TIN TỨC

Về cuốn hồi ký ‘Gánh gánh gồng gồng’ của Xuân Phượng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-12-19 22:14:50
mail facebook google pos stwis
5511 lượt xem

Nguyễn Thị Việt Nga

Tôi sinh ra sau chiến tranh. Bố tôi là một thương binh, một người lính cụ Hồ, từng hành quân qua dãy Trường Sơn, chiến đấu ở nhiều mặt trận phía Nam, để lại một phần xương máu nơi chiến trường và “suýt thành liệt sỹ” mấy lần, theo cách nói của bố.

Từ nhỏ xíu, những câu chuyện tôi thường được nghe bố kể nhất là chuyện chiến đấu. Rất chi tiết và sinh động.

Tuy vậy, chiến tranh, đối với lớp hậu sinh như tôi, vẫn chỉ là một khái niệm nằm im trong sách vở. Lớp lên chút nữa, không hiểu sao tôi rất ham tìm đọc những cuốn sách viết về chiến tranh, nhất là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam; từ sách văn học đến sách lịch sử. Tốt nghiệp Đại học năm 1998, tôi làm luận văn về tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, một tập thơ ra đời trong chiến tranh, với các bài thơ chủ yếu về đề tài chiến tranh. Luận văn thạc sỹ năm 2008 của tôi nghiên cứu về Nhật ký chiến trường của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân… Rồi khi làm luận án Tiến sỹ, tôi cũng chọn mảng văn học ra đời trong chiến tranh: văn học các vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Tâm trạng con người trong chiến tranh, thân phận con người và những dằn vặt, đau đớn khi đối diện với sự hủy diệt bạo tàn; sức mạnh tinh thần lớn lao nào khiến con người có thể vượt qua tất thảy mọi gian nguy để chiến thắng… Tất cả những điều đó sẽ hiện lên chân thực nhất trong tiếng nói của người trong cuộc, để thế hệ hậu chiến như chúng tôi có được cái nhìn công bằng và sâu sắc về lịch sử.

“Gánh gánh gồng gồng”, cuốn hồi ký của đạo diễn Xuân Phượng là “tiếng nói của người trong cuộc”; một cuốn sách làm tôi thực sự cảm thấy đau tim khi đọc, đến nỗi có những trang phải ngừng lại giữa chừng, không dám đọc tiếp.

Nhưng đó là nỗi đau rất đỗi ngọt ngào.


Hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” của đạo diễn Xuân Phượng.

Cuốn sách là chuỗi ký ức của tác giả từ lúc ấu thơ cho đến hiện tại, trải mấy chục năm, từ những năm 1930, khi Xuân Phượng còn là một cô bé hơn chục tuổi sống yên ấm trong vòng tay cha mẹ cho đến hôm nay, khi bà đã trả qua đủ mọi cung bậc cuộc đời, từ những cay đắng, cơ cực gian nguy nhất, đến những ngọt ngào, những thành công vang dội cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân. Thông thường, khi đến với thể loại rất riêng tư là hồi ký hay nhật ký, người đọc thường có nhu cầu tìm hiểu về đời sống, tâm trạng của một cá nhân cụ thể; và người viết cũng muốn tâm sự, thổ lộ những điều riêng tư, thậm chí cả những góc khuất chưa ai nhìn thấy trong cuộc sống của mình, như một nhu cầu tự thân thôi thúc: nhu cầu được bộc bạch và chia sẻ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, hồi ký hay nhật ký mới chỉ thỏa mãn được tâm lý hiếu kỳ ở một số ít độc giả. Giá trị của hồi ký, nhật ký nằm ở việc qua số phận, tâm trạng, cuộc sống của một cá nhân cụ thể phản chiếu cuộc sống, tâm trạng, số phận cả cả một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc, để qua đó toát lên những triết lý, những bài học nhân sinh sâu sắc. Và “Gánh gánh gồng gồng” đã làm được điều đó một cách tự nhiên, dung dị, chân thực.

Cho đến tận giờ, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nhắc đến Việt Nam, rất nhiều bạn bè quốc tế vẫn ngỡ ngàng, khâm phục trước kỳ tích chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại bảo vệ tổ quốc. Ngỡ ngàng, khâm phục vì không hiểu tại sao một dân tộc nhỏ bé (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), còn rất nghèo nàn và lạc hậu lúc bấy giờ lại có thể chiến thắng vẻ vang trước hai đối thủ mạnh bậc nhất toàn cầu. Tôi nghĩ, câu trả lời có đầy đủ trong cuốn hồi ký của Xuân Phượng. Nguyên do việc công bố cuốn sách này, như bà bộc bạch ngay từ đầu sách: “Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.


Đạo diễn Xuân Phượng.

Tôi đã tiếp cận hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” đúng như mong muốn của tác giả: một người chưa hề biết đến chiến tranh, tìm hiểu về cuộc chiến, về đất nước, về những người “đã làm ra đất nước” từ trong lửa đạn, trong muôn vàn cơ cực, đắng cay và xương máu. Chiến tranh dẫu nổ ra ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì, cũng đều mang đến bi kịch cho tất cả mọi bên liên quan, mọi người liên quan. Bản chất của chiến tranh là bi kịch, khi con người không thể sống với nhau một cách ôn hòa. Bi kịch của Xuân Phượng và gia đình bà được tái hiện trong hồi ký bằng những lời kể thủ thỉ, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nỗi đau xé ruột. Đó là bi kịch của một gia đình bị xé nát bởi chiến tranh. Có sự tan đàn xẻ nghé do loạn lạc, mỗi người một nơi, không biết những thân yêu, ruột thịt của mình sống chết thế nào; nhưng đỉnh cao của bi kịch chưa phải là chuyện tan đàn xẻ nghé, mà là chuyện lòng người ly tán. Cô bé Xuân Phượng sinh ra trong một gia đình quyền quý, có tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ và đầy đủ với người cha là “Thanh tra Học chính kiêm Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất bấy giờ ở Đà Lạt”, ông nội là “quan triều đình Huế”. Thế nhưng những êm đềm đó không kéo dài. Cuộc sống cơ cực, lầm than của những người làm thuê cho gia đình cô bé Xuân Phượng trái ngược với cuộc sống nhung lụa cô đang hưởng; thái độ của cô bạn người Pháp thân thiết trong ngôi trường Pháp khi đang giờ chào cờ, cô bạn chạy ra đạp lên bóng lá cờ An nam và nói những câu miệt thị đã khiến trong trí óc non nớt của Xuân Phượng vỡ ra những cảm nhận đầu tiên về cuộc sống: “tôi lờ mờ nhận thấy rằng cuộc sống của mình, của gia đình mình không êm đềm, nhẹ nhàng và vô tư như mình tưởng” (tr22).

Những êm đềm, nhẹ nhàng, vô tư ấy chấm dứt khi Xuân Phượng quyết định xếp bút nghiên để theo Cách mạng, dưới sự dẫn dắt của người dượng, bắt đầu bằng việc mang truyền đơn trong cặp sách, qua mặt “những tên lính Nhật đang bồng súng, hằm hằm xét người qua lại”. Cô nữ sinh trường Khải Định ấy chỉ có một nguyện vọng lớn lao nằm trong bảy chữ “giành độc lập cho đất nước”, sẵn sàng rời bỏ gia đình – một gia đình có gốc gác đại triều, bố đang thân Pháp.

Bi kịch sâu của chiến tranh là đấy! Là chuyện lòng người ly tán. Để rồi cả nửa thế kỷ sau, khi Xuân Phượng gặp lại mẹ mình, người mẹ vẫn đau đáu một câu hỏi tái tê: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha, đất tổ con ơi” (tr11). “Theo họ”, nghĩa là theo Cộng sản, theo Cách mạng. Nếu cứ yên phận dưới cuộc sống của một tiểu thư, chắc chắn cuộc đời Xuân Phượng đi theo hướng khác, không có những thác ghềnh, cay đắng, không vào sinh ra tử long đong.

Một gia đình nhưng có những con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Chọn một con đường đầy chông gai, xương máu để sống theo lý tưởng, cô tiểu thư Xuân Phượng đã phải đánh đổi quá nhiều, phải bước hẳn khỏi mái ấm gia đình, dẫu cho người mẹ của cô đã tìm đến tận nơi con gái mình đang hoạt động cách mạng để khóc, để khuyên con quay trở về. Nhưng “dù rất thương mẹ, thương em, tôi đã chọn con đường tự nguyện đi vào hoạt động chống xâm lược Pháp” (tr 33). Đó mới là bi kịch lớn nhất mà chiến tranh trùm lên thân phận con người, chứ không phải chuyện đổ máu, hy sinh.

Theo dòng hồi ký, từng giai đoạn cuộc đời của tác giả hiện lên ám ảnh. Giai đoạn nào cũng có những chi tiết tạo nên dư chấn mạnh mẽ trong lòng độc giả. Đó là chuyện tình yêu trong chiến tranh, dù rất ngất ngây với tình cảm đầu đời, nhưng khi người yêu đắn đo “gia đình con một, thầy mẹ anh không muốn cho anh thoát ly gia đình” thì Xuân Phượng đã nuốt nước mắt “tiếp tục đi theo Đoàn Tuyên Truyền Kháng Chiến, tiếp tục chọn con đường thoát ly gia đình”. Một lần nữa, lòng người ly tán!

Đó là lần sinh con đầu lòng của Xuân Phượng giữa rừng núi hoang vu, cô độc, thiếu thốn, hiểm nguy: “một mình tôi nằm lại trên con đò rách nát với hai vợ chồng người chèo đò đã lớn tuổi (…) Năm ấy hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không có ai. Tôi muốn chết. (…) Tiếng khóc oe oe vang lên giữa sông. Đứa con đầu lòng của tôi. Bác lái đò bẻ một mảnh nứa trên mui đò cắt rốn cho con tôi” (tr71).

Đó là chuyện Xuân Phượng mò mẫm đỡ đẻ cho một sản phụ trong lòng địa đạo Vĩnh Linh, một “mê cung trong lòng đất” với “bóng tối mịt mùng vây quanh” và tiếng khóc đau đớn, tuyệt vọng của người phụ nữ sinh con lần đầu trong hoàn cảnh không thể ngặt nghèo hơn, giữa mưa bom bão đạn: “đỡ đẻ không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn rõ mặt sản phụ”. Nhưng rồi vượt lên tất cả những éo le, khốc liệt ấy “bật vang lên tiếng khóc oe oe của đứa trẻ sơ sinh, hòa với tiếng khóc nức nở của người cha” (tr 158). Sự sống bật mầm kiên cường ngay ở nơi tưởng như chỉ có đổ máu và cái chết đang rình rập từng giây. Sức mạnh Việt Nam, ý chí Việt Nam là thế!

Đó còn là hình ảnh một em bé Vĩnh Linh chín tuổi, hồn nhiên ngồi trên đầu xe tải với đồ chơi là một khẩu súng thật: “dáng người đậm, chắc, da nâu đen, không để ý gì đến chúng tôi, em đang tháo lắp thành thạo một khẩu súng AK” (tr164). Chính cậu bé bé xíu có ”hai chiếc răng khểnh làm lộ một nụ cười dễ thương” ấy đã “giúp bộ đội đặc công phá được một sân bay trực thăng” với cái cách cũng hồn nhiên, thơ trẻ vô cùng: “Các chú bộ đội muốn phá sân bay trực thăng, cháu liền cùng với hai bạn khác đi vào khu vực sân bay giả đò chơi đánh khăng. Thân của cây khăng dài đúng một mét. Bọn cháu đánh ra xa rồi đo, đo từ đầu đến cuối sân bay, cả chiều dọc lẫn chiều ngang rồi về báo với các chú bộ đội. Bọn Mỹ không nghi ngờ chi hết. Sau đó các chú bộ đội tính toán và bắn pháo cối vào chính xác, phá nát cân bay. Cháu được tặng Dũng sĩ diệt Mỹ” (tr 164, 165)…

Cuộc đời Xuân Phượng với nhiều ngả rẽ bất ngờ, từ khi làm thành viên của Đoàn Tuyên Truyền Mặt trận khu C, sang Quân Y Vụ Liên Khu 4, làm chế tạo thuốc nổ, làm báo Công Tác Thóc Gạo, làm Trưởng phòng khám Nhi khu Ba Đình, tháp tùng đoàn làm phim nước ngoài vào mặt trận, trở thành đạo diễn phim…vv. Ở bất cứ “khúc quanh” nào, ngành nghề nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, kể cả những lúc do bất đắc dĩ mà “mang lấy nghiệp vào thân” chứ không còn sự chọn lựa nào khác. Điều này vừa cho thấy sự ‘đa tài, đa ứng biến” trong con người bà, vừa thể hiện được gương mặt của cả dân tộc trong những năm tháng khói lửa chiến tranh: luôn luôn nỗ lực, luôn luôn ứng biến, chịu đựng được tất cả mọi hiểm nguy gian khó, kiên cường và mạnh mẽ tồn tại để vươn lên và chiến thắng. Đó là “qua một giọt nước nhìn thấy cả đại dương mênh mông”.

Giá trị của “Gánh gánh gồng gồng”, như tôi đã nói, là vượt lên trên những tự sự, ghi chép về cuộc đời của một cá nhân cụ thể để soi chiếu một cách chân thực, sinh động và sáng rõ gương mặt của cả dân tộc, cả Tổ quốc trong những thời kỳ lịch sử đáng nhớ nhất. Bởi thế, song hành với sự ngưỡng mộ, cảm phục tài năng, nhân cách, ý chí nỗ lực của nghệ sỹ Xuân Phượng là niềm tự hào, hân hoan, là những khâm phục đến kinh ngạc đối với thế hệ cha anh – những người viết tên Tổ Quốc lên bản đồ thế giới bằng mồ hôi, xương máu của chính mình.

Là đạo diễn phim tài năng, nên hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của Xuân Phượng cũng được kết cấu như những thước phim đầy ám ảnh, có chồng mờ, có đan cài ký ức – hiện tại, có điểm, có diện. Ngôn ngữ văn chương của bà cũng như ngôn ngữ điện ảnh, kiệm lời, kiệm chi tiết mà đầy sức nặng, có những hiệu ứng “tạo sốc” – những cú sốc thẩm mĩ đáng nhớ. Cả cuốn hồi ký cũng chính là một cuốn phim tư liệu với ngồn ngộn chi tiết có thể người đọc chưa gặp trong bất cứ cuốn sách nào. Những tư liệu vô cùng quý giá, đặc biệt là về chuyện ngành làm phim Việt Nam ra đời, trưởng thành trong chiến tranh như thế nào, tình cảm của những nhà làm phim, những nghệ sỹ thế giới đối với Việt Nam trong những tháng năm lửa đạn; sự đùm bọc đầy cảm động và những ân tình sâu nặng của các văn nghệ sỹ thời bao cấp khốn khó đủ đường…

Đọc xong cuốn hồi ký này, tôi rất tin, tất cả bạn đọc, cũng như tôi, đều cảm thấy trân trọng hơn những tháng ngày mình đang sống, trân trọng hơn những gì mình đang có trong tay, yêu Tổ quốc hơn, yêu những con người thân yêu quanh mình hơn, và vì thế sẽ nỗ lực để sống tốt hơn, đẹp hơn. Và điều quan trọng nữa là có thêm động lực để biết cách vượt qua tất cả mọi trở ngại trong cuộc sống!

Như thế đã đáng để bạn tìm đến “Gánh gánh gồng gồng” chưa?

Hải Dương, 27/5/2021
N.T.V.N

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm
Nguyễn Ngọc Hạnh - Hồn thơ reo mãi phía làng
Bài viết của Hoàng Thụy Anh và phóng sự ảnh của Nguyên Hùng
Xem thêm
‘Bút chiến’ thời Tự Lực Văn Đoàn
Trước khi được giải Lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm nay thì “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” đã được chú ý trong cộng đồng đọc. “Câu chuyện cũ nhưng cách tiếp cận mới, khảo tả công phu, chưa kể những dẫn chứng “đấu đá” hậu trường văn chương, đọc rất vui”, độc giả bình luận.
Xem thêm
Khối đa diện “Mộng đế vương”
Nhà văn Nguyễn Trường chọn xứ đạo ở Cồn Phụng của ông Nguyễn Thành Nam, đạo vừa vừa, gọi là Đạo Dừa
Xem thêm
Hồn quê trong một sắc thơ miệt vườn
Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang).
Xem thêm