TIN TỨC

Tháng 12 xuôi về Tết hồn quê

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1625 lượt xem

 

Cỏ Ba Lá

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Chiều nay, giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Tôi lang thang một mình trên phố, dường như năm nay Sài thành cũng mang hơi hướng của tiết trời miền Trung lẫn cả miền Bắc, một chút lành lạnh hanh hao, có chút mưa có chút khắc khoải bồng bềnh. Có lẽ thành phố vừa trải qua một trận ốm nên gió chướng cũng ùa về theo. Một cánh chim nhỏ khẽ bay ngang giữa bầu trời rộng, chợt thấy mình lạc lõng, chơi vơi giữa dòng đời xuôi ngược trong dòng xe hối hả, ồn ào của một mảnh đất như lạ nhưng lại từng quen. Xa xa những cánh hoa màu tim tím lờn vờn buông nghiêng trong gió rồi khẽ chạm xuống mặt đất một niềm riêng mang.

Đưa tầm mắt về phía chân trời, nhìn về hướng quê nhà sao mà xa xăm quá đỗi. Đâu đó một điệu nhạc buồn vang lên:

“… Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc Mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai…”
(Trích Mùa xuân của mẹ – Trịnh Lâm Ngân)

Khóe mắt bỗng cay cay, ứa nhoè những giọt ngắn giọt dài. Tôi chưa bao giờ để mình dễ khóc đến thế. Những giọt mằn mặn, chan chát những tủi hờn, đau đáu chất chứa trong lòng của một kẻ xa quê những ngày cuối năm. Tháng mười hai, ở thành phố mưa nắng hai mùa, những vạt nắng vàng cũng nhoè theo từng nỗi nhớ, khung trời khéo bẻ làm đôi miền nghĩ suy chất chứa. Mảnh nơi này, mảnh ở trời quê…

Ước gì ngay bây giờ có thể bỏ qua mọi thứ, gom góp tất cả để trở về với miền thương miền nhớ hôm nào. Về với con đường quanh co, lũy tre làng từng in dấu bàn chân đi học, về với trò chơi thuở bé, về với ruộng lúa nương khoai, về với mùi khói bếp của mẹ bay lên trên mái nhà xưa mỗi chiều hoàng hôn ngã bóng, về ngắm những đàn trâu lững thững đi về sau những ngọn đồi nắng chiều quên tắt… Về để cùng mẹ cùng ba chuẩn bị cho một cái Tết trong niềm hân hoan, hồ hỡi. Tháng mười hai rồi, chắc lòng ba mẹ cũng đang mong ngóng những đứa con xa: “Năm này, liệu rằng con bé có về ăn Tết sớm được không hay cũng như bao năm, mồng một mồng hai mới về nhà…?”

Mùa đông! Chiều không còn nắng, mơ cái Tết của nồng ấm gia đình, thèm lắm một bầu không khí quây quần buổi tối quanh bếp than hồng mùa đông, bên ba bên mẹ dấu yêu, bên các em tôi khờ dại và cùng chờ ngày rét buốt, mưa rả rích qua đi là ngày xuân ấm. Có ai xuôi về nơi ấy cho ta gửi gắm lòng mình đôi chút. Ai đó đi về xin nhặt giùm những chuỗi Tết thuở ngày thơ…

Tháng mười hai của những năm về trước, khi tôi còn chưa xa nhà, chưa rời vòng tay bao bọc chở che của ba mẹ. Mỗi độ cơn gió mùa về là mẹ lại nhóm lên một bếp củi đỏ rực ở gian nhà bếp, bếp than hồng nổ lách tách, loé sáng chiếu rọi những gương mặt ngây ngô với nụ cười thích thú của chị em tôi, những củ khoai lang nướng nóng hổi được mẹ trao tay cho từng đứa, ấm nồng như tình thương ấm áp của lòng mẹ giữa đêm đông. Nhớ nồi canh me đất mẹ nấu với ruốc thôi nhưng nức lòng đàn con nhỏ, thơm lừng cả không gian. Con nhà nghèo nên cây nhà lá vườn là những thứ mẹ dùng để nuôi chúng tôi khôn lớn và cũng chính sự nghèo nàn, đơn sơ, mộc mạc ấy nuôi dưỡng tâm hồn thuần khiết của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy.

Mẹ bảo: “Canh chua này ăn nhanh lớn lắm! Ăn vào sẽ thông minh học giỏi nên các con ăn nhiều vào…”

Còn ba tôi thì mỗi sáng trước khi tôi đi học thì đều nhắc nhở: “Nhớ mặc áo kĩ vào nghe con, trời hôm nay lạnh lắm…”.

Thời gian trôi, qua rồi không biết bao nhiêu tháng mười hai như thế nữa… Tôi xa nhà để đi làm ở nhiều nơi khi thì ở Đà Nẵng, lúc ở Sài thành náo nhiệt, có khi lưu lạc ở tận đất nước hoa anh đào Nhật Bản xa xôi. Mỗi sáng thức dậy ở một thành phố không phải lạ cũng chẳng phải quen. Tất cả mọi thứ phải tự mình lo lấy. Công việc với bao bộn bề áp lực đã có lúc tôi chỉ ước được như mùa đông thơ bé thuở nào.

Tháng mười hai rồi, ở Huế bây giờ có lẽ miền buốt giá len lỏi khắp nơi. Những cơn mưa theo về giăng mắc bao niềm hoang hoải, vắt ngang lưng chừng trời một màu xám tím. Làn gió buốt khẽ ngang qua mang màu băng giá. Từng cơn mưa xua đuổi những vệt nắng còn sót lại đi về cuối trời, những cơn gió lành lạnh trở mình cho những cái rét kéo dài về đồng hành trong từng ngóc ngách nhỏ của làng quê, con phố… Mùa đông rũ rượi, hao gầy! Từng bước chân vội vã trên con phố mưa: buồn, lạnh, vắng tênh …! Cơn mưa lâm thâm, tỉ tê bao điều, mưa quyện vào gió bất phả vào lòng người, càng làm cho cái lạnh đậm hơn, dày lên theo nỗi cô đơn của những tâm hồn đơn lẻ: Chếch choáng, chênh vênh…!

Huế mùa này, từng tán cây bàng chuyển sang màu đỏ ối cả một góc trời. Quanh Thành Nội, những cành hoa sứ trơ mình, trụi lá, khẳng khiu. Bầu trời đặc quánh, bao phủ một làn sương xám, nhuộm tím cả dòng Hương, tê tái cả mấy nhịp Trường Tiền, từng cánh chim chiều chao nghiêng khắc khoải những nỗi niềm riêng sâu hoắm giữa trời đông. Nhớ biết bao hình ảnh của một miền đất Cố Đô. Nơi đã từng lưu dấu tuổi thơ tôi một trời kỉ niệm đầy vơi. Nơi của miền quê nắng cháy mưa dầm, rét mướt, lũ lụt bao ngày. Nó như một mặc định của mảnh đất miền Trung vốn nhiều khắc nghiệt nhưng con người chịu thương chịu khó.

Hết hạ rồi thu sang, đông qua rồi xuân đến. Nhớ ngày nào khi gió mùa trở rét, cái rét của gió mùa đông bắc ùa về trên mọi nẻo. Những luồng gió theo về làm tả tơi tàu lá chuối hãy còn xanh mơn, gào xé những chiếc lá của những cành cây quanh vườn đang cố bám trụ, chẳng chịu rời cành tiễn biệt. Gió len vào khe cửa, xuyên qua những tấm tre mành mẹ ba đan vội để che chắn luồng gió đông… Miền Trung nói chung, vùng đất Huế nói riêng, mỗi độ đông sang kèm với gió bất là kéo theo những đợt mưa dài thê thê càng làm cho cái rét tăng lên gấp bội. Rét lạnh thấu xương, lạnh đến cắt không ra máu, rét tái vành môi lũ trẻ, lạnh cóng cả ao bèo tím biếc, lạnh bao trùm khắp các luống khoai lang mẹ trồng, lạnh lên cả mấy dãy sườn non, sau làn sương xám tím, đàn trâu đang chậm bước về chuồng…

Ngày ấy, cơ cảnh nhà tôi nghèo lắm, nghèo như kiểu “nghèo rớt mồng tơi”. Đêm đông, chiếc chăn mỏng cũ mèm, rách tươm không đủ ấm. Nhà nghèo nên sự túng thiếu cứ bủa vây suốt tháng năm dài. Có lẽ ai chưa đi qua cái khổ thì sẽ không biết cái khổ nó đeo mang như thế nào. Những bữa ăn, khoai sắn độn nhiều hơn cơm. Để có được cái no là mừng lắm rồi nào dám mơ chi đến sự đủ đầy. Ngày rét buốt da, chúng tôi cũng không có nhiều áo ấm để mặc, ở trong nhà nhưng cái rét vẫn như căm hờn, nhuộm làn da thành một màu nâu tái, bờ môi cứ run lên cầm cập khi cơn gió khéo lạc đường hất thẳng vào nhà, xuyên từ đằng trước ra tới đằng sau, đi qua chái bếp rồi phả thẳng vào mặt những làn khói cay xè từ bếp lửa ẩm iu vừa nhen nhóm. Lạnh căm là thế, nhưng vì thương con, ba tôi cứ mỗi đêm là chuẩn bị đèn pin, mặc áo mưa, mang theo một cái chơm và một cái oai(cái giỏ được đan bằng tre) đi ra các đìa ao nhỏ để chơm cá… Mỗi sớm mai thức dậy là chị em tôi lại được một bữa cơm muối kho cá ngon ơi là ngon. Nói như thế là vì đêm hôm rồi ba chỉ được vài con mại hỏn bé tẻo teo như ngón tay trỏ của tôi. Thương lắm ngày thơ ơi…

Năm tháng qua nhanh, thời gian bỏ mặc tuổi thơ đưa chúng tôi về miền khôn lớn, trưởng thành… Gia đình cũng không còn thiếu trước hụt sau, không phải chạy vạy khắp nơi lo cái ăn cái mặc, cũng không còn cảnh những ngày rong ruổi mò cua bắt cá trên đồng, cũng qua rồi những ngày nhặt mót khoai lang, ăn sắn thay cơm, trừ bữa như những mùa đông thuở ấy. Nhưng trong tôi, hình ảnh ba mẹ sớm khuya lam lũ ngoài đồng, gieo sạ dưới cái rét lạnh căm căm, miệt mài là thế mà vẫn không đủ ăn, “lúa vô nhà khó như gió vào nhà trống” thì không thể xoá mờ. Bàn tay chai sần, gân guốc của mẹ nhão ra vì ngâm nước đồng sâu, đôi chân nức nẻ những vết ngang dọc nông sâu như đồng ruộng lúc sâu lúc cạn. Tất cả những điều đó đã đóng khung thành một kí ức vừa thương vừa buồn của tuổi thơ tôi về những mùa đông xa vãng…

Tháng mười hai, gió vẫn mơn trớn đu đưa những tàn cây tán lá trong vườn. Những chú gà con chíu chíu nấp vào lòng mẹ để tránh những làn gió chẳng gọi mời. Tháng cuối năm, lòng cứ mãi miên man nhớ về những kỉ niệm cũ của mùa đông năm nào. Mơ cái tết sum vầy cũng đang trên đường về để sưởi ấm những tâm hồn giá lạnh sau những tháng đông dài… Tháng cuối năm, nhắc nhở, hối thúc những người con xa quê quay về bên vòng tay yêu thương của mẹ, tìm về bên tiếng nói đầm ấm của ba với bao ý niệm cảm thông, động viên chia sẻ.

Bâng khuâng nhớ, bâng khuâng tủi, sống mũi cay xè. Tháng mười hai lại đến, như một quy luật của đất trời. Tháng mùa đông cuối năm tất bật, bận rộn tháng khép lại năm cũ, tổng kết những thiếu sót của một năm vừa qua, khép lại những gì đã qua trong năm cũ để chuẩn bị cho một năm mới, với niềm mong mỏi có một cái Tết đầm ấm sung túc hơn. Đã đi qua bao chặng đường đây đó, nếm đủ vị đắng cay ngọt bùi của đoạn trường dâu bể. Tôi chợt nhận ra rằng không đâu có cái Tết mang vị ngọt thanh lòng, ấm nồng như vùng đất mẹ thân thương.

Tháng cuối của năm. Tàn một mùa đông là năm mới ghé thềm, vươn từng sợi nắng ấm mùa xuân len qua từng khe lá, sưởi ấm muôn loài. Ngâm trong những ngày tháng ngủ đông tê tái, giờ là lúc ai ai cũng thèm chút ấm mùa xuân, mơ về ngày tết sum họp bên gia đình, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng xanh. Không khí tết ngập tràn khắp nẻo đường quê, rộn ràng trên từng khu phố. Tết tuy mỗi năm mỗi khác, Tết này ắt là khác hẳn so với tết xưa về hình thức nhưng cái cốt hồn quê vẫn đậm nét trong lòng những người con đất Việt. Vẫn nồng, vẫn ấm tình cảm gia đình yêu thương, mong mỏi trở về với gia đình của những người con xa xứ thì mãi mãi muôn đời không thay đổi. Ai đi xa mà không từng đau đáu nỗi nhớ ba mẹ, anh chị em, gia đình, làng quê, xứ sở…! Cuối năm rồi có biết bao người mẹ đang mong ngóng con mình về quây quần bên cái Tết quê…!?

Sâu thẳm trong tim, ai ai cũng có một cái Tết của riêng mình để mà thương mà nhớ…. Tháng mười hai rồi, mọi người đã chuẩn bị, đã dự định để về nhà chưa? Về để nghe lại những nồng đượm ấp iu trong vòng tay của mẹ, để nghe được những âm trầm trong tiếng nói của ba… Về để thăm lại cây xoan trước ngõ, về để ngắm chú chim nhỏ chuyền cành báo hiệu một mùa xuân sang trong vạt nắng mai vàng… Về nhà cuối năm để cùng nhau nhâm nhi tách trà xanh nghi ngút khói thơm thảo, nghe trong lòng ngọt vị bánh đậu xanh quê thuở nằm nôi, về để thưởng thức vị mức gừng cay cay ngày nào trong lời ru “gừng cay muối mặn” của bà, về để cảm nhận mùi vị bánh chưng, bánh tét quê hương, của “thịt mỡ dưa hành”, của hồn dân tộc trong màu xanh lá chuối với hạt nếp dẻo thơm có mồ hôi của mẹ, về bên “câu đối đỏ” trong nét bút của ông Đồ già xưa, tìm lại “cây nêu, tràng pháo” trong miền kí ức…

Về nhà thôi! Về ai ơi! Về đi anh! Về đi em! Về để ngồi ôn lại chuyện cũ, được mất… Sẽ biết là có những điều không như ý nhưng đó cũng là động lực để ta chào một năm mới với nhiều khởi sắc hơn, tốt đẹp hơn… Chúc cho gia đình, những người thân quanh tôi, bạn bè gần xa trên mọi miền đất nước, nguyện cầu cho nhân loại và cho bản thân đón một năm mới luôn nhiều sức khoẻ và may mắn… Và không quên nguyện cầu trong điều ước cuối năm, rằng đại dịch Covid sẽ qua đi trong niềm hân hoan năm mới.

Tháng mười hai rồi, quay về nguồn thả lòng mình trong cái Tết của cốt hồn quê…!

C.B.L

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm
Nhớ hoa đào - Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu
Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 
Xem thêm
Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy
Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.
Xem thêm
Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng
“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.
Xem thêm
Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy
Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.
Xem thêm
Mùi hương thảo - Tản văn Quốc Tuấn
Chị mười tám, hay hai lăm tuổi. Tôi cũng chẳng biết và không cần biết, chỉ cần trong tôi đã bận lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của loài cúc lam đồng thảo ấy. Nơi đáy mắt thể hiện những đốm lửa vui, những nét cong, nếp gấp mong manh nơi khóe miệng, bờ môi thể hiện sự phong phú nơi nhiệt tâm.
Xem thêm
Phép màu đã không đến với chị, chị Hồng Oanh ơi!
Chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Vào vườn hương
Thành phố Cần Thơ đất rộng người thưa không chỉ có gạo trắng nước trong để níu chân người và du khách bốn phương. Tây Đô còn là mảnh đất văn hiến với không hiếm những trang anh hùng hào kiệt yêu nước và nghệ sĩ phong lưu tài hoa nhân cách. Kế thừa truyền thống văn chương của Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt … và các bậc văn nghệ sĩ đàn anh: Kiều Thanh Quế, Lưu Hữu Phước, Hoài Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Kiết Tường, …đã có không ít thế hệ đàn em kế thừa xứng đáng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Xem thêm
Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng”_ Tản mạn của Quốc Tuấn
Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.
Xem thêm
Má tôi
Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Xem thêm
Xuân yêu thương - Tết sum vầy
Phút giao thừa, nhìn ngắm dòng người “tống cựu”, “nghinh tân”, cảm nhận trong mắt mỗi người lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc, nhất là khi trên bầu trời đêm pháo hoa rực rỡ...
Xem thêm
Ngày cuối năm... - Tản văn Lê Thiếu Nhơn
Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.
Xem thêm