TIN TỨC
  • Truyện
  • Mắt sông - Truyện ngắn của Phương Huyền

Mắt sông - Truyện ngắn của Phương Huyền

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-07-24 08:26:21
mail facebook google pos stwis
909 lượt xem

PHƯƠNG HUYỀN

Con đi lên bờ với má đi. Ba Thành nói rất nhẹ mà sao ngực trái như có ngàn tảng đá đè lên. Từ lúc sinh Trí ra đến giờ, mười sáu năm qua, chưa bao giờ ba nặng lời với Trí. Dù có bất kỳ chuyện gì, ba cũng luôn nhỏ nhẹ, cặn kẽ từng lời. Lúc này đây cũng vậy, dù trái tim ba muốn vỡ nát ra cả trăm mảnh.


Nhà văn Phương Huyền

Trí chui khỏi lồng ghe, bước lên bờ. Chiếc võng ba đang đong đưa tự nhiên nhẹ bẫng. Gần như ba Thành không biết mình vừa rơi khỏi võng, cách nền ghe mấy chục phân. Ba nằm như thế, bất động, không biết trong bao lâu. Nước mắt từ đâu ứa ra. Ba không khóc mà sao nước mắt cứ thi nhau chảy. Nước mắt của người đàn ông gần bước qua tuổi lục tuần khô khốc, mặn đắng.

Trăng mười bốn chênh chếch chiếu qua vòm ghe, rọi vào tận mặt ba Thành. Tự nhiên, toàn thân ba run rẩy. Sao lại là ánh trăng lúc này? Sao ánh trăng lại tìm đến lúc này? Sao ánh trăng lại soi rõ gương mặt khắc khổ của người đàn ông vừa thức qua những đêm trắng trong câm lặng? Ba Thành hoảng hốt như sợ ai đó bắt quả tang. Ba chui xuống khoang ghe, ôm mặt khóc rưng rức. Ba cố kìm mọi cách để tiếng nấc không bật ra khỏi họng. Nhưng không. Ba lại vùng lên, quơ tay với mái chèo khua tới tấp. Nước mắt vẫn rơi. Tay chèo vẫn miệt mài. Đến quãng giữa sông, ba Thành buông tay chèo rồi nhảy xuống. Ba chỉ muốn hét thật to nhưng tiếng hét ứ nghẹn trong cổ họng. Ba buông hai tay, mặc dòng nước lạnh buốt nhấn chìm.

Ngày má có bầu Trí, ba tưởng mình nằm mộng. Ba mua tới bảy cái que thử thai bắt má thử tới thử lui. Rồi ba nghỉ hẳn hai ngày đi ghe đưa má đi bệnh viện khám thai. Đến khi má ngửi mùi cá, mùi đồ ăn ói lên ói xuống ba mới lặng lẽ chui xuống khoang lau nước mắt. Rồi Trí ra đời, ba đặt tên là Minh Trí. Ba mong đứa con trai của ba thông minh, sáng láng, có trí khôn mà học hành cho đàng hoàng. Rồi lấy vợ, sinh con cho ba má có một cục mà ẵm bồng. Cả đời ba chỉ mong có bấy nhiêu. Bởi sinh Trí khó khăn quá mà. Bởi có được Trí vất vả quá mà. Ở cái tuổi ngoài tứ tuần, không thể tin má đã sinh ra Trí ngon lành như vậy. Thằng con trai ba trông chờ có nước da trắng, đôi môi hồng nhìn cưng như con gái. Vậy là bao nhiêu tiền dành dụm ba gom hết, mua căn nhà nhỏ gần chợ cho hai má con trông nom nhau. Ba vẫn đi ghe. Nghề này cả đời ông bà nội ngoại đã lặn lội để nuôi ba lớn, để ba với má gặp nhau, ba không thể dứt áo. Nhưng ba không muốn Trí lênh đênh theo ba ngược xuôi mọi nẻo không thấy bến bờ. Ba sẽ cho Trí một cuộc sống ổn định, được học hành tới nơi tới chốn.

Ba đi ghe. Mỗi tháng ba về một lần. Lần nào ba Thành về nhà cũng rộn vang tiếng cười. Chiều chiều tới ngày ba Thành về Trí chỉ muốn tan học thật nhanh để ra bến đón ba. Có hôm má chạy theo Trí không kịp vì má phải lo dọn hàng, lo đóng cửa, chốt khóa. Trí thương ba Thành. Ba đi ghe ròng rã trên sông phơi nắng, hong gió, mặt ba đen sạm, người ba nhỏ thó. Vậy mà ba có sức mạnh kỳ lạ lắm. Lần nào ghe vừa cập bến ba cũng nhảy phóc lên bờ, thật nhanh ôm lấy Trí rồi công kênh lên vai. Ba chạy dọc triền sông. Ba hòa vào dòng nước. Ba và Trí vùng vẫy trong tiếng cười vang cả bến sông.

Chưa bao giờ, suốt mười sáu năm qua, chuyến cập bến của ba lại dài đến thế. Đã ba ngày qua ba chưa đặt chân lên bến. Ba cho ghe neo tận ngoài xa. Ba ngày, ba gần như không nuốt nổi thứ gì vào bụng. Má vẫn chưa biết ghe ba đã cập bến. Ba Thành có nhắn Trí nói với má rằng đợt này do gió mùa thay đổi, có luồng cá lạ nên ba ở lại chưa vào bến được. Ba ngày, ba neo ghe chênh vênh trong chập choạng ánh trăng. Ba đốt thuốc liên tục. Những điếu thuốc lặng lẽ cháy trên môi, trên tay ba. Những điếu thuốc thiêu đốt cả tâm can ba. Ông trời ơi! Đã có lúc ba chỉ muốn kêu lên thật to. Ông trời ơi tại sao lại đối xử với con như vậy? Nhưng, ông trời nào thấu được lòng ba lúc này? Ba nhắn cho Trí ra bến gặp mà đừng cho má biết.

Đó là đêm trăng mười bốn. Ba nằm trên chiếc võng mắc trong ghe. Tiếng đu đưa nhè nhẹ mà ba nghe như tiếng bánh xe lu đang nghiền nát những lớp đá rải trên con đường trước nhà Trí. Xóm chợ thay đổi nhiều. Nhà cửa mọc san sát nhau. Nhà nước cũng đầu tư trải đá lót đường. Cả mấy tháng nay ngày nào tiếng xe tải, xe lu, xe xúc cũng làm việc suốt ngày đêm. Mấy lần trước về ba không quen với những tiếng ồn nào đó nên cứ đêm đêm lại ra ghe giăng võng đập muỗi. Đêm nay, đêm thứ tư sau ba đêm thức trắng, tiếng lòng ba đang nghiến nát cả những uất nghẹn.

- Con nói đi. Con bị làm sao con nói cho ba nghe đi Trí.

- Dạ con đâu có bị làm sao đâu ba.

- Vậy chớ con nói vậy là sao? Tin nhắn gửi cho ba là sao?

- Dạ là bạn con nhắn cho ba.

- Vậy là bạn con chọc ba đúng không Trí? Ba biết mà. Đó không phải là con. Ba nuôi con mười mấy năm ba biết mà. Con không có kiểu nói chuyện vòng vo như vậy. Mà bao nhiêu năm qua, con đâu có điều gì giấu ba má. Ba má lo cho con đầy đủ mọi thứ. Con cần gì ba má đều cho con. Con đâu có thiếu thốn gì đúng không Trí?

- Dạ đúng ba. Con đâu có thiếu thốn gì.

- Hay là con lỡ làm gì sai với bạn? Hay con thiếu nợ bạn? Con nói ba nghe đi Trí.

- Ba. Con không có mà.

- Hay ba nghỉ đi ghe đưa con lên thành phố khám bệnh. Trên thành phố người ta giỏi lắm con. Máy móc hiện đại. Có gì là người ta tìm ra hết à. Mai nha, mai ba nói với má đưa con lên thành phố...

Ba Thành cứ nói, át cả tiếng sóng, tiếng gió, tiếng ếch nhái kêu ven sông. Lòng ba ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi nhưng lại không muốn hỏi đứa con trai đang ngồi trước mặt mình. Ba Thành sợ. Nếu câu trả lời là thật, ba phải làm sao? Không thể được. Không thể như vậy được. Đây là đứa con trai mà ba mong đợi, ba hy vọng, ba đặt trọn niềm tin. Nó đang tuổi lớn. Nó đang tuổi mà người ta kêu là dở dở ương ương. Ba hay nghe radio nửa đêm. Ba nghe người ta nói tuổi này khó bảo lắm. Phải đưa nó đi bác sĩ tâm lý mới được. Ba sẽ đưa Trí lên thành phố. Ba sẽ đăng ký để bác sĩ giỏi nhất khám cho Trí. Rồi Trí sẽ bình thường. Trí sẽ trở lại là đứa trẻ ngày xưa mỗi chiều về ba công kênh trên vai chạy dọc bến sông.

Trăng ơi. Ba nhìn lên trời. Trăng sáng soi rõ lòng ba. Trăng sáng tỏ rõ trái tim ba.

Ba Thành cứ thế, miên man chất vấn chính mình, giãi bày chính mình, lại tự ve vuốt chính mình.

- Con không sao hết ba à. Con không có bệnh gì hết. Ba bắt con đi thì con sẽ đi. Nhưng con không sao hết ba à.

Tiếng của Trí như rơi tõm xuống lòng sông. Tiếng của Trí như xoáy nước hun hút cuộn về phía biển. Giọng ba nghẹn đắng:

- Con nói sao Trí?

- Con không có bệnh gì hết. Chỉ là con không thích con gái mà thôi.

- Con nói sao? Con không thích con gái? Chắc chắn là con bị bệnh rồi. Con còn nhỏ, con mới mười lăm tuổi. Con vẫn thích chơi với các bạn trai là đúng rồi. Con à…

- Không phải vậy đâu ba.

- Con lên bờ với má đi!

Tại sao? Ba Thành thả lỏng toàn thân để làn nước lạnh buốt nhấn chìm tấm thân gầy nhưng không thể. Được một lát ba lại nổi lên. Tiếng gầm gừ trong dòng nước. Tiếng quẫy đạp giữa đêm đông. Không! Ba Thành không cam tâm. Ông mệt nhoài bơi về phía ghe. Cố hết sức ông leo lên rồi nằm vật ở mui ghe.

Phải làm sao đây? Thằng con trai ba đặt cả hy vọng. Nó không thích con gái. Nó không thể lấy vợ sinh con. Không. Nó bảo nếu ba má muốn thì sau này con sẽ lấy vợ cho ba má vui lòng. Nhưng chắc chắn con sẽ không hạnh phúc. Nó không hạnh phúc ư? Vậy cuộc đời ba Thành còn ý nghĩa gì? Nhưng tại sao lại là nó?

Ngày nó vào lớp mười, ba đã mua cho nó cái điện thoại xịn nhất để ba má liên lạc khi nó đi học ở thị trấn. Ba biết Trí ngoan nên không bao giờ kiểm soát gắt gao những mối quan hệ của con. Trí luôn là học sinh giỏi, luôn đứng top ba trong lớp. Ba Thành yên tâm dồn tất cả yêu thương cho đứa con trai độc nhất của mình. Rồi cách đây năm ngày, ba Thành gọi để báo ghe ba đang về thì nghe đầu bên kia không phải giọng Trí mà là tiếng của một đứa con trai khác. Rồi sau đó, tin nhắn gửi vào máy ba Thành nói rằng Trí thích con trai. Ban đầu khi đọc tin nhắn đó ba Thành chỉ nghĩ đứa nhỏ nào đùa, nhắn nhầm. Nhưng rồi nhìn lại đó là số điện thoại của Trí. Đọc lại thì không phải giọng điệu của Trí. Linh tính người cha mách bảo, ba Thành như không kìm giữ nổi nhịp đập con tim mình. Ba Thành bấm điện thoại gọi cho Trí nhưng chuông reo nhiều lần mà Trí không nghe máy. Cho đến khi ghe cập bến, ba Thành nhận được tin nhắn của Trí: “Là con đây ba. Con đã suy nghĩ rất nhiều mới dám nói cho ba biết. Tin nhắn ba nhận được hôm qua là sự thật. Con xin lỗi ba!”.

Bước lên bờ, ba Thành lầm lũi đi về phía xóm chợ. Không, hình như ba vừa đi vừa chạy. Bước chân không thể chậm lại được. Mọi người hôm nay sao lạ quá. Ông Tư xe ôm, ông Bảy bánh khọt, bà Năm vé số… sao ai cũng nhìn mình lạ lùng vậy? Sao mọi người không cười, không giỡn? Sao ông Chín thọt không kêu ghé vô làm một ly đế cho thơm miệng? Cái xóm chợ sao bữa nay ngộ thiệt. Có phải thằng Trí mới đi học ngang đây không? Có phải thằng Trí mới đèo bạn nó đi ngang đây không? Hay có ai đi lên thị xã rồi gặp thằng Trí ở trển?

Ba Thành cứ vừa đi vừa chạy với hàng ngàn câu hỏi. Mà đâu có phải vậy. Xóm chợ hôm nay vẫn bình thường. Hồi nãy thằng Trí có chạy ngang thiệt, nhưng có chuyện gì đâu. Nó còn ghé ông Bảy mua hộp bánh khọt mang theo ăn trưa mà. Ông Chín hỏi nó sao ba mày đợt này đi lâu quá trời hà, không thấy ghé tao gì hết trơn. Nó cười kêu mai mốt ba con về qua kiếm bác ngay đó mà. Bác Chín nhớ để dành rượu cho ba con.

Trí vẫn vậy mà. Nó vẫn đến trường, vẫn cười đùa cùng chúng bạn. Xóm chợ vẫn thương nó, cưng nó, đứa con trời con phật của vợ chồng ba Thành. Vậy mà ngộ thiệt. Là ba Thành ngộ đó. Ông kiếm cớ ở trên ghe miết có về xóm chợ đâu. Mà lần nào về cũng thui thủi đi trong đêm để khỏi ai nhìn thấy. Lỡ mà bà Sáu nhảy ra bả hỏi thằng Trí hổm rày sao, thì biết nói làm sao? Tâm can ba Thành rối bời. Cái xóm chợ bé tẹo bằng bàn tay. Chỉ cần một người biết thằng Trí không thích con gái... Vậy là tuyệt tông tuyệt tự. Vậy là hết đường lấy vợ sinh con. Vậy là nòi giống cạn nọc. Cái xóm chợ này, rồi còn ai nhìn mặt vợ chồng ông.

- Nó có làm gì ông đâu? Nó có làm gì ai đâu?

Má Trí đã ngồi bên ông từ lúc nào mà ông không biết. Điếu thuốc trên tay ông đã cháy gần hết. Đêm ba mươi, trời tối thui. Ánh đèn le lói ngoài bến sông cứ chập chờn như bóng ma trơi thật đáng sợ. Dân xóm chợ rất sợ đêm ba mươi. Họ cho rằng đây là đêm của những oan hồn bến sông nên không ai ra ngoài sau chín giờ tối. Ba Thành đã mượn những đêm đen như thế để trở về nhà. Nhưng ông chỉ neo thuyền ở bến sông. Ông ngồi lặng ở mui ghe. Cả gói thuốc chỉ còn lại một điếu trên tay đang cháy dở.

- Học kỳ một năm nay, nó vừa đủ điểm lãnh học bổng.

Tiếng má Trí lại thủ thỉ.

- Con mình, nó vẫn ngoan. Ông có nhìn thấy không, nó đẹp như thiên thần. Cả xóm chợ này, ai cũng khen nhà mình có phúc.

- Có phúc ư?

Ba Thành gằn giọng. Chưa bao giờ ông nặng lời như thế, cả với má Trí. Lúc bà sinh Trí, ông muốn nói lời cảm ơn người phụ nữ của cuộc đời mình biết bao. Thế nhưng, người đàn ông chân chất miền sông nước không biết nói những lời hoa mỹ. Ông chỉ lẳng lặng lo mọi thứ cho hai má con. Ông giữ lời hứa với chính mình, ăn đủ ba tháng chay dù có những ngày nuốt không nổi chén cơm. Dân sông nước, quen mặn mòi tôm cá. Vậy mà lời hứa sinh con trai ăn lạt ông đã bằng mọi cách thực hiện. Là ông muốn trả ơn trời đất, trả ơn đời, trả ơn người phụ nữ đã sinh ra đứa con như thiên thần. Ông chỉ biết yêu thương bằng hết thảy trái tim mình. Vậy mà…

- Tuyệt tự rồi bà biết không?

- Nếu như ngày đó, tui không sinh ra nó thì sao?

Giọng má Trí vẫn rất bình thản. Ba Thành khựng lại. Nếu ngày đó Trí không ra đời thì sao? Ông và bà vẫn sống như thế, lênh đênh trên sông, sống đời trăng nước mênh mông. Nhưng bà đã sinh ra Trí, đã đậu ở mảnh đất này để nuôi con lớn khôn. Mà sao, bà có thể bình thường như thế? Những ngày qua bà đã như thế nào khi biết được sự thật về giới tính của con? Ba Thành đã không hề nhìn thấy sự chịu đựng nào từ má Trí. Ông chìm đắm trong nỗi đau của mình. Ông quẫy đạp trong lòng tự trọng của một người cha sắp mất đứa con trai. Còn vợ ông, người chín tháng mười ngày bụng mang dạ chửa, muốn cắn nát cổ tay mình để qua cơn vượt cạn đã chịu đựng ra sao? Lần đầu tiên sau ngần ấy thời gian, ông nhìn má Trí. Mắt bà cũng chong vào đêm. Hai người nhìn xuống lòng sông. Mắt sông hun hút. Chỉ có sông hiểu lòng ông. Chỉ có sông mới vỗ về nỗi đau của ông. Chỉ có sông mới có thể khỏa lấp những mặn đắng trên da thịt ông. Mắt sông thăm thẳm mà bao dung. Mắt sông cồn cào mà hiền dịu. Ông đã đắm chìm trong đó suốt những mùa trăn trở. Trí đã vào mười hai, rồi lên đại học. Ba Thành chọn ghe làm nhà. Những tuần về nhà của ông thưa lại. Má Trí thăm nom ông chỉ biết chọn bến sông. Đống tạp chí mà Trí mang về má Trí chất hết lên ghe ông. Không biết ông đã đọc chưa mà có nhiều trang nhàu nát. Chiếc radio cũng suốt ngày kè kè bên cạnh. Ông nghe gì đó, tư vấn trò chuyện đêm khuya gì đó. Người ta nói nhiều, nhiều lắm về những người như Trí. Nhưng làm sao? Ba Thành vẫn không thể tin được rằng Trí không thể lấy vợ, sinh con. Không. Ông không thể có đứa con này. Nó không phải là con ông. Ông nhìn qua má Trí, mắt bà rưng rức như mắt sông.

- Con bé Ngân nhà chú Bảy đó, ngày mai phải lên viện phẫu thuật cắt bỏ cái chân.

- …

- Nó phẫu thuật lần thứ tư rồi đó. Bác sĩ nói lần này chỉ còn cắt bỏ chân, mà cũng chưa biết kéo dài được bao lâu. Ông thấy đó, con người ta bệnh tật ốm đau vậy mà người ta vẫn thương, vẫn lo. Con mình, nó có sao đâu. Nó có làm gì ai đâu? Vậy mà, suốt mấy năm ông cứ hắt hủi con. Lỡ mà, nó buồn quá, có mệnh hệ gì…

Má Trí lặng thinh. Tim ba Thành nhói lên. Ông nhớ lại đêm qua trong chương trình trò chuyện đêm khuya trên radio ông đã nghe. Có một bà mẹ ở thành phố cũng gặp phải trường hợp như ông. Thằng nhỏ đang vào ngưỡng cửa cấp ba. Hai mẹ con không nói chuyện với nhau suốt một năm ròng rã. Cho đến khi, người mẹ phát hiện ra cuốn nhật ký. Đứa con bà dứt ruột sinh ra muốn lìa bỏ cõi đời...

- Ông nói ông thương nó. Mà ông có thương nó đâu. Ông chỉ thương bản thân ông. Ông chỉ lo cho ông. Ông chỉ sợ người ta dị nghị. Ông nào hiểu con mình nó cũng đau khổ ra sao. Nó nào muốn trở thành một đứa trẻ không bình thường, ông có hiểu lòng nó không?

Mắt sông. Ôi con mắt sông thăm thẳm trong đêm. Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm qua đã chiếu vào lòng ông sao ông vẫn cứ để lòng mịt mù. Không. Nó là con ông. Thằng Trí là con ông. Chỉ cần nó sống. Chỉ cần nó là con người. Ông sẽ luôn phải yêu thương nó. Ông phải bảo vệ nó. Chỉ cần con là con, ba sẽ yêu thương con, Trí à!

Tim ông run lên rộn rã.

Nguồn: Báo Thanh Niên.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm