TIN TỨC
  • Truyện
  • Nguồn gốc Mắc ca | Đào Văn Hợp

Nguồn gốc Mắc ca | Đào Văn Hợp

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-20 07:28:44
mail facebook google pos stwis
1624 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

 ĐÀO VĂN HỢP

Giám đốc Vương đang rất vui. Số là hôm nay có một cán bộ trẻ, tên Bê, từ Trung ương về sở công tác thực tế dài ngày. Không rõ ai bảo mà anh ta một điều giám đốc Vương, hai điều giám đốc Vương. Thái độ rất chi lễ phép và nhã nhặn. Khác hẳn mấy anh trước đây, vừa thích vòi vĩnh, vừa chảnh chọe bề trên. Nhiều khi xưng hô đã thấy lộn tiết. Tôi nói thế này đồng chí Xênh ạ. Tôi nghĩ anh Xênh nên chỉ đạo nhân viên sở việc này, việc kia. Rõ bố đời. Tính giám đốc Vương rất ghét ai gọi mình bằng tên cúng cơm. Vì lão nghĩ cái tên Xênh cha mẹ đặt không sang. Họ Vương Khắc thì được. Thế là từ khi mới làm trưởng phòng tài chính một huyện, lão đã đặt lệ nhân viên dưới quyền chỉ được phép gọi lão bằng “họ”. Ví dụ, thưa trưởng phòng Vương. Dạ, em báo cáo anh Vương. Thưa sếp Vương kí dùm em cái này. Vân vân.


Ảnh: Internet.

Lão giải thích, đại khái, gọi như thế mới ra dáng con nhà Nho học. Lão bảo, các cậu không biết đó thôi. Gia phả mười mấy đời nhà tôi đều theo cử nghiệp. Ngặt nỗi chả ai đỗ đạt cao. Loanh quanh toàn khóa sinh, ông đồ. Ngay cả ông nội tôi cũng chỉ là chân giáo làng dạy bình dân học vụ trước cách mạng.

Đời tôi phải khác. Liên hoan, rượu chè chỗ này chỗ kia, lão thường lè nhè thế. Mà khác thật. Từ việc học trung cấp theo kiểu đánh trống ghi tên sau quân ngũ, lão liên thông đại học tại chức, nhảy phốc phát nữa lên thạc sĩ. Đỉnh điểm là không rõ bằng cách nào mà lão bảo vệ xong luận án tiến sĩ.

Thời thế tạo anh hùng. Luận văn luận án bày bán công khai. Việc học dễ như trở bàn tay. Có cầu ắt có cung. Qui luật thị trường tự nhiên. Người có tiền có quyền như giám đốc Vương việc ấy đơn giản.

Từ ngày có danh vị, mỗi khi giỗ họ, lão Vương tha hồ chém gió. Tay phần phật lia lịa giơ trước không khí. Dòng họ Vương Khắc chúng ta không những cần phát huy truyền thống, tinh thần hiếu học bao đời nay mà còn cần phấn đấu mạnh mẽ hơn trên con đường hoạn lộ. Dân gian nói, một người làm quan cả họ được nhờ. Thời nào thì làm quan vẫn muôn đời thịnh.

Được cái, giám đốc Vương ít khoe khoang học vị của mình. Ở góc độ nào đó người khác thường khen lão khiêm tốn. Này nhé, đi họp, tham gia hội thảo chuyên ngành, lão chỉ giới thiệu, tôi đến đây với tư cách giám đốc sở. Nhưng họp cơ quan, liên ngành ngang dọc, từ cơ sở tới Trung ương, lão toàn giới thiệu, tiến sĩ Vương, công tác tại...

Ai thắc mắc, lão cười khơ khớ. Tớ xưng danh tréo ngoe là để tai lắng nghe trong đa dạng. Sự thật đâu phải vậy. Chủ yếu việc ấy là để giấu dốt, yếu kém. Nơi cần chuyên môn, ta khoe quản lý. Nơi cần quản lý, ta núp bóng chuyên môn.

Ấy thế nhưng lão rất thích được phỏng vấn ti vi. Cứ vài tuần truyền hình lại mời lão cùng hai chuyên viên chăn nuôi thú y trả lời câu hỏi của nông dân tỉnh nhà. Nói chung, toàn kiến thức phổ thông. Ví thử, một người chỉ học hết cấp hai, chịu khó đọc tin tức một chút, là tự mình sẽ biết. Đâu cần đến các chuyên gia, tiến sĩ cỡ giám đốc Vương.

Một lần, lão ngồi ăn sáng. Bà đồng nát vào mua chai lọ, vỏ hộp, lon bia. Bà cứ đứng ngó chằm chằm lão Vương. Lão thấy kì kì, ra hỏi. Bà kia e ngại:

- Em hỏi khí không phải, em nhìn bác quen lắm. Có phải bác hay giải đáp sâu bệnh cây trồng vật nuôi trên ti vi không ạ?

- Dạ, đúng rồi! - Lão Vương nhỏ nhẹ.

 - Ối giời ơi, thế thì thật may, em mong mãi, hôm nay mới gặp bác. Nhờ bác, đàn lợn nhà em khỏi ốm.

- Không có chi, đấy là chuyên môn, trách nhiệm của chúng tôi. Giúp bà con cũng là giúp tôi.

Nói đoạn, giám đốc Vương không quên bắt tay bà đồng nát, nhờ chủ quán chụp hộ kiểu ảnh. Lão treo rất trang trọng ngay cửa phòng làm việc. Hình thức của chủ nghĩa dân túy. Lão nửa đùa nửa thật, tiếp dân nào bằng, coi như hạnh phúc một nhiệm kì.

Thời gian gần đây Trung ương khuyến khích các tỉnh Tây Bắc chuyển đổi cây trồng. Cây mắc ca được chọn để nhân rộng, một phần vì nó phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng này.

Đích thân giám đốc Vương đưa các chuyên gia lâm sinh, các đồng nghiệp tỉnh bạn đến một số nông trường, hộ dân điển hình, đang trồng số lượng lớn cây mắc ca.

Hôm nay, đoàn tới nông trường A. Ở đây có Đỗ Khang, kĩ sư lâm sinh, rất yêu rừng, luôn nhận công tác vùng sâu vùng xa để giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế đồi rừng.

Những cây mắc ca bắt đầu bén rễ, màu xanh thẫm chạy tít tắp ngọn đồi. Khe khẽ những ngọn gió se lạnh. Lão Vương mào đầu:

- Trong không khí tiết xuân long lanh, tỉnh nhà rất vui khi hôm nay chúng ta có cuộc hội thảo tại đây, nhằm cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc, triển vọng, giá trị kinh tế của cây mắc ca. Tôi hy vọng các chuyên gia, quan khách, bà con nông dân ai có hiểu biết, sáng kiến gì trong việc ươm trồng giống cây mới này thì cứ mạnh dạn đề xuất, phát biểu, đóng góp ý kiến.

Im lặng. Chỉ có tiếng xì xào bàn tán về cây này lấy giống từ đâu,  bao lâu cho thu hoạch hạt. Để tiếp tục, lão Vương tiếp:

- Không ai có ý kiến gì, thì tôi nói qua về xuất xứ cây mắc ca vậy. Mắc ca tên khoa học là Macadamia, gồm nhiều cây thân gỗ thuộc họ Proteaceae, được trồng nhiều ở Australia, tức là đất nước Áo, quê hương của nhà phân tâm học Sigmund Freud.

Thực sự, giám đốc Vương dốt ngoại ngữ nên nhầm lẫn giữa Úc (Australia) và Áo, do cách viết tiếng Anh của tên hai quốc gia khá tương đồng.

Sự nhầm lẫn khiến Đỗ Khang cần đính chính. Tuy nhiên, là người thẳng tính, ít xã giao, anh vô tư:

- Tôi nghĩ, giám đốc Xênh nên xem lại. Mắc ca xuất xứ từ nước Úc.

- Tôi không cần xem lại - Lão Vương bực mình vì bị gọi tên tục giữa chốn đông người - Tôi đã nghiên cứu kỹ trên mạng. Và tôi không phải là người không biết ngoại ngữ.

Lão Vương đảo mắt một lượt, tìm đồng minh:

- À, đây rồi. Có anh Bê, kỹ sư từ trung ương đây. Anh thấy tôi sai ở điểm gì không?

- Dạ, theo tôi - Kỹ sư Bê tay mân mê cặp. Mắt nhìn vô định - cái nguồn gốc của cây mắc ca vẫn còn khó xác định ngay được, cần thêm thời gian. Nhưng với sự từng trải và được đào tạo bài bản như anh Vương thì chúng ta cứ tin tưởng vậy đi.

- Tôi không có ý định tranh luận về ngoại ngữ ngoại giao gì cả - Giọng lão Vương gắt gỏng, mặt bừng bừng nộ khí, xả luôn một tràng - Còn về đường học vấn gia phả tôi mười mấy đời khoa bảng. Dẫu không đỗ ông cống ông nghè vinh qui bái tổ nhưng cũng đủ vốn chữ nghĩa hiểu đời, đọc sách thánh hiền. Tôi trưởng thành từ lúc các cậu chưa ra đời. Các cậu được dạy Singapore, chúng tôi được dạy Tân Gia Ba. Các cậu biết Napoléon, chúng tôi biết Nã Phá Luân. Các cậu đọc Các Mác (Karl Heinrich Marx), chúng tôi đọc Khải Nhĩ Mã Khắc Tư...

Không khí lắng xuống. Mọi người tự động tản ra, tìm xuống đường xe đợi. Tiếng bước chân loạt xoạt đạp cỏ, cây bụi rẽ lối.

Một thời gian ngắn sau. Có hai việc trái ngược xảy ra. Anh kỹ sư hết kỳ công tác vùng cao. Hồ sơ triện đỏ những lời nhận xét nồng nhiệt của giám đốc Vương. Nào kỹ sư Bê tuổi trẻ, chuyên môn vững, nhiệt tình, không ngại khó. Một người như thế chắc chắn sẽ đóng góp lớn cho ngành nông lâm ngư nghiệp nước nhà.

Về phần Đỗ Khang. Người ta không còn thấy chàng kỹ sư đeo kính cận, nụ cười dễ mến luôn đến với bà con dân tộc vùng cao để tư vấn, hướng dẫn họ các mô hình phát triển rừng bền vững. Hỏi. Người thì bảo Đỗ Khang bị cắt hợp đồng. Người lại nói anh tự ý nghỉ việc. Kẻ rỉ tai, Đỗ Khang xin được học bổng sau đại học của quê hương cây mắc ca.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm