- Lý luận - Phê bình
- Nét riêng thơ Hồ Hồng Lĩnh trong tập ‘Đi qua ngày nắng’
Nét riêng thơ Hồ Hồng Lĩnh trong tập ‘Đi qua ngày nắng’
Nguyễn Phương Hà
“Đi qua ngày nắng” (Nxb Hội Nhà văn, 2018) là tập thơ thứ ba trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh sau các tập “Quá giang” và “Sang mùa”. Đây là những rung động, những trăn trở, suy tư và hoài niệm của nhà thơ về cuộc sống gắn với những sự kiện xã hội, những sự vật, hiện tượng thiên nhiên, những vùng đất và con người trên những dặm dài năm tháng mà anh đã đi qua. Gần như nhà thơ rất ít khi miêu tả cảnh quan, thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá hay kể chuyện, thuật việc mà tập trung phát hiện, cảm xúc, chiêm nghiệm về cuộc đời từ các sự kiện, hiện tượng ấy.
Tập thơ “Đi qua ngày nắng” của tác giả Hồ Hồng Lĩnh.
Điều này tạo nên nét riêng của thơ Hồ Hồng Lĩnh: Chất suy tư sâu lắng qua một giọng thơ trầm buồn. Tất cả sự vật hiện tượng được nói đến trong thơ anh luôn vận động trong trục thời gian như tất cả đang Đi qua ngày nắng. Quá khứ và hiện tại cứ xao động, chồng lấn lên nhau như hối hả nhịp đời, nhịp tháng ngày qua những rung động sâu lắng của tâm hồn, những suy tư chất ngất của người nghệ sĩ về cuộc đời, về con người và lẽ sống. Anh có nhiều bài thơ được gợi hứng từ dòng chảy thời gian, hoặc một thời điểm nào đó làm tâm hồn rung động: Đi qua ngày nắng, Nha Trang chiều tâm sự, Tình tự đêm, Cuối chạp, Chiều lạnh, Tháng mười cho ta được nhớ, Ngày trở về, Mùa đi, Đêm Đức Cơ, Khuôn mặt tháng Năm… Phải chăng thời gian chính là dòng đời mà anh đang trên hành trình tìm kiếm, suy tư và cảm xúc.
Hồ Hồng Lĩnh đi nhiều nơi, thăm thú nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá từ những địa danh ở Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, dải đất miền Trung hay các tỉnh phía Bắc, nhưng điều đáng nói là đi đến đâu anh cũng tìm tòi, phát hiện và cảm xúc những điều mới mẻ. Cũng như những du khách, văn nhân khác, anh cũng dừng lại thưởng lãm vẻ đẹp của tạo hoá hay do con người kiến tạo, nhưng anh không chú tâm miêu tả cảnh đẹp, cũng không dài dòng kể lại những sự việc và con người gắn với những sự tích lịch sử, văn hoá mà tập trung phát hiện ý nghĩa nhân sinh của những sự vật, hiện tượng ấy. Về Cần Thơ – đất miềnTây trù phú với cảnh đẹp người xinh, sông nước mênh mang hữu tình, nhà thơ không quên gợi nhớ về những chí sĩ năm xưa ngâm thơ và đánh Pháp: “về Phong Điền nghe bút thơ Phan Văn Trị chiến/ vẫn hùng hồn xuyên thủng thời gian/ một trận đánh Ông Hào như đẫm hồn non nước”. Anh cũng gợi liên tưởng về sự nổi nênh của những phận người khuất sau vẻ đẹp thơ mộng duyên dáng của Tây Đô: “những phần thênh thang những phần len tối/ bạt ngàn mật điển mà chim sáo dạt trời xa” (Về Cần Thơ). Nhà thơ ngây ngất trước vẻ đẹp trẻ trung, hiện đại của Sài Gòn, một thành phố lớn phương Nam năng động, hối hả rộn ràng nhịp sống:
Sài Gòn rất riêng
kiêu hãnh một dáng hình
ngăn ngắt trời xanh phố đứng chọc trời
như ngôi sao thơm toả sáng giữa khuya.
(Với Sài Gòn)
Anh cũng phát hiện những nét tương phản khá đặc trưng của thành phố này: “Sài Gòn cao sang/ Sài Gòn dân dã/…/ Sài Gòn buồn vui hai mặt/ thành phố giấc ban trưa/ thành phố ớn lạnh triều dâng mưa ngập” (Với Sài Gòn). Trong cái nhìn đa tình của thi sĩ, thác Thuỷ Tiên(Đắk Lắk) đã trở thành nàng tiên nữ bước ra từ cổ tích, đồng cảm với tâm tư của người thơ: “Em ngủ trong rừng sâu/ thơ đọc ròng/ không nhớ tuổi/ nỗi buồn có cớ mà đau” (Về đâu… Thuỷ Tiên). Ngắm cảnh đẹp hồ Xuân Hương (Đà Lạt), nhà thơ lại suy tư về nữ sĩ họ Hồ và sức sống vĩnh hằng của những vần thơ: “nghe câu thơ xưa chạm tới đáy đời/ ngàn năm phong rêu/ thơ người không có tuổi” (Bên hồ Xuân Hương). Đến huyện Lắk, ngắm núi Đá Voi, anh liên tưởng từ dáng núi đến dáng tượng và cuối cùng là dáng người và khẳng định giá trị của sự sống bất diệt:
một tầm vóc không gian
một chứng tích thời gian
nước và lửa bất lực
ẩm mốc và kẻ ăn theo không nới trú ngụ
chỉ biết đều đặn hôn mặt trời, hôn trăng hôn nắng hôn mưa
(Núi Đá Voi)
Về truyền thuyết Thành Cổ Loa, người ta đã tốn nhiều giấy mực để tranh luận về bi kịch tình yêu hay bi kịch mất nước và bài học cảnh giác. Nhà thơ cũng gợi lại bi kịch tình yêu và bi kịch của một vương triều: “lông ngỗng vương bay/ ngựa hí/ oan hồn tức tưởi/ đường gươm toát lên/ vết chém thời gian/ tang thương cửa bể”. Nhưng có lẽ điều anh thao thức trăn trở là: Khi tình yêu, tình người trở thành nạn nhân của những thủ đoạn chính trị, những âm mưu đen tối, đó mới là nơi tột cùng nỗi đau nhân thế: “xin thôi đừng mê mải/ câu chuyện buồn/ thêm một lần/ lột/ mặt nạ/ đen” (Mùa ngâu nhớ câu chuyện Cổ Loa thành).
Thăm những thắng cảnh thiên nhiên hay những địa danh văn hoá, Hồ Hồng Lĩnh thường để tâm quan sát những hiện tượng bất thường đang âm thầm diễn ra dưới sự tác động của xã hội hay biến đổi khí hậu. Trong lúc khách thập phương vui thú với cảnh lạ hồ Lắk, nhà thơ lại phát hiện những thay đổi đáng buồn: “Chái nhà sàn hỗn độn mộc và xây/ không thấy em gái M’Nông chằm sợi ngang sợi dọc/…/ cổ thụ cô đơn không bóng bầy đàn./Trưa hồ Lắk/ mấy ông voi nhà/ bì bõm/ cho người/ nặng gánh áo cơm” (Trưa hồ Lắk). Sự tác động của kinh tế thị trường, của đô thị hoá, của ngành du lịch ăn xổi đã làm cho tài nguyên rừng cạn kiệt, “cổ thụ cô đơn” và những chú voi đại ngàn giờ bị vặt hết lông đuôi, phải “bì bõm” cõng khách du lịch hiếu kỳ đi tìm thú vui. Đến thác Drai Nu, nhà thơ không miêu tả con thác đẹp, cũng không kể lại huyền thoại hấp dẫn gắn với con thác mà gợi những liên tưởng thú vị, biến con thác thiên nhiên trở thành một sinh thể có hồn, mang nỗi đau quặn thắt nhân tình: “Con sông chia đôi sau cơ nhỡ cuộc tình/ tiếng khóc thành hai con thác/ Drai Nur thác vợ” (Drai Nur hôm nay). Nhưng thật bất ngờ khi tác giả “không khóc cho câu chuyện tình buồn của ngươi đã lùi vào thiên cổ” mà “khóc cho yết hầu mùa khô dòng sông quắt quay đói khát/ khóc cho trống vắng rừng già không khớp nổi với Trường Sơn hùng vĩ/ khóc cho dã thú, hoang cầm không bói thấy/ chiêng cái không tấu khúc với quần thể bầy đàn” (Drai Nur hôm nay).
Từ nỗi đau huyền thoại, tác giả đột ngột trở về với nỗi đau hiện tại: Dòng sông xưa sôi trào nay khô khát, rừng bị tận diệt, chim thú chẳng còn và giá trị văn hoá truyền thống đã bị mài mòn như chiếc chiêng lẻ bầy lẻ bạn kia. Đó là nỗi đau của một tâm hồn nhạy cảm, một người có ý thức giữ gìn thiên nhiên và văn hoá truyền thống khi chứng kiến sự cạn kiệt của môi trường thiên nhiên và sự suy thoái của những giá trị văn hoá của đồng bào bản đia Tây Nguyên. Bài thơ Lời than của mây núi, tác giả mượn lời của “mây” và “núi” để thể hiện những thay đổi tiêu cực của núi rừng, sông suối. Hình ảnh thiên nhiên trong sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại đã gợi lên nỗi đau buốt nhói cõi lòng. Quá khứ là hình ảnh đẹp, đầy sức sống, phồn thực và quyến rũ: “đất và cây hoa và lá/ rây rây vùi hương mật/ chưng chưng một màn hoang dã/ voi kín đàn ngựa hoang đuổi nhau tiết dục/ dòng sông ung dung phát sáng/ tênh hênh mặt trời trễ giấc/ mây núi triền miên ngoại tình mê dại” còn hiện tại là khô kiệt, lụi tàn: “buổi rày/ đục ngàu/ dòng sông khóc ròng/ với đáy/ gương xưa”.
Thơ Hồ Hồng Lĩnh thấm đẫm tình người, trước hết là sự đồng cảm, sẻ chia với những số phận cay cực, những người lao động vất vả. Đến với đêm Đức Cơ, với những vườn cao su đầy gió mát và những người công nhân “vào đêm ẵm mủ”, nhà thơ cũng thao thiết liên tưởng đến người công nhân cao su thời đầu vỡ đất đầy gian nan, nhọc nhằn:
Đêm Đức Cơ
giọt ký ức nằm lòng
đếm giọt
loang vỡ những cánh rừng từ buổi đầu
vỡ vạc khát khao
vị ngọt đã đơm hương từ giọt mồ hôi ngai ngái
mùi ký nin sốt rét
(Đêm Đức Cơ)
Cuộc sống đã đổi thay tốt đẹp hơn trong thời kỳ công nghiệp hoá nhưng đừng bao giờ quên những tháng năm khai hoang vỡ đất nơi rừng thiêng nước độc vốn được người đời truyền nhau “đi dễ khó về” này. Đấy là thông điệp đầy ân tình của thi nhân. Anh xót xa thương cảm với dải đất miền Trung phải chịu thiên tai tàn phá, nhất là mùa mưa lũ hàng năm: “những ngày mây đánh úp gã mặt trời/ ngụp lặn cánh cò, ngụp lặn học trò/ ngụp lặn ngư dân/ câu hát gãy đôi hoa thúi cuống chưng mùi/ rình rập tang thương rình rập cướp nụ cười” (Im lặng trước miền Trung). Nghĩ về đấng sinh thành, nhà thơ giành những tình cảm yêu thương, trân trọng biết ơn với những hy sinh thầm lặng của người mẹ. Câu thơ của anh, “lời con/ lời con chim lẻ bóng” là nỗi nhớ thương khôn nguôi, nỗi xót xa thương cảm vì những tảo tần, nhọc nhằn đời mẹ “suốt một đời còng lưng xây tổ”, “suốt một đời làm hạt nắng nuôi con”, cũng như cuộc đời bao người mẹ Việt Nam vất vả gian lao mà nhân hậu, thuỷ chung: “Nơi ta về/ mẹ ta một đời dâu bể/ bước thấp bước cao lưỡi liềm mẹ tràng giang một bình minh bùa ngải/ góp nhặt sau cùng, góp nhặt còng lưng khi/ đường phân chiều tắt lịm” (Thì thầm câu thơ). Nói về nỗi đau chiến tranh, về ân tình cách mạng nhưng nhà thơ không hô hào khẩu hiệu mà gợi bằng tình cảm máu thịt cũng là tình cảm bạn bè đồng trang lứa, cùng ước mơ: “người em họ cùng nơi chôn nhau cắt rốn/ cùng giấc mơ cháy ngọt/ giảng đường”, nhưng “người em đi mãi không về” vì em đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa: Thạch Hãn dựng lên
những cột cao gào thét
máu lửa đỏ một dòng sông chết
ta biết em ẩn mình trong đó
cát sương
(Giấc mơ gãy cánh)
Sự tàn bạo của chiến tranh không chỉ gây nên tang tóc điêu linh mà còn giết chết cả ước mơ tươi đẹp của tuổi trẻ. Cái chết của người em, của biết bao chiến sĩ trẻ trên dòng Thạch Hãn, trên mảnh đất Thành Cổ là nỗi đau đớn xót xa trong lòng thi nhân, bật lên thành những câu thơ quặn thắt: “Một nay/ rút xác gọi hồn/ câu thơ rút ruột/ bồn chồn/ gọi em…” (Giấc mơ gãy cánh)
Trở về quê hương với bao cảm xúc vui buồn dâng lên khi trên con đường làng, bao ký ức xa xưa ùa về: “Tôi chạy trên đường làng/ ký ức xa/ nôn nao nhịp thở/ như đụng vào chiều dài nỗi nhớ/ đôi bờ xanh xanh mải miết xóm làng/ một miền yêu mát hơn làn da thiếu nữ” và trở về tuổi thơ với những kỷ niệm một thời xa mà ấn tượng vẫn tươi mới như mới vừa hôm qua: “tuổi thơ mơn man/ chồi non/ mưa/ tháng bảy/ đuổi bắt chuồn chuồn/ bên cầu ao buổi nọ/ những trưa thả diều/ nắng ngậm hồn say” (Tuổi thơ… xa). Ngắm nhìn tấm ảnh cũ của lớp học từ bốn mươi năm trước, kỷ niệm xưa lại ùa về với bao niềm thương nỗi nhớ bạn bè, người còn, người mất, mỗi người một số phận, một cuộc đời cứ mãi trôi đi: “Ảnh lớp bốn mươi năm/ đứa gặp đứa chưa/ đứa ngã xuống mãi xanh nguyên màu áo lính/ đứa thành ông thành bà rất đỗi/ đứa chật chầy cơm áo chưa xong” (Ảnh lớp). Tâm hồn nhà thơ rất nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sắc đất trời và con người, nhất là những hiện tượng gợi cảm như một ánh trăng, một cơn mưa mùa ngâu, một chiều lạnh, một mùa quả, hương ổi, hoa lộc vừng hay niềm tự hào phấn chấn khi những chiến binh sao vàng U23 chiến thắng từ Thường Châu trở về (Yêu lắm một sắc màu) và thật ý nghĩa khi quà tặng con là “tờ Nhân Dân nhật báo” chứ không phải là những lời giáo huấn khô khan (Lời gửi). Nhà thơ thường gắn vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống với niềm thơ: “Nhưng với người/ nàng thơ/ ta là chàng trai lang thang hoang dã/ tìm bới những hạt mầm/ ta yêu./ Đến một ngày/ trong cơn thở cuối/ vẫn ngước lên chị Hằng/ hôn khẽ khàng/ lên/ cánh/ hoa rơi” (Tâm sự…).
Về nghệ thuật, Hồ Hồng Lĩnh sử dụng bút pháp hiện thực trữ tình nhưng không có giọng điệu dạt dào sôi nổi, thiết tha rạo rực hay nồng nàn đắm say thường thấy trong thơ cảm hứng trữ tình. Giọng điệu trong thơ anh trầm buồn, lắng đọng giàu chất suy tư, chiêm nghiêm lẽ đời. Cảm xúc thường được nén chặt và hoà cùng những suy tưởng về những hiện tượng xã hội, những vấn đề của đời sống con người. Hình tượng thơ Hồ Hồng Lĩnh thường đa nghĩa, ít chi tiết tả thực hay thuật việc mà chủ yếu là những liên tưởng, suy niệm về những chi tiết, sự việc ấy nên hình tượng thơ phần lớn là hình tượng của tâm tưởng, hoài niệm, lung linh thực ảo. Người đọc thường gặp những liên tưởng mang màu sắc siêu thực khá thú vị: “ta cùng ta ngược về miền kí ức/ thấp thoáng cánh cò/ năm tháng vẫn chưa thôi lặn lội” (Cuối chạp); “tháng chạp ẵm những nốt nhạc/ nghe tê nhức/ dẫu sao vẫn là cảm xúc/ trong khí trời ta thở/ một khóm dã quỳ xa đắm đuối giấc hoang sơ” (Mùa quả); “em đến rồi như reo tiếng nhạc/ bông cúc ngẩng một nụ cười như không có thực/ nét dịu hiền đánh thức trái tim đau/ mắt nghiêng, lời em lời gió/ con đò chiều và khúc sông xanh” (Lời nào cho em), vv… Những liên tưởng nối tiếp từ những sự vật rất xa nhau, tạo “độ nhoè” về nghĩa và “khoảng trống” cho sự trí tưởng tượng của người đọc bay bổng, vì thế người đọc cũng phải có trí tưởng tượng phong phú, sức liên tưởng dồi dào mới cảm nhận được ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của thơ. Cũng vì thế, đôi khi anh có những liên tưởng xa xôi, rối rắm, tối nghĩa, thách đố người đọc như các bài: Nha Trang chiều tâm sự, Miên dại, Trăng xưa. Thơ Hồ Hồng Lĩnh có nét tự do phóng túng từ thể thơ, ngôn từ, sử dụng linh hoạt những thể thơ tự do, câu dài, câu ngắn khác nhau, có cả những bài lục bát cách tân (Bụi hoa vệ đường, Mua lại dại khờ, Ru mùa…). Thơ ít vần nhưng giàu nhịp điệu, thể hiện được độ rung của cảm xúc, nhịp đập của con tim. Anh tạo ra những cách diễn đạt mới, dùng từ ngữ, hình ảnh mới lạ, táo bạo: ”phần len tối”, “con tim cựa”, “giấc hoang sơ”, “xon xót từng giọt khuya”, “phiên bản buồn tênh”, “Đôn hậu nơi Sài Gòn rất mực”, “đường phân chiều tắt lịm”,”nụ hôn mưa”, “nốt buồn thu ướt áo qua cầu”, ”tiếng mưa/ như một máy cắt/ ta mượn thái nhỏ nỗi niềm em/ nếu có thể em cho ta chung vào/ thái nốt” (Mưa đau), vv…
Nhìn chung, Đi qua ngày nắng là một tác phẩm thành công, thể hiện một nỗ lực sáng tạo và định hình những nét phong cách thơ khá độc đáo, là một đóng góp có ý nghĩa của Hồ Hồng Lĩnh đối với thơ ca đương đại. Yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, yêu con người và cuộc sống, trân trọng những giá trị văn hoá, tinh thần truyền thống là những tình cảm đẹp của Hồ Hồng Lĩnh thể hiện trong thơ. Những trăn trở, suy tư, nỗi niềm của thi nhân thật đáng trân quý và tạo được sự đồng cảm khá sâu sắc, sự đồng vọng nơi tâm hồn người đọc. Vượt qua những hạn chế của lối thơ vần vè, cảm xúc nhợt nhạt, hình ảnh ước lệ quen thuộc, sáo mòn, nhà thơ đã có những sáng tạo mới về tứ thơ, giọng điệu, hình ảnh và ngôn từ. Tập thơ có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi nội dung phong phú và những đổi mới trong phương thức thể hiện theo hướng hiện đại.
______________________
*Giải B – Giải thưởng ChưYangSin, lần thứ III (2020)
N.P.H