- Bút ký - Tạp văn
- Xin giữ hình ảnh đẹp nơi ký ức
Xin giữ hình ảnh đẹp nơi ký ức
Không phải sự thật nào cũng nên phơi bày, nhất là sự thật về thảm cảnh bệnh tật, già nua - điều bi thương mà không một ai dưới gầm trời này tránh khỏi.
Tôi vẫn chưa thể quên dù đã hơn chục năm qua, những thước phim ghi hình ảnh ba tôi lúc bệnh tình của ông trở nặng nằm trên giường bệnh được đưa lên truyền hình khi ánh mắt ông ngơ ngác trước cái khung lồng huân chương Độc Lập mà vị Bí thư tỉnh uỷ trao tặng. Tôi nhớ, tôi đã nổi giận với má (lúc đó vào một sáng chỉ có mỗi mình bà chăm ông bên giường bệnh) hỏi má sao lại để họ quay hình ba lúc ba trong tình trạng đó? Má giải thích là lúc đó má loay hoay lo cho ba nên không kịp cản họ quay hình. Má còn nói thêm, ba mày mà thấy được hình ảnh đó, ổng còn bệnh thêm.
Vài tuần trước, nhà thơ Phùng Hiệu, thành viên Ban thường trực trang web Hội Nhà văn TP.HCM gởi cho tôi đường link đưa tin ảnh mà Hiệu cùng anh chị em ở mấy Ban công tác Hội đến thăm và tặng phong bì cho một hội viên đang bệnh nặng. Thấy hình ảnh đau lòng của một nhà thơ mới hôm nào còn khoẻ mạnh, tươi cười, năng động, tôi liền nói với Phùng Hiệu, em gỡ ngay hình ảnh đó ra và cũng không cần đưa tin ảnh như thế lên trang Web. Và làm gì thì làm, cố gắng giữ được những hình ảnh đẹp của nhà văn khi đưa lên trang thông tin diễn đàn của Hội nghề nghiệp, nơi mà hầu hết người cầm bút đều coi sáng tạo văn chương là cái nghiệp mà mình tự nguyện đeo mang với nỗi hân hoan nhọc nhằn của hạnh phúc, thứ hạnh phúc được tận hiến, được thăng hoa.
Hơn tuần trước, tin về chị NP ở Sóc Trăng, một nhà thơ nữ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã qua đời do bệnh tật được đồng nghiệp, bè bạn chia sẻ và chia buồn trên mạng xã hội.
Tôi biết nhà thơ NP qua vài lần hội họp cùng đồng nghiệp Đồng bằng miền Tây. Ngay khi còn khoẻ mạnh, còn đi lại và viết lách đều đều, chị NP đã là một người có thể trạng gầy gò, dáng vẻ khắc khổ. Chị bệnh nặng, bệnh kéo dài cho tới lúc mất, hình ảnh chị lại càng bi thương hơn.
Và hình ảnh bi thương đó lại được nhiều bè bạn (cũng chỉ muốn thể hiện tình cảm quý mến chị và thương cảm một người bền gan với chữ nghĩa dù trong hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó) đưa lên trang cá nhân. Và từ một trang cá nhân lại được nhiều bè bạn chia sẻ…
Nhìn hình ảnh tàn tạ của nữ nhà thơ tràn ngập trên “dòng thời gian”, tôi thấy nhói lòng, như nhận thêm một mất mát sau sự ra đi vĩnh viễn của một người đàn bà làm thơ hiền như đất và sống lặng lẽ như đất.
Ai rồi cũng ra đi. Và có lẽ ai cũng mong muốn hình ảnh mình được vướng lại, lưu lại nơi ký ức người thân yêu, người quen biết mình là những hình ảnh đẹp hay ít ra là những hình ảnh “không đến nỗi nào”.
Hơn nữa, với người cầm bút cũng như những người coi sự sáng tạo tác phẩm (không chỉ ở lĩnh vực văn học nghệ thuật) là cái nghiệp, khi từ giã cõi đời, dù bất cứ độ tuổi nào và hoàn cảnh nào, điều mà lúc sinh thời cũng như lúc đã cư ngụ bên ”suối vàng”, có lẽ họ đều mong muốn là đươc nhắc nhớ và hãy nhắc nhớ đến tác phẩm bằng con chữ, bằng sắc màu, bằng ánh sáng, bằng đường nét hình khối, bằng vai diễn…bằng khát vọng sáng tạo không ngưng nghỉ ngay cả lúc xác thân có úa tàn và bị quật ngã dưới lưỡi hái của tử thần.
Tôi chợt nhớ đến một nhà thơ xinh đẹp. Chị luôn có ý thức giữ sự tươi khoẻ nơi dáng vẻ và tâm hồn. Cũng như những người đàn bà đa đoan dấn thân cùng chữ nghĩa, dù có vấp phải những chướng ngại, khó khăn, chị vẫn giữ nụ cười tươi xinh không chỉ ở những tấm ảnh trên trang cá nhân của mình. Có lần nhà thơ nói: “Tui mà già, mà bệnh, dứt khoát không cho ai đến thăm”.
Cho nên, khi người thân, khi đồng nghiệp lúc đã già, đã bệnh nặng, đã còn như một bộ xương, đã không còn tỉnh táo mà bị chụp ảnh và bức ảnh đó lại được nhiều người ngắm…cách nào đó, thương nhau kiểu đó, có lẽ không nên. Rất không nên. Và càng không nên, khi “nạn nhân” từng là người có ít nhiều tài năng, từng là người sáng tạo những tác phẩm cho công chúng, cho cuộc đời.
Ai rồi cũng ra đi. Và có lẽ, ai cũng ước mong để lại hình ảnh đẹp, dù đó chỉ là khoảnh khắc của nụ cười, ngay cả nụ cười đó đang che giấu niềm đau…
(Nguồn: Thời Nay, ngày 4/4/2022).