TIN TỨC

Mùa xuân trong ‘Khối tình con’ của Tản Đà

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
3129 lượt xem

Lê Xuân(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu đã “vô mây khói” gần một thế kỷ rồi. Tiên sinh từ giã cõi đời này khi tròn năm mươi tuổi (1889-1939). Trước đó một năm (1938) ông đã nói vui, tiên đoán về hậu vận của mình:

Ngoài trăm tuổi vắng ta trên trần thế

Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm


Thi sĩ Tản Đà.

Thế mà ông đã vội ra đi, để lại bao Khối tình con I-II-III, Khối tình bản chính, Khối tình bản phụ, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con… cho hậu thế. Ông là cái gạch nối giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, giữa Thơ cũ và Thơ mới, là chàng trai si tình, là nhà Nho tài tử, là nhà thơ ngông một thời. Thơ văn của ông không những bày bán khắp phố phường mà ông còn tưởng tượng đem thơ lên bán chợ Trời, đọc thơ cho Ngọc Hoàng nghe. Có lúc ông than thở với chị Hằng: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế nay em chán nữa rồi (Muốn làm thằng Cuội). Và suốt đời Tản Đà ôm nhiều mộng tưởng, xem khinh chuyện đói nghèo, cho dù Cơm áo không đùa với khách thơ (Xuân Diệu), ông vẫn tự bạch:

Trời sinh ra bác Tản Đà

Quê hương thì có cửa nhà thì không

Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông

Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly

Túi thơ đeo khắp ba kỳ

Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng

Thú ăn chơi cũng gọi rằng

Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian…

Và ông vẫn vui, vẫn cười, vẫn ngông trong tâm thế vong bần lạc đạo của một Nho sĩ: Người ta hơn tớ cái phong lưu/ Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo, và ông quan niệm:

Bạc tiền gió thoảng: thơ đầy túi

Danh lợi bèo trôi: rượu nặng vai.

(Tự vịnh)

Thế nhưng có lúc ông phải quay về với thực tại, đối mặt với chuyện áo cơm đến phũ phàng, cười ra nước mắt:

Trời ơi, ơi Tết ơi là Tết

Bác hãy còn hơn, tôi mới chết.

…Trời còn để sống đến trăm năm

Lại mấy mươi bài thơ khóc Tết.

(Khóc Tết)

Thi sĩ đã dành hẳn một tập Tản Đà xuân sắc để gởi hồn mình vào tình Xuân mỗi khi Tết đến. Ông đã viết hàng loạt bài thơ về mùa Xuân như: Gặp xuân, Xuân cảm, Xuân sầu, Nhớ xuân, Khóc xuân, Xuân tứ, Ngày xuân chúc quốc dân, Ngày xuân thơ rượu… Gặp nàng Xuân, ông tự giới thiệu ngay: Trời Nam thằng kiết là tôi, nhưng ông luôn tự hào mình là người rất giàu thơ và rượu, cũng như mùa Xuân không bao giờ mất đi trên thế gian này, thì với ông mùa xuân đồng nghĩa với rượu và thơ:

Còn thơ, còn rượu, còn xuân mãi

Còn mãi xuân, còn rượu với thơ.

(Ngày xuân thơ rượu)

Mùa xuân của đất trời cứ theo quy luật của tạo hoá tới rồi lại đi. Nó hiện hữu trên hoa đào, hoa mai khoe sắc, trên cánh én liệng giữa trời xanh, hay trên má gái chưa chồng. Với Tản Đà là còn rượu, còn thơ trước đã rồi mới còn xuân mãi. Nhưng nếu không còn mùa xuân thì thơ và rượu cũng trở nên vô nghĩa. Thế mới biết sắc xuân trong thơ ông mãnh liệt biết dường nào! Bầu rượu túi thơ là niềm vui thanh cao, nguồn thi hứng của biết bao tao nhân mặc khách ngày trước. Tản Đà tiên sinh cũng không nằm ngoài quy luật ấy:

Công danh sự nghiệp mặc đời

Bên thời be rượu, bên thời bài thơ.

(Tản Đà xuân sắc – 1935)

Ngày xuân ông sẽ say mặc cho trời đất thế nào, bởi vì Đất say, đất cũng lăn quay/ Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười cơ mà. Cảnh đời là gió gió mưa mưa nên ông luôn phải có thơ – rượu để buồn với trăng, để sầu với xuân… Mùa xuân tới, niềm vui tràn ngập trong lòng người và tạo vật, cớ sao ông lại sầu, lại buồn, lại chán đời và lòng thì rối như tơ vò, với một nỗi đau nhân thế vời vợi như vậy? Trong bài Năm hết hữu cảm ông buông một tiếng thở dài đến ngao ngán:

Đời người lo mãi biết bao thôi

Mái tóc xanh xanh trắng hết rồi

Sự nghiệp nghìn thu xa vút mắt

Tài tình một gánh nặng bên vai.

Càng về già ông càng lâm vào cảnh túng quẫn. Nhìn cành mai sương phủ, biết là Tết sắp đến. Nhìn cánh én báo tin xuân, ông lại quên đi thời thế đảo điên để mừng cho thiên hạ. Ông có lời chúc cho xuân, cho con người ai cũng có tư cách/ Trước hết ái quốc, sau hợp quần. Ở đây tư tưởng yêu nước của Tản Đà đã bộc lộ trực tiếp chứ không còn xa xôi, bóng gió như trong bài Thề non nước hay như ở Bức dư đồ rách nữa, và ông đặt niềm tin vào sự đổi mới, mà trước hết là đổi mới sự học: Cái học năm xưa đã cũ rồi/ Học cũ đi mà xuân lại mới, rồi ông tâm tình với nàng xuân:

Gặp ta nay xuân chớ lạ lùng

Tóc có bạc nhưng lòng ta chẳng khác.

(Gặp xuân-1938)

Lộc trời ai mà tham được, tóc kia dù đã bạc đi nhưng lòng vẫn xanh mãi với mùa xuân, đó là điều không phải ai cũng có được:

Núi non trăng cũng chưa già

Đầu ai tóc bạc vẫn là xuân xanh.

Tản Đà – tiên sinh không bao giờ già trước mùa xuân, trước khối tình nước non, và trong ông giấc mộng về non nước chẳng bao giờ phai. Chỉ khi nào:

Bao giờ Trời gọi thì đi

Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi.

Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu là người của trời sinh, nhưng Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương. Mùa xuân này nỗi đau của thi nhân đã qua. Các thế hệ con cháu của nhà thơ núi Tản sông Đà không còn phải khóc Tết như tiên sinh năm nào nữa. Ta như thấy ông đang đâu đây ngất ngưởng với be rượu, túi thơ đi thăm lại Mả cũ bên đường khi Tết đến, rồi vụt biến vào chốn Thiên Thai. Ước mơ của ông làm đôi chim nhạn tung trời mà bay để chào đón những mùa xuân bất tận quả là quý lắm thay!

L.X

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm