TIN TỨC

Nhà văn Sài Gòn trang viết nhiều nhân nghĩa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1290 lượt xem

HOÀI HƯƠNG


Em Hà Nội có chút băn khoăn hỏi:

Tính đến hôm nay 7/9 là tròn 100 ngày Sài Gòn giãn cách, ngày thứ 61 “phong thành”, đêm thứ 44 “giới nghiêm”. Không biết trong 3 tháng 10 ngày này nhà văn Sài Gòn viết gì?

Em còn tỉ mỉ đếm từng ngày như thế, thì sao những nhà văn Sài Gòn trong tâm dịch lại có thể không đong đếm thời gian từng giờ, từng phút trôi qua, thậm chí còn mong cho trời mau sáng, cho đêm ngắn lại, cho ngày qua mau, một ngày một giờ lúc này hình như hơn 24 tiếng, hơn 60 phút, dài đến mơ màng ý thức thời gian hiện hữu, dài như những sợi dây phong tỏa chằng chéo khắp nơi trong thành phố…

Trái tim nhà văn luôn nhạy cảm, chỉ cần một chút gì gieo vào cảm xúc là đã rung lên những nhịp đập khác thường. Mà đây là những xao xác chênh vênh, những âu lo thảng thốt, những trầm luân khổ ải trần ai, những sinh ly tử biệt không báo trước, những lạnh lẽo đông cứng đến nghiệt ngã…, có khi sống cả mấy kiếp người cũng chưa chắc một lần có thể trải nghiệm.

Hơn 300 năm nay, có khi nào Sài Gòn chưa kịp đón mùa hè để nghe ve ngâm, ngắm mùa phượng đỏ, thổn thức sắc tím bằng lăng, mộng mơ với cả khoảng trời màu kèn hồng, lả lướt một mùa hoa dầu thả từng chuỗi nốt nhạc trong gió hoàng hôn phố…? Đã ngậm ngùi hoài cảm mùa trong căn nhà mình với nỗi buồn xa xót của những “cách ly”, “giãn cách”, “phong tỏa”, “giới nghiêm”, cùng tiếng còi xe cứu thương, những bản tin tối mang ám ảnh những con số ký hiệu F ký hiệu “+”…?

Hơn 300 năm nay có mùa mưa nào giăng mắc buồn thênh không ngày không đêm như năm nay? Có mùa mưa nào nghẹn lòng thân phận người trong mưa mùa năm nay? Có mùa mưa nào mà đắng đót thê thiết cõi người nhỏ bé giữa mưa mùa năm nay? Và những giọt nước mắt thương mây, nhớ núi, tương tư hoa lá cỏ cây, thay vì lăn trên những dòng thơ của thi nhân để ngâm nga ca vịnh như xưa nay vẫn thế, thì nay trải dài những dòng thương, những dòng nhân nghĩa, để nhân thế trân trọng từng sat-na của sự sống còn, tồn tại.

Em  muốn biết nhà văn Sài Gòn viết gì trong 100 ngày qua? Nhiều lắm em à. Các nhà văn chỉ phải “buộc” chân mình trong ngôi nhà, nhưng tâm hồn vẫn vượt ra khỏi không gian nhỏ bé đó, để chạm vào khoảng trời thành phố lúc mưa lúc nắng, lắng nghe âm thanh phố, cảm nhận từng nhịp thở, để cùng đau, cùng thương, cùng chia sẻ, cùng lan tỏa bằng trang viết của mình.

Từ ngay những ngày đầu thành phố giãn cách, nhiều nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tham gia cuộc thi thơ và tản văn “45 năm rực rỡ tên vàng” của báo Người Lao Động, để lan tỏa những hình ảnh đẹp, hào sảng, hào hoa, hào hiệp, nhân - nghĩa – lễ - trí - tín của người Sài Gòn, của TP Hồ Chí Minh, như một minh chứng sự “đồng hành” trong niềm tin thành phố sẽ chiến thắng bệnh dịch.  
 


Ra mắt Ban sáng tác của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, 26/3/2021.

 

Và như một nối tiếp, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, với phạm vi lan tỏa trong cả nước, hướng tới miền đất phương Nam giàu nghĩa giàu tình giàu nhân ái này. Đã có hàng trăm bài thơ của các nhà thơ TP Hồ Chí Minh gửi về Ban tổ chức, để thấy các nhà văn thành phố không hề “ngủ yên”, mà vẫn âm thầm dồn nén cảm xúc, và chắt lọc để có những câu thơ, bài thơ về nhân nghĩa miền đất phương Nam này, nhất là trong thảm họa tai ương, nhân nghĩa càng được nhân lên gấp bội…

…”Sau hàng rào phong tỏa

Í ới gom chia thơm thảo mọi miền

dặn dò nhau vững chí bền lòng

đất nước này từng qua bao cuộc chiến

Những con số đong đầy hy vọng

niềm tin bừng trong mắt mỗi ngày qua

vượt lằn ranh tử sinh người về trong hạnh phúc

cúi mình hôn hoa nở trước hiên nhà…”

(Tiếng cười vang trên góc phố yêu thương - Bùi Phan Thảo)

 

Nhưng đó chưa là giới hạn. Các nhà văn Sài Gòn xem thời gian giãn cách như một cơ may để có khoảng lặng, lắng những trải nghiệm, tinh lọc, và thể hiện bằng những trang viết tràn đầy cảm xúc tinh tế. Một số dự án dài hơi đã được thực hiện, không chỉ như tiếp thêm năng lượng mà còn như một cách đối diện tích cực trong dịch bệnh để lạc quan, để không bào mòn ngòi bút, và “mài” tư duy ngôn ngữ văn chương thêm sắc bén.

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, trong đợt giãn cách năm ngoái đã kịp viết, và ngay những ngày giãn cách đầu tiên ở thành phố đã ra mắt “Sài Gòn còn thương thì về”, với chữ “Thương” là chủ đề. Không những thế, 100 ngày với Bảo là những ngày “rèn bút”, hàng chục tản văn trên các tờ báo từ Trung ương đến địa phương, cũng có cả chục truyện ngắn in trong các tờ báo văn học danh giá, và một dự án dài hơi, tiếp theo một cuốn sách về Sài Gòn, mà theo Bảo mấp mé nội dung “vẫn là chữ thương trên từng năm tháng”.

Nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu thì có 100 ngày nhiều ý nghĩa, anh đã kịp hoàn thành bản thảo cuốn tiều thuyết, tạm đặt tên “Gió qua đồi Phương Bối”, là câu chuyện hư hư thực thực xuyên không trong giấc mơ về một mối tình vừa lãng mạn vừa mãnh liệt giữa một ký giả - nhiếp ảnh gia chiến trường với một Ma Soeur, xen trong đó là những câu chuyện về môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu những đổi mới đương đại…

100 ngày này, với nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có thật nhiều việc để làm. Chị đang biên tập, hiệu đính các bài viết và hoàn chỉnh cuốn sách kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh kịp ra mắt đúng ngày kỷ niệm. Cùng lúc chị đang viết một cuốn sách về những người anh hùng thầm lặng trong chiến tranh, như chị nói là “một cách trả nợ những ân tình với Sài Gòn”, chị còn viết một kịch bản phim tài liệu đề tài về Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Cũng phải nói thêm, chị là một ca F cách ly tại nhà, đã tự chữa khỏi cho mình bằng cả ý chí nghị lực, sự rèn luyện thể lực bằng tập thở, tập yoga, dinh dưỡng đúng phương pháp thực dưỡng và những chỉ dẫn thuốc điều trị của bác sĩ.

Đặc biệt nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, vừa trải qua một cơn bạo bệnh, tưởng chừng đánh gục anh, nhưng khi khỏe lại, ngỡ anh sẽ nghỉ ngơi dưỡng sức, thì hình như ngược lại, anh càng quý trọng thời gian hiện hữu. 100 ngày với anh là thời gian thú vị, không chỉ làm thơ, viết những bài bút ký sinh động rất thời sự Covid-19, anh còn vẽ những bức tranh cổ động lan tỏa năng lượng tích cực phòng chống dịch bệnh, khích lệ động viện các y bác sĩ tuyến đầu, nhắc nhở cộng đồng thực hiện các quy định 5K- 5T của Bộ Y tế…
 

100 ngày, chỉ là cái chớp mắt trong lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Nhưng là những ngày dài như thời gian vô tận với bao nhiêu trải nghiệm đầy chiêm nghiệm “tồn tại hay không tồn tại”,sinh sinh diệt diệt”, đối với các nhà văn thành phố, để thấy được sống bình thường đã là một ân huệ cuộc đời, là bao chất liệu để trải lòng trên trang viết như một cách ghi chép ký ức, như một cách lưu giữ thời gian bằng ngôn từ. Và chắc chắn sau những ngày này, sẽ có một “dòng” văn chương Covid-19 của các nhà văn Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Trong tôi bỗng dưng vang lên giai điệu vui nhộn mà đầy da diết, về thành phố Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh của tôi đầy nhân nghĩa…

Thành phố gì kỳ/ Quán cơm hay quán mì/ Mình kêu thêm dĩa rau sao không tính tiền thêm phí/ Thành phố gì kỳ/ Trà đá cho free/ Giữa trời chang chang cho ai kia đi ngang vơi đi lo toan/… Thành phố gì kỳ/ Có anh kia chẳng giàu/ Mà sao đang khó khăn vẫn bẻ đôi bánh mì manh áo/… Thành phố gì kỳ/ Hễ ai thiếu gì/ Thì hộp cơm, hay bó rau, ai ai sẻ chia đâu cần suy nghĩ…” - Thành phố gì kỳ- Thầy giáo 9X Thái Dương.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi khiến triều Nguyên nể phục
Mạc Đĩnh Chi là vị trạng nguyên nổi tiếng thông minh uyên bác. Sinh thời, ông để lại nhiều giai thoại hay, thể hiện tài ứng đối hơn người.
Xem thêm
Trương Tuyết Mai - Nàng thơ mắt ghe bầu & Ra mắt sách Hòa âm đêm
Videoclip hình ảnh tổng hợp về buổi Gặp gỡ, giao lưu với nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo – Không chỉ là Cõi Nhớ
Phóng sự hình ảnh Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài và một số bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam
Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.
Xem thêm
Chuyển hoá thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng/BQP
Xem thêm
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết
Bài trả lời phỏng vấn của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng
Xem thêm
Câu đối trong đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Nhớ lại hơn hai chục năm trước, từ miền nam, lần đầu tiên tôi được đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Vùng đất bảo tàng với chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đánh dấu sự chấm hết của thực dân Pháp trên đất nước ta; giải phóng một nửa đất nước đã thắm biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào; trong đó có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Xem thêm
Theo chân VietNamNet về thăm lại chốn xưa: Bến Tre, Tiền Giang
Báo VietNamNet vừa tổ chức hành trình xuôi dòng Mekong bên lề cuộc thi “Chuyện của những dòng sông”.
Xem thêm
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng và ý nghĩa về Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong bảng tổng kết sau đó, trong thời gian 36 ngày đêm trên đồi E1, khẩu pháo 75 ly của Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi…
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam xuân Giáp Thìn tại TPHCM – Những điều đọng lại
Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bản tổng kết của Ban tổ chức Ngày thơ cùng các clip hình ảnh tiêu biểu về lễ hội đầu xuân này.
Xem thêm
Đi tìm đồng bạc con cò trong câu hát xưa
Cách gọi đồng bạc hoa xòe cũng chính là dựa vào hình hoa văn dập nổi trên một mặt của đồng xu mà mặt kia là hình con cò.
Xem thêm
Phùng Khắc Khoan - Thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Xem thêm
Báo Quân giải phóng miền Nam - Một công trình khoa học trân quý
Ra đời trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Miền Nam nói chung, các LLVT GP MNVN nói riêng, cách đây tròn 60 năm, báo Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam- cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam ra đời.
Xem thêm