TIN TỨC

Cho đi là còn mãi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-27 15:27:56
mail facebook google pos stwis
1371 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

NGUYỄN NGỌC MINH ANH

Cô Lãng Thanh bộc bạch: "Có chứng kiến hoàn cảnh bi thương, phận đời hẩm hiu sẽ khiến ta chạnh lòng xót xa cho một kiếp người và biết trân trọng giữ gìn cũng như nuôi dưỡng tấm lòng thiện nguyện xanh tươi".

Trong cuộc sống bộn bề lo toan cho người thân trong gia đình đã vất vả, tuy thế vẫn lung linh những lối sống đẹp "Thương người như thể thương thân". Đó là nhóm thiện nguyện "Tình thương và hy vọng" với phương châm hành động "Sống là để cho".

Nhân tâm tròn đầy, sẵn lòng sẻ chia


Nhà báo Lãng Thanh (đeo kính) cùng nhóm thiện nguyện tặng quà cho người già


Nhà thơ Hồng Băng trong một chuyến thiện nguyện

Tôi được biết các cô, bác thành viên của nhóm "Tình thương và hy vọng" từ má của tôi. Các cô, bác là những người trí thức đã hưu trí, trong nhóm có thầy hiệu trưởng Phạm Thanh Trung (nhà thơ Hồng Băng) và cô Nguyễn Thị Trinh (nhà báo Lãng Thanh) đang sinh hoạt tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh cùng má của tôi. 

Má tôi cũng thường tham gia các phong trào thiện nguyện nên luôn kể cho tôi nghe về các bạn của má, tôi đặc biệt ngưỡng mộ nhóm thiện nguyện "Tình thương và hy vọng" - những người nhân tâm tròn đầy, giàu cảm xúc, sẵn lòng sẻ chia. Tôi được biết tên các gương mặt nhân ái thường xuyên góp sức thiện nguyện như cô Đặng Mỹ Dung, Lữ Ngọc Đẹp, Phượng Huỳnh, Nguyễn Hồng Huệ, Dương Hạnh, Trương Liên, nhà báo Lãng Thanh, nhà thơ Hồng Băng, thầy Phan Chiến... 

Má tôi khá thân thiết với cô nhà báo Lãng Thanh, hai người có những thói quen, quan điểm sống rất giống nhau: Khi thấy đám tang trên đường, dù không quen biết, cô luôn giở nón nghiêng nhẹ đầu kính cẩn cúi chào người quá cố, chậm rãi cầu nguyện cho người qua đời sớm siêu sinh về cõi tịnh độ (điều này bà ngoại tôi đã dạy cho má và má đã truyền đạt lại cho chị em tôi cùng thực hiện). Khi làm công tác thiện nguyện luôn luôn tâm niệm "Của cho không bằng cách cho", lời nói mềm mỏng nhẹ nhàng tạo cho người nhận cảm giác được an ủi, ấm lòng. 

Được sự ủy thác của các nhà hảo tâm, nhóm đã đi tìm hiểu thực tế, ghi lại danh sách, địa chỉ để trao tặng đúng người thực sự cần giúp đỡ. Giữa trưa nắng nóng đến khô khốc, nắng làm cho người ta không muốn ra đường, nhất là những chuyến đi xa bằng xe gắn máy, ăn không đủ bữa, ngủ không đủ giấc... Trong tất bật, vất vả đó có một niềm vui chắp cánh cho công việc thiện nguyện bền bỉ, không biết mệt mỏi đó là tình thương, vì thế những chuyến xe mang quà thiện nguyện vẫn băng băng trong nắng trưa.   

Niềm vui của cô Lãng Thanh rất đơn sơ. Đó là nụ cười móm mém chất phác của đôi vợ chồng nghèo hiền lành nơi khu gò mả, là cảm giác hạnh phúc chan hòa khó tả cùng bà con sau chuyến thiện nguyện. Có trường hợp đặc biệt mà nhóm đã tự gánh lấy một phần trách nhiệm là do có nhà hảo tâm hứa giúp đỡ người bệnh nan y ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh khi lên thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị bệnh. Nhưng khi bệnh nhân cùng người nhà đùm túm lên bệnh viện thì lời hứa nhân ái đó không được thực hiện. Tuy sự việc xảy ra bất ngờ ngoài dự tính, nhóm thiện nguyện "Tình thương và hy vọng" đã khuyên nhủ, động viên bệnh nhân cùng gia đình không bỏ cuộc, yên tâm điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Cuối cùng, nhóm đã được các nhà hảo tâm đóng góp toàn bộ chi phí ở bệnh viện giúp bệnh nhân cùng gia đình vượt qua cơn hoạn nạn, cô Lãng Thanh cùng cả nhóm đã thở phào nhẹ nhõm.

Thương người khó nghèo trong đại dịch


Phát gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo trong những ngày đại dịch


Nhóm “Tình thương và hy vọng” trong một chuyến đi thiện nguyện

Thời gian dịch Covid-19 hoành hành làm cho người lao động mất việc, bà con nghèo thiếu ăn, người buôn bán nhỏ cũng chịu chung cảnh lao đao. Trong những ngày giãn cách xã hội đó không có cách gì bung đi, nhóm thiện nguyện đành án binh bất động, danh sách người cần được hỗ trợ nằm yên trong ngăn kéo. Lòng cô Lãng Thanh như lửa đốt khi biết những gia đình có người thân đang cận kề lằn ranh sinh tử, khó khăn mỏi mòn nhưng ca nhiễm trong cộng đồng cứ tăng lên từng ngày không rõ nguồn lây, tiếng còi xe cứu thương ngoài đường phố vang liên tục như một điệp khúc buồn...

Cả nhóm thiện nguyện đã phải củng cố tinh thần, ổn định tâm lý và giữ đúng 5K nhưng vẫn ngại con virus F0, F1 lẩn quẩn xung quanh. Các thành viên đi khảo sát và phát phiếu nhận quà theo giờ quy định để bà con không tập trung đông người, giữ được khoảng cách an toàn. Cô Lãng Thanh  phải tạm mượn con đường trước nhà làm nơi phân phát gạo và nhu yếu phẩm cho bà con. Cô tâm sự: "Cả nhóm đầu bù tóc rối, ngộp thở với khẩu trang và tấm chắn giọt bắn, nhếch nhác xoay trở, khàn cả giọng trong cái nắng chói chang, oi nồng nhưng không ai dám mong trời mưa mát vì nếu mưa là khiêng gạo vào nhà không kịp".

Tiếng lành đồn xa, người nghèo mọi nơi kéo đến nhưng tài chính của nhóm có hạn nên chỉ phát cho những hộ có phiếu nhận quà. Hoàn cảnh nào cũng khổ, cả nhóm nhói lòng xót xa, ái ngại khi phải để số đông ra về tay không. Sau công việc thiện nguyện, mọi thành viên trong nhóm có cùng tâm trạng, họ lẳng lặng lắng nghe từng chuyển động của cơ thể, họ cũng rất sợ mang con virus Corona về gia đình. Cô Lãng Thanh bộc bạch: "Có chứng kiến hoàn cảnh bi thương, phận đời hẩm hiu sẽ khiến ta chạnh lòng xót xa cho một kiếp người và biết trân trọng giữ gìn cũng như nuôi dưỡng tấm lòng thiện nguyện xanh tươi".

Nhà thơ Hồng Băng năm nay đã 70 tuổi nhưng rất nhiệt tình trong công tác thiện nguyện. Bác thường đọc, ngẫm, tâm đắc về thuyết "Duyên khởi", bác luôn động viên nhóm để cùng tăng thêm nhiệt huyết. Trong thời điểm dịch bệnh, không thể mượn sân chùa để tụ họp phát quà như trước đây, bác đã lấy nhà riêng của mình làm kho chứa hàng, rồi cùng nhóm dò hỏi khoanh vùng, trực tiếp chở đến từng nhà bằng xe gắn máy. Có điểm tận Trà Cú, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 30 cây số.

Kiên trì với tâm nguyện giúp người

Những lần đi trao quà, thường phát sinh thêm nhiều hoàn cảnh thương tâm cần trợ giúp, không thể quay mặt làm ngơ, thế là mọi người trong nhóm vét tiền túi cá nhân để trao tặng. Bác luôn xót xa cùng nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh: chú Nam bị miểng đạn lưu chuyển trong đầu nên trở thành người không bình thường. sư cô Bạch Lan bị tai nạn điện, không thể tự đi lại hay nói chuyện được. Những bệnh nhân bị tai biến nhiều di chứng nằm một chỗ... Tất cả luôn khắc khoải trong lòng nhà thơ Hồng Băng. 

Nhà thơ Hồng Băng tâm sự: "Có những chuyến thiện nguyện để lại nhiều cảm xúc, làm nỗi buồn đau đáu đến tận cùng". Đó là khi nhóm đến thăm cô Lệ, một bệnh nhân vào thời kỳ cuối, bác sĩ lắc đầu, thầy thuốc Nam nổi tiếng cũng vô phương cứu chữa. Cả nhóm đã sững sờ vì buồn thương, có cái gì đó ray rứt... Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi chú Sương chồng của cô Lệ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng phải chuyển đến bệnh viện Cần Thơ: phổi, gan, ruột... bị tổn thương và chân gãy. Nhìn gương mặt cam chịu với hàng nước mắt lăn dài của cô Lệ, nhà thơ Hồng Băng không khỏi xót xa, sau khi trao tặng tiền, trên đường về nhóm viếng Chùa Ông Cầu Kè, bác đã thắp hương nguyện cầu cho gia đình chú Sương, cô Lệ sớm vượt qua nỗi khổ và bớt đi phần nào đau đớn. 

Các thành viên của nhóm rong ruổi tìm những mảnh đời khó khăn để san sẻ những món quà mang tên "Tình nghĩa". Họ vẫn kiên trì với tâm nguyện giúp người, là những người bạn đồng hành có cùng tâm ý, tinh thần tương thân tương ái, cảm thông và tự nguyện giúp người bất hạnh, ngặt nghèo. Tôi vô cùng cảm kích lối sống đẹp của nhóm "Tình thương và hy vọng". Tôi cầu chúc tất cả các cô, bác thành viên của nhóm luôn vui khỏe, bình an để tiếp tục công việc thiện nguyện, mãi mãi lấp lánh như vì sao với những gì đã cho đi.

Tuy nhiên, hành thiện không phải dễ, đôi lúc lòng tốt bị kẻ xấu lợi dụng, họ đóng vai người nghèo khổ thừa nước đục thả câu trong những đợt nhóm phát quà từ thiện, họ trà trộn để lãnh nhiều lần. Không kiềm chế được, cô đã bực mình với họ. Cô đau khổ tâm sự: "Ôi, bao nhiêu công tu luyện bỏ sông bỏ biển vì kẻ lừa lọc sao?". Bác nhà thơ Hồng Băng hay nói: "Họa phúc bù qua sớt lại, kể như huề" nhưng cô buồn buồn: "Nếu bù huề còn đỡ, tôi sợ bị âm mới lo".

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm