- Truyện
- Lời ru mùa đợi | Truyện ngắn của Giàu Dương
Lời ru mùa đợi | Truyện ngắn của Giàu Dương
Có những chiều ngồi nơi bậu cửa, nghe đời chầm chậm bước qua. Buồn, nhưng đáng sống.
Mùa nắng hanh năm hạn mặn lịch sử tràn đến miệt này, chị đẻ Hoài Thương. Cho tới khi con bé đã hơn 5 tuổi, mỗi trưa hè chỗ cánh võng dưới tán tre xanh rờn vẫn nghe văng vẳng lời ru:
Ầu ơ... ơ... gió đưa cây cải về trời... ơ...
Rau răm ở lại... chứ rau răm ở lại... ơ... chịu đời đắng cay...
Chữ “cay” chị hát lúc nào nghe cũng như nghẹn lại, ứ hự trong cổ họng. Còn miệng Hoài Thương thì luôn phập phồng bong bóng nước miếng, ngủ những giấc no tròn. Chẳng biết trong những cơn say ngủ đó, nó có mơ thấy ba ôm nó vào lòng, rồi hôn má nó, rồi vuốt ve cái sống mũi cao giống hệt ba nó không.
Nhiều hôm chị đón Thương về từ trường mầm non ở cặp mé kênh, nó hỏi tỉnh trân: “Hồi đó má uống nước mưa từ cái gáo dừa rồi đẻ ra con giống như sự tích Sọ Dừa cô giáo hay kể, phải hông má?”. Chị rưng rưng, nói đâu phải vậy, Hoài Thương có một người ba bằng xương bằng thịt đàng hoàng chớ. Một bữa nào đó được nhiều hoa điểm 10, ba sẽ về, ghé qua trường đón nó.
Chị sợ nhỏ Thương sẽ xếp chị vô danh sách những người xấu tính vì hay nói dối. Nhưng chị sợ nó tủi thân nhiều hơn. Nên dù biết đang tự huyễn hoặc chính mình, chị vẫn gieo vào lòng con nhiều hy vọng. Những lần con sốt mê man, thảng thốt kêu “Ba ơi đừng đi nữa!”. Chị ứa nước mắt, thấy chỗ tim mình nhói ran. Những lần ngồi nghe mưa rít trên mái nhà chưa kịp lợp lại tấm tôn thủng, chị ôm con, dặn: “Phải ráng chờ nghen, mưa thấm ướt đất miệt này là ba con về chớ gì”. Những lần chống sào ra thị xã giao hàng gia công, gửi nhỏ Thương ở nhà hàng xóm, chị không quên nói vói lại: “Chừng ba con về, nói má mới làm xong khạp dưa mắm để dưới chỗ cà ràng, bắt nồi cơm nóng là ăn được, nghen!”.
Dân xóm này người ta thường kháo nhau là sắp có thêm cái hòn vọng phu nữa được ghi vô danh sách, ở Đồng Tháp đây chứ đâu, mẹ nhỏ Hoài Thương chắc được nàng Tô Thị hóa kiếp mà thành. Chị cũng đã nghe đến chán cái câu: “Thôi chờ ảnh làm chi nữa, chị Hai ơi! Anh chồng chị bây giờ sống yên ấm với cô bán thịt heo miệt Bình Phước - người phụ nữ có nước da ngăm nhưng miệng cười thì có duyên dữ lắm”. Chị cúi đầu: “Thấy ảnh có khỏe hông?” - bằng cái giọng ngang phè vui buồn không rõ.
Chẳng biết anh chồng mạnh yếu thế nào, xóm chị ở thì đau ốm liên miên. Khi mắc dịch sâu rầy, lúc thì thiên tai, ngập mặn... Xóm chị ở, cái nghèo luôn chực sẵn, nhân lúc vụ mùa thất bát, nó nhào tới, ra sức cắn nát gia đình chị. Biết trách ai bây giờ, chân người thì mềm quá mà ruộng đồng thì cứng dần lên theo mấy đợt hạn hán, giờ lạnh tanh như đá. Anh bỏ quê lên Bình Dương xin làm công nhân xưởng gỗ, hứa gom đủ tiền trả nợ sẽ quay về.
Từ đó trở đi, tin về anh chồng chị chỉ được nghe qua lời người quen kẻ lạ, rồi dần như bóng chim tăm cá, mịt mù. Ai hỏi chị sự tình đã được bao lâu, chị bảo cứ đếm tuổi Hoài Thương là biết.
Vậy mà chị vẫn cun cút tin yêu, cun cút chăm nom cho mấy cái lồng nuôi lũ cu cườm hay gáy te te mà hồi chị có bầu Hoài Thương, anh nói cho con bé nghe đỡ buồn. Chị cũng chưa bao giờ quên vun xới cho đám rau ngò gai xanh tốt - thứ rau mà anh ăn với món nào cũng khen đúng điệu: nêm canh chua, ăn sống với dưa mắm, với cá lóc nướng trui... Mùa gió chướng nào chị cũng tranh thủ may thêm mấy cái áo dài tay, để dành cho những bận dong xuồng theo bạn hàng bông buôn bán kiếm chút tiền lời mùa Tết, anh cần dùng tới.
Rồi trong những bữa cơm ở chái sau, chị luôn kể cho Hoài Thương nghe về ba nó. Lời của chị được tưới tắm bằng tất cả bao dung, có gắng bới móc cũng chẳng tìm ra chỗ nào dành cho oán hận. Hoài Thương thuộc lòng ba nó từng thích ăn gì, mặc gì và hay vuốt ve bụng mẹ nó ra sao khi vừa hay tin cấn bầu nó. Con nhỏ còn có thể hình dung ra rất rõ nét mặt háo hức và sung sướng của ba nó khi ngày nó chào đời chỉ còn cách hơn một tháng (và tất nhiên là qua lời má kể).
Lớn lên bằng tất cả tình thương của má, nhỏ Hoài Thương nay đã 16 tuổi. Nó học giỏi lắm. Năm vừa rồi con nhỏ thi đỗ vào trường chuyên, ra thị xã học rồi thuê trọ ở lại gần trường cho tiện. Vừa học, con bé vừa làm thêm nhiều việc để trang trải phụ má. Vậy mà chưa bao giờ nghe được một lời kêu than nào từ nó. Dường như cái máu chịu thương chịu khó của má đã ngấm vào từng thớ thịt búi cơ, và dường như tình yêu mà má dành cho đã vá lành những vết thương tang hoác trong lòng con nhỏ.
Thoắt đó mà đã 16 năm, Hoài Thương vẫn chưa một lần được gặp mặt ba. Có chăng là ở trong những giấc chiêm bao xa nhà, nó thường thấy ba hôn trán nó, khen “Con gái giỏi quá” khi nghe nó nói về ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, mang kiến thức về giúp đỡ bà con.
Cũng đã 16 năm, mấy mùa gió không tày nào thổi khô những đợi mong của chị.
Nơi gian nhà yên ắng chỉ còn mỗi chị vào ra, những lời ru thỉnh thoảng vẫn dìu dặt giữa trưa hè. Chẳng còn đứa trẻ thòi lòi mũi xanh nào để ầu ơ nữa, nhưng chị vẫn hay hát, cho đỡ buồn. Chỉ có điều giọng chị đã khàn đi đôi chút, run run đôi chút vì bao cuộc cướp bóc của thời gian. Mà cướp gì thì cướp, giằng sao được từ tay chị những thương yêu?
Ầu ơ... ơ... gió đưa cây cải về trời... ớ... ơ...
Rau răm ở lại... ơ... chịu đời đắng cay... ầu ơ...
G.D