TIN TỨC
  • Truyện
  • Truyện hài hước: Giày nào đi cũng vừa

Truyện hài hước: Giày nào đi cũng vừa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-25 08:21:39
mail facebook google pos stwis
855 lượt xem


(Mời clik vào biều tượng trên đây để truy cập chuyên mục)

BÍCH NGÂN

Tôi được tặng quà. Quà tặng lại từ cô bạn học hồi còn học trung học. Quá bất ngờ. Bởi từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, ngoài quà của cha mẹ tặng, tôi luôn là kẻ phải tặng quà.

Tặng dài dài cho cô cho thầy từ lúc chưa mọc đủ răng cho tới lúc răng không còn đủ bộ (dù tiền mua quà là của cha mẹ và từ tay vợ) tặng cho vợ, tặng cho bồ (dĩ nhiên là tặng lén), tặng cho con và tặng cho sếp; sếp của vợ, sếp của bố mẹ vợ, sếp của con, sếp của mình, sếp của sếp… tuy hầu như không có quà tặng nào là từ cái tấm chơn tình - thứ mà ai cũng muốn có và có thể cũng có nhưng mỗi ngày mỗi teo tóp như miếng mỡ cho vào chảo lửa.

Mỗi đợt lễ tết hay ngày kỷ niệm của những nhân vật mà mình không thể không tặng quà, tôi phải lần đầu ngón tay đến mòn con ky con ốc, tính tính toán toán, gói lớn gói nhỏ, gói nặng gói nhẹ. Còn lần này, tôi được nhận quà sau một cuộc họp mặt của nhóm bạn sau hơn 20 chục năm không gặp nhau.

Đứa đông đứa tây, đứa nam đứa bắc. Đứa lên như diều gặp gió, đứa chúi xuống đất như diều đứt dây. Giờ gặp lại đứa nào tóc cũng xao xác màu sương, chỉ các cô nàng (đúng ra từng là cô nàng) là tóc còn đen (có lẽ nhờ thuốc nhuộm) và cô nàng tặng quà cho tôi mái tóc không đen màu tóc mà nâu nâu màu râu bắp. Lúc trao tôi gói quà cô nói: “Mình nhớ hồi đó cậu chạy giỏi nhất bọn…”.

Nói gì hồi đó, giờ ngoài ngũ tuần tôi vẫn chạy như ngựa. Vừa dẻo vừa dai. Vợ tôi mê chồng nhất có lẽ là khoản này. Tôi mê tôi nhất cũng là khoản này. Chạy bộ. Chạy việc. Chạy bằng, nhất là những cái bằng bằng lòng, tôi ráng hết sức để có thể tới đích, dù nhiều lúc lè lưỡi hụt hơi.

Để chuẩn bị cho những cuộc chạy dài dài, tôi luôn luyện cặp giò bằng việc chạy bộ mỗi sáng, mỗi tối và chạy bất cứ lúc nào khi có thể. Một tháng tôi chạy mòn một đôi giày Thụy Khê, nếu giày Biti’s thì ba tháng hao mất hai đôi. Khi giày sắp mòn thì vợ đã mua sẵn giày mới. Cái gì vợ cũng chọn, tôi chỉ được chọn đúng theo ý vợ.

Lần này khi tôi mang quà về tới nhà, vợ cũng là người giành mở gói quà. Khi thấy đôi giày đẹp nằm gọn trong cái hộp giấy xinh, vợ trợn mắt:

- Giày Adidas? Tiền đâu ông mua?

- Tôi không mua. Quà tặng!

- Ai tặng?

- Bạn tặng!

Vợ tôi có đức tính cao quý là không gặng hỏi như các bà vợ khác, thường là: Bạn nào, nếu biết đàn bà tặng, sẽ tru tréo lên, anh với nó chắc còn lẹo tẹo với nhau nên nó mới cho mới tặng, mà nó tặng anh cái này thì chắc mẩm anh phải thậm thà thậm thụt cho nó cái tui đang xài, mà rớ tới cái tui còn cần xài thì liệu hồn, không bị rạch mặt cũng bị xởn tóc… Còn vợ tôi khi biết chồng không phải tốn tiền mua, bả thở nghe cái phào, nhanh tay lấy đôi giày ra khỏi hộp, đặt xuống chân tôi, nói như lệnh:

- Ông xỏ chân vô coi!

Tôi tháo đôi giày da đánh xi bóng lộn (cũng nên khoe thêm, vợ tôi tháng nào cũng hào phóng mua cho tôi một hộp xi màu đen, nếu dùng cho các đôi giày không hết thì tôi cũng phải cố bôi vào những chỗ nào cần bóng cần đen) ra khỏi chân và xỏ chân vào đôi giày được tặng. Chật vật một hồi, đôi bàn chân bè bè của tôi cũng ấn được vào giày. Tôi vội đi thử. Mới đi vài vòng trong nhà đã thấy khó chịu, đôi bàn chân bị bóp lại, thôn thốn. Thấy chồng lựng xựng, vợ hỏi:

- Ông thấy sao?

- Mang giày này mà leo lên giường rồi gác chân lên gối ngủ thì chắc ấm. Nhưng…

- Nhưng sao?

- Chạy bộ thì đau chân.

- Ông tháo giày đưa tui coi!

Sau một lúc cầm giày săm soi, vợ nói:

- Giày này tuy không phải là giày sản xuất tại chính hãng nhưng ít nhứt cũng chừng vài triệu bạc. Tiếc là không phải giày đàn bà. Mà đàn ông nhà này thì chỉ có ông chân nhỏ - Tia mắt vợ từ giày chuyển sang mặt chồng - Ông làm sao thì làm miễn đôi chân ông mang được đôi giày này!

Đàn ông tử tế thường không cãi vợ. Tôi buột miệng:

- Chỉ có cách gọt chân cho vừa giày!

Vợ tôi sáng bừng cả hai mắt:

- Đúng rồi! Gọt chân cho vừa giầy. Chuyện này đâu có gì lạ. Ông làm đi!

- Đúng là “thần khẩu” hại cái da cái thịt. Cảm giác đau ê ẩm từ gai cổ chạy rân rân xuống gót, tôi vội nói:

- Nhưng chắc sẽ tốn bộn tiền. Coi chừng còn nhiều hơn tiền mua đôi giày.

Sau một giây lưỡng lự, vợ tôi nói rõ từng tiếng một:

- Ông có sổ Bảo hiểm y tế mà. Lâu nay ông có bịnh hoạn gì đâu mà tháng nào cũng đóng tiền, cũng trừ tiền lương…

- Nhưng…

- Không nhưng nhị gì hết. Ông chỉ việc xin nghỉ một nửa số ngày phép năm, còn lại mọi việc tôi lo.

Có vợ tháo vát, giỏi giang thật sướng. Tôi không phải lo gì cả ngoại trừ việc leo lên xe ôm eo vợ (dù có đi máy may hay tàu ngầm, bả cũng luôn là người “lái”), rồi sau đó leo lên xe đẩy của bệnh viện và cắn răng chịu đau khi các mũi thuốc gây tê gây mê hết công dụng. Mà cái đau da thịt xem ra cũng chẳng có gì quá ghê gớm so với việc có được đôi chân đúng cỡ kích để đi vừa giày, nhất là giày không phải tốn tiền mua.

Dường như không chỉ đôi chân tôi khỏe hơn với kích cỡ mới và đôi giày mới mà sức lực và tinh thần xem ra cũng sung hơn. Vợ tôi hỉ hả ra mặt. Tôi thì sẵn sàng chạy, chạy bất cứ ở đâu có thể chạy được và… chạy bất cứ việc gì có thể có lợi có lộc.

Mọi việc đang chạy ro ro thì tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Tôi ngừng chạy. Suýt đứng tim khi tôi nghe giọng nói của nàng: “Em về nước được cả tuần rồi, trước khi đi em muốn gặp anh…”.

Gặp lại “người xưa” thực ra cũng không quá ly kỳ hay ướt át. Khi nhận được món quà to tướng của nàng tôi cũng muốn mình rưng rưng lệ nhưng muốn rỉ ra chút nước mắt, xem ra cũng đâu phải dễ. Nó cũng khó như muốn giấu vợ món quà của người đàn bà lẽ ra đã là vợ mình.

Khác với lần trước, lần này vợ không hạch hỏi mà lẹ tay mở tung hộp quà. Lại một đôi giày thể thao. Vợ tôi la lên:

- Cũng hiệu Adidas nhưng sản xuất chính hãng hẳn hoi! - Rồi vợ vạch chỗ đính “mác” chìa ra trước mắt chồng - mác ing ghét man, ông coi nè!

Tôi vừa cầm đôi giày, vợ lại ra lệnh:

- Ông mang vô coi!

Giầy rộng rinh. Lúc mua đôi giày này chắc “người xưa” không ngờ cái gót chân của cố nhân bị xẻo. Cũng may là nàng không biết. Nhưng không may cho tôi là nàng lại nhớ đúng cái cỡ chân khi cái gót chân của người tình chưa bị gọt.

- Còn nửa số ngày phép, ông nghỉ luôn cho tôi. Lần này sẽ đơn giản hơn lần trước…

- Bà định…

- Chân ông chỉ cần độn thêm cái gót là đi vừa! - Bả lại ngắm nghía đôi giày chính hãng - Giá đôi này ít nhứt cũng gấp 10 lần đôi trước.

- Nhưng…

- Không nhưng nhị gì hết. Thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi độn mông độn má độn mũi độn cằm, còn ông chỉ độn có hai cái gót chân. Chuyện nhỏ!

Đúng như vợ nói. Chuyện cắt gót rồi độn gót quả là chuyện quá nhỏ. Nhỏ nhưng hiệu quả thì bự chảng từ chuyện xẻo gọt rồi độn đắp. Giờ thì cặp giò tôi có thể chạy như một vận động viên thứ thiệt. Cuộc đua nào tôi cũng tham gia. Cuộc chạy nào tôi cũng tới đích. Và quan trọng hơn là cỡ giày nào, loại giày nào, tôi cũng đi vừa.

Phú Lợi, 18.2.2014.

Nguồn: Báo Lao Động (https://laodong.vn/)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trầm cảm - món quà của năm 2021 | Huệ Nhi
Tác phẩm dự thi Truyện ngắn hay 2022
Xem thêm
“Khi nhà vắng cha” – Truyện ngắn của Hồ Xuân Đà
“Gỗ” đã dậy thì rồi, mụn đã nổi lộ nhô đầy trán, mỗi sáng thức giấc là cơ thể nó đã khác hơn ngày hôm qua quá nhiều. Giọng nói ồ ồ như thể là một thanh niên, lý lẽ dài dòng hơn, luôn có lý do biện hộ cho hành động của mình là đúng, không cần biết giới hạn hiểu biết của mình chỉ mới là bước đầu. Có khi mẹ giận nó tới mức bỏ bữa không ăn cơm, không ra khỏi phòng, nó mới thấy chút hối lỗi, ăn năn, tìm kiếm câu chữ nhắn tin cho vui lòng mẹ.
Xem thêm
Bài học tuổi thơ
Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể... Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi:
Xem thêm
Ông Cá Hô
Làng tôi là một cù lao nhỏ nằm giữa sông Hậu, nhỏ đến nỗi chỉ đi dạo một buổi chiều là hết. Người ta gọi nó là Cồn Te, dài cũng được vài ba cây số nhưng bề ngang mỏng dính, đứng bờ bên này nhìn thấy bờ bên kia.
Xem thêm
Hồn của đất
“Tới đây sứ sở lạ lùngChim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê”
Xem thêm
Em đây, chị ơi!
Ngày thứ 7 đợt giãn cách xã hội đầu tiên của thành phố, cái răng số 36 của Ng bị đau. Những cơn đau âm ỉ về đêm.
Xem thêm
Covid đi qua, tình yêu ở lại
Sài Gòn giãn cách tới lần thứ năm... Thành phố rơi vào trầm cảm bởi những con số mỗi ngày tăng lên đến hàng bốn chữ số, phố như hóa thạch, như đóng băng.
Xem thêm
Chất ngọc
Ở đất Hào Dương có gã Sầm Hiệu sống nghề cày cuốc, tính tình thẳng thắn nhưng rất thô lỗ, cộc cằn.
Xem thêm
Góc hài hước: Ái tình theo khẩu phần
O. Henry (1862-1910) là nhà văn Mỹ, cây bút sở trưởng vể truyện ngắn, ông đã sáng tác hàng trăm truyện ngắn.
Xem thêm
Vương quốc mộng mơ
Tiểu thuyết “Mộng đế vương” và các truyện ngắn “Khai khẩu”, “Vương quốc mộng mơ”… của Nguyễn Trường từng gây được tiếng vang trên văn đàn
Xem thêm
Vở diễn cho nhà phê bình
Vẫn như mọi khi, nhà phê bình ngồi ở hàng ghế thứ 12 và mở sẵn sổ tay chờ màn mở. Vở kịch bắt đầu. Trên sân khấu có một chiếc bàn.
Xem thêm
Hoa sứ nở trái mùa Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Cơn sốt vật vã cả tuần nay chưa cắt hẳn, người Đại nóng ran, miệng khô ráp. Đã thế, mới đầu mùa khô mà cái nắng trên đất Lào cứ gay gắt. Ngân ngồi bên, cầm chiếc quạt nan quạt lấy quạt để, nhìn anh trìu mến: “Cố lên anh”. Đại nhìn Ngân trong mơ màng. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng lấm tấm vài nốt tàn nhang với ánh mắt rạng rỡ khi cười không giống lần đầu mới gặp.
Xem thêm
Minh Châu tỏa sáng - Truyện ngắn của Nguyễn Trường
Truyện lịch sử về Huỳnh Công Lý, Phó Tổng trấn Gia Định
Xem thêm
Anh nhớ em muốn chết! - Truyện hài hước của Bích Ngân
Đã là đàn ông, ngoài đàn bà, thứ không thể thiếu, dĩ nhiên là bia rượu. Thiếu chất đưa cay chẳng khác gì cờ không gió, ỉu xìu, thảm hại.
Xem thêm
Chiếc ghế rỗng
Truyện ngắn Nguyễn Thu Hà (Văn nghệ số 12/2021)
Xem thêm
Mồ côi | Truyện ngắn
Tác giả: Lê Hoàng Kha
Xem thêm
Phiên chợ chiều – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà
Đã mấy hôm rồi, cứ rao mãi, sắp khàn cả giọng cũng chỉ với câu: “Cá rô phi 30 ngàn/1 kg, cá diêu hồng 50 ngàn/1kg, tép 10 ngàn/1lạng bà con ơi, ghé vô, cân đi, vừa tươi vừa rẻ, nhanh nhanh chị em ơi, có ngay bữa cơm chiều cho gia đình”. Tiếng cô Ba vừa rao, vừa thoăn thoắt cái kéo cắt đầu tép, cho thật gọn gàng để mong người mua hài lòng, về nhà đỡ đi phần nào giai đoạn chuẩn bị làm bếp. Vừa làm cô vừa rao, người mua đến đâu thì cô làm cá đến đó. Tay luôn tay, miệng luôn miệng. Nhìn sang hàng rau cải kế bên, người ta dùng cái loa, thu âm giọng nói của chính họ rao hàng thật tiện lợi.
Xem thêm
Chảy đi sông ơi! | Truyện ngắn Hoàng Phương Nhâm
Không hiểu sao mấy hôm nay tôi cứ cảm thấy bồn chồn, khắc khoải đứng ngồi không yên.
Xem thêm
Những đêm sau chiến tranh | Thu Trân
Truyện ngắn đăng báo Văn nghệ 18+19/2021.
Xem thêm