- Bút ký - Tạp văn
- Vọng âm buồn | Hoàng Phủ Ngọc Phan
Vọng âm buồn | Hoàng Phủ Ngọc Phan
Thứ thanh nhạc mà tôi được nghe nhiều nhất từ nhỏ đến lớn là tiếng chim. Đó cũng là thứ âm nhạc dễ chịu nhất thấm vào tâm hồn tôi, ngọt lành như những giọt mưa thấm vào lòng đất. Có lẽ lịch sử âm nhạc của loài người từ Đông sang Tây cũng đều đã được hình thành từ những nốt nhạc của vô số loài chim vốn thường định cư bên cạnh đời sống của loài người.
Gần gũi nhất là tiếng gà, được ví như là loại đồng hồ cầm canh báo thức, nhưng tiếng gà gáy có hồn chứ không chát chúa như tiếng chuông bằng kim loại hay khô khốc như tiếng mõ bằng gỗ.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng...
(Lưu Trọng Lư)
Tiếng gà gáy nghe chuyền đêm ngày trong thôn xóm cho ta cảm giác về một vùng quê yên lành sung túc. Cảm giác ấy lớn lên nhiều lần thành sức sống của đất nước và con người trong những câu thơ sau đây của Huy Cận:
Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ, mào đỏ thắp bình minh
Mênh mông gọi nắng cho mùa chín
Từ thuở Sơn tinh thắng Thủy tinh.
Có những cô gái mang tên Sơn Ca nhưng dám chắc cả đời chưa hề thấy con chim này. Tôi cũng chưa từng thấy, nhưng thỉnh thoảng tôi có được nghe tiếng hót của nó - không phải trên cành cây, trên mặt đất mà giữa lưng trời khi con chim nào đó bay vút lên như pháo thăng thiên. Trong bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, chim sơn ca được gọi là chim chiền chiện:
Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh
Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao tiếng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Vang vẳng khắp cánh đồng...
Nghe thật là sảng khoái, cả chim cả người đều tràn đầy sức sống. Mà sức sống ấy rất cần cho các lực lượng nhân dân đang sản xuất và chiến đấu. Có lẽ vì thế mà bài thơ với lời lẽ mộc mạc tự nhiến của Trần Hữu Thung đã được nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan Thơ trong và ngoài nước thời kháng chiến chống Pháp.
Bà huyện Thanh Quan cũng gửi gắm tâm sự của mình vào loài chim quen thuộc:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Và trong thơ Nguyễn Khuyến:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ,
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Cũng tiếng kêu của loài chim ấy, nếu trong thơ của Bà huyện Thanh Quan chỉ là chút lòng hoài vọng một triều đại đã suy tàn, thì trong thơ Nguyễn Khuyến là máu và nước mắt của người dân mất nước.
Trong quyển sách biên khảo Văn minh Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Miên có bài nói về một loài chim mạn ngược. Nhà văn Nguyễn Đình Thi gọi tên chim ấy là từ quy.
Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc
Những đêm thao thức tiếng Từ quy
(Quê Hương Việt Bắc - 1950)
Trong bài chào mừng đại hội các nhà văn Liên Xô mà ông được mời tham dự năm 1967, Nguyễn Đình Thi đã giới thiệu với các nhà văn nước bạn: “Ở miền rừng núi chúng tôi, có một giống chim gọi là từ quy. Các ông bà già bảo rằng có đôi người yêu ngày xưa bị kẻ gian ác ngăn cấm không lấy được nhau, đã hóa thành giống chim ấy. Cho nên đến tận bây giờ, cứ đêm đêm người ta nghe thấy những con chim từ quy gọi nhau từng đôi, một con ở đầu núi này, một con ở đầu núi khác, suốt đêm đôi chim tìm gọi nhau cho đến sáng, có lẽ chúng đã gặp được nhau nên mới hết kêu..”
Tu hú là loài chim bị mang nhiều tai tiếng, nhưng tiếng chim tu hú lại rất xao xuyến lòng người:
Tu hú!Tu hú!
Hôm nay hú về
Nhớ chăng hỡi hú
Ai đã năm xưa
Lên đường tòng ngũ
Trả nợ máu đào
Đền ơn nước tổ...
Đồng bào ở miền sông nước cũng rất nhạy cảm và đồng điệu với tiếng hót quen thuộc của những loài chim gắn bó với nhịp sống thường ntgày trên quê hương mình:
Gió nhớ thướng ai mà lay bờ lá
Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng...
(Hoài Vũ - Gửi miền Hạ)
Hoặc
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ,chín chìu ruột đau... (Ca dao)
Thực ra chim vịt không chỉ sống ở miền hạ bạc mà lang bạt như dân du cư khắp đất nước, nơi nào cũng có thể nghe tiếng hót của nó. Tiếng hót ấy là một chuỗi dài những nốt nhạc không lời: Vit!Vít!Vit!Vit!-Vitvitvitvit... Thời chiến tranh Việt - Pháp ở Đông Dương, những người lính Pháp xa nhà có tâm sự phản chiến đã đặt lời Pháp cho những nốt nhạc ấy như sau: “Père,mère,frères... tous en périls – (Cha, mẹ, anh, em đều lâm nguy). Người Việt cũng đặt lời tương tự: “Chết!Chết!Chết Chết! - Chếtchếtchếtchết... Vì vậy chim Vịt còn được gọi là Con chim chiến tranh.
Có một loài chim mang rất nhiều tên. Tùy lúc, tùy nơi, tên của nó được chế tác dựa vào những sự kiện văn hóa lịch sử của địa phương ấy.
Trong ca khúc Hò leo núi, nhạc sĩ Phạm Đinh Chương gọi nó là chim Bắt cô trói cột hay còn gọi là Năm con sáu cột. Chuyện kể rằng xưa có cô gái nghèo bị mẹ ghẻ hành hạ, bắt chăn trâu. Chăn năm con nhưng trong chuồng lại có đến sáu cái cọc buộc trâu. Mẹ ghẻ lấy cớ cho rằng cô làm mất một con trâu nên trói cô vào cái cột thứ sáu, bỏ đói cho đến chết. Sau khi chết cô gái hóa thành loài chim bay khắp núi rừng kêu oan cho mình...
Thời xưa, trai tráng trong nước phải có nghĩa vụ đi lính thú:
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh trẩy thú nước non Cao Bằng... (Ca dao)
Tiếng chim Bắt cô trói cột được những người lính thú đời xưa nhại là “Cao Bằng nước độc”.
Năm 1888,vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt đi đày, Phong trào Cần Vương tan rã. Tên của con chim được những người yêu nước đau lòng gọi là “Ôi thôi rồi cơ cuộc”.
Khoảng những năm từ 1906 đến 1908, ở Trung Kỳ có phong trào chống sưu thuế kết hợp với cuộc vận động nếp sống mới của phong trào Duy Tân. Muốn duy tân thì trước tiên và dễ dàng nhất là phải cắt bỏ búi tóc dài để tóc ngắn. Có bài thơ tuyên truyền cổ động như sau:
Tay trái cầm lược
Tay phải cầm kéo
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo
Bỏ cái ngu mầy
Bỏ cái dại mầy
Cho khôn cho mạnh...
Các đoàn người cắt tóc ngắn biểu tình, bao vây nhiều công sở, dinh thự của bọn thực dân Pháp và quan lại tay sai. Bọn chúng gọi phong trào nầy là loạn đầu bào. Chúng ra tay đàn áp, bắn giết, bắt bớ, lưu đày nhiều người. Từ biến cố này, đồng bào miền Trung gọi tên con chim nói trên là Tóc dài tóc cụt.
Năm Ất Dậu,từ khoảng 1944 - 1945, ở Việt Nam có nạn đói làm chết gần 2 triệu người. Tên của con chim được gọi là “Cơm còn cho cục - Hai loong ba hột”.
Thời chín năm kháng chiến chống Pháp, chim lại được đổi tên là Khó khăn khắc phục.
Ở vùng Quảng Trị - Thừa Thiên, chim này lại có một biến tấu là Ơi đò Ca Cút. Chuyện kể về mối tình dang dở của một đôi lứa yêu nhau. Nàng là cô lái chuyên đưa người qua về trên bến đò Ca Cút. Chàng là khách qua đò. Họ yêu nhau,thề non hẹn biển. Nhưng chàng đi chinh chiến nhiều năm không về. Nàng ôm lòng kiên trinh chờ đợi. Rồi một hôm giặc tràn vào thôn xóm, nàng bị giặc bắt trói vào gốc cây và hãm hiếp đên chết. Hồn oan của cô gái nhập vào một loài chim có tiếng kêu nghe như Ơi đò Ca Cút... Đến khi tan giặc chàng trở về bến cũ, gọi đò mãi mà không thấy bóng người xưa. Chỉ nghe đâu đó, vang vọng tiếng chim kêu: Ơi đò Ca Cút.
Người dân Quảng Trị có câu hát ru nói về sự tích này như sau:
Ngày đi trăm nỗi hẹn hò
Ngày về vắng bóng con đò bến xưa.
Ngoài ra còn có câu tục ngữ: “Kêu như kêu đò Ca Cút” - ý nói kêu ai hoài mà không nghe trả lời.
Chuyện tình nói trên là một mô thức khá quen thuộc trong văn học Việt Nam. Đó là bi kịch lứa đôi trong chiến tranh và hòa bình. Hình ảnh chinh phu và chinh phụ thường là nhân vật chính trong các tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại như: Chuyện cổ tích Thiếu phụ Nam Xương, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, ca khúc Hòn vọng phu của Lê Thương hay chuyện tình có thực trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Giới nghiên cứu ở Huế đã truy đến cùng cái địa danh bến đò Ca Cút và xác định bến đò này là có thực và thuộc thuộc làng Vĩnh Trị, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đưa người qua phá Tam Giang, bên kia là cồn mồ làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong cùng thị xã Hương Trà).
Năm 2010, chính quyền Thừa Thiên – Huế khánh thành một công trình phúc lợi quan trọng là cây cầu băng qua phá Tam giang. Cầu vừa dài vừa rộng lại rất đẹp, mặc nhiên xóa luôn bến đò Ca Cút ngày xưa. Tiếng kêu của loài chim từng đồng hành với lịch sử dân tộc trong suốt một thế kỷ và trên quá nửa chiều dài đất nước từ nay đến chỗ đầu cầu này là bặt tiếng. Trải qua những cuộc bể dâu hình như loài chim này không còn cảm thấy an toàn bên cạnh đời sống con người nên đã bay đi tìm những miền đất hứa nào đó và tiếng kêu của nó từng là thứ thanh nhạc xao xuyến trong tôi suốt thời trai trẻ giờ đây chỉ còn là những vọng âm buồn.
H.P.N.P