TIN TỨC

Nguyễn Minh Châu, một nhà văn tiên phong của văn học đổi mới

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
7921 lượt xem

 

Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa Trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí văn nghệ Quân đội. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1972. Ông qua đời ngày 23 tháng 1 năm 1989 tại Hà Nội thọ 59 tuổi.

Sau năm 1975, văn học Việt Nam trải qua một cuộc chuyển mình dữ dội, không chỉ từ văn học thời chiến sang thời bình, từ văn học sử thi sang văn học thế sự và đời tư, mà trong chiều sâu của nó có sự chuyển động từ văn học tuyên truyền chính trị, phản ánh hiện thực theo phương pháp hiện thực XHCN sang một nền văn học hậu văn học cách mạng, hậu hiện thực XHCN. Bởi từ trong đáy sâu của ý thức, nhiều nhà văn đã nhận ra văn học chính trị và chủ nghĩa hiện thực XHCN đã trói buộc sáng tác quá nhiều và khao khát giải thoát khỏi các trói buộc ấy.


Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989).

Thuật ngữ văn học hậu văn học cách mạng hay văn học hậu hiện thực XHCN có thể sẽ gây tranh cãi, song rõ ràng không thể coi văn học đổi mới là văn học cách mạng như cũ, cũng không thể cứ gọi mãi nó là văn học đổi mới. Bởi sau khi đổi mới văn học sẽ có một tính chất mới, khác trước, mà không thể gọi chung chung là “đổi mới” được. Dù sao ta không thể loại bỏ sáng tác thời kì này của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Tô Hoài, và của nhiều nhà văn nữa là văn học cách mạng khi nó không phục vụ chính trị và không theo phương pháp sáng tác hiện thực XHCN. Hàm nghĩa của Đổi mới đã biến đổi trong tiến trình văn học. Lúc đầu người ta nghĩ rằng, lí thuyết Mác-Lê vốn là khoa học, đã bị hiểu sai, dung tục hóa, đổi mới là tìm lại cách hiểu đúng cho nó. Nhưng tiếp theo Liên Xô và cả Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, người ta nhận thấy quả là vấn đề quá lớn, mà các nguyên lí từ phản ánh, tính đảng cho đến lí thuyết đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa xã hội đều là các lí thuyết không thể một thời gian ngắn có thể giải thích rõ ràng, các nhà văn còn phải suy nghĩ xa hơn nữa, tạo nên một bước ngoặt thật sự trên con đường giải phóng nghệ thuật. Vừa đến những năm 90, cuộc hội nhập quốc tế về văn hóa văn nghệ đã tiếp sức cho những tìm tòi mới, tiếp cận chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Xét về mặt này, văn học Việt Nam sau 1986, dần dần, một bộ phận lớn, quan trọng, tiêu biểu cho tinh hoa đã chuyển sang giai đoạn văn học hậu văn học cách mạng và hậu hiện thực XHCN, mà nhiều nhà văn đã thể hiện.

Về mặt chính trị, Đổi mới là đường lối thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị nhằm cứu vãn tình trạng khủng hoảng trầm trọng do nhiều sai lầm tích tụ lâu ngày cả về lí thuyết và thực tiễn, quan trọng nhất là đổi thay tư duy về xã hội và kinh tế, hướng tới giải phóng mọi tiềm lực xã hội để phát triển sản xuất theo hướng kinh tế thị trường, thừa nhận nhiều thành phần kinh tế. Bản thân chính sách Đổi mới đó là một cuộc thay đổi về đường lối của đảng cầm quyền làm cho nó thích nghi thời cuộc, đồng thời làm thay đổi toàn bộ xã hội, có thể diễn biến theo xu hướng xấu hơn, như ta đã thấy về văn hóa, đạo đức xuống cấp, mà đương thời không ai có thể dự đoán hết được. Về văn nghệ cũng thế, trước hết “Đổi mới” lúc đầu chỉ nhằm cởi trói, tháo gỡ các nút thắt trói buộc văn nghệ do hiểu và vận dụng lí luận Mác Lê. Nhưng càng về sau càng hiểu rõ bản thân lí thuyết Mác Lê về văn nghệ có nhiều bất cập, và nhiều nhà văn đã tự giải thoát, tìm tòi lí luận thích hợp cho mình. Chính sách văn nghệ của Đảng, tuy vẫn cứng rắn, song cũng tạo nhiều khoảng trống tự do về phong cách và phương pháp sáng tác, không nhắc tới chủ nghĩa hiện thực XHCN và tính đảng, tính nhân dân nữa. Và khuynh hướng tự do hóa trong văn nghệ trở thành xu thế không thể đảo ngược. Công cuộc đổi mới văn nghệ của ta bắt đầu từ sự nêu lên những sai lầm về quan niệm văn nghệ, những lí thuyết trói buộc văn nghệ cần được tháo gỡ, nhưng văn nghệ sẽ như thế nào hầu như chúng ta chỉ có một lí tưởng nhân văn và các khuynh hướng của văn nghệ thế giới đang mời gọi. Trong bối cảnh đó, vai trò sáng tạo chủ động, tự quyết bung ra của các cây bút tài năng có vai trò cực kì quan trọng. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Tô Hoài, Nguyễn Bình Phương và một số cây bút khác đã mở ra các hướng mới. Mỗi người có một cách đi. Một phương hướng và văn nghệ đổi mới là một hợp lực của những tìm tòi sáng tạo có tính cá nhân ấy. Bức tranh văn học Việt Nam hơn 40 năm qua đã hết sức đa dạng mà cho đến nay vẫn chưa thấy có công trình nào tổng kết toàn diện về các khuynh hướng nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Minh Châu là một nhà nghệ sĩ tiên phong rất đáng được nghiên cứu.

Vai trò tiên phong của Nguyễn Minh Châu thể hiện ở trên ba phương diện. Phát hiện vấn đề, đổi thay lí thuyết và thực tiễn sáng tác.

1. Người nhận thức thấu triệt những phẩm chất và làm ra văn học cách mạng.  Nguyễn Minh Châu là một nhà văn tiêu biểu của văn học cách mạng và đã sáng tác những tác phẩm tiêu biểu cho văn học này, như Dấu chân người lính. Nhờ thế ông hiểu hơn ai hết về tính chân thực của văn học này. Đọc Trang giấy trước đèn, phê bình và tiểu luận của nhà văn ta thấy ít nhất, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra ba vấn đề chính xác và quan trọng. Một là hoài nghi về tính chân thực của văn học ta, do nhu cầu tuyên truyền mà tự tô hồng, che giấu bớt sự thật mất mát, đau đớn (1978). Hai là ông phát hiện ra sai lầm trong phương pháp sáng tác, đó là coi trọng cái thực tại cần phải có hơn cái thực tại vốn có. Đây là nhận xét mà sau đó nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đã khái quát lên thành chủ nghĩa hiện thực phải đạo gây tranh luận một thời. Và ba là ông là người đầu tiên và duy nhất đề xuất Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (Báo Văn nghệ, số 49/50 ngày 5/12/1987), trong đó mô tả toàn bộ cái không gian chật chội, trói buộc, gieo rắc sự sợ hãi, chán nản, nếu nhà văn có ý tưởng, phát hiện mới mẻ của riêng mình thì buộc phải ngụy trang, che chắn một cách thảm hại nếu muốn viết. Người nghệ sĩ muốn trở thành nghệ sĩ lại phải giết dần cái phần nghệ sĩ trong bản thân mình… Ông đã lên án sâu sắc, triệt để chủ nghĩa giáo điều trong văn nghệ. Cho đến lúc đó chưa có ai lên tiếng phê phán lí thuyết giáo điều và sự trói buộc sâu sắc hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Nhiều nghệ sĩ lớn cũng cảm thấy, nhưng không ai nói. Điều này cho thấy Nguyễn Minh Châu rất dũng cảm.

2. Người dứt khoát vứt bỏ các nguyên tắc lí thuyết giáo điều trong văn nghệ đương thời. Chính vào lúc các tác phẩm Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1985) được ông Hà Xuân Trường cổ vũ như là thành tựu của chủ nghĩa hiện thực XHCN, thì trong sáng tác thời kì này của Nguyễn Minh Châu như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Cỏ lau (1989), Mảnh đất tình yêu (1987), ông không còn sáng tác theo phương pháp sáng tác hiện thực XHCN nữa. Tác phẩm của ông không viết ra theo yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ tuyên truyền chính trị. Các nhân vật của ông không phải là các nhân vật điển hình khái quát, như hình tượng người cộng sản, anh bộ đội cụ Hồ, người nông dân XHCN… mà có vẻ như những con người cá biệt, thậm chí là dị biệt. Điều này đã được một nhà phê bình đương thời chỉ ra như một khuyết điểm, nhưng theo chúng tôi, đó là một ưu điểm quan trọng. Ông cũng không sáng tác các nhân vật anh hùng của thời đại, trái lại xây dựng các nhân vật “phản anh hùng”, nghĩa là những người bình thường. Phải vứt bỏ điển hình hóa thì mới có thể có các hình tượng như Tiểu đoàn trưởng Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam, chẳng tiêu biểu gì cho bộ đội giải phóng ngay sau ngày 30/4/1975 vừa giải phóng miền Nam. Anh ta là một kẻ ích kỉ, tàn nhẫn, xấu xa. Anh bộ đội và người họa sĩ trong Bức tranh chẳng điển hình gì cho loại người vừa chiến thắng mà họ có thể đại diện. Phải vứt bỏ điển hình vì các nhân vật lúc này đang chuyển hóa, đang diễn biến, không thể ổn định như trước nữa. Nhân vật của ông cũng không nhằm vẽ ra những tấm gương anh hùng, trái lại nhân vật có vẻ như là những phản anh hùng, những con người thừa, những dị biệt bình thường. Nhân vật Phác là anh hùng thật sắp được phong Anh hùng thì trong sinh hoạt sau giải phóng chẳng có vẻ gì là anh hùng cả. Anh ta thích đi thăm thú nơi này nơi khác, sau khi đã chiến thắng. Tác phẩm của ông không nhằm đem lại một niềm lạc quan cách mạng nào cả. Sáng tác của ông hoàn toàn đi ngược lại với hệ thống lí luận cũ vẫn đang thịnh hành, khiến cho giới phê bình lúc ấy không thể hiểu nổi. Ông Hà Xuân Trường lúc ấy, đã nói dè dặt: sáng tác của Nguyễn Minh Châu chỉ có một nửa hiện thực XHCN. Tác phẩm của anh ấy nhiều ưu tư quá, thiếu tinh thần lạc quan cách mạng. Nhận xét của Hà Xuân Trường đã cho thấy Nguyễn Minh Châu đã trượt khỏi chủ nghĩa hiện thực XHCN, mà đi theo một khuynh hướng sáng tác khác, rõ ràng lí thuyết cũ không thể đánh giá được sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Và chỉ những ai vượt qua lí thuyết thịnh hành ấy thì mới có thể hiểu được ông.

3. Trăn trở tìm tòi những hướng sáng tác mới. Nhận thấy văn học thiếu chân thực, ông đi tìm cái chân thực. Cái chân thực là cái vốn có trong đời sống mà ai cũng có thể nhận thấy mà người ta có ý làm ngơ, nhắm mắt không nói đến. Nguyễn Minh Châu không chấp nhận lối sáng tác cài hoa kết lá vờn mây cho những gì có sẵn, ông viết những gì không có sẵn trong các quy phạm, nhưng lại có trong thực tế. Khắc phục lối miêu tả hiện thực theo nguyên tắc cần phải có, nhà văn hướng đến miêu tả hiện thực như nó vốn có, ngược lại với cái cần phải có. Trong cả ba tập truyện ngắn cuối đời, Nguyễn Minh Châu không phản ánh hiện thực đấu tranh địch ta, không tuyên truyền chính trị, mà hướng về cái hiện thực vốn có, hướng về cách ta hiểu về hiện thực, hướng về tự phản tỉnh thái độ đối với hiện thực. Bức tranh, Bến quê, Dấu vết nghề nghiệp, Một lần đối chứng, Cơn Giông, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Sắm vai… thuộc về loại này. Ở đây có hiện thực của những chủ thể đầy ngộ nhận, nhầm lẫn, nói lên khả năng nhận thức của chủ thể rất giới hạn chứ không hề thần thánh. Không có con người toàn bích, sáng suốt đại diện cho trí tuệ thời đại. Một người thủ thành, giữ gôn, tuy bắt được những quả penalty, song cũng để lọt lưới những quả bóng rất ấu trĩ. Các cán bộ trong Chiếc thuyền ngoài xa tỏ ra hời hợt và rất non nớt trước hiện thực phức tạp. Nhân vật Nhĩ trong Bến quê là cán bộ cấp cao, từng qua nhiều nước, nhưng vẫn chưa đến được bến quê của mình. Nhân vật trong Sắm vai chỉ biết đóng vai mà đánh mất bản thân mình. Cái xa thực tế như thế thật đáng buồn. Đó là cả một mang hiện thực to lớn chưa hề được nói đến. Điều này thể hiện niềm ưu tư của nhà văn như ông Hà Xuân Trường cảm thấy. Một lần đối chứng tôi nghĩ không phải nói chuyện nhận thức lầm loài vật. Nó được viết sau năm 1979, thì cũng có thể hàm ý ta đã quá hiểu lầm với quân bành trướng và tay sai của chúng. Cái hiện thực vốn có khả năng cung cấp nhiều nghĩa cho người ta suy nghĩ hơn là cái hiện thực được quy định sẵn. Trong Khách ở quê ra nhà văn đã miêu tả đầy đủ hình ảnh một người nông dân cá thể, tư hữu, không vào hợp tác xã mà không hề có ý vị phê phán, trái lại với tất cả sự đồng cảm, nể phục sức lao động sáng tạo của người nông dân cá thể, tư hữu, mặc cho ông Bời Bí thư Huyện ủy quyết đưa ông Khúng lên CNXH. Trong Phiên chợ Giát, nhà văn thể hiện niềm ưu tư sâu sắc về số phận con người nông dân, không phải là nông dân tập thể, mà là con người nông dân trong đời sống của họ. Cho dù muốn giải phóng cho con bò được tự do thì cũng không thể được. Sự trở về của con bò nói lên việc con người không thể thoát khỏi số phận chính mình. Đó là chưa nói đến khía cạnh sinh thái được đề cập trong truyện Sống mãi với cây xanh.

Qua các sáng tác cuối đời, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện những chủ đề mới của văn học, cho ta nhìn thấy những khía cạnh phong phú, phức tạp mà văn học trước đó chưa hề đề cập.

Về nghệ thuật ông đã chuyển sang độc thoại nội tâm của những người kể chuyện xưng tôi hoặc người kể mang điểm nhìn bên trong của nhân vật. Ông bắt đầu trở về với ngôn ngữ biểu tượng. Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa, Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra… đều là các biểu tượng mới của văn học. 

Nguyễn Minh Châu đã qua đời quá sớm khi tài năng đang độ chín và cuộc đổi mới văn học của đất nước vừa mới bắt đầu. Nhưng các suy nghĩ sâu sắc của ông về thực trạng văn học, các sáng tác mở đầu của ông đầy dứt khoát kiên nghị, hoàn toàn đủ để ta nhìn thấy ở ông – một nhà văn tiên phong của văn học đổi mới.

 Trần Đình Sử/Vanvn

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm