh Đinh Ngọc Thử, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Sơn thông báo:

- Tôi đọc tác phẩm thấy ông viết sai rồi! Liệt sỹ Nguyễn Văn Lan là họ Hà chứ không phải họ Nguyễn. Anh ấy cùng nhập ngũ một ngày với tôi, gia đình hiện nay ở xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông chứ không phải xã Cổ Tiết.

Ồ! Tớ ở ngay Cổ Tiết!! Câu nói của anh thật không cụ thể. Nếu xã Tứ Mỹ thì từ nhà tôi đi qua xã Cổ Tiết khoảng năm sáu cây số gì đó là đến.

Nhận được thông tin, ngay hôm ấy, tôi cùng vợ và hai con sang Tứ Mỹ tìm gia đình liệt sỹ. Đến ngã tư đầu làng có một quán bán tạp hóa, đàng nào cũng phải mua quà cho mẹ và đồ viếng liệt sỹ, tôi bảo gia đình đứng chờ để hỏi thăm và tìm đường trước.

Linh tính như có người mách bảo, đường thẳng không đi mà lại rẽ trái vào con ngõ bé nhất, lội qua một lạch nông có những cây khoai nước mọc hoang như vùng Tây Nguyên vậy. Theo một con dốc thoai thoải là một xóm nhỏ nghèo heo hắt. Các nhà bên đường đều đóng cửa, không thấy có ai để hỏi thăm. Đi thêm đoạn nữa thì gặp một người đàn ông đã luống tuổi đang quét sân. Nghe tôi hỏi đường đến gia đình liệt sỹ, ông hồ hởi:

- Thế thì anh hỏi thăm đến nơi rồi đấy. Nhà liệt sỹ ở liền kề hàng rào bên này. Nhưng hôm nay gia đình đi vắng hết, nhà đang có đám tang đứa cháu bị điện giật. Anh vào uống nước để tôi cho cháu đi gọi chị ấy về!

Tôi xin phép quay ra đón gia đình vào rồi cùng ông sang nhà liệt sỹ. Một ngôi nhà lợp ngói dọ deo cũ kỹ, trên ban thờ, có bức ảnh đen trắng của Liệt sỹ vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Vẫn gương mặt khắc khổ rất gần mà lại rất xa, vẫn con mắt lác ấy nhìn tôi vừa vui lại vừa như oán giận: Tại sao hôm nay mày mới đến…!

Tôi chủ động đặt lễ vật lên ban thờ thì một người đàn bà với gương mặt buồn bã, đầu vẫn cuốn khăn trắng tấp tả chạy về. Chị luống cuống vì không hiểu khách ở đâu đến. Tôi chủ động:

- Em từ Lâm Thao sang, trước kia ở cùng đơn vị với anh Lan. Bây giờ mới biết được địa chỉ cụ thể, hôm nay đưa vợ con đến thăm sức khỏe của bà, chị cùng các cháu và xin được thắp cho anh nén hương.

Chị cho biết gia đình đang bận công việc, bà vẫn khỏe nhưng đang ở bên nhà đám không thể về được. Sau một hồi hỏi thăm gia đình rồi chị bảo:

- Chú Thử cùng nhập ngũ với nhà tôi, bây giờ chú lại ở cùng anh ấy trong chiến trường về thăm, gia đình không biết nói gì hơn nữa. Ý tôi thế này: Tháng sau là đến ngày giỗ của anh Lan, tôi mời chú cùng đồng đội về đây gặp mặt, động viên gia đình. Chú Hậu nhá!

Ngày giỗ của anh, tôi thông báo cho Nguyễn Văn Khoản, bây giờ là bác sỹ bệnh viện Việt Trì cùng về. Đinh Ngọc Thử cùng hai đồng đội từ Thanh Sơn ra, một cuộc hội ngộ thật bất ngờ giữa gia đình và đồng đội của liệt sỹ. Người anh trai Hà Liên Minh hỏi thăm tỷ mỷ trường hợp hy sinh của liệt sỹ, tại sao bấy nhiêu năm đến nay tôi mới tìm đến gia đình. Anh đã trực tiếp vào Pleiku đưa hài cốt người em về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Ban chính sách sư đoàn 10 cho biết: Anh Lan hy sinh gần thị xã Kon Tum, năm 1975-1976 đơn vị tổ chức một đợt quy tập hài cốt liệt sỹ tập trung về nghĩa trang quân đoàn tại Pleiku - Gia Lai.

Sau này tôi mới biết, đứa con trai mà anh đặt bao niềm tin và hy vọng được 6 tháng tuổi đã chết do không kịp cấp cứu vì bệnh lồng ruột. Con gái cả lấy chồng Thanh Sơn có hai đứa con thì vợ chồng ly tán, cơm không lành, canh chẳng ngọt. Thằng con trai hiện nay đang theo học trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm là con riêng, chị xin họ hàng nội tộc sinh thêm một đứa và ở lại nuôi mẹ liệt sỹ cho đến bây giờ.

Phía sau liệt sỹ là một sự đổ vỡ không phải một mà là nhiều thế hệ. Những ai đã từng sống trong cuộc chiến mới thấy hết sự tàn khốc của chiến tranh. Bao nhiêu máu xương đổ xuống mới giành lấy tự do độc lập. Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều kẻ cậy chức cậy quyền nhẫn tâm chà đạp lên thanh danh những người anh hùng liệt sỹ như thế.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm