TIN TỨC

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân: Trái tim chân thành, tấm lòng độ lượng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-01 21:01:16
mail facebook google pos stwis
1197 lượt xem

ĐOÀN TUẤN

Mùa mưa những năm 1980-1981, rừng Anlung Viêng, Đông – Bắc Campuchia, tôi bị sốt rét, nằm trên võng trong hầm ngập nước, đồng đội Lê Minh Quốc cầm cho tôi cuốn Văn Nghệ Quân Đội. “Đọc đi. Có bài “Con tem quân đội” hay lắm!”.

Quốc vừa đi gùi thực phẩm ở trung đoàn về, ghé vào, cho tôi quà quý. Tôi mở, đọc ngay: “Anh về từ chiến trường xa/ Con tem quân đội làm quà tặng em/ Tay em năm ngón dẫu mềm/ Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm…”. Thơ ai mà tự nhiên như thế? Đọc tiếp: “Miền Nam không có mùa đông/ Vẫn em se lạnh sắc hồng trong tay/ Em rằng chỉ thoáng gió lay/ Màu tem lẩn giữa màu mây đồng bằng…”. Tác giả là người Nam bộ. “Màu mây đồng bằng” gợi lên không gian bao la thoáng đãng và trong sáng cao xanh. Chẳng bù cho nơi này, bầu trời thấp phủ xuống rừng lá thấp. Mái hầm sũng nước trùm lên một người đang sốt.

Dạo ấy, hai đứa chúng tôi cùng đơn vị, ngày đi tuần, đêm đi phục. Cả hai đều có ước mơ chung. Làm được những bài thơ phản ánh đúng cuộc sống và chiến đấu của lính tráng. Lê Minh Quốc đang ấp ủ bài thơ dài “Đất nước và Người lính”. Còn tôi, đang làm công việc chôn cất tử sĩ, cũng bắt đầu viết “Đất bên ngoài Tổ quốc”. Toàn chủ đề lớn. Sao có người làm được thơ về cái vật bé xíu? “Con tem quân đội”, chúng tôi có đầy trong ba lô. Đã bao lần lấy tem dán lên bì thư, chúng tôi không ai nghĩ đến chuyện làm thơ về nó. Vậy mà có người viết. Viết rất hay. Sao lại là món quà? Sao phải cầm một cách dịu êm? Sao lại sợ gió lay? Và sắc hồng sao lẩn vào màu mây? Mây đồng bằng có khác gì mây rừng núi?

Khi khỏi sốt rét, tôi khoác súng sang đại đội Quốc. Trò chuyện về thơ. Thơ Quốc viết đầy trên cánh võng. Dưới ánh trăng mờ đêm mùa mưa, hai thằng nằm trên hai con thuyền, tâm tưởng trôi về thơ. Bài thơ ấy nói với chúng tôi rằng, thơ không phải là việc viết về cái gì. Quan trọng nhất, cần phải có hồn thơ trong mọi vật. Hồn thơ ấy tỏa ra từ người làm thơ. Về bài thơ ấn tượng này, tác giả  tâm sự: “Con tem quân đội lưu dấu những rung cảm của thời thiếu nữ trong lành, khi ấy, những năm sau 1975, thay vì đi dạy sau khi tốt nghiệp sư phạm, tôi bước đầu làm quen với văn học, viết và yêu…”.  Đơn giản “viết và yêu” thôi sao? Song, tôi nghĩ, đây là thời gian rất hạnh phúc của chị. Còn gì sung sướng hơn, chỉ việc viết và yêu? Yêu và viết?

Những rung cảm đầu đời, như chị nó “của thời thiếu nữ trong lành” đã khơi trong chị nguồn cảm xúc như thác đổ. Thiên thời – địa lợi – nhân hòa, cả tâm hồn là thơ. Cả đất trời là thơ. Và người mình yêu cũng là cả một vùng sáng đầy thơ. Chị  nhìn đâu cũng thấy thơ. Như bài “Áo người yêu”. Áo quần lính tráng phơi đầy rừng. Còn đậm mùi máu, mùi mồ hôi, mùi thuốc súng, mùi khói mìn… Chúng tôi đâu thấy gì? Nhưng, chị cảm nhận, một sự cảm nhận rất riêng: “Dáng áo cũng trầm như dáng anh/ Về phép chưa quen nắng phố mình/ Để em nhìn chiếc sào phơi mãi/ Chỉ sợ nắng làm áo phai xanh/ Sợi vải nào thương anh giữa đêm?/ Sợi vải nào vương hơi thở mềm?/ Sợi vải nào nhớ vùng ngực ấm?/ Có sợi nào tương tư áo em?”. Rất cổ điển song cũng rất hiện đại về nội dung và hình thức. Không thể phân tích được cổ điển thế nào, hiện đại ở đâu, bởi chúng nhuần nhuyễn, quấn quyện vào nhau.

Người Việt Nam thường sống nặng về tình cảm. Nhiều câu thơ, bài hát đã giúp bao con người vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Song, tác giả của những tác phẩm đó thường ít được biết đến giá trị tinh thần của những đứa con tuyệt vời của mình. Tôi có người bạn cũ. Anh tâm sự, nhờ được đọc một bài thơ của tác giả Đinh Thị Thu Vân mà anh như sống lại. Anh đã cứu được cuộc hôn nhân bên bờ vực của mình. Đã cứu được gia đình mình và cứu được chính mình. Anh có tật ghen bóng ghen gió. Một hôm, tình cờ đọc được bài thơ cũ của vợ tặng người yêu thuở sinh viên, anh đã nổi giận. Anh đay nghiến vợ. Và quyết định ly thân.

Trong bước đường lang thang, ở một nhà ga xe lửa, anh mua tờ báo. Tình cờ, trong báo có in “Bài thơ lục bát của anh”. Tưởng chỉ đọc để giết thời gian: “Thơ anh một thuở gieo vần/ Tặng cho ai những tháng năm học trò?/ Cô gái ấy có làm thơ?/ Có yêu anh giống bây giờ em yêu?”. Anh giật mình. Sao giống tình trạng của mình đến thế? Đọc tiếp: “Bây giờ chép lại trao em/ Bài thơ lục bát còn nguyên ngọt ngào”. Anh chàng trong thơ liều hơn vợ mình. Song, giống nhau ở sự cảm nhận hương vị tình đầu “còn nguyên ngọt ngào”.  Nhưng, đến câu sau: “Biết anh chẳng giấu gì nhau/ Nên em mãi ngại ngần câu trách hờn”, anh bỗng giật mình. Chả nhẽ mình là đàn ông, tình cảm lại hẹp hòi hơn người con gái, tác giả của bài thơ sao? Mồ hôi vã ra. Tay run. Anh đọc tiếp: “Chỉ đành trách những con đường/ Khéo bay trăm lá me vương tóc người/ Cho tay anh vội bồi hồi/ Rối trên những sời tóc dài, mềm đi/ Trách ngày sao để đêm về/ Cho bao nỗi nhớ bộn bề vây anh”. Sự đồng cảm đây rồi. Nhưng, tác giả bài thơ cao thượng hơn mình.

Chuyện thơ tình cũ, đâu phải chuyện riêng anh. Của nhiều người khác, nhiều lứa đôi khác. Quan trọng là cách ứng xử bây giờ. Anh đọc hết và nhìn tên tác giả: Đinh Thị Thu Vân. Anh bảo, nếu tên tác giả là nam, chưa chắc anh sửng sốt. Đằng này, lại là nữ. Cảm thấy ân hận và xấu hổ, anh quyết định mua vé quay về… Khi nghe câu chuyện này, nhà thơ khiêm nhường nói: “Tôi luôn nghĩ thơ tôi chỉ như những dòng nhật ký, viết cho mình, chút riêng tư nhỏ lẻ, nhận được yêu mến là do may mắn, chưa bao giờ tôi thấy nó không bé mọn – nghe mọi người nói về sứ mệnh văn chương, tôi tin nhưng điều này dành cho những tác phẩm lớn, mình không tùy tiện vơ vào”. Nhưng, tục ngữ nói: “Cứu một người, phúc đẳng hà sa”.

Thơ đến với chúng ta từ nhiều nguồn. Có người tìm cảm hứng từ thiên nhiên, từ bên ngoài. Rồi tức cảnh sinh tình. Nhưng, ở Đinh Thị Thu Vân, thơ đến từ bên trong. Từ trái tim lúc nào cùng nồng nàn tình yêu, khát khao bao trùm tình yêu lên người mình thương nhớ. Chị yêu hết lòng, như dân gian nói, đến “khô máu”. “Trái tim đã đập chân thành/ Xin yêu ngày tháng chưa dành cho nhau”. Thơ chị nhiều người nhớ, nhiều người thuộc bởi sự chân thành. Đọc lên, nó chiếm được lòng tin của người đọc ngay. Không cần vòng vo nhiều lời, chị tỏa cảm xúc vào người đọc ngay ở câu đầu, khổ thơ đầu. Khiến người đọc chú ý. Sang những khổ thơ sau, người đọc sẵn sàng, tin yêu đi theo cảm xúc của chị. Cuối cùng, bị thơ chị chinh phục. Bị chinh phục một cách hạnh phúc và vui mừng. Hiếm nhà thơ nữ nào có được diễm phúc này.

Chị cho biết: “Riêng với tôi, thơ là chốn dễ nhận ra thật giả nhất đời, thơ như người, càng giả thì càng đáng chán, mà thật đến ngô nghê cũng khó lay động. Không cần phân định nam hay nữ, cứ thơ đẹp là mình nhận ngay ra thôi”. Cảm ơn chị. Chị đã nói thêm một khái niệm “thơ đẹp”. Đúng như nhà văn Nga A. Trekhov viết, một con người đẹp, ngoài ngoại hình, thời trang, cần tâm hồn, lời nói cũng phải đẹp. Cái đẹp trong thơ Đinh Thị Thu Vân chính là sự chân thành. Chân thành đến đau đớn. Nhưng, trước tình trạng thơ đang lạm phát, thơ giả tràn lan, chị nhận xét: “Tác hại của điều này là thấy thơ nhiều quá đâm ra mệt, đâm ra thắc mắc sao mọi người thiếu nhạy cảm quá, sao ồn ào đến vậy, đến bao giờ tai hại này có thể giảm hay ngày càng trở thành thảm nạn!”.

Sinh ở miền Tây Nam bộ, vùng đất đồng bằng, mênh mang trời xanh, gió đồng phóng khoáng nên hồn thơ Đinh Thị Thu Vân, tự bên trong, đã mang đậm dấu ấn phong thủy của quê hương, như Nguyễn Du từng viết: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Đọc thơ chị, người ta cảm nhận sự ào ạt, nồng nàn khí trời, của đất, của màu xanh thiên nhiên, của sự quặn lòng của những cơn gió phóng đãng. Bài nào cũng vậy. Nhưng, không bài nào giống nhau.

Mỗi bài là một cung bậc cảm xúc khác nhau, những hướng động tâm hồn khác nhau. Chị có thế mạnh của riêng mình, chỉ duy nhất mình mới có. Chị hiểu điều này. Chị không bao giờ vay mượn cảm xúc của ai. Chính trái tim chị cất lên tiếng hát của chị, dù đôi khi là tiếng khóc. Chị hát lên thành giai điệu nhiều nỗi lòng, nhiều xúc cảm của giới nữ mà nhiều người lâu nay chứa chất trong lòng, không thể nói ra. Một tiếng nói mạnh mẽ, khỏe khoắn cất lên giữa vùng đất Nam Bộ bao la. Nhưng, trong thơ chị, người đọc còn cảm nhận một phẩm chất cao quý, đó là sự độ lượng, đó là đức khoan dung. Rất nhiều khổ thơ, bài thơ của chị thấm đẫm tấm lòng của người chị, người mẹ, người tình… đón đứa con lầm lỗi trở về. Phải là người sâu lắng lắm mới rèn luyện cho mình có được đức hạnh này.

Người ta đọc thơ chị, hiểu được chiều sâu tâm hồn của con người vùng đất này. Chị công nhận: “Chắc phải có “phong thổ” chứ nhưng tôi không nhận ra hết được, chỉ đôi khi tự “xét nét”, tôi thấy mình viết không kiểu cách, không hư danh, thêm cái nết tà tà từ từ làng nhàng thì hẳn là Nam bộ phải không?”. Đúng quá rồi. Thơ và người làm thơ cứ làm điệu, theo đuổi hư danh này nọ, không sớm thì muộn, chỉ nhận được sự bẽ bàng mà thôi. Ở chị, lại thêm cái nết “tà tà” nữa, đúng là đặc điểm người miền Tây. Không vội vã. Cái sự phù phiếm giục người ta làm cẩu thả nhều thứ lắm. Nhưng, chị sớm lánh xa điều này. Cứ tà tà. Nhớ chuyện ngày trước, ở chiến trường K, khi nghe tiếng chim rừng “Tác-ta-tác-ta-ta…”, lính tráng miền Bắc thường phiên âm thành: “Bắt con tép kho cà”, còn lính miền Nam thì lại nhại thành: “Dắt bà xã tà tà…”. Một bên ăn. Một bên chơi. Bên nào cũng vui. Nhưng, bên chơi vui nhiều hơn.

Để làm được thơ hay, cần nhiều yếu tố. Song, yếu tố quan trọng, yếu tố tự thân, đó là sự vô tư. Thấy gì đẹp là thích. Thấy gì hay là khen. Thơ Đinh Thị Thu Vân hay, rất hay vì ở chị có một phẩm chất rất đáng quý, càng quý hơn đối với người làm văn chương, đó là tính không đố kị. Nhiều người làm thơ mắc chứng bệnh này nhưng không nhận ra tác hại của bệnh. Cứ nuôi dưỡng và nó càng gây nguy hiểm cho con bệnh. Nói về chứng bệnh này, chị viết: “Tôi luôn nghĩ sự đố kị nếu mình phải gặp ở ai đó thì… quá đáng lắm, vì tôi không ảo tưởng, không huyễn hoặc, không bon chen, không rộn ràng, tôi chui trong góc khuất, cơ chi mà hẹp lòng”.

Trái tim thơ sau bao năm sóng gió tình đời, giờ đang đập những nhịp điệu bình thường. Dòng sông băng qua bao thác ghềnh giờ đang xuôi về biển. “Tôi luôn cố gắng sống sao để không phiền toái cho bất kỳ ai, một chút cảm giác không đẹp nơi người khác dành cho mình, tôi cũng bứt rứt. Biết mình quá nhạy cảm, đong đo được sự nhạy cảm nơi mình là một bất hạnh, nên tôi luôn cô gắng ru cho nó ngủ, không dễ dàng chút nào”. Có người hỏi, đến tuổi này, chị giữ cho mình những bài học kinh nghiệm gì ?

Chị trả lời: “Để được bình yên, tôi chọn cách sống im lìm, nó phù hợp với cá tính của tôi, ngay từ thời trẻ, tôi đã không quen với những chộn rộn, chỉ có thể tự tin trong ngôi nhà của mình với đôi người thân quen, khác đi là tôi thấy lạc lõng. Kinh nghiệm là không nên thoát khỏi mình, sẽ dễ dàng lao đao lận đận và cô đơn cùng cực!”. Trong thời buổi cuộc sống vận động với tốc độ như hiện nay, công chúng sau khi đuổi theo những ảo ảnh quay cuồng, sẽ ngày càng nhận ra và tìm đến bến đỗ là bến sông thơ của chị.

Nguồn: https://vanvn.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Dấu chân thơ – những thiên du ký bằng thơ sâu lắng ngọt ngào
Bài viết của nhà thơ Phố Giang, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Cuộc du ngoạn bằng thơ đầy cảm xúc
“NHỮNG DẤU CHÂN THƠ” Là tập thơ thứ Ba của tác giả Trần Kim Dung do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào đầu tháng Sáu năm 2023.
Xem thêm
‘Mười năm một quãng đường người xót xa’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập Thơ mười năm của Hoàng Đình Quang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023
Xem thêm
Dòng ban mai trong thơ Trần Hùng
Tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn (NXB Hội Nhà văn, 2023) của Trần Hùng dẫn tôi vào một sớm đang tan sương, có thể ứng với bất kỳ mùa nào trong năm. Khi ấy hừng đông đã rạng, sưởi ấm cho khắp miền không gian nơi con người cùng vạn vật vừa thức dậy. Một ban mai không ngưng đọng mà dịch chuyển, cuộn chảy trong bầu không khí thanh sạch, tinh khôi. Dòng chảy ấy khai mở một ngày mới trong tâm tưởng bạn đọc, bảng lảng, đột sáng và trong suốt.
Xem thêm
Đại thi hào Nga Pushkin – Một thời để yêu, một thời để chết
Cái chết bi thảm của đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin cách đây gần 200 năm sau cuộc quyết đấu bên bờ sông Đen (thuộc ngoại ô Peterburg) đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong công chúng, đồng thời đổ ập lên đầu Natalya – vợ ông – biết bao điều tiếng…
Xem thêm
Hành trình văn học Nga ở Việt Nam: Dòng chảy không đứt đoạn
Quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô (nay là Liên bang Nga) và Việt Nam được chính thức xác lập từ ngày 30/1/1950 song mối quan hệ văn chương Nga – Việt đã hình thành từ trước đó rất lâu, dưới hai hình thức: sự giao lưu văn hóa và sự tiếp nhận của những người cộng sản Việt Nam từ nền văn hóa, văn học Nga. Đi suốt thế kỷ XX và ở những năm đầu thế kỷ XIX, tuy có những lúc thăng trầm, song mối quan hệ văn chương ấy chưa bao giờ đứt đoạn!
Xem thêm
Triết lý nhân sinh trong cảm thức thơ của Hoàng Vũ Thuật
Đối với thi sĩ, cái tôi trữ tình phần nào đại diện cho những kiếp nhân sinh mà họ quan sát, gặp gỡ và cảm tưởng. Con người thi ca tìm thấy và chịu đựng được khổ đau của mình, nhưng không chịu đựng được khổ đau của nhân loại. Họ cất tiếng thay cho nhân loại, bằng trái tim đã thấm thía những nỗi đời riêng.
Xem thêm
Vàng của tâm hồn, vàng của văn chương
Bài viết của nhà văn Ngô Xuân Hội về nhà văn Nguyễn Trí
Xem thêm
Bùi Giáng - Người chưa bao giờ già
Bùi Giáng (1926 – 1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng đời sáng tác của ông không chỉ gắn với những bài thơ hay, đầy chất ngẫu hứng, mà còn gắn với những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, nhìn lại hành trình thơ của ông, thấy được người “trung niên thi sĩ” này chưa bao giờ già trong con mắt của độc giả.Bùi Giáng (1926 – 1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng đời sáng tác của ông không chỉ gắn với những bài thơ hay, đầy chất ngẫu hứng, mà còn gắn với những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, nhìn lại hành trình thơ của ông, thấy được người “trung niên thi sĩ” này chưa bao giờ già trong con mắt của độc giả.
Xem thêm
Từ khải ca họa mi đến thực mơ giữa đôi bờ chùa – chợ!...
Bài bình 2 bài thơ của doanh nhân - nhà thơ Trương Vạn Thành.
Xem thêm
“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao
Sau ca khúc “Tiến về Hà Nội” đúng 26 năm, vào mùa xuân 1976, nhạc sĩ thiên tài Văn Cao khi có dịp vào TP.HCM, ông lại sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, viết về những cảm xúc tràn ngập tâm hồn ông trong “mùa xuân đầu tiên” sau khi nước nhà hòa bình thống nhất.
Xem thêm
Người nữ và con đường tình yêu trong Đối thoại đêm
Đọc Đối thoại đêm của Triệu Kim Loan, NXB Hội Nhà văn, 2023
Xem thêm
Đào Phong Lan - hồn thơ vẫn mềm như cỏ
Tham luận của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đọc tại buổi ra mắt tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”
Xem thêm
Nhà văn Trịnh Minh Hiếu và “Giấc cỏ dụ”
Cách đây tròn 10 năm, năm 2013, Trịnh Minh Hiếu ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình” (NXB Hội Nhà văn 2013). Tròn một năm sau, chị lại cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai mang tên “Thúy Mầu” (NXB Hội Nhà văn 2014). Hai tập truyện ngắn có cá tính riêng của chị ngày ấy khuấy động làng văn chương không ít.
Xem thêm
Đào Phong Lan “không thể nói lời từ biệt” với thơ!
Bài viết của Bảo Gia đăng trên tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 98, ngày 02/11/2023.
Xem thêm
Đò đầy vơi, bến cũ chẳng quên người!
Bài viết của PGS.TS Ngô Minh Oanh về tập thơ Đối thoại đêm của Triệu Kim Loan.
Xem thêm
Nỗi niềm suy tư, trăn trở về con người và thế sự trong Sóng đời
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Sóng đời của Trần Ngọc Phượng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023.
Xem thêm
Khi văn chương tấn công văn hóa bản địa…
Người viết sử - Truyện ngắn của Nguyễn Trường, lần đầu tiên đề cập đến hậu quả của tác phẩm văn học.
Xem thêm