TIN TỨC
  • Truyện
  • Ông trẻ của làng | Nguyễn Bá Hòa

Ông trẻ của làng | Nguyễn Bá Hòa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
903 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN BÁ HÒA

Ca Phin coi trời bằng vung, đó là nhận xét của dân làng Trong, chẳng biết là khen hay chê, nhưng dù khen hay chê, cũng nói lên ít nhiều tính cách dị biệt của hắn. Ca Phin mới “ngũ thập tri thiên mệnh” mà đã như cụ “thất thập cổ lai hy”. Không chỉ cái dáng đi tỏ ra lụ khụ, cái kính râm đen cố tình trề trề trên mũi, mà hơn hết là cái giọng trịnh trọng pha chút lè nhè. Người thấp, cố nhướn lên cũng chưa được 1m50. Bộ ria mép cắt tỉa mỗi ngày, có phải được xông tẩm mùi rượu và thuốc lá mà cứng trơ và ngả màu nâu đen. Khuôn mặt loắt choắt không có gì nổi bật, ngoại trừ đôi mắt lúc nào cũng như muốn quán xuyến tất cả mọi việc chung quanh, cái nhìn láo liên kín đáo, cái liếc dò xét đáo để.

- Chào ông Ca Phin! Ông vẫn khỏe luôn chứ?

- Chào Hai Dong tiên sinh! Thuận thiên nên tại hạ vẫn khí huyết tuần hoàn âm dương hợp đạo.

Lúc nào ngôn ngữ của Ca Phin cũng nửa nạc nửa mỡ, người ít chữ phục lăn, người có chút chữ cố giấu nụ cười giễu cợt. Có gì phải giấu, cứ cười toẹt ra cho hắn bỏ cái thói “hợm chữ” đi chứ! Đời nào hắn chịu bỏ, hắn từng bảo với mọi người là hắn bao giờ cũng đúng kia mà! Lại nữa, ông Muôn, trưởng làng Trong này còn mời hắn đến nhà dạy học cho bọn nhỏ, ai mà dám đụng đến hắn kia chứ?

- Ông lại nhà ông Muôn?

- Chí phải!

Nghe đồn Ca Phin tốt nghiệp Cử nhân tận ngoài Huế, xin dạy hợp đồng được mấy năm thì bỏ việc. Người thì bảo hắn chê nghề giáo mẫu mực không phù hợp với tính cách tự do phóng túng của hắn, người bảo hắn bị đuổi ra khỏi ngành... Nguyên nhân chính xác chẳng ai biết vì hắn không phải dân làng này.

Ngày đầu tiên dân làng biết đến hắn với cái tên Ca Phin gắn với một bài viết trên một tờ báo, được ông Muôn mang ra giới thiệu với dân làng. Hắn viết về sự ra đời của làng Trong, về những vị tiền bối thuở lập làng... từng câu chữ đậm đặc tính huyền thoại, thực hư cứ đan xen trôi bềnh bồng trên những từ ngữ cũ mềm nặng nề đậm mùi “kiếm hiệp”. Người dân bắt đầu nể trọng một người đã viết về những điều họ muốn biết về gốc gác làng quê mình.

Ngày đầu tiên dân làng nhìn thấy hắn trong vai trò cố vấn cho trưởng làng, trong một đại lễ của làng, lễ cúng Xuân tưởng nhớ những bậc đã có công lớn lập làng từ thuở xa lơ xa lắc. Cảm giác thú vị về một “Ông Trẻ” của làng xuất hiện mang đến cho họ một niềm tin dù lãng mạn, một sức mạnh tinh thần dù rất đỗi mơ hồ và dĩ nhiên Ca Phin phải trong bộ dạng chỉnh chu với vị trí mới của mình.

Những trang báo cũng thường xuyên đăng tải về một làng Trong đang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một cách đúng hướng, một làng Trong đậm nét lịch sử hình thành và phát triển...  Người theo chủ nghĩa hoài nghi không tin những gì Ca Phin đã viết đã làm, họ nghĩ đến một Ca Phin lừa đảo nhưng cũng không có chứng cứ hay lập luận gì để mạnh miệng nói ra điều đó. Cái số đông người thật thà nhưng viển vông đã tin vào những bài văn viễn tưởng của Ca Phin, vì thế một Ca Phin trình độ hơn người đang được ngưỡng mộ. Có người ngờ ngợ  về một mối quan hệ giữa Ca Phin và ông Muôn, một quan hệ đôi bên cùng có lợi, chẳng hạn, nhưng đã không tìm thấy manh mối gì. Công bằng mà nói, một Ca Phin trong sạch đang ở trọ một căn phòng nhỏ của một ngôi nhà cuối làng, sống bằng nghề cầm bút và dạy học. Không chỉ có ông Muôn, đã có nhiều gia đình nhờ cậy Ca Phin làm gia sư, một sự kính nể thật lòng về cái tâm và cái tài của hắn.

Phòng ở của Ca Phin còn là nơi hội ngộ luận đàm thế sự của những người xem Ca Phin là thần tượng. Rượu dầm với rễ cây, rót vào ly nhỏ, khề khà khai khẩu. Nơi đây là trung tâm truyền đi những câu nói bất hủ, những phát ngôn đầy khí phách của Ca Phin sau khi tửu nhập. Nào là hắn đã đọc hết sách của nhà Phật, chữ nào cũng thích cũng thông chỉ có điều hắn không thể bỏ được rượu. Nào là hắn đã dịch tất cả các văn tự trên lăng mộ các đời vua triều Nguyễn sang tiếng Việt, nhiều chữ các ông cụ ngày xưa viết lỗi, hắn cần phải chỉnh sửa... Giọng lè nhè và đôi mắt hấp háy tạo nên những âm vị nhừa nhựa.

- Nghe nói thầy đã từng tranh cãi với cụ Tuyết về nhiều chuyện?

- Vâng, khi tìm hiểu về làng Trong, chính cụ Tuyết đã cho tại hạ xem gia phả, ông tổ của cụ Tuyết là một tiền bối đã khai sinh ra làng này.

- Thế thì quá chuẩn rồi!

Ca Phin rót thêm một ly rượu cho mỗi người rồi tiếp.

- Tại hạ có điều chỉnh lại cái xuất thân của cụ tổ của cụ ấy cho phù hợp với thời đại, cụ ấy không đồng ý, còn dám nói tại hạ làm càn làm ẩu, yêu cầu phải xin lỗi và viết lại đúng sự thật.

- Rồi sao nữa?

Chẳng thèm mời ai cả, Ca Phin đưa ly rượu hất vào mồm, rồi như nói với cụ Tuyết.

- Cụ biết một mà chẳng biết hai, góp ý thì cứ góp ý, Ca Phin này chẳng chịu nghe ai đâu, Ca Phin này bao giờ cũng đúng, chưa bao giờ xin lỗi ai đâu nhé!

Bọn người ngấm hơi men đồng tình ngay.

- Cái xuất thân tổ của cụ Tuyết chỉ có cụ Tuyết biết, còn thiên hạ cần gì biết, thầy giáo đã đúng! À, mà nhà tôi định lập lại cái gia phả, thầy giáo giúp giùm nghe!

Ca Phin nheo mắt nhìn bình rượu vơi một nửa rồi lắc đầu.

- Xin khất bác sang năm, đang nhiều việc lắm, vừa mới hoàn thành bản gia phả cho nhà trưởng làng Muôn, còn hai nhà nữa, đợi xong rồi hãy tính.

Ai đó thập thò trước cửa phòng, hình như là một phụ nữ.

- Anh Hai có ở trong không, chị Hai bảo gọi anh về.

Thì ra con Tịnh, em gái bác Hai Dong.

- Mày về trước, anh Hai về ngay.

Rồi chợt nhớ ra điều gì, bác Hai đứng dậy, không quên cầm ly rượu.

- Thưa với thầy, thưa các ông đây, tôi có điều tâm huyết muốn nói.

Ai đó xì một tiếng rõ to.

- Bác Hai hôm nay sao trịnh trọng thế, có gì nói nhanh rồi về.

- Thầy giáo đây chưa lập gia đình, em gái tôi... cũng vậy, tôi muốn mai mối cho thầy...

Ca Phin khoát tay lia lịa.

- Bác Hai say rồi! Uống hết ly rồi về kẻo bác gái đợi!

- Tôi không say mà...

- Tôi bảo bác Hai say rồi là bác Hai say rồi, tôi ghi nhận thành ý của bác, chừ bác về cho... mà tôi cũng có việc, bữa sau chúng ta sẽ còn gặp lại.

Giọng từ tốn nhưng ẩn chứa mệnh lệnh của Ca Phin có chút ngập ngừng. Mấy tay nhậu lục đục kéo về, không quên đi thụt lùi và cúi đầu lễ phép.  

Chờ bọn người vô công rỗi việc khuất sau cổng nhà, Ca Phin bỏ chiếc kính râm đen xuống bàn lộ ra đôi mắt sâu trắng bệch. Khuôn mặt xa lạ với cái nhìn của mọi người, ngay cả hắn cũng không nhận ra mình mỗi khi nhìn vào gương soi nữa. Hắn đã quá quen với một Ca Phin trải đời, một Ca Phin thần thái. Bỏ kính mắt ra như bỏ đi chiếc mặt nạ, hắn trở về nguyên thủy một con người ở tuổi 50. Không đợi Hai Dong mai mối, hắn biết con Tịnh từ khi mới đến làng này. Con Tịnh đã một đời chồng, đã một mặt con, vẫn còn rất xinh đẹp. Chồng con Tịnh chết trôi trong một trận lụt cách đây độ 5 năm, khi ấy con Tịnh cũng độ chừng 35-36 tuổi. Hắn để ý đến con Tịnh nhưng không dám hé nửa lời bởi trước đây trong một lần cao hứng và cao ngạo hắn đã từng tuyên bố: Ca Phin này chỉ lấy vợ khi tìm thấy một người xứng tầm, có trình độ, trung trinh, công dung ngôn hạnh đủ đầy. Trời xui đất khiến làm sao, dần dần hắn phải lòng con Tịnh, mà con Tịnh ngay trong mắt bàn dân thiên hạ thì chẳng ra cái thể thống gì. Hắn ngậm miệng đau khổ vì muốn bảo vệ lời tuyên bố của mình, hắn nuốt nỗi tương tư vào lòng để mọi người thấy hắn chẳng bao giờ sai. Bữa rượu hôm nay bác Hai đã đâm vào tim nó những nhát dao mang tên tình ái. Ca Phin có thể vì thâm tình với bác Hai, có thể hạ mình đồng thuận với thành ý của bác, được cả đôi bề. Nhưng rồi còn ai tin hắn đúng nữa, nghĩa là hắn sẽ mất tất cả. Hắn thà sống cô độc, thà nát nẫu ruột gan, chứ nhất quyết không làm trái ý Ca Phin.

Hắn đau cả đầu không phải vì mấy ly rượu, hắn thở hắt ra rồi vội vàng mang chiếc kính mắt vào và hắn lại hoàn hắn, một Ca Phin “Ông Trẻ” của làng. Dẹp bình rượu vào góc phòng, xếp gọn mấy cái ly vào cái khay nhỏ, lau chùi qua loa bàn nhậu, lôi giấy tờ từ túi vải sẫm màu ra định ngồi viết.

- Thầy giáo có nhà không?

Giọng một đứa trẻ, Ca Phin nhận ra, là thằng con út của ông Muôn.

- Có chuyện gì?

- Cha cho mời thầy sang nhà có việc!

Không trả lời thằng Út, Ca Phin uể oải đứng dậy, xếp gọn giấy tờ vào túi vải, cẩn thận mang lên vai rồi đi ra khỏi phòng. Thằng Út đã chạy đi từ hồi nào. Đi chưa được nửa đường đã gặp Hai Dong.

- Thầy lại đi có việc? Khi nãy tôi...

Ca Phin biết bác Hai muốn nói gì, nên chặn lại ngay.

- Tôi bận lắm, việc nước việc làng, bác đi nhé!

Nói xong Ca Phin ngửa mặt lên trời hít một hơi thật sâu rồi vội vàng bước đi trong cái nhìn với theo của bác Hai. Lại chuyện con Tịnh? Hắn hít thật sâu, một thói quen khi gặp chuyện không vui.

Nhà ông Muôn hôm nay có khách, trước nhà là một chiếc ô tô 4 chỗ màu trắng lấn cả cửa ra vào, một thoáng ngập ngừng, nhưng rồi hắn vẫn phải vào.

- Thầy đã đến!

- Vâng, tôi đã đến!

Ở gian giữa nhà khách, một ông đeo kính trắng, không còn trẻ lắm, đang chăm chú xem một quyển sách gì đấy. Ông Muôn nghiêm mặt vào chuyện ngay.

- Đây là thầy giáo Ca Phin, còn cậu Mẫn đây là em họ tôi. Chuyện cái gia phả nhà tôi, mong thầy giải giùm.

Ca Phin nhìn ông Mẫn dò xét, vẫn cái nhìn kín đáo sau chiếc kính râm đen. Ông Mẫn ngước nhìn Ca Phin một cách thờ ơ.

- Thầy giáo giúp anh tôi viết cái này? Sai be bét từ thể thức đến nội dung!

Chưa một ai dám bảo Ca Phin sai, lại là sai be bét, ông Mẫn này to gan thật! Da mặt Ca Phin vốn đã tái rồi nên có tái thêm cũng chẳng dễ nhận ra. Ông Mẫn quay lại nhìn ông Muôn rồi nói tiếp:

- Anh có biết không, người viết hoặc là quá cẩu thả coi thường nhà anh hoặc là không có chút kiến thức nào. Câu chữ rối rắm không đầu không đuôi, tên họ còn viết sai chính tả thì không thể chấp nhận được!

Hàng ria mép Ca Phin giật giật, chắc định nói gì đó nhưng vẫn không có âm thanh nào phát ra. Ông Muôn nhìn Ca Phin thở dài thườn thượt.

- Tôi đã tin thầy, bà con cả làng này đã tin thầy, nhưng tôi cũng tin cậu em tôi, người đang giảng dạy ở trường đại học trong thành phố.

Nghe ông Muôn giới thiệu, biết mình đã gặp người nhiều chữ, Ca Phin tỏ ra vẻ thành tâm.

- Thưa các ông, tôi bận quá nhiều việc, lại có chút chủ quan, nên ra thế. Sẽ chỉnh sửa theo góp ý của ông đây!

Ông Mẫn nói dứt khoát.

- Chuyện chỉnh sửa không cần nữa, thầy phải nhận mình sai và xin lỗi anh tôi.

Ca Phin bặm môi.

- Sai ư? Xin lỗi ư?

- Nếu thầy không thấy sai, tôi đưa lên mạng xã hội để mọi người cho ý kiến, rồi thầy sẽ tin là mình đã sai!

Ca Phin đã không còn nói cứng nữa.

- Có gì phải đưa lên mạng xã hội chứ! Ừ thì tôi đã sai, tôi xin lỗi!

Nghe xong, mặt ông Muôn dịu lại, ông Mẫn cũng không nói gì nữa. Ca Phin thở phào nhẹ nhỏm, chỉ có ông Muôn biết mình sai, biết mình đã xin lỗi, còn ông Mẫn kia rồi sẽ lại đi vào thành phố, chẳng mất mát gì! Có tiếng con nít xì xào ở phòng sau, chắc là tiếng anh em thằng Út. Ca Phin giật mình, hắn từng nói với bọn học trò là hắn chưa hề xin lỗi ai bao giờ vì hắn luôn luôn đúng, nếu bọn nhỏ nghe được chuyện này thì khó cho hắn rồi. Lại có tiếng chân gấp gáp trước cổng nhà, mọi người nhìn ra, một bóng người vừa quay lưng bỏ chạy. Ông Muôn giải thích:

- Chắc có người thấy xe ô tô nên tò mò thôi, bao giờ cậu Mẫn lên phố cho anh đi nhờ một đoạn.

Không ai ngờ, đó là Hai Dong theo chân Ca Phin đến đây, chắc muốn gặp Ca Phin để nói chuyện con Tịnh và... chắc đã nghe lén được chuyện vừa rồi. Ông Mẫn xếp tập gia phả đẩy về phía Ca Phin. Tất cả đều yên lặng. Thời gian trôi đi nặng nề. Một lát sau, Ca Phin quơ vội bản gia phả bỏ vào túi vải, cáo từ mọi người ra về. Trời không nắng lắm mà mồ hôi cứ chảy dài trên trán, dừng lại lấy khăn,  chưa kịp lau mặt đã nghe giọng Hai Dong cất lên từ phía sau:

- Tưởng thầy không biết xin lỗi ai chứ? Bỏ qua giùm chuyện con Tịnh thầy nghe, xem như tôi chưa nói gì!

Mặt Ca Phin nóng phừng phừng, mồ hôi toát ra ướt đẫm khuôn mặt đang biến dạng. Trên đường Ca Phin đã gặp nhiều người quen, kể cả những người từng ngưỡng mộ hắn, họ nhìn Ca Phin như người xa lạ, thì ra họ đã biết... Thằng Út ở đâu xuất hiện cùng tụi học trò nhỏ, bọn chúng nhìn Ca Phin bằng ánh mắt lạnh lùng. Trái tim Ca Phin đập nhanh đến nỗi khiến không thở được. Rồi chỉ nội nhật này, cả cái làng Trong, từ già đến trẻ, sẽ biết chuyện. Lê lết về đến căn phòng nhỏ, Ca Phin đổ người lên chiếc giường bố nằm bất động.

Tin Ca Phin ốm nặng lan đi nhanh chóng, chủ nhà chạy tìm bác sĩ, kêu cứu ông Muôn, mọi người ai cũng lo lắng cho sức khỏe của “Ông Trẻ” làng Trong. Ba ngày trôi qua, Ca Phin mở mắt nhìn quanh, cái nhìn thèn thẹn biết mình biết ta, rồi thều thào:

- Có bác Hai ở đây không?

- Dạ, tôi đây! Thầy muốn nói chuyện với tôi?

- Cho tôi gặp cô Tịnh, tôi muốn nói...

- Con Tịnh nhà tôi không dám đến thăm thầy đâu, nó sợ thầy khinh mà!

Ca Phin nhướn mắt nhìn lên, chỉ được mấy giây lại nhắm nghiền mắt lại, rồi... hình như cả người không còn động đậy nữa.

Mọi người có mặt lúc Ca Phin ra đi đã quá bất ngờ, đã quá sợ hãi. Ai đó đề nghị cần báo tin với gia đình Ca Phin, chủ nhà cuống cuồng lục trong túi vải, bất ngờ một chiếc điện thoại di động rơi ra. Sao không bất ngờ cho được chứ! Ai trong làng này mà không biết Ca Phin không hề có điện thoại mà! Một thanh niên giật chiếc điện thoại từ tay chủ nhà.

- Để cháu tìm thông tin.

Loay hoay một hồi anh gọi điện cho ai đó. Tiếng từ đầu bên kia:

- Thằng Phin đó hả? Mấy ngày nay mày đi đâu mà không gọi về cho mẹ chứ!

- Dạ thưa bác, anh Phin mất rồi, bác đến đây đưa anh ấy về nhà...

Bên kia hình như mẹ Ca Phin đã đánh rơi chiếc điện thoại. Ông bác sĩ buột miệng:

- Ông Ca Phin chết vì ngột thở trong cái vỏ bọc huyễn hoặc mang tên ông ấy. Có nhiều loại vỏ bọc mang tên khác nhau và... cũng có nhiều cái chết tương tự.

Chẳng ai hiểu ông bác sĩ này nói cái gì. Mọi người hồi hộp chờ đợi tín hiệu của người mẹ từ chiếc máy điện thoại. Trời ngả màu tím tái, hình như sự ngột ngạt bay lên từ những đám mây sẩm màu chiều. 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm