- Truyện
- Tình là tình tri âm | Trương Thị Thanh Hiền
Tình là tình tri âm | Trương Thị Thanh Hiền
TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN
Tôi ra đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhấp nhổm ở hàng ghế chờ từ lúc 12 giờ, là quá sớm khi giờ bay khởi hành từ Huế là 13 giờ. Tôi đang ở nhà cô Bạch Vân. Lúc trưa cô nói:
- Mình chờ nó vào ăn cơm luôn.
- Chờ gì nổi cô ơi. Ăn trước đi. Trên máy bay có phục vụ bữa ăn mà.
Tôi quen anh trong lần ra Huế thực hiện phóng sự về ca Huế. Anh cũng là nhà báo như tôi. Thực hiện xong phóng sự thì cả tôi và anh đều thầm nhận ra hai đứa là gì đó của nhau. Là gì? Những tin nhắn đùa giỡn không thể trả lời. Ngay cả khi đêm đêm, anh nhắn gọn lỏn một chữ “Night” dịu dàng cũng không phải là câu trả lời. Ngay cả đoạn tin nhắn nửa đùa nửa thật của cô gái mộc mạc sông Hậu và chàng trai phong nhã mà thật thà của dòng sông Hương cũng không giúp tôi gọi đúng tên cho một tình cảm chắc chỉ có trên sân khấu:
- Mình à!
- Gì ?
- Nhớ mình ghê. Người hồn hậu gì đâu.
- Xạo thấy bà cố.
- Thiệt mà, đâu có xạo đâu.
Tôi như thấy vẻ phụng phịu của anh khi anh trả lời như thế. Tôi cười giòn giã, vậy mình chịu cho tui làm hồng nhan tri kỷ của mình hông?
Hai chúng tôi gọi nhau là mình, là bắt chước hai nghệ sĩ cải lương miền Nam cả đời gọi nhau là mình thân thương trìu mến. Ai mà không muốn có một Hồng nhan tri kỷ. Tri âm như thanh kiếm cổ khó tìm.
Máy bay hạ cánh, tôi chạy lại nơi cửa ra, gí mắt vào từng người ra, lòng hoảng hốt không biết anh có nhớ mặt tôi không? Tôi quên mặt anh là điều dễ hiểu, vì quên nhớ nhớ quên là bản tính của tôi, nhưng anh là người để ý rất kỹ người khác, chắc không quên đâu. Thế là tôi yên tâm... quên, mặc anh tìm tôi trong hàng người ra đón đợi.
Nhưng tôi vẫn là người thấy anh trước. Hay anh thấy tôi trước mà làm bộ không thấy, mặt lạnh băng. Lẽ nào anh không thấy tôi khi tôi nhảy nhót mừng tíu tít, tay quơ lia quơ lịa, miệng gào lên: “Mình, mình ơi, em đây nè!”.
Anh từ từ tiến đến chỗ tôi, thì thầm: “An ninh sân bay đang ở sau lưng mình kìa!”. Hả? Tôi hoảng hốt quay lại thì mới biết là anh đùa.
Tôi gọi taxi đến nhà nghệ sĩ Bạch Vân, người tôi quen biết những năm thiếu thời ở Châu Đốc. Xe taxi chạy lạc vòng vòng dưới sự chỉ đường của tôi. Tôi cứ luôn miệng, nhà cổ ngang chùa Nghệ sĩ. Chùa Nghệ sĩ do nghệ sĩ Phùng Há lập ra cho những người nghệ sĩ nghèo, già cô đơn, không nơi nương tựa.
Xứ bình yên – tranh sơn dầu – Thanh Hồ.
Anh cắt lời tôi:
- Mình à!
- Gì?
- Mục đích của chúng mình là gì vậy?
- Là đi đến nhà cô Bạch Vân.
- Đúng rồi. Chứ không phải là thao thao bất tuyệt về lịch sử cải lương và Phùng Há.
- Ủa ủa, em chỉ đường rồi mà. Ngang chùa Nghệ sĩ. Cả Sài Gòn này ai mà hông biết chùa Nghệ sĩ.
- Đúng là giọng điệu cải lương. Mình hỏi coi bác tài biết không, ổng cũng là người Sài Gòn đó.
- Tui không biết anh ơi!
- Đó đó nghe chưa? Không chặn mình thể nào mình cũng: “Cả Việt Nam ai cũng biết chùa Nghệ sĩ”.
- Mình biết không, cô Bạch Vân đóng vai cô Lựu rất xuất thần, còn hay hơn cả Phùng Há. Cổ và kép đóng chung nhập vai đến nỗi cả đời gọi nhau là mình.
- Thì hai mình cũng gọi nhau là mình nè.
- Mình ơi mình tin em có thể viết tuồng không?
- Thiệt không đó?
- Chỉ cần em viết về cuộc đời em thôi cũng lấy hết nước mắt khán giả. Tuồng sẽ có tựa là “Đời cô Hậu”.
- Mình à.
- Gì?
- Gặp được nghệ sĩ Bạch Vân rồi hả viết tuồng.
- Ủa ủa, chưa tới hả?
- Mắc viết tuồng rồi ai chỉ đường mà tới.
- Vậy để Hậu gọi cho cô Bạch Vân chỉ đường.
- Hy vọng cô này là nghệ sĩ nhưng không mơ màng như mình.
- Cô này chu đáo lắm, chuyện hậu sự còn lo trước mà.
- Ủa ủa, chùa Nghệ sĩ kìa, cái biển chà bá mà chạy qua chạy lại hông thấy. Ủa, ủa cô Bạch Vân kìa. Cô, cô, con nè...
Nhặng xị cả góc đường.
Nghệ sĩ Bạch Vân ra đón chúng tôi với nụ cười dễ mến và điệu đàng. Bà điệu nổi tiếng, nhưng trên sân khấu xuất sắc với những vai nữ hoàng quyết đoán uy nghi cứu nguy cho xã tắc. Bà quen tôi từ khi bà theo đoàn hát về Châu Đốc, chú ý có một cô bé cả ngày quanh quẩn ở trước cửa rạp hát. Cô bé có khuôn mặt như buppe, trắng bóc như người Tàu, vầng trán cao, ánh mắt thẳng, rõ ràng không phải kiểu du thủ du thực chực chờ vào xem chui. Như chứng thực cho điều bà suy nghĩ, một lần bà thấy cô bé ngồi ở hàng ghế đầu, là hàng ghế VIP chỉ dành cho chủ tịch ủy ban và cán bộ đầu ngành. Bà kinh ngạc hơn khi theo dõi thường xuyên thấy cô bé chỉ đi một mình, trong khi vé mời khách VIP luôn là vé đôi. Ông chủ tịch có thể bận không đi, nhưng mẹ cô bé đâu, anh chị em bạn bè đâu? Đi xem hát một mình là một điều kỳ lạ nhất trong lịch sử cải lương, bởi vì mỗi lần đoàn hát về tỉnh biểu diễn là một sự kiện, là những ngày hội huy hoàng cho những người dân chắt chiu từng đồng mới đủ tiền mua vé, để đêm đêm í a í ới rủ nhau đi xem cải lương, để được khóc, được cười với từng cuộc đời trên sân khấu mà họ ngỡ như chính cuộc đời họ. Sau này cô bé nói với nghệ sĩ Bạch Vân, đi xem chung với người vô cảm bực mình lắm, thà đi một mình. Thế là cả tuổi thơ, cô bé cười một mình, khóc một mình ở hàng ghế VIP.
- Ôi trời, cô trông con mãi! - Cô Bạch Vân ôm siết tôi vào lòng và nói - Cô muốn con dự sự kiện 100 năm cải lương này, để viết cho thật hay về nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
- Cô xem ai nè! - Tôi đẩy anh đang đứng sau lưng ra trước cho cô nhìn rõ mặt.
- Ôi, Huế! - Cô reo lên. Từ khi anh giúp tôi thực hiện phóng sự về ca Huế, cô cứ gọi anh là Huế.
Xa xôi vạn dặm anh vào, chỉ vì chương trình mừng cải lương 100 tuổi mà không có anh cải lương vẫn phát triển, mỗi đêm màn nhung đỏ vẫn mở ra, phô bày sự lộng lẫy xa hoa của lầu gác nguy nga, những ông hoàng bà chúa lộng lẫy, kiêu kỳ. Câu đầu tiên gặp tôi ở sân bay anh nói “Một ngàn cây số lận đó mình”. Một ngàn cây số cho một cuộc tương phùng tri âm pha lẫn thứ tình gì đó không giải thích nổi. Tôi gìn giữ anh như vợ giữ chồng, trong khi vợ anh hồn nhiên tin tưởng, tự hào về chồng. Một điều gì đó pha lẫn giữa hư và thực, khi thỉnh thoảng anh nhắn, nhớ mình ghê, người hồn hậu gì đâu, để rồi hôm sau anh chối phăng khi tôi hỏi, bộ mình nhớ em lắm hả? Không không. Wrong.
Vậy thì wrong hé.
Ba tôi đặt tên tôi là Thanh Hậu, tôi tưởng nghĩa là dòng sông Hậu trong xanh, sau này mới biết chữ Thanh trong Nho học có hai chữ, một chữ có nghĩa là màu xanh, một chữ có nghĩa là trong sáng, thanh cao, là ý muốn tôi sẽ sống trong sáng, thanh cao, nhân hậu. Tôi đã sống đúng với lòng kỳ vọng của ba tôi. Bất cứ chuyện gì tôi cũng giải quyết theo hướng nhường nhịn và hy sinh bản thân mình. Có lần anh nhắn tin, mình phải mạnh mẽ lên, thời đại này là thời đại gì mà cứ cam chịu.
“Vậy thì em không cam chịu nữa. Em sẽ làm những gì em thích chứ không phải người khác thích. Em sẽ viết tuồng đời cô Hậu vui vẻ hạnh phúc chứ không phải đời cô Lựu u sầu bế tắc”. “Hùng hồn ghê hé! Mấy lần tuyên bố hùng hồn như vậy rồi”. “n lần “. Tôi mỉm cười sau tin nhắn ấy.
Tôi với anh khoác tay nhau đi ăn tối, sau khi rời nhà Bạch Vân với cuộc tra hỏi của cô: “Hai đứa đi đâu?”. Tôi nghênh mặt lên trả lời: “Ra khách sạn chứ đi đâu. Đêm nay con phải được nằm trong vòng tay người con thương yêu và cũng thương yêu con. Chứ không phải như cô cả đời lộng lẫy trên ngôi nữ hoàng mà đêm nằm chèo queo. “Khó lắm con ơi! Nghệ sĩ là một giống loài kỳ lạ, có khi yêu cả nhân loại, có khi lại không thể yêu nổi một người”.
Chúng tôi bước vào quán Bún bò Huế hơi vắng vẻ, chỉ có một cô chủ xinh đẹp và một cậu bé chạy bàn vẻ mặt linh lợi. Hai tô bún được bưng ra. Tôi lau đũa và muỗng đưa cho anh, cười cười:
- Từ Huế bay cả ngàn cây số vô đây ăn bún bò Huế hé.
- Mình không thấy thú vị sao? Đó là duyên.
Húp thử nước bún, anh nói:
- Hơi mặn mình hè!
- Ừa, em cũng thấy mặn.
Anh gọi thằng bé:
- Em trai nè, nước súp hơi mặn.
- Dạ, tới giờ này nước sắc lại nên mặn. Mặc định tới giờ này nó phải mặn.
Anh cười phá lên. Tôi cũng cười nói:
- Khẩu khí và chất khôi hài miền Nam đó. Mình thấy miền Nam rất sáng tạo không? Điệu Nam Ai của ca Huế đi vào miền Nam thành khúc Nam Ai buồn thảm góp phần đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào đó.
- Gì ghê vậy?
- Thiệt mà! Chứ mấy đoàn văn công giải phóng cứ lại sát đồn lính nỉ non hoài khúc Nam Ai buồn thấu ruột gan thì hông cần đánh, họ cũng vứt súng hết để tìm chỗ khóc.
- A, thì ra mình thảy mấy tuồng cải lương vào messenger của tui bắt tui xem hoài là muốn tui khóc phải không?
- Xì, mình thì khỏi cần coi cải lương cũng khóc. Mình rất dễ ngã gục bởi hai loại người. Một là, người phụ nữ tỏ ra mạnh mẽ, có tính cách, hơi khác người một tí. Hai là, người phụ nữ tỏ ra quá nhạy cảm, dễ tổn thương, cần được chia sẻ, cần một bờ vai tựa vào mỗi khi buồn, cố tình khóc cho đối phương xúc động. Em để ý thấy có người muốn đốn mình rồi đó. Mình mà tí tởn là em ra giúp vợ mình đánh ghen đó, đánh cho sút đầu tóc mượn luôn.
Ăn xong, hai đứa đứng lên đi.
Đi đâu?
Đó là câu hỏi loay hoay mãi trong tôi từ khi được tin anh sẽ vào dự sự kiện 100 năm cải lương. Anh và tôi đều quen với việc đi công tác ngủ khách sạn một mình, nhưng đó là đi công tác, nhưng bây giờ vì một lý do rất mơ hồ 100 năm cải lương mà anh vào, trong khi anh không có liên hệ gì tới cải lương cả. Vì một chút tình bạn tri âm càng mơ hồ hơn, vì câu “nhớ Hậu ghê”, cũng không có điểm bắt đầu và kết thúc.Trở lại nhà cô Bạch Vân thì mất mặt quá. Vừa mới tuyên bố, từ giờ con thích gì làm nấy, con phải giải phóng cuộc đời con. Hay là cho anh ở khách sạn một mình đi, mình qua nhà bạn. Nhưng “một ngàn cây số lận đó mình” lại dày vò lòng tôi. Ít ra tôi cũng phải cùng ăn với anh, cùng cà phê với anh, cùng đến 100 năm cải lương với anh để chia sẻ những gì mà tri kỷ chia sẻ với nhau, như “cải lương có nhiều điểm giống ca cung đình Huế quá mình hé?”, “Ừa, thì nó bắt nguồn từ ca Huế mà”.
Vậy thì cứ đến khách sạn đi. Đến khách sạn, tôi gọi điện cho cô Bạch Vân.
- Cô ơi!
- Hai đứa mày ở đâu rồi?
- Dạ, con đang ở khách sạn.
- Ha, ha ha. Sao không lo ăn nó đi mà gọi điện làm gì?
- Cô nói kỳ quá. Ăn cái gì mà ăn. Con sợ muốn chết đây nè. Ăn là sẽ mất tình tri kỷ, mà tình tri kỷ đối với con quý báu lắm.
- Vậy thì thôi.
- Cô ơi, lỡ ảnh muốn ăn con thì sao?
- Rối dữ vậy trời! Kiểu này mà đòi viết tuồng. Viết tuồng là phải biết gỡ những chỗ rối như thế này đây. Tự gỡ đi, tui gỡ đời tui còn không xong.
Tôi bần thần đến chỗ bàn tiếp tân, nơi anh đang đứng đợi. Tôi cố tỏ ra bình thản, nói:
- Em đặt hai phòng hé mình.
Anh im lặng không nói gì. Tôi đặt hai phòng. Anh nhận chìa khóa lên trước, còn tôi bị cô bé tiếp tân níu lại, vẻ ngạc nhiên xen lẫn tò mò, thầm thì:
- Chú là gì của cô vậy cô?
- Là người yêu.
- Ủa, người yêu mà sao không ở chung phòng?
- Luật pháp đâu có quy định người yêu phải ở chung phòng.
Tôi cười cười cầm chìa khóa đi lên lầu. Anh nán đứng đợi tôi ở đầu hành lang, rồi cùng nhau tìm phòng.
Tôi vào phòng tôi, ngồi xuống giường nhìn ra. Anh nhìn tôi đăm đắm rồi đi về phòng mình. Tôi đi theo kéo tiếp vali cho anh. Tôi mở vali ra thấy có một chiếc áo sơ mi mới cáu còn trong hộp, chắc đi làm ra là bay ngay, không kịp về nhà lấy đồ, ghé bên đường hay vào sân bay mua. Tôi reo lên, áo mới mua hả? Mai mặc đi dự 100 năm cải lương hả?
Liến thoắng một hồi rồi giọng tôi chùn xuống dịu dàng:
- Tội nghiệp quá hà! Chắc cũng chưa ăn gì từ sáng tới lúc gặp em luôn. Vậy mà em còn dẫn đi lòng vòng và huyên thuyên chuyện trên trời dưới biển.
- Ai cần tội nghiệp. Bù đắp đi. Phụ nữ miền Nam rất đảm đang và chu đáo mà. Thể hiện đi.
Tôi ngồi xuống cuối giường, với tay lấy hộp áo sơ mi từ vali lên, tháo hộp ra, rồi từ từ tháo từng nút áo.
- Làm cái gì vậy? - Tiếng anh đột ngột làm tôi giật bắn người. Anh đã ngồi cạnh tôi tự khi nào.
Tôi nhoẻn miệng cười như trẻ thơ:
- Thì biểu người ta đảm đang. Đang đảm đang nè. Tháo nút áo ra sẵn để sáng mai mặc cho nhanh.
Vô tình chỗ chúng tôi ngồi đối diện với tấm gương. Liếc vào gương, tôi thấy anh nhìn tôi đăm đắm, rồi tảng lờ nhìn xuống đôi tay tôi đang tháo nút áo cho anh. Tôi cười: Trời, sao em giống vợ chuẩn bị đồ cho chồng đi công tác quá! “Y chang” - Anh trả lời.
Tôi lại nhìn vào gương. Trong gương là hai khuôn mặt thanh tú, sáng trưng, hai đôi mắt đăm đắm nhìn người kia trong gương. Bàng hoàng tôi như thấy cảnh Lý Chiêu Thánh cùng Trần Thái Tông ngồi bên nhau cùng soi gương uyên ương trước ngày Chiêu Thánh lấy chồng, trong tiểu thuyết tôi vừa đọc.
Đó là đoạn làm tôi xúc động nhất, nó thể hiện được tình yêu sâu lắng của hai vị Hoàng đế nhà Lý và nhà Trần. Bấc giác tôi ngả đầu lên vai anh nói:
- Khi nào em buồn, mình cho em ngả đầu lên vai mình như vầy nghe.
- Ủa, sao hồi nãy nói nên tránh xa phụ nữ hay dụ dỗ đàn ông bằng cách tỏ ra yếu đuối luôn cần một bờ vai nương tựa mà.
- Thì coi như làm bộ đi. Coi như hai mình đang đóng cải lương đi.
- Hả? Mình bắt tui coi cải lương đã đời rồi còn bắt đóng cải lương nữa hả?
- Ừa, vậy đi. Em kể cho mình nghe một câu chuyện em sẽ viết thành tuồng cải lương.
- Vẫn còn ấp ủ viết tuồng hả?
- Còn chứ. Nó không còn là chuyện của riêng ai mà là niềm đau của cả dân tộc.
- Ui trời! Nhập vai rồi.
- Em từng tan vỡ một cuộc hôn nhân đôi bên cha mẹ đã hẹn cuối năm làm đám cưới. Trước giải phóng, ba anh ấy là hiệu trưởng một trường trung học, rất uyên thâm về Nho học. Gần cuối cuộc chiến, ông bị gọi vô lính, do đó sau giải phóng ông bị đi cải tạo. Ông ngoại là nhà thầu xây dựng giàu có. Rạp hát mà em hay đi xem cải lương là của ông ngoại, nhưng sau giải phóng bị nhà nước tịch thu. Ông ngoại dưới suối vàng chắc cũng vui khi rạp hát của mình có một ý nghĩa lớn hơn việc kiếm tiền là nơi tạo ra cảm xúc bất tận, niềm thương người thương đời cho đứa cháu dâu hụt.
Đám cưới gần kề thì má em đòi sính lễ cưới cao quá, anh không lo nổi. Bế tắc, anh ấy đã cạo đầu…
Đó là một buổi chiều mưa bay lất phất, anh ấy ngồi đối diện với em trong quán nước, đầu cạo trọc lóc, đội chiếc nón vải lụp xụp, nước mắt chảy dài trên má, nói:
- Anh luôn đợi ngày thành công để cho em tất cả những gì em muốn, nhưng chắc không có ngày ấy rồi.
- Anh sẽ thành công. Em sẽ đợi anh mà.
- Không đơn giản như em nghĩ đâu. Nếu có ai có đủ điều kiện hơn anh, thì em ưng đi, anh hứa với em nếu em hạnh phúc thì thôi, còn nếu em không hạnh phúc mà anh chưa có gia đình thì anh lại cưới em.
Kể đến đó, thì tôi nhận ra anh đã khóc tự khi nào. Ôi, người tôi định cho đóng vai một nhân vật cực kỳ nhân hậu, chưa nghe hết chuyện mà đã khóc rồi.
Anh dịu dàng nói:
- Khi nào mình buồn, muốn tựa đầu lên vai tui khóc thì nói, tui sẽ bay vào dù chỉ để cho mình tựa đầu lên mà khóc nghe!
- A! - Tôi vỗ tay reo như trẻ thơ - Chưa viết xong tuồng cải lương mà đã dụ được mình rồi.
- Ừa, cứ việc dụ hoài đi.
- Giờ em dụ mình bằng khúc hát Trưng Trắc chia tay Thi Sách nghe.
- Biết ca cải lương nữa hả?
- Thì mình nghe nè, chẳng những biết hát mà còn biết diễn nữa. Cùng diễn nè. Thi Sách ôm vai vợ đi.
Trong giây phút chia tay
Tim nguyện ghi lời thề
Tuy xa nhau muôn dặm dài
Như có nhau kề vai trong chinh chiến
Dẫu muôn đắng cay chi sờn.
Anh nhìn theo từng hành động của tôi, ánh mắt đầy xúc cảm. Rồi anh đi về phòng mình, sau khi nói “Good night... nghe”. “Ừa... night nghe - Tôi đáp lời”.
*
Máy bay vút lên, bắt đầu chuyến về của “một ngàn cây số lận đó mình”. Tôi một mình diễn một đoạn tuồng đang hình thành trong đầu. “Mình ơi, lần sau vô, mình sẽ chết trong trận với em đó”. Và anh trả lời, mình à, sẽ không ai chết đâu, mà tui và mình sẽ sống mãi trong trận đồ tri âm...
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM