TIN TỨC
  • Nhà văn trẻ
  • Ở phía bên kia núi - Truyện ngắn của tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên

Ở phía bên kia núi - Truyện ngắn của tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-10-26 11:36:11
mail facebook google pos stwis
1124 lượt xem

Đặng Thùy Tiên sinh ngày 08/8/1990 ở Lai Châu, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành bảo hiểm Trường Đại học Lao động – Xã hội năm 2013; có truyện ngắn, tản văn đăng trên báo chí địa phương, trung ương và in chung một vài tuyển tập, được trao 2 giải thưởng văn học mạng; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu.

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên là những câu chuyện xoay quanh đời sống người miền núi, chủ yếu là giới trẻ, với những hình ảnh lạ lẫm và cung bậc cảm xúc khác nhau, hạnh phúc xen lẫn đớn đau, ấm nồng xen lẫn nghịch cảnh. Với người phụ nữ trẻ hòa trộn ba dòng máu Thái-Kinh-Hoa, văn chương với Đặng Thùy Tiên như là cánh cửa tâm hồn rộng mở để cô tìm đến sự chia sẻ, đồng cảm và lưu giữ những ký ức văn hóa, cuộc sống đang diễn ra lặng lẽ và sinh động “ở phía bên kia núi” nơi mảnh rất ruột thịt ở vùng biên cương phía Bắc.  Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu truyện ngắn Ở phía bên kia núi của nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên đến với bạn đọc.

 

Tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên

Ở PHÍA BÊN KIA NÚI 

“Hồôốô…”. Gã vừa loạng choạng, vừa bất giác kêu gào giữa đêm hoang lạnh. Đôi tình nhân đi qua nhìn gã với đôi mắt vừa kinh ngạc, vừa dè bỉu. Ánh trăng chuếnh choáng theo sau gã. Chiếc xe đạp cà tàng trước đó còn là phương tiện đi lại giờ này lại là một thứ của nợ mà gã phải mang theo. Trên con đường mòn vòng lên quả núi, bóng hình ngoằn nghèo của một người đàn ông đứng không vững, dắt theo cái xe đạp trông như một con quái vật tưởng tượng đáng sợ. Thi thoảng gã lại đau khổ rú lên một hồi nghe vừa rùng rợn vừa ai oán.

Gã hận cuộc đời. Hận con vợ gã, người đàn bà đã bỏ gã, bỏ đứa con nhỏ nheo nhóc. Gã hận mấy thằng bạn “thân ai nấy lo” lừa bịp cho cuộc đời gã ra nông nỗi này. Gã hận tất cả. Đau khổ, bất lực, gã hận chính dòng máu nóng hổi đang chạy rần rần trong người.

Đâu phải chỉ một lần Sánh nghĩ đến cái chết. Lúc đi làm nương, lúc vục mặt dưới suối sâu, lúc gã đứng chênh vênh trên vách núi đá. Lúc gã cầm cái rựa chặt chuối định kết thúc hết những bi kịch của cuộc đời thì tiếng thằng con ngọng nghịu gọi bố ngoài đầu nhà thức tỉnh gã. Gã chết. Dễ thôi, một nhát dao, một cú nhảy. Gã đi đời, chả ai thèm tiếc thương. Nhưng con của gã, cũng không biết nó có phải con gã, con của mụ đàn bà đa đoan mang đến cho cuộc đời u tối của gã. Sánh yêu thương nó, và nó chỉ có gã để dựa dẫm. Sánh chết, đời gã kết thúc, còn đời nó, biết đi đâu về đâu?

Sánh là một thằng không cha. Mẹ Sánh là người đàn bà đẹp của đất Mường So xưa, nhưng cái đẹp của mẹ gã gắn liền với bất hạnh, với cái khổ như người đời thường ví “hồng nhan bạc phận”. Mẹ Sánh bị những lời đường mật của tên sở khanh lừa bịp, sau khi hắn bỏ đi để lại cho mẹ gã hình hài đang lớn dần. Mẹ gã không nhẫn tâm, bỏ đi nơi khác mà về dưới chân núi Putaleng này sinh ra Sánh, chôn vùi quá khứ cùng tuổi trẻ với bố dượng nghiện thuốc và nghiện rượu. Nghèo đói đeo đẳng, mẹ Sánh sinh thêm cho gã bốn người em, cộng với gã và hai con riêng của bố dượng, một gia đình gần chục nhân khẩu. Bao nhiêu tài sản ra đi theo khói thuốc của dượng, cả nhà làm đến hụt hơi cũng không đủ ăn.

Sánh lớn lên trong sự nghèo đói, tù túng. Cũng bởi cái nghèo mà sau khi biết đọc, biết viết, gã nghỉ học ở nhà làm bạn với núi rừng, nương rẫy. Gã to khỏe vạm vỡ, nhưng cái đầu gã không sáng láng. Khi vụ mùa đã xong, nương thảo quả qua mùa phát cỏ, Sánh lại tụ tập cùng đám trai làng đánh bi – da ở quán mụ Phượng béo đầu bản. Thi thoảng, cả bọn rủ nhau xuống quán ăn đêm dưới phố tới hai, ba giờ đêm mới dìu nhau về nhà.

Từ sau khi các anh em của Sánh lập gia đình, bố mẹ gã lần lượt đưa nhau về núi thì gã ở một mình. Sánh cũng nhiều lần nghĩ tới hạnh phúc gia đình, đến hơi ấm những đêm đông lạnh giá. Nhưng con gái bản chê gã cục mịch, chê gã nghèo, cái nghèo theo gã từ trong trứng nước. Nhiều lần như vậy, Sánh chả nghĩ nhiều. Có tiền gã nướng hết vào trò đỏ đen, đời gã cứ trôi trong sự nhạt nhẽo, vô vị. Cho tới một ngày, định mệnh quyết định thay đổi đời gã…

– Chẵn nhé!

– Lẻ đi mày!

– Nay tao đen, cho mày đặt cả.

– Thế quyết. Chẵn nhé!

– Chẵn rồi, ha ha ha!

Sánh cầm đống tiền dưới bàn lên, nhìn mấy khuôn mặt ỉu xìu, gã dương dương tự đắc. Xong canh bạc, lại như thường lệ, cả đám lại dẫn nhau đến quán ăn đêm.

– Bà chủ, cho mấy bát cháo, một bát trứng vịt lộn, thêm mấy quả trứng gà tươi nhé!

– Rượu không?

– Đến đây để uống rượu chứ không lại uống nước lã à?

Sánh hỏi lại bà chủ. Trong lúc đợi bà ta loay hoay chuẩn bị đồ. Gã đưa mắt nhìn quanh. Bắt gặp một đám con gái trong đó có thị đang nhìn gã, cười rúc rích. Sánh ném cái nhìn đầy tình ý về phía thị, thị bỏ hết cả những e thẹn, ngại ngùng, cầm chén, sang ngồi luôn cạnh gã. Trước lạ sau quen, chắc vậy. Trước thì nhẹ nhàng, một vài chén, sau đến vài chai. Tửu lượng của thị kể cũng khá, đám đàn ông bên cạnh xun xoe với thị. Chuyện này với những cô gái ngành như thị là bình thường. Gã thừa biết. Nhưng nay gã đối với những ánh mắt ấy lại thấy khó chịu. Tự nhiên gã thấy thị ăn mặc hở hang quá, thấy thị sao mà lả lơi, đàng điếm. Một cảm giác khó chịu, không lột tả được hết. Sánh cầm quả trứng gà chần, chọc hai đầu xong mút cái “chụt” như xả nỗi bực dọc.

Đột nhiên, chẳng nói chẳng rằng, Sánh đứng phắt dậy, thanh toán tiền rồi đi về trước sự ngỡ ngàng của thị, và sự ngạc nhiên của đám bạn. Về đến nhà, gã không sao ngủ được, hết quay bên này lại trằn trọc bên kia. Giờ này Kim đang làm gì nhỉ? Ô hay, Kim làm gì liên quan gì tới gã. Chắc Kim lại chè chén xong đi với thằng bạn nào của gã. Không, chắc Kim về luôn ấy thôi. Sánh chợt thấy bực dọc với Kim, khi không lại đi làm cái nghề mạt hạng. Gã trách thị rồi lại tự trách mình, sao không ở lại, đưa Kim về. Chí ít, Sánh có thể biết chính xác Kim đi đâu? Ngày mai, gã sẽ lại tìm Kim. Nhất định thế!

***

Sánh chìm vào men say của tình yêu với Kim. Gã nghe Kim kể cuộc đời khốn khó đưa đẩy Kim sa ngã. Gã thương xót Kim, muốn Kim hoàn lương, làm lại cuộc đời với gã. Gã tin Kim  đưa Kim về căn nhà gỗ nghèo nàn của mình. Đám cưới đơn sơ diễn ra vui vẻ, và người vui nhất là Sánh, không ngờ hạnh phúc đến với gã nhanh đến vậy. Kim báo với gã mình đã mang thai. Sánh sung sướng đến độ muốn hét lên cho cả làng biết. Gã càng chăm chỉ làm lụng, hết thời giờ lại làm thuê làm mướn, gã muốn vợ con gã đỡ vất vả. Sánh bỏ mọi cuộc chơi bời với đám bạn, chúng thấy gã thay đổi thì sinh ghen ghét, coi gã như người vô hình. Sánh mặc kệ. Sánh vẫn cứ vui vẻ với gia đình nhỏ của gã.

Đến ngày vợ Sánh sinh nở, khi nghe tiếng thằng bé khóc ré lên trong nhà hộ sinh, gã rưng rưng muốn khóc. Sánh bế thằng bé trên tay, hạnh phúc tột cùng. Vợ gã thấy vậy, cũng bất giác mỉm cười. Sánh đặt tên con là Triệu Văn Dũng. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Lúc thằng bé tròn ba tháng, cũng là lúc hết cữ kiêng theo như lời xưa các cụ già truyền lại. Sánh thấy vợ gã lại xúng xính váy áo, ngày ngày xuống chợ huyện mua sắm, chơi bời. Gã có nói thì thị lại sướt mướt kể khổ. Gã đành cắn răng chịu đựng. Một ngày nắng khô hanh, cây cỏ cũng héo úa, Sánh đang lúi húi nhổ sắn về cho lợn thì Dự, thằng bạn thân với Sánh từ thủa “cởi chuồng tắm mưa” gọi giật gã, thì thầm. Sánh vứt cuốc, máu nóng sục sôi như muốn căng hết cơ mặt, hai con mắt vằn đỏ. Gã leo lên xe của bạn, phi xuống phố huyện. Sánh ngồi rình từ trưa, tới gần chiều tối, gã thấy tên trưởng bản và vợ gã ôm eo nhau từ trong nhà nghỉ đi ra. Gã lao đến như tên bắn, cho vợ gã một cái bạt tai nảy đom đóm mắt. Tên nhân tình thấy vậy, chạy thục mạng sang bên kia đường. Gã cầm con dao phát đuổi theo. Tên trưởng bản sợ mất mật, chạy rơi cả giầy. Trốn chui trốn nhủi mãi mới về được tới nhà, cả người đầy bùn đất. Sánh và vợ xảy ra một vụ cãi nhau kịch liệt, gã tức mình cầm con dao chặt một nhát vào cột nhà, vợ gã ôm mặt khóc. Sáng hôm sau, Sánh và tên nhân tình của vợ bị công an xã gọi xuống làm việc. Sánh bị xử phạt hành chính vì tội gây rối trật tự xã hội. Gã nhìn tên kia với ánh mắt hằn thù. Cơn giận chưa nguôi. Sánh đi về nhà, từ xa đã nghe tiếng thằng bé gào khóc. Gã đang bực tức, chạy về nhà định cho vợ một trận thì không tìm thấy Kim đâu, chỉ có mình thằng bé nằm trơ trọi giữa nhà. Gã địu con, đi khắp nơi tìm Kim. Thằng bé khát sữa, khóc tới lả đi. Sánh vừa bế con đi xin sữa, vừa tìm tung tích của vợ.

Một ngày, một tuần, rồi ba tháng trôi qua trong vô vọng. Không một tin tức gì về Kim. Sánh đã quen với việc pha sữa, nấu cháo loãng cho con ăn, chăm con như một người mẹ bất đắc dĩ. Sánh cũng không còn mong chờ gì việc Kim trở về nữa. Gã quen với việc không có Kim, chỉ tội cho thằng nhỏ, mỗi khi thèm hơi mẹ lại rúc rúc vào người gã, thương con đến chảy nước mắt. Gã có cô đơn không? Cô đơn với gã chỉ như bóng ma dằn vặt mỗi đêm xuống, khi thằng bé thiêm thiếp ngủ, có hề gì. Đôi khi, Sánh thấy tủi thân cho cuộc đời buồn khổ của gã, tim gã lại se sắt. Ban ngày, Sánh phải đi làm kiếm tiền lo cho hai bố con, Sánh gửi con cho em gái trông hộ. Mỗi chiều về gặp con, mặt tèm lem, mũi dãi chảy ròng ròng, chân tay lem luốc, thấy bố thì nở nụ cười trong sáng ngây thơ. Ôm thằng bé vào lòng, Sánh thấy tim mình ấm áp hẳn. Nhưng sự trong sáng của con trẻ không lấn át được con ma bạc trong Sánh. Một ngày đầu đông, trong bản có đám ma, một ông cụ được tổ tiên đưa linh hồn về với núi rừng. Vẫn như lệ thường, đêm trước đám đưa người lên núi, đàn ông lại ngồi sát phạt nhau bằng những trò đen đỏ. Có bao tiền tích góp được mua sữa cho con, Sánh mang cúng con ma cờ bạc cả. Đám bạn cũ hùa vào khích bác, lòng tự ái dâng lên tột độ. Cay cú vì khoản tiền bị thua, cơn khát bạc sôi sục hối thúc, giày vò, lấn át cả lý trí, Sánh liều làm giấy vay tiền. Mười triệu, hai mươi triệu, năm mươi triệu rồi một trăm triệu. Thấy Sánh càng đánh, càng hăng, càng đánh càng thua nhiều. Dự lo thay cho thằng bạn mắt đang vằn đỏ vì con ma bạc. Dự tìm cớ, nói thầm với chủ nợ Sánh không có khả năng hoàn trả khoản tiền vừa ký vay, lại đang nợ nhà Dự tiền. Thế là Sánh bị chúng đuổi, kèm theo mấy cú đấm là lời hăm dọa về hạn trả lãi và trả khoản nợ vay đúng hạn.

Mặt mày xây xẩm, Sánh loạng choạng về nhà. Trước đó, Dự còn cho Sánh biết, vợ gã đã theo người yêu cũ của nó dưới phố huyện vượt biên sang Trung Quốc rồi. Nằm vật lên giường, nghe gió lùa qua mái ngói rin rít, lúc này bình tâm lại Sánh mới thấy sự nghiêm trọng của tờ giấy vay nợ. Một trăm triệu, thật ngoài sức tưởng tượng với một kẻ quanh năm chỉ trông vào vài thửa ruộng và ai thuê gì làm đó. Nhìn quanh căn nhà, ngoài chiếc giường và bộ bàn ghế cũ kỹ ra, không còn vật gì đáng giá. Trời ơi, cả người Sánh nôn nao, một nỗi bất an, lo sợ tương lai mịt mùng, không lo nổi cho bản thân mình, lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau sẽ thế nào? Còn thằng bé sẽ ra sao đây? Thực tại phũ phàng, nỗi buồn đau giằng xé tâm can, nước mắt Sánh chảy tràn ra. Đối diện với chính mình, mọi sự uất ức dồn nén bấy lâu không phải giấu giếm nữa. Sau cùng gã cũng hiểu, là gã đã quá ngây thơ, đổ vỏ hộ cho thằng khác.

***

Trong màn đêm tối đen mịt mùng, xung quanh đều đều vọng lại một nhịp gõ lúc thì thoảng xa như tiếng giọt nước rơi, lúc thì gần như tiếng chày ai giã bánh giầy ngày tết. Hơi sương thoang thoảng vừa lạnh vừa khô khốc khó thở. Sánh khua mạnh hai tay vào vô định. Đêm đông miền núi vừa lạnh vừa âm u, đứng ngay trước mặt nhau cũng không nhìn thấy gì cả. Sánh run rẩy mò mẫm tìm đường, chợt gã nghĩ ra gì đó. Còn thằng bé, thằng con gã đâu? Gã hoảng loạn, chân tay khua khoắng xung quanh, gã cố hết sức gào lên mà như con gà bị buộc dây vào cổ họng, không thể thốt lên lời. Chợt có tiếng loạt xoạt chạy qua, gã bất giác nhìn trong đêm tối có một bóng đen bé nhỏ. Sánh dừng nó cũng dừng, Sánh đi nó cũng đi. Dù cho Sánh có tìm mọi cách đuổi theo cũng không tài nào bắt kịp nó. Thấy nó ngay trong tầm tay với, Sánh đưa tay, bất chợt trượt chân rơi ngay xuống vực thẳm. Sánh ra sức vùng vẫy, la hét.

Sánh choàng tỉnh. Người gã đẫm mồ hôi, thì ra gã vừa trải qua một cơn ác mộng. Sao hình ảnh lại chân thực đến thế. Cơn say tối qua đã làm cổ họng gã khô khốc, gã lê tấm thân nặng nhọc ra đầu nhà, lấy một gáo nước lã, ngửa cổ tu ừng ực từng hơi. Nhìn cái xe đạp đổ chềnh ềnh ngoài sân đất, gã tặc lưỡi không biết mình đã về nhà bằng cách nào. Gã trầm ngâm nhìn bao tâm sự ẩn giấu theo từng làn khói thuốc bay lên. Giá mà nỗi buồn của gã cũng tan loãng như khói thuốc kia, nhưng sao nó cứ như một chất nhầy nhụa ngày ngày bám lấy tâm hồn gã, giày vò gã mỗi đêm khi cái tay cái chân đã ngơi nghỉ. Gã biết gã không thể chết, là thằng đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” thì phải kiên định mà sống, có khó nữa, khổ nữa cũng phải gan góc mà đối mặt. Hơn nữa Sánh còn thằng bé, nhiều khi Sánh nghĩ có lẽ nó chính là đứa con ông trời bù đắp lại cho Sánh. Hơn nữa, cũng chính một tay gã đã nâng niu, chăm sóc cho nó từ khi còn đỏ hỏn. Đời gã có thể buồn khổ, côi cút, nhưng đời nó nhất định phải khá hơn. Món nợ gã gây ra, tai họa bởi máu mê cờ bạc mà gã chuốc lấy, chính gã phải chịu trách nhiệm giải quyết cho những sốc nổi, bồng bột của mình.

Kể từ ngày bé Dũng vào lớp mầm, đi theo cô giáo Mai, quấn cô như bện hơi mẹ, dường như cô Mai cũng có cảm tình đặc biệt với thằng bé có khuôn mặt tròn xinh lại rất nghe lời cô. Cô giáo Mai làm nghề cô nuôi dạy trẻ này mười mấy năm, cô từng có một đoạn tình cảm với một anh giáo viên tiểu học. Từng thề nguyện sống chết có nhau, cứ nghĩ sẽ có cái kết đẹp như mơ thì cô phát hiện ra ngoài cô, anh còn có thêm nhiều “em gái mưa” khác. Anh thề thốt, tìm đủ cách xin lỗi cô. Nhưng con tim một khi đã bị đâm một nhát, niềm tin tan vỡ thì cách gì hóa giải? Cô chọn cách chuyển đến một nơi xa xôi, tìm niềm vui bên những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng để quên đi nỗi buồn của mình.

Một chiều nọ, cơn dông bất ngờ ập đến, cô Mai vội đóng kín các cửa. Sấm sét ầm ầm, mưa gió ào ào tạt vào căn phòng học cấp bốn. Đám trẻ con nháo nhác vây quanh cô giáo như đàn gà con tìm hơi ấm trong đôi cánh của mẹ ngày mưa. Bé Dũng ôm chặt cô giáo, trong ánh sáng lập lòa của những tia chớp, cô thấy thằng bé bậm môi, đôi mắt ầng ậng nước. Mỗi lần tiếng sấm nổ rung trời, thằng bé run lên vì sợ, cô nhẹ nhàng dùng tay xoa lưng Dũng an ủi. Sấm chớp đã dứt, chỉ còn mưa vẫn rơi tí tách trên mái ngói. Các phụ huynh lần lượt đến đón con, lớp chỉ còn lại bé Dũng và cô giáo. Nhìn thằng bé cứ ngóng ra cửa với đôi mắt trông đợi, cô giáo đưa đồ chơi cho Dũng, kể cho nó nghe câu chuyện cổ tích về cậu bé Tích Chu. Trời miền núi ngày mưa thường tối nhanh, cuối cùng, bố thằng bé cũng đến đón. Cô ái ngại nhìn cảnh hai bố con cõng nhau đi trong mưa, mà chiếc áo mưa, nói đúng hơn là một mảnh ni lông chỉ đủ che cho cậu bé.

Cả ngày hôm sau bé Dũng không đến lớp. Cô giáo Mai tự nhiên có linh cảm bất an. Cả ngày cô cứ bồn chồn, lo lắng không yên. Chiều đến, sau khi các bé ra về hết. Cô Mai đóng cửa lớp, men theo con đường nhỏ để tìm đến nhà Dũng. Căn nhà gỗ nằm dựa lưng vào vách núi, tuy không khang trang nhưng bên trong rất sạch sẽ, gọn gàng. Cô thấy Dũng đang nghịch xe cẩu đồ chơi trên nền đất. Nhìn thấy cô giáo, Dũng chạy ra sà vào lòng cô, tíu tít kể chuyện:

– Hôm nay cháu không đi học được vì bố nằm mãi không dậy. Cháu gọi không được. Cháu lấy nước cho bố uống rồi. Bố hứa sẽ không hóa thành chim bay đi như bà của Tích Chu đâu.

Cô giáo Mai mỉm cười. Cô nhẹ nhàng hỏi:

– Dũng đã ăn gì chưa?

Thằng bé nhìn cô, im lặng lắc đầu. Cô nhìn khắp căn nhà, không có gì đáng giá. Thấy bố Dũng nằm im trên giường. Cô lại gần, ngại ngùng dùng tay sờ lên trán, trán của gã nóng ran. Cô lấy khăn mặt, dấp vào nước ấm, chườm đầu cho gã. Cô dặn thằng bé ở nhà chơi ngoan, Mai vòng về trường lấy thuốc cảm, một ít thịt còn lại của mình và hành trong vườn trường. Cô quay lại đưa thuốc cho gã uống rồi nhóm bếp nấu nồi cháo hành giải cảm. Cô cùng thằng bé ngồi quanh bếp lửa, thằng bé vui vẻ ôm tay cô giáo, luôn mồm hỏi cô tại sao thế này, tại sao thế kia, cô chưa kịp trả lời câu này, bé Dũng đã hỏi sang câu khác.

Nghe tiếng người nói chuyện, tiếng trẻ con cười khúc khích, Sánh mở mắt. Đầu gã nặng trịch, toàn thân nhức mỏi không nhấc lên được. Hôm qua, đang xây tường nhà cho một nhà dưới huyện, cơn dông ào tới, xin được mảnh áo mưa của chủ nhà, gã đi bộ về đón con. Mảnh ni lông nhỏ chỉ đủ che cho con, còn gã ướt như chuột lột. Về tới nhà, gã nằm bẹp tới giờ:

– Anh thấy trong người thế nào, đã đỡ hơn chưa?

Đối diện với giọng nói ngọt ngào và sự dịu dàng, ân cần của một cô gái xa lạ. Gã chợt thấy ngượng. Cả người nóng ran, vì sốt hay vì gì gã cũng không hiểu nổi.

– Cảm, cảm ơn cô giáo.

Mai gật đầu, giả tảng quay qua nhìn thằng bé. Trời xâm xẩm tối, cô xoa đầu chào tạm biệt thằng bé.

– Tôi để thuốc treo chỗ cột nhà kia nhé, không sợ bé Dũng lấy nghịch. Uống làm hai lần, sáng – tối, mỗi lần hai viên anh nhé. Cháu Dũng ăn cháo rồi, tôi để một bát đậy trong cái rổ trên bàn kia, lát anh dậy ăn luôn cho nóng. Chào anh, tôi về. Có gì cần giúp đỡ cứ gọi cho tôi nhé, số điện thoại tôi ghi trong tờ giấy để trên bàn kia…

Sánh nghe cô nói mà cứ ù ù cạc cạc, mất hết vẻ rắn rỏi thường ngày, cứ gật đầu như trẻ con nghe người lớn dặn dò trước khi xa nhà. Mai bước ra cửa, bé Dũng chạy theo, níu tay cô lại, quyến luyến không muốn rời đi.

– Dũng ngoan, mai nếu bố chưa khỏe, cô vào đón con đi học cùng các bạn nha!

Dùng dằng mãi, thằng bé cũng buông tay cô ra. Mai lại đi bộ về trường, những ngôi nhà trong bản cũng bắt đầu sáng đèn, trong lòng Mai dâng lên một niềm vui khó tả, một thứ tình cảm từ lâu đã không còn xuất hiện trong cô.

Và đêm ấy, Sánh lại nằm mơ. Một giấc mơ không có ác mộng, một giấc mơ với những nụ cười hạnh phúc.

 

Đ.T.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong lời mẹ hát | Thơ in sách giáo khoa và lời bình
Bài thơ Trong lời mẹ hát được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8
Xem thêm
“Một ngày từ bên trong” - Tác phẩm đạt giải thưởng của cô gái 16 tuổi
Tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả trẻ Trần Phú Minh Anh, bút danh Minh Anh sinh năm 2007 được trao Giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023. Tập thơ được bán với giá 200 ngàn đồng.
Xem thêm
Sơ - Lốc - Hôm mặc váy - Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Hắn giật thót người khi nghe tiếng con Shushi sủa váng lên khiến bà già chủ nhà lên tiếng nhắc chó cưng rồi rời bàn viết.
Xem thêm
Chùm thơ Bùi Xuân Mẫn
Nhận thấy mình tin chắc thế nàovề một chuyện duy nhấtmà không thể chứng minhLập lòe sáng tối do ánh lửa
Xem thêm
Giới thiệu chân dung thơ Phạm Tiến Triều
Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. – Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Xem thêm
Đừng xem đó là bẫy – Truyện ngắn Võ Chí Nhất
Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đau sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.
Xem thêm
Cuộc điện thoại bất ngờ - Truyện ngắn Hoàng Thị Hiền
Sau tiếng trống báo hiệu vào tiết học, tôi cho đôi mắt được tự do quan sát khắp sân trường, nhà để xe, con đường tấp nập ngoài cánh cổng sắt…
Xem thêm
Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI - Những tìm tòi và thử nghiệm
Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX
Xem thêm
Nước mắt mùa đông – Tản văn của Đặng Thùy Tiên
Mùa đông ở miền núi Tây Bắc, cái rét không ngòn ngọt như mạn Đông Bắc mà mằn mặn đanh đanh. Cây cối vào mùa đông chịu cái rét thấu, sáng sớm sương muối tích tụ từ đêm giữ lại cái rét trong những hạt trắng nhỏ li ti, treo mình trên từng tán lá, ngọn cỏ, cành cây. Sương muối không bỏ qua cái ngóc ngách nào của rừng núi, kể từ cái mạng nhện, những sợi tơ mỏng manh bình thường lẫn vào với không khí chẳng thấy đâu, vậy mà lúc này bị sương muối làm cho lộ diện hoàn toàn cả cấu trúc của mình.
Xem thêm
Bể dâu lành lặn | Chùm thơ của Mạc Tường Vi
Lặng lòng mắt ước xăm xaBể dâu lành lặn người ta phương nào
Xem thêm
Thơ Cỏ Ba Lá
Chiều bắt dế ven đê cùng lũ bạnTiếng sáo diều thủng thẳng ở lưng trâuĐôi chân trần làn da cháy đen nâuPhong phanh áo mưa ngâu trời trở gió
Xem thêm
Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét
Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.
Xem thêm
Chùm thơ Trương Mỹ Ngọc
“Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?// Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú// Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình/ Loài người ngợi ca sự văn minh/ Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ…”
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất hiện nay vẫn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn TP.HCM.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Trần Khải Duy
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy sinh năm 1995 tại Bình Định.
Xem thêm
Đại biểu nhà văn trẻ: Nguyễn Đình Minh Khuê
Chạm vào cái thực - tiểu luận của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê.
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trần Đức Tín
Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín là một trong 22 đại biểu TPHCM tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19/6.
Xem thêm
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật
Nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật sinh năm 2000
Xem thêm
Giới thiệu đại biểu nhà văn trẻ: Trương Mỹ Ngọc
Hiện nay, Trương Mỹ Ngọc làm biên tập viên truyền hình tại TP.HCM.
Xem thêm