- Lý luận - Phê bình
- Đọc thơ Lê Quang Sinh | Hữu Thỉnh
Đọc thơ Lê Quang Sinh | Hữu Thỉnh
HỮU THỈNH
Lê Quang Sinh thuộc thế hệ các nhà thơ xuất hiện và trưởng thành sau chiến tranh. Sau khi lấy bằng kĩ sư thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh vào lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh một thời gian dài, sau đó anh trở thành cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến nay anh đã in gần mười tập thơ. Anh sống và làm việc ở thành phố, nhưng thơ anh lại chủ yếu viết về nông thôn, đặc biệt là vùng quê của anh. Đó là một vùng quê trung du nằm bên bờ sông Mã. Dòng sông ấy, vùng quê ấy đã đi vào thơ anh với biết bao kỉ niệm thời thơ ấu. Chúng ta đã bắt gặp sông Mã dữ dằn trong thơ Quang Dũng, thì sông Mã trong thơ Lê Quang Sinh lại là con sông hiền hòa, nên thơ với vẻ đẹp kì vĩ:
Sông Mã ơi tạc giữa trời xanh
Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng
(Xin làng trồng lại cây đa)
Các nhà thơ Hữu Thỉnh và Lê Quang Sinh
Dòng sông và con người hiện ra như hai vế đối. Đối lại với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên là vẻ đẹp nên thơ và quyến rũ của con người. Câu thơ của Lê Quang Sinh rất gợi và có sức ám ảnh. Dòng sông đó không chỉ đẹp mà còn là dòng sông bồi đắp, nuôi người:
Dòng sông quê bao mùa trăng tròn khuyết
Câu hò nào chở mẹ nắng chang chang
Truông cát trắng, dây bầu trườn xanh biếc
Dế kêu sương trong túi áo mục đồng
(Những sợi gió)
Cần cù làm lụng là thế nhưng bao năm vẫn không cất đầu lên được. Cái nghèo, cái khó cứ bám riết như một định mệnh.
Cha còng lưng mót sắn trên đồi
Đuôi sắn sót găm mầm gianh độc
Đá núi làng đêm ấy vã mồ hôi
(Những sợi gió)
Viết về quê hương, Lê Quang Sinh không chỉ thấy mặt nghèo khó, mà còn thấy biết bao vẻ đẹp anh hùng. Đó là lòng yêu nước, thương nhà, dũng cảm hi sinh vì nghĩa lớn. Tiếp bước cha anh, biết bao người con đã mạnh bước lên đường cống hiến tuổi xuân ở mọi nẻo chân trời. Họ chấp nhận khó khăn, thử thách và hi sinh thầm lặng như những người anh hùng:
Đứa nằm lại rừng sâu
Đứa ngào vào sông nước
Tiếng gọi mẹ cuối cùng tức tưởi
Cái nhìn cuối cùng hấp hối cơn giông.
Gió ơi, chớ lật cành rụng lá,
Nắng ơi nhạt đi, cho lưng mẹ bớt còng!
Chiến tranh qua rồi đã bao nhiêu năm
Đôi mắt mẹ vẫn không rời phía ngõ
Đôi mắt mẹ nhòa trong trời chiều.
(Đôi mắt mẹ)
“Đôi mắt mẹ vẫn không rời phía ngõ”, nghĩa là cuộc chiến tranh chưa hề kết thúc. Đau đớn là vậy. Mẹ không thể chấp nhận con mẹ đã hy sinh, nó chỉ còn bận việc chi đó chưa về. Câu thơ của Lê Quang Sinh chạm tới nỗi đau sâu thẳm của lòng người. Anh tuy không phải người lính trải qua chiến tranh, nhưng viết về chiến tranh như thế là rất sâu sắc. Tuy những hi sinh, mất mát trong chiến tranh là không gì bù đắp được và không thể nào quên, nhưng cuộc sống đang hồi phục trong hòa bình là không gì cưỡng nổi. Những người lính từ chiến trường trở về mang theo bao khát vọng về hạnh phúc. Những đám cưới sau chiến tranh được tổ chức thật giản dị và cảm động:
Mẹ cười bỏm bẻm miếng trầu
Cha ra đứng đón con dâu tận đò
Một vùng đầy ắp tiếng hò
Tuổi thơ anh bỗng gió lùa đầy vơi.
(Về quê)
Từ thực tiễn ở làng mình Lê Quang Sinh mở rộng tầm nhìn để tiếp cận với hiện thực lớn lao của đất nước. Anh tỏ ra cảm thông sâu sắc với những người vợ mất chồng phải chịu đựng những năm tháng lẻ loi đầy thương cảm. Câu thơ có nhiều xa xót mang được tiếng nức nở nội tâm
Lại một chiều cùng năm tháng mất anh
Đêm thương chị nuốt vào mình nước mắt
Lấy công việc làm niềm vui thường nhật
Mượn lo toan lấp khoảng trống đời mình
…
Chị tôi ngồi soi bóng xuống chị tôi.
(Chị)
“Chị tôi ngồi soi bóng xuống chị tôi” là một câu thơ có sáng tạo. Tác giả biết giấu đi những chữ cô đơn, hiu quạnh, đau đớn để tạo ra một pho tượng sống. Câu thơ thật xúc tích mà nói được sự hi sinh lớn lao của những người vợ liệt sĩ. Một số chị khác cũng trải qua những thử thách ác liệt trong chiến tranh, nhưng may mắn hơn là tìm thấy hạnh phúc trong hòa bình. Lê Quang Sinh viết về một nữ du kích ở Đồng bằng sông Cửu Long rất cảm động
Giặc treo đầu giải thưởng
Săn lùng chị khắp nơi
Bom đạn và chất độc
Mưu ma và sói người.
Ác liệt và hiểm nguy không làm chị nao núng. Chị bám trụ, đánh giặc, bám dân, bám đất. Gian khổ mấy, đau thương mấy cũng không hề rơi nước mắt. Nhưng khi hòa bình lập lại, lần đầu tiên nghe tiếng trẻ con khóc, nhất là đó lại là đứa con mình dứt ruột sinh ra, chị đã không cầm nổi nước mắt
Trở về, được làm mẹ
Vòng tay chị mênh mông
Lần đầu nghe trẻ khóc
Mắt chị bỗng lòa dần.
(Người du kích ấy)
Lê Quang Sinh rất có ý thức về đổi mới thơ. Đổi mới Thơ theo anh trước hết là đổi mới từ trong tâm hồn, trong cảm xúc. Đó là sự đổi mới của cách nhìn, cách cảm với hiện thực, làm cho thơ gần với đời sống hơn, độc đáo mà khái quát, mới mẻ nhưng vẫn gần gũi với cách cảm nghĩ của dân tộc. Làm được như vậy đương nhiên là rất khó. Lê Quang Sinh biết tựa vào cảm xúc. Từ cảm xúc câu thơ biến hóa vô thường, cách nói trở nên mới mẻ, nhiều tầng vỉa, tạo nên những hiệu ứng bất ngờ
Tôi xới tung ký ức – Gia tài mình cất giữ
Cái trinh nguyên – Nức nở
Niềm đam mê như chiếc lá bay vèo
Có gì đó ngổn ngang, vội vã
bỗng tưng bừng như gương mặt đang yêu
(Những mảnh vỡ cảm xúc)
Nhân vật trữ tình trong thơ Lê Quang Sinh là một cái tôi thoáng rộng, ẩn hiện muôn màu. Nó biến hóa giữa tình và cảnh, giữa vốn sống và trải nghiệm, tạo ra sự bịn rịn chan chứa tình người. Người đọc bị lôi cuốn bởi cách nói, nó làm mềm hoá chất liệu của đời sống để chỉ còn bện chặt bởi tình người
Anh phải lòng căn nhà gỗ liêu xiêu
Xôi nếp bết tay, rêu rừng ngọt đũa
Anh phải lòng đêm sương trăng tỏ
Em mặn nồng ấm áp biết bao nhiêu
(Lời yêu gửi lại hoa rừng)
Có lúc thơ anh thu về một cách sống. Đó là sự dâng hiến. Đem cho là hành động cao cả nhất. Đó là thái độ vị tha, là quên mình vì người khác
Sống bao dung anh thành gã thợ cày
Đem phóng khoáng ươm mầm xanh kiêu hãnh
Anh là dòng sông cho nỗi nhớ xa quê
Là tiếng gà trưa xao xác lối về.
(Dòng sông cho nỗi nhớ xa quê)
Đó là những câu thơ đẹp nói về nhân cách. Người biết đem cho là người giàu có nhất. Cử chỉ đó làm cho người ta lớn lên. Lê Quang Sinh có một thái độ dứt khoát về lối sống nhân nghĩa. Đó là mạch cảm hứng xuyên suốt trong thơ anh. Nó nâng gót thơ anh trên mọi nẻo đường. Nó làm cho tâm hồn anh rộng mở và lộng lẫy, say đắm khi nghĩ về hạnh phúc. Đây chính là giá trị nhân bản của phương Đông, khác hẳn với cách sống của phương Tây lấy cá nhân làm trung tâm, coi hạnh phúc là giành giật và chiếm đoạt. Ngày nay, trong sự vận động của cơ chế thị trường chúng ta, hàng ngày được chứng kiến bao cảnh đau lòng xuất phát từ lối sống giành giật, chụp giựt, làm hao mòn truyền thống đạo đức tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc ta. Trong bối cảnh đó, ta càng thêm quý cách cảm, cách nghĩ của Lê Quang Sinh trong bài “Hoa bấn đường làng”
Về với vườn xưa, ổi nhà chín rụng
Cứ thương ông thăm thẳm cuối chân trời
Đến cây chuối cũng dài thêm mấy nải
Tiếng cuốc đồng chập choạng dính chùm đôi
Với một quan niệm đúng đắn về mối quan hệ giữa người với người, thơ Lê Quang Sinh luôn nặng tình khi viết về thiên nhiên và tình yêu. Thiên nhiên trong thơ Lê Quang Sinh là một thế giới sống động ấm áp tình người. Nhà thơ đã thả hồn ra cùng cây cối, mở lòng để cảm nhận được hết vẻ đẹp của đất trời. Anh thấy thiên nhiên luôn thấm nhuần ý nghĩa cao cả về sinh tồn, mang đậm vẻ đẹp nhân tính:
Bỏ quên mà cỏ vẫn xanh
Bởi tôi say đắm mà thành tương tư
Dòng sông bảng lảng sương mù
Tiếng chim lạc cả mùa thu mất rồi!
(Với cỏ)
Thực ra tác giả viết về cỏ nhưng cũng là viết về người, về thế giới người
- Có gì ấm áp tin yêu
mà bông giấy vỡ đỏ chiều, cỏ ơi
- Yếu mềm cũng ngọn cỏ tươi
từ trong tro lại bật chồi cỏ lên
- Vết thương đất, cỏ vá liền
đất đai có cỏ mà nên trường tồn
(Với cỏ)
“Với cỏ” là một bài thơ hay, bởi vì ở đó có bao nhiêu tình người. Bài thơ viết về thiên nhiên mà mang được ý nghĩa xã hội thật sâu sắc. Tác giả đã gửi bao tâm sự vào cỏ, nhờ cỏ nói lên những khắc khoải của lòng anh.
Trực tiếp đối diện với lòng mình, tác giả đã không tránh khỏi những phút cô đơn. Tiếc nuối vì tuổi trẻ đã đi qua, cuốn theo biết bao nhiêu kỉ niệm. Câu thơ đượm vẻ tâm sự trước biết bao nhiêu xô dạt, mất còn
Câu thơ tình viết vội
Tuổi thần tiên qua rồi
Biết bao nhiêu trang giấy
Giờ chỉ còn gió thôi
(Sài Gòn, một đêm tháng hai)
Gió ấy, thổi lộng vào tâm tư, làm nên những trận bão lòng. Tác giả có những câu thơ rất gợi với ngổn ngang nỗi niềm nhân thế. Dùng tĩnh để nói động, dùng ngoại cảnh để bày tỏ nội tâm , là việc từ xưa cổ nhân đã làm. Lê Quang Sinh vẫn dựa theo lối ấy nhưng có nhiều sáng tạo, để nói cái mênh mang của kiếp người
Lặng lẽ bạn vẫn ngồi
Rượu đêm vơi một nửa
Lặng lẽ tôi cứ ngồi
Trăng mòn dần trước cửa.
(Sài Gòn, một đêm tháng hai)
Là một người đa cảm, tâm hồn Lê Quang Sinh rất dễ rung lên trước những va chạm với đời sống. Anh rất cố gắng tìm ra cách nói riêng để tạo hiệu quả cho thơ. Đọc thơ anh người ta dễ bị cuốn hút bởi cách nói, cách tạo tứ, lập ý, lập câu. Đó là những dấu ấn riêng để lại những ấn tượng thẩm mỹ khó quên
Mở đầu bài “Giai điệu Bến En” anh viết
Nấn ná chút có đôi lời với nước
Sợ rồi xa mây trắng có loang màu
Nấn ná chút đợi tóc em ủ mượt
Con ong vàng sà xuống sắc hoa ngâu
Trong bài “Ghen” anh cảm nhận
Em sóng sánh như sông Hương ngày hội
Vườn nhà ai hoa cỏ thản nhiên mời
Còn trong bài “Một ngày xa em”, anh thổ lộ
Hè chẳng thể giấu mình lên chùm phượng
Hoa đỏ cành vì có kẻ đang yêu.
Đến bài “Cảm tác”, tác giả hạ bút
Ai gieo trời đất vào lan trắng
Để rối đường hương một khúc quanh
Tác giả nhiều lần nói đến cỏ, mỗi lần đều có phát hiện mới
Ngửa bàn tay hứng giọt sương đọng mật
Cỏ có gì tha thiết dưới chân đê
Trong bài “Thủy” tác giả đã có cách nói sáng tạo
Gió là gì để một chiều hư thực
Sao hoàng hôn cứ tím cả hoàng hôn
Là một người nặng lòng với quê hương, nay mỗi lần về thăm quê, tác giả không tránh khỏi những ngậm ngùi vì sự sa sút những giá trị truyền thống
Con về nhà nếp cũ cứ vơi đi
Chim làm tổ dưới ống luồng sau trái
(Cánh đồng lồng lộng)
Trong ngày hội trường, tác giả làm ta cảm động vì sự gặp lại người thầy cũ
Đội nắng tứ phương vẫn lội ruộng về làng
Trò tóc bạc ôm thầy tóc bạc
Thôi thì cứ mặc cho nước mắt
Thêm một lần được khô ướt về nhau
(Bên tán xà cừ)
Thơ Lê Quang Sinh vừa quen vừa lạ. Cảm xúc trữ tình trong thơ anh thật đa dạng và nhiều biến hoá. Anh rất có ý thức đi tìm cách nói mới, và trong nhiều trường hợp anh đã thành công, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Cái mới trong thơ anh trước hết là cái mới trong tâm hồn, trong mạch cảm nghĩ trữ tình mang đậm vẻ đẹp truyền thống. Sau gần 50 năm sáng tạo, Lê Quang Sinh đã trở thành một nhà thơ sung sức và có nhiều tiềm lực, mọi chiêm nghiệm, tìm tòi đang đi vào độ chín, hứa hẹn những thành công mới, xứng đáng với sự mong đợi của bạn đọc.
Hà Nội 21/6/2022.