TIN TỨC
  • Truyện
  • Ngọn lửa từ trái tim | Vương Huyền Cơ

Ngọn lửa từ trái tim | Vương Huyền Cơ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-21 15:57:58
mail facebook google pos stwis
656 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022 

VƯƠNG HUYỀN CƠ

Ánh đèn pin tắt ngóm, màn đêm dày đặc, tim của Trung đập mạnh vì lo lắng, vì mệt, anh đã đi liên tục hơn mấy tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tìm được lối ra. Giờ Trung đã hiểu cảm giác khi bị lạc rừng. Anh tháo pin ra rồi lắp lại, bật lên nhưng vẫn không sáng, Trung giữ bình tĩnh ngồi xuống nhắm mắt định thần một hồi thì mở mắt ra, khi quen với bóng tối đã thấy ánh sáng mờ ảo từ trời cao rọi xuống. Phải tìm một chạc cây leo lên ngủ qua đêm rồi tính tiếp… Đang tìm một thân cây vững chãi thì Trung thấy ánh đèn lấp lóa từ xa, anh dụi mắt hai ba lần rồi mới tin đó là sự thật. Giữa rừng rậm sao lại có ánh đèn biểu hiện sự tồn tại của con người, có khi nào đó là… Anh đã nghe kể nhiều về ma rừng dẫn dụ nhưng biết đâu… Trung mò mẫm đi về phía ánh đèn.

Căn nhà nhỏ dần hiện ra, trước hiên nhà treo trên cao cái đèn măng-xông. Trung vui mừng muốn reo lên thành tiếng. Anh đi nhanh tới, cánh cổng khép hờ… một bóng đen xồ ra làm anh giật mình ngã ngửa, tiếng chó sủa đầy đe dọa. Ông Ba cầm cây đèn pin bước ra cửa la con sói:

- Được rồi, im. (Nói lớn) Ai đó?

Tiếng chó sủa ngưng bặt, Trung vội nói:

- Là cháu. Cháu bị lạc rừng.

- Tội chưa. Vào đây.

Trung lồm cồm đứng dậy đi vào, con sói nhìn anh đề phòng. Ông Ba nhìn con sói phẩy tay:

- Không sao đâu, đi chơi đi.

Nó không đi mà nằm xuống ngay hiên.

Trung nhìn ông Ba, tóc bạc muối tiêu, bận chiếc áo lính bạc màu, khuôn mặt phúc hậu, anh thấy yên tâm và tin tưởng.

- Chào bác. Cháu đi lạc, bác có thể cho cháu tá túc qua đêm?

Ông Ba cười:

- Người thành phố khách sáo quá. Dĩ nhiên là được. Vô nhà tắm rửa, ăn uống rồi nghỉ ngơi, đi cả ngày chắc mệt lắm.

- Dạ, hồi nãy cháu tưởng phải ngủ trong rừng, may mà thấy ánh đèn.

- Ờ, tôi treo cây đèn để người hay ma đều thấy ánh sáng mà trở về. Ở đây, ai cũng gọi tôi là ông Ba. Không phải ông Ba Bị đâu.

Ông vô nhà, Trung vào theo, lòng hơi gờn gợn vì câu ông nói.

Nước giếng lạnh như nước đá làm Trung run cầm cập nhưng lát sau lại thật sảng khoái. Được tắm mát thay bộ đồ sạch không gì sung sướng bằng sau khi trải qua ngày dài mệt mỏi.

Ông Ba chờ sẵn ở nhà trên, thấy Trung đi lên thì ông lấy nước sôi trong bình thủy chế vào tô mì gói đã làm sẵn.

- Chờ chút rồi ăn.

- Cám ơn bác, làm phiền bác quá.

- Thoải mái đi, đừng khách sáo.

- Dạ, nhưng phiền bác thật mà. Giữa đêm hôm…

- Già rồi ngủ được bao nhiêu, có người nói chuyện cũng vui.

Trung ngồi ăn mì, cười.

- Tô mì có lẽ ngon nhất từ trước tới giờ.

- Cháu chắc ở thành phố Hồ Chí Minh?

- Dạ.

- Sao mấy chàng trai trẻ giờ thích đi phượt ghê.

- Tuổi trẻ thì thích khám phá, tìm hiểu.

- Từ lúc đám lâm tặc mở con đường mòn đó thì rất nhiều người đi lạc vì tưởng đường tắt dẫn ra quốc lộ đâu ngờ dẫn thẳng vô rừng.

- Hèn chi, cháu thấy đường rộng đẹp nên tưởng…

- Cậu là người thứ 11 rồi. Tôi cắm cái bảng cảnh báo nào thì tụi nó gỡ cái bảng đó, thiệt đáng ghét.

- Bác ở đây một mình?

- Hai mình, có con chó nữa mà.

- Bác không sợ sao?

- Sợ gì?

- Thì đủ thứ bất trắc, giữa rừng sâu biết kêu ai?

- Sống chết có số hết, sợ cũng đâu làm được gì. Thôi, ăn xong rồi ngủ, sáng mai nói chuyện nhiều hơn.

- Dạ, chúc bác ngủ ngon.

- Cậu cũng vậy – Ông cười rồi đi ra.

Trung nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ quan sát xung quanh. Ngoài bàn ghế và chiếc giường này thì chẳng có vật dụng gì hết. Đây đúng là cuộc sống tối giản…Tiếng đọc kinh từ đâu văng vẳng, Trung chưa kịp thắc mắc thì đã chìm vào giấc ngủ.

Ánh nắng xuyên qua cửa sổ chiếu thẳng vào mặt khiến Trung thức giấc. Cặp mắt cay xè, anh cố gắng mới mở ra được, ánh sáng tràn ngập gian phòng. Trung nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã hơn 10 giờ, anh vươn vai cho giãn gân cốt rồi bước ra ngoài, hơi gió phà vào người lành lạnh khiến Trung tỉnh ngủ hẳn. Căn nhà cấp 4 được xây bằng gạch không tô, mái lợp tranh, khu vườn rộng với hàng rào bằng cây trà xanh, bao quanh vườn trồng vài loại rau củ, ngoài cổng có cây sim nở hoa tím ngát. Trung gọi lớn:

- Bác ơi!

Không có tiếng trả lời.

- Chắc bác đi làm.

Trung đi vòng quanh khuôn viên, phía sau vườn sát với bìa rừng có cái lán bằng tre, trong đó có nhiều hũ sành xếp thành hàng dài ngay ngắn. Chừng chục ngôi mộ xưa tròn như ụ mối, mộ nào cũng có tấm bia ghi tên họ bằng sơn trắng. Trung tò mò đọc.

- Trần Thái Bảo – sinh năm 1950. Quê quán Quảng Trị. Nguyễn Văn Đông – sinh năm 1952. Quê quán Vĩnh Long. Chắc không phải mộ của dòng tộc sao chôn tập trung một chỗ? Người đàn ông sống đơn độc giữa rừng, trong vườn có nhiều ngôi mộ, khơi dậy nhiều sự tò mò hồi hộp… Tối qua ông nói có nhiều người lạc rừng… Có khi nào… – Trung cười nói một mình.

- Mình coi phim kinh dị Mỹ nhiều quá.

Trung quay vào nhà, anh phải chờ bác ấy về để tạm biệt rồi mới lên đường.

Con sói chạy vào trước theo sau là ông Ba vác một bao tải. Trung nhìn ông Ba.

- Chào bác. (Nhìn con sói) Chào sói.

Con sói vẫy đuôi thân thiện. Sói – lông vằn vện như hổ, chắc lai giống chó Phú Quốc. Thân hình nó săn chắc, thân thủ lanh lẹ, thoắt cái đã biến mất khi nghe tiếng chuột kêu. Ông Ba đặt bao tải xuống hiên nhà, nói với Trung:

- Dậy sớm vậy, tôi nghĩ cậu ngủ tới chiều.

- Dạ, không bị nắng rọi vô mặt chắc cháu cũng ngủ tới chiều.

- Đói bụng chưa? Sau bếp có cơm tôi nấu hồi sớm, rau cải cậu muốn ăn thứ nào thì tự đi hái.

- Cảm ơn bác.

Con sói chạy về, mình lấm lem bùn đất, miệng ngậm con chuột lớn, nó thả con chuột xuống trước mặt ông Ba.

Ông Ba nhìn nó lắc đầu:

- Mày có cần truy cùng đuổi tận như vậy không? Nó đã chạy trốn thì tha đi. Mày coi mày kìa, bùn đất bê bết… Ra suối tắm đi, tha luôn con chuột đem bỏ.

Con sói như hiểu tiếng người, ngoặm con chuột chạy đi.

Trung nhìn theo:

- Con sói khôn quá bác.

- Nó suýt nữa thì bị thịt, tôi cứu nó đem về nuôi cũng hơn 3 năm. Săn rất giỏi nhưng không bao giờ ăn thịt sống. Tôi cấm nó ăn những thứ máu me tanh tưởi. Phàm cứ ăn tươi nuốt sống hoài thì người hay vật gì cũng hung bạo hơn.

- Dạ. Bác biết đường tới thác Âm Phủ không bác?

- Lại là thác Âm Phủ. Thành phong trào rồi hay sao á. Chỉ để chụp vài tấm hình mà liều lĩnh sinh mạng của mình.

- Với dân du lịch khám phá, mạo hiểm thì chinh phục được thác Âm Phủ mới chứng tỏ đẳng cấp.

- Đẳng cấp rồi sao, lỡ có mệnh hệ gì ông bà cha mẹ phải gánh chịu nỗi đau mất mát. Ngày xưa, hy sinh trong chiến tranh là việc chẳng đặng đừng, còn giờ nhiều cái chết lãng xẹt ghê.

- Tuổi trẻ mà bác, “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết chừng nào khôn”.

- Nếu cậu nói vậy thì chút tôi chỉ đường cho mà đi, nhưng phải đi lúc sáng sớm chứ giờ trưa rồi, đi tới đó trời sụp tối, sương mù dày đặc nguy hiểm lắm.

- Vậy làm phiền bác đêm nay nữa.

- Lại khách sáo. Thôi, tôi đi làm công chuyện của mình.

- Có cần cháu phụ giúp gì.

Ông Ba nhìn Trung cười:

- Chỉ sợ cậu không có gan.

- Bác làm cháu tò mò quá.

Ông Ba vác bao tải ra lán tre, Trung theo sau. Ông Ba cẩn thận lấy từng phần xương cốt trong bao tải ra xếp vào cái lu sành, Trung tròn mắt nhìn tò mò pha sợ hãi.

- Cậu lại góc đó xách tôi 2 can rượu… mấy cái bình trắng kia – Ông đưa tay chỉ.

Ông xếp xương xong thì đổ rượu trắng ngập lên, Trung nhìn.

- Bác là người thu thập hài cốt liệt sĩ.

- Không phải hài cốt liệt sĩ.

- Chứ của ai?

Ông Ba không trả lời, ông bận thắp mấy nén nhang lâm râm khấn rồi cắm vào bàn Thiên gần đó. Ông rửa tay bằng rượu rồi ngồi xuống gốc cây được cưa thành ghế, nhìn Trung.

- Xương đem về ngâm rượu thì rửa mới sạch. Ngồi đi rồi tôi kể cho nghe.

Trung ngồi xuống nhìn ông chờ đợi.

Ông lấy trong túi ra bọc thuốc rê vấn hút.

- Phải hút thuốc vấn này mới đã. Cậu hút không?

- Dạ, con không hút thuốc.

- Giỏi – Ông rít một hơi dài, ém lại rồi mới từ từ nhả khói. Ông đưa tay chỉ:

- Hài cốt này và hài cốt dưới những ngôi mộ kia là của lính Việt Nam Cộng hòa.

Trung tròn mắt ngạc nhiên:

- Của lính Việt Nam Cộng hòa? Sao bác lại…

- Quy tập về đây phải không?

- Dạ.

- Cũng hơn 10 năm trước, khi tôi chưa về hưu. Ở vùng đất Quảng Trị này cứ đào xuống là thấy xương người, lúc đó tôi chỉ huy một đội đi tìm hài cốt liệt sĩ, tự nguyện thôi vì thấy có trách nhiệm phải đưa đồng đội mình nằm lặng lẽ ngoài kia về nhà. Đôi khi chúng tôi đào lên gặp phải hài cốt của lính Việt Nam Cộng hòa nằm lẫn lộn, chắc họ chết cùng một chỗ. Anh em bỏ qua một bên, chỉ thu gom bộ đội mình, tôi nhìn mà đau lòng quá. Cũng là người Việt, máu đỏ da vàng, chết là hết, phân biệt Quốc gia hay Cộng sản gì nữa. Đồng chí mình được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ, mồ yên mả đẹp, nhang khói sớm hôm còn xương cốt họ lăn lóc ở đây sao? Thế là tôi lẳng lặng đem hài cốt của họ về chôn cất, sớm hôm nhang khói…

Trung nhìn ông đầy vẻ xúc động, mắt đỏ hoe.

- Bác ơi… Bác thật tốt bụng.

Ông cười buồn:

- Nhưng có người biết, họ phê bình tôi sao lại yêu thương kẻ thù, rồi họ báo cáo lên trên, tôi phải viết tường trình rồi kiểm điểm đủ thứ. Tôi chỉ nói “Việc tôi làm là tình Dân tộc – Nghĩa đồng bào, vậy thôi”. Để không ảnh hưởng tới gia đình con cái tôi xin về hưu rồi vô rừng dựng lên chỗ này, tiếp tục công việc của mình. Hài cốt liệt sĩ thì báo cho anh em vô quy tập, còn của họ thì đưa về đây.

- Nhưng làm sao phân biệt được, bác?

- Hài cốt của lính Cộng hòa luôn có tấm thẻ bài để nhận dạng, cho nên tôi làm bia mộ rõ ràng để khi thân nhân họ tìm tới thì tiện đưa đi.

Trung ngạc nhiên:

- Có thân nhân tìm tới nhận nữa sao?

- Chẳng là tôi nhờ con nó lập một trang tìm thân nhân, đưa lên thông tin của những hài cốt có thẻ bài tôi tìm được. Có 23 người được về nhà rồi đó.

- Việc làm của bác vô cùng nhân nghĩa mà lại bị kiểm điểm thì thật khó hiểu.

Ông Ba cười:

- Lúc đầu thôi, còn giờ nhiều bạn bè, đồng đội ủng hộ tôi kinh phí để làm chuyện này. Coi vậy chớ cũng tốn kém, tôi dứt khoát không nhận tiền cảm ơn để tránh kẻ xấu miệng xuyên tạc tôi làm vì tiền.

- Có ai phụ giúp bác không?

- Ai muốn giúp thì giúp chớ tôi không kêu gọi. Tôi làm vì cái Tâm, còn sức thì còn làm, sau này già yếu thì ngưng. Ai đồng cảm với tôi thì tiếp tục. Tóm lại tùy duyên, tùy số. Nằm lại đây hay về nhà cũng là nằm ở nước Việt. Khi tôi chết cũng muốn được chôn ở đây.

Trung nhìn ra dãy mộ nằm im lìm dưới nắng, đâu đó trong không gian tĩnh lặng như có tiếng cười nói lao xao.

- Nghe ba cháu kể ông nội cháu cũng là lính quốc gia, chỉ có giấy báo tử trận chớ không tìm được xác.

- Chết ở đâu?

- Ba nói trận Khe Sanh. Nếu nơi đó có ai như bác thì ông cũng mồ yên, khói nhang ấm cúng.

Ông Ba lấy cái thẻ bài trong túi áo ra chùi vào ống quần nhìn hồi lâu.

- Thẻ bài là của bộ hài cốt này. Trương Văn Huy – sinh năm 1955 – còn quá trẻ để chết.

Ông nhìn Trung cười.

- Còn đám trẻ trâu các cậu lại đi tìm thác Âm Phủ để có cảm giác mạnh.

Trung không đi thác Âm Phủ mà ở lại giúp ông Ba đào huyệt. Lâu rồi anh không lao động nặng như thế. Đất ở đây cứng, từng nhát cuốc bổ xuống chỉ cào được ít đất. Mồ hôi Trung đổ như tắm, có làm mới biết rất nhiều mồ hôi pha lẫn nước mắt của ông Ba đã đổ xuống những huyệt mộ này. Ông Ba rửa từng lóng xương, cẩn thận đặt vào trong hũ theo thứ tự. Ông nhìn Trung chống xẻng đứng thở, nói lớn:

- Được không cậu trai trẻ?

Trung giơ ngón cái lên…

Ông Ba cắm cái bia lên ngôi mộ mới.

- Xong. Mồ yên mả đẹp!

Trung thắp nhang hết thảy các ngôi mộ.

- Để cháu tìm mấy loại hoa trồng lên mộ cho đẹp hơn.

- Cậu cũng có tâm đó.

- Chuyện nhỏ, có nghĩa gì so với bác.

- Mỗi người giúp một chút, quan tâm đến nhau một chút thì xoa dịu được nhiều nỗi đau lắm. Cũng mất cả ngày của cậu, chút tôi chỉ đường cho sớm mai đi thác.

- Dạ thôi, cháu muốn đi theo bác vô rừng để tìm hài cốt.

- Trời… cực lắm à. Có khi để làm cho xong việc phải ngủ lại trong rừng.

- Đi với bác thì cháu không sợ.

- Đêm gặp các anh em, họ về đông lắm.

- Bác có sợ không?

- Sợ gì? Họ là đồng đội, đồng chí của mình mà. Linh hồn của họ cứ vương vấn mãi trong rừng già. Mỗi thân cây là nơi trú ngụ của một linh hồn… nên tôi căm ghét bọn phá rừng… Rừng phá tới đâu thì những linh hồn bị xua đuổi vào sâu hơn, chết vẫn không được yên.

- Cháu muốn nghe những câu chuyện như vậy chứ nào giờ chúng cháu được kể về chiến tranh khác như thế.

- Chúng ta chỉ muốn nói về những phần đẹp nhất, hào hùng nhất của chiến tranh như “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…” chớ đâu thấy cảnh “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con”. Tôi tưởng trái tim mình đã chai sạn nhưng có một ngày đào được ngôi mộ tập thể, bộ đội, lính Cộng hòa ngồi ôm lấy nhau… Chắc bị bom vùi… tôi quăng cuốc ngồi khóc thôi, không làm gì được nữa.

- Bắt đầu từ câu chuyện này đi, bác…

Con sói đang nằm im lìm giờ ngẩng đầu lên, hai tai thì vểnh như cũng đang lắng nghe…

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 23

Bài viết liên quan

Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm