- Truyện
- Con chim khách/Tiến Luận
Con chim khách/Tiến Luận
CUỘC THI “TRUYỆN NGẮN HAY - NĂM 2022”
Tiến Luận
Nhà Lê ở dưới chân đồi cách thị xã gần 10 cây số. Nơi đây trước là khu sơ tán. Hòa bình, tất cả máy móc, thiết bị và công nhân nhà máy đều chuyển về phố. Vì hoàn cảnh nhà nghèo, lại đông con nên bố Lê ở lại bám lấy đất đồi để kiếm sống.
Nhà Lê xây bằng gạch vôi, lợp cọng ràng ràng là những vật liệu kém dẫn nhiệt nên mùa hè rất mát. Trong vườn, bố Lê trồng toàn những cây ăn quả lưu niên: hồng xiêm, ổi, doi, na, mít mọc xum xuê. Đằng sau nhà cách hơn cây số là những cánh rừng còn sót lại sau chiến tranh có những cây dẻ, cây lim, cây táu mọc xen trong rừng bạch đàn và keo tai tượng. Thích nhất là vào mùa xuân, mùa hè, chim các nơi về làm tổ và kiếm ăn: nào vàng anh, sáo đá, chim gáy, chào mào, chích chòe, vành khuyên, sẻ đá… Chúng nhảy lanh chanh trên các cành cây tìm quả chín, vừa ăn vừa hót râm ran như bản hợp xướng nhiều bè. Chúng dạn người đến nỗi Lê đứng dưới gốc cây mà mấy anh chào mào dám sà xuống đỗ ngay một cành trước mặt trơ cái bộ ngực trắng phơ. Nhìn chúng, Lê nghĩ tới miếng chả chim nướng vàng ngậy thơm nức mà thèm nhỏ nước miếng. Lê nẩy ra ý nghĩ làm mấy chiếc dò mắc trên cành cây. Dưới cành treo một quả cà chua chín đỏ chót. Gió đung đưa như khêu gợi. Lũ chào mào bông nhìn thấy thì quên chết, chúng sà vào rỉa quả. Cần dò bật lên xiết chặt hai chân nó vào sợi dây thòng lọng, cố giãy nhưng không tài nào thoát ra được. Loại dò này chỉ bắt nạt được những chú chào mào bông. Còn lũ chào mào đỏ đít thì ranh lắm. Nó biết cái cành cây khô ấy có phủ mấy chiếc lá úa. Lại có cái cần cong cong và nhất là sợi dây cước lòng thòng, nên chúng biết thừa đấy hẳn là cái bẫy của người, nên chúng chíu chít bảo nhau nhảy sang cành khác. Tức mình, Lê chặt một chạc ba cây ổi, buộc nịt vào làm súng cao su.
Lê ngồi dưới gốc cây hồng xiêm chờ chim bay đến. Một đàn chào mào đỏ đít bay đến đậu trên cành cây chìa mỏ ra rỉa quả trơ cái ngực trắng phau. Ngon quá! Lê giương trạc súng lên ngắm, tay kéo căng dây thun - nín thở rồi buông tay ra - Phựt! Viên sỏi bay vèo trúng cái bốp vào ngực một con, rơi xuống đất. Cả đàn chào mào hốt hoảng bay đi thì đàn chim khác lại đến. Mỗi ngày Lê bắn chết tới chục con. Lê đem về nhổ lông làm thịt rồi kẹp vào thanh tre nướng trên bếp than hồng. Mỡ vàng ngậy, từng giọt rơi xuống lèo xèo, Lê cầm con chim nướng thơm phức xé ra từng miếng đưa vào miệng nhai giòn rau ráu. Tuy vậy, cũng chỉ được vài ngày đầu. Về sau đàn chim bay đến vườn mỗi ngày một vắng. Ngày nào Lê cũng cầm súng cao su đứng dưới gốc cây chờ sẵn mà tịnh không thấy một con chào mào, chích chòe, cu gáy nào đến nữa. Thi thoảng có vài con bay đến rập rờn trên ngọn cây. Hễ nhìn thấy bóng dáng Lê là chúng bay vù đi mất.
Phục mãi mới có một con chích chòe bay đến đậu tít trên ngọn cây mít. Nó ngó nghiêng không thấy bóng người, liền thu cánh lại, hếch cái đuôi dài màu đen, xen trắng rồi cất tiếng hót. Tiếng hót của chích chòe véo von lanh lảnh như hát. Có lúc lại líu ríu như người thì thầm trò chuyện. Nó mải mê hót coi như cả bầu trời xanh là của mình. Nó đâu biết rằng dưới gốc cây có một thằng người là Lê đang giơ trạc súng ngắm cho cái bụng trắng phớ của nó nằm gọn giữa cái trạc súng. Lê kéo căng sợi dây thun rồi đột ngột buông tay ra. Lực kéo căng của dây thun cùng với lực vẩy làm đà, viên đạn sỏi bay vút trúng cái bịch vào giữa ngực con chích chòe. Nó đau đớn chớp cánh được mấy nhát thì rơi bịch xuống đất. Nhưng con chích chòe không chết. Nó chỉ bị gãy mỏ. Là chim mà gãy mỏ thì có sống cũng thành tật, vĩnh viễn không bao giờ cất tiếng hót được nữa. Tuy vậy, Lê vẫn nhốt nó trong chiếc lồng son đánh dầu bóng loáng để làm chim mồi đánh bẫy những con chim khác đến. Nhưng nó không ăn được, suốt ngày ủ rũ chúc cái mỏ gẫy vào cánh. Biết nó không sống được, Lê phải nhổ lông làm thịt!
Từ hôm con chim chích chòe bị Lê bắn chết, đàn chim rừng tản mạn đi đâu mà biệt tăm? Vườn nhà Lê không còn thấy bóng dáng một con chim nào bay đến hót nữa. Cả lũ chim vành khuyên, chim sâu cũng chỉ bay đến thoáng chốc, thấy bóng Lê là chúng nháo nhác gọi nhau vù thẳng! Không có tiếng chim, lại ắng tiếng người, nhất là về ban trưa khu nhà trở nên vắng tanh, hoang lạnh. Tuy vậy, Lê vẫn cầm chiếc súng cao su lò dò đến từng gốc cây chờ con chim xấu số nào bay đến. Đợi mãi chẳng thấy con chim nào, Lê ngồi bệt xuống vạt cỏ trong vườn lắng nghe có tiếng chim hót phía xa xa. Tiếng con chích chòe róng rót như tiếng suối reo, có lúc lại trầm buồn như tiếng khóc. Lê sực nhớ tới hôm vặt lông làm thịt con chích chòe, Lê dùng hai ngón tay kẹp chặt lấy mỏ, khiến cái ngực nó chướng lên căng ra như cái bong bóng. Đôi cánh đã trụi húi lông vẫn cố giẫy giụa để giành sự sống trong tay Lê. Khi hai mắt nó nhắm lại lồi ra và hai chân nó thẳng đơ, lát sau lạnh toát làm cho Lê thấy gai người khi nhìn thấy cái chết đang đến với một sinh vật do chính tay Lê gây ra. Tự dưng Lê nhớ hôm cô giáo nói: “Sinh vật ăn thịt thường có răng nanh nhọn, sắc để khi bắt được con mồi thì chúng sẽ dùng răng nanh xé xác con mồi ra mà ăn. Sinh vật ăn trái cây, rơm, cỏ thì có bộ răng hàm to, rộng để nhai đi, nhai lại ví như trâu, bò, hươu, nai. Các nhà khoa học khi nghiên cứu bộ răng con người thấy giống loài vật ăn cỏ. Như vậy con người vốn dĩ không phải là sinh vật ăn thịt”. Lê nói với mấy anh cùng xóm, họ lại bảo: “Trời sinh voi trời sinh cỏ, trời sinh ra con sâu róm là để cho con chim sâu ăn, trời sinh ra con chim là để cho người ăn… cứ thế tuần hoàn, thế giới có sinh, có diệt. Con nọ ăn thịt con kia cho cân bằng sinh thái!”. Mấy anh hàng xóm nói xong cười khớ khớ!
Đang lan man nghĩ thì bỗng dưng ngoài rặng na trước cửa xuất hiện một con chim lạ màu xanh thẫm. Đầu nhỏ, mỏ hơi dài. Chao ơi! Đẹp nhất là cái đuôi. Mỗi lần nó kêu “Quẹt quẹt” lại xòe ra vểnh lên, gập xuống lộ ra những chiếc lông trắng xen lông xanh trông như cái quạt. Lê chưa từng thấy con chim nào hiếu động như con chim này. Nó cứ nhẩy tưng tưng từ cành nọ sang cành kia và luôn mỏ hót: “Quẹt quà quẹt quẹt!”. Đang trên cành na, nó sà sang cành ổi, rồi lại từ cành ổi sang cành roi, cành cao chuyền xuống cành thấp. Không lúc nào thấy nó đứng yên. Lê định giương súng bắn thì vừa lúc mẹ Lê đi chợ về.
“Quẹt quẹt quẹt!”. Nó hót chào mẹ Lê mấy tiếng rồi bay đi. Mẹ Lê mừng rỡ reo lên: “A! Con chim khách, con chim quẹt! Quẹt kêu là nhà mình sắp có khách”. Bố Lê từ trong nhà bước ra sân hỏi: “Con chim khách khi kêu quay đầu về hướng nào?”. Lê bảo: “Hướng tây”. Bố Lê giơ ngón tay lên tính rồi nói: “Đông khứ, tây lai, nam vô sự, bắc có tài” Thế thì đích thị nhà mình sắp có khách.
Quả thật vài ngày sau bà nội và thím Vần ra chơi. Ở quê Đông Hưng, Thái Bình nhà bà cũng có vườn rộng lắm. Vốn lam làm bà và thím chỉ chịu ngồi chơi nửa ngày là ra vườn làm cỏ, quét lá gom lại đốt lấy gio. Bà và thím ra sông gánh nước về tưới cho từng cây trong vườn. Bà bảo: “Giống cây khi ra hoa rất cần nước, phải chăm tưới cho nó mới đậu quả được. Hai người còn leo lên đồi sau nhà hái từng gánh lá mun đem về ủ phân xanh trộn lẫn với gio để bón cho cây. Hôm ở quê ra bà còn mang cho nhà Lê 4 con lợn giống và chục con gà mái Đông Tảo. Bà bảo: bố mẹ Lê đều là công nhân làm than lương ba cọc ba đồng, muốn có đồng ra đồng vào và có tiền sửa chữa cái nhà ở cho chắc chắn nữa thì phải chăn nuôi, trồng trọt.
Bà và thím Vần ở chơi gần một tháng mới về. Vườn tược được chăm sóc đâm chồi nẩy lộc. Bà và thím về quê, chỉ mấy tháng sau 4 con lợn và chục con gà đã nung núc chật chuồng. Vườn cây xanh tốt, roi chín đỏ cành, mít núc lỉu quả, ổi chín vàng ươm, rặng na trĩu quả mở mắt thơm lừng. Chỉ mỗi đàn chim là không thấy đến?
*
Ngôi nhà của bố mẹ Lê xây từ những năm mới cưới nhau. Bố rất chịu khó. Hằng ngày đi làm về, bố vác búa lên núi ghè đá gánh về tự nung vôi để đóng gạch xây nhà. Đường từ chỗ lấy đá về nhà xa hơn trăm mét qua một khe suối lại leo lên đồi. Thế mà bố Lê gánh ước tính tới hơn trăm khối đá và hàng nghìn gánh nước lên nhà tôi vôi, đóng gạch đủ xây một ngôi nhà 3 gian mái xuôi lợp ngói. Bây giờ cuộc sống khá giả mới thấy nó đã quá cũ kĩ và lạc hậu, nên bố mẹ Lê bàn chuyện xây nhà. Một ngôi nhà năm tầng cao to nhất phố thợ. Lê biết từ khi bố làm trưởng phòng vật tư nên kinh tế gia đình Lê đã khá lên trông thấy. Xây nhà xong bố Lê còn sắm được hai xe máy Thái. Một cái cho bố, một cái cho anh Trần. Hằng ngày mẹ đi chợ mua những con cá ngừ, hoặc cá song to bự. Đi ăn cưới mẹ mặc chiếc áo dài tuyết nhung xanh, có chiếc dây chuyền vàng óng ánh trên ngực. Điều lạ là từ khi có nhà mới, bố mẹ Lê thay đổi tính nết. Hằng ngày không muốn ai vào chơi. Có lần bố Lê còn làm một con tính nhẩm nói với cả nhà: “Mỗi ngày chỉ cần 5 lượt khách đến chơi là mất 5 ấm trà, nửa bao thuốc vinataba, vị chi cũng mất béng năm chục nghìn bạc. Nếu là khách ở quê ra thì quà cáp không tính, riêng tiền ăn cho mỗi người mỗi ngày cũng mất gần một ngày công đi làm. Lại còn những anh hàng xóm đa phần là công nhân hầm lò và thợ làm đá nói chung là nghèo, thường không sạch sẽ. Lắm hôm họ sang chơi thuốc lá không hút cứ thích hút thuốc lào”. Bố Lê có cái điếu cày nạm bạc rất đẹp, nên ai cũng thích hút, thường ngày hay sang hút nhờ, tàn vấy ra lung tung. Mẹ Lê mất hàng buổi lau nhà. Còn nữa, họ là những người hay xin xỏ, vay mượn, nên bố mẹ Lê ghét, bảo Lê đóng cổng. Nhiều hôm Lê thấy có mấy bác đến chơi đứng ngoài ngõ gọi ơi ới chẳng ai thưa, chỉ mỗi con vàng chạy ra sủa ông ổng. Gọi chán, mấy bác quay xe đạp ra về. Thành ra nhà Lê đã lâu không có người đến chơi bỗng trở nên hoang vắng, lạnh lẽo, rêu xanh mọc kín lối đi. Cây cối trong vườn không có chim đến đậu nó cũng trơ trẽn, tẻ nhạt và rầu rầu như ngái ngủ.
Bỗng một buổi trưa Lê đi học về cùng ngồi ăn cơm với bố mẹ trong nhà thì nghe có tiếng chim khách kêu “Quẹt, quẹt! Què quẹt!”, con chim quẹt đỗ trên ngọn cây na hót vội vàng mấy tiếng rồi bay đi. Mẹ Lê buông đũa “nhà lại có khách!”. Thật là linh nghiệm. Mấy ngày sau bà và thím Vần ra chơi. Lần này hình như bà và thím có ý định ra chơi lâu ngày, nên Lê thấy bà đem ra đầy túi quần áo. Cái túi bằng vải bạt do bà tự khâu lấy được nhuộm màu nâu. Lê biết đó là cái túi bà thường dùng đựng đồ đi lễ Phật. Khác với lần trước bà và thím Vần tự nhiên coi nhà con cháu cũng như nhà mình, có dịp được lo toan chăm sóc cho cuộc sống của con cháu, thì lần này ra chơi bà cứ ngượng ngùng e ngại thế nào ấy. Lê để ý thấy mỗi khi bà và thím ngồi trên sa lông bóng như gương, đối diện là chiếc gương to bản choán gần kín bức tường phòng khách, bà nhìn người trong gương rồi lại cúi xuống nhìn mình. Mặc dầu hôm đi bà đã chọn những bộ quần áo mới chắc bà cho là đẹp nhất, thế mà giờ bà lại bảo Lê đi lấy cái ghế nhựa cho bà ngồi. Lê bảo: Bà già rồi phải ngồi sa-lông cho êm và đỡ mỏi. Bà bảo bà không quen ngồi sa-lông. Ngồi ghế nhựa thích hơn. Tối đi ngủ bà để đôi dép dưới chân giường. Sáng sớm mẹ Lê quét nhà nhìn đôi dép cao su đen lem nhem quá, mẹ Lê bỏ luôn vào sọt đem ra đổ vào đống rác rồi ra cửa hàng mua một đôi dép nhựa mới để vào chỗ cũ cho bà. Ngủ dậy bà đi tìm dép mãi không thấy, chỉ thấy đôi dép nhựa, bà không đi mà đi chân đất. Thế mà thím Hới không biết tẩn mẩn thế nào lại tìm được đôi dép mang về cho bà. Mẹ Lê bực bội lừa khi tối bà đi ngủ lại cho vào sọt rác đem đi thật xa vứt vào một cụm cây. Khi về mẹ vẫn còn bực bội lẩm bẩm một mình: “Đúng là các cụ nhà quê. Khổ quá đi mất. Mà sao bà cụ hay ra chơi thế không biết?”.
Đến hôm ấy Lê mới biết rõ cái bụng của mẹ. Ngoài miệng thì bảo bà và thím cố gắng ở lại chơi với chúng con vài tuần, vài tháng, nhưng trong bụng lại muốn cho bà và thím Vần về quê. Lê nài nỉ bà và thím ở lại chơi vài ngày nữa, nhưng bà bảo: Hè sang năm bà và thím sẽ ra chơi. Mùa hè năm sau lại đến, Lê đợi mãi chẳng thấy bà và thím ra. Bạn học cùng lớp, cùng xóm cũng chắng thấy đứa nào đến nhà. Đàn chim bay đi kiếm mồi bay qua đậu trên đỉnh cây mít, cây roi chốc lát rồi vụt bay sang cây nhà hàng xóm hót véo von.
Tự nhiên Lê thấy nhớ tiếng chim, nhất là tiếng hót liến thoắng của lũ chào mào, tiếng rì rầm trò chuyện của chích chòe và tiếng hót trầm ấm, vang rền như tiếng chuông đồng của con chim gáy. Những hôm như thế, Lê lại da diết nhớ bà, nhớ thím và mong có con chim quẹt đến kêu. Nhưng sao nó cứ biệt tăm?
Một ngày nghỉ hè Lê về thăm quê mới hay bà và thím mùa màng cấy hái đã xong không bận gì cả. Lê mời bà và thím ra chơi, bà bảo rằng:
- Bà già rồi ở nhà bố mẹ cháu không tiện. Bà không ra mỏ nữa đâu. Khi nào cháu về thì cố tìm cho bà đôi dép. Đôi dép ấy là của chú Cận hồi còn là bộ đội về phép mua cho bà. Chú Cận hy sinh chỉ để lại cho bà mỗi đôi dép ấy. Thế mà mẹ cháu nỡ lòng nào đem vứt của bà đi?
Có người bảo: “Người già thường khó tính và hay tủi thân”. Lê biết với bà và thím Vần chưa hẳn thế. Với bà là sống cốt ở tấm lòng có tình có nghĩa, trên dưới phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, chứ không phải vì tấm áo, miếng ăn. Cũng như những con chim khách, chào mào, chích chòe, vàng anh, sáo sậu… chúng đến vườn nhà Lê cũng chưa hẳn đã vì miếng ăn mà còn một lí do khác là đất có lành chim mới đến. Vậy mà suốt ngày Lê săn lùng bắn nó thì vườn đất nhà Lê chưa phải là lành! Và cũng từ đó suy ra: bố mẹ Lê không hiếu khách, người ở quê không ra chơi, bạn bè không đến thì con chim khách không đến kêu cũng là phải lắm!
Lê tự giải thích cho mình như vậy, nên đã quẳng chiếc súng cao su vào đống rác. Còn bố mẹ Lê thì mở toang cánh cổng ngõ hoặc khép hờ tức là ai muốn vào cứ đẩy cửa mà vào. Lê chỉ ân hận mỗi một điều là không tìm được đôi dép cao su cho bà.