TIN TỨC

Đọc bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn từ góc nhìn sinh thái

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-10-25 23:12:50
mail facebook google pos stwis
1833 lượt xem

Đinh Thanh Huyền

Tôi đang sống ở tầng 18 một căn chung cư giữa lòng thành phố, nơi mà mỗi ngày nhìn ra chỉ thấy hàng trăm cái cửa sổ giống hệt nhau như trăm con mắt rỗng mở vào không gian. Ở đó, bầu trời rất gần nhưng không hề sống động. Mây cũng rất gần nhưng giống những vết sẹo chi chít trên nền trời. Ở đó, mỗi ngày tôi thấm thía hơn những tổn thương mà con người phải chịu đựng khi xa cách với thiên nhiên. Những tổn thương ấy càng rõ khi tôi đọc bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn.

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu...uýt...huýt...tu hìu...

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi.

 

triu...uýt...huýt...tu hìu...

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

Bài thơ gồm 16 dòng, không có từ chỉ cảm xúc, không có tính từ (những yếu tố tạo chất trữ tình thường thấy trong thơ). Bài thơ không vần nên cũng không có âm hưởng dìu dặt quen thuộc. Nhạc tính của tác phẩm được tạo nên bởi các từ láy (chót vót, hối hả); phép điệp (khung nắng, khung gió, tiếng hót) và cấu trúc vòng tròn (sự xuất hiện của tiếng hót đầu và cuối bài thơ). Trong quan hệ với cấu trúc tổng thể, câu thơ, đoạn thơ, các thanh điệu được sử dụng hết sức linh hoạt, tự do:

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Xét về cú pháp, ở đoạn trên, dòng thơ đầu là một câu. Hai dòng còn lại là một câu khác, khi đọc phải liền mạch. Tiếng cuối của hai dòng đầu là thanh trắc, tiếng cuối dòng thứ ba là thanh bằng. Cách hòa thanh tạo nhịp thơ ban đầu nhanh, gấp, hối hả, sau đó giãn ra, kéo dài thanh thoát phù hợp với mạch cảm xúc trong bài.

 Con chào mào là một bài thơ giản dị, nhưng giấu kín trong đó cả một thế giới đa tầng, đa âm, gợi ra những điều buộc người đọc phải suy ngẫm.

Nhà thơ Mai Văn Phấn

Tầng thứ nhất, bài thơ là câu chuyện dung dị của nhân vật Tôi với hành trình nhận thức về mối quan hệ với tự nhiên. Bài thơ mở đầu với hình ảnh con chào mào xinh đẹp “đốm trắng mũ đỏ”, với tiếng hót lảnh lót rộn rã, trong một không gian khoáng đạt, rộng rãi “trên cây cao chót vót”. Hình ảnh con chào mào “đốm trắng mũ đỏ” như một ám ảnh chủ quan, không hề nệ thực. Đây là điều khá thú vị trong sáng tạo thơ, sẽ khó cắt nghĩa nếu chỉ nhăm nhăm tìm kiếm hình ảnh bên ngoài để đối chiếu. Nó như một tín hiệu màu sắc vụt ra trong sâu thẳm tâm thức nhà thơ, gợi dẫn về một cái gì mơ hồ, trừu tượng, nhưng rất có ý nghĩa, trước hết với chính chủ thể trữ tình. Trong thơ, không hiếm những “điểm sáng thẩm mĩ” như thế, thách thức cái gọi là sự tương thích giữa hình ảnh thơ với cái thực ngoài đời. “Nụ tầm xuân” vẫn cứ nở “xanh biếc” trong ca dao, mặc cho trên cành tầm xuân, hoa vẫn tươi hồng; màu thời gian trong thơ Đoàn Phú Tứ vẫn “tím ngát” như tự thuở nào, mặc cho từ trước đến nay chưa một ai nhìn ra cái màu ấy; mặt trời trong câu thơ Huy Cận ở bài Đoàn thuyền đánh cá vẫn cứ điềm nhiên “xuống biển như hòn lửa” dù thực tế, ngư dân vùng biển Bắc Bộ chỉ có thể nhìn thấy “mặt trời đội biển nhô màu mới”… Trong tương quan đó của thơ, hình ảnh “con chào mào đốm trắng mũ đỏ” đâu còn là cái gì “quái đản”. Hà Minh Đức gọi những hiện tượng này là “yếu tố phi lí tính trong thơ”. Như vậy, khác với cái lôgic thông thường của tri nhận, nhà thơ rộng đường trong việc dùng chất liệu phi lí tính để đạt đến tính tượng trưng của ngôn từ, hình ảnh thơ.

Bức tranh thiên nhiên hiện ra hài hòa, sống động, một tạo tác tuyệt mĩ của tự nhiên. Vẻ đẹp ấy làm dậy lên một chuỗi những cảm xúc từ ngưỡng mộ, mê say đến khao khát chiếm hữu.

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

Nhưng thiên nhiên không chiều theo ham muốn của con người

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Có một dòng chảy gấp gáp, mạnh mẽ của cảm xúc và ý nghĩ đang chi phối toàn bộ tâm trí nhân vật trữ tình. Ham muốn chiếm hữu khiến con người làm tất cả để đạt mục đích. Nhân vật tôi ôm cả khung nắng, khung gió, cả nhành cây xanh đuổi theo con chim, hòng lấy không gian trong trẻo, tươi tắn thu hút nó. Cuộc theo đuổi dụ dỗ diễn ra trong tâm tưởng mà sức mạnh của khao khát tưởng như xô đổ cả câu chữ.

Xin được dừng ở đây để nhìn bài thơ từ mạng lưới chằng chịt của văn hóa Á Đông, nơi ý thức tôn vinh tự nhiên là một diễn ngôn tiêu biểu. Văn học Việt Nam cũng ghi nhận những ước lệ cố định về mối quan hệ hài hòa của con người với môi trường sinh thái. Đó là một quan hệ lí tưởng, thể hiện sự gắn bó sâu sắc của con người với thế giới tự nhiên. Nhưng oái oăm thay đằng sau đó là nỗi sợ sinh thái. Bởi nỗi sợ ấy mà con người luôn muốn chiếm đoạt, kiểm soát, chế ngự thiên nhiên. Sâu phía dưới lòng yêu chuộng, con người hiểu rõ sức mạnh của tự nhiên. Từ góc nhìn này, bài thơ Con chào mào đứng ở tâm điểm văn hóa khu vực. Nó cho thấy chính xác tâm lí phổ biến của con người Á Đông sau những biểu hiện của một ham mê tưởng như vô hại. Thấy được điều đó mới nhận ra ý tưởng nào chi phối phần tiếp theo của bài thơ.

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi.

Đoạn thơ trên thực sự không dễ đọc. Ngôn từ thơ đạt đến độ hàm súc nên thơ mở nghĩa ra nhiều hướng, như những vòng sóng vừa biệt lập vừa giao thoa.

Nếu nhìn từ logic tâm lí thông thường, đoạn thơ cho thấy con người không dễ buông bỏ ham muốn. Dù biết không giữ được con chào mào cho riêng mình, nhân vật trữ tình vẫn nuôi hi vọng. Người ấy vẫn mong con chim xinh đẹp đón nhận những trái cây chín đỏ, những giọt nước thanh sạch của mình như đón nhận một tấm lòng.

Nếu nhìn từ sự lí tưởng hóa, nhân vật tôi mới vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ  đã lập tức ân hận và xấu hổ. Nhận ra sự ích kỉ của mình, nhân vật trữ tình tự vẽ ra một không gian tự nhiên, giàu có, ấm áp như là món quà chuộc lỗi với con chim. Với nhân vật tôi, không gian ấy thanh sạch bởi nó không bị những ý nghĩ ích kỉ hẹp hòi làm vẩn đục.

Tác giả bài viết Đinh Thanh Huyền

Đến đây, ta hiểu thế giới tự nhiên (qua hình tượng con chào mào) không phải là đối tượng chính của lời trữ tình. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã khẳng định trạng thái hoàn hảo của tự nhiên không phụ thuộc vào ý chí của con người. Điểm hội tụ của bài thơ chính là những cảm xúc, suy tư của con người về sự ràng buộc và cách con người can dự vào tự nhiên. Bởi những ngộ nhận về vị trí, vai trò trung tâm, đồng thời sâu trong tiềm thức là nỗi sợ sinh thái, con người đã lạm dụng quyền lực, muốn nô lệ hóa tự nhiên. Họ quên mất một điều: con người là một phần của tự nhiên, con người không thể sở hữu tự nhiên mà chỉ có thể sống hòa hợp, tương giao cùng vạn vật. Thật kì quặc khi tấn công, chiếm dụng, hủy hoại chính ngôi nhà của mình, chính sinh mạng của mình. Thật vô nghĩa khi đuổi theo chiếm hữu cái đang là chính mình. May mắn thay, bài thơ đã mở ra một thức nhận giản dị mà sâu xa: Con chào mào trong bài thơ cũng như con người, có quyền sống tự do, yên ổn với môi trường của nó. Con người chỉ nên thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà không được phép chiếm hữu làm của riêng. Đó mới là ý nghĩa chân thực của sự sống.

Từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, bài thơ mở ra những tầng rất sâu, rất ấm về mối quan hệ của con người với chính mình. Không có chỗ nào dụng công, nhẹ như lời nói, thanh đạm và hồn hậu, bài thơ là một cách lắng nghe chính mình. Yêu và chiếm hữu hoàn toàn khác nhau. Khi người ta yêu tự nhiên như yêu bản thân, người ta sẽ tự do trong môi trường sinh thái vĩ đại. Nếu chiếm hữu, kẻ bị tổn thương chính là ta. Những tổn thương mà con người gặp phải hầu hết đến từ chính mình, “Kẻ gây rối đích thực nằm bên trong ta” (Dalai Lama). Kết của bài thơ gợi đến một chân lí: không mong cầu sẽ có tất cả. Đến khi nào con người biết rũ bỏ sự tham lam, nhu cầu sở hữu, chiếm đoạt, lúc ấy mọi “châu báu” của đời sống tự nhiên hiển lộ. Con người sẽ biết cách sống một cách hòa hợp với thế giới xung quanh, đắm chìm trong tiếng hót ngân vang của những tạo vật bé nhỏ và xinh đẹp như con chào mào:

triu...uýt...huýt...tu hìu...

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

                                                                           

Hà Nội, tháng 1/2022

Đ.T.H

 

1.  Hà Minh Đức (1998), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm