TIN TỨC

Thơ “nhật ký” của một người lính

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
847 lượt xem

SĨ BÌNH

Tuổi thơ của thương binh, cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng đã trải qua bao thăng trầm của đời sống xã hội và biến cố của lịch sử đất nước. Sinh ra trên đất Sài Gòn, trong bối cảnh đất nước đang hừng hực khí thế Cách mạng Tháng Tám - Mùa thu năm 1945. Mấy năm sau, chú bé 4 tuổi Trần Ngọc Phượng được trở về quê cha đất Tổ và lớn lên trên vùng đất giàu phù sa của châu thổ sông Hồng. Năm 1962, cậu học sinh của Trường cấp III Lê Hồng Phong của thành phố Nam Định xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Năm 1965, anh vào chiến trường Nam bộ trên cương vị Đài trưởng Vô tuyến điện. Sau năm 1975, anh chuyển ngành về công tác tại TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu…


Các tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Trần Ngọc Phượng.


Nhà thơ Trần Ngọc Phượng (thứ hai bìa phải) và đồng đội Cựu chiến binh

 

Có lẽ sau khi nghỉ hưu, Trần Ngọc Phượng mới có điều kiện đọc lại những ghi chép “Nhật ký chiến trường” của mình, rồi trau chuốt nhuận sắc thêm để lần lượt công bố những vần thơ gan ruột. Từ năm 2012 đến nay, anh đã lần lượt ra mắt 5 tác phẩm do NXB Hội Nhà Văn ấn hành, gồm 1 tập truyện ký và 4 tập thơ: Vầng trăng ký ức (2012); Nắng và Gió (2015); Hồn tóc (2018); Sóng đời (2023). Tất cả hợp lại như một cuốn “nhật ký thơ” nhiều tập, giãi bày nỗi niềm tâm sự, tình cảm đối với quê hương, gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội… và thái độ của anh đối với cái ác, cái xấu, những nhiễu nhương tiêu cực trong xã hội.

Xuất hiện muộn, nhưng thực ra Trần Ngọc Phượng đến với thơ khá sớm. Thơ anh dồn nén, tích tụ từ thời trai trẻ. Rất nhiều bài thơ được công bố trong các tập thơ trên đây là rút từ những trang ghi chép của anh giữa chiến trường. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những cảm xúc ấy hôm nay vẫn tinh khôi nóng hổi. Thơ của anh dễ đọc, dễ hiểu, dễ đồng cảm, giàu nhân văn… Trong tập “Nắng và Gió”, chỉ một khổ thơ 4 câu trong bài “Về Chí Linh”, Trần Ngọc Phượng đã giới thiệu đến người đọc khá đầy đủ thông tin về mình: Cha quê Phả Lại, mẹ Đồng Đắc/ Sinh con ra trên đất Sài Gòn/ Con lớn lên trên Thành Nam đất Bắc/ Nhớ gốc mình vùng đất Chí Linh. Như bao làng quê Việt Nam khác, làng quê anh cũng có cây đa, giếng nước, mái đình…, có “Con sông tuổi thơ” Chảy suốt đời tôi/ Niềm thương, nỗi nhớ… Đó là nơi Cha tôi cất vó/ Dầm mưa ngoài đồng…; là nơi Mới mười lăm tuổi/ Chị tôi đi làm… Tôi bơi ra sông/ Nô đùa, vớt củi… Ở đó Nhà tôi ở phía đầu làng/ Nhìn qua khóm trúc, nhìn sang cánh đồng… Đặc biệt, thành phố Nam Định yêu thương đã hằn sâu trong tâm trí nhà thơ: Thành phố như bàn tay/ Ta ấp vào lồng ngực/ Đường phố như chỉ tay/ Dọc ngang trong ký ức”…

Thơ Nguyễn Ngọc Phượng trước hết là những hoài niệm và liên tưởng về chiến tranh với những trải nghiệm của người trong cuộc. Những năm tháng gian khổ, hi sinh luôn là nỗi ám ảnh trong thơ của anh. Đó là những ký ức khi anh cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn, trên những cung đường “Dốc Năm cua” dựng đứng, với những hiểm nguy rình rập: Đất quê ta đèo, dốc chon von/ Đường phía trước bom cày, đạn xới/ Cánh hậu cần xòe ra rộng mãi/ Từ con đường vận chuyển dốc Năm cua...  Ngày đó, dù gian khó, ác liệt của chiến trường luôn thường trực với người chiến sĩ, nhưng tinh thần lạc quan vẫn vượt lên: Chúng mình dễ gì chết!/ Nếu chết rồi, thì dễ gì mất xác/ Mất xác rồi, còn nấm mộ vô danh… Có chăng nỗi đau buồn là nghĩ về Mẹ, nếu mai này mẹ đón con về chỉ là một tờ giấy báo tử và vài thứ kỷ vật đơn sơ của người chiến sĩ: Cái ba lô bạc màu/ Lỗ chỗ vài vết đạn/ Có một chiếc khăn tay/ Bạn gái nào thêu tặng/ Có quyển sổ tay/ Con tặng Mẹ bài thơ… Và mỗi khi Tháng Tư về, nhìn hoa tím bằng lăng nở, người lính chiến trường xưa, trong niềm vui của Ngày toàn thắng 30-4, lại dành những giây phút ngậm ngùi để nghĩ về những đồng đội đã hy sinh: Ngày Thống nhất vỡ òa trong hạnh phúc/ Khắp phố phường đỏ rực cờ hoa/ Người ôm người, khóc cười trong nước mắt/ Nén trong lòng những vết cắt thương đau…

Chiến tranh, bom đạn, gian khổ, hi sinh… nhưng người lính cùng với tinh thần lạc quan, quả cảm là tình yêu chất chứa nồng nàn: Chiến tranh mỗi đứa một nơi/ Lệnh trên xuống gấp, không lời chia tay/ Mình đi cuối đất, chân mây/ Bạn ra phía trước cũng đầy đạn bom…  Đây là những vẫn thơ tràn đây tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng của Trần Ngọc Phượng trong mùa Xuân Mậu Thân 1968: Anh đi giữa phút sang Xuân/ Bốn bề giục dã pháo gần, pháo xa…Trận này rung chuyển núi sông/ Hờn căm nổi sóng Cửu Long, Hồng Hà…  Và đây là những rung động hết sức tinh tế của một mối tình thầm kín trong chiến tranh:

       Đón anh, em chẳng có gì

       Mời anh xơi tạm khoai mì thay cơm

       Muối kho trộn với sả thơm

       Rau lang mấy ngọn, canh suông một nồi

       Chỗ em chỉ có vậy thôi

       Ớt cay xé ruột để rồi nhớ nhau…

       Và: Núi cao mây phủ, sương mờ/ Người đi năm tháng, người chờ tháng năm/ Xa xăm biết mấy xa xăm/ Nhớ thương chỉ một tấm lòng nhớ thương… Đó là những tình yêu dành cho quê hương, đất nước, nhân dân, đồng đội và… yêu em, người con gái giữa chiến trường ác liệt: Tóc em xỏa, áo bà ba thon thả/ Khói đồng bay trong nắng hòang hôn/…Em hay đùa, thách anh ngày cưới/ Có dám qua cầu khỉ rước dâu? Ấy thế mà: Khi về, em đã sang sông/ Chăn bông ai đắp, lửa hồng ai khơi?

Trở về với thực tại, hạnh phúc sum vầy bên người vợ yêu thương cùng con cháu và người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Trần Ngọc Phượng nhận ra mình còn mắc nợ cuộc đời ân nghĩa rất nhiều, trước hết là với người bạn đời đã vì anh mà chịu biết bao thiệt thòi cả trong thời chiến lẫn cuộc sống đời thường: Mượn em một chút bờ vai/ Anh thành con nợ, trả hoài không xong/ Trả sao môi thắm, má hồng/ Nhạt phai năm tháng, long đong phận đời...  Ấy là những khi anh Tìm vui để sống những ngày thảnh thơi/ Có cây cảnh, có nắng trời/ Ánh mắt của vợ, nụ cười của con/ Bước chân cháu chạy lon ton/ Câu thơ đuổi bóng hoàng hôn xế chiều…”.

Thơ Trần Ngọc Phượng, bên cạnh những ký ức, hoài niệm về chiến tranh của một thời áo lính, cùng những tình cảm dành cho gia đình, người thân, bè bạn… là những nỗi niềm của cuộc sống thực tại hôm nay. Đó là những suy tư, trăn trở trước một hiện thực ngổn ngang, phức tạp, đa dạng, đa chiều… thể hiện một sự từng trải, triết lý, nhân văn: Cà phê máy lạnh/ Lặng lẽ ngồi chờ/ Từng giọt đen đắng/ Trăm mối tơ vò… Đôi khi anh “mượn rượu” để giãi bày những nỗi niềm nhân tình thế thái, mượn cớ “say” để nói những điều rất tỉnh táo sâu sắc: Uống rượu mà không biết say/ Làm sao thấy được trời mây lộn phèo/ Uống rượu mà không liêu xiêu/ Làm sao dám nói những điều không say? Triết lý sâu sắc như càng được đẩy lên cao độ, khi trước cuộc sống vật chất tưởng là no đủ hơn, nhưng nhiều khi lại cảm thấy trái ngang trống trải, như bạn bè tuổi già thường tâm sự: Thôi đành mượn chút men cay / Cô đơn trong lúc rượu đầy tràn môi/ Nỗi niềm ai sẻ cho vơi/ Cô đơn ngay giữa những người mình thương…”. Đất nước hòa bình thống nhất đã gần nửa thế kỷ; Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang giành được những thành tựu hết sức to lớn và quan trọng; nhưng cùng đó là những hệ lụy của mặt trái cơ chế thị trường khiến nhà thơ phải thốt lên:

       Bây giờ lắm của, nhiều tiền

       Lương tâm đổi chác, chức quyền bán, mua

       Ai ơi còn nợ ngày xưa

       Cốt xương liệt sỹ vẫn chưa tìm về…

Nhà thơ cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng chỉ mặt gọi tên bọn tham nhũng, thoái hóa, biến chất: Chỉ một vài con sâu/ Đã làm rầu trăm họ/ Nay thành bầy, thành tổ/ Phá phách khắp mọi nơi/ Chúng bay lấp cả trời/ Chúng khoét sập cả đất/ Rừng vàng và biển bạc/ Giàu mấy cũng lụi tàn/… Kẻ quyền cao, chức trọng/ Chữ ký ăn triệu đô… Nhà thơ tự lý giải những đan xen phức hợp của cuộc sống xã hội hiện tại bằng tâm thế của người từng trải đầy chiêm nghiệm, rằng đắng cay và ngọt bùi của cuộc đời là qui luật muôn thủa, cũng như con sông có bên lở bên bồi.

Đáng mừng là trước thực tại ấy, bản lĩnh của người lính vẫn luôn vững vàng, vẫn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc: Mặc cho thế sự xoay vần/ Trái tim người lính trong ngần trước sau… Và: Nắng chiều đổ bóng hàng cau/ Con sông phía trước nông sâu khó lường. Chúc nhà thơ cựu chiến binh tiếp tục vững bước trên đường thơ và đường đời.

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm