TIN TỨC

“Sóng pha lê” trong thơ Mai Khoa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-22 10:12:03
mail facebook google pos stwis
1450 lượt xem

TUỆ MỸ

Xuất hiện trong dòng thơ Việt đương đại, nữ thi sĩ Mai Khoa cũng có nhiều bài thơ viết về sóng. Nhưng không phải sóng thiên nhiên đã từng thấy trong thơ của các thế hệ nhà thơ mà ngòi bút của chị chỉ nghiêng về một loại sóng đặc biệt: Sóng pha lê.

Hình tượng “Sóng pha lê” (xuất hiện trong một số bài thơ in trong tập “Sóng pha lê” năm 2011 của Mai Khoa) vừa thực vừa hư, vừa hữu hình cũng vừa vô hình. Hữu hình trong mắt người “Pha lê trong suốt hình hài thực”, “Pha lê rất mỏng”. Nhưng ngòi bút của thi sĩ nào phải viết về “hình hài thực” của pha lê mà chủ yếu nói đến cái không thực là “sóng”- Sóng pha lê. Pha lê thì làm sao tạo nên sóng? Thứ “sóng” mà Mai Khoa muốn nói ở đây có phải là “sóng lòng”, “sóng tình”? Vâng, chỉ có thể là thế. Mà nói đến sóng, người ta lại nghĩ ngay đến sự dữ dội, cuộn trào. Nhưng sóng pha lê của Mai Khoa thì không thế “Sóng nhỏ thôi bởi pha lê rất mỏng/ Mỏng như lời anh rơi xuống chạm vào thơ.Pha lê mỏng”, có lý. Nhưng “Mỏng như lời anh rơi xuống chạm vào thơ” thì phi lý. Chỉ phi lý trong nhận thức thôi chứ rất có lý đối với trái tim thi sĩ. Bởi “lời anh” là lời yêu, lời thì thầm của trái tim yêu. Chỉ thì thầm, nhỏ nhẹ, mỏng manh vậy thôi nhưng một khi lời yêu ấy “rơi xuống chạm vào thơ”, chạm vào tim Em thì tức khắc biến thành “sóng”- sóng pha lê. Phải, có ai không thấy lòng rung động, xao xuyến, bồi hồi khi đón nhận lời yêu từ người mình yêu thích? Một tình yêu trong trẻo, tinh khôi đã dậy lên trong trái tim Em từ lời yêu anh nói. “Sóng nhỏ thôi” nhưng có sức làm rung động đến miền sâu thẳm và lan tỏa đến vô cùng trái tim Em. Dùng phương thức chuyển hóa cái vô hình “lời anh” thành cái hữu hình “mỏng” không phải Mai Khoa là người đầu tiên nhưng thủ pháp ấy đã thực sự gây ấn tượng về một tình yêu rất nữ tính: Đón nhận lời yêu của anh, Em vô cùng hạnh phúc, rung cảm dạt dào nhưng không ồn ào, vồ vập.

Sóng pha lê, sóng tình yêu trỗi dậy trong lòng người con gái khi bước vào yêu cứ thế tiếp tục lan tỏa theo mạch cảm xúc của Mai Khoa:

 Những vòng sóng tưởng vô cùng bình lặng

Lại khởi đầu của thương nhớ pha lê

Đã gọi là “sóng” thì làm sao mà “bình lặng” được. Nếu không dữ dội, cuộn trào thì cũng dào dạt say mê. Đúng vậy, pha lê lúc này đã hóa thành rượu. Một thứ “Rượu cất lên chất chứa ân tình” khiến cho người trong cuộc không thể “Ngửa cổ lên cùng pha lê uống cạn”. Uống cạn rượu pha lê cũng chính là “uống lời yêu say đắm”, là “giọt tình em nhấp cạn”. Nói đến giọt tình, chợt nhớ đến “giọt Valentine” trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng “Em là rượu của tinh hoa trời đất/ Một giọt thôi đủ một kiếp lưu đày/ Một giọt thôi đủ nghìn năm chếnh choáng”. Thế đấy, chỉ một giọt tình thôi mà đánh đổi cả một đời kiếp con người khi sống trên cõi thế gian. Vậy bảo sao Em không tự nguyện “làm kiếp sóng pha lê” để yêu và được yêu. Một khi “uống cạn” lời yêu, “nhấp cạn” giọt tình thì làm sao tránh khỏi “Chút nồng nàn khiến con tim náo loạn”. “Sóng” đã nổi lên rồi đấy dù chỉ nhận được “chút nồng nàn” thôi. Bởi có con tim nào không loạn nhịp khi yêu? Chẳng phải “Những vòng sóng tưởng vô cùng bình lặng”, tưởng vô cùng dịu dàng, nữ tính ấy cũng “náo loạn” rồi đấy sao. Có gì lạ đâu khi con người sống thật với trái tim mình, không lừa dối bản năng. Lúc này “Pha lê thấu tận cùng ước mong” của Em, của hai trái tim yêu nên “Pha lê nguyện làm nơi hò hẹn/ Chứa men say sóng sánh sắc màu”. Đẹp quá! Pha lê “sóng lên màu”, pha lê “sóng sánh sắc màu”. Đó là màu tình yêu lứa đôi trong sáng, tinh khôi say đắm vô ngần.

Pha lê trong suốt, rất dễ vỡ nhưng pha lê của Mai Khoa thì rất khác:

Pha lê mỏng mà dẻo dai bền chặt

Thủy tinh em bất biến với lửa hồng

Hóa ra pha lê của Mai Khoa không phải làm nên từ cát mà nó được làm bằng sợi - sợi tình để “buộc đời nhau” của đôi lứa yêu nhau nên mới “dẻo dai, bền chặt” và “bất biến” dù có tác động của bao thử thách giữa cuộc đời.

Khi yêu, người con gái có lo ngại gì không? Có đấy: “Sóng pha lê lại lần nữa đi tìm/Nơi môi em đặt dấu son bờ vực”. “Dấu son bờ vực” là một hình tượng thơ giàu sức gợi và đã mở ra chiều kích khác trong nội tâm người thiếu nữ khi yêu: bước vào đường yêu, em đứng trước cửa thiên đường hay đứng bên “bờ vực” thẳm? Tình yêu liệu có phải chỉ hoàn toàn là trái ngọt? Liệu em có cùng người yêu đi đến cuối đường tình? Nếu tình yêu đổ vỡ, thiệt thòi chẳng phải chỉ em mang... Những lo nghĩ băn khoăn ấy cũng rất nữ tính. Rõ ràng, chỉ là phụ nữ mới hiểu tâm lý của giới mình sâu sắc và tinh tế đến vậy. Nhưng nỗi lo ngại ấy chỉ thoáng qua thôi chứ trong thâm tâm em “Biết rằng mình đang yêu và đang được yêu làm cho cuộc sốngý nghĩa, ấm áp và giàu có, điều mà ngoài tình yêu ra, không có gì có thể làmđược” (Danh ngôn). Và Em hiểu rằng một lần với tay chạm đến pha lê là “Với một lần chạm cả trời sao”. Phải, chạm đến tình yêu là chạm đến thứ hạnh phúc lớn lao nhất, lãng mạn nhất và đẹp đẽ vô cùng.

Hình tượng “Sóng pha lê” là hóa thân của nhân vật trữ tình (nhà thơ). Khi thì nhập thân trực tiếp vào pha lê để tận hưởng, chiêm nghiệm tình yêu ngọt ngào. Lúc thì phân thân đối diện, đối thoại với pha lê để suy tư, ngẫm ngợi về tình yêu. Cũng có khi pha lê là hiện thân của tình yêu, là đối tượng cũng là đích đến của nhân vật trữ tình. Chính vì thế mà “Sóng pha lê” chuyển động trong không gian thơ Mai Khoa mang nhiều màu sắc khác nhau, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì rạo rực say mê, khi thì dịu êm, nhỏ nhẹ, lúc lại trầm tĩnh lắng sâu. Cũng chính vì thế mà “Sóng pha lê” hiện lên qua trang thơ Mai Khoa không đơn điệu. Nó cứ tự nhiên dắt tay người đọc đi vào khám phá thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình. Khám phá và đã nghe được âm thanh của “Sóng pha lê”. Đó là âm vọng của trái tim người phụ nữ chan chứa tình yêu đối với con người và cuộc đời, âm vọng của khát khao sống. Sống là yêu, là dâng hiến cho đời. Tình yêu ấy, khát khao ấy sáng trong, đẹp đẽ như pha lê. Tuy đã ở tuổi chiều mà âm vọng của “Sóng pha lê” Mai Khoa vẫn còn âm vang, lan tỏa. Tình yêu người, yêu đời của người phụ nữ tuổi chiều vẫn nồng nàn, ý nhị, thâm trầm.

Thơ Mai Khoa thực sự chưa mới trong ngôn ngữ thơ, trong cách thể hiện và trong xây dựng hình tượng thơ cũng chưa nhiều sáng tạo. Nhưng với “Sóng pha lê”, có thể nói đó là hình tượng thơ ghi dấu ấn sáng tạo của nhà thơ Mai Khoa.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm