- Bút ký - Tạp văn
- Một thời đáng nhớ - Tản văn Trần Minh Ánhn
Một thời đáng nhớ - Tản văn Trần Minh Ánhn
Hắn ra trường vào thời điểm mà cả tỉnh không có chỉ tiêu, đành vác ba lô lên miền núi huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng bấy giờ. Nhờ mối quan hệ của người chị con bác, xin cho hắn được vào dạy tại thị trấn. Khi nhận quyết định về trường Phổ thông cơ sở số 2 thị trấn Trà My, hắn hỏi đường vượt cầu treo, bãi sạn đến tận Cao Sơn để trình diện.
Lão Hiệu trưởng (HT) của trường liếc qua quyết định không nói, không rằng, nhíu mày, chắp miệng. Hắn linh cảm điều chẳng lành. Thật vậy sau một hồi trầm ngâm lão đứng dậy bảo hắn đạp xe xuống lại phòng giáo dục cùng lão.
Trời đã gần trưa, trời nắng ngang hắn vừa đạp xe vừa suy nghĩ, hay lão hiệu trưởng có ý vòi vĩnh gì đây, chứ quyết định phân công công tác là của Chủ tịch UBND huyện sao HT dám không nhận. Ngang qua quán chè thập cẩm hắn nảy sinh ý "hối lộ", nên liền mời lão HT một ly chè thập cẩm, vừa ăn vừa hỏi chuyện. Sau một hồi hỏi thăm về tình hình trường lớp, hoàn cảnh gia đình, hắn liền đặt vấn đề thẳng với HT: Có phải anh dẫn tôi về phòng trả Quyết định không? HT thẳng thắng thú nhận những phỏng đoán của hắn là đúng. Nhưng nhờ hắn ăn ở cũng không tệ, hay ly chè thập cẩm thanh ngọt thấm vào cơ thể của lão HT. Nên ngồi tâm sự với nhau một lúc gần 1 giờ đồng hồ. Lão đứng dậy bảo hắn: ta về thôi không vào phòng GD nữa!.
Từ đó ngôi trường đầu tiên hắn vào nghề, giữ lại cho hắn biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Những năm tháng khó khăn, khi mà đất nước đang trong những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới (thời khoán 10). Miền núi xa xôi giao thông ách tắc nên vật giá đắt đỏ. Lương không đủ ăn, nợ gối đầu. Sống và làm việc lấy tinh thần nhiệt huyết làm căn bản, lý tưởng sống, lạc quan yêu đời làm kim chỉ nam, tuổi thanh xuân làm nền tảng.
Chuyện Ly chè thập cẩm còn nóng hổi, thời gian trôi qua mới 1 học kỳ, thì những ngày tháng yên bình của hắn không còn nữa. Trong lúc tình yêu vừa chớm nở thì hắn được lệnh điều động của Phòng GD tăng cường công tác vùng cao cực nam của huyện tiếp giáp với huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.
Khi hắn cầm "sứ vụ lệnh" trên tay hắn lo lắng vô cùng, tuy là bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân đang hừng hực, nhưng chiến trường vùng cao miền núi Trà My, thời điểm ấy đang nóng. Lực lượng địch có tên "ký sinh trùng sốt rét" thị uy sức mạnh. Chúng làm tê liệt hoạt động giáo dục cả một vùng lúc bấy giờ. Toàn bộ lính cắm chốt phải rút lui về xuôi để chữa bệnh, buộc sở chỉ huy Phòng GD phải tăng cường lực lượng mới để thay thế lực lượng bị tổn thất do quân địch a- nô- phen gây thương tích.
Mùa xuân 1990, sau những ngày sum vầy vui xuân đón tết cổ truyền cùng với gia đình và bạn bè, chia tay những người thân yêu hắn lại khoác ba lô lên đường. Điểm đến của hắn là xã Trà Nam huyện Trà My "chiến trường" nóng nhất vùng cao bây giờ. Chiếc xe đò rờ - nôn nổ máy phành phạch, phụt khói đen sì, ì ạch tiến lên, băng qua những cung đường đất đá, dốc dựng đứng. Cứ khoảng 5km thì gặp phải dốc, hắn cùng khách xuống xe trợ lực cho xe lên dốc. Con đường từ Thị trấn Trà My lên Tăk pỏ ngoằng ngoèo đi giữa đại ngàn hùng vĩ, băng qua nhiều khe suối nước trong xanh và mát lạnh. Đặc biệt là thác 5 tầng thơ mộng, từ độ cao khoảng 100m dòng nước tuôn trào đổ xuống được chia thành 5 tầng theo thứ tự từ thấp đến cao, ở dưới nhìn lên như mái tóc bạc của mẹ đại ngàn đang bềnh bồng xoã xuống, tầng dưới cùng là một vực nước trong vắt mát lạnh, khách ngang qua đều dừng chân thưởng ngoạn. Hắn vội đưa đôi bàn tay vốc những vốc nước khoác lên rửa sạch lớp bụi bu bám trên khuôn mặt. Dòng nước mát làm hắn phút chốc tươi tỉnh lại, sau những cú xốc ngược của chiếc rờ nôn khi chồm qua những ổ voi làm cho hắn vật vã.
Chiếc rờ - nôn dừng lại ở bến xe Tăk pỏ, hắn cùng đồng đội vào khu nội trú trường Phổ thông cơ sở Trà Mai trú nhờ qua đêm. Sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường, một hành trình đường bộ xuyên rừng đẹp như tranh. Vượt suối Nước Là men theo triền núi qua Trà Vân, đến Trà Don khoảng 12 giờ trưa, hắn dừng chân tại Xã Trà Don, trong làng vừa diễn ra lễ hội văn hoá của người Ca Dong. Lễ hội Tết máng nước, đâm trâu huê, lần đầu tiên hắn được người dân nơi đây chiêu đãi món rượu cần, thịt trâu gác bếp, cơm lam, canh rau doi…Ngày hôm sau hắn lại tiếp tục vượt qua mấy khâu rựa để đến Xã Trà Nam. Vừa đặt chân đến ngã ba Trà Nam và Trà Linh, hắn nhìn xuống dòng sông Tranh nước chảy trắng toát, bên trên là chiếc cầu dây bằng mây vắt võng qua bên sông đang đu đưa theo chiều gió như một bức tranh thuỷ mạc tuyệt đẹp. Bỗng đâu thoang thoảng một mùi hương thơm nhẹ nhàng đang xao xuyến, ngước mắt nhìn lên cánh rừng trên những cành cây cổ thụ, những chùm hoa lan đang nở rộ. Nào là Tai Trâu, Kiều Tím, Dã Hạt hai màu trắng tím đang thi nhau khoe sắc như những nàng thiếu nữ đang tranh tài, tranh sắc trong cuộc thi hoa hậu. Hắn đắm đuối, say mê lạc vào thiên thai. Trong mênh mông khoáng đạt của rừng, mặt trời chiếu xuyên thác nước tạo thành những sắc cầu vồng rực rỡ, những chú cá niên đang tung tăng nhảy nhót dưới thác, nước tung toé, óng ánh làm cho bức tranh thêm phần sinh động.
Trường xã nằm dưới thung lũng dưới chân núi Ngọc Linh, khí hậu nơi đây ngày nóng đêm lạnh, ban ngày thì cánh lính ruồi vàng và muỗi a nô phen là lực lượng chủ lực tinh nhuệ chiếm đóng sẵn sàng tấn công ta. Hắn tìm hiểu trước nên trang bị "quân trang, quân dụng" đầy đủ nào là dầu nhị thiên đường, thuốc mỡ D.E.P để chiến đấu khi ruồi, muỗi, vắt. Hắn dừng chân đóng quân tại đây 3 ngày để nghỉ ngơi lấy sức, tiếp tục vượt sông suối, đèo dốc tiến về thôn 5 xã Trà Nam giáp giới xã Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông Kon Tum. Càng tiến lên độ cao càng tăng, khi đến nóc già Lê thì độ cao đến 1500m - 1600m sương mù dày đặc, con đường ẩm ướt, tại đây "sư đoàn vắt" đang phục kích, hắn vừa hành quân vừa chiến đấu cho đến căn cứ.
Thời gian tiếp theo là những tháng ngày hắn đem con chữ đến với dân làng, người dân ở đây đa số là dân tộc Xơ Đăng, có đời sống tự quản, đứng đầu là Già làng. Uy tín và tiếng nói của Già làng là tuyệt đối, những chủ trương chính sách mà chính quyền muốn thực hiện hiệu quả phải nhờ Già làng đứng ra vận động giải thích thì mọi người dân đều nghe theo răm rắp.
Nóc ông Lê được tạo dựng trên một đồi cao nhô lên trong giữa rừng xanh, có khoảng gần trăm ngôi nhà của người dân. Họ sống bằng nghề nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, trên rẫy thì trồng sắn, chuối và chăn nuôi heo gà. Ngôi trường được người dân làm tách biệt khu ở của dân, gồm có 02 phòng, tất cả làm bằng tre, nứa từ cột, kèo, đến phên, mái đều bằng tre lồ ô và nứa. Hắn cùng một đồng nghiệp bắt đầu chiến dịch ánh sáng. Những bạn trẻ thật đáng yêu, hồn nhiên và trong sáng, ngoài giờ học chúng dắt hắn xuống sông lặn hụp bắt cá, lội bờ ruộng hái rau vào rừng bắn chim, săn thú để cải thiện đời sống. Hắn dạy cho trẻ những con chữ đầu tiên để chúng được khai phóng, có điều kiện tiếp cận được những kiến thức, nền văn minh của người kinh để sau này tạo lập cuộc sống và xây dựng gia đình và quê hương tươi đẹp hơn. Bọn trẻ dạy cho hắn những trải nghiệm cuộc sống như săn bắn, đánh bắt cá… và những văn hoá của người dân tộc Xơ đăng lễ hội truyền thống, lễ đâm trâu, phong tục đặt tên con trai, con gái hễ sinh con trai thì đặt A, con gái thì đặt Y ( A Lan, Y Hoa). Sự bình đẳng của người Xơ Đăng về giới tính, về con ruột, con nuôi đã có từ rất sớm. Quan niệm kết hôn cũng rất văn minh và nghiêm ngặt như con cháu cùng họ không được kết hôn với nhau.
Thời gian trôi qua khoảng 5 tháng thì đồng đội của hắn lại trung đạn "ký sinh trùng sốt rét", cứ chiều lại bạn lên cơn sốt cao từ 380 - 390c người co giật sức khoẻ xuống yếu hẳn đi. Hắn đành xa rời đàn em nhỏ để dìu đồng đội xuống núi. Vứt tất cả những vật dụng không cần thiết, kể cả 20 cân quế loại I mua được của dân chờ ngày hắn xuống núi làm của hồi môn, hắn đành phải lựa chọn sức khoẻ và sự sống của đồng nghiệp là trên hết. Bạn vừa nhập viện 1 tuần thì hắn cũng lên cơn sốt và nhập viện điều trị, sau khoảng 1 tháng nằm viện bệnh tình thuyên giảm hắn về lại đơn vị cũ để tiếp tục công tác. Tuy chỉ có 5 năm công tác nhưng tình đất, tình người Trà My luôn ở trong tim hắn, nơi tình yêu bắt đầu và đơm hoa kết trái đã cho hắn một mái ấm gia đình thật viên mãn, những kỷ niệm chiếc cầu treo là nơi hò hẹn còn in dấu không phai. Tình anh em đồng nghiệp luôn gắn kết, dẫu thời gian trôi qua gần 40 năm, có người đã rời cõi tạm đi về nơi vĩnh hằng, những người còn lại mỗi khi có dịp hội tụ, anh em ai ai cũng hồi hộp, mong đợi gặp nhau cùng ôn lại một thời thật dáng thương, đáng nhớ! Một thời giữ hương cho đất Trà My như lời bài hát Giữ hương cho đất Trà My của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái:
“Anh gặp em nơi lưng chừng núi, nơi lưng chừng mây trời. Qua bốn mùa anh đi tìm em, lòng bao nhớ thương. Nơi đất trời nối liền một màu xanh bát ngát, nơi núi rừng bốn mùa tỏa hương quế thơm. Trà My ơi! Xanh trong sao là suối Nước Là, hiền hòa sao là hồ Nước Rhin, kiêu hùng bất khuất đây ngọn Ngọc Linh, thủy chung ngàn đời là nước dòng sông Tranh…”.
Trần Minh Ánh. Tháng 11/2024