TIN TỨC
  • Truyện
  • Chỗ dựa - Truyện ngắn của Trầm Hương

Chỗ dựa - Truyện ngắn của Trầm Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-20 08:23:54
mail facebook google pos stwis
1602 lượt xem

Mối tình đầu, truyện đầu tay, phim đầu tay, tiểu tuyết đầu tay, ... Những gì "đầu tay" đều có những kỷ niệm sâu sắc, là khởi đầu trong sáng, hé lộ thiên tư của mỗi nhà văn, những người làm nghệ thuật... Những "đầu tay" ấy đôi khi chưa được hoàn hảo, chút vụng về nhưng ngây thơ trong sáng, hồn nhiên... Với chuyên mục này, Văn chương TP.HCM mong muốn lưu giữ chút kỷ niệm "đầu tay" của nhà văn, như kỷ niệm về một "mối tình đầu" luôn đi theo suốt đời người". Và để mở đầu chuyên mục, chúng tôi xin giới thiệu dưới đây truyện ngắn “Chỗ dựa” của nhà văn Trầm Hương.

Chỗ dựa

TRẦM HƯƠNG

1.

Kỳ nghỉ phép năm nay, tôi quyết định chọn Ðà Lạt - Quê hương thời thơ ấu của tôi. Sẽ là những ngày tuyệt diệu, bởi tôi và Dĩnh đã nghĩ đến điều đó từ những ngày chớm hạ nóng bức. Thế nhưng vừa giờ chót, Dĩnh điện cho tôi rằng anh đang bận ký một hợp đồng với công ty nước ngoài nên không thể đi cùng tôi như kế hoạch đã định. Anh bảo tôi cứ lên Ðà Lạt trước, anh sẽ đến vào trưa hôm sau. Tôi rủa anh một câu trong điện thoại rồi cúp máy. Thôi được, thông cảm cho anh, như bao lần tôi đã thông cảm và tha thứ. Từ dạo yêu anh, tôi đã tập được chút ít nhẫn nại. Dù sao, anh cũng là người đàn ông luôn sống cho công việc. Tôi tự an ủi rồi chuẩn bị hành lý ra đi, không quên mang theo giá vẽ. Tôi sẽ giành một phần thời gian trong công việc sáng tác trong kỳ nghỉ này. Tôi nghĩ đến sương mù Ðà Lạt, tiếng ngựa khua dồn trên con đường vắng xuyên qua rừng thông... Ký ức tuổi thơ rõ mồn một, vẫy gọi. Tôi nghĩ đến những bức tranh sẽ vẽ, lòng hân hoan vui sướng. Thế là sự vắng mặt của Dĩnh không làm tôi quan tâm nữa. Tôi sẽ đi một mình, và biết đâu như thế tôi trở nên tự do, nhẹ nhõm hơn...

2.

Lối vào biệt thự Hoàng Lan không còn rêu phong cũ kỹ như hai năm trước. Lâm, người bà con xa của mẹ tôi đã thuê lại biệt thự này làm khách sạn. Trang trí nội thất trong ngôi nhà tiện nghi và hiện đại hơn xưa. Thím vẫn giành riêng cho gia đình tôi hai phòng trong những dịp nghỉ lại ở Ðà Lạt. Tôi bảo thím Lâm ý định sẽ ở lại đây khá lâu trong lúc thím giúp tôi mang theo hành lý vào trong. Thím cười xởi lởi nhưng khuôn mặt không giấu được những nét ảm đạm vì thất vọng. Thật chán khi đồng tiền làm mọi thứ trần trụi đi. Tôi chợt mất hết hứng thú. Rời khỏi đây ngay hay nên ở lại? Dù sao thì đã lỡ, hơn nữa đây là nhà mình cơ mà, tội quái gì phải tự ái vặt với một mụ hám của. Nhận chiếc Va li từ tay thím Lâm, tôi nói, giọng tỉnh khô: "Cháu có khách, thím chuẩn bị cho cháu thêm phòng nữa". Thím há hốc mồm nhìn tôi. Không đợi thím hỏi tôi nói luôn: "Bạn trai. Thím đừng hỏi thêm cháu nữa nghen!" Thím Lâm quay đi, giọng khuất sau cánh cửa chua chát: "Vâng tôi sẽ cố làm cho cô út hài lòng". Tôi mỉm cười nhìn ra cửa sổ, vui vui vì đã chọc giận thím. Cái lạnh của cao nguyên thấm vào người. Tôi cảm thấy thèm được ngủ...

3.

Sáng thức dậy, mở tung cửa dổ đón luồng khí lạnh ùa vào, tim tôi run lên xao xuyến vì những bông tường vi trên bờ rào và những bông hoa dại mọc ven chân tường. Tôi cảm thấy buồn man mác khi gặp những hình ảnh trong tiềm thức của tôi. Những bông hoa dại ở Ðà Lạt luôn gợi lên trong tôi vẻ đẹp của sự cô đơn và quên lãng, vẻ đẹp vô tư và thách thức với sự uốn nắn và điều khiển của con người. Ðôi khi, sự hiện hữu trái khoáy của nó làm thành một bố cục độc đáo. Ðiều đó, gợi lên trong tôi muốn cầm cọ vẽ nhưng tôi cũng chưa muốn làm việc vội. Tôi phải thăm lại Ðà Lạt. Sáng nay, trang điểm, thay quần áo rồi ra ngoài, không quên gửi cho thím Lâm mẩu giấy hẹn địa điểm Dĩnh đến đón tôi trưa nay. Tôi tha thẩn giữa Ðà Lạt như một cánh bướm hoang, ngơ ngẩn và cô độc. Tôi cảm thấy thật thú vị, cho đến trưa... Chợt chiếc xe con màu rêu mang biển số quen thuộc đỗ lại bên tôi. Dĩnh bước xuống cất tiếng gọi: "Bách!" Tôi ôm chầm lấy anh, vui sướng. Cuối cùng rồi Dĩnh cũng đến. Chúng tôi sẽ sống những ngày đầy lý thú bên nhau giữa cao nguyên này, tạm gác lại tất cả, công việg, bạn bè, cạnh tranh và phiền toái... Trước mặt chúng tôi là Ðà Lạt xanh ngắt, trong lành và mơ mộng. Dĩnh đỗ xe bên một sườn đồi. Nơi đây, chúng tôi nhìn thấy được toàn cảnh thành phố. Mặt hồ chìm trong màn sương mù. Dĩnh đứng đối diện sát bên tôi. Gương mặt rất đàn ông, rất đẹp trai và nồng nhiệt của anh trở nên thật kỳ ảo. Với nỗi đam mê thật kỳ lạ, tôi ngước lên... Chợt từ đôi môi anh thoát ra tiếng thở dài: "Trời ạ công việc không sao dứt ra được nhưng đã lỡ hẹn với em. Anh đi mà chẳng yên tâm chút nào". Như có làn gió lạnh quất vào mặt tôi, tôi đẩy anh ra, giận dỗi: "Mặc xác cái công ty vớ vẩn của anh, anh đã vô công rồi nghề chắc? Chẳng lẽ em không đáng một xu so với cái hợp đồng chết tiệt của anh sao!". Dĩnh khổ sở: "Em thật ích kỷ, em không chịu anh chút nào cả. Công việc của anh hoàn toàn khác em". Ðột ngột tôi cảm thấy ghét cay ghét đắng cái con người thực dụng và hãnh tiến của anh. Lời phân bua của Dĩnh càng khiến cơn giận của tôi bùng lên: "Khác thế nào được, khi em đi bỏ lại xưởng vẽ, bao nhiêu người mua tranh đang đợi em. Chính anh mới ngu xuẩn và ích kỷ!". Dĩnh đốp lại tôi: "Hừm cô nghĩ các xưởng vẽ của cô hay hớm lắm hay sao. Vậy mà cũng có những gã ngu ngốc bỏ tiền ra mua những thứ điên điên không đáng một đồng xu. Tranh của cô là cái quái gì, những thằng cha lắm tiền mua cái nụ cười của cô đấy!". "Anh có im đi không! Tôi... thật không ngờ anh qúa tầm thường!..." Tôi nghẹn ngào không biết dùng từ nào tồi tệ hơn để mạt sát anh. Hừ, anh đã không nghĩ rằng tôi đã hy sinh và bỏ lại nhiều thứ ở Sài Gòn để chuẩn bị một chuyến về Cao Nguyên rằng tôi muốn được bên anh những ngày đầy hồn nhiên, trong trẻo và cuộc sống nhuốm đầy bụi và màu tiền bạc đã làm cho tâm hồn chúng tôi trở về với một cái gì thật trong lành, nguyên sơ... Anh đã không hiểu tôi, hay đúng ra anh không đủ trình độ để nhận biết tình yêu tôi đã dành cho anh. Anh còn phạm sai lầm không thể tha thứ được, đó là việc phỉ báng và phủ nhận những bức tranh của tôi. Với sự kinh nghiệt chưa từng có, tôi nhìn thẳng vào mắt anh, cao ngạo: "Con người tầm thường như anh làm sao hiểu được những thứ ấy. Nếu giàu thêm chút nữa, nói cho cùng, anh cũng chỉ là tên trọc phú hám của và ngu ngốc, chỉ đến thế thôi!" Mặt Dĩnh tím đi vì giận dữ? "Tầm thường, thế cô là vĩ nhân chắc? Cô luôn bọc mình trong ánh hào quang lấp lánh của thứ nghệ thuật ba xu nhưng kỳ thực cô là con bé tham lam như trong những người đàn bà tôi biết. Này nhé, cô khinh biệt tôi vì tôi không phải là một gã đàn ông mạnh mẽ. Nhưng nếu tôi đủ mạnh giám vứt cả sự nghiệp để tham dự vào những trò chơi lãng mạn của cô, thì liệu cô có ghé mắt vào cái gương mặt mạnh mẽ của tôi chăng, tất nhiên lúc đó tôi cũng chỉ là một anh nhân viên quèn chứ không phải vị phó giám đốc công ty đang phát đạt như tôi...!" Thôi đi, anh thật là..." Sự đắc thắng của Dĩnh làm bầu máu tôi sôi lên, tôi tát vào mặt Dĩnh: "Anh cút khỏi đây ngay! Tôi không muốn nhìn vào cái bản mặt của anh nữa!" "Cám ơn cô". Dĩnh xoay lưng bước đi. Anh đóng mạnh cửa xe. Một thoáng lặng yên rồi chiếc xe từ từ lăn bánh. Nếu như lúc đó tôi cất tiếng gọi có lẽ mọi việc sẽ khác, Nhưng không, tôi đứng như tượng gỗ nhìn theo, lòng tràn đầy căm tức pha lẫn nỗi tủi nhục. Sau phút ngập ngừng chiếc xe lao đi, mất hút trong sương mù. Co ro trong chiếc áo khoác, tôi đã rời lê bước về nhà. Tôi lao vào phòng đóng chặt cửa lại, oà khóc. Chưa có một người đàn ông nào xúc phạm tôi như Dĩnh. "Thật quá lắm, anh ta vừa tuôn ra những lời gì vậy, anh ta đã bỏ mặc mình giữa cái giá lạnh và rét buốt Ðà Lạt. Anh ta, một con người tầm thường, ích kỷ và đê tiện! Mọi việc thế là chấm dứt. Dĩnh ạ, hãy chống mặt nhìn con bé này trả thù". Trái tim bị tổn thương của tôi bật lên những ý nghĩ thù hận...

4.

Chợt có tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi vùng dậy, sờ lên ngực. "Dĩnh sẽ trở lại ư?". Tôi không biết mình nên xử sự ra sao. Mở cửa vào, và lao vào vòng tay của anh ư! Không đời nào. Anh ta xúc phạm đến mình, sự tan vỡ không có gì phải hối tiếc... Nhưng vẫn phải làm cho anh ta đau khổ, nhất định là như thế. Tôi đang suy nghĩ cách trả thù thì thím Lâm ập vào, má tái nhợt. Thím lắp bắp "Có điện ở Sài Gòn, Thục...". Tôi gần như giật phắt bức điện trên tay thím Lâm. " Bách về ngay, Thục đang hấp hối, rất mong con". Tôi không còn cảm giác giữ bức điện trong tay nữa. Thục, ôi người chị khốn khổ của tôi, sao cuộc sống lại bất công với chị thế? Bằng linh cảm, tôi biết lần nay chị sẽ ra đi vĩnh viễn. Tôi phải về Sài Gòn ngay, càng sớm càng tốt, thím Lâm giúp tôi thu xếp mọi thứ cho chuyến về. Thế là kết thúc một kỳ nghỉ mà tôi ngỡ là dịu êm nhứt. Chiếc xe tốc hành rời khỏi vùng sương mù, lao vút về phía Sài Gòn ồn ào và nóng bức. Tôi vẫn thấy tốc độ xe quá chậm, liệu tôi còn gặp chị Thục? Hình ảnh chị hiện ra, choáng ngập tôi trong chuyến trở về. Thật lạ, cho đến giờ khi ý thức sẽ mất chị vĩnh viễn tôi mới hiểu chị cần thiết cho tôi đến biết bao. Từ lâu, chính chị là chỗ dựa cho một tâm hồn chống chếnh, bệnh hoạn của tôi. Chị đã nâng đỡ tôi trong cuộc đời bằng chính đôi chân tàn tật của chị. Thế mà trong những lúc vui, tôi hầu như quên hẳn chị. Bức điện đến đột ngột như lời cảnh báo vô hình. Khiến tôi như rơi vào một vùng không trọng lượng, trống rỗng và chao đảo? Chị Thục là con dì Hạnh, chị ruột của mẹ tôi. Chị hơn tôi mười hai tuổi. Tuổi dậy thì của chị rơi vào những năm tháng chiến tranh khủng khiếp nhất. Tuổi trẻ của chị bị cuốn đi trong thác chiến tranh. Chị tham gia xuống đường, đi đấu tranh khi còn là nữ sinh trung học rồi vào hẳn vùng giải phóng. Trong lúc đi công tác, chị bị giặc càn, bắn vào lưng. Hình như lúc ấy là năm 1970, chị Thục mới tròn hai mươi tuổi. ở cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, chị tôi bị đầy hết nhà giam này đến nhà giam khác. Rồi khi chiến tranh kết thúc, chị bị đoạ đày trong nỗi cô đơn và quên lãng. Di chứng vết thương đã làm chi dưới chị bị liệt. Cuộc sống của chị đóng khung trong bốn bức tường với ô cửa sổ nhìn ra một khoảng trời đầy bụi và khói. Từ ô cửa đó, chị nhìn thấy cả thế giới bằng trí tưởng tượng của một nghệ sĩ đầy lạc quan, mơ mộng. Gia đình dì Hạnh khá giả, chị sống không đến nỗi thiếu thốn nhưng tôi biết mọi tiện nghi đối với chị trở nên vô nghĩa, bởi chị khát khao được đi, được chạy nhảy, hoạt động và ban phát. Chị vốn hào phóng để đem cho và dâng hiến nên rất khổ tâm phải nhận những gì của người khác, trong đó có thứ đáng mủi lòng nhất là lòng thương hại của con người. Chị có mái tóc đen cắt ngắn ôm lấy gương mặt đầy xanh xao làm nổi bật đôi mắt đen và đôi môi đầy dặn có lằn chẻ rất rõ. Dì Hạnh bảo ngày xưa tóc chị dài và đẹp lắm nhưng từ khi đôi chân bị tàn tật, dì đã cắt mái tóc đó cho sinh hoạt của chị đỡ vướng víu. Chị Thục đã khóc rất nhiều khi nhìn từng lọn tóc rời khỏi chị... Quá khứ đối với chị là một cánh cửa đóng kín, chị rất ít khi nói về những ngày chiến tranh khủng khiếp, những đau đớn, đoạ đầy mà chị đã chịu đựng, nếm trải.

5.

Tôi biết những điều đó qua những lời kể rời rạc, chắp vá của dì Hạnh. Những gì nghe được từ chị Thục đối với tôi như huyền thoại. Bởi tôi sinh ra khác thế hệ chị. Trong vòng tay ấm áp của gia đình, chiến tranh không để lại dấu ấn đáng kể đối với tôi. Tôi lớn lên, thừa hưởng nhiều may mắn và dễ dàng thành công trong cuộc đời. Tình cảm giữa tôi và chị Thục khá đặc biệt, bởi ngoài quan hệ thân tộc tôi còn tìm gặp ở chị sự tri kỷ. Tôi thường đến với chị vào những lúc khủng hoảng giữa hai lần vui, Giữa những cuộc tình đến nhanh chóng và cũng dễ tan vỡ như bọt xà phòng, vào những lúc cô đơn đến điên cuồng lái xe hết tốc độ cho đến khi không còn một giọt xăng, trong tận cùng của chán chường và tuyệt vọng... tôi chợt nhớ đến gương mặt xanh xao của chị Thục và hiểu rằng đó là nơi mà tôi cần phải đến. Ðôi khi chỉ cần nói một câu chuyện bâng quơ hay trút bỏ cơn bực dọc nào đó để rồi bằng sự trìu mến, dịu dàng thông cảm của chị tôi trở lại cân bằng và sâu sắc hơn một chút. Chị có thể hiểu được, nắm được những ý nghĩ điên rồ của tôi bằng một nụ cười tinh nghịch: "Sao thất tình hả?" . "Ừ". Tôi buông mình xuống bên cạnh chị đầy chán chường, đau khổ: "Không sao, người như cưng sinh ra là để được thất tình. Nếu em được yêu em sẽ điên. Nhưng khi thất tình, em sẽ làm được những việc phi thường. Ðau khổ đối với em là chất men, phải không nào?". Dù trái tim đang tan nát tôi cũng phải cười xoà thú nhận: "Không phải thất tình mà là "sù tình". "Cái anh chàng học giỏi đẹp trai mang kính cận chứ gì. ờ khi người ta không có lỗi mà đi "sù" kể cũng là nỗi khổ đau. Nó càng khó chịu hơn nỗi đau khổ khi chính mình bị phụ bạc! Hồi ở tuổi em..." chị Thục bỏ dở câu nói nhìn lên bức "Chân dung thiếu nữ" treo trên tường đối diện. Ðó là bức tôi vẽ chị bằng sự tưởng tượng về huyền thoại của quá khứ. Cô gái trong tranh có mái tóc bồng như mây, ngực ưỡn về phía trước với tà áo dài bị gió thổi bạt một cánh bạo liệt như muốn dứt tung ra khỏi thân thể mảnh mai và trinh nguyên của chị. Gương mặt trong sáng và tự tin, nàng bước đi dưới một trời xoáy lốc với những bông hoa tím giăng đầy. Tại sao tôi lại vẽ chị như vậy, tôi cũng không hiểu, có một cái gì đó thật khó giải thích. Chị yêu bức tranh đó như yêu chính tuổi trẻ của chị, da diết đến đau xót. Và mỗi ngày, cái bóng của bức tranh ấy hắt xuống cuộc sống hiện tại của chị bằng những cơn đau ác tính và mãn tính. Mỗi ngày trôi đi, chị hao mòn trông thấy rõ. Tôi vẫn thường bắt gặp chị ngồi tựa lưng vào tường, lặng lẽ nhìn ra ngoài trời, đôi mắt như muốn thu giữ lại tất cả. Ðôi mắt từng làm tôi sợ hãi và xao xuyến. Chị độ lượng với tất cả sự vô tâm đến tàn nhẫn của tôi. Có những lúc cao hứng, tôi đã mang đến cho chị cơ man quà tặng, những chiếc áo nhung óng ánh, những tấm lụa mịn màng, giầy cao gót, túi xách... Chị vui vẻ đón nhận những thứ đó nhưng không bao giờ dùng hết. Sự im lặng của chị khiến tôi nhận ra sự hời hợt và ác độc của mình. Chị thường hay trêu tôi: 'Em đến với chị là quà tặng rồi. Nếu chị là đàn ông, chị sẽ yêu em ngay". Tôi trề môi: "Chị an ủi em làm gì, chắc là chị thấy em thất tình hoài nên mới đùa ác vậy!". Chị cãi: Không mà. Cưng không tin chị cũng là “nhà tướng mệnh học” sao?! Chỉ tại những người đàn ông không đủ thông minh và độ lượng để chinh phục được em". Tôi cười xoà: "Sao chị biết nhiều vậy, có bao giờ chị bước ra khỏi nhà này đâu?". Giọng chị đượm buồn: "Chính vì ngồi một chỗ mà chị đâu có những điều kiện nhìn thấy những thứ người khác không nhìn thấy". Tôi vẫn phải thừa nhận chị có con mắt nhìn người khá tinh. Mỗi khi tôi hớn hở đưa một anh bồ mới đến khoe, khi chỉ còn lại hai chị em, chị thấp giọng: "Không ổn". Thế là dù có bướng bỉnh đến đâu, lời tiên tri của chị vẫn đúng. Với Dĩnh, chị nói: “Em sẽ hạnh phúc nếu như Dĩnh hơn em 10 tuổi. Dĩnh to xác nhưng vẫn nhỏ bé hơn em. Người phụ nữ có thể yêu một người đàn ông nhỏ bé nhưng biết làm cách nhỏ bé mình theo họ. Ðiều đó thì trái với tính cách của em. Nhưng dù sao anh Dĩnh vẫn là người chồng tốt". Tôi cưới khoả lấp nói với chị: "Em đã yêu nhiều con người lớn lao nên bây giờ em muốn nhỏ bé để hạnh phúc:. Chị xoa đầu tôi, đầy thương cảm: "Không ổn chút nào đâu, cưng ạ". Tôi thường hay hỏi chị về những anh năm xưa của chị. Chị lắc đầu: "Không, thời con gái của chị quá ngắn ngủi. Chị không muốn nhớ nữa. Chị chỉ muốn nhìn em cười, em yêu và hạnh phúc, thậm chí nổi giận nữa. Chị yêu em biết bao nhiêu mỗi khi nhìn thấy em đắm chìm trong cây cọ và mầu sắc. Lúc đó, cưng của chị đúng là một thiên thần". "Thiên thần! Trời ạ". Tôi nhún vai. "Thật mà, chị không tán cưng đâu, chị giám chắc cưng là thiên thần!". Tôi mỉm cười chua chát. Chỉ có chị là thấy tôi là thiên thần thôi, thật đáng tiếc. Nếu được thêm vài chị Thục trên đời này tôi đâu đến nỗi cô độc. Tôi, đứa con gái chẳng biết sợ ai, một cá tính luôn gây bất bình và thù ghét với người đối diện, nóng, lạnh thất thường, yêu say đắm say mà cũng dễ dàng tẻ lạnh, si tình và tỉnh táo... Tôi, đứa con gái có nhiều ưu đãi của tạo hoá theo lời chị Thục: Xinh đẹp, thông minh, có tài, kiếm tiền dễ như đùa, lại dễ dàng bị tổn thương và thấy mình thiếu thốn. Tôi có rất nhiều thứ thừa để rồi đi đến khủng hoảng thiếu. Còn chị Thục, chị không có gì ngoài căn phòng bé nhỏ nhìn ra khoảng trời đầy tiếng ồn và bụi bặm, bức tranh "Chân dung thiếu nữ", cây đàn manđôlin cũ kỹ lỗi thời như món đồ chơi của đứa trẻ đã vứt đi. Tôi nhìn quanh, không có gì thêm gì nữa, chỉ bấy nhiêu thôi, chị có cả một thế giới. Trong giấc ngủ mơ màng chị kể cho tôi nghe về tình yêu của chị. Chị đã từng yêu một anh chàng cao lớn, đẹp trai, tài năng và kiêu bạc. Chàng ta đã gửi cho chị hàng tỷ những lá thư, hàng tỷ đoá hoa hồng...". "Ai vậy?". Tôi nóng nảy truy bức chị, người mà chị Thục yêu chắc là ghê gớm lắm đây. Thế nhưng chị lảng sang chuyện khác một cách tài tình trên môi nở một nụ cười mơ hồ, thật khó hiểu. Tôi có cảm giác tình yêu của chị quá thiêng liêng nên không giám hỏi thêm. Và cứ thế, tôi hoàn toàn thất bại mỗi khi có ý định khai thác chị. Thôi, cứ để cho chị yêu có anh chàng cà khô, đẹp trai nào đó của chị đi. Anh chàng mà đã gửi cho chị hàng tỷ lá thư hàng tỷ đoá hoa hồng…

6.

Chuyến xe tốc hành dừng lại ở Blao cho hành khách ăn trưa, tôi không đụng đến thức ăn, người nôn nao lạ thường. Trời ơi, sao mọi người có thể nhẩn nha đến vậy, tôi ước mình có cánh. Nhưng tôi nhận ra mình thật vô lối, làm sao có thể phân bua với những người đang ăn uống trong lành kia rằng tôi muốn chuyến xe tiếp tục ngay, có một người phụ nữ đang hấp hối và tôi rất mong được trở về, được ở bên cạnh người ấy trong những giây phút cuối đời... làm sao tôi có thể nói với họ ở nơi này, nơi kia đang diễn ra đau khổ, bất hạnh và niềm vui sống. Tôi lặng lẽ nhìn mọi người đang tắm trong dòng chảy vô tận của cuộc sống với sự nhẫn nại kỳ lạ. Chợt vẳng đến tai tôi những âm thanh buồn tê tái. Một em bé trạc 7 tuổi dẫn một người đàn ông mù đi ngang qua tôi. Tiếng đàn đơn điệu, quê mùa của ông chợt làm tôi mủn lòng. Em bé cúi đầu lễ phép nhận những đồng tiền lẻ của mọi người và người đàn ông mù dường như dốc hết sức lực của mình trong giọng hát khàn và những âm thanh. Nhiều thứ âm thanh, từng cung bậc đang bủa vây tôi. Tôi bịt tai lại để khỏi bị nổ tung. Trong mớ âm thanh trong trẻo và réo rắt. Nó xa vắng mơ hồ làm sao. Phải rồi, những âm thanh vang lên từ đôi bàn tay đẹp như ngọc của chị Thục, như thoát thai từ một thế giới khác, huyền bí và lạc lõng. Ngoài chị Thục ra, tôi chưa từng nghe ai đàn như vậy. “Người thương ơi/ Cung đàn nào khúc nhạc nào / Cô gái ấy chàng trai kia / Những đoá hoa rừng những mùa bồ quân chín / Sao không thấy những người năm xưa…”. Tôi như thấy cánh rừng đạo ngàn quạnh quẽ... năm nào những đoàn quân trùng điệp đã đi qua, không biết nơi ấy có còn ai trở lại. Chị Thục đã từng đi dưới cánh rừng ấy, hái hoa rừng, hái bồ quân, nói cười khúc khích với bạn bè thì số phận giành cho một góc vắng, lặng lẽ ôm cây đàn manđôlin đã ố vàng cũ kỹ, lặng lẽ nhìn thời gian trôi qua, lặng lẽ nghe mình chết...

7.

Tôi chạy ào đến ngôi nhà của chị Thục. Căn phòng của chị trống rỗng. Chiếc giường, bàn ghế... mọi thứ đã được chuyển đi hết, chỉ còn lại bức "Chân dung thiếu nữ" trên tường và cây đàn manđôlin già cỗi nằm lăn lóc ở góc phòng với một dây bị đứt. Tôi muốn được tạ lỗi với cây đàn biết bao, bởi từ lâu rồi tôi đã rẻ rúng linh hồn của nó. Mỗi khi bắt gặp bàn tay chị lướt trên phím đàn, réo rắt khúc ca ở rừng xưa cũ là tôi chế nhạo: "Thời này đâu ai thèm chơi đàn này nữa, quê thấy mồ đi!". Chị cũng không nói gì, khép lại đôi mi và bài ca vẫn vang lên, hoà với tiếng đàn, cho đến lúc tôi bị lôi cuốn vào vùng âm thanh đầy nồng nhiệt và lãng mạn kia. Lúc ấy, mắt nhìn vào cõi xa vắng, chị nói: "Em biết không, thời đó, những cây đàn bé bỏng này đã từng làm rộn lên những cánh rừng...". Trong tĩnh lặng và lạnh lẽo của căn phòng tôi nghe như vẳng bên tai lời nói ôn hoà không chút hờn dỗi của chị Thục. Vắng chị căn phòng vô hồn quá. Tôi cứ như người mộng du. Dì Hạnh mang đến cho tôi những bọc đựng đầy những kỷ niệm của chị Thục. Tôi giở ra xem... Chị Thục còn giữ lại rất nhiều những lá thư tỏ tình của những chàng trai ở rừng, những chàng trai ở Sài Gòn, Ðà Nẵng, Huế, Hà Nội... Những lá thư với những ngôn từ đầy hoa mỹ, nồng nàn và say đắm. Những chàng trai ấy bây giờ ở đâu, tất cả đều trở nên tầm thường và giả dối. Khi chị Thục trở về sau cuộc chiến bằng đôi chân tàn tật. Nhảm nhí, tôi quẳng những là thư ấy sang một bên. Một cuốn sổ bìa bọc nhung tuyệt đẹp hiện ra trong đám hổ lốn những kỷ niệm của chị. à, thì ra đó là cuốn nhật ký được chị ghi bằng những dòng chữ nắn nót, tuyệt đẹp.

"Ngày... tháng... năm

Em viết dòng thư này cho anh vào khoảng giữa hai cơn đau. Em chợt nhận ra những bồng hồng cắm trong bình. Những bông hoa mà giấc mơ em thấy anh đã mang đến cho em. Giấc mơ bao giờ cũng đẹp thật chua xót thay...

"Ngày... tháng... năm

Sao lại có gió mùa đông bắc thổi qua thành phố này. Em nghe đau nhức toàn thân, suốt đêm qua em không chợp mắt. Anh thân yêu, giờ này anh làm gì? Ước gì có anh bên cạnh, chỉ cần nhìn thấy anh thôi, nghe em nói, nhìn em cười là anh đã vui rồi, anh sẽ sờ tay lên trán em... Và thế là bao đau đớn sẽ vợi đi. Em sợ những viên thuốc lắm rồi, những viên thuốc hình nhộng xanh, đỏ, hình hạt dưa, hình cầu, hình trứng... không giúp gì được cho em. Những phản ứng phụ góp phần hành hạ em thêm nhưng nếu không uống thì mẹ mạ sẽ trách móc. Anh yêu ơi, những thứ đó đồng nghĩa với độc dược. Ôi giá như có một linh hồn để em chia xẻ... Em rất mong Bách đến, chị em sẽ tán gẫu với nhau, đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng Bách luôn bận rộn, triển lãm tranh dạ hội, hẹn hò... Ðó là cuộc sống của nó. Em không có quyền gì để trói buộc một con người đầy sức sống bên một con người tàn tật như em. Anh yêu, vì thế mà em chỉ muốn sống với anh bằng một tấm linh hồn của chính em thôi.

Tim tôi thắt lại, những dòng chữ được chị gò từng nét tiếp tục hiện ra.

"Ngày... tháng.. . năm

Thật khổ, K ạ, em vẫn bị hành kinh, mẹ vất vả với em những ngày này quá. Có thể em nhức nhối với niềm khao khát được yêu thương, san sẻ... cái phần phụ ấy trong em, thật khốn khổ khi nó vẫn tồn tại và gào thét trong cơ thể bệnh hoạn của em. Ôi, giá mà giờ này Bách đến với em. Sự bất cần và thành thật cuả nó làm em thích. Em yêu sự mạnh mẽ của nó và thèm khát sự dư thừa của nó. Bách ơi, em làm phiên bản của chị nhưng ra đời muộn hơn mười hai năm... Và anh yêu ơi, giờ này anh ở đâu, làm gì? làm sao anh biết..."Ngày... tháng... năm...Những kỳ máu chảy thưa dần, cùng lúc cơ thể em héo hắt như một cành cây khô. K ơi, em lắng nghe cơ thể mình đang chết. Em bình thản chấp nhận, chết để được siêu thoát. Ôi, em đang bồng bềnh giữa đám mây trắng nhẹ tựa bông. Chầm chậm, chút đã... Hãy hôn em đi, em chưa một lần được hôn. Người ta bảo những cô gái đồng trinh chết rất thiêng. Em nguyền rủa thời con gái quá nhút nhát và giữ gìn của mình. Ðến giờ phút này em sẵn sàng đánh đuổi tất cả để được anh ôm hôn và chết vì anh... Nhưng đã muộn rồi, ôi, em đang phiêu điêu, bàn tay em không còn cảm giác nữa.

Tôi không đọc được thêm, có lẽ lúc đó chị Thục không còn làm chủ được bàn tay mình và buông rới cây bút... Thì ra, đó là anh chàng K được chị vẽ lên bằng trí tưởng tượng dạt dào vào những giây phút chị thấy mình cô đơn cùng cực... Trong lãnh lẽo đến rợn người của căn phòng, tôi dường như nghe văng vẳng lên những âm thành từ cây đàn nằm lăn lóc trên sàn nhà khi có ngọn gió lùa qua khung cửa sổ. “Người thương ơi/ Cung đàn nào khúc nhạc nào / Cô gái ấy chàng trai kia / Những đoá hoa rừng những mùa bồ quân chín / Sao không thấy những người năm xưa…”. Ôi, bài hát của một thời xa vắng, những âm thanh vang vọng về từ huyền thoại của quá khứ. Tôi ngước lên nhìn chị. Bức "Chân dung thiếu nữ" vẫn trẻ trung như dạo nào. Nàng đi giữa trời mây đầy hoa tím, ngực ưỡn về phía trước, mái tốc bồng bị gió thổi bạt về phía sau, đôi tà áo dài bay lượn, xoắn xuýt đầy giông bão như muốn đứt ra khỏi thân thể mảnh mai và trinh nguyên của chị. Cứ thế, chị đi... và tôi hiểu ở tuổi ba mươi của mình, tôi vẫn phải bắt đầu từ nhiều thứ. Chỗ dựa tâm hồn tôi không còn nữa. Mất chị rồi tôi mới thấy mình trống chênh làm sao. Tôi thu dọn những vật kỷ niệm mà chị nâng niu cho vào túi, loay hoay nối lại sợi dây đàn để hiểu rằng mình thêm một lần tập sống.

Sài Gòn, cuối năm 1992,
T.H

TRUYỆN NGẮN ĐẦU TAY (Mời Click vào đây để truy cập chuyên mục)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm