TIN TỨC

Rạng danh vùng đất anh hùng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-25 16:10:34
mail facebook google pos stwis
1726 lượt xem

CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

NGUYỄN QUẾ

Về với vùng đất phía nam của tỉnh Bình Dương, ta sẽ có dịp ghé thăm phường Bình Chuẩn, một trong 6/10 phường anh hùng của thành phố Thuận An hai lần anh hùng (đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới). Tiếp giáp với thành phố tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, lại nằm dọc hai bên tuyến giao thông huyết mạch nối liền các đô thị phía nam của tỉnh Bình Dương với thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, phường Bình Chuẩn có vị trí rất quan trọng. Trong các cuộc kháng chiến, đây còn là nơi án ngữ con đường giao liên độc đạo giữa chiến khu Thuận An Hòa với chiến khu Đ và là khu vực tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Đối với nhiều người, nơi đây có sức cuốn hút kỳ lạ. Sức cuốn hút ấy đến từ sự hiếu khách và tấm lòng chân chất của người dân cùng với lịch sử hào hùng gắn liền với những câu chuyện mang tính huyền thoại của vùng đất này. Tôi đã được nghe các vị cao tuổi kể về chuyện một đệ tử của xứ võ Bà Trà nổi tiếng tay không đả hổ, đánh Tây; được nghe về sự mưu trí, gan dạ của nữ Anh hùng - Liệt sỹ Lê Thị Trung và biệt tài đi trong đêm nhanh như bay cùng những chiến công oanh liệt của Anh hùng - Liệt sỹ Từ Văn Phước - những người con ưu tú của đất Khánh Long, Khánh Lộc xưa, nay là khu phố Bình Phước B thuộc phường Bình Chuẩn.

Đúng là “địa linh” đã sinh “nhân kiệt”, và chính những người con ưu tú ấy lại góp phần làm rạng danh vùng đất quê hương mình. Nữ Anh hùng - Liệt sỹ Lê Thị Trung sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, chị đã tích cực tham gia hồi Khánh Long, một tổ chức từ thiện - xã hội có các hoạt động yêu nước. Chính những năm tháng ấy cùng với truyền thống gia đình, quê hương đã hun đúc trong tâm hồn cô gái trẻ lòng yêu nước, thương nòi và ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lê Thị Trung tham gia kháng chiến rất sớm và trở thành Trung đội trưởng Trung đội nữ Pháo binh lừng danh của huyện Lái Thiêu (nay là thành phố Thuận An) rồi được bầu vào Thường vụ Huyện ủy, giữ chức Chính trị viên Huyện đội khi tuổi đới còn rất trẻ. Chị nổi tiếng là một chỉ huy mưu trí, dũng cảm và hết mực thương yêu đồng chí, đồng đội. Ngày 15/5/1974, khi đi công tác cùng đoàn cán bộ chiến sỹ của Huyện ủy, chị hy sinh ở tuổi 28 - tuổi thanh xuân tươi đẹp - để lại bao tiếc thương cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương.

Anh hùng - Liệt sỹ Từ Văn Phước sinh năm 1936. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, suốt ngày phải chăn trâu. Do có gương mặt phúc hậu, tính tình vui vẻ, cởi mở và giàu lòng thương người nên ông được đặt biệt danh là “ông Phật Nhị thiên đường”. Sinh ra trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống cách mạng, lại được cha là một thầy dạy võ của xử võ Bà Trà truyền dạy các thế võ gia truyền nổi tiếng, Từ Văn Phước sớm bộc lộ những phẩm chất đặc biệt. Khi còn nhỏ, trong một lần đi chăn trâu và chơi đánh trận giả ngoài đồng, Từ Văn Phước đã phát hiện, che giấu và tìm cách cứu sống một anh bộ đội trinh sát bị thương trong trận đột kích vào bót địch tối hôm trước. Lập gia đình chưa bao lâu và vừa sinh đứa con thứ hai thì vợ mất, ông gửi hai người con thơ cho cha mình rồi thoát ly đi kháng chiến để có cơ hội giết giặc cứu nước. Ông được chọn cử đi học lớp đào tạo Đặc công của tỉnh, sau đó trở thành một người chỉ huy mưu trí, gan dạ, dũng cảm. Những đóng góp của ông vào thành tích chung làm nức lòng quân và dân trong vùng. Những trận đánh địch ở bót Thuận Giao, tua Dốc Dài, Gò Tương, Phú Long, khu vực Nhà Thơ… in đậm chiến công của ông và các đồng đội. Đặc biệt, ngày 5/7/1965, Lữ đoàn dù 173 của Mỹ được xe tăng, pháo binh yểm trợ mở cuộc càn quét vào chiến khu Thuận An Hòa, suốt 3 ngày đêm, trung đội trinh sát Lái Thiêu do ông chỉ huy đã cùng với lực lượng của Trung đoàn Quyết thắng, Tiểu đoàn 3 Đặc khu Sài Gòn - Gia Định chiến đấu ngoan cường, chặn đứng các đợt tấn công của địch. Khi trận chiến đấu đang diễn ra cam go, ác liệt, ông và đồng chí Huyện đội phó Lái Thiêu cùng một chiến sỹ khác bị xe tăng địch cán sập hầm. Giữa làn ranh mong manh của sự sống và cái chết, ông đã cùng hai đồng chí của mình dùng dao găm, lưỡi lê đào theo rể cây để lấy không khí thở và bất ngờ đội tốc miệng hầm đánh địch. Hành động mưu trí, dũng cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ta và gây bất ngờ cho tụi địch, góp phần tạo thời cơ để ta bẻ gãy đợt càn quét của chúng. Kết quả, ta đã diệt hàng trăm tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Với những thành tích đã đạt được, ông đã 3 lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới vừa tròn 31 tuổi. Trải qua các cuộc chiến đấu oanh liệt, Từ Văn Phước đã nhiều lần bị thương, trong đó có 4 lần bị thương nặng. Sau lần bị thương vào năm 1970, các cơ quan nội tạng bị xuất huyết, sưng phù, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội đưa ra Hà Nội, sau đó đưa qua Liên Xô điều trị. Tuy vậy, những nỗ lực của các y, bác sỹ hai nước cùng với ý chí kiên cường của bản thân cũng chỉ giúp ông chống chọi thêm được một thời gian. Ngày 10/8/1973, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Viện Quân y 108.

Anh hùng - Liệt sỹ Từ Văn Phước.

Bên cạnh các Anh hùng - Liệt sỹ Lê Thị Trung và Từ Văn Phước, trải qua các cuộc kháng chiến, phường Bình Chuẩn có nhiều người con ưu tú khác đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Theo bản báo cáo tóm tắt thành tích của phường Bình Chuẩn, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và xuyên suốt của chi bộ Đảng, các tầng lớp nhân dân Bình Chuẩn đã đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống lại ách kìm kẹp của kẻ thù. Hơn 400 thanh niên địa phương đã tham gia lực lượng vũ trang. Nhân dân trên địa bàn đã chiến đấu trên 380 trận, trong đó có 200 trận đánh độc lập. Đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 500 tên địch, trong đó có 150 tên Mỹ, bắt sống 59 tên. Phá hỏng và bắn cháy 15 xe tăng, xe thiết giáp, bắn rơi 3 máy bay, thu hơn 100 súng và các phương tiện chiến tranh khác của địch. Lực lượng cách mạng của Bình Chuẩn cũng đã xây dựng được 25 cơ sở binh vận; tổ chức phá banh trên 15.000m hàng rào ấp chiến lược, mở đầu cho phong trào phá ấp chiến lược ở trong khu vực. Qua các thời kỳ chống Mỹ, Bình Chuẩn có trên 10 ngàn lượt quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Nhân dân nơi đây đã đóng góp trên 150 tấn lương thực cùng nhiều tiền bạc, thực phẩm, thuốc men cho kháng chiến; đào hơn 200 căn hầm bí mật, 4.000m địa đạo, trên 1.000m giao thông hào, làm 850m hàng rào chiến đấu, gài hơn 30 bãi tử địa để đánh địch… Nhân dân Bình Chuẩn cũng đã phải gánh chịu nhiếu mất mát, đau thương do kẻ thù gây ra. Hàng trăm người bị địch bắt cầm tù. Gần 200 người chết và bị thương vì bom đạn địch. Nhiều nhà cửa, của cải của người dân bị tàn phá. Toàn phường có 213 liệt sỹ, 46 thương, bệnh binh, 200 gia đình có công với cách mạng. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 23 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Đảng bộ, quân và dân Bình Chuẩn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngoài ra, các tập thể và cá nhân được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công hạng III, 70 danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, diệt xe cơ giới và hàng trăm huân chương các loại khác.  

Tôi may mắn được nhiều lần nghe các bác, các chú nguyên là cán bộ địa phương lâu năm và những người lớn tuổi kể về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Riệng ở khu phố Bình Qưới B chỉ có một người con duy nhất là anh Nguyễn Văn Rờn. Thương con, mẹ vất vả sớm hôm với mong muốn nuôi anh khôn lớn thành người. Không phụ lòng mẹ, anh đã cố gắng học tập, rèn luyện và trở thành nhà giáo trẻ tuổi, được mọi người tin yêu, mến phục. Nhưng rồi khi đất nước lâm nguy, mẹ đã  gác lại tình mẫu tử thiêng liêng để tiễn anh lên đường ra trận. Người con trai yêu quý của mẹ luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, được giao giữ chức Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Châu Thành lúc tuổi đời còn rất trẻ. Khi tương lai đầy triển vọng đang ở phía trước, anh đã ngã xuống nơi chiến trường, để lại cho mẹ nỗi đau thương vô hạn.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Riệng.

Trong một bài hát nổi tiếng về người Mẹ Việt Nam, có câu “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bưng ở khu phố Bình Phú không chỉ 2 mà cả 3 lần chịu nỗi đau đứt ruột mất con, bởi cả 3 người con trai của mẹ đã lên đường tham gia kháng chiến và vĩnh viễn không trở về. Các anh lớn lên là ra đi theo tiếng gọi của non sông, chưa ai một lần nắm tay người con gái nên khi các anh hy sinh tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, mẹ phải thui thủi sớm hôm một mình trong căn nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng. “Mẹ già như chuối chín cây”. Trước giông bão của tuổi già và bệnh tật, ngày mẹ tạ thế rất đông người đưa tiễn nhưng không còn ai là máu mủ ruột rà của mẹ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Cưng ở khu phố Bình Phước B là cơ sở cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Gia đình mẹ đào gần chục căn hầm bí mật nuôi dấu cán bộ. Những năm 1962 - 1964, khu vực gia đình mẹ sinh sống (hiện nay thuộc địa bàn các khu phố Bình Phước A và Bình Phước B) thuộc quyền kiểm soát của ta, mẹ đã cùng chồng tích cực tham gia làm hầm chông, hố đinh, đào giao thông hào, xây dựng các ô, ụ chiến đấu chống các trận càn của giặc. Mẹ cũng thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội, du kích ở tuyến đầu đánh địch. Người con trai lớn của mẹ là anh Lê Văn On với cương vị Bí thư chi bộ xã đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng ở địa phương. Một ngày, anh được lệnh vào chiến khu nhận nhiệm vụ mới. Anh ra đi một thời gian, mẹ nhận tin vui anh đã cưới vợ nhưng rồi không bao lâu sau mẹ lại nhận tin đau như đứt từng khúc ruột: Người con trai yêu quý và cả người con dâu chưa một lần được gặp mặt của mẹ đã hy sinh nơi chiến trận. Đứa cháu nội của mẹ vừa ra đời đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải nhờ sự đùm bộc, cưu mang của các cán bộ chiến sỹ ở chiến khu. Theo đường dây của cách mạng, mẹ đón cháu mẹ về trong niềm vui mừng xen lẫn nỗi đau thương cháy lòng. Người con trai út của mẹ chưa đến tuổi thành niên đã một mực đòi ra đi cầm súng giết giặc trả nợ nước, thù nhà. Anh tham gia lực lượng du kích xã rồi hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt của anh.

Còn biết bao câu chuyện cảm động khác mà chúng ta không thể kể xiết. Mỗi Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của chúng ta có cuộc sống và quá trình đóng góp cho cách mạng khác nhau nhưng có một điểm chung là các mẹ rất yêu chồng, thương con nhưng cũng nặng sâu lòng yêu nước. Khi Tổ quốc cần, các mẹ sẵn sàng hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc với mong muốn thiết tha là đất nước được hòa bình thống nhất, mỗi người dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Giờ đây, niềm mong mỏi của các mẹ đã và đang trở thành hiện thực khi cuộc sống mới đã đâm hoa kết trái trên khắp đất nước tươi đẹp này.

Hòa chung với khí thế của cả nước, là dải đất hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thành phố Thuận An nói chung và phường Bình Chuẩn nói riêng đã và đang trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị nằm giữa “chùm” thành phố năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân phường Bình Chuẩn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong đó có công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng lúc còn sống đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Phong trào xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở được đẩy mạnh. Gia đình các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng thường xuyên được chăm lo về mọi mặt và đều có mức sống từ trung bình trở lên so với nhân dân địa phương. Một ngôi trường tiểu học ở khu phố Bình Phước B đã vinh dự được mang tên nữ Anh hùng Lê Thị Trung. Con em các gia đình chính sách cũng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và công tác, góp phần tô thắm thêm truyền thống cao đẹp của vùng đất anh hùng.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm