TIN TỨC

Xuân bên cửa trời

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-06 10:54:10
mail facebook google pos stwis
577 lượt xem

LỆ HỒNG

Rồi nắng cũng tràn đường về, rồi sẽ không còn những ráng chiều nhìn về cửa trời đỏ ối. Khung cửa sổ cũ xưa bịn rịn, hoài nghi đã thoát thai cùng hoàng hôn tím thẫm. Lời chúc phúc theo những cánh hoa vàng bạch đàn rung rinh, hương gió dịu nhẹ ướp vào tim ông quá đỗi ngọt ngào. Ông ngộp thở trong cái lóng ngóng chia tay các sư thầy, những nụ cười thênh nhẹ che giấu vài đôi mắt ngân ngấn nước.

Ông trở mình suốt đêm. Chiếc giường xếp lắc lư cọt kẹt, thân xác này xem ra chẳng chiều ông nữa rồi. Đảo mắt nhìn quanh gian phòng tối, bóng đèn nhỏ vàng trong gara chiếu lên chiếc xe loang loáng. Ông cố khép chặt mí mắt lại, nhưng cái sự đời nó thiệt lạ! Sụt sùi cười, lúc đầu còn nhè nhẹ, sau lớn dần, sặc sụa đến chảy nước mắt. “Ông tá về hưu, có nhà cửa đàng hoàng, chẳng mấy chốc xuống màu ghê quá. Chả trách ai, đời nó thế!”. Cảm giác phải thoát khỏi chiếc bóng ám đè nặng tâm tư ngày một lớn dần, ông lồm cồm dậy gom nhanh tư trang còn lại như sợ mình sẽ đổi ý. Lấy bút viết vài dòng cho con trai, không hẹn ngày về.

Ngước nhìn trời đêm trong vắt, xa xa vọng lại từng hồi chuông giáo đường lạ lẫm, ông bước đi giữa lòng thành phố, nghe tiếng thở đều của nhịp sống căng tràn. Bóng đêm đang trở mình, tiếng gió u ru, tiếng râm ran rào rạo của chổi quét, hương hoa trong lành từ những đôi tay người lao động. Từng chiếc xe chở hàng lướt qua nhộn nhịp, ông hít một hơi thật sâu, cơn sóng ngầm đang cuộn về ăm ắp.

Đã từng có lúc cầu nguyện đất trời cho ông được sống vui cùng con cháu. Dù muộn con, nhưng quý tử là của trời ban, bổng lộc nào cũng dành phần cho con hết. Thôi thì tìm nơi thanh tịnh náu mình. Nhớ thấp thoáng có lần ghé qua nơi ấy, chắc là duyên cả!

Miệt Cần Giuộc đang đô thị hóa, đất đai phèn phuộc chẳng tưới tắm được chi. Tuy đất không chiều người màu mỡ, nhưng được cái gió nước len lỏi xộc vào mát thẵm. Quanh vùng là sông ngòi kênh rạch, dừa nước đặc quánh từng bãi nối dài. Mấy cây cầu sắt cũ kỹ, ốc vít long ra bật từng tấm lót sàn một thời đã bị khai tử. Thành cầu bê tông đã rộng rãi hơn, nhưng đường sá vài đoạn vẫn còn lồi lõm. Chiếc xe ôm chồm lên tuột xuống theo mấy ổ gà dọc đường, làm cái lưng già ông ê ẩm. Quàng tay ra sau vỗ bôm bốp vào lưng, anh tài xế e ngại.

- Sao rồi tía, con chạy chậm lại nữa nhen?

- Thôi không sao đâu, bệnh mãn tính ấy mà, ngồi không cũng đau, anh cứ chạy đi.

Thả ông xuống ngay cổng tam quan ngôi chùa cũ xưa, anh lái xe hỏi đùa.

- Xuống tóc quy y hả tía? hay Điệp lên tìm Lan, coi chừng bị cắt đứt dây chuông tía ơi.(1)

- Anh này gớm, văn nghệ nhỉ. Điệp xin vào làm công quả được chăng!

- Giũ sạch bụi trần lên đây là nhất rồi. Nơi này con quen lắm, cũng là khi rảnh vào đây vặt vãnh vài việc công ấy mà. Tía vào được không, hay để con chở thẳng vào luôn nhé.

Ông vỗ vai anh tài cười vui vẻ, cảm giác lấn cấn bay biến tự khi nào.         

- Vào chùa chứ có vào cửa quan đâu mà nhất thân nhì thế, anh lắm chuyện.

Anh chàng cười hì hì, quay đầu xe trở ra còn ráng thòng thêm một câu:

- Thôi con chúc tía khỏe, vài bữa gặp lại đấy.

- Anh cũng thế. Cảm ơn nhé.


Minh họa: Tô Chiêm

Sau chuyến xe buýt, hai cuốc xe ôm thì năng lượng trong ông tăng dần. Ý tưởng đến một nơi nào đó hòa cùng thiên nhiên chưa từng xuất hiện trong ông một lần. Thế mà cơn phấn chấn thôi thúc khi mắt nhìn khung cảnh an yên này, quẩy ba lô lên vai, ông hăng hái đi vào.

Con đường dài ngoằn lót xi măng sạch láng. Bao quanh là ao trũng trồng đay lát, nước phèn xâm xấp máng vàng đóng quanh cây. Ngôi nhà dài mộc mạc nằm trên cồn nhỏ, lọt giữa đồng gió mông quạnh. Ôm gọn sau lưng tịnh xá là một hàng dài bạch đàn cao rậm mát. Từng chùm hoa vàng lắc le trong nắng sớm, khoảng trời xanh trắng trông đầy xuân sắc. Tiếng chim ríu rít trên cành chào xuân nghe vui lạ!

Nơi đây có thể gọi là tịnh xá! Sự trầm mặc giản đơn của nhà nguyện chính cùng hai gian nhà phụ dễ làm người đến đây thấy nhẹ lòng. Không phải là cảm giác chạy trốn ẩn mình nữa, đây như nguyệt cảnh thiên đường huyền diệu. Ông bước nhẹ nhàng đến gần một sư cô đang gom các nhành cây khô lại. Nhìn từng bó củi lớn nhỏ xếp lớp chồng lên nhau, ông chắc là sư đã ra sân làm việc từ rất sớm. Nhắm sư chừng tuổi thằng con trai qua gọng kính đen tròn, chưa kịp lên tiếng, sư cô đã đứng lên chào hỏi niềm nở, “Bác ghé thăm tịnh xá sớm thế này, chắc là có tin vui bác hở?”. Vùng đất gì mà lạ, ai cũng phơn phớt. Sự cởi mở hóm hỉnh ở một cõi nhân gian khác thường. Ông nghĩ mình đã đến đúng nơi cần đến, cảm giác ấm áp bọc lấy ông.

Sư cô lại đùa, “Vác cả ba lô to đùng thế kia, chắc là hành quân sớm hở bác?”. Ông phải bật cười dù đã cố kìm nén. “Đi thế này chẳng biết có được như nguyện không. Là già muốn ẩn cư một thời gian, già không biết có nơi nào nữa để đến ngoài nơi này” - Ngại ngần, nhưng ông nghĩ mình cứ nói thẳng, gì thì ông cũng từng là con nhà lính dạn dày.

- Dạ muỗi ở đây rất nhiều và ếch nhái kêu liên hồi, ngoài đó ra thì đêm rất yên tĩnh. Là cháu lo bác buồn chịu không nổi, cửa tịnh luôn rộng mở. Xin bác vào thưa chuyện cùng sư ông ạ.

Sư cô nghiêng người bước lên dẫn đường. Ông thở phào nhẹ bẫng, một làn nước mát chảy tràn trong ngực.

*

Mất cả ngày phát quang thu gom, cái kho hoang đã bớt phần te tát. Dàn bạch đàn che chắn phía trời Tây nên nắng chiều không rát lắm. Ông thích cảm giác nhìn ánh tà lặn dần, hoàng hôn muộn còn mang một hương vị khác, một cõi trầm mặc mà có lẽ ở thành thị không thể nhìn thấy được. Các sư cô, sư thầy cũng bận rộn lên xuống. Chiếc chõng tre cũ được mang vào, tấm chiếu lót giường còn mới tinh. Thêm tấm chăn chắp nối trăm mảnh phủ lên trông phần êm ái. Căn phòng sáng hẳn và rộng thoáng. Chiếc bàn vuông nhỏ bày biện ngăn nắp, cây đèn màu đỏ treo vào song cửa rất bắt mắt. Bất giác lòng lâng lâng, cửa trời tưới cả nắng xuân lên ông thật ấm.

Có lẽ thấy ông chưa quen hay phần lớn tuổi, nên vào giờ công phu sư thầy không giục. Mơ màng nghe kinh tụng mõ vang, âm ngân như khúc nhạc tấu lúc trầm lúc bổng. Mọi thứ hòa quyện làm tim ông không nhói đau giật thót nữa. Mà đã bệnh gì đâu! Sau cái đêm mừng tuổi thất tuần, ông vui vẻ tặng con căn nhà làm quà cưới muộn. Phòng trên tầng dành cho hai quý tử sinh đôi, ông lặng lẽ xuống nhà dưới một mình một cõi. Mẹ chúng không chăm nổi hai đứa, thế là mướn vú nuôi. Mà đàn ông đàn ang ai để đàn bà con gái ngủ lang, ông nhường quách cái phòng toi tóp ấy, đành kê chiếc giường xếp trong gara ngủ tạm. Người ta nói ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, nhưng tuổi già đến rồi thì ngược lại. Chiếc giường như quá nhỏ, gara quá chật chội, và ông khó thở.

Nói gì thì cũng nhớ cháu nội, hai đứa thiệt đã. Muốn được ẵm bồng chúng đâu dễ, già nhiều bệnh lây sang con cháu. Mẹ chúng bảo thế, vậy là ông bị cấm vận tự nhiên. Thương già tội nghiệp, chị nuôi len lén chuyền tay, ông mừng như được vàng, hôn lấy hôn để đôi tay bụ bẫm, đôi chân ngân ngấn. Chúng cười với ông nhận biết tình máu mủ. Thế là diễm phước rồi, hơi sữa thơm nồng trên tay chúng hơn cả thuốc thần, đôi lúc ông thấy đời mãn nguyện. Ông không trách hờn gì, điều đó là hợp lý. Con nít sức đề kháng yếu, mẹ chúng làm thế là cũng để bảo vệ con thôi. Chỉ là! ông nhớ cái mặt hếch của chúng khi cười, đôi mắt lúng liếng sáng như ngọc… Tiếng kinh êm quá….

Ông đã nhớ được tên của các sư nữ. Sư Diệu Tịnh nấu ăn rất ngon, làm bánh cũng thế. Bây giờ mà muốn ăn bánh da lợn ba chỉ, bánh xếp, bánh chuối giữa lòng Sài Gòn, phải tìm mỏi mắt. Sư Diệu Ni luôn cười, cô thích chọc ghẹo ông, cảm giác như mình vừa có thêm một cô con gái vậy. Ngộ nhất là hai sư cô già, hai thái cực luôn sánh đôi. Một sư lầm lũi không nói gì, một sư không biết mình đã nói những gì. Mỗi ngày, ông giải mã dần những dấu hiệu trong cuộc sống, những lắt léo đời thường mà một người lính già chỉ nghe tiếng của muôn trùng quá khứ. Ráng chiều lại quay về. Quả trời lấp lửng sau hàng bạch đàn, bóng váng đỏ hẩy lên mặt nước đồng lanh lánh sắc hồng.

Chùa xưa từng là một trong những căn cứ địa ém quân cách mạng. Căn hầm chiến sĩ ẩn dưới một ngôi mộ cổ nên mỗi khi nước lớn, hầm cũng mênh mang nước. Đêm nào giặc ruồng, mẹ đội con lên đầu, thân mẹ lạnh tê. Nhờ trời con bé dễ vô cùng, cứ tọng cái núm vú cao su vào miệng là con bé chúc chích ngủ ngon. Ngoài dòng sữa ngọt ngào của mẹ ra, con bé còn uống cả máu và khói súng. Cơn phong hàn quật ngã mẹ nó khi chưa kịp nhìn thấy bầu trời ngộp pháo hoa mừng ngày thống nhất. Con bé ở hẳn trong chùa. Bao tử nó nhiễm nước phèn, không chịu được mùi cá thịt, tai không thể vắng tiếng kinh kệ mỗi chiều. Phòng Diệu Ni lúc nào cũng thoảng mùi hương khói, con bé sợ mẹ lạnh nên ấp ủ đêm ngày. Cái hũ sành bầu đặt trên bàn kín gió lại càng thêm ấm.

Đêm nay trăng quá lứa, nước lớn òng ọc trườn lên mép đường. Vốn dĩ những suy nghĩ xói mòn cũng giống như con nước, đầy rồi thì tràn bờ. Hình thái nào cũng đưa ta về một cõi, thiên đường hay địa ngục đã do ta tự chọn đấy thôi. Bỗng, những hồ nghi lẩn thẩn về gia đình được buông bỏ, ông không giận con trai nữa. Ngược lại, ông muốn dành không gian riêng cho các con tự trưởng thành. Dẫu biết đây chỉ là một bến bờ, điều gì mà ta thôi gửi gắm, cõi lòng sương xám bạc màu, cứ giũ đi cho thơi thới tang bồng. Lại lôi bút ra viết vài dòng gửi các con. Nhớ!

*

Ông ghé về thành phố lãnh lương hưu, tiện thể mua thêm vài vật dụng cần thiết. Lần về này như người khách trọ ở xa, quấy quả với lỉnh kỉnh túi đồ đi nhanh về sớm. Bỗng ngỡ ngàng gặp lại người xưa ngay ủy ban quận. Tim giật thót như ngừng thở, bước chân chậm lại rồi quay đầu ngẩn ngơ.

Đôi bím tóc dung dăng ngang ngạnh nay đã bàng bạc trắng, bà bới nó lên cao, phong cách cổ điển thanh lịch. Dáng xưa nay vẫn thon gầy điệu đàng, khuôn mặt thanh tú ẩn giấu dưới những đường nhăn năm tháng.

Mắt cười, thanh âm dội về từ cánh rừng bạc lá. Tiếng hát của cô dân công vút bay qua lửa đạn, vỗ về những vết thương chiến trường, miệt mài đầy sức trẻ. Các thân cây cháy xém còn vương khói thuốc, lại ngúc ngắc đâm chồi, từng mắc nhỏ bung tỏa như những chùm hoa xanh ngát giữa trời. Không nhớ mình đã mê man bao lâu, nhưng có lẽ tiếng hát của cô đã đánh thức các giác quan tưởng đã nằm dưới hố sâu bom đạn.

Từng ngày, liều thuốc thần nuôi dưỡng tâm hồn người chiến sĩ mạnh mẽ hơn. Anh yêu cái lúm đồng tiền phơn phớt ấy, cô cũng yêu cái lì lợm của anh. Mỗi khi cô y tá thay băng, thì y như rằng mắt anh nhắm, môi bặm lại quyết không rên la, dẫu vết thương vẫn còn mưng mủ. Cứ thế, họ trao nhau ngàn lời yêu thương, cho đến ngày anh vác ba lô xuôi Trường Sơn tiến về Nam. Hay tin người yêu đi nước ngoài học thanh nhạc, anh biết mình đã không thể giữ được lời hứa khi xưa. Anh muốn cô được tung cánh bay xa, anh muốn tiếng hát ấy làm rung cảm vạn trái tim dõi về đất nước. Anh cũng dõi theo cô từng giai đoạn cuộc đời, thời gian đong dày thêm ký ức. Trái tim ông vẫn dành một ngăn cho đôi bím tóc, yêu một người không hẳn là quên một người. Tình yêu của họ đâu thuần túy chỉ là đôi lứa, chan vào dấu yêu ấy là bảy sắc cầu vồng trên đỉnh trời hạnh phúc.

Mắt cười nhìn nhau, nắm tay vui mừng dắt nhau ra ghế đá ngồi tỉ tê tâm sự. Mặc cho những cái nhìn khó hiểu, họ như sống lại giữa muôn trùng lớp sóng. Có lẽ rừng xưa lại ban cho ông nhánh phong lan một thời lý tưởng, nhắc nhớ quay về cùng tiếng hát ngân rung. Ông không giấu bà điều gì, hẹn bà khi rỗi việc lên tịnh xá xem hoàng hôn họa cảnh. Bà lên thật, nhiều lần. Không đi suông, khi thì bà mang túi gạo, thùng tương chao, khi sữa đường, toàn lương thực hàng ngày dung dị. Hai sư cô già túm tít quanh bà thỏ thẻ, một sư hồ hởi như được gặp tri kỷ, một sư suy ngẫm ít nhiều. Họ chẳng khác gì những người bạn thân, ranh giới giữa đời và đạo long lanh như chiếc khăn lụa vô thường, mà tràn tiếng cười ấm áp.

Lạ thay! Mệt mỏi dừng chân nơi bến bờ nghỉ cho lại sức, tưởng đã thư thái, thế mà ta vẫn là con người với hành trình cuộc sống. Ông bà đang trở về thời xuân trẻ, họ ăn bằng kỷ niệm, uống bằng thương nhớ, và ru cho nhau nghe qua những vần thơ ngào ngạt. Họ mạnh mẽ khát khao mái ấm sum vầy, tiếng súng thôi vọng vang, trái tim sẽ hát lời hạnh phúc. Thiên đường ở trên cao đã lại nghiêng đầu nhìn xuống. Thế nhưng, cảm giác phân vân lẫn lo lắng cái nhìn của mọi người, ông sợ rồi lại làm đau bà ấy.

- Thôi về với cô ấy đi, tối lửa tắt đèn có nhau. Đã duyên thì không hẹn sớm chiều, không gian đã quay về làm một, hai mái đầu bạc cùng nương nhờ sớm tối - Lời thường tình rất đời của sư thầy làm ông thấy phấn chấn hơn, nhưng mắt trông ra vẫn ngập ngừng, nẻo về có còn thuận gió.

- Vì bạc đầu nên mới nhùng nhằng thế, đã yên tịnh nơi đây thì thôi cũng viên mãn rồi, loay hoay không khéo lại muộn phiền, thưa thầy.             

- Tuổi trẻ dễ tìm hạnh phúc, lớp già chúng ta có đi khó về. Hạnh phúc trong mắt ta là viên ngọc ẩn bên trong, không phải lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Đừng chấp nê nữa, ta tin lũ trẻ cũng hiểu biết mà vui mừng chấp nhận - Sư già chậm rãi bước đi, để lại ông nỗi mơ hồ loáng nước.

*

Chút chông chênh còn lại đã nhường cho sự an yên nhẹ bẫng. Ông chợt thấy mình may mắn vì được gặp những cơ duyên kỳ diệu. Đôi khi, những suy nghĩ vẩn vơ không bằng một cú hích nhanh gọn nhỉ! Bật cười với lối tư duy giản đơn, ông biết mình đã chọn.

Rồi nắng cũng tràn đường về, rồi sẽ không còn những ráng chiều nhìn về cửa trời đỏ ối. Khung cửa sổ cũ xưa bịn rịn, hoài nghi đã thoát thai cùng hoàng hôn tím thẫm. Lời chúc phúc theo những cánh hoa vàng bạch đàn rung rinh, hương gió dịu nhẹ ướp vào tim ông quá đỗi ngọt ngào. Ông ngộp thở trong cái lóng ngóng chia tay các sư thầy, những nụ cười thênh nhẹ che giấu vài đôi mắt ngân ngấn nước. Lạ lùng ngoảnh lại, ông vẫy tay với anh chàng xe ôm, mùi của cuộc sống quẩn quanh thật thú vị.

Chiếc xe lướt qua những con đường lạ, hàng bằng lăng hai bên lề lặc lè chùm hoa tím. Suốt đoạn đường về nhà bà, chỉ thấy bà cười tủm tỉm, ông cũng mắc cỡ nên không dám hó hé gì. Xe đừng lại trước cổng nhà có khoảng sân treo giàn phong lan hồng trắng. Ông ngỡ mình đã lạc vào một thế giới cổ tích đầy sắc hoa và cánh bướm.

Ông đâu biết! Cô gái năm xưa vẫn tràn đầy năng lượng. Sự tinh tế và nhiệt huyết luôn là nét đặc trưng đáng ngưỡng mộ ở bà. Để có thể giải tỏa được những suy tư còn ẩn chứa trong lòng ông, bà đã tìm gặp người con trai có khuôn mặt chữ điền cương nghị. Rồi nhận ra nét ngây ngô trong cái bẽn lẽn tư lự của anh, bóng dáng của chàng trai trẻ năm xưa vẫn còn đó.

Hiểu thêm về ông, về sự giản đơn đã thấm sâu vào tác phong người lính, điều đó cho bà thêm kiên định. Thời gian nhiệm màu như chiếc hộp gỗ mun sẽ ngày càng bóng bẩy. Bà thấy vui, một món quà được gói tặng rất đẹp đang mở ra. Sau cuộc gặp mặt đầy thấu hiểu và sẻ chia giữa ba thế hệ, bà dang tay ôm lấy cặp đôi kháu khỉnh, cảm giác thật lạ thường.

Ông đâu biết! Con trai thấp thỏm lo âu và thấy tội lỗi vì đã quá vô tình. Sự vắng mặt của ông làm ngôi nhà trở nên lạnh vắng. Như có một lỗ hổng trên gác mái, cơn gió lùa từng đợt thốc vào nghe buốt.

Lắng nghe bà kể về những hồi ức của năm tháng đẹp nhất, tự hào nhất của cha, anh cảm giác mình chưa thực sự hiểu hết và rộng lượng với ông. Đôi khi cái ta thấy không hẳn ta đã biết. Hai người đàn ông chỉ có tình thương trao tặng, cần lắm nhưng chưa đủ cho một gia đình trọn vẹn.

Anh cảm thấy day dứt! Có lẽ anh luôn được nhận, một sự mặc nhiên phải thế, mà quên mất cha mình cần được quan tâm hơn. Anh thầm biết ơn người phụ nữ đã từng và sẽ là điểm tựa cho ông ở bến cuối đường. Chưa bao giờ anh nghĩ về hạnh phúc của cha là gì, thật xấu hổ thay!

Ông biết đôi tay mình đã chạm đến cổng trời. Ánh sáng thiên đường đang lấp lóa phía trước, bóng con trai con dâu thấp thoáng ùa ra. Mắt ông nhập nhoạng, run run bồng hai thằng cháu như ôm báu vật. Ông chúi đầu vào chúng, ngộp trong hương sữa thơm lừng quý giá. Hai cha con nhìn nhau ngập ngừng. Anh con trai gật đầu nhè nhẹ, rồi bỗng bật cười ha hả, như thể cả một đường quãng dài anh đi trong làn sương mù dày đặc.

Ông trìu mến nhìn đôi mắt con dâu lóng lánh, khuôn mặt cô dịu xuống thay cho lời tạ lỗi, với ông thế là quá đủ. Nhìn sang bà, cười mãn nguyện.

Xuân này ông được cả vùng trời yêu thương.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm