TIN TỨC

Đâu là sức mạnh của nghệ thuật?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-15 15:59:12
mail facebook google pos stwis
1302 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG
(Đọc tập truyện ngắn “Bước không qua số phận” của Đỗ Duy Ngọc - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2022)

Tôi quen anh Đỗ Duy Ngọc cũng đã trên ba mươi năm, biết anh là họa sỹ có tài, có tranh đẹp, là “Vua bìa sách” phía Nam; mãi gần đây đọc facebook thấy anh than phiền về một người “đạo” truyện ngắn “ Có một người tên V. Huy” của anh, làm tôi tò mò tìm đọc: Truyện  khá ấn tượng, thảo nào tay thanh niên nọ không cầm lòng đặng. Từ đó tôi tìm đọc truyện của Đỗ Duy Ngọc. Đặc biệt  khi anh gửi cho tôi tập truyện ngắn “Bước không qua số phận” dày gần 300 trang, với 29 truyện, làm tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

Đỗ Duy Ngọc là họa sỹ, từng du học bên Pháp, lấy vợ Tây nên “vi vu tiếng Pháp giọng Paris và hơn thế nữa là dùng ngôn ngữ từ Sorbonne ra”. Nghề chính là hội họa, còn viết văn thì theo kiểu “tài tử” thích thì làm nên văn anh hồn nhiên, chủ yếu viết về những trải nghiệm trong đời, đắng cay, ngọt bùi... có cả. Nhưng chính cái tự nhiên như nhiên ấy lại là thế mạnh trong truyện của anh. Phần lớn truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc kể ở ngôi thứ nhất, tác giả xưng tôi. Truyện chủ yếu là viết về số phận của bạn bè từ ngày bé thơ đến kết thúc cuộc đời. Những con người đi qua thời cuộc, chịu tác động của thời cuộc đầy éo le, đầy bão tố, và kết thúc trong bi kịch đẫm nước mắt.

Truyện “Bước không qua số phận” là truyện vừa thì đúng hơn, gồm 9 chương, dày đến hơn 50 trang in. Tác giả xưng tôi, kể về người bạn tên Nhân, một cậu học trò có nhiều tài: Học giỏi, đá banh siêu, đánh cờ tướng cừ, lại võ nghệ thâm hậu. Người ta thường gọi là Siêu Nhân. Người giỏi như thế lại là con của quan Đốc học khá giả, tưởng tương lai rộng mở. Nhưng thầy tướng số phán: “Cậu Nhân tướng tốt, thông minh hơn người, nhưng ánh mắt lộ hung quang, tôi e cậu ấy không học được chữ nhẫn, sẽ phải phạm tội sát nhân, hậu vận xấu lắm”. Quả vậy, được du học ở Paris nước Pháp, Nhân trở thành lãnh tụ sinh viên ủng hộ chế độ Việt Nam Công hòa, mâu thuẫn với Thành, cậu sinh viên phe thiên tả ủng hộ biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Trong một trận cãi nhau, Nhân đã bay đến đá gãy cổ Thành. Thành chết ngay lập tức. Nhân bị bắt, rồi bị dẫn độ về Việt Nam để xét xử. Tuy vậy Nhân vẫn là người có bản chất lương thiện. Nhân đáu đớn chứng kiến người vợ tự tử vì cùng đường tủi nhục và khốn khó, trong đó có lỗi của anh vì quá quẫn bách đã bán đi chiếc đàn Piano vốn là vật yêu quý cả đời của vợ, thậm chí cô đã phải đổi  bằng trinh tiết để giữ nó. Chiếc đàn mà trong lần xuất ngoại đi du học, Nhân đã ao ước sẽ kiếm tiền mua cho nàng loại tốt nhất, đắt nhất thế giới. Cuối cùng Nhân cùng có tiền mua được cây đàn mơ ước đem ra mộ vợ, anh đã khóc suốt đêm bên nàng rồi đốt cây đàn để tặng nàng dưới suối vàng. Hình ảnh “Nhân đã bay từ chiếc xe ba gác đẩy hai mẹ  con ngả sấp phía bên kia đường và nhân kẹt đôi chân trên đường rầy, những bánh xe lửa nghiến qua nét bét” thể hiện chất Người còn sót lại trong Nhân, dù anh đã phải trải qua biết bao biến cố đau thương. Cuộc đời Nhân đã xảy ra đúng như số mệnh đã định trước.

Truyện “Có một người tên V. Huy”, “Chuyện chú A Tỷ và Tiểu Thanh”, “Alain De Lai”, “Ba thằng bạn”, “Một chuyện xóm cụt”... Đều có chung mô típ những người thân, những người bạn của tác giả vốn nghèo khó, phải trải qua biết bao bi kịch của cuộc đời, nhưng dầu vậy họ vẫn giữ được thiện lương, biết sống và hy sinh vì người khác, những nét đẹp trong tính cách điển hình người Nam bộ.

Những truyện nói trên đều được viết bằng thi pháp hiện thực nghiêm ngặt. Tuy vậy trong tập truyện ta cũng bắt gặp một vài truyện ảnh hưởng của dòng văn học hiện thực huyền ảo, đó là truyện “Người đi trên trời” và “Ảo ảnh”. Truyện “ Ảo ảnh”, kể về nhân vật tên Hân, vào thời  bao cấp, đất nước còn chìm trong nạn thiếu đói: “Hân đói, cả xã hội nghèo, thiếu ăn, ai cũng gầy với đôi mắt thất thần và cái bụng lép kẹp, chẳng ai giúp được ai”. Bữa đó Hân đói lắm rồi, từ sáng đến chiều không có tí gì vào bụng. Hân trông thấy bà cụ bán bánh ít nhân đậu mà nhiều lần anh từng mua, giá như có được cái bánh ấy thì... Nhưng bây giờ Hân không còn tiền, bà cụ chỉ có chục cái bánh bày trên cái thúng đã cũ như con người cụ. Bà cụ nghèo, vốn liếng chẳng bao nhiêu. Ý không định nhưng chân Hân cứ bước đến bên thúng bánh của cụ. Cuối cùng Hân cũng thốt nên lời: “Cụ ơi hôm nay cháu không còn tiền, cụ cho cháu thiếu được không”. Bà cụ ngần ngừ chép miệng: “Khổ thế cơ à! Ối giời, thời thế gì mà ai cũng khổ thế này? Khổ đã khổ rồi, cậu cứ xơi bánh đi, hôm nào có tiền gửi cho tôi cũng được, trông cậu xanh quá, chắc đói lắm rồi hử?”. Hân ăn hai cái bánh, tối đó bụng mới đỡ réo sôi, đêm mới ngủ được. Hôm sau anh đi Biên Hòa mấy ngày, trở về Hân không thấy bà cụ ngồi ở góc đường đó nữa. Bữa nhớ bữa quên, anh vẫn chưa trả được tiền cho cụ. Rồi anh vượt biên, sang Mỹ, làm ăn khá dần, trong một lần về Sài Gòn anh đi tìm cụ bán bánh năm xưa, tìm khăp khắp nơi, hỏi thăm rất nhiều người, vẫn không ai biết bà cụ, mà cũng đã hơn hai mươi năm rồi còn gì. Một đêm anh nằm mơ thấy có anh xe ôm gần ngã tư nơi năm xưa bà cụ ngồi bán bánh, biết bà cụ. Anh lại ra ngã tư tìm và đúng như giấc mơ, anh xe ôm là con rể cụ. Anh chở Hân về nhà, vật đập vào mắt Hân là trên bàn thờ di ảnh của cụ. Anh vét hết số tiền còn lại để lên bàn thờ cụ mà khấn: “Món nợ này con suốt đời nợ cụ, mong cụ siêu thoát mà tha lỗi cho con”. Khi trở ra, bỗng nhìn thấy cụ đang ngồi bên đường như năm xưa vẫn ngồi, anh vội băng qua đường tiến về phía cụ thì bị một chiếc xe bus băng ngang che tầm mắt. Khi anh bước qua bên kia đường thì không còn thấy bà cụ nữa. Truyện nhuốm sương khói huyền ảo nhưng có lý. Anh sinh viên Hân và bà cụ đều rơi vào cảnh huống quá nghèo khổ, nhưng họ không đánh mất lương tâm và lòng nhân ái. Chỉ hai cái bánh như bữa cơm phiếu mẫu, nhưng anh sinh viên nghèo nhớ mãi và lúc đã có tiền cũng không còn cách nào để trả ơn. Truyện làm ta xúc động.

Truyện “Người đi trên trời” lại là tình huống khác. Nhân vật chính không biết cha mẹ là ai, lớn lên trong cô nhi viện, cũng được học hành tử tế, ra trường làm giáo viên. Nhưng cuộc đời hắn gặp toàn chuyện xui xẻo: Hắn bị mất việc, bị mất xe máy, vợ thì ngoại tình mang hết của cải theo trai. Hắn bị đẩy vào bước đường cùng, toan tự tử : “Hắn đứng trên thềm balcon rồi nhảy xuống trần gian lộn xộn phía dưới. Ra khỏi khoảng không, hai chân hắn quơ quào trong không khí như bản năng sinh tồn và rồi hắn cảm thấy như đang đi trên mặt đất, hai chân chạm vào không khí nhưng lại vững chãi như đứng trên nền nhà. Hắn bước đi, những bước chân chẳng khác chi đang đi trên đường. Hắn ý thức rằng điều huyền ảo đó chính là sự thật. Hắn đã đạt được giấc mơ của quá khứ”. Từ đây hắn “Xa cách mặt đất đầy đầy khói bụi, là thoát cảnh chen lấn của trần gian, là một mình một cõi khi mọi người phải luồn lách mà sống”. Điều kỳ diệu đến với hắn chỉ có thế, hắn không những không mang đến điều có ích cho hắn, cho xã hội mà còn chuốc lấy đầy những phiền toái: Hắn phải trốn tránh các nhà báo, các máy quay phim rình hắn để chộp nhứng pô ảnh, những thước phim nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của người đời. Thậm chí hắn bị bắt vào đồn công an vì nghi ngờ có âm mưu gì đó. Cuối cùng hắn làm một cú nhảy vào không khí, nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra, hắn bị ngã gãy chân, phải nằm bệnh viện, phải ngồi xe lăn, hết còn đi trên trời, thậm chí đi dưới đất cũng không xong. Truyện như ngầm triết lý, người ta với ước mơ cỏn con thì dù có điều kỳ diệu đưa đến cũng vẫn là người vô tích sự.

Đỗ Duy Ngọc cũng có vài truyện ngắn luận đề. Đó là truyện “Con nhồng” và “Chuyện chú chim họa my còi cọc”. Truyện ngắn Con nhồng, kể về một người tuổi cao sang định cư tại Pháp, nhớ quê hương, thèm nghe tiếng Việt nên tham gia vào cộng đồng người Việt. Nhưng “Mấy tổ chức này lung tung quá, có nhiều khuynh hướng chính trị quá, lại cứ cãi nhau như mỗ bò, tranh giành danh hão... nên anh rút lui dần”. Anh quen một bà cụ có con nhồng biết nói tiếng Việt, dù chỉ một câu “Trời ơi”, thì vẫn là thứ tiếng anh cần nghe. Thấy anh thích, bà cụ tặng lại anh con chim. Anh hàng ngày chăm sóc cho nó, dạy nó nói thêm một vài tiếng Việt. Trong một lần phải đi qua Mỹ một tháng, anh nhờ người  hàng xóm chăm sóc con nhồng. Khi về thì con chim đã bị người Mỹ dạy nó nói “Oh my god” thay cho tiếng “Trời ơi”, “Hello” thay cho “ Xin chào”. “Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt tóe lửa. Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ... Anh chỉ cần nó nói tiếng dân tộc anh, quê hương xa tít của anh để anh thấy gần gũi với quê nhà...Lão thủy thủ già không hiểu điều đó, lão đâu có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để giải thích.” Lão cho chim ăn hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão, lão cho chim uống rượu Whisky. Anh chỉ cho chim uống nước lã, ăn bánh Croissant. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống nên anh không làm sao dạy nó nói “Trời ơi” được nữa. Bất lực, anh đành thả con chim “ Trời ơi” về trời, bởi nó đã quên tiếng Việt rồi. Câu chuyện hẳn là không phải chuyện chim, một ẩn dụ thú vị về con người.

“Chuyện chú chim họa my còi cọc” thì có vẻ ngược với suy nghĩ thông thường của nhiều người. Linh nhận về nuôi con chim họa my mới ra ràng, yếu lẩy bẩy, một phần sống, mười phần chết,  anh dùng nhiều công sức vào chăm sóc cho chim, dần dần chú chim cũng sống sót, lớn lên, nhưng bởi xuất phát điểm quá nhỏ bé, còi cọc nên con chim không to như những chú họa my thông thường. Bù lại chú hót rất hay. Linh yêu chú lắm, anh càng dành nhiều thời gian chăm sóc cho chim. Nhưng một bữa chị Hai của Linh đến chơi, thấy chú chim bị giam trong lồng tội nghiệp, chị khuyên Linh nên giải phóng cho chim được tự do. Chị Hai là người tu đạo, rất có lòng từ bi. Nhưng Linh không chịu, bởi anh gắn bó với chim như người bạn nhiều thời gian rồi. Anh cũng thích tiếng hót của chim. Con chim cũng rất quý mến Linh. Một lần Linh đi công tác về thì không thấy chim trong lồng nữa, chị Hai đã thả chim ra. Tội nghiệp con chim, quen được chăm sóc đầy đủ từ lúc mới ra ràng, cho nó ra tự nhiên thì làm sao sống được. Con chim lại tìm về nhà, đập cánh bên ngoài cửa sổ đã đóng chặt trong đêm mưa gió. Rồi Linh tìm thấy xác con chim ở trong vườn. “Trong chúng ta đôi lúc cứ nghĩ làm việc thiện, thật ra đang làm việc ác, mỗi người, mỗi sinh vật đều có cách sống riêng của nó. Cách sống đó tạo ra từ hoàn cảnh, từ thói quen. Anh bắt người ta ra khỏi thói quen đôi lúc anh trở thành kẻ sát nhân”. Tưởng không cần phải bàn thêm vì câu chuyện của tác giả đã thể hiện hết những gì cần nói rồi.

Trong tập truyện, thỉnh thoảng gặp nhưng “cặp đôi hoàn hảo” như thế. Đỗ Duy Ngọc thường dùng phương pháp kể chuyện hơn là dựng truyện, nhưng vì sao truyện của anh hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối, từ truyện này sang truyện kia? Phải chăng bởi tại anh có vốn sống vô cùng phong phú nên đan truyện bằng những sợi dây lấp lánh sắc màu của chi tiết. Như trong truyện “Bước không qua số phận” tác giả kể về Nhân, nhưng chi tiết rất thật, rất độc đáo: “Học chung lớp với Nhân, càng ngày tôi càng thấy hắn giỏi, nhất là những môn toán, lý, hóa. Thầy dạy môn toán tên Thanh, thầy dạy rất hay, học trò rất mê. Thầy Thanh lúc nào áo quần cũng chải chuốt, tóc chải dầu bóng lưỡng, cách đi giọng nói rất điệu. Thầy hay cho làm toán chạy, tức là thầy đọc đề xong, trong năm hoặc bảy phút sau thầy chỉ nhận mười bài giải nộp nhanh nhất. Nếu giải đúng thầy cho điểm tối đa, còn giải sai thì khỏi có điểm. Nhân luôn luôn là người giải bài nhanh và đúng nhất. Khi nào hắn nộp trễ hơn một chút thì có nghĩa hắn giải bài toán đó bằng hai cách khác nhau. Lúc lên bảng giải toán hình học, hắn vẽ hình bằng tay trái còn tay phải ghi lời giải. Thầy Thanh nể hắn lắm, gặp thầy nào thầy Thanh cũng ca ngợi Nhân. Thầy còn bảo với Nhân là vào giờ của thầy, hắn không cần ghi chép, muốn làm gì thì làm. Các thầy dạy môn lý, hóa cũng bảo hắn thế.”

Còn về truyện “Có một người tên V. Huy”, phải có kiến thức khá sâu rộng về ngôn ngữ lẫn ngoại ngữ mới tả được nhân vật của mình: “Hắn là một thằng thông minh, rất thông minh. Và cũng uyên bác, rất uyên bác. Tôi là người rất ngạo mạn, ít khen ai và cũng ít nể ai, luôn khinh khi những thằng tiến sĩ dỏm nhiều như quân Nguyên chạy đầy đường. Nhưng gặp hắn, quen hắn, biết hắn thì tôi phải khen ngợi hắn thật lòng. Hắn nói tiếng Anh như dân xuất thân từ Oxford, đúng giọng và ngữ điệu. Hắn vi vu tiếng Pháp giọng Paris và hơn thế nữa là dùng ngôn ngữ từ Sorbonne ra. Hắn nói tiếng Ý như mưa rào và tiếng Nga thì thôi rồi, nghe không khác gì Putin. Hắn cũng giỏi tiếng Hán, viết thư pháp như múa, đặc biệt là chữ thảo, đọc toàn sách cổ văn, đọc tiếng Đức ầm ầm như bão tố. Ngoài ra hắn còn giỏi tiếng Bồ Đào Nha, đọc kinh Phật bằng tiếng Pali và nói thông thuộc tiếng Khmer. Hay nhất là dù hắn có mười mấy năm ở nước ngoài, có bằng Tiến sĩ ở Nga nhưng lại nói tiếng Việt rất chuẩn, tròn vành rõ chữ và dùng từ thì không chê vào đâu được. Nói một cách khách quan, xét về mặt ngôn ngữ, hắn là thằng trùm thiên hạ.”

Tại sao tác giả lại đặt tên cho thiên truyện dài nhất, hay nhất cũng là tên cho cả tập: “Bước không qua số phận”?  Có vẻ như Đỗ Duy Ngọc chịu ảnh hưởng của thuyết nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật? Nhưng khi đọc truyện ta thấy không phải vậy, hình như ông muốn mô tả về thời cuộc mà mỗi con người phải trải qua, đúng như nhà thơ Éptusencô đã nói “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Bởi vậy ta không ngạc nhiên khi hầu hết các truyện của Đỗ Duy Ngọc đều trải qua hai thời kỳ, trước và sau ngày đất nước thống nhất. Con người sống qua hai thời kỳ, hai chế độ đó số phận ra sao... chính là nội dung của cuốn sách muốn gửi gắm. Bởi muốn truyền tải được tối đa những tư tưởng, Đỗ Duy Ngọc đã chọn cách viết chân thật, trước hết thuyết phục độc giả tin vào điều mình kể, khi tin người ta dễ đồng cảm với tác giả, qua đó lay động được trái tim người đọc. Đó cũng chính là sức mạnh của nghệ thuật.

(Bài đăng trên Văn nghệ số 29 ra ngày 16/7/2022)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Kẻ cày mây thu và gieo trồng muôn dặm sao
Bài viết của Tuần Trần về tập thơ “Những đám mây mùa thu” của Trần Quang Khánh
Xem thêm