TIN TỨC

Đối diện với độc giả || Nguyễn Trường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-24 15:53:58
mail facebook google pos stwis
893 lượt xem

NGUYỄN TRƯỜNG

(Đọc tập thơ “Đối diện chính mình” của Phạm Trung Tín)

Đối với mỗi người, đối diện với mình để vượt qua chính mình là con đường gian khó nhất. Vì ai cũng biết vượt qua giới hạn của mình phải có quyết tâm, nghị lực và khả năng phi thường. Phạm Trung Tín, với chuyện sáng tác thơ ca đã có được khả năng đó.

Đến nay Phạm Trung Tín đã xuất bản 5 tập thơ: “Dặm dài ký ức”- 2013; “Miền tâm tưởng”- 2014; “Lời của đá”- 2015; “Khoảng thức”- 2017; “Đường chân trời”- 2019. Những tập thơ đầu, Phạm Trung Tín còn làm thơ theo kiểu hồn nhiên, thiên về tả chân, thấy gì ghi nấy thông qua cảm xúc của mình. Nhưng càng làm thơ lâu năm, Phạm Trung Tín càng có nhiều kinh nghiệm qua tiếp xúc với thơ, với các nhà thơ, với kiến thức sách vở và tự chiêm nghiệm... thơ anh đã có bước tiến xa hơn so với chính mình. Nổi bật nhất là tập thơ “Đối diện chính mình”, anh đã vượt được thơ ở dạng tả chân để đến với tầng cao, nhiều tìm tòi, sâu sắc, hiện đại hơn.

Một bài thơ hay yêu cầu cần có ý tưởng sâu sắc, tứ thơ hay, cách diễn đạt độc đáo, mới lạ bằng cảm xúc với nhiều cung bậc...Đối với nhà thơ, tìm được tứ thơ hay coi như hy vọng có một bài thơ hay, chỉ còn người lao động thơ thể hiện nó bằng nghệ thuật nào. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Lao động thơ, trước hết là kiếm tứ”. Nhà thơ Huy Cận luôn đi tìm tứ thơ, thậm chí tìm tứ ở bất cứ trường hợp nào: “Có tối vô hầm trốn máy bay/ Tứ thơ chợt đến viết lên tay”. Trong tập thơ này, Phạm Trung Tín cũng có một số bài có tứ hay như bài “ Đối diện chính mình”, qua tứ thơ này tác giả rộng đường suy tư về mình, về thế giới, về thế thái nhân tình:

Cánh buồm bạt gió trùng khơi/ Hư danh ảo ảnh, vời vời thế nhân”

Hay bài “ Cắt móng tay cho mẹ”,  nói về đời mẹ, về phận con hiếu thảo, về cuộc đời...

 “Mười ngón gầy guộc nhăn nheo/ Đồng sâu ruộng cạn, đói nghèo, trả vay.../ Trời thương con được cầm tay/ Để xoa dịu bớt đắng cay phận người”

 Tuy nhiên trong tập chưa có nhiều bài như thế.

 Phạm Trung Tín tốt nghiệp cử nhân kinh tế và cử nhân triết học. Bốn năm học triết học, cùng với việc đọc sách triết, giúp cho anh có cái nhìn và cái cảm của người triết học. “Triết học thường đưa ra các câu hỏi về bản thể, nhận thức, chân lý, đạo đức, thẩm mỹ...”  Nhà triết học thường suy tư về thế giới, thường hay đặt ra nhưng câu hỏi về cuộc đời. Ta là ai? Ta từ đâu đến?... Tuy nhiên triết học và triết trong thơ khác nhau. Thơ là hương thơm, của cây nhang triết học đã được đốt lên. Trịnh Công Sơn từng học triết học trường Tây ở Sài Gòn, có lẽ vì thế ca từ của nhạc sỹ cứ vọng lên những câu hỏi hỏi tưởng vu vơ sương khói mà nghẫm thật sâu sắc: “Đi giữ mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai?”; “Làm  sao em biết bia đá không đau?”... Phạm Trung Tín cũng có nhiều câu hỏi “thơm hương” triết học trong thơ:

 “Mình là ai, bước phong trần trả vay?” (Đối diện với chính mình)

“Miền cực lạc có thảnh thơi?/ Người đau không? Nỗi đau đời buổi nay?” (Viếng mộ Nguyễn Bính thi nhân)

Thơ đòi hỏi phải có những ý tưởng, mà có lẽ người thưởng thức thơ, cái họ cần nhất là lĩnh hội được ở tác giả những ý tưởng sâu sắc. Truyện Kiều của Nguyễn Du được thế hệ này đến thế hệ khác say mê, trước hết ở giá trị tư tưởng. Không dưng mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ra tư tưởng: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, đại thi hào đã đưa ra thuyết tài mệnh tương đố. Có khi “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong từng đoạn, từng chương đều có những khái quát sâu sắc mang tầm triết học.

Còn cử nhân triết học Phạm Trung Tín có những tư tưởng gì mới? Ngay tựa sách anh đã lấy bài thơ “ Đối diện chính mình” làm tên cho cả tập, người đọc đã mường tượng được nhà thơ sẽ giải bày những sâu thẳm trong tâm hồn mình, có khi chất vấn mình. Độc giả có thể phiêu lưu vào thế giới tâm hồn của chính tác giả:

Mình đối diện chính mình thôi/ Hẹp vòng quay, chậm gót rồi, hoàng hôn/ Cộng trừ chi nữa dại khôn/ Cõi nhân sinh- rối phách hồn lạc xiêu” (Đối diện chính mình)

 Phạm Trung Tín có quãng đời đầu buồn đau vì người vợ yêu sớm đi về cõi phật. Bởi vậy ta hay thấy anh suy tư về một kiếp người, về thế giới bên kia, chính sự chiêm nghiêm, sự suy tư ấy cho người đọc nhiều cảm xúc:

 “Hiền thê ơi, Ngọc Mỹ ơi/ Nơi miên viễn ấy mây trời có xanh?” (Hai mươi mùa nhớ)

 “Trần gian oan nghiệt cỗi cằn/ Trời cao quá để nhân văn rối bời”; “ Trời mây mờ ảo khói hương/ Giếng khơi lấp cạn, góc tường cỏ che/ Đường xưa mờ dấu ngựa xe/ Nhà xưa đổi chủ- tiếng ve rã rời”  (Hai mươi mùa nhớ).

 Nhà thơ hay viết về những người bạn, người thân đã giã từ cõi tạm, đến với cõi miên viễn:

“Vẳng nghe thi khúc cồn cào/ Tái tê di ảnh, nao nao cõi lòng” (Viếng mộ Nguyễn Bính thi nhân).

 Tác giã suy tư về người bạn thơ đã an nghĩ nơi vĩnh hằng:

 “Vẫn biết trần gian là cõi tạm/ Đời người bóng nắng hắt qua sông” (Tiễn thi sỹ Đông Nguyên nơi an nghỉ vĩnh hằng)

 Có lúc anh phiêu diêu trong cõi tâm linh khi đóng vai một người con đã hy sinh trong chiến trường năm xưa, nay mẹ quy tiên, hồn con đón mẹ về trời thật cảm động:

 “Hồn con rước mẹ về trời/ Chín mươi chín tuổi chạm nơi ảo mờ/ Mẹ ơi qua những bể dâu/ Trần gian bời rối sắc màu nghĩa nhân” (Thay lời một người con liệt sỹ rước linh hồn mẹ về cõi vĩnh hằng).

 Trong tập thơ có rất nhiều bài tiển người thân, người đồng đội... về cõi vĩnh hằng, người ở lại suy tư về thế giới này, cõi đời này, đó là những ý tưởng hay, bãng lãng sương khói tâm linh, triết học.

Nếu như tư tưởng vấn đề gần như là hồn cốt của thơ, thì nghệ thuật thể hiện nó có thể là da thịt của bài thơ chăng? Bài thơ hay cần có ít nhất vài ba câu thơ hay trở lên. Câu thơ hay như là công tắc, khi bật lên nó làm sáng bừng bài thơ. Truyện Kiều của Nguyễn Du hay còn bởi trùng điệp những câu thơ hay: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Nhà thơ Vương Trọng chọn ra 100 câu thơ hay nhất trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu chọn 1000 câu thơ hay cũng có. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng có nhiều câu thơ hay trong “Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo”. Hầu như bài nào cũng có ít nhất vài ba câu thơ hay. Bởi thế tuyển tập thơ này được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Ví dụ như bài thơ “Sông Lam” có thể lẫy ra những câu thơ hay: “ Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngàng”...Kìa gió Lào thổi cong sông Lam” (Sông Lam)

Vậy câu thơ hay là gì? Câu thơ hay nằm ở hình tượng thơ độc đáo, hình ảnh được nhân cách hóa tài tình, có nhiều tầng nghĩa... Trong tập thơ của Phạm Trung Tín cũng có nhiều bài hay, nhiều câu thơ hay:

“Tình đời lạc cõi mông lung/ Tiếng trăng ngơ ngác đêm chùng hương bay” (Hồi tưởng);

 “Sóng đêm/ Biển dỗ khát mềm”(Đêm Bình Thuận);

 “Bám víu thang mây tìm ước vọng/ Tự mình huyền ảo giữa vô biên” (Tình phố núi);

 “Tỷ năm tương tác cơ hàn/ Lỡ đâu ta- quả đất tàn trước trăng” (Uống rượu cùng trăng);

 “Nắng cong bông lúa rưng rưng/ Mặn mòi gió biển nuôi rừng mãi xanh” (Ngọn nguồn hạnh phúc)...

Trong thơ còn có thi điệu. Truyện Kiều dù là thơ lục bát nhưng nhiều lúc Nguyễn Du cũng biến ảo tài tình về thi điệu, khi tả Kiều đánh đàn, nhịp thơ cũng hòa với tiếng đàn. Khi đi xe ngựa trên đường khấp khểnh ổ gà như lòng nàng Kiều ngổn ngang trăm mối thì: “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. “Đùng đùng gió giật mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Tâm trạng của Kim Trọng khi nghe Kiều đàn cũng bắt nhịp với cung đàn: “ Khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”. Trong thơ  có âm điệu, có nhịp điệu thơ. Phạm Trung Tín cũng đã có nhiều cố gắng tìm tòi cách thể hiện về thi điệu:

 “Ngỗn ngang cõi thợ, cõi thầy

 Cõi ma, cõi quỷ, vơi đầy, u mê” ( Nhịp 4,2/ 2,2,2,2) (Cõi mình);

 “Chén này: Kết nghĩa- chia phôi

 Chén này: Tạ lỗi mẹ hồi tử sinh

 Chén này: Tri kỷ tri âm

 Ba lần rót- gọi ba sinh...trùng phùng” (Rưới rượu mồ bạn).

Trong tập thơ chủ yếu là thơ lục bát, mà như ta thường nói thơ lục bát dễ làm, khó hay. Phạm Trung tín vẫn trung thành với thơ dân tộc, vậy thi pháp của Phạm Trung Tín là gì khi anh chọn cách thể hiện bằng lối thơ truyền thống? Muốn hay phải có những câu thơ “ sương khói”, hư ảo, nhiều tầng nghĩa... Có lẽ thơ lục bát của anh hay là nhờ cảm xúc bắc cầu qua những câu sang khổ rất thi điệu:

“Bồi hồi gió lạc rừng xa/ Cội thông triền dốc la đà lá ru/ Xuân Hương chiều lãng đãng mù/ Người xưa ơi- gió đồi Cù gợi trêu.

Dã quỳ xanh nụ phong rêu

Mưa giăng mắc lạnh cánh diều thảo nguyên...(Hồi tưởng)

Chúng ta để ý đến hai câu đầu của khổ thứ hai rất động, rất linh hoạt, như ngân nga một tiếng đàn. Trong các bài thơ lục bát của Phạm Trung Tín có rất nhiều câu sang khổ như thế:

... Xa xôi trăng cũng như cười

Cùng ta tròn- khuyết, chín- mười  tỉnh say

 

Mời trăng cạn nhé ly này

Men cay hóa giải đọa đày nhân gian...” (Uống rượu cùng trăng)

Đó là phong cách thơ lục bát của anh, bởi thế thơ anh có giọng điệu riêng, tiếng nói riêng làm nên “thương hiệu” thơ Phạm Trung Tín.  
 

N.T (Bài đăng báo Văn nghệ số 48, ngày 26/11/2022).

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm