TIN TỨC
  • Truyện
  • Người đẹp trong tranh | Nguyễn Cẩm Hương

Người đẹp trong tranh | Nguyễn Cẩm Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-07 19:34:42
mail facebook google pos stwis
1176 lượt xem

Nhà văn Nguyễn Cẩm Hương, quê quán: Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1978.
Cán bộ biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa.
Là một cây bút đằm thắm, giàu chất nữ tính, chị là tác giả của nhiều tập truyện ngắn đã xuất bản: “Người đàn bà chịu khát”, “Lời ru không năm tháng”, “Đám mây dĩ vãng”, “Chuyện của thời quá khứ”, “Những người đàn bà”, “Nơi mặt trời lặn sớm”, “Người của phố”…
Nguyễn Cẩm Hương giành được nhiều giải thưởng về truyện ngắn. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của chị.

 

Người đẹp trong tranh

NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Thành phố mà đoàn chúng tôi đổ bộ thuộc miền trung Tây Nguyên. Nơi được các “cạ” tán thành bỏ phiếu trong hội nghị bàn vuông tại nhà một chị lớn tuổi nhất hội. Ừ cũng đã 20 năm rồi tôi cũng chưa có dịp trở lại nơi này, điều ấy khiến tôi cũng nao nức chả kém gì những kẻ chưa một lần đặt chân đến.

Chiều tối, cả đoàn đã tề chỉnh bên bàn ăn của nhà hàng kiêm khách sạn nơi được đặt trước qua mạng. Phải nói nhà hàng khá đẹp với một phong cách thẩm mỹ khá nghệ thuật. Nó không hoành tráng theo kiểu xa hoa mà ấm cúng thanh nhã rất phù hợp với những người yêu nghệ thuật. Chúng tôi vừa nhẩn nha đợi món vừa lặng lẽ ngắm những bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh thấy tâm hồn thư thái một cách lạ thường. Bỗng từ một góc nhìn cách bàn chúng tôi ngồi khá xa tôi thấy một bức tranh không lớn như các bức trong phòng ăn vẽ một người con gái mặc chiếc áo sơ mi giản dị ở cái thời bao cấp, mái tóc xõa hơi rối, gương mặt tối sáng nhưng đẹp một cách bí ẩn. Tôi bỏ mặc những bức tranh phong cảnh mà bạn bè đang trầm trồ để lại gần bức tranh vẽ người con gái đó. Ồ là ai nhỉ, sao tôi cứ thấy quen quen mà không thể nhớ ra. Rõ ràng đôi mắt này tôi đã nhìn thấy ở đâu, nhưng khuôn mặt thì chịu. Hay họa sĩ đã cố tình vẽ khác đi để chỉ tập trung vào đôi mắt của người mẫu mà thôi. Tôi lặng lẽ quay lại bàn ăn, không trả lời những câu hỏi đang chất vấn. Cứ tưởng thế rồi thôi, ai ngờ tôi bỗng bị phân tâm chẳng còn để ý gì đến những món đặc sản của miền rừng đang được các tín đồ ẩm thực xuýt xoa khen ngợi. Ai nhỉ, tôi cứ mải lục tìm trong trí nhớ. Rất may một cậu nhân viên nhà hàng đem đồ ăn đến, tôi hỏi ngay: “Cho cô hỏi bức tranh cô gái kia là của họa sĩ nào vẽ thế?”. “À dạ là của bà chủ nhà hàng cháu đấy ạ, chính đấy là bà chủ chúng cháu thời trẻ đấy ạ, là ai vẽ thì cháu không biết. Nhưng tất cả những bức tranh trong khách sạn này đều là của bà chủ cháu vẽ đấy ạ”. Cậu nhân viên nói xong, nhanh chóng lễ phép cúi chào làm tôi chưa kịp hỏi thêm gì nữa. Ăn xong tôi quyết định tìm cho ra địa chỉ của bức tranh.

Chẳng cần phải rào trước đón sau, cô bé lễ tân đã kể cho tôi vanh vách những thông tin mà tôi đang muốn biết. Đó chính là Thủy, người bạn cùng cơ quan với tôi một thời khốn khó.

Hồi đó tôi và Thủy cùng vào cơ quan một ngày. Tôi gặp Thủy trong phòng làm việc của tổng biên tập tờ báo tỉnh để nhận quyết định phân công công việc. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi gặp nhau lần đầu, đó là cái cảm giác đố kị rất đàn bà, ghen. Ghen gì, ghen với nhan sắc của Thủy. Tôi chợt có cảm giác lo lắng cho tương lai của mình khi sẽ cùng làm việc với một người hơn mình nhiều mặt thế này. Cao hơn này, trắng hơn này và hơn thế xinh hơn là cái chắc. Tôi tỏ ra lạnh lùng và hơi có chút kiêu cũng chẳng biết kiêu vì cái gì. Nhưng Thủy lại nhoẻn cười chào tôi trước. Nụ cười làm gương mặt Thủy rạng lên như một cô bé 16 tuổi. Tôi muốn thể hiện mình hơn một cái gì đó, có thể là hơn tuổi nên tôi chủ động hỏi: “Em học trường nào vậy?”, “Dạ, cao đẳng mỹ thuật ạ”. A, thế thì mình hơn đứt rồi, mình học đại học, một trường danh tiếng đứng đầu tốp các trường đại học trong nước lúc bấy giờ. Tôi thoải mái hẳn lên. “Thế à, chắc về báo vẽ minh họa nhỉ”. “Vâng”. Lúc này ông tổng biên tập ngước lên nhìn hai chúng tôi một lát rồi trao cho mỗi đứa một tờ quyết định. Đôi mắt ông rướn qua cặp kính nháy nháy một hồi rồi mới nói. Sau này tôi mới biết ông có biệt danh là Nhâm nháy. “Hai cô về phòng trị sự. Trước mắt cô Huệ sửa morát, cô Thủy làm makét lên trang. Nhưng tôi nói trước các cô về đây là cứ phải 3 năm sau mới được lấy chồng đấy nhé. Không có như mấy năm trước mấy cô về chưa làm được gì đã chồng chồng con con rồi nghỉ”. Tôi hơi thất vọng cho cái công việc của mình nên không để ý đến lời đề nghị của ông, cũng có thể tôi nghĩ ông nói cho vui. Tôi sực nhớ đến hôm cô tôi đưa tôi đến xin việc đã không quên đặt dưới tập hồ sơ một chiếc phong bì và còn niềm nở “Em có cân mực khô, quà quê, biếu anh nhâm nhi cốc bia”. Còn Thủy thì có gì?

Chúng tôi cùng bước ra ngoài. Thủy chủ động rủ tôi: “Chị Huệ có rỗi ta ra quán giải khát uống cốc nước, trời nóng quá”. Thời đó mà rủ ra quán giải khát là cũng oách rồi, là có tiền rồi. Dù quán chỉ có nước chanh, sữa đậu nành… nhưng tôi cũng bắt đầu thấy thân thiện hơn. “Nhà Thủy ở ngay thành phố à?”. “Không, em ở tập thể của cơ quan chồng em.”. “Ơ có chồng rồi à, sao lấy sớm vậy”. “Không sớm đâu, em cũng 24 rồi mà. Em có một con gái sắp được một tuổi rồi”. Tôi sượng mặt vì tôi còn kém Thủy một tuổi. “Ồ thế mà, Thủy trẻ quá nên tôi cứ tưởng”. “Không sao đâu, nhiều người cũng hay tưởng thế”. “Thôi đừng xưng em nữa, đáng lẽ người xưng em phải là tôi mới đúng. Hay chúng ta cùng một ngày vào báo làm việc thì coi như bằng tuổi đi, xưng bạn bè với nhau cho tiện”. Thế là chúng tôi chơi với nhau từ đó. Thủy chủ yếu làm trình bày ma két trang, đôi khi cũng vẽ một vài hình minh họa bằng bút sắt. Tờ báo tỉnh thời đó còn nghèo nàn lắm, giấy thì đen, ảnh thì đen trắng mà cũng rất hiếm khi in ảnh, nên mục nào thiếu ảnh thì vẽ lằng nhằng vài cái minh họa. Song Thủy bảo với tôi như vậy là quá hạnh phúc rồi vì còn được làm đúng nghề chứ nhiều bạn cùng trường với Thủy ra trường chẳng có việc, toàn đi làm những việc trái nghề, thật uổng phí. Chồng Thủy cũng học hội họa cùng trường với vợ, nhưng tốt nghiệp trước vài năm, đang dạy ở một trường trung cấp nghệ thuật của tỉnh. Thủy là con gái Bắc Ninh, lấy chồng quê miền núi của tỉnh tôi nên cả hai vợ chồng phải ở nhà tập thể nơi trường chồng Thủy dạy.

Tờ báo hồi đó được bao cấp hoàn toàn nên công việc của chúng tôi cũng nhàn lắm. Tuần mới ra một số, chúng tôi chỉ làm tốc lực một, hai ngày là xong việc, báo đưa xuống nhà in là chúng tôi chỉ ngồi chơi, nên Thủy cũng hơi te tắt. Thủy luôn lấy cớ xuống nhà in để kiểm tra kỹ thuật rồi về để đi xin rau lợn, và vá may thêm ở nhà cho một số khách hàng quen. Tôi biết Thủy cũng khó khăn vì phải nuôi con nhỏ lại chẳng nhờ vả gì được gia đình hai bên. Tôi dẫu sao cũng ổn hơn, dù lương ba cọc ba đồng nhưng không phải lo cơm áo gạo tiền vì vẫn sống chung với bố mẹ. Thủy còn ít lương hơn tôi nhưng Thủy lại tháo vát khéo tay. Thủy làm thêm đủ thứ việc ở nhà nào nuôi lợn, đạp máy khâu hoặc móc khăn thuê. Hồi đó cứ ngồi đâu rỗi là Thủy lại lôi khăn len ra móc nhoay nhoáy.

Không biết có kẻ nào thóc mách hớt lẻo với tổng biên tập không mà một lần Thủy bị gọi lên khiển trách về tội không tập trung công việc và ăn bớt thời gian của cơ quan. Rồi cũng vì cái tội chân ngoài dài hơn chân trong nên Thủy luôn bị mất các danh hiệu trong các đợt tổng kết năm. Bị kéo dài thời gian lên lương, và cuối cùng giáng xuống sửa morát chứ không được trình bày trang và minh họa nữa. Tôi được chuyển sang phòng biên tập, làm phóng viên nên từ đó cũng ít dịp cùng xuống nhà in làm việc với Thủy nữa.

Dẫu làm gì thì thời đó chúng tôi cũng thuộc diện nghèo với đồng lương không đủ ăn. Tất nhiên cả nước đều thế, cán bộ nhà nước càng khốn khó. Khắp nơi các công đoàn cơ quan luôn phải chạy thêm kế hoạch 3 có nghĩa là phải tìm thêm công việc cho cán bộ công nhân viên cải thiện đời sống. Chả hiểu sao công đoàn báo tôi lại nghĩ ra cái trò đi làm nông dân. Nghĩa là xuống ruộng trồng lúa để kiếm thêm gạo ăn. Công đoàn cơ quan báo đi về các huyện, xã, xin được một khoảnh ruộng hoang, ngày chủ nhật đưa anh em đi làm ruộng. Đầu tiên là phải nhổ hết cỏ năn cỏ lác, làm sạch ruộng rồi mới thuê bò cày. Khi mới kéo nhau về nông thôn làm ruộng, ai nấy có vẻ háo hức lắm vì cái chính là được thay đổi không khí, nhưng khi bắt tay vào làm mới té ngửa không phải dễ. Những bàn tay trắng trẻo bỗng chốc phải thò xuống đám cỏ rậm rì dứt từng cụm cỏ dai ngoách, chẳng mấy chốc tím bầm rỉ máu mà chẳng bõ bèn gì. Khổ nhất là mấy anh chị dân thị thành nhưng không dám ho he phàn nàn vì sợ hôm sau bình bầu sẽ mất điểm. Tôi có dịp lại được làm cùng Thủy. chúng tôi đứng cạnh nhau cùng cúi xuống vơ cỏ kéo lên. Tôi ngó sang mà thấy đau cho bàn tay Thủy, những ngón dài trắng xanh thon mảnh bị nhấn chìm trong đám bùn mà thấy xót xa nhẫn tâm quá. Nhưng Thủy vẫn cười còn hào hứng bảo: Cuối vụ này chúng mình được ăn gạo mới rồi nhỉ. Bỗng Thủy nhảy lên cùng với tiếng hét váng trời, mặt mũi người ngợm đầy bùn, Thủy nháo nhào chạy vào bờ, rồi cứ thế khóc kêu cứu. Té ra là một con đỉa to như ngón tay cái đang bám chặt vào bắp đùi Thủy. May quá, một bác nông dân gần đó chạy lại và bảo: “Đứng yên để bác bắt cho”. Thủy dừng lại chìa chân mà mặt vẫn quay đi cùng với nước mắt nhoà lẫn với bùn. Con đỉa rời ra thì một dòng máu đỏ cũng tràn xuống chân cô ấy. Thủy ôm mặt khóc và nhất quyết không dám lội xuống ruộng nữa.

Sau lần đó Thủy bị loại khỏi đội đi lao động tự túc lương thực, nhưng công đoàn cũng hứa cho Thủy được đi gặt lúa khi đến mùa và Thủy phải làm chân gánh lúa về sân phơi hợp tác thì mới được chia lúa theo ngày công.

Đến mùa lúa chín, đi gặt cũng vui lắm. Thành quả lao động cũng chẳng là bao so với công sức nhọc nhằn đã bỏ ra nhưng ai nấy đều hí hửng vì có thêm chút gạo mới cho bữa cơm lâu nay toàn gạo mậu dịch hôi sì. Thủy không dám lội xuống ruộng thì phải gánh lúa. Hai bên đòn gánh kĩu kịt hai đon lúa. Mọi người nhìn theo đều cười, có phần mai mỉa. Nhìn Thủy rụt cổ còng lưng gánh bước đi xiêu vẹo trên con đường gập ghềnh của bờ ruộng, tôi thấy chạnh lòng mà chẳng biết làm sao. Nếu Thủy không làm thì ắt sẽ không được chia gạo.

Biết vậy nên Thủy không hé môi phàn nàn. Đến khi ông thư ký công đoàn phân công Thủy đi nấu cơm phục vụ anh em gặt lúa thì cô ấy sướng phát run lên. Thủy nấu ăn thì ngon rồi. Thủy chịu khó đi xin rau của bà con xã viên, đổi vài đon lúa lấy ít gạo mới và ít tôm tép, để có một bữa trưa thật ngon lành đến nỗi mọi người cứ tấm tắc chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon thế. Công việc lao động tự túc của cơ quan chỉ đến đó là dừng vì không thể đi hết công đoạn của hạt gạo. Thế là công đoàn bàn với hợp tác đổi số lúa tươi sang lúa khô rồi đưa vào máy xay xát của hợp tác để ra thành gạo chia cho anh em. Hôm liên hoan để kết thúc đợt lao động tự túc hoàn thành tốt đẹp. Công đoàn được xã cho hai quả mít đã chín nẫu. Anh em bổ ra liên hoan. Thủy và mấy chị em được phân công bổ mít lọc múi rồi bày ra đĩa. Tôi thấy Thủy lấy vài múi cho vào chiếc khăn mùi soa rồi bỏ vào túi xách. Đến khi ngồi ăn, Thủy bảo em không thích ăn mít rồi lảng ra chỗ khác. Tôi đoán Thủy muốn đem tý chút ngọt ngào về cho con và giữ ý không dám ăn phần của mình nữa. Chỉ có vậy mà hôm sau bình bầu đoàn viên công đoàn 4 tốt, có kẻ vẫn bới móc hành động này Thủy và đem ra mổ xẻ. Cô ấy chẳng những bị mất danh hiệu mà còn bẽ mặt vì đã bị cho là tự tư tự lợi.

Hồi đó tôi cũng hơi khó hiểu vì sao Thủy đẹp thế, dịu dàng thế mà lại không được anh em trong cơ quan quý mến. Nhất là ông trưởng phòng và đặc biệt là tổng biên tập. Thời đó con gái đẹp cũng được coi là trời cho, sao Thủy vẫn cứ trầy trật bởi những trù dập của mấy ông lãnh đạo. Đơn cử là cái việc Thủy vẽ minh họa. Khi còn ở cùng phòng với Thủy, khi nào họp Thủy cũng bị trưởng phòng phê phán, lúc thì ông chê Thủy vẽ không giống “Sao con chim gì mà lại giống con quạ thế này”, “Dạ trong bài là con ó đấy ạ”, “Con ó là con chim chứ gì nữa”. “Cô vẽ cây tre gì mà lá cứ nhảy ra khỏi cành thế”, “Dạ em vẽ cách điệu thôi mà, thơ thì vẽ cho nó nghệ thuật thôi ạ”. “Vẽ mà không giống thì còn gì là vẽ nữa, chụp ảnh cho xong”, đại loại vậy. Và rồi cái gì đến nó phải đến khi mà người ta luôn soi Thủy ở mọi nơi mọi lúc.

Lần đó. Báo đã ra xưởng, may chưa kịp phát hành thì có người cầm lên xem và phát hiện ra ngay trên dòng tít lớn của trang nhất bị sai lỗi chính tả. Mà lỗi chính tả lại phạm húy lãnh đạo tỉnh. Chỉ vì đáng lẽ chữ “chí” thay bằng chữ “chó”. Vậy là nguy to rồi. Cả tòa soạn nháo nhào cả lên để lo đi hủy toàn bộ số báo. May là chưa phát hành nhưng không hiểu sao tin đồn đã bay đi xa đến tận tai ông Bí thư K. Và tòa soạn không thể xóa nhẹm được dấu vết. Tất nhiên Thủy bị kỷ luật, đuổi việc. Mặc dù Thủy đã chìa bản bông tờ báo là có sửa rồi nhưng công nhân nhà in đã để sót. Song, sự bực tức của ông Bí thư nhằm vào tờ báo và tòa soạn chỉ còn biết túm tóc Thủy. Những ngày ấy bầu không khí cơ quan cũng u ám. Thủy vật vờ khóc sưng cả mắt chờ quyết định. Tôi cũng thấy Tổng biên tập gọi Thủy lên phòng mấy lần nhưng mỗi lần ra khỏi phòng giám đốc thì mắt Thủy lại càng sưng hơn. Vậy là không có hy vọng gì. Trong cuộc họp kiểm điểm tôi lại không cùng bộ phận với Thủy nên không lên tiếng bênh vực Thủy được. Nhưng tôi vẫn có thể lên gặp ngài tổng biên tập và nhờ cô của tôi cùng với chiếc phong bì kẹp kín đáo dưới tập tài liệu. Song tôi cứ chần chừ mãi với những tính toán, liệu như vậy tôi có bị ai phát hiện hoặc có ảnh hưởng gì đến công việc của tôi không. Tôi cũng có bàn với Thủy tự làm việc đó để giữ uy tín và bí mật cho bản thân nhưng Thủy không chấp nhận. Cô ấy bảo chút tiền mọn của mình chẳng ăn thua gì đâu, Huệ ơi. Ông ta đòi nhiều hơn. Tôi thật thà hỏi: Đòi bao nhiêu, mình cho vay. Thủy chỉ lắc đầu.

Rồi ngày Thủy phải rời cơ quan cũng đến. Chúng tôi lại ra quán ngồi tâm sự. Tôi thương Thủy vô cùng vì nghĩ đến những ngày sắp tới bạn sẽ làm gì để kiếm sống và nuôi con. Lúc này tôi bộc bạch hết tâm tư của mình rằng hồi mới gặp Thủy tôi cảm thấy ghét vì thực tình bạn xinh quá, tôi sợ Thủy sẽ chiếm hết cảm tình của đàn ông trong cơ quan. Thủy cười, nụ cười chua chát đầu tiên kể từ khi lâm nạn. Cô ấy bảo rằng đó cũng chính là nỗi bất hạnh của mình đấy. Chao ôi, giá như đừng xinh đẹp, giá như Thủy biết lợi dụng sắc đẹp của mình thì đời có khi đã khác rồi. Tôi hơi ngạc nhiên: Vậy sao? Đúng thế. Rồi Thủy kể cho tôi biết ngay từ hôm đi xin việc Thủy đã bị ngài “tổng” gạ gẫm rồi. Thủy không có gì ngoài tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cô ấy tưởng mình được vào làm việc vì điều ấy. Nhưng hôm sau ngài ấy đã bóng gió nói rằng: Cái bằng đỏ mà cô được vào đây làm việc là cái bằng nhan sắc đấy. Cô hãy phát huy để làm đẹp cho tờ báo. Đã nhiều lần ông gọi cô lên phòng tổng biên tập để nhắc nhở một vài việc, thực tình là đóng cửa lại rồi ép cô vào tường hôn hít sờ soạng. Những lần ấy Thủy đều kháng cự quyết liệt và từ chối lời đề nghị đi chơi của ông. Thủy kể nhiều khi nghĩ đến bữa cơm thiếu cá thịt của con Thủy cũng định thí cho lão ta một chút để yên phận làm việc dễ có tiền hơn nhưng nhìn cái mặt béo ị dâm đãng ấy Thủy tởm quá không chịu nổi. Rồi có phải mình ngài tổng đâu, đến cả tay trưởng phòng cũng gạ tình. Trưởng phòng trẻ hơn, ga lăng hơn nhưng cũng mưu sâu kế độc hơn. Hắn tuyên bố xanh rờn là kiểu gì Thủy cũng ngả vào tay hắn vì hắn có biệt tài chiều chuộng đàn bà. Lắm lúc gã cũng ưu ái với Thủy như con ốm, xin nghỉ một ngày, gã bảo em cứ nghỉ hẳn 3 ngày chăm con cho nó khỏe, rồi sẵn sàng cho Thủy được làm việc tại nhà… Nhưng sau những đận gia ân ấy bao giờ hắn cũng hẹn gặp Thủy ở một địa điểm nào đó. Thủy tìm lý do chối một lần hai lần thì gã còn chấp nhận nhưng đến lần thứ ba thứ tư thì y bắt đầu rắn mặt đe dọa. Tới khi biết con mồi khó gặm, hắn trở mặt tìm cách hãm hại. Cánh đàn ông trong cơ quan thừa biết người đẹp dàn trang đã lọt vào tầm ngắm của các sếp nên tảng lờ, chả ai dám quan tâm đến Thủy nữa. Và bạn tôi đành chịu cô đơn, hẩm hiu bởi chính nhan sắc của mình.

Mất việc, Thủy về mở quán nước trước cổng trường của chồng, quán đông khách nhưng cũng toàn học sinh sinh viên. Nợ nần nhiều, lại khó đòi nên Thủy cụt dần vốn. Cộng thêm những lời ì xèo của các giáo viên trong trường nên đức lang quân xấu hổ, bảo vợ phải nghỉ quán. Thủy chỉ còn nước chạy chợ. Sáng sớm tinh mơ đi đón rau quả của nông dân từ các huyện về thành phố rồi đạp xe đi bán dạo vì cũng không có chỗ ngồi trong chợ. Một lần tôi dừng xe sà vào một xe rau dọc đường để hỏi mua, ai ngờ lúc ngẩng lên bắt gặp gương mặt cô bạn đang cúi gằm. Tôi suýt thốt lên vì không thể nghĩ là Thủy nếu không vì đôi mắt. Thủy đen choay, hốc hác, tóc búi sơ sài, đôi mắt vẫn đẹp nhưng rầu rĩ. Tôi bảo, bỏ xe rau đi tôi mua tất đi uống cà phê với tớ. Thủy chần chừ làm tôi phải bê cả sọt rau lên xe tôi rồi kéo bạn đi. Lúc này tôi mới biết Thủy đâu chỉ khổ đến như thế. Cô ấy kể ông chồng cặp bồ với một em sinh viên. Anh ta trắng trợn bảo nếu Thủy ghen thì ly hôn đi. Cô đành câm lặng vì đứa con còn nhỏ quá. Nhưng sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn vì Thủy không thể chịu đựng hơn nữa cảnh nhìn chồng hàng ngày cặp kè trong cái thành phố không lấy gì làm rộng lớn này. Nhiều hôm đi bán rau dạo, Thủy đau đớn bắt gặp cảnh chồng mình cùng cô bồ đang vui vẻ trong quán nước hay cả hai tay trong tay dắt nhau vào nhà nghỉ. Thủy chỉ còn biết cách kéo khăn che mặt thật kín để chồng khỏi nhận ra mình trong tình huống oái oăm này. Lần thứ hai tôi lại gặp Thủy bưng bê trong một quán phở mà tôi bước vào ăn sáng. Tôi không dám lên tiếng vì ngại cho Thủy nên chỉ ra hiệu hẹn gặp Thủy vào cuối giờ làm việc. Chúng tôi lại được hàn huyên. Lần này Thủy xơ xác gầy tọp. Đôi mắt không còn mở to nữa mà sùm sụp chắc do nhiều đêm khóc và mất ngủ. Thủy bảo đã ly dị chồng, may mà còn giành được quyền nuôi con nhưng anh ta không thực hiện nghĩa vụ nuôi con, nên Thủy cùng cực về kinh tế, phải đi làm thế này để kiếm tiền từng ngày. Tôi lục túi còn bao nhiêu tiền trong ví bèn dúi hết cho Thủy. Tuy ngượng nhưng bạn cũng cầm, vì biết tôi chân thành. Tôi về nhà đêm nằm nghĩ nát óc để tìm cách nào giúp Thủy có một việc làm ổn định. Nhưng thời đó đang rơi vào tình cảnh cả nước đương giảm biên chế. Các cơ quan cũng đang sàng lọc những thành phần dôi dư rất căng thẳng. Thủy có nghề, nhưng lúc đó người ta cần miếng ăn nhiều hơn chứ không ai đếm xỉa đến ngắm nghía những bức tranh nghệ thuật. Tôi sực nhớ mình có người cô họ đang bán tranh ảnh cho các nhà chùa. Thủy có thể vẽ theo yêu cầu để họ đi in lưới bán vào các dịp lễ tết ngày rằm mồng một ở các chùa. Tôi lập tức đi tìm Thủy. Bạn vui lắm và nhận lời ngay vì có việc làm đúng với sở trường. Bẵng đi đến vài tháng sau do tôi bận chút việc gia đình nên không tới thăm Thủy được, thời đó lại chưa có điện thoại di động, nhà bạn lại không có máy bàn, nhưng tôi vẫn tin chắc mọi việc ổn cả vì không thấy cô tôi nói gì và không thấy Thủy tìm gặp tôi. Khi tôi đến căn nhà trọ của Thủy thì người chủ nhà bảo rằng cô ấy đã đi khỏi đây hơn một tháng rồi, đi đâu không rõ. Gặp cô tôi thì cô nói Thủy có làm một thời gian nhưng tranh Thủy vẽ không bán được, do không hợp với thị hiếu người mua. Nên tự Thủy nghỉ việc và hình như ôm con lên miền núi làm gì đó, hình như lên làm công nhân trồng trọt cho một trang trại nào đó. Lương ổn định, có nơi ăn chốn ở, con được đi mẫu giáo miễn phí. Thôi thế cũng ổn tôi tự nhủ bằng lòng như vậy và quên đi cho đến tận bây giờ cũng đã ngót nghét 30 năm.

Tôi gặp lại Thủy không khó. Thủy mừng rỡ đến trào nước mắt. Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt đã chảy sệ vì dấu thời gian nhưng lại lọt ra từ cặp mắt sâu thẳm vẫn đẹp đến mê hồn tuy đã hằn nhiều vết chân chim. Chúng tôi ôm chặt nhau lúc lâu như muốn cảm nhận hết nỗi chuân chuyên của thời gian. Đêm đó chúng tôi nằm bên nhau, vì Thủy bảo đã mấy chục năm rồi từ khi con gái lớn Thủy không nằm cạnh ai bao giờ. Tôi không muốn hỏi thêm gì về đời tư của Thủy nữa, như vậy cũng đủ hiểu. Thủy ở vậy nuôi con và vươn lên để làm giàu. Tôi không muốn kể công cuộc đi lên từ hai bàn tay trắng của Thủy bởi chắc chắn rằng nó rất gian nan, rất vất vả và cả cay đắng nữa. Thủy chuyển vào Tây Nguyên sinh sống cũng vì con gái đã theo chồng vào đây. Thủy rất yêu rừng núi do thời gian do quãng thời gian từng gắn bó. Thủy kể mình từng là chủ vựa cà phê lớn nhất vùng, là người đầu tiên sử dụng cơ giới hóa trong trồng trọt và liên doanh với nước ngoài. Bây giờ có tuổi rồi nên mở nhà hàng để trổ tài nấu nướng vốn là đam mê của Thủy và vẽ tranh theo ý thích để trang trí trong các căn phòng khách sạn chứ không bán mặc dù đã có nhiều người nước ngoài hỏi mua. Mỗi bức tranh là một nỗi niềm của Thủy, mỗi bức vẽ là một tâm trạng Thủy lúc đó nên bạn ấy không muốn bán đi kỷ niệm của mình. Thế còn bức chân dung kia, ai vẽ Thủy vậy, tự họa à? Thủy gật và mỉm cười rồi lại hỏi tôi. Thế Huệ không nhận ra mình của chính thời đó sao. Đó là khi mình nhớ về mình, nhớ về Huệ cái thời khốn khó mà ngây thơ đáng yêu của bọn mình đấy. Ừ nhỉ, tôi bỗng sực nhớ ra cái dáng mỏng manh nụ cười diệu vợi và đôi mắt như khao khát điều gì của Thủy thời đó đã hiện lại trong bức tranh. Đúng rồi, đó là Thủy, cái ngày mới bước chân vào cơ quan báo, cứ tưởng sẽ làm liêu xiêu bao đàn ông, mà cuối cùng Thủy lại bị dìm chết bởi những gã đàn ông đốn mạt.  

(Truyện do nhà văn Nguyễn Minh Ngọc giới thiệu).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm