- Bút ký - Tạp văn
- Ai cũng nợ Trường Sa | Bút ký của Thu Trân
Ai cũng nợ Trường Sa | Bút ký của Thu Trân
Viết cho ngày 14/3, viết cho bộ đội Trường Sa yêu quý
THU TRÂN
Ai cũng nợ Trường Sa. Hãy tin là bạn sẽ có cảm nhận như thế nếu một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Chưa đến Trường Sa cũng nợ. Nhưng là cái nợ duyên cộng đồng dân tộc, cái nợ của con nhà cùng huyết thống hướng tâm.
Còn đến Trường Sa, hiểu Trường Sa hơn thì lại thấy mình nợ Trường Sa theo kiểu khác. Món nợ mấy hôm nay như đứa nhớ nhà/ ta vẩn vơ hoài rạo rực vào ra (Tố Hữu). Món nợ của một người yêu nhớ một người yêu trong trọn vẹn hình hài. Món nợ của người con rời xa quê luôn ngóng về đất mẹ để biết mẹ bình yên, mong mẹ bình yên.
Đài tưởng niệm chiến sĩ Trường Sa ở đảo Trường Sa Lớn.
Đọc báo hàng ngày, tin khiêu khích lãnh hải Trường Sa chạy tít dài, bạn có nghe cảm giác nhói tim. Lang thang trên mạng, đọc tin Gạc Ma đổ máu ngày nào, bạn có thương nhớ Cô-lin, Đá Lát, Đá Nam… chỉ một ngôi nhà không mấy vững chãi giữa bốn bề sóng vỗ.
Cảm giác nhói tim, sự nhớ thương lo lắng cho con người, con vật, vật thể… rất cụ thể ở Trường Sa. Chỉ cách xa vài tháng thôi, tôi áng chừng bầy gà con lít nhít của thằng cu Chinh Si ở đảo Trường Sa Lớn hẳn đã lớn, không chừng chúng đã cho ra thế hệ F2, F3, F4. Dẫu xa mặt nhưng không cách lòng, tôi nhớ lũ cẩu nhóc trên đảo chìm Cô-lin, hẳn bây giờ chúng đã ra dáng những cô cậu chàng bảnh bao. Chắc chắn chúng đã là những tay bơi cừ khôi để tự tin “đánh bạn” và giúp chiến sĩ mình canh giữ đảo ngày đêm. Nghe tin Trường Sa bị uy hiếp, tôi nhớ người chiến sĩ trẻ đứng thẳng người gác biển trên đảo Sơn Ca. Tuổi mười tám đôi mươi, mắt sáng môi tươi cho hậu phương niềm hy vọng. Và cả anh linh của các chiến sĩ trẻ đã hy sinh, rồi nằm lại trên đảo Nam Yết. Mộ các anh đầy hoa muống biển, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Tuổi trẻ chỉ để cho đi và không nhận lại bao giờ. Biển vẫn sóng dạt dào. Gió đảo vẫn tình tự lời ru Nam quốc sơn hà...
Mời bạn hãy cùng tôi đi hết một vòng tròn ân nghĩa. Để nghe Trường Sa kể chuyện, hát và ru. Để yêu Trường Sa như yêu máu thịt mình. Để tự hào chúng ta đủ tư cách làm chủ một biển Đông linh thiêng và bất diệt.
Trường Sa biển có hai màu
Lênh đênh trên biển những ngày dài, cảm giác choáng ngợp trước đại dương mênh mông đã nhanh chóng được thay thế bằng cảm xúc dạt dào của những người con dân nước Việt đi tìm lại trọn vẹn hình hài lãnh hải biên cương…
Rời thềm lục địa Vũng Tàu với màu biển thoáng xanh, theo tàu thẳng tiến khơi xa ra quần đảo Trường Sa nước mình, bạn sẽ được mục kích vùng biển tổ quốc bao la hai màu. Chúng đan vào nhau như tấm thảm đại dương bát ngát, xanh lá cây trong vắt gương soi từng mảng san hô nhấp nhô khổng lồ và xanh dương sẫm màu là hai vạn dặm dưới đáy biển dạt dào tôm cá. Hoàng hôn nhuộm ráng cam đỏ rực biển chiều, lấp lánh hàng đàn cá chuồn búng mình ngoạn mục trên mặt sóng lô xô. Đi với hai màu biển là hàng trăm đảo nổi đảo chìm của quần đảo Trường Sa trải dài trên vùng biển rộng gần 200.000km2.
Toạ lạc trên mặt biển xanh dương sẫm màu có hệ thống đảo nổi với Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn… là hậu phương vững chắc cho “những thằng em” đảo chìm vây quanh. Thiên nhiên đảo nổi thật bình yên với bạt ngàn rừng cây xanh chắn gió, ngan ngát muôn loài hoa dại và những chú chim én bay là là mặt đất rất dạn hơi người. “Trùm” cây xanh ở Trường Sa là họ hàng nhà phong ba bão táp có tán rộng; lá to, dày; hoa trắng li ti ken dày quanh cuống lá. Cây phong ba mọc khắp nơi, làm “người hùng” trên bãi chắn sóng, toả bóng mát nơi thao trường, là dáng xanh duyên dáng trong doanh trại bộ đội, xoè tán chở che cho trẻ con trên đảo chơi lò cò, bắn bi, đuổi bắt…
Đảo nổi Sơn Ca ngày đầu hè vàng ruôm ánh nắng bên giàn mướp trĩu trái có đàn bướm trắng chấp chới bay, người lính trẻ đâu đấy vừa hát nghêu ngao vừa lau súng.
Bên đồng đội luôn vững vàng tay súng trên đảo Nam Yết là nơi các anh ngàn thu yên giấc sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong muôn sắc hoa tươi và hương trầm nghi ngút. Đất mẹ nghiêng mình ghi công các anh để mỗi ngày chim én vẫn bay về ríu rít trên sóng biển xôn xao.
Ấm áp hơn có Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây với những đứa trẻ ê a học bài. Con tên Nguyễn Thị My Sen, học lớp ba ở Trường Sa lớn, ước mơ lớn lên được làm cô giáo dạy học cho các bạn nhỏ trên đảo. Em con tên Nguyễn Chinh Si, học lớp một, thích được phát súng để làm chú bộ đội giữ đảo. Con tên Trần Thị Thu Hiền, học lớp năm ở đảo Sinh Tồn, được làm chị dạy các em trên đảo hát. Không cô bé, cậu bé nào ở Trường Sa lại không thuộc nằm lòng bài Khúc quân ca Trường Sa. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương, biển này là của ta, đảo này là của ta… Sóng mắt nào cay cay trước nghĩa tình gừng cay muối mặn từ đất liền gửi ra… Đường xa vạn dặm những hải trình mênh mông… Trường Sa, núm ruột không tách rời ngôi nhà Việt ấm áp thân thương…
Nắng lên cao dần, dưới cột tiền tiêu trên đảo Sinh Tồn, gà mái mẹ và đàn con trắng như bông vẫn mải mê túc túc gọi nhau tìm mồi… Tiếng chuông chùa đâu đó vẳng xa. Những ngôi chùa rất Việt ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn… cho khách đến đảo một định nghĩa cặn kẽ về nguồn cội như lời trần tình tha thiết của sư Thích Giác Nghĩa: người Việt Nam ở đâu thì nơi đó có văn hoá Việt. Chùa là nơi để tịnh tâm, để sống gửi thác về, để thấy mênh mông hồn dân tộc giữa cuồn cuộn sóng Trường Sa.
Hệ thống đảo chìm ở Trường Sa gồm Đá Lớn A, Đá Lớn C, Đá Lát, Đá Tây A, Đá Tây C, Cô Lin… Những người lính ở đây sống, làm việc và giữ đảo kiên cường trong những ngôi nhà tiền tiêu cứng cáp trên nền san hô vững chải.
Xong nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra… các anh lại nghe đài, nuôi chó, trồng rau… Nghe như thật thanh bình thuở dân mình chưa biết trồng tre mà đánh giặc. Đàn chó trung thành và “quân lệnh như sơn” ở đảo Cô Lin như những người bạn khiến người lính cảm thấy yên lòng, gần gũi đất liền hơn. Và rau xanh. Rau mọc khắp nơi. Trên bệ cửa, cạnh bể nước, thành công sự… tất cả đều rau. Giàn mồng tơi được gieo xanh rờn sau thành công sự hướng ra biển ở đảo Đá Tây A như một khẳng định giá trị bất biến lòng yêu hoà bình của người dân Việt, điều này nhắc nhở chúng tôi phải sống và làm việc tốt hơn nơi đầu sóng ngọn gió- đại úy Nguyễn Thanh Hải chân thành bộc bạch.
Doanh trại kiên cố hoặc nguyên sơ trên đảo chìm đều có nhiều lính trẻ thuộc thế hệ 9X đang sống và làm việc. Những chàng trai trẻ mắt sáng môi tươi vào đời phơi phới một tình yêu. Những Cao Minh Phụng, Hoàng Trung Đại, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Đức Quốc, Huỳnh Văn Khương… từ khắp mọi miền tổ quốc đã tự nguyện tìm đến Đá Lớn A, Đá Lớn C, Đá Lát… bằng lòng thuỷ chung như nhất: được làm một chút gì đó cho Trường Sa. Và bây giờ, các bạn đang rất hài lòng với công việc xếp từng tảng đá tôn cao nền tổ quốc.
Trường Sa xa ngái nhưng cũng thật gần trong những ai đã một lần đặt chân đến đảo nổi đảo chìm lô xô sóng bạc.
Một hình dung thật rõ ràng về tình yêu tổ quốc.
Ở nơi xa ấy, giữa tiếng gà gáy trưa bên triền cát tím màu hoa muống biển, có những người lính dãi dầu nắng mưa căng mình giữ đảo.
Ở nơi xa ấy, nơi bọn trẻ hồn nhiên rượt đuổi nhau quanh cột mốc chủ quyền biển đảo, là sự sống nghiêng mình kính cẩn trước một tình yêu bất biến.
Ở nơi xa ấy, nơi chót vót những ngọn đèn biển chong mình thao thức, có dải mây trời dắt ngang để minh chứng rằng sông núi nước Nam…
Câu cá ở Trường Sa
Đi tàu hải quân “ngon lành”, bạn cũng mất hai ngày một đêm mới đến vùng biển Trường Sa. Bạt ngàn sóng vỗ, con tàu neo lừng lững giữa đại dương xanh thẫm. Từ đây, khách được các anh bộ đội từ các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn… đưa ca- nô ra đón. Thăm đảo xong, khách trở lại tàu. Tàu neo nghỉ qua đêm giữa biển. Lúc này thuyền trưởng mới quyết định “chiêu đãi” bạn một đêm câu cá ra trò.
Cảm giác được buông câu giữa lòng đại dương thật tuyệt vời. Tàu hải quân to là thế nhưng cứ duềnh lên theo mỗi đợt sóng về, mọi người lo cá không ăn câu. Bộ đội Nguyễn Mạnh Hùng, thuỷ thủ tàu HQ-936 trấn an: “Tàu duềnh lên như thế, cá to thường chạy theo tàu để tránh sóng, chúng sẽ dễ đớp mồi hơn”. Và y như rằng, sau lời anh nói không bao lâu, mọi người ồ lên ở một góc tàu, chú cá ngừ đại dương trên dưới chục ký đang bị chiếc cần câu điện rẽ nước lôi vào mạn tàu. Đám đông góp sức cật lực sau khoảng năm phút mới lôi được chú cá lên tàu; mắt chú to tròn, xanh và trong vắt như phát lân tinh nhờ ánh đèn cao áp trên tàu chiếu xuống. Cứ thế suốt đêm, khó có vị khách nào ngủ được một giấc trọn vẹn giữa tiếng reo hò mỗi lần câu được cá. Giữa Trường Sa, cá ăn câu rất dày, khoảng cách giữa hai lần buông câu không phải đợi quá lâu. Cá câu được thường là cá ngừ, cá thu, cá chim; chú nào cũng nặng vài ký trở lên.
Quả là thiếu sót nếu không nhắc đến mồi câu. Khi khách vừa bước chân lên tàu theo chuyến hải trình nửa tháng, các thuỷ thủ đã “khoe” với mọi người là sẽ được câu cá thoả thích sau mỗi đợt hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chỉ thấy các anh chuẩn bị khoảng chục cần câu điện với lon mồi công nghiệp bé tẹo. Mồi thế thì làm sao câu được cá to, một vị khách thắc mắc. Câu rồi biết, chàng thủy thủ cười cười với điệu bộ khả nghi. Đúng là câu rồi biết thật. Lon mồi công nghiệp bé tẹo chỉ dùng để dẫn dụ bọn cá chuồn thích làm trò trên biển. So với mớ cá chuồn ướp đá bán trong chợ đất liền, bọn cá chuồn làm trò trên biển đẹp như những nàng tiên lộng lẫy. Nhất là vào những buổi hoàng hôn rực rỡ. Khi mặt trời là khối cam khổng lồ đang như chìm dần, chìm dần xuống mặt biển mênh mông thì bọn cá chuồn cánh trắng xuất hiện dày đặc. Chúng nhảy nhót và búng “người” loang loáng trên mặt sóng lăn tăn. Rất nhiều chú cao hứng bay là là trên mặt sóng, đôi cánh bé tẹo dang thẳng ra làm duyên làm dáng. Bọn chuồn lấp lánh làm biển sáng ngời, đẹp một cách rỡ ràng khó tả. Khi ánh cam mặt trời chỉ còn một vệt nhờ nhờ trên mặt biển là lúc các thủy thủ ra tay. Câu móc mồi công nghiệp buông xuống bao nhiêu, bọn chuồn cánh trắng đớp lấy bấy nhiêu. Không mất nhiều thời gian, bọn chuồn dính câu đã nằm lấp lánh trên sàn tàu. Đây chính là mớ mồi lý tưởng để câu cá to vào buổi tối.
Mỗi chuyến ra Trường Sa, do yêu cầu công việc hoặc do thời tiết, tàu chỉ neo để câu cá được một- hai lần. Mỗi lần thường được trên dưới trăm ký cá. “Chiến lợi phẩm” này được dùng nấu ăn trên tàu, không quên dành phần cho bộ đội trên đảo. Nếu cá câu được nhiều ở lượt về, các thuỷ thủ thường mang cá bán để cải thiện bếp ăn trên tàu.
Món cá tươi trên tàu quả ngon trên cả tuyệt vời, lại càng hấp dẫn hơn với hải trình toàn ăn thịt và củ ướp lạnh mang ra từ đất liền. Không thể nào ăn được món cá tươi ngon đúng chất nếu bạn không có những ngày dài lênh đênh trên biển. Cá dòn tươi, ngọt lịm đến tận chân răng mà không cần thêm bột ngọt, đường hay nước mắm. Các “anh nuôi” trên tàu hải quân thường đãi bạn hai món cá tươi truyền thống: cháo cá tươi nấu thô với muối và cá tươi thái mỏng chấm mù tạt ăn kèm rau thơm. Một lần ăn được hai món này trên biển Trường Sa, bạn sẽ nhớ hoài nhớ mãi. Mỗi lần “nhớ” nó đừng tìm đâu cả, vì không có nhà hàng nào thay được biển nuôi cá tươi ngon đến thế!
Sau hải trình, câu cá ở Trường Sa cũng là một trong những hành trang tinh thần quý giá bạn mang về đất liền bên cạnh những thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia đời gian khó bộ đội Trường Sa. Đi một lần để thấm thía nhiều điều lâu nay chỉ nghe nói mà chưa “chạm” vào, để yêu bộ đội Trường Sa hơn, yêu biển đảo thiêng liêng tổ quốc mình hơn.
Đảo chìm
Đảo chìm ở Trường Sa có cấu trúc cơ bản là các bãi đá ngầm và san hô. Khi triều lên, các đảo chìm ngập trong nước, không còn gì ngoài những ngôi nhà đứng trơ trọi giữa đại dương mênh mông. Trong những ngôi nhà nhỏ bé đó là người lính với công việc thầm lặng, mơ ước thầm lặng, niềm vui thầm lặng...
Đảo chìm không có gì ngoài đá, san hô và mênh mang nước biển. Vậy nên, nước quý như vàng, ngoài chuyện tiết kiệm, các chiến sĩ trên đảo còn sáng tạo nhiều cách để tái chế nước ngọt. Anh Trần Xuân Hoàng, chiến sĩ trên đảo Cô Lin chỉ vào một bình nước suối loại 21 lít chứa gần đầy cát, vòi gắn một ống nhựa. “Máy lọc nước của lính đảo chìm nè chị. Nước rửa rau, rửa tay, rửa mặt sẽ được đổ vào bình lọc này để tái sử dụng”. Để chứng minh, Hoàng lấy một thau nước màu xám đục đổ vào “máy lọc”. Một phút sau, những giọt nước trong vắt chảy ra, có thể dùng để rửa rau, rửa chén, thậm chí rửa mặt. Khi được hỏi tại sao không tận dụng nhiều bình nước lọc để chế nhiều “máy lọc nước” hơn nữa, Hoàng giải thích: “Cái khó là cát, cát này đem từ đất liền ra, chứ ở đây, chỉ có cát san hô, hạt rất to, không lọc sạch nước được”.
Nếu nước được ví như vàng thì rau xanh chẳng khác nào ngọc quý, chỉ để “trang điểm” cho bữa cơm của những người lính đảo chìm. Trên đảo chìm, không gian nhỏ hẹp, lại không có đất nên tất cả mọi phương tiện phục vụ cho công việc “trồng trọt” đều mang từ đất liền ra như đất, phân bón, hạt giống, khay... Xung quanh nhà, cứ chỗ nào có thể cơi nới, khoanh lại là rau lại mọc lên.
Có một nghịch lý ở Trường Sa là mùa đủ nước lại thiếu rau, mùa rau xanh tốt lại thiếu nước. Trung úy Nguyễn Đức Hà, phụ trách lái xuồng máy CQ ở đảo Đá Lớn giải thích, khi đoàn công tác ra thăm vào lúc trời yên biển lặng thì không thể hình dung được gió mưa ở Trường Sa. Là quần đảo bão tố, mỗi năm Trường Sa có đến 131 ngày bão với gió từ cấp 6 trở lên. Rồi biển động với những con sóng bạc đầu, liếm qua các vườn rau, nếu không bứng gốc thì cũng làm cây còi cọc vì nhiễm mặn. Thế nên trên nhiều đảo chìm, nếu không có điều kiện che chắn cho rau, các chiến sĩ cứ phải “bế” các khay rau chạy ra chạy vào vào mùa mưa bão.
Chăm rau như chăm con, quý rau như vàng ngọc và cây cũng không phụ lòng người. Ở hầu hết các đảo chìm chúng tôi ghé thăm, dù điều kiện trồng tỉa khó khăn nhưng rau ở đây phát triển xanh tốt lạ thường. Bất ngờ nhất là luống mồng tơi ở đảo Cô Lin với những chiếc lá to đến gấp gần 3 lần bàn tay. Vậy mà, theo các chiến sĩ, đó là lá chưa phát triển hết, nếu khoảng 1 tuần nữa, nhiều lá sẽ to bằng cái mũ cối, chỉ cần 3-5 lá là đủ một nồi canh cho cả đảo. “Chúng tôi cũng chăm rau bình thường như trong đất liền nhưng không hiểu sao lá nó to như vậy. Có thể nó được cưng chìu, nâng niu nên không nỡ phụ người”- anh Trần Xuân Hoàng, chiến sĩ Cô Lin dí dỏm nói.
Bàn chuyện cơm nước, Hoàng khoe thêm, ở đất liền, mồng tơi nấu cua, còn ở đảo, cua sẽ thay bằng còng. Chiều chiều, đợi nước triều rút, xong công tác, một số anh em đi bắt còng. “Còng ở đây là còng đá, to bằng 3 ngón tay, ngọt hơn cua rất nhiều, nấu với mồng tơi thì ngon lắm”- Hoàng bảo. Tuy nhiên, khi bước lên đảo, nhìn đâu cũng thấy rau nhưng thật ra chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của lính đảo
Bao bọc xung quanh các căn nhà trên đảo chìm là những rặng san hô rộng có khi hàng chục km. Vì vậy, tàu lớn không thể cập sát đảo mà thả neo ngoài khơi rồi cho ca- nô và tàu chuyền tải đưa khách vào. Trung bình, mỗi chuyến thăm đảo chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ vì khách phải tranh thủ ra về khi nước triều xuống. Đảo nhỏ, sân khấu giao lưu có khi chỉ là một góc hành lang hẹp với 1 guitar, 1 organ thì đã thành một bữa văn nghệ ấm áp. Vậy mà, có nhiều khi, ngồi chưa ấm chỗ, nghe báo triều đang xuống nhanh thì cuộc vui chùng xuống, cả chủ lẫn khách đều thẫn thờ ngơ ngác, chỉ kịp bắt tay nhau, ghi vội số điện thoại rồi tranh thủ xuống thuyền. Thấy nhiều người cứ tiếc nuối vì cuộc gặp gỡ với lính đảo chìm quá ngắn ngủi, đại tá Đặng Minh Hải giải thích: “Khi triều xuống, nếu chỉ chậm 15 phút thôi, có khi các chiến sĩ phải lội nước đẩy xuồng qua cả rặng san hô rộng mênh mông để đưa khách về, rất nguy hiểm và vất vả. Vì vậy, dù thương lắm nhưng vẫn phải về”.
Đi qua nhiều đảo ở Trường Sa, tôi có cảm giác màu da chiến sĩ trên các đảo chìm đậm màu nắng gió hơn các nơi khác. Và cái màu đậm đà ấy trở nên ấn tượng hơn khi các anh đứng giữa biển trời trắng xóa. Để khi con thuyền rời đảo đã xa lắm rồi, ánh mắt thiết tha, nụ cười nồng hậu của các anh vẫn còn theo từng cánh tay vẫy mãi…
“Lãng mạn” bộ đội Trường Sa
Giữa biển khơi chập chùng, bên cạnh nghĩa vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng, bộ đội Trường Sa còn có đời sống thường nhật rất dễ thương, rất tình cảm. Thiếu úy Trần Xuân Hoàng, đảo nổi Cô Lin, cho biết: “Chính những điều thường nhật nhẹ nhàng dễ thương này đã khiến chúng tôi thấu hiểu nhau và yêu thương nhau hơn giữa tiền tiêu tổ quốc”.
Nơi ăn chốn ở của các anh luôn gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu, sạch sẽ. Chân cầu thang nhà giàn DK1, một chút xương rồng xanh tươi e ấp cho thấy cái lý của Khúc quân ca Trường Sa, dù phong ba dù bão tố dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Trong đất liền, không phải nhà nào cũng có một hàng hiên “lãng mạn” như nhà giàn DK1: chanh ớt xanh tươi lúc lỉu trái bên giàn lá mơ leo quấn quýt, trên là trời mây bao la, dưới biển ngát xanh dạt dào con sóng vỗ. Mấy khách trẻ từ Sài Gòn ra bảo: “Ở thành phố mà có hàng hiên này, “làm cà phê” chắc trúng đậm”. Trúng đậm trúng nhạt gì không cần biết, chỉ biết giữa biển xa ngút ngàn có một chút quê nhà bên cạnh, các anh luôn cảm thấy bình yên, tự tin hơn.
Đến các đảo nổi Đá Lớn, Đá Lát, Đá Tây… khách thường dễ thấy “một chút đàn” bên giường ngủ các anh. Cây đàn guitar thay lời muốn nói về cuộc sống luôn dạt dào tươi trẻ. Ngưng tay súng, rời ca- nô sau những giờ tuần tra, sau những buổi huấn luyện rát nắng trưa mặt trời, các anh lại quây quần bên nhau bập bùng đàn và hát. Nhiều bộ đội hát rất hay, thậm chí thiếu úy Trần Xuân Hoàng (Cô Lin), trung úy Chu Văn Hùng (Sơn Ca)… rất đủ tự tin để kết thành một “cặp đôi hoàn hảo” với các ca sĩ Thanh Thuý, Mai Khôi, Thu Thủy… bằng mọi cung bậc tây ta. “Một chút gương” hình trái tim thầm kín đâu đó trong góc phòng làm việc các anh, ngày không khách đứng trước gương chỉnh đốn quân phục, ngày các cô các chị ra thăm lại là nơi để kín đáo nhoẻn miệng cười duyên dáng con trai chưa mảnh tình vắt vai. Một chút con, một chút vợ lồng kính bên trên góc giường để đêm đêm giấc mơ anh luôn tràn đầy hạnh phúc.
Dạy chó, trồng rau, nuôi gà… được xem như “nghề tay trái” của bộ đội Trường Sa. Đảo nào ở Trường Sa cũng nuôi nhiều chó. Binh nhì Đỗ Ngọc Sơn (Sơn Ca) cho biết, nơi đảo xa các chú cẩu vừa là bạn “điền viên” cho bộ đội đỡ nhớ nhà, vừa là “lính trinh sát” hỗ trợ các anh rất nhiều trong công tác tuần tra. Vừa đặt chân vào bậc thềm đảo chìm Đá Lớn A, bạn có thể “mục kích” ngay một gia đình cẩu trên dưới mười chú lớn nhỏ khác nhau. “Người” chúng ướt rượt. Anh bộ đội chăm sóc chúng- binh nhì Nguyễn Văn Khương khoe: “Các chú cẩu mới tắm biển về, chúng bơi “cừ” lắm chị ạ, nhiều khi thấy tàu lạ lướt qua, chúng bơi theo sủa róng riết, cho đến khi nào bóng tàu mất hút thì thôi”. Cẩu Trường Sa chẳng những bơi cừ mà còn được huấn luyện tinh tươm. Đảo chìm Đá Lát có bầy chó đến vài mươi chú nhưng chú nào cũng biết “mình đứng ở đâu và phải làm gì”. Chẳng thế mà các “anh nuôi” của đảo không vất vả lắm trong việc chia phần ăn cho chúng. Chú cẩu nào cũng biết chỉ được dùng phần riêng của mình, không được tranh ăn với bạn.
Chuyển sang “tiết mục” rau, phải nói rằng không ai trồng rau… đẹp như bộ đội Trường Sa. Rau mọc trong khay sạch sẻ, tinh tươm, thẳng hàng thẳng lối. Rau là hoa trên bậu cửa sổ phòng làm việc, là chút màu xanh làm duyên… trên bàn ăn bộ đội. “Làm duyên” thật tình vì chúng không đủ nhiều để luộc hay xào như trong đất liền. Lính đảo chìm Cô Lin có món đặc sản canh mồng tơi nấu còng đá. Mùa mưa, rau thiếu gay gắt (nước biển ập vào làm hỏng hết các khay rau), mồng tơi nấu canh mỗi bữa được định mức bằng… lá (nhưng rất may, lá mồng tơi ở Cô Lin to như… vành mũ cối bộ đội!). Mùa khô năm nay, nhiều đảo chìm như Đá Lớn A, Đá Tây A, Đá Đông, Tốc Tan… được các thầy giáo, sinh viên ngành sinh học ở TP.HCM chuyển giao công nghệ trồng rau mùa mưa. Theo công nghệ này, rau sẽ phát triển nhờ đèn chiếu sáng (không cần ánh sáng mặt trời), các anh bộ đội có thể yên tâm trồng rau trong các tầng hầm mùa mưa bão. Tất tần tật những nơi nào có thể trồng trọt ở Trường Sa đều được trồng rau. Nhưng đừng tưởng như thế là các đảo không có hoa. Hoa bàng vuông sắc sảo hai màu tím trắng đêm đêm nở ngát hương vườn Nam Yết. Hoa muống biển tím màu thương nhớ đất liền làm duyên e ấp dọc theo triền đá dẫn vào đảo Sinh Tồn, Sơn Ca. Hoa phong ba trắng muốt yêu thương trên đường băng đảo Trường Sa Lớn. Hoa và hoa. Rau và rau. Cuộc sống mãi mãi sinh tồn hoà quyện từ thiên nhiên và ý chí những người con dân nước Việt. Để về đất liền, được ăn rau thoả thích hay “cưng” chú cẩu nhà lại nhớ đến bộ đội Trường Sa. Nhớ bão táp phong ba giữa trùng khơi mà các anh phải luôn luôn sẵn sàng chống chọi. Nhớ niềm vui nho nhỏ của các anh sau những buổi ở thao trường với bọn trẻ Trường Sa ngây thơ lóng lánh, với gà mẹ gà con dắt nhau tìm mồi bên cột mốc chủ quyền rỡ ràng sáng nắng, với những chú cẩu khôn ngoan can trường hùng dũng rẽ sóng mà bơi, với những loài hoa dại bốn mùa ngan ngát biển, với những bãi san hô trong vắt màu lá cây vô tận…
Nắng Trường Sa đốt cháy thịt da… Câu hát nào ngân lên giữa chập chùng con sóng, biển mênh mông biển đẹp diệu kỳ, tổ quốc thật rõ ràng trong tất cả chúng tôi sau hải trình thương nhớ, ước một lần được trở lại Trường Sa…
T.T