TIN TỨC

Súng vẫn nổ, nhân loại hãy cảnh giác!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-16 15:30:59
mail facebook google pos stwis
1456 lượt xem

Đại tá nhà thơ MAI NAM THẮNG

Sau hơn 2 năm chống chọi, nhân loại đã cơ bản không chế và kiểm soát được đại dịch Covid-19. Nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ những qui định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh để bước vào thời kỳ bình thường mới, phục hồi sản xuất và các hoạt động dân sinh trên tinh thần “thích ứng an toàn với dịch bệnh”.

Ở Việt Nam, mặc dù số ca nhiễm virus Sars-Covy2 vẫn đang rất cao và lây lan mạnh bởi biến thể Omicron, nhưng nhờ kết quả to lớn của chiến lược tiêm phủ vaccine và những kinh nghiệm thực tiễn quý giá, Covid-19 giờ đây không còn nguy hiểm sinh tử như năm ngoái, năm kia nữa. Đầu tháng 3/2022 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả; tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, coi Covid-19 như là một trong những “bệnh đặc hữu” mà loài người đang phải sống chung. Theo đó, quan điểm và cách thức ứng xử với căn bệnh này sẽ khác trước; bảo đảm khoa học, tiết kiệm, thuận lợi và hiệu quả hơn!

Những tháng ngày căng thẳng, bấn loạn, tang thương vì Covid-19 đã lùi lại phía sau. Một thời kỳ bình thường mới đã thực sự mở ra cho toàn thế giới…

Những tưởng đi qua đại dịch, nhân loại sẽ xích lại gần nhau hơn. Những bất đồng và xung đột về hệ ý thức, thể chế chính trị, quyền lợi kinh tế, sắc tộc, tôn giáo… sẽ được hóa giải hoặc tạm lắng xuống để cố kết cùng nhau trước kẻ thù chung của mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Kẻ thù chung ấy chính là dịch bệnh, thiên tai, nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nhiều nguy cơ “phi truyền thống” đang từng ngày hiển lộ.

Nào ngờ không phải thế! Đó đây trên thế giới vẫn còn nhiều thảm cảnh tang thương, không chỉ vì động đất, sóng thần, bão lụt, hạn hán… mà còn vì đạn bom của sự thù hận chia rẽ, chủ nghĩa đoan, tham vọng bá quyền… Nhỡn tiền nhất là cảnh cây đổ, nhà sập, người chết, nhân dân chạy loạn… do chiến sự ác liệt ở Ucraina, một đất nước xinh đẹp và thân thiết với nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam, có nhiều ân nghĩa với dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh, dù với bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt còn in đậm hình ảnh những cuộc tản cư chạy giặc lếch thếch, nháo nhác; những trận địch càn xóm làng dậy tiếng la thét hoảng loạn, rừng rực lửa cháy, nhà đổ; những trận mưa bom B52 rải thảm khiến trong chớp mắt làng mạc, phố xá, trường học, bệnh viện tan hoang, người chết nằm đè lên người chết, máu me nhuộm đỏ cả mặt đất… Những thảm cảnh đó đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều thế hệ trên đất nước này, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, hơn thế nữa là một đất nước yên ổn và đang từng bước đổi mới, phát triển như đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay?

Đó là lý do căn cốt và thiết thực nhất mà chúng ta kiên quyết phản đối chiến tranh, bất kể chúng đến từ đâu và xảy ra ở bất kể nơi nào trên trái đất này. Bởi ở đâu thì máu người cũng đỏ như nhau, mạng người cũng quý như nhau. Mọi người dân trên trái đất này đều có quyền được sinh sống và làm ăn trong hòa bình yên ổn. Đó là Đạo Trời, là pháp lý!

Giống như mỗi con người không có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình, mỗi dân tộc trên thế giới cũng không có quyền chọn nơi có những điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi để hình thành và phát triển. Nhưng cũng như mỗi con người có thể tự quyết định số phận của mình, mỗi dân tộc cũng toàn quyền quyết định số phận dân tộc mình, trước hết bằng nội lực. Chính vì thế mà có những dân tộc nằm trên đới đứt gãy của địa cầu, thường xuyên bị động đất và núi lửa, nhưng họ vẫn có cách phát triển thành một cường quốc kinh tế. Hoặc như có dân tộc nằm trên sa mạc mênh mông, nước sinh hoạt phải nhập khẩu, nhưng họ đã có chiến lược đầu tư đúng đắn để xây dựng được một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Và nữa, nhiều dân tộc nằm ở những vị trí “điểm nóng” trên bản đồ địa chính trị quốc tế, nhưng họ đã biết cách hóa giải các xung đột, hài hòa các mối quan hệ để giữ vững độc lập, chủ quyền, và lãnh thổ; nhân dân được sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc...

“Việt Nam là bạn của tất cả các nước trên thế giới”. Đó là đường lối ngoại giao nhất quán trong công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Truyền thống yêu chuộng hòa bình kết hợp với tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp đất nước ta vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách do bao vây cấm vận, từng bước xây dựng kinh tế - xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trở thành một nhân tố ổn định trong khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Đó là điều không chỉ chúng ta tự hào nhìn nhận, mà còn là sự thật được bạn bè quốc tế công nhận. Đó là thành quả vô giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy.

Ngày nay không còn là thời đại làm mưa làm gió của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thực dân, nhưng những biểu hiện của chủ nghĩa “tân phát xít” và tư tưởng bá quyền vẫn tồn tại và đeo bám ở nơi này nơi khác; châm ngòi cho những cuộc tranh chấp, xung đột; tiến hành những cuộc chiến tranh truyền thống và phi truyền thống ở những mức độ khác nhau. Và một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình vẫn là mục tiêu chống phá của các âm mưu và thủ đoạn ấy.

Bởi vậy, chung tay cùng ngăn chặn chiến tranh, gìn giữ hòa bình là lương tri và trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới!

Súng vẫn nổ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ suốt những thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba, khi đối thoại để giải quyết tranh chấp, xung đột đã trở thành xu hướng của thời đại. Thêm một lần lời kêu gọi của nhà cách mạng vô sản Yulius Fucik trong nhà tù phát xít gần 80 năm trước lại vang lên khẩn thiết: “Nhân loại, hãy cảnh giác!”.

Nguồn :Văn nghệ số 12/2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm
Nghĩ về “Tiếng nói nhà văn”
Bài đăng Văn nghệ số 33/2022
Xem thêm