- Nhà văn trẻ
- Văn học trẻ TPHCM: Chờ đột phá
Văn học trẻ TPHCM: Chờ đột phá
Tháng 12/2021, Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Hiện tại, Hội Nhà văn TP.HCM vừa hoàn tất danh sách đề cử 15 tác giả trẻ gửi ban tổ chức. Đây là cơ hội để nhận diện văn học trẻ của thành phố hiện nay.
Cuộc thi Văn học tuổi 20 là một trong những sân chơi để các cây bút trẻ thể hiện mình
(ảnh chụp trong thời điểm dịch chưa bùng phát)
Hứa hẹn khởi sắc
Danh sách đề cử 15 tác giả trẻ được Hội Nhà văn TP.HCM lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: từ 35 tuổi trở xuống và có tác phẩm nhận được sự chú ý của giới chuyên môn. Có một điều hơi đáng tiếc là trong danh sách này thiếu vắng những gương mặt nổi bật, đáp ứng đủ cả hai tiêu chí trên, như: Nguyễn Đinh Khoa (giải 4 Văn học tuổi 20 lần 6), Quang Vinh, Đỗ Đức Anh, Đào Lê Na, Hà Thanh Phúc, Nguyễn Thiên Ngân, Lưu Quang Minh… Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ cho biết, ban đầu, Ban Nhà văn trẻ giới thiệu 20 đại biểu, nhưng 5 đại biểu xin rút tên vì không thể sắp xếp công việc riêng để tham dự.
Trong danh sách này, nhiều tác giả đã khẳng định được mình qua những tác phẩm đã xuất bản như Văn Thành Lê, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Dương Quỳnh, Ngô Thúy Nga… Bên cạnh đó, một số tác giả hứa hẹn những khởi sắc trong thời gian tới, như: Phã Nguyện, Nguyễn Trần Khải Duy, Trần Duy Thành… Tất nhiên, 15 đại biểu trên chưa thể làm nên diện mạo của văn học trẻ thành phố, mà cần có sự cộng hưởng của nhiều tác giả bên ngoài danh sách.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, diện mạo văn học trẻ TP.HCM dĩ nhiên phong phú hơn danh sách đại biểu nhà văn trẻ, nhất là những cây bút không mấy hứng thú với phương pháp xuất bản truyền thống, mà chủ yếu tương tác với độc giả trên mạng xã hội. Cũng theo anh, điểm sáng nhất của văn học trẻ TP.HCM hiện nay là ý thức hướng đến công chúng. Họ không quá cố chấp giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố thị trường, thậm chí họ theo đuổi cả những thể loại thời thượng như ngôn tình để phô diễn bút lực.
Trong sự quan sát của cá nhân, cây bút phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê (25 tuổi) cho rằng, văn học trẻ TP.HCM, mà rộng ra là văn học trẻ khu vực phía Nam hiện nay, hình như không rộn ràng và dồi dào sinh sắc bằng các nơi khác. Tuy vậy, TP.HCM cũng có một số ít cây bút trẻ vừa góp mặt vào đời sống văn học, nhưng đã gây được sự chú ý của văn giới, mà tiêu biểu là Tống Phước Bảo.
Chưa mặn mà với hội
Trong danh sách 15 đại biểu của TP.HCM, ngoại trừ Văn Thành Lê đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, số nhà văn trẻ là hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM chỉ có 3 người. Điều này một lần nữa cho thấy, việc trở thành hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM không còn hấp dẫn các tác giả trẻ. Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Nhà văn trẻ thờ ơ với Hội Nhà văn vì hoạt động của hội chưa hấp dẫn họ. Đây là lỗi của những người làm công tác hội, chứ không phải lỗi của nhà văn trẻ. Nhà văn trẻ đang thiếu diễn đàn đích thực dành cho họ, đó là một nơi có thể chấp nhận cả những thử nghiệm vụng về, những giọng điệu sôi nổi, lẫn những cá tính mạnh mẽ”.
Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp đang chờ đủ điều kiện để được kết nạp, điển hình là cây bút trẻ Trần Ngọc Mai (31 tuổi), tác giả tập thơ Sau lưng là biển – một trong 15 đại biểu được đề cử. Theo chia sẻ của Trần Ngọc Mai, được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM là mong muốn của anh lâu nay. “Bởi vào hội sẽ có điều kiện, môi trường để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cũng như được tham gia các hoạt động khác có ý nghĩa của hội”, anh bày tỏ.
Tác giả Trần Ngọc Mai cho biết, hiện nay có những hội nhóm khác hấp dẫn, sôi động và có sự tương tác với hội viên tốt hơn các hội chính danh đang phát triển trên mạng xã hội. “Người tham gia không bị ràng buộc, không cần phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể, tác phẩm có sự tương tác cao khi có nhiều người đọc, bình luận. Đấy thật sự là một nơi sinh hoạt văn nghệ có tính mở. Chính vì thế, hội cũng cần đổi mới các hoạt động của mình theo hướng hiện đại, trong bối cảnh “tác giả mạng” ngày càng nhiều”, Trần Ngọc Mai cho biết.
Hội Nhà văn TP.HCM cần cân nhắc đến những hoạt động cũng như quy chế kết nạp hội viên, qua đó tạo ra một sân chơi văn chương hấp dẫn và sôi động dành cho các tác giả trẻ, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào hội. “Chúng tôi đã hoàn thành đề án tổ chức Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần thứ 5 vào tháng 8-2022, để có một cuộc điểm danh quy mô và thiện chí. Trên cơ sở ấy, Ban Nhà văn trẻ sẽ có sự hỗ trợ cụ thể hơn cho các cây bút trẻ”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho hay.
Theo Hồ Sơn/SGGP